Tranh chân dung nhà thơ Phạm Tiến Duật. |
Vào những năm 1973-1974, cuộc chiến tranh chống Mỹ đã kéo quá dài, khó khăn kinh tế ngày càng trầm trọng, tâm lý chán nản, “hòa bình chủ nghĩa” đã xuất hiện trong một bộ phận quân đội và nhân dân.
Vào đầu năm 1974, tại một đỉnh dốc Trường Sơn ngang đoạn bốt Đỏ Mỹ, gần sông A Vương, tôi cùng nhóm trinh sát công binh đang ngồi nghỉ, bất chợt một chiếc xe quân dụng bịt bạt từ Bắc vào, qua chỗ chúng tôi ngồi, xe dừng lại, anh lái nhảy từ trên xe xuống chửi toáng:
- Mẹ kiếp… thằng miền Bắc làm thằng miền Bắc ăn, thằng miền Nam làm thằng miền Nam, đánh nhau làm đ… gì cho khổ chúng ông…
Tôi trợn tròn cả mắt. Í chết chết… câu nói này mà đến tai chính trị viên thì thằng cha này ra Tòa án binh là cái chắc. Vậy mà cả đám ngồi đó chẳng ai nói gì, còn cười hô hố.
Tâm lý “mệt mỏi vì chiến tranh kéo dài” đó không thể không ảnh hưởng tới văn học. Hồi còn Hà nội, nhà thơ Định Nguyễn tức Bá, biên tập Tạp chí Thanh Niên vẫn hay tới nhà tôi nhậu nhẹt, đưa tôi coi bài thơ “Vòng trắng” của Phạm Tiến Duật:
"Khói bom lên trời thành một cái vòng đen
Trên mặt đất lại sinh bao vòng trắng
Tôi với bạn tôi đi trong im lặng
Cái im lặng bình thường đêm sau chiến tranh
Có mất mát nào lớn bằng cái chết
Khăn tang vòng tròn như một số không
Nhưng bạn ơi, ở bên trong vòng trắng
Là cái đầu bốc lửa ở bên trong".
Í chết, thơ sặc mùi “phản chiến”, bi quan, “hòa bình chủ nghĩa” thế này sao mà đăng. Không ngờ sang tháng 1-1974, Định Nguyễn uống thuốc liều sao đó, cả gan cho đăng trên Tạp chí Thanh Niên và lập tức ăn đòn hội chợ. Cũng may anh là học sinh miền Nam nên cũng đỡ không thì đi đập đá là cái chắc.
Sau "Vòng trắng" của Phạm Tiến Duật đến lượt “Sẹo đất” của Ngô văn Phú bị “lên đĩa”:
"Cái hố bom nằm trên vạt ruộng
Dẫu san bằng vẫn cứ nhận ra
Đến mùa bừa chân bước nhấp nhô
Lúa cấy kín, vệt tròn còn đấy
Tưởng trên da thịt mình mới sẹo
Ai ngờ đất cũng sẹo như người
Trong chiến tranh đạn cắm tay tôi
Trong chiến tranh hố bom dầy đất
Hết chiến tranh, tôi về hợp tác
Đất chuyển vần, vụ lúa vụ khoai".
Ái chà, cả nước đang nêu cao khí thế anh hùng cách mạng, “đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào”, thơ thẩn gì bi quan, than vãn như thế? Lập tức ông trùm văn nghệ Tố Hữu kéo còi báo động: "Tà khí đang bốc lên...".
"Vào hạ" - thiếu nữ Việt Nam |
Nhà thơ chính thống Chế Lan Viên phải đẻ ra một từ mới: "bọn bàng thống", để chỉ những cây bút "chân đất" đang khởi màu phản kháng và nhà thơ Dương Tường khi được hỏi về "đặc điểm của thời đại chúng ta", đã buông một tiếng thở dài: "L'angoisse" (sự lo âu).
Vâng, những năm đó bầu trời Hà Nội lúc nào cũng ong ong một màu tai ương, mỗi sáng anh em cầm bút thường hỏi nhau, hôm nay, báo Văn Nghệ làm thịt thằng nào đây? Danh sách "cấm bút" có thêm thằng nào?
Tâm trạng bất an thường trực trong những cây bút "bàng thống" khiến chẳng còn lòng dạ đâu nghe một bản giao hưởng, coi một tranh tĩnh vật. Tháng Tư 1975, nếu không có sự kiện ngày 30, cái tâm trạng bất an đó còn trĩu nặng biết chừng nào, bởi lẽ, mừng rỡ về "Đại thắng mùa Xuân", Đảng đã "tha" hết, bỏ qua những bắt bẻ, những suy diễn, giảm thiểu đi rất nhiều cái tâm lý bất an thường trực kia.
May mắn thay, trong suốt thời gian đó, Phạm Tiến Duật lại đang “chiến đấu” trong Trường Sơn, sáng tác những bài rung động cả nước “Tiểu đội xe không kính”, “Vầng trăng quầng lửa”, "Gửi em cô thanh niên xung phong", “Trường Sơn đông, Trường Sơn tây”… Nhiều bài đã trở thành “tiếng đàn muôn thủa” mà không phải ai cũng “tri âm”. Có trải qua những năm tháng Trường Sơn mới "thấm" hết thế nào là “Muỗi bay rừng già cho dài tay áo”, "Nước khe cạn bướm bay lèn đá", "Hết rau rồi em có lấy măng không?"…
Cứ mỗi lần đọc lại thơ Duật, tôi thấy nghèn nghẹn trong lòng, dội lại cả một thời đã qua. Quả thực, “Lửa đèn” như nhạc cổ điển vậy, lâu lâu nghe lại vẫn thấy bồi hồi.
Khoảng tháng 3-1975, tôi gặp nhà thơ - nhạc sĩ Nguyễn Thuỵ Kha ở sông A Vương (Quảng Đà) trên đường anh vào B. Tay bắt mặt mừng. Kha hỏi tôi có gặp Duật không? Tôi bảo tuy cùng lính “Năm năm chán” (559) nhưng Duật ở Cục chính trị mãi ngoài Vĩnh Mốc, còn tôi ở tiểu đoàn trinh sát tít trong này sao mà gặp?
Thị xã Tuyên Quang - ảnh Việt Nam xưa |
Mãi tháng 9-1975 tôi mới ngồi xe commăngca, mặc đồ lính chạy vào Sài Gòn ở chơi ít ngày nhà ông anh là nhà văn Nhật Tiến tại Tòa soạn báo Thiếu Nhi, phố Thiệu Trị.
Một buổi sáng có một cô gái xinh đẹp tới xin gặp. Áo dài trắng, người mình dây, tóc ngang vai…thoạt nom biết ngay là nữ sinh Sài Gòn.
Cô hỏi tôi có quay ra Hà Nội không? Tôi bảo chắc chắn sẽ quay ra. Cô rụt rè:
“Vậy thì anh chuyển giúp em cuốn sách này cho…nhà thơ Phạm Tiến Duật…”.
Tôi giật mình, hóa ra ông bạn vàng đã lẻn vào Sài Gòn trước tôi và sau này nghe nói Duật phải kiểm điểm về tội bỏ đơn vị quá lâu.
Cô gái có vẻ buồn và ngơ ngác. Hóa ra cô nhờ tôi chuyển cho Duật cuốn “Con chim trốn Tuyết…”, truyện của Gallico viết về Rhayader, một hoạ sĩ tật nguyền, phải tìm nơi ẩn dật ở một hải đăng hoang phế ven biển và chết bên dưới vòng cánh lượn đầy tình nghĩa của "con chim trốn tuyết".
Nội dung cuốn truyện chẳng dính dáng gì tới Duật mà sao cô gái cứ khẩn khoản tôi chuyển cho anh. Bất ngờ, bằng những kinh nghiệm tình trường, tôi chợt nghĩ ra:
- Phải tên cô là Tuyết không?
Cô gái gật đầu e thẹn:
- Dạ vâng, em tên Tuyết…
Tôi bật cười:
- Con chim của Gallico thì trốn tuyết, còn Duật thì trốn… cô à?
Cô gái đỏ bừng mặt nhưng sự im lặng đã là câu trả lời. Ít lâu sau ra Hà Nội tôi nhắn Duật tới “nhận quà Sàigon”. Hồi đó dân gian có câu “miền Bắc nhận hàng, miền Nam nhận họ”. Tất nhiên Duật không rơi vào trường hợp đó nên cứ thắc mắc không biết ai gửi quà cho anh? Tôi đưa ra cuốn "Con chim trốn Tuyết":
- Sao? Đã nhận ra ai gửi chưa?
Nhìn cái tựa sách, dường như Duật đã hiểu ra, mặt đỏ bừng, buồn buồn. Tôi nhắc:
- Thế nào… định trốn… Tuyết à?
Duật khó khăn:
- Cái gì đã qua thì thôi cho qua luôn…
Hồi đó Duật vẫn đang ở với chị Vân, tôi giằng cuốn sách lại:
- Thôi đừng cầm về… bà Vân biết thì rắc rối…
Duật lắc đầu:
- Không sao… không sao đâu…
"Trúc đào" - Hot girl Nhật Bản |
Anh vẫn cầm cuốn sách về, thẫn thờ như người mất hồn và không nói gì thêm. Nhiều năm sau gặp lại Duật ở phòng làm việc của Tùng Điển, Phó chủ tịch Hội liên hiệp VHNT. Thì ra Duật đã về tạp chí của Hội, lương bổng bằng cái “móng tay” so với quan chức Hội Nhà văn. Chẳng hiểu sao Duật cứ buồn buồn, tất nhiên không phải vì chuyện “con chim trốn Tuyết” - nghe nói cô gái đã định cư ở Mỹ. Thời gian này chắc để kiếm thêm do thu nhập eo hẹp Duật đang làm MC trong tiết mục “Cây cao bóng cả” trên tivi.
Nhìn vẻ mặt buồn và khắc khổ, tôi nhói lên thương anh. Bằng vào sự nghiệp thơ, lẽ ra Phạm Tiến Duật phải được cấp villa ven hồ Tây, phải được dựng tượng ở nghĩa trang Trường Sơn và đặt tên cho một phố lớn Hà Nội... Nhưng mà nghĩ lại, những cái đó để làm gì?
“Anh cùng em sang bên kia cầu
Nơi có những miền quê yên ả
Nơi có những ngọn đèn thắp trong kẽ lá
Quả cây chín đỏ hoe
Trái nhót như ngọn đèn tín hiệu
Trỏ lối sang mùa hè…”.
Đọc lại dưng dưng muốn khóc. “Lửa đèn”, “ Gửi em cô thanh niên xung phong…” đó mới là “tượng đài” Phạm Tiến Duật.
Nhà văn Nhật Tuấn
(Một số ảnh không liên quan đến nội dung bài viết)
Nên thơ. |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét