Trang bị ngư lôi siêu hạng cho tàu ngầm Kilo Việt Nam? |
Đây chỉ là vài ý kiến thô thiển của một tu sĩ quê mùa, kính dâng lên quốc dân đồng bào và các bậc hiền tài nước Việt, như một lần làm bổn phận công dân, khi nước nhà đang trong cơn nguy biến.
Câu hỏi trên vào thời điểm này có thể bị cho là “quá lo xa?” Nhiều lý do lắm, nào là Thượng viện Mỹ đã nghiêm khắc cảnh cáo Bắc Kinh không được manh động ở Biển Đông; nào là không có lợi về kinh tế và cả về chính trị nếu Trung Quốc tấn công Việt Nam. Cũng xin chấp nhận thôi, vì chuyện tương lai thì không ai xác quyết được, nhưng người ta vẫn phải đứng trước chữ NẾU to tướng! Chẳng lẽ lúc ấy lại bảo là “cả thế giới đã nói rằng quý vị không tấn công chúng tôi mà?” Đi tìm câu trả lời cho nghi vấn nêu trên, vẫn là hoài bão của tác giả bài này.
Người Tây phương, người Mỹ, thường nói “hãy hy vọng điều tốt nhất sẽ xảy ra, nhưng phải chuẩn bị cho điều tệ hại nhất.” (Hope for the best, but prepare for the worst). Trong “tinh thần” chuẩn bị cho điều tệ hại nhất có thể xảy đến, người dân Việt cần tìm cách “đối phó”, trước khi thực tại thê thảm đó xảy ra.
Thật ra chuyện nước Việt Nam bị kẻ thù phương Bắc đánh chiếm chẳng có gì lạ, chuyện này đã xảy ra nhiều lần trong lịch sử hơn ngàn năm qua. Điều quan trọng là tại sao lần nào dân Việt cũng đuổi được quân xâm lấn? Khoảng thời gian lâu nhất mà họ đã có thể ở lại trên đất Việt là vào cuối đời nhà Trần, thời nhà Minh bên Trung Quốc; nhưng họ đã bị ông Lê Lợi, người anh hùng áo vải đất Lam Sơn, đứng lên phất cờ khởi nghĩa, “mời” họ ra khỏi nước Nam (năm 1428). Con cháu của các ngài, ngày nay, học được điều gì từ chiến lược của cha ông? Chiến lược đó tóm gọn trong ba chữ “Kế Sinh Tồn.”
Phải sống bên cạnh một anh hàng xóm, nước rộng, người đông, nhiều hơn mình đến trên mười lần; hơn nữa, anh hàng xóm đó có thêm tính xấu, lâu lâu lại gây sự và đánh phá người láng giềng phương Nam. Để sống còn, người láng giềng phương Nam luôn luôn đi theo “chiến pháp”: ĐÀM - ĐÁNH - ĐÀM. Chữ “đàm” thứ nhất, hầu như ít khi hiệu nghiệm. Nếu hiệu nghiệm sao còn bị đánh? Có nghĩa là khi “người ta” đã chủ tâm đánh mình thì chẳng có lý giải nào làm cho họ bỏ ý định được, trừ khi mình xin đầu hàng trước! Nhưng, lịch sử đã chứng minh, không khi nào người dân Việt chấp nhận thua, trước khi “thử lửa!”
Khi bắt buộc phải “đánh”, dân Việt cũng có kế sách. Người phương Bắc tràn xuống, “thế giặc mạnh như chẻ tre”, Việt sử đã thường ghi như vậy, là vì dân quân nước Nam chấp nhận né tránh lúc đầu để bảo toàn lực lượng. Thời gian tiếp theo là giai đoạn đánh du kích, chặn đường tiếp lương, gây hao tổn và bất an cho giặc. Đến khi thế giặc đã nao núng, cái hung hăng, kiêu ngạo lúc đầu của họ đã mất và đa số quan, quân chỉ còn muốn mau được về nước để gặp lại… vợ con; thì đó là lúc quân ta tràn ra, dốc toàn lực đánh một trận quyết định, đuổi giặc ra khỏi bờ cõi, kết thúc mộng xâm lăng của chúng.
Tuy nhiên, biết mình yếu hơn, không thể kéo dài chiến tranh mãi được, nên khi tên giặc cuối cùng vừa bước qua bên kia biên giới, thì cũng là lúc người Việt cử đại diện đi gặp anh chàng hàng xóm xấu tính, để nói chuyện “phải quấy.” Thường thì lúc này anh ta cũng “biết điều” hơn và cũng dễ đi đến một thỏa hiệp để hai nước có hòa bình. Đó là chữ “đàm” thứ hai.
"Nụ Xuân" - Hot girl Hằng Rube |
Giấc mơ nỏ thần?
Ngày nay, nếu anh hàng xóm “to xác nhưng xấu tính” lại gây sự (xin mượn chữ của các bạn trẻ ở quê nhà; cũng xin được ngưỡng mộ lòng yêu nước nhiệt thành của các bạn; mà cả dân tộc cùng đồng tâm, nhất trí, thì không giặc nào có thể xâm lấn nước Nam.) Nếu anh ta đòi đánh, thì người dân Việt Nam phải làm gì? Biết mình yếu thế, có lẽ nhiều người lại nhìn ra bốn phương, tám hướng, mong ước có người giúp mình? Khốn nỗi, rất có thể tất cả mọi người sẽ đều vì “ích lợi cốt lõi” của quốc gia họ mà từ chối khéo và đứng trong thế của những ngư ông, xem “trai, cò quắp nhau…”. Có nghĩa là dân ta bắt buộc phải tự coi như không thể trông mong vào bất cứ người “bạn” nào để chống giặc. Kinh nghiệm đẫm máu và nước mắt của dân quân miền Nam, 36 năm trước đây, vẫn còn hằn sâu trong tâm khảm nhiều người.
Bị bắt buộc phải ở trong tình huống đơn độc một mình, nhìn thấy giặc lù lù tiến đến, nhìn thấy trước cảnh nước mất, nhà tan mà không làm gì được, nên… cũng là điều dễ hiểu, nếu có người dân Việt lại mơ về chiếc “nỏ thần” khi xưa. Nhưng nỏ thần của thế kỷ XXI này là gì? Vâng, đúng vậy, đó là võ khí nguyên tử (hạt nhân.) Điều này có vẻ cực đoan và xa vời, nhưng lại thực tế trăm phần! NẾU, vẫn chữ NẾU! Nếu Việt Nam có dăm, bảy hoả tiễn (tên lửa) mang đầu đạn nguyên tử, chỉ cần ở tầm trung thôi, nghĩa là tầm hoạt động của chúng khoảng trên 1.000 cây số, thì đó chính là những nỏ thần hôm nay để ta giữ được nước. Dĩ nhiên, dân ta sẽ phải hoàn toàn giữ bí mật và chỉ “công bố” là có “nỏ thần” khi đã thực sự bị dồn đến chân tường. Cần phải nhìn gương của Bắc Hàn (Triều Tiên), chỉ vì họ có vũ khí nguyên tử nên các cường quốc đã áp lực đòi buộc họ phải huỷ bỏ chương trình này; dĩ nhiên là họ không chịu, nên Bắc Hàn đã bị trù giập, phong toả về kinh tế, đến nỗi dân chúng của họ luôn bị thiếu ăn, nhiều người bị chết đói, không còn ngóc đầu lên được. Nhưng, thật là một điều nghịch lý, vì cùng một lúc, không ai dám “đụng” đến Bắc Hàn! Dễ hiểu thôi, chẳng ai dại gì đi đổi Honolulu, thủ phủ của tiểu bang Hawaii, lấy thành phố nghèo xơ Bình Nhưỡng (Pyongyang), thủ đô của Bắc Hàn. Cũng vậy, nếu Việt Nam ta có “nỏ thần” thì chắc chắn “người ta” sẽ không muốn đổi Hồng Kông lấy Hà Nội, thậm chí thêm cả Sài Gòn nữa!
Vấn đề là tìm “nỏ thần” ở đâu? Nếu bây giờ mới lo xây lò nguyên tử thì đã quá muộn, vả lại, cả thế giới sẽ để ý, tìm tòi, hạch sách, khó mà thành công được. Như việc đang xảy ra ở Iran, liệu Do Thái và Mỹ có để yên cho Iran chế bom nguyên tử hay không? Như vậy thì chỉ còn cách là phải đi… mua! Nếu chợ “chính” không ai bán thì mua ở chợ… “đen”. Lâu nay, giới quân sự vẫn thường rỉ tai nhau về một nguồn tin, mà các cường quốc đều muốn giữ kín, đó là khoảng 500 vũ khí nguyên tử, loại xách tay, nhỏ bằng chiếc cặp đựng giấy tờ (briefcase) đã bị thất lạc, khi cựu So Viết sụp đổ. Những vũ khí ấy bây giờ đang ở đâu? Có vài chiếc cặp đó “để dành” phòng khi hữu sự, không phải là điều quá xa vời.
Shawarmas rau củ - món ngon của người dân Ảrập |
Trung Quốc sẽ chiếm đóng nước Việt?
Có nhiều lý do vào lúc này cho thấy, nếu Trung Quốc quyết định đánh Việt Nam họ sẽ không có ý định chiếm đóng cả nước. Trong thời chiến tranh Quốc - Cộng, Mỹ đã phải đổ hơn nửa triệu quân vào miền Nam; ngày nay, Trung Quốc cần có bao nhiêu quân để chiếm đóng cả nước Việt Nam? Phải chi bao nhiêu tỷ đô la mỗi năm cho sự chiếm đóng này? Nền kinh tế của họ có cho phép điều đó xảy ra không? Tuy nhiên, xin dành câu trả lời (đề nghị) cho nghi vấn trên ở một bài khác.
Người viết chỉ xin bàn đến “cuộc chiến trên Biển Đông” hôm nay, vì nó tỏ tường quá, phải nói đến trước. Điều này có nghĩa, việc Trung Quốc đánh chiếm các hải đảo đang ở trong tay Việt Nam, thuộc quần đảo Trường Sa, là một nguy cơ gần hơn nhiều người tưởng.
Người dân Việt vẫn phải chuẩn bị cho tình huống xấu nhất, có nghĩa là, Việt Nam phải chiến đấu một mình, không “nỏ thần”, không bạn hữu, ngay cả việc không ai bán vũ khí cho mình nữa, dù là mình có tiền, vì đã có những cuộc mặc cả giữa các thế lực quốc tế!
"Ốc biển" - người đẹp Nhật Bản |
Chính phủ Việt Nam đã có cách giữ Trường Sa chưa?
Trong một cuộc phỏng vấn với báo Tuổi Trẻ, hôm 6-6-2011, tướng Nguyễn Chí Vịnh (trung tướng, thứ trưởng quốc phòng, Việt Nam) đã nói: “Nếu có xung đột trên biển Đông thì không bên nào thắng, thiệt hại trước hết cho các nước tham gia (cuộc) xung đột và ảnh hưởng đến tất cả những nước có lợi ích ở khu vực.” (VietnamDefence).
Đồng thời, cựu tướng Lê Văn Cương (thiếu tướng, nguyên viện trưởng viện chiến lược của bộ công an, Việt Nam), cũng nói với báo Vnexpress, hôm 13-6-2011 rằng ông “mong ước Việt Nam có 2 tỷ rưỡi đô la, nghĩa là khoảng 30 đô cho mỗi đầu người dân Việt, để mua tàu siêu tốc và ngư lôi.”
Nghe hai nhà “lãnh đạo” của đất nước Việt Nam hôm nay “bàn” chuyện giữ nước, thú thực, kẻ viết bài này thấy hơi… nản! Mặc dù nước Việt đang ở chữ “đàm” thứ nhất, có nghĩa là còn thương thuyết được đến đâu, quý đến đấy; nhưng lời nói của tướng Vịnh (một võ tướng), tuy có thể đúng trên lý thuyết, nhưng nó có vẻ như, theo cách người Mỹ hay nói, là “không có… răng!” (No teeth!) Nghĩa là chẳng doạ được ai! Trong khi người thứ hai, tướng Cương (một tướng hành chánh - staff officer - tạm coi như một quan văn), với cương vị cũ của ông ở “viện chiến lược”, người ta phải nghĩ rằng ông là một trong những “nhà chiến lược” của chính phủ. Một chiến lược gia của đất nước mà khi giặc đến, chỉ biết ngồi đó để mơ… 2 tỷ rưỡi đô la? Ôi, phải chi không có vụ Vinashin thì dân ta đỡ biết mấy! Tự nhiên có 5 tỷ đô, tha hồ mà mua tàu siêu tốc và ngư lôi!
Xin đề nghị, lần sau nếu tướng Vịnh, hay bất cứ nhà lãnh đạo nào, có dịp “nói” cho cả thế giới nghe, thì xin các ngài cứ nhẹ nhàng mà nói thế này thôi: “Nếu Trung Quốc tấn công bất cứ hải đảo nào của Việt Nam, đặc biệt là những đảo thuộc quần đảo Trường Sa, điều đó có nghĩa là CHIẾN TRANH! Khi chiến tranh xảy ra, ngay tức khắc, chúng tôi sẽ phong toả Biển Đông; xin nói rõ hơn, chúng tôi sẽ biến Biển Đông thành một bãi mìn trên biển khổng lồ, không tàu bè nào có thể qua lại được”.
Biển Đông vốn là một trong những hải lộ quan trọng vào bậc nhất trên thế giới. Người ta ước tính có đến “phân nửa tổng số hàng hoá trên thế giới, tính theo trọng tải (tonnage), đi qua biển Đông mỗi năm”. (Theo Tiến sĩ Donald K. Emmerson, Giám đốc Diễn đàn về Đông Nam Á của Đại học Stanford, Mỹ. Trên International Business Times). Vị này còn có thêm những suy luận sắc bén khác, chẳng hạn như ông nói: “Trung Quốc ngày càng lệ thuộc vào việc nhập cảng nhiên liệu từ Trung Đông. Số nhiên liệu đó (phải) đi qua eo biển Malacca (giữa các nước Singapore, Malaysia và Indonesia), rồi vào Biển Đông. Nếu Trung Quốc tạo chiến tranh ngay trên đường chuyên chở nhiên liệu chính của mình, thì đó là một quyết định thiếu khôn ngoan” (Ibid). Ông Emmerson tiếp: “Những quốc gia trong vùng đều biết rằng nếu một cuộc chiến toàn diện xảy ra, với những tàu chở dầu bị nổ tung thì sẽ là điều vô cùng nguy hiểm cho những quốc gia liên hệ… nền kinh tế thế giới sẽ bị chao động mạnh vì sự xáo trộn của thuỷ lộ chính này” (Ibid).
Trang mạng “haydanhthoigian.worldpress.com” đã đăng bài mang tựa đề: “Nếu khai chiến trên Biển Đông, khả năng Trung Quốc sẽ thua Việt Nam”, lấy nguồn từ trang blog của nhà văn Phạm Viết Đào. Bài này đã tổng hợp những bài viết của các báo ở Hồng Kông như “Đại Công Báo”, “Văn Hối”, “Đông Phương” và nguyệt san “Phòng vệ Hán Hoà”. Báo chí ở Hồng Kông, dù sao cũng còn chút tự do, tự trọng, bình luận thẳng thắn và khá trung thực, không như đám bồi bút ở Bắc Kinh, chỉ biết mù quáng viết theo “chỉ thị” của… đảng. Theo bài tổng hợp nói trên, thì “các chuyên gia quân sự Trung Quốc đã cảnh cáo rằng nếu Bắc Kinh dùng vũ lực (trong vụ Biển Đông), cái giá phải trả sẽ rất đắt, thậm chí ảnh hưởng quốc tế tiêu cực của hành động này đối với Trung Quốc còn lớn hơn cả phát động một cuộc chiến tranh tại eo biển Đài Loan”.
“Achilles kéo lê xác Hector quanh tường thành Troy” - tranh của họa sĩ Donato Creti |
Xin hiến kế giữ biển Đông
Trở lại với nguyên tắc ban đầu là dân Việt sẽ tự coi như phải một mình giữ nước, giữ biển. Có lẽ đúng hơn là tái chiếm những hải đảo đã bị Trung Quốc chiếm đóng, sau cuộc ồ ạt tấn công lúc đầu của họ. Trước hết, và không bao giờ được quên, là dân quân ta sẽ phải theo chiến pháp: đánh du kích! Đó là nguyên lý, trên bờ cũng như dưới biển. Từ chiến lược, chiến thuật, phương thức cũng như vũ khí, luôn luôn theo đường hướng chiến tranh du kích. Đánh cho đến khi kẻ thù “bật” ra khỏi các hải đảo, khiến họ, cũng như cả quốc tế nữa, phải “mời” chúng ta trở lại bàn hội nghị. Khi đó, chúng ta sẽ đi vào chữ “đàm” thứ hai.
Trước hết, phát động chiến tranh du kích có nghĩa chúng ta không cần đến những chiến hạm to lớn, ở giai đoạn đầu, nhưng cần thật nhiều tàu nhỏ chạy nhanh, ít nhất phải đạt 40 hải lý/giờ, mà tướng Cương đã gọi là “tàu siêu tốc”. Nhưng chúng ta không có tiền, mà dẫu có cũng chưa chắc có người muốn bán cho ta. Vậy thì phải làm sao? Thưa rằng, chúng ta tự đóng lấy. Nguyên liệu để đóng tàu? Đại đa số nhà cửa ở Việt Nam đều lợp bằng “tôn” (tôle, sheet metal), đó là nguyên liệu; tàu càng nhẹ, chạy càng nhanh, ai cũng biết như vậy. Tàu không cần phải quá lớn, chỉ vừa đủ chở mấy người và hai quả thuỷ lôi (ngư lôi) cùng với ống phóng. Về máy tàu, ta có thể lấy máy của các xe hơi (ôtô) để lắp cho những tàu nhỏ này, rất tiện dụng và đạt được tốc độ khá cao.
Thứ hai, chính phủ cần ra lệnh “tổng động viên” các thuyền đánh cá. Việt Nam ta hiện nay đang có khoảng 100.000 ngư thuyền đủ loại, có thể được biến thành những “chiến thuyền”. Chúng cần được tổ chức thành từng đội, phân công thành thuyền đánh tàu chiến, thuyền đánh tàu ngầm, thuyền đánh máy bay, thuyền tiếp liệu… Điều này, bất cữ sĩ quan hải quân nào cũng biết. Nhiều đội hợp thành đoàn, và cứ thế…, cần nhiều chiến thuyền hay ít, tuỳ theo nhu cầu chiến trận để ra quân. Xen vào những đội chiến thuyền này là những tàu chạy nhanh, đó là lực lượng xung kích, mang thuỷ lôi để đánh tàu chiến hoặc “trái phá” (depth charge) để đánh tàu ngầm.
Tất cả các ngư thuyền cần được chuẩn bị sẵn, ngày thường chúng vẫn là những thuyền của ngư dân dùng vào việc đánh cá, nhưng khi hữu sự thì chỉ qua một đêm, dân ta đã có 100.000 chiến thuyền, trải dài từ Bắc vô Nam! Đó là lực lượng mà đối phương sẽ phải đương đầu, từ khi họ rời bến ở đảo Hải Nam, cho đến khi họ vào đến Trường Sa, khoảng 1.300 cây số, nơi họ sẽ phải đương đầu với đại lực lượng của ta. Chưa hết, nếu một vài tàu của họ còn sống sót mà quay trở lại đảo Hải Nam, ta vẫn tiếp tục bám theo cũng như chặn đánh từ Nam ra Bắc. Họ có vũ khí mạnh, nhưng số lượng giới hạn; ta có số đông, ưu điểm là ở đây. Người ta vẫn thường nói: “Mãnh hổ nan địch quần hồ”, nước ta nhỏ, dân ta ít, ta chịu nhận là “hồ” hay gì cũng được, miễn là bảo vệ được quốc gia, giữ được biển, đảo.
Vài thí dụ nhỏ: mỗi tàu ngầm chỉ có thể đem theo khoảng trên 10 quả thuỷ lôi, nhưng mỗi quả không thể đánh chìm nhiều hơn 1 thuyền đánh cá. Nếu đánh hết số thuỷ lôi này, tàu ngầm đó chỉ còn cách… tháo chạy, hoặc lặn sâu để lẩn trốn sự phản công của ta. Máy bay của Trung Quốc được trang bị bằng nhiều loại vũ khí, trong đó có cả hoả tiễn Exocet của Pháp, nhưng là loại “nhái”, dĩ nhiên; mỗi hoả tiễn này cũng chỉ đánh được 1 thuyền của ta, trong khi chúng ta có hàng ngàn chiến thuyền.
Ngày nay, để đạt được tốc độ nhanh trên biển, người ta thường dùng các hợp chất kim loại nhẹ để đóng các tàu chiến, chúng không còn “cứng cáp” như các chiến hạm thời đệ nhị thế chiến. Chỉ một quả hoả tiễn Exocet, Argentina đã đánh chìm được khu trục hạm HMS Sheffield của Anh quốc (năm 1982). Khu trục hạm của Mỹ, USS Stark, năm 1987, đã bị trúng 2 quả Exocets, nhưng rất may là quả thứ hai bị “lép”, không nổ. Tàu này không chìm là vì người Mỹ đã dùng loại kim cứng hơn (người Anh) để đóng tàu của họ. Trong hiện tại, để tấn công những loại tàu hạng trung như khu trục, tuần dương xuống đến các tàu nhỏ hơn… rất có thể người ta không cần phải dùng đến những loại đạn “xuyên thép” (armor-piercing projectiles) nữa.
Thứ ba, với lực lượng chiến thuyền hùng hậu như vậy, việc Việt Nam phong toả Biển Đông không còn là vấn đề nan giải. Điểm khác, quan trọng không kém, đó là việc trang bị vũ khí cho “hạm đội du kích” của ta; cũng như việc xử dụng thêm một loại “tàu du kích chiến lược”. Loại tàu này có khá nhiều ở Việt Nam, không cần phải đi mua ở đâu cả. Các hải đội chiến thuyền của Việt Nam sẽ hoạt động hữu hiệu và không giới hạn trên khắp Biển Đông, có nghĩa là ta có thể dàn trận sang đến sát vùng biển của Philippines. Nếu có sự hợp tác quân sự của Phi thì tốt; nếu không, dân quân ta vẫn thừa sức chống xâm lăng. Tuy nhiên, chi tiết của những điều này đã thuộc về lĩnh vực “bí mật quân sự”, không tiện bàn thảo nhiều hơn ở đây.
Một lần nữa, Việt Nam rất cần có những lời tuyên bố dứt khoát, mạnh dạn ngay từ bây giờ, trong lúc các bên còn đang thương thuyết. Thực tế đã cho thấy, hầu hết các nước có nền kỹ nghệ cao, đang phải dùng thuỷ lộ huyết mạch trên Biển Đông như Nhật, Nam Hàn… vẫn còn im tiếng. Điều này đã làm cho người ta nhớ đến những phim truyện dài, nhiều tập của Hồng Kông, các nhân vật trong đó hay nhắc đến câu nói, “chưa thấy quan tài, chưa đổ lệ!” Đúng vậy, cần phải cho những nước “có lợi ích ở khu vực” biết là họ sẽ bị thiệt hại dường nào khi các tàu hàng của họ không còn đi qua Biển Đông được nữa, lúc đó họ mới thực sự quan tâm, và có lẽ lúc đó ngay cả Trung Quốc cũng phải nói chuyện cách “lễ độ” hơn.
Đây chỉ là vài ý kiến thô thiển của một tu sĩ quê mùa, hủ lậu; kính dâng lên quốc dân đồng bào và các bậc hiền tài nước Việt, như một lần làm bổn phận công dân, khi nước nhà đang trong cơn nguy biến.
Lm. Phaolô Nguyễn Văn Tùng
(Một số ảnh không liên quan đến nội dung bài viết)
"Ghế nóng" - siêu mẫu nội y châu Âu |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét