Thứ Bảy, 10 tháng 8, 2013

Tu đúng pháp: Không được mê tín

Kinh tạng được khắc ghi trên lá.
Trước khi đi tu thì phải nghiên cứu cho tường tận lời dạy của Đức Phật rồi mới tu.
Hỏi: Kính bạch Thầy, Đạo Phật chủ trương phải tự cứu mình, tức là phải dùng sức tự lực của bản thân để ly dục ly ác pháp, không làm khổ mình khổ người và khổ muôn loài chúng sanh, để giải thoát sanh tử khổ đau luân hồi của kiếp người. Vậy thì, tại sao lại có các loại kinh Thủy Sám, Lương Hoàng Sám, Pháp Hoa, A Di Đà, Địa Tạng, Vu Lan Bồn... dạy toàn tha lực, tức là lo tụng niệm van xin chư Phật, chư vị Bồ Tát, Thiên Long Bát Bộ, Hộ Pháp Già Lam, chư vị thiện thần gia hộ cho tai qua nạn khỏi, bịnh tật tiêu trừ hoặc tiếp dẫn hương linh về cõi Cực Lạc Tây Phương của Đức Phật A Di Đà. Như vậy có quá mâu thuẫn không thưa Thầy? Xin Thầy vạch rõ chỗ đúng sai để chúng con được biết.
Đáp: Kinh sách Đại Thừa phát triển là kinh sách chịu ảnh hưởng của Bà La Môn Giáo nhất là chịu ảnh hưởng của kinh sách Vệ Đà thuộc về tư tưởng văn minh Ấn Độ, nhưng khi truyền sang qua các nước lân cận thì nó lại tiếp thu những sự mê tín và lạc hậu của dân tộc các nước khác, nên kinh sách Đại Thừa là một loại kinh sách tập hợp nhiều tư tưởng và những phong tục tập quán của con người có thể gọi kinh sách này là kinh sách bị thế tục hóa. Có nghĩa là khi nó truyền vào một thời kỳ nào của xã hội thì nó bị đồng hóa với xã hội đó. 
Ví dụ: Kinh sách này truyền vào gặp thời phong kiến thì nó bị đồng hóa với thời phong kiến. Với tư bản thì nó bị đồng hóa với tư bản; với khoa học thì nó bị đồng hóa với khoa học. Kinh sách Đại Thừa không có một đường lối riêng biệt chỉ là một sự vay mượn, một chiếc áo chấp vá nhiều miếng vải, cho nên nó chẳng có gì đặc biệt cả, chỉ nhai lại đờm dãi của kẻ khác nhưng muốn nuốt cho trôi đờm dãi đó tức là nó khéo dùng những danh từ để làm cho người khác khó nhận ra, tưởng đó là một giáo lý mới mẻ, nhưng không ngờ những người hiểu biết đã thấy rõ nó đi nhẩm lại lối mòn của người xưa. Vì thế, những danh từ Lương Hoàng Sám, Thủy Sám, Pháp Hoa, Viên Giác, Thủ Lăng Nghiêm, A Di Đà, Địa Tạng, Vu Lan Bồn, Bát Dương, Thập Vương, Lăng Gia, Hoa Nghiêm.... Tất cả những loại kinh sách này là tư tưởng của ngoại đạo chứ không phải của Phật Giáo, mà đã không phải của Phật Giáo thì làm sao chúng ta cho Phật Giáo có mâu thuẫn với Phật Giáo được. Chúng ta chỉ cần biết kinh sách này không làm lợi ích cho con người, nó chỉ là một mánh khóe lừa đảo con người làm những điều phi đạo đức và rất tai hại cho con người.
Hỏi: Kính thưa Thầy, Thầy dạy chúng con, hằng ngày phải tu cho đúng pháp, đúng cách, đúng căn cơ đặc tướng của mình, song chúng con chưa thấu triệt lắm, kính mong Thầy chỉ dạy cho chúng con để được thâm hành Phật Pháp, và giải thoát thân tâm. 
Đáp: Muốn tu tập đúng pháp, đúng cách, đúng căn cơ đặc tướng như thế nào? Chúng ta nên chia làm ba phần:
Đúng pháp. 
Đúng cách. 
Đúng căn cơ đặc tướng. 
ĐÚNG PHÁP 
Sau khi nghiên cứu tường tận biết rõ pháp môn nào là của Phật, pháp môn nào không phải của Phật, Thầy có những ví dụ sau: 
Ví dụ:
1. Pháp môn của Phật là pháp xả tâm, chứ không phải là pháp môn ức chế tâm.
2. Pháp môn của Phật là pháp môn vô ngã ác pháp, hữu ngã thiện pháp.
3. Pháp môn của Phật là pháp môn ngăn ác diệt ác pháp, sanh thiện tăng trưởng thiện pháp.
4. Pháp môn của Phật là pháp môn toàn thiện. 
5. Pháp môn của Phật là một pháp môn đạo đức nhân bản không làm khổ mình khổ người và khổ tất cả chúng sanh.
6. Pháp môn của Phật là một pháp môn huấn luyện tâm, rèn luyện tâm, như lý tác ý.
7. Pháp môn của Phật là một pháp môn dùng để dẫn tâm vào đạo đức làm người.
Nếu các con biết rõ đúng pháp thì sẽ tu tập đúng pháp. Ngoài bảy sự hiểu biết trên đây là đúng về Phật pháp, còn nếu là sự hiểu sai, hiểu sai Phật pháp tức là tu sai, tu sai thì phí công vô ích mà còn tạo thêm gánh nặng cho Phật tử (tín đồ) cúng dường. 
Cho nên trước khi đi tu thì phải nghiên cứu cho tường tận lời dạy của Đức Phật rồi mới tu.
ĐÚNG CÁCH 
Tu tập đúng cách, tức là tu tập xả tâm, xả tâm đúng cách tức là phải khéo léo thiện xảo, tu tập đúng cách là không bao giờ ức chế tâm. 
Tu tập đúng cách là phải biết pháp nào tu trước pháp nào tu sau, ví dụ như pháp tam vô lậu học thì giới luật phải tu trước, sau khi tu giới luật xong nghĩa là sống đúng giới luật không có vi phạm một lỗi nhỏ nhặt nào thì mới tu tập thiền định, còn vi phạm giới luật dù là một giới rất nhỏ thì cũng còn phải tu giới luật trở lại, chứ không được tu thiền định chừng nào giới luật thanh tịnh thì mới bắt đầu tập tu Thiền định. Sau khi nhập xong Tứ Thiền thì mới bắt đầu tu trí tuệ, thiền định chưa xong mà vội tu trí tuệ là tu sai, tu như vậy trở thành tưởng tuệ chứ không phải là trí tuệ.
Cũng như tu tập Tứ Thánh Định thì phải tu tập Sơ Thiền trước tiên, sau khi Sơ Thiền được xung mãn thì mới tu tập Nhị Thiền, sau khi Nhị Thiền được xung mãn thì mới tu tập Tam Thiền, sau khi Tam Thiền được xung mãn thì mới tu tập Tứ Thiền. Nếu chúng ta tu tập không đúng cách thì cũng giống như con bò, chân trước chưa bước mà chân sau đã bước thì con bò không thể nào đi được. Cũng giống như vậy, người tu sĩ Đạo Phật giới luật chưa nghiêm trì mà tu thiền định thì chẳng bao giờ có thiền định được, thiền định của những người tu sĩ phạm giới là thiền định tưởng. Đó là những người tu không đúng cách. 
TU ĐÚNG CĂN CƠ ĐẶC TƯỚNG 
Nếu tu tập không đúng căn cơ của mình thì cũng giống như người nhạc sĩ lên dây đàn, căng quá thì đứt dây, chùng quá thì không thành tiếng. Do đó khi tu hành chúng ta phải biết căn cơ của mình. Vậy muốn biết căn cơ của mình thì phải biết như thế nào? Căn cơ của chúng ta thể hiện qua nhân tướng và hành tướng. Vì thế khi tu tập chúng ta nên tu tập theo nhân tướng và hành tướngtự nhiên của mình. 
Ví dụ: 
Hành tướng ngoại tự nhiên của mình đi chậm, khi tu tập thì phải theo hành tướng đi chậm mà tu, không được đi nhanh, cũng không đi quá chậm. Khi hành tướng tự nhiên của mình đi nhanh thì tu tập không được đi chậm hoặc quá chậm hoặc quá nhanh, phải đi với tướng tự nhiên của mình. 
Hành tướng nội tự nhiên của mình khi hơi thở chậm thì nên tu tập theo hơi thở chậm, hơi thở nhanh thì nên tu tập theo hơi thở nhanh, không nên hơi thở chậm mà khi tu tập thì lại thở nhanh cũng như hơi thở nhanh mà khi tu tập thì lại thở chậm, tu như vậy không tự nhiên. Không tự nhiên thì có sự ức chế mà có sự ức chế thì có chướng ngại pháp, có chướng ngại pháp thì không có giải thoát ngay liền, không có sự giải thoát ngay liền là tu sai pháp Phật, tu sai pháp Phật tức là tu theo pháp môn của ngoại đạo. 
Nhân tướng là hình dáng của cơ thể, có người có nhân tướng cao, nhưng cũng có người có nhân tướng thấp, người đẹp, người xấu, người trắng, người đen, người mập người ốm, người mặt dài, mặt ngắn, mặt vuông, mặt chữ điền, mặt bầu, mặt tròn.... Tất cả mọi hình tướng khác nhau đều gọi là nhân tướng. 
Người tu theo Đạo Phật không nên vì nhân tướng mà tu tập. Ước mơ có một tướng đẹp như Phật, 32 tướng tốt 80 vẻ đẹp. 
Ba mươi hai tướng tốt tám mươi vẻ đẹp có còn đâu, khi Đức Phật nhập Niết bàn chỉ còn lại một nắm xương vụn bất tịnh thiêu chưa cháy hết. 
Mục đích của Đạo Phật là tâm bất động trước các pháp và các cảm thọchứ không phải tướng tốt. Dưới đôi mắt của Phật thì nhân tướng của con người chỉ là tứ đại duyên hợp, bất tịnh uế trược không có đáng cho chúng ta quan tâm, nhưng trong khi tu tập chúng ta biết sử dụng nó như sử dụng một con ngựa để đi đường xa vạn dậm. Vì thế chúng ta phải biết cách khi thì dụ dỗ khi thì ra lệnh, chứ không bắt ép nó tu tập nhiều thì cũng không tốt mà tu tập ít thì cũng không có lợi, không được khổ hạnh ép xác, mà cũng không được lợi dưỡng phá giới luật. Ngày ngày tu tập phải tùy theo đặc tướng của mình mà thực hiện cho đúng pháp thì có kết quả lợi ích rất lớn. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét