Chủ Nhật, 19 tháng 8, 2012

Thế giới Hồi giáo (phần 3)

Mecca: Thánh địa linh thiêng của thế giới Hồi giáo.
Theo đức tin Hồi giáo thì Mecca chính là trung tâm của thế giới, là cái nơi khởi đầu của sự sáng thế.

16. Zakat - Bố thí cho người nghèo 
Trừ phi quá nghèo túng, còn không thì các tín đồ Hồi giáo phải cho đi một phần của cải của mình để giúp đỡ những người nghèo khó. Con số thông thường là 2,5 phần trăm thu hoạch hàng năm, hay 10 phần trăm lợi tức từ mùa màng hay kinh doanh của họ. Những người giàu có được khuyến khích cho nhiều hơn. Những ai cho nhiều hơn số lượng theo quy định được coi là một sadagah, tức là người thiện tâm.
Khoản đóng góp bắt buộc này, thực ra chỉ chiếm một tỷ lệ tương đối nhỏ trong số của cải của các tín đồ dành cho những người nghèo khổ trong cộng đồng Hồi giáo; nhưng hiểu rộng ra, nó còn bao gồm các công việc từ thiện và thái độ tương trợ thân hữu nói chung, sẵn sàng chìa tay giúp đỡ và đối xử thân thiện với những người trong cùng cộng đồng. 
Cột trụ đức tin này một lần nữa khẳng định khía cạnh xã hội và luân thường đạo lý của đạo Hồi. Những tín đồ Hồi giáo luôn cố ghi nhớ rằng mình thuộc một cộng đồng của những người tuân phục và phục vụ Thượng đế, phụng sự cho một thế giới hợp lẽ phải hơn là cho con đường cứu rỗi của cá nhân mình. Nói một cách nghiêm khắc thì việc bố thí cần phải được thực hiện vì một cam kết về mặt tôn giáo hơn là một sự bắt buộc (mặc dù trong một số quốc gia Hồi giáo chính thống, khoản bố thí này có thể được nhà nước thu trực tiếp từ các công dân giống như một khoản thuế trực thu). 
Trong nhiều thế kỷ, hầu hết món tiền zakat của mỗi nước được dùng để cung cấp những khoản chu cấp đặc biệt (gọi là waqf) cho các trường học và bệnh viện, để giúp người nghèo, để sửa chữa các thánh đường và để tài trợ cho các hoạt động từ thiện khác. Trong những năm gần đây, một số chính phủ ở các nước Hồi giáo đã đưa khoản zakat này vào hệ thống thuế của mình, và khoản lợi tức này vẫn còn được dùng cho các chương trình phúc lợi xã hội. Một số nhà cải cách hiện đại tìm thấy trong nguyên tắc bố thí cho người nghèo một sự biện minh khi nó liên quan đến các chương trình phúc lợi xã hội, coi như một cách vận dụng lý tưởng cộng đồng của đạo Hồi trong điều kiện xã hội hiện đại.
17. Sawm - Nhịn ăn
Tất cả các tín đồ Hồi giáo, chỉ trừ trẻ em, phụ nữ có bầu và những người ốm, đều phải nhịn ăn từ lúc rạng sáng cho đến khi mặt trời lặn mỗi ngày trong tháng chay Ramadan. Trong khoảng thời gian đó, họ không được phép ăn hay uống bất kỳ thứ gì, kể cả nước. Trẻ em Hồi giáo thường bắt đầu tập nhịn ăn trong tháng Ramadan từ lúc lên bảy tuổi. Khi đó chúng thường nhịn nửa ngày. Vào độ tuổi lên chín hay lên mười thì chúng đã có thể nhịn ăn suốt cả ngày.
Tháng Ramadan là tháng Chín theo lịch Hồi giáo, một thứ Âm lịch, mỗi tháng có 29 hay 30 ngày. Vào buổi chiều ngày 29 tháng Tám, các tín đồ Hồi giáo nhìn về bầu trời đằng tây để tìm trăng non mới mọc. Nếu nhìn thấy mặt trăng thì việc ăn chay sẽ bắt đầu ngay khi mặt trời lặn. Còn nếu không thấy mặt trăng thì Ramadan sẽ bắt đầu vào ngày hôm sau. 
Nhiều tín đồ Hồi giáo giữ chay trong tháng Ramadan nghiêm ngặt đến mức thậm chí không nuốt cả nước bọt. Cả ngày họ tập trung vào các công việc tôn giáo và cầu nguyện. Vào buổi tối, thông thường gia đình và bạn bè sẽ quây quần lại cùng nhau để ăn bữa tối ngay sau giờ xả chay. Thường thì bữa ăn có kèm việc đọc to một số đoạn trong kinh Koran và cầu nguyện, và cứ như thế kéo dài cho đến tận khuya. Những giờ ban ngày thường dùng để nghỉ ngơi và cầu nguyện thêm. 
Vào ngày chấm dứt tháng chay Ramadan, theo thông lệ, sẽ có lễ hội xả chay khi mảnh trăng lưỡi liềm đầu tiên của một kỳ trăng mới xuất hiện trên bầu trời, báo hiệu tháng ăn chay chấm dứt và một tháng mới bắt đầu.
Bởi vì lịch của người Hồi giáo là một loại âm lịch, nên tháng Ramadan cứ sau mỗi năm lại sớm lên một chút. Nếu tháng chay đến vào những ngày mùa đông lạnh và ngắn thì việc nhịn ăn uống sẽ tương đối dễ dàng hơn, nhưng vào giữa những ngày hè dài nóng nực, thời tiết khô khan mà không ăn thậm chí không uống lấy một ngụm nước nhỏ, thì đó quả là một thử thách khắc nghiệt đối với đức tin Hồi giáo. Vì thế gần đây, nhiều người đã cố gắng diễn giải lại những quy định của tháng chay Ramadan, xét nó trong điều kiện nhịp sống gấp rút của một xã hội hiện đại, và họ ít nhiều đã thành công. 
Tuy vậy, với phần đông các tín đồ Hồi giáo thì tháng Ramadan vẫn là một thử thách về lòng tin, và sự khắc nghiệt của nó được giảm bớt đi phần nào nhờ có hậu thuẫn của toàn bộ nền văn hóa và tập tục, và nhờ tình cảm “cùng hội cùng thuyền” của cộng đồng những người tuân phục Thượng đế trong một xã hội Hồi giáo. Với nhiều người, tháng chay Ramadan cũng là một cơ hội để sống cuộc sống mộ đạo và nghiền ngẫm kinh Koran thêm sâu sắc hơn, và vì thế họ vui mừng chào đón nó.
"Tóc thề" - Hot girl Nhật Bản
18. Hajj - Hành hương đến Mecca
Hành hương đến Mecca là sự kiện mà bất cứ ai từng nghe nói về đạo Hồi cũng đều biết đến. Mecca, thành phố thiêng liêng bất tử, quê hương của Mohammed, là trung tâm của thế giới Hồi giáo. Cũng giống như các tia nắng tỏa ra từ cùng một mặt trời, những người Hồi giáo trên khắp thế giới khi cầu nguyện đều hướng về nơi ốc đảo trên sa mạc Arập này. Và ít nhất một lần trong đời, những bước chân hành hương sẽ đưa họ theo con đường của những tia nắng để đến với mặt trời thiêng liêng của họ. Mỗi năm có gần hai triệu tín đồ Hồi giáo thuộc tất cả các chủng tộc, quốc gia và các nhóm dân tộc tụ tập về Mecca vào tháng hành hương. Cuộc tụ hội này đem lại không gì khác hơn là một cảm giác thống nhất và đồng nhất mà nhờ đó đạo Hồi mới trở nên nổi tiếng đến như thế.
Tất nhiên không phải người Hồi giáo nào cũng có thể hành hương đến Mecca. Những người nhỏ tuổi, người già, người ốm yếu và những người không có đủ điều kiện tiền bạc là những người được miễn cái nghĩa vụ bắt buộc này. Còn với những ai thực hiện được cuộc hành hương, thì sự tưởng thưởng sẽ rất lớn, đó không chỉ là được thỏa mãn về tinh thần, mà còn là uy tín và sự kính trọng trong xã hội Hồi giáo. Trở lại với cộng đồng quê hương, một nơi nào đó giữa Mauritania ở Bắc Phi và Inđônêxia ở Đông Nam Á, những người hành hương từ Mecca trở về sẽ được thêm danh hiệu hajji vào tên tuổi của mình nếu là đàn ông, còn phụ nữ sẽ được gọi là hajjah, (những tên gọi này có nghĩa là người đã hoàn thành bổn phận hajj), họ sẽ được người ta được chào đón với những nghi lễ long trọng và được tôn kính đặc biệt. 
Việc hành hương phải được thực hiện vào tháng Dhu-al-Hijjah, tháng cuối cùng của lịch Hồi giáo. Đó là vào dịp lễ Id al-Adha, tức Lễ Hiến tế, một ngày lễ quan trọng trong đạo Hồi. Lễ này để kỷ niệm sự kiện tiên tri Abraham tình nguyện hiến tế con trai mình làm lễ vật dâng Thượng đế. Cuộc hành hương vì vậy là một sự hội tụ của những đoạn kết thiêng liêng – một sự quay trở về chính cái nơi mà lịch sử đạo Hồi được khai sinh ngay trước lúc bắt đầu một năm mới.
Đức tin của người Hồi giáo về Mecca và về cuộc hành hương hajj gắn liền với vai trò của thành phố này trước kỷ nguyên Hồi giáo, khi đó nó đã là một trung tâm thần thánh, một địa điểm tôn nghiêm đối với các bộ tộc đang đánh lẫn nhau, và là một nơi thờ phụng của tôn giáo đa thần. Theo đức tin Hồi giáo thì Mecca chính là trung tâm của thế giới, là cái nơi khởi đầu của sự sáng thế. Abraham, vị tiên tri đầu tiên của tôn giáo độc thần đích thực, đã được Chúa trời triệu gọi để đi từ Palestine đến chính cái thung lũng này, nơi mà ngày nay là Mecca. Và ông cùng con trai Ishmael đã xây dựng ở đây một ngôi đền thờ Thượng đế theo hình một khối lập phương, đó là Kaaba.
Kaaba ngày nay nằm ở trung tâm của ngôi Đại Thánh đường Hồi giáo ở Mecca, và cũng là trung tâm điểm của tất cả các buổi cầu nguyện. Tất cả các thánh đường Hồi giáo trên thế giới đều có cái hốc nhỏ ẩn trong tường để chỉ hướng cho các tín đồ quay mặt về Mecca. Chỉ riêng thánh đường này, vì nó nằm ở điểm trung tâm bao quanh Kaaba, hay Ngôi đền Thiêng, đứng ở ngay chính giữa, cho nên nó không có cái hốc nào cả. Kaaba được che phủ bằng những tấm vải màu đen và vàng, và có cửa ra vào dát vàng rất hiếm khi được mở ra. Bao quanh Kaaba là cái sàn bằng đá cẩm thạch, dành cho những người hành hương đi vòng quanh ngôi đền, còn phía ngoài sàn là cái sân rộng cho các tín đồ cầu nguyện.
Vào thời của Mohammed, tôn giáo của Abraham đã suy tàn, và trong Kaaba có tới 360 pho tượng của các vị thần ngoại đạo. Nhưng khi tái hồi Mecca, Mohammed đã phá hủy những tượng thần này. Hiện nay trong Kaaba không có một thứ đồ vật gì khác ngoài một vài ngọn đèn. Nhưng với những người Hồi giáo thì ngôi đền lại càng trở nên thiêng liêng hơn bởi sự trống trải của nó. Người ta nói Kaaba được làm theo hình mẫu Ngôi nhà của Thượng đế ở trên Thiên đàng, bao quanh ngôi nhà đó là các thiên thần giống như các tín đồ trên mặt đất vây quanh Kaaba. 
Truyền thuyết đạo Hồi nói rằng Mecca nằm gần Thiên đàng hơn bất kỳ một nơi nào khác trên mặt đất, vì vậy Thượng đế ở trên Thiên đàng có thể nghe thấy rất rõ những lời cầu nguyện của các tín đồ tại đây. Không có gì được chắn giữa Kaaba và nơi ở của Allah; máy bay không được phép bay ngang qua vùng trời này, thậm chí người ta còn bảo là ngay cả chim chóc cũng không bay trên Ngôi nhà của Thượng đế. Gần đó là zamzam, cái giếng của Hagar và Ishmael, người ta đồn là nước giếng này có phép, có thể chữa được bệnh tật.
Đáng lưu ý là Mohammed đã thuyết giảng về cuộc hành hương trở về Mecca trong thời gian ông còn ở Medina, khi đó rõ ràng là ông mong ước sẽ có ngày được hòa hợp trở lại với thành phố quê hương. Tất nhiên là bài thuyết giảng này có thể có những mục đích chính trị, nhằm để thỏa hiệp với những người bà con họ hàng của ông ở đó. Nhưng dẫu sao thì nó cũng đã gán cho thành Mecca một tính chất giống như những địa điểm hành hương khác, tức là “trung tâm của thế giới” – một nơi nằm cách xa chỗ người ta hiện đang sinh sống, nhưng là nơi xuất phát của những nguồn cội tận cùng và điểm đến của những mục đích cuối cùng. 
Quá trình hành hương được quy định bằng những nghi lễ rất tỷ mỷ. Khi người hành hương đến được thành phố thiêng liêng này, có thể từ một hải cảng hay từ sân bay Jaddah trên bờ biển, họ sẽ dừng lại để tách mình ra khỏi thế giới thường nhật bằng cách làm lễ tắm gội, giống như trước khi cầu nguyện thường ngày. Rồi người hành hương mặc một bộ quần áo đặc biệt màu trắng; kể từ lúc đó trở đi cho đến khi tất cả các lễ nghi được hoàn tất, người hành hương phải kiêng không được giết người, giết thú vật hay nhổ hái cây cỏ, không được gần phụ nữ, và không được cắt tóc hay cắt móng tay.
Khi đến được địa điểm thiêng liêng này rồi, người hành hương phải hôn Hòn đá Đen linh thiêng, hay nếu không làm được như thế vì quá đông người thì phải sờ tay vào nó. Sau đó, người hành hương phải đi vòng quanh Kaaba bảy lần. Tiếp theo người hành hương phải đi lên đi xuống bảy lần qua một dãy cột ở giữa hai quả đồi cách đó chừng nửa cây số. Nghi lễ này là để tưởng nhớ đến việc Hagar phải chạy vòng quanh để đi tìm nước cho Ishmael.
Sau đó người hành hương sẽ ra khỏi Mecca để đến Mina, ở đó họ có thể tìm được một góc nhỏ trong cái thành phố lều khổng lồ với dân số tạm thời chừng hơn một triệu người; việc một lượng người đông đảo như thế tập hợp nhau lại đây tự nó sẽ cho người hành hương một trải nghiệm hết sức sâu sắc và kỳ lạ về sức mạnh và sự thống nhất của thế giới Hồi giáo. Ngày hôm sau, họ tiến về núi Arafat, họ sẽ đứng ở đó từ giữa trưa cho đến lúc mặt trời lặn. Chính nơi đây, ngồi trên lưng một con lạc đà, Mohammed đã đọc bài thuyết giảng vĩnh biệt trong cuộc hành hương cuối cùng của ông đến Mecca. 
“Điểm dừng ở Arafat” này là màn hoạt động cao điểm của cuộc hành hương và không thể bỏ qua. Đó là sự diễn lại cuộc hội họp nguyên thủy của các tín đồ như một đội quân thống nhất, hợp thành từ những con dân của tất cả các chủng tộc và các ngôn ngữ trong sự tuân phục Thượng đế. Người ta bảo làm như thế để các tín đồ nhớ đến cuộc tập hợp của tất cả nhân loại trên thế gian trong cuộc phán xét vào ngày Tận thế, và cũng là để kỷ niệm lần tập hợp tín đồ đầu tiên do chính Mohammed chỉ huy một cách vô cùng oanh liệt.
Sau khi đã lên đồi Arafat, những nghi lễ cuối cùng tái hiện một đám rước Thánh tích. Trở về Mina, những người hành hương ném đá vào ba cây trụ đá được coi là thể hiện cho ma quỉ, nghi thức này nhắc lại việc quỉ Satan ba lần cố làm cho Ishmael đổi ý nhưng đã bị cự tuyệt.
Vào ngày cuối cùng của cuộc hành hương, người hành hương sẽ hiến tế một con cừu hay một con dê trên một cánh đồng nào đó; một phần thịt sẽ dành cho người nghèo. Cùng trong ngày đó, trong khắp thế giới Hồi giáo, người ta cũng thực hiện những nghi lễ hiến tế tương tự. Đầu con vật hiến tế được đặt quay về hướng Mecca, và khi một người Hồi giáo cắt cổ con vật, ông ta sẽ nói “Nhân danh Thượng đế”. Việc làm này là để nhắc lại con cừu đã được dùng để thay cho Ismael trong lễ hiến tế của Abraham.
Tiếp theo, ở Mecca, người hành hương sẽ cắt tóc. Mái tóc, tự nó là một bằng chứng, sẽ được để lại như dấu hiệu dâng hiến của người hành hương. Anh ta sẽ đi vòng quanh Kaaba một lần cuối cùng. 
Hầu hết những người hành hương sau đó sẽ đi đến Medina, mặc dù điều này không phải là bắt buộc. Tại đây, nơi thành phố thiêng liêng thứ hai của đạo Hồi, họ đến viếng thăm ngôi thánh đường và lăng mộ của Mohammed. Nhiều người Hồi giáo mong muốn đến Medina để chết và được chôn ở đây cùng với vị tiên tri và gia đình của ngài.
Như vậy, cuộc hành hương bao gồm một loạt các hoạt động truyền thống đa dạng. Một số dường như mang nhiều ý nghĩa và đậm chất Hồi giáo, một số khác thì khá nguyên thủy và kỳ dị, như chạy đi tìm nước và ném đá vào “quỷ dữ”. Vậy mà những người Hồi giáo vẫn thấy chúng tràn đầy ý nghĩa tinh thần, dù chẳng có ai làm như thế nữa sau khi hành hương trở về. Những tín đồ Hồi giáo theo chi phái Sufi nhìn thấy một ý nghĩa tâm linh sâu sắc trong tất cả những tục lệ này; việc ném đá vào các cây cột, chẳng hạn, chính là thể hiện việc đánh bật những ước muốn tội lỗi từ bên trong bản thân mình.
Có lẽ cách giải thích hay nhất về cuộc hành hương là của nhà thần học vĩ đại thời trung cổ al-Ghazali. Ông chỉ ra rằng việc hành hương là một hành động tối thượng của đạo Hồi, của sự tuân phục và xả thân. Việc hành hương không phải là một chuyến du lịch hấp dẫn hay để thỏa mãn những nhu cầu mang tính lý tính, mà là để tôi luyện tình cảm, để có thể tẩy trừ được sự ích kỷ thường còn rơi rớt lại trong trái tim một người vẫn tự coi là đã trừ bỏ được tội lỗi. Hành hương là một hành động dâng hiến tuyệt đối, là một sự đồng nhất tuyệt đối với trí tuệ không thể thâm nhập vào được của Thượng đế và với truyền thống của đạo Hồi. Nó khẳng định rằng, tại trung tâm của tôn giáo tối cao này, con người hữu hạn đến đây để đối mặt với cái bí ẩn vô hạn của Thượng đế, chứ không phải là để thỏa mãn những sở thích tầm thường của loài người.
19. Các giáo phái Hồi giáo
Chẳng bao lâu sau cái chết của Mohammed, trong nội bộ thế giới Hồi giáo đã nẩy sinh một sự phân liệt quan trọng kéo dài tới tận ngày nay. Hình thành từ một sự bất đồng chính trị, phái Shi’i trở thành khởi nguồn cho một loạt các chi phái, tuy ít ỏi về số lượng các tín đồ nhưng để lại những dấu ấn đậm nét trong thế giới Hồi giáo, cả về phương diện chính trị, văn hóa cũng như về phương diện thần học. Một biến thể khác là Mật tông Sufi đã làm cho thế giới không phải Hồi giáo biết đến một bộ mặt khác của đạo Hồi, thần bí hơn, nhiều màu sắc hơn và cũng kỳ lạ hơn.
"Thôn quê" - tranh của họa sĩ  Joseph Inguimberty
20. Bất đồng trong việc chọn Caliph
Mohammed chết mà không chỉ định người kế vị ông. Sau khi Mohammed chết, theo truyền thống bàn bạc và đồng thuận các vấn đề giáo sự gọi là sunna, các tín đồ Hồi giáo đã bầu Abu Bakr, cộng sự thân cận nhất và là cha vợ (Aisha) của Mohammed, lên làm lãnh tụ của họ. Ông ta được nhận tước hiệu caliph, có nghĩa là “người kế vị”. Tuy vậy, caliph là người kế vị của Mohammed chỉ với tư cách là người lãnh đạo các tín đồ, chứ không phải là một tiên tri. Người Hồi giáo coi Mohammed là tiên tri cuối cùng.
Lòng tin của một số tín đồ Hồi giáo bị lung lay dữ dội cùng với cái chết của vị Tiên tri. Một số bộ tộc thậm chí còn từ bỏ đạo Hồi. Tuy vậy, Abu Bakr có đủ tài để khôi phục địa vị thống trị của tôn giáo này trong thế giới Arập. 
Abu Bakr chết sau đó có hai năm (634), các lãnh tụ Hồi giáo lại bầu Umar Ibn al-Khattab lên làm caliph. Dưới sự chỉ huy của Umar, đạo Hồi đã được lan truyền khắp xứ Arập và sang Bắc Phi, những hình dáng của một đế chế Hồi giáo bắt đầu hình thành. Nhưng Umar lại bị ám sát vào năm 656. 
Lần này giữa các lãnh tụ đạo Hồi đã xảy ra bất đồng về việc chọn người kế vị. Đa số bầu chọn Uthman Ibn Affan, một lãnh tụ Hồi giáo cao tuổi, xuất thân từ một gia đình giàu có và thế lực, lên làm caliph theo truyền thống sunna. Nhưng một số khác lại muốn đưa Ali, con trai của Abu Talib, một người cháu và là con rể của Mohammed lên kế nhiệm chức vị này, vì họ cho rằng người nắm chức vị caliph phải là một người thuộc dòng dõi của Tiên tri.
Mặc dù Ali là một tín đồ Hồi giáo khôn ngoan, nghiêm khắc và mộ đạo, nhưng đa số các lãnh tụ có thế lực lại không thích ông ta làm caliph, thay vì thế họ chọn Uthman. Ali phải chấp nhận quyết định này, nhưng những người ủng hộ ông ta thì không cam chịu. Mười hai năm sau, một người trong số họ đã ám sát Uthman.
Sau khi Uthman chết, Ali kế vị ông ta làm caliph. Tuy vậy, họ hàng và những người ủng hộ Uthman nổi dậy chống lại Ali. Nhân vật có thế lực mạnh nhất kình chống lại Ali là Mu’awiyah, tổng trấn xứ Damacus. Mu’awiyah cố đánh bại Ali trên chiến trường nhưng không thành công. Ali cai trị trong 5 năm rồi đến lượt chính ông bị ám sát.
Sau khi Ali chết, Mu’awiyah nhanh chóng tập hợp được đủ hậu thuẫn để tự tuyên bố mình là caliph mới. Với tư cách là caliph, ông ta biến Damacus thành thủ đô của đế quốc Hồi giáo và đàn áp tất cả những người chống đối. Khi ông ta chết vào năm 680, con trai ông là Yazid được chỉ định làm caliph kế vị cha. Từ đó trở đi, chức vị caliph trở thành một tước vị cha truyền con nối, mang ý nghĩa như một vị quốc vương Hồi giáo. Dòng họ của Mu’awiyah, bộ tộc Omayyad, trở thành dòng họ cai trị.
21. Sự phân biệt 
Khi Yazid thừa kế chức vị caliph, thì sự phân liệt đã xảy ra trong nội bộ thế giới Hồi giáo. Nhóm tín đồ vốn ủng hộ Ali từ chối không công nhận quyền lực của Yazid. Họ cho rằng người nắm chức vị caliph phải là một người thuộc dòng dõi của Mohammed, và người đó là phải con trai của Ali là Husain. Những người này tự gọi mình là Shi’i – tiếng Arập có nghĩa là “phe đảng” (ủng hộ Ali), để tự phân biệt mình với đa số các tín đồ khác tuân theo sunna trong vấn đề kế vị, gọi là những phái Sunni.
Theo phe Shi’i thì Mohammed đã chỉ định Ali làm người lên thay ngài trước khi chết. Nhưng trong lúc Ali còn đang mải than khóc cái chết của vị Tiên tri và trước khi ông kịp nắm lấy vai trò lãnh đạo thực sự, thì một nhóm trong cộng đồng thân hữu của vị Tiên tri đã đề cử Abu Bakr già lão lên đứng đầu. Phe của Ali buộc phải chấp nhận ông ta, dù biết là trái với ý nguyện cuối cùng của Mohammed, chỉ cốt để ngăn chặn sự tan rã của đạo Hồi trong một thời điểm khủng hoảng như vậy. Nỗi cay đắng của phe Ali lại càng tăng thêm bởi sự công kích do Mu’awiyah sắp đặt nhắm vào Ali khi ông đã lên làm caliph. Mu’awiyah là người có nhiều khả năng lên làm caliph với chiêu bài đa số trong khi quyền lực của Ali lại tỏ ra suy yếu và bấp bênh, và kết quả là Ali bị ám sát. 
Phe Ali giành được cảm tình và sự ủng hộ từ những người Hồi giáo bất mãn, nhất là từ các bộ lạc người Bedouin, do những đòi hỏi về công bằng xã hội và sự chống đối của họ với lối sống ngày càng xa hoa của tầng lớp quí tộc trong đế quốc. Vì thế sau cái chết của Ali, phe Shi’i không tan rã mà vẫn tiếp tục tồn tại như một phái phân liệt trong thế giới Hồi giáo. Tinh thần chống đối của phe Shi’i lại càng sâu sắc thêm khi con trai của Ali là Husain bị chặt đầu vào năm 680, vì nổi dậy chống lại dòng họ Omayyad bằng một đội quân nhỏ, trang bị nghèo nàn nhưng anh dũng. Phe Shi’i cũng có được sự ủng hộ nhờ sự đối kháng từ xa xưa của người Arập vùng miền nam và những đồng minh hùng mạnh của họ ở Irắc và Iran, nơi Ali được ủng hộ, chống lại lực lượng Mecca-Medina ở miền bắc và miền trung Arập vốn là cơ sở cho sự bành trướng nền cai trị Hồi giáo trong thời đại của các caliph.
"Buông lơi" - người đẹp Minh Hằng
22. Hồi giáo Sunni 
Sunna, có nghĩa là “con đường quen đi”, ý muốn nói đến sự thống nhất giữa luật lệ với thực tiễn xã hội, cũng như nói đến việc quyết định các vấn đề giáo sự dựa trên tập quán bàn bạc và đồng thuận. Với phái Sunni thì quyền lực xuất phát từ imja, tức là sự “nhất trí” của cộng đồng. Đó là một truyền thống được hình thành để hòa giải những khác biệt và sai lệch bên trong cộng đồng Hồi giáo, mà những lời nói của Mohammed thường được các tín đồ dẫn ra như một tiền lệ: “Những khác biệt về ý kiến trong cộng đồng của ta là điều nên khoan dung”. Từ khi những người Shi’i tự tách mình ra khỏi đa số trong vấn đề kế vị thì nhóm đa số tán thành bầu người kế vị, tức theo truyền thống sunna, được gọi là phái Sunni. Phái Sunni chấp nhận trật tự lịch sử của các caliph và những lãnh tụ tôn giáo được bầu khác như một trình tự thực tế và đúng đắn. 
Ngày nay, phái Sunni chiếm đại đa số (khoảng 80-85%) trong số một tỷ ba trăm triệu tín đồ Hồi giáo trên thế giới. Hiện nay, tuy không có một tổ chức hay một quyền lực trung tâm nào cả, nhưng họ vẫn duy trì được tính đồng nhất rõ rệt trong đức tin và nghi lễ thờ phụng. Mặc dù có một số người vẫn còn luyến tiếc chế độ các caliph trong quá khứ, nhưng Hồi giáo Sunni ngày nay mang tính chất tự trị trong từng quốc gia Hồi giáo. Còn quốc vương của Arập Xêút có trách nhiệm bảo vệ và gìn giữ những thành phố thánh Mecca và Medina, một chức năng thuộc về các caliph ngày xưa.
Với sunna, thẩm quyền cao nhất là luật Hồi giáo theo chỉ dẫn của kinh Koran. Luật này không phải do một cá nhân nào đó diễn giải, mà từ sự nhất trí của những người có học vấn, những người đưa ra các phán quyết của họ dựa trên chỉ dẫn của kinh Koran và hadith (Sách Tiên tri), và bằng phép loại suy (so sánh những trường hợp tương tự). Mặc dù Đại học al-Azhar ở Cairo từ lâu vẫn được coi là nơi lưu giữ có thẩm quyền những tri thức về luật trong toàn bộ thế giới Hồi giáo, nhưng việc diễn giải luật ở phái Sunni vẫn mang tính phi tập trung. Tinh thần chung của luật Hồi giáo theo phái Sunni là nhấn mạnh đến Năm Cột trụ của Đức tin Hồi giáo và một nghi thức thờ phụng khá coi trọng hình thức. Luật lệ của phái Sunni có xu hướng nhấn mạnh vào việc đặt toàn bộ cuộc sống của tín đồ dưới ý chí của Thượng đế và những chỉ dẫn trong kinh Koran. 
Bên trong nội bộ Hồi giáo Sunni cũng có nhiều trường phái diễn giải luật khác nhau, nhưng không tìm cách loại trừ nhau mà vẫn chấp nhận những cách giải thích khác. Hồi giáo Sunni cũng chứa đựng trong lòng nó vài chi phái, mà một trong số đó là phái Wahhabi có ảnh hưởng lớn ở Arập Xêút. Đó là một trào lưu cải cách bảo thủ, khắt khe ra đời vào thế kỷ 18.
23. Hồi giáo Shỉi 
Phái Shi’i chủ trương kế vị Mohammed phải là những người thuộc dòng dõi của Tiên tri. Đó là các Imam, tức là những chủ tế hay thầy giảng có thẩm quyền và được thánh chỉ của đạo Hồi để dẫn dắt các tín đồ. Imam đầu tiên là Ali, con rể của Mohammed, và sau ông là Hassan, con trai trưởng của Ali, sau Hassan là Husain, con trai thứ hai. Rồi sau đó là chín vị khác cũng thuộc giòng dõi của Tiên tri Mohammed. 
Tất cả những Imam này, trừ người cuối cùng, đều chết một cách bí ẩn, và phái Shi’i cho rằng họ bị giết khi nổi dậy chống lại vương quyền của các caliph. Theo cách nhìn của phái Shi’i thì các caliph của phái Sunni đại diện cho các thế lực tiếm quyền hắc ám, luôn tìm mọi cách để tiêu diệt những phát ngôn viên chân chính ở từng thế hệ trong dòng họ Tiên tri của Thượng đế. 
Phái Shi’i dành cho Ali và những hậu duệ của ông một vị trí đặc biệt trong tín ngưỡng của họ. Họ tin rằng Ali và mười một vị imam sau đó là những người đặc biệt thích hợp để diễn giải những khải thị của Mohammed và dẫn dắt cộng đồng Hồi giáo, vì họ là hậu duệ của Tiên tri. Còn vị Imam thứ mười ba, Imam Zamah tức Mandi, được những người Shi’i coi là Imam của mọi thời đại. Vị này đã mất tích khoảng năm 873, và phái Shi’i tin rằng Thượng đế đã giấu ông ta đi không cho loài người nhìn thấy. Rồi một ngày nào đó ông ta sẽ quay lại để dẫn dắt cộng đồng Hồi giáo và mang sự công bằng trả về cho thế giới. Vì thế cũng dễ hiểu là trong lịch sử đạo Hồi cứ lâu lâu lại xuất hiện những người tự xưng mình là Mandi, vị Imam thứ mười ba, với những tuyên bố đủ kiểu đủ vẻ. 
Những người Shi’i chính thống tin rằng nhờ ân sủng thánh linh nên vị Imam không hề lầm lỗi, có trí tuệ và quyền năng siêu phàm, và có thể diễn giải kinh Koran tuyệt đối không chút sai lầm. Tuy vậy, do vị Imam cuối cùng hiện đang “ẩn thân”, nên những quyền năng kỳ lạ này được ông ta thực thi thông qua những lãnh tụ tinh thần hiện thân của các chi phái hay các quốc gia Hồi giáo Shi’i, gọi là ayatollah, những người được chia xẻ, theo một cách nào đó, những quyền năng đặc biệt của vị Imam. 
Quan niệm của phái Shi’i về vị Imam làm cho nhân vật này trở thành một tước vị thần linh độc đáo và được tôn sùng gần như thần thánh. Nhưng khi làm như vậy thì họ đã xa rời tư tưởng chính thống của đạo Hồi, theo đó vị imam chỉ là một caliph (người kế vị) không hơn không kém, để đến với những thần thuyết cực đoan nhất coi ông ta thực chất như một hóa thân hay một hiện thân của chính Thượng đế trên mặt đất, và vì thế ông ta thậm chí còn vĩ đại hơn cả Mohammed nữa. 
Những tín đồ phái Shi’i cũng đặc biệt nhấn mạnh đến Husain, vị Imam thứ ba, cũng là nhân vật nổi bật và bi kịch nhất trong tất cả các Imam. Vào năm thứ 61 theo lịch Hồi giáo, ông và những người theo ông đã bị quân đội của caliph Yazid giết chết trong một trận đánh lớn ở Karbala miền nam Irắc. Cái chết của vị anh hùng trẻ tuổi tài ba này được phái Shi’i nâng lên thành một sự kiện thần thánh, đòi hỏi một sự báo đền vĩnh viễn bằng cách than khóc và diễn lại bi kịch này. Đền thánh của Husain ở Karbala là một địa điểm hành hương rất đông đúc.
Bầu không khí của Hồi giáo Shi’i, được thể hiện trong lễ Muharram than khóc tưởng niệm Husain và trong đức tin về những vị Imam tử đạo hay ẩn mình, rõ ràng là mang sắc thái rất khác với Hồi giáo Sunni. Thế giới của các tín đồ Shi’i hoàn toàn không phải là nơi mà đức tin vào Allah luôn kiên định và ngày càng đắc thắng, mà là một vũ trụ tăm tối hơn nhiều. Ở đó sự phản bội, dối trá và tàn bạo dường như đang thắng thế. Những anh hùng và những tiên tri đích thực của Thượng đế phải chịu khổ sở và chết trong đọa đày, còn những kẻ mạo danh tàn nhẫn lại chễm chệ trên ngai vàng; những người mộ đạo chân chính thật ít ỏi so với những kẻ lầm đường lạc lối; và người ta nhận ra họ chủ yếu qua sự khóc than đau khổ của họ vì cái ác đang thắng thế trong thế giới hà khắc này, và họ chỉ còn biết cay đắng hy vọng vào những xếp đặt bí ẩn vô hình của Thượng đế.
Ngày nay phái Shi’i chiếm khoảng 15 đến 20% các tín đồ, và trải ra trong toàn bộ thế giới Hồi giáo. Các tín đồ Shi’i tập trung nhiều nhất ở Iran, ở đây họ chiếm đa số trong cộng đồng Hồi giáo. Người Shi’i xếp loại các nhà lãnh đạo tôn giáo của họ, hay các mullah (giáo sĩ) theo học vấn về tôn giáo, theo lòng mộ đạo và khả năng lãnh đạo. Cấp bậc lãnh đạo cao nhất là ayatollah. Những nhà lãnh đạo Shi’i có uy tín rất lớn đối với các tín đồ, và phán quyết của họ có ý nghĩa như luật pháp. 
Như vậy sự khác biệt cơ bản giữa những phái Shi’i với đa số tín đồ tuân theo Sunna là trên vấn đề thừa kế quyền lực: với Hồi giáo Sunni thì quyền lực cũng như việc quyết định các vấn đề giáo sự là theo đường lối thỏa thuận và nhất trí trong cộng đồng; với Hồi giáo Shi’ite thì quyền lực hoàn toàn nằm trong tay các vị Imam thuộc dòng dõi Tiên tri, hay người được ủy quyền của Imam, một tín đồ sùng đạo biết lắng nghe và biết tuân lệnh. Phái Sunni mang màu sắc dân chủ hơn và các lãnh tụ Sunni cũng có ít quyền lực với các tín đồ hơn so với các lãnh tụ Shi’i.
Nhưng kết quả cuối cùng lại có cái gì đó nghịch lý. Phái Sunni, tuân theo nguyên tắc bàn bạc nhất trí, lại có khuynh hướng bám chặt vào truyền thống và dựa vào những luật lệ đã có sẵn. Trong khi những người Shi’i, thường là nhóm thiểu số bị áp bức, lại có khuynh hướng đi theo những lãnh tụ có tính chất á thánh để sẵn sàng chấp nhận một sự cách tân cấp tiến nếu họ tin rằng điều đó đã được thần khải đặc biệt thông qua vị Imam hay người đại diện của ông ta. Họ có thể được dẫn dắt để bất mãn và đôi khi chống đối lại chính phủ, và có khuynh hướng kết thành bè phái dưới sự lãnh đạo của những lãnh tụ mà họ tin là thế thân của Imam, hay là đại diện hoặc tín sứ của các vị này. 
Tuy vậy, dù giữa phái Sunni và Shi’i cũng có một số luật lệ khác nhau, nhưng phái Shi’i và phái Sunni vẫn đồng ý với nhau trên hầu hết các vấn đề chính yếu của đức tin và thực hành tín ngưỡng. 
Theo NguyenSinh
(Một số ảnh không liên quan đến nội dung bài viết)
Đà Lạt - ảnh Việt Nam xưa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét