Trạm khí tượng thủy văn của Việt Nam trên đảo Hoàng Sa trước năm 1975. Ảnh chụp tại phòng lưu trữ tư liệu Hoàng Sa, Đà Nẵng. |
Phóng Viên (PV) vừa nhận được thêm những bằng chứng “thép” nữa chứng minh quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền và lãnh thổ của Việt Nam.
Vừa qua, qua đường dây nóng, PV có nhận được chia sẻ của độc giả Lê Đại Thắng - Phó trưởng phòng tư vấn và khai thác của Trung tâm tư liệu Khí tượng thủy văn (thuộc Trung tâm Khí tượng Thủy văn quốc gia, Bộ Tài nguyên và Môi trường) về các tài liệu chưa từng được công bố rộng rãi về quần đảo Hoàng Sa, hiện đang được lưu trữ ở trung tâm này.
Trao đổi với PV, ông Trần Vĩnh Thắng - Phó Giám đốc Trung tâm tư liệu Khí tượng thủy văn khẳng định: “Đúng là hiện tại chúng tôi đang lưu trữ những tư liệu quý về trạm khí tượng thủy văn (KTTV) Hoàng Sa (tên tiếng Pháp là Pattle) thuộc Đà Nẵng. Những tài liệu quý đó đã được lưu trữ từ ngày Cơ quan KTTV Cộng hòa Pháp bàn giao cho chúng tôi - lúc trung tâm mới thành lập cách đây 11 năm tới nay. Chúng hiện đang nằm trong kho tư liệu của chúng tôi và được bảo quản theo tiêu chuẩn quốc gia”.
Theo tìm hiểu của PV, hiện trung tâm này đang lưu trữ rất nhiều tài liệu gốc, nguyên bản bằng tiếng Pháp, chưa từng được công bố rộng rãi cũng như chưa một lần được phục chế, liên quan tới trạm khí tượng thủy văn Hoàng Sa (Pattle) trong khoảng thời gian từ tháng 1-1950 tới tháng 12-1954.
Các tài liệu được lưu trữ ở đây cho thấy, ngay từ tháng 1-1950, trạm khí tượng thủy văn Hoàng Sa đã tồn tại và do các quan trắc viên người Việt theo dõi.
Mã trạm Hoàng Sa theo mã quốc tế quy định là 860. Trạm nằm ở 16°33″ vĩ bắc, 111°37 độ kinh đông, cao 5,5 mét so với mực nước biển.
Ông Nguyễn Duy Nguyên, Trưởng phòng bảo quản, quản lý dữ liệu, tư vấn dịch vụ số liệu khí tượng thủy văn của Trung tâm tư liệu KTTV giải thích: “Trạm khí tượng đặc trưng để chỉ chủ quyền của mỗi quốc gia. Nó giống như di tích lịch sử vậy. Mỗi trạm đặc trưng cho khí hậu ở vùng, miền thuộc đất nước đó trong vòng bán kính khoảng 30km. Tùy khí hậu các vùng, miền mà mỗi quốc gia có số lượng trạm khí tượng khác nhau.
Cũng theo ông Nguyên, những trạm được phát báo quốc tế như trạm Hoàng Sa tức là đã được thế giới, mà cụ thể ở đây là Tổ chức khí tượng thế giới (WMO) công nhận thuộc chủ quyền của Việt Nam. "Trạm do người Việt mình theo dõi từ đầu những năm 1950, chứ không phải do người Trung Quốc quan trắc” - ông Nguyên nhấn mạnh.
"Đỗ quyên" - Hot girl Việt Nam |
Để chứng minh tính xác thực của những tài liệu này, ông Nguyên chỉ cho chúng tôi xem dấu đỏ của Météorologie nationale - Cơ quan khí tượng thủy văn quốc gia của Pháp cùng các số liệu, chữ số, chữ kí, tên người chịu trách nhiệm quan trắc trong ngày, thời gian họ làm việc...
Chẳng hạn, vào tháng 1-1950, trạm do các quan trắc viên có tên Minh Phong và Lê Tốn theo dõi. Tới tháng 12-1950, trạm lại do ông Nguyễn Mạnh Khiết, ông Nguyễn Văn Thỏa, ông Phạm Quang Tân ghi chép.
Tới năm 1952, có ông Phạm Hiệp Bảo và ông Vũ Văn Thẩm làm việc tại đây. Vào khoảng giữa năm 1952, trạm lại do ông Vũ Ngọc Quang và ông Nguyễn Văn Kim theo dõi.
Đến năm 1954, trạm do ông Tân, ông Đức, ông Thỏa, ông Nhã và ông Lê Quý Thụy theo dõi, trong đó ông Lê Quý Thụy là trạm trưởng với tên tiếng Pháp là De’pomille.
Thời gian họ quan trắc thường từ 3h45’-12 giờ/ca, ca tiếp theo từ 12h tới 19h15’ (theo giờ quốc tế). Công việc hàng ngày của các quan trắc viên này thường là quan sát rồi ghi chép lại các hiện trượng khí tượng ở đây.
Chẳng hạn, họ sẽ đo các yếu tố như nhiệt độ, độ ẩm, mây, tốc độ gió, hướng gió, lượng mưa… tại quần đảo Hoàng Sa rồi mô tả thời tiết ở đây mỗi ngày.
Ông Nguyên nhận định: “Hầu hết các quan trắc viên nêu trên đều đã qua đời. Nhưng theo tôi được biết thì hiện có một vị vẫn còn sống, quê ở TP.Đà Nẵng. Các sổ ghi chép này được thực hiện rất chi tiết, công phu cho thấy người theo dõi, ghi chép đã có thái độ làm việc hết sức nghiêm túc, có trách nhiệm. Quan trọng hơn cả, họ đã để lại một bằng chứng thép khẳng định chủ quyền không thể chối cãi của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa”.
Cũng theo tiết lộ của ông Nguyên, hiện tại, Đài Khí tượng Thủy văn Nam Bộ đang lưu trữ các tài liệu quan trắc tại trạm khí tượng thủy văn này đều đặn từ năm 1939 đến năm 1974.
Trong khi đó, ông Lê Đại Thắng cho biết, có thể tại trung tâm lưu trữ quốc gia 3 hiện còn đang cất giữ công văn hoặc quyết định thành lập trạm khí tượng này.
PV sẽ tiếp tục liên hệ với các cơ quan và “nhân chứng” kể trên để tìm hiểu sự việc nhằm cung cấp tới độc giả những thông tin chính xác nhất.
Minh Quân
(Một số ảnh không liên quan đến nội dung bài viết)
"Sen" - tranh của họa sĩ Quốc Thạnh |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét