Thứ Bảy, 11 tháng 8, 2012

Việt Nam sắp có giải Nobel về... thơ?

Chủ tịch hội nhà văn Việt Nam Hữu Thỉnh và nhà thơ “thiên giáng” Hoàng Quang Thuận.
Chao ôi! Biển đảo Việt Nam đang “sôi lên sùng sục”, máu xương đã đổ và dường như sẽ còn phải đổ đấy! Đời sống vật chất và tinh thần, cả những áp bức, bất công của đại bộ phận dân chúng cần lao còn khổ lắm đấy! Vậy mà thi sỹ Việt 100% lẽ nào lại có thể an nhiên tự tại với những vần thơ “sung sướng” như vậy lúc này được chăng?!
Sáng 8-8-2012, tại trụ sở Hội Nhà văn Việt Nam (số 9 Nguyễn Đình Chiểu - Hai Bà Trưng - Hà Nội), hội thảo “Hoàng Quang Thuận với Non thiêng Yên Tử” do Tạp chí Nhà văn (Hội Nhà văn Việt Nam) tổ chức. Đến dự hội thảo có:
- Nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch UBTQ Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà Văn Việt Nam; 
- Nguyễn Di Niên - nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao; 
- Nguyễn Thanh Sơn - Thứ trưởng Bộ ngoại giao; 
- Lê Trần Trường An - Chủ tịch, tổng giám đốc sách Kỷ lục Việt Nam; 
- PGS,TS. Nguyễn Hồng Vinh - Chủ tịch Hội đồng LLPB VHNT Trung ương; 
- TS. Lê Thị Bích Hồng - Vụ phó Vụ Văn hóa Văn nghệ, Ban Tuyên giáo trung ương; 
- Trung tướng, nhà văn Hữu Ước - Tổng cục Phó Tổng cục XDLL, Bộ Công an; 
- Cùng các vị hòa thượng tại Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử; các Ủy viên BCH Hội Nhà Văn Việt Nam; các nhà văn, nhà thơ, nhà báo cùng đông đảo bạn đọc quan tâm tới thơ Hoàng Quang Thuận. 

Hội thảo mở đầu bằng một chương trình văn nghệ, bằng những bài thơ tiêu biểu rút từ tập “Thi vân Yên Tử” của “nhà thơ” Hoàng Quang Thuận được các nghệ sỹ biểu diễn qua hình thức ngâm thơ. 
Điều hành hội thảo: 
- Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà Văn Việt Nam. 
- PGS.TS. Nguyễn Hữu Sơn. 
- Phó Viện trưởng Viện văn học, dịch giả Nguyễn Văn Dân 
- Chủ tịch Hội văn học dịch, TBT Tạp chí Văn học nước ngoài, nhà thơ Hữu Việt. 
Nhà thơ Hữu Việt đọc lời đề dẫn: “Yên Tử là một địa chỉ tâm linh quá lớn, một vùng đất thiêng, mà từ lâu đã trở thành miền hành hương của hàng triệu người Việt vào tất cả các mùa trong năm, đặc biệt là vào mùa xuân. Mang trong lòng mình cả thực thuyết lẫn truyền thuyết, Yên Tử quyến rũ không chỉ bởi mây biếc non bồng mà còn chinh phục khách hành hương bằng hào khí của một vương triều quật cường và trí tuệ, nhân văn và kiêu hãnh; nơi một vị vua anh minh đã khai mở thiền phái riêng của người Việt, mang tên rừng trúc (Trúc Lâm) được ví như cốt cách của người quân tử bao phủ khắp núi non Yên Tử!... Cách đây đúng 15 năm, có một người đầu tiên đến Yên Tử, đã bất ngờ được Yên Tử “khai tâm”. Đó là Hoàng Quang Thuận, sinh năm 1953 tại Quảng Bình, là GS.TS. thuộc lĩnh vực công nghệ viễn thông. Với những ngẫu nhiên lạ lùng mang hơi hướng tâm linh giữa mênh mang Yên Tử, chỉ trong vòng ba ngày đêm lưu lại ở vùng nong thiêng, anh đã viết một mạch 63 bài thơ in thành tập “Thi Vân Yên Tử”. Sau đó ba năm, Hoàng Quang Thuận công bố tiếp “Ngọa vân Yên Tử” với 80 bài. Đến năm 2010, anh gộp lại thành tập 143 bài lấy tên chung là “Thi Vân Yên Tử”… Qua cuộc hội thảo hôm nay, chúng ta cũng mong muốn sẽ được lý giải phần nào hiện tượng làm thơ với số lượng nhiều trong thời gian rất ngắn của Hoàng Quang Thuận”. 
Tiếp theo, Nhà phê bình văn học Đỗ Ngọc Yên đọc tham luận “Lạc đạo tùy duyên cùng Thi Vân Yên Tử”. 
Đến lượt Nhà thơ Trần Nhuận Minh (Quảng Ninh), người rất am hiểu về vùng đất Yên Tử, ông bày tỏ sự trân trọng đối với tâm huyết của “nhà thơ” Hoàng Quang Thuận đã viết nên những bài thơ ca ngợi vùng đất thiêng Yên Tử. 
Rồi, Cư sỹ Đăng Lan (TP.HCM) đọc tham luận “Về Yên Tử đọc thơ Hoàng Quang Thuận”. 
Tiếp theo, Nhà thơ, nhà phê bình Vũ Bình Lục: "rất kính trọng tấm lòng của Hoàng Quang Thuận với Yên Tử và với thơ". 
Nhà thơ Dương Kỳ Anh chia sẻ: “Khi tôi đọc lại những tập thơ của Hoàng Quang Thuận để tìm những câu thơ hay cho tập sách mà tôi đang tuyển chọn, tập “Những câu thơ hay đến lạnh người” (tuyển chọn thơ hay Đông, Tây, kim, cổ), trong tôi bỗng ngân lên: 
“... Sớm cưỡi mây chơi cùng non biếc 
Đêm về bến nghỉ lót trăng nằm 
Tiếng sáo thiền ca vui bất tận 
Ngập tràn Yên Tử trăng trong trăng...”. 
Quả là những câu thơ hay đến lạnh người, những câu thơ nằm trong tiềm thức của tôi, tôi đã thuộc lòng, những câu thơ mà tôi đồ rằng nó đã nhập vào Hoàng Quang Thuận như người ta nhập đồng. Bởi khi đọc lại các bài cổ thi của các nhà thơ Việt Nam, các bài thơ của các nhà thơ đời Đường... Tôi khó mà phân biệt đâu là xưa, đâu là nay, đâu là cổ, đâu là tân, nó như là một sự ám ảnh của tâm linh”. 
Tiếp theo, Ông Nguyễn Di Niên - nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao: “Tôi rất ngạc nhiên về “nhà thơ” Hoàng Quang Thuận, tuy là một nhà khoa học nhưng anh lại làm thơ thiền. Thơ của Hoàng Quang Thuận làm tôi yêu thích cảm mến, bị lôi cuốn…”.
Đến lượt Nhà báo, nhà thơ Đặng Hiển đọc tham luận: “Dấu tích vua Phật Trần Nhân Tông ở Yên Tử trong lòng thi nhân” có đoạn: 
“Thi Vân Yên Tử” không kết thúc như một thiên du ký mà như một khúc tưởng niệm như trên đã nói, nét đậm nhất của “Thi Vân Yên Tử” là dấu tích của vua Phật Trần Nhân Tông trên Yên Tử nhưng là dấu tích trong lòng người, trong lòng thi nhân. Có tấm lòng ấy mới có thơ. Tấm lòng ấy trong bài nào, trong chi tiết nào cũng thể hiện và rõ nhất, khái quát nhất là trong ba bài “Luận đời” (tr.158), “Cảm thán” (tr.45) và “Yên Tử trường xuân” (tr.19). Bài “Luận đời” coi như lời tổng luận bằng thơ cả tập thơ của nhà khoa học, “nhà thơ”, Phật tử Hoàng Quang Thuận: "Đời giống mây trời trên đỉnh núi/ Phù Vân tán tụ một kiếp người/Vinh hoa phú quý vòng tục luỵ/Bể khổ trần gian kẻ đầy vơi/ Hào quang toả sáng đỉnh Phù Vân/Ngọa Vân Yên Tử theo ngày tháng/Linh Sơn đất Phật mãi trường xuân". 
Có điều nhà khoa học, nhà tư tưởng, nhà Phật học Hoàng Quang Thuận là “nhà thơ” nên những cảm nghĩ của ông về Yên Tử, trước hết, trên hết và sau hết là sự rung động của con tim, sự rung động đó lại ngân lên bằng vần điệu, bằng hình tượng nghệ thuật để cuốn hút chúng ta theo bước của thi nhân vào cõi thiêng, cõi đẹp của Đất nước, của tâm linh Việt”. 
Trong giây lát “nhà thơ” Hoàng Quang Thuận bày tỏ lòng cảm ơn trước sự quan tâm của các nhà LLPB văn học, các nhà văn, nhà thơ và bạn đọc đối với hai tập thơ. Ông nói về sự ra đời kỳ lạ của hai tập thơ vào những khoảnh khắc kỳ diệu và đọc những bài thơ tâm đắc của mình. 
Để đáp lại, Nhà văn Văn Chinh xúc động: “Hoàng Quang Thuận là người khắc kỷ và hướng thiện. Anh đã viết được những câu thơ mang tinh thần Phật giáo, mang triết lý nhân sinh rất sâu sắc. Góp ý với tác giả: Giá như 3 đêm 3 ngày ở Yên Tử anh chỉ làm 3 bài thơ thôi, thì có lẽ những bài thơ sẽ có sức nặng hơn(?)”. 
Cùng lúc đó Lê Thị Bích Hồng nức nở: “Thơ Hoàng Quang Thuận thấm đẫm chất thiền trong cảnh, trong mây, trong tâm thức, không chỉ là những vần thơ tả cảnh sắc, thơ anh còn động thấu đến thế sự…”. 
Nhà thơ Hữu Thỉnh nhận định: “Thời gian gần một năm nay, không khí thảo luận thơ của chúng ta rất sôi nổi, trong không khí đó, cuộc hội thảo này đã làm đa dạng hóa cuộc trao đổi về thơ. Trong lúc đời sống hiện nay đang có dấu hiệu tầm thường hóa thì “nhà thơ” Hoàng Quang Thuận chống lại xu hướng đó bằng việc đề cao sự thiêng liêng, thanh khiết của tâm hồn. Đây là một đóng góp làm cho vượng khí tinh thần dân tộc được phát triển lên. Vì thế mà thơ Hoàng Quang Thuận nhận được sự đồng tình và những đồng cảm. Thực ra trong văn học, số lượng không nói lên điều gì nhưng một người đến thăm và làm hơn 100 bài thơ về Yên Tử, có nghĩa tác giả đã đến, sống và hòa mình và cảnh sắc, vào các giá trị của dân tộc. Có hai cấp độ về thơ ca: cấp độ 1 là làm thơ về Yên Tử; cấp độ 2: mượn Yên Tử để làm thơ mới là nhà thơ, mới chạm được đến thế giới thi ca. Qua Phật, qua trời đất để gửi một thông điệp đến cho con người mới là phẩm chất của thi ca. Hoàng Quang Thuận đã đạt tới cả hai cấp độ này. Anh đến Yên Tử, làm thơ không phải để so tài với ai mà chỉ làm một việc: ghi lại những chấn động trong tâm hồn mình một cách chân thực, thành kính. Chân thành là nghệ thuật cao nhất của thơ ca. Sau tất cả các bài thơ, chúng ta bắt gặp con người Hoàng Quang Thuận với đầy đủ diện mạo tinh thần của người làm thơ”. 
Cuối cùng, PGS.TS Nguyễn Hữu Sơn tổng kết hội thảo: “Với 21 bản tham luận và những ý kiến góp ý, trao đổi tranh luận sôi nổi thể hiện sự quan tâm đến tập “Thi Vân Yên Tử”. Chúng tôi hy vọng qua hội thảo lần này, các vấn đề không phải đã khép lại mà chính là cần tiếp tục được mở ra, giúp chúng ta làm quen và chủ động trước mọi hiện tượng văn học, trong đó có hiện tượng “Thi Vân Yên Tử”.
"Tuổi xuân" - Hot girl Nhật Bản
Sau đây là một số nhận định của các nhà phê bình cũng như bạn đọc:
Những gì thái quá rồi cũng bị phản ứng để đưa nó về đúng chỗ. Mấy hội thảo thơ gần đây việc khen chê có triệu chứng “vô lối”, nó khiến người ta nghĩ đến sự cơ hội của các nhà khen chê. Nhưng điều quan trọng hơn là chính các nhà thơ cũng bị ngộ nhận về mình, thậm chí còn tranh thủ lợi dụng cả những lời khen chê quá thái ấy để quảng cáo cho mình. Đó là xu hướng suy đồi nguy hiểm, làm cho thật giả lẫn lộn. Những người hiểu biết thì mỉm cười khinh khi. Những người đọc bình thường thì không biết nghe bên nào, như gà mắc tóc không có lối ra. Cuối cùng thì cũng có một người dám nói thật, đó là nhà thơ Trần Trương, khi ông nói về thơ của GSTS Hoàng Quang Thuận - tự ứng cử viên giải thưởng Nobel:
Ứng viên Nobel hay hội chứng Nô Đùa?
Vài tháng nay tôi được vinh dự đi dự một số cuộc hội thảo về THƠ, giới thiệu các tập thơ của các tác giả tên tuổi và chưa có tên tuổi. Hội trường khiêm tốn về chỗ ngồi của Hội Nhà văn Việt Nam luôn đầy ắp cử tọa nam, phụ lão ấu đến dự. Rồi thì băng rôn, khẩu hiệu, tiêu đề, lẵng hoa tràn cả ra sân và hành lang hội trường vốn còn chật hẹp và đông đúc. Giữa thời buổi kinh tế nước nhà đang chập chờn lúc lạm phát lúc thiểu phát, rồi bất động sản đóng băng, rồi hàng nghìn công ty thua lỗ, phá sản, rồi chạy trốn khỏi lệnh truy nã, rồi thì đại gia tự tử, rồi thì biểu tình đi đòi công lý, rồi thì cưỡng chế ép dân, rồi thì hàng hóa ế ẩm, rồi thì lừa đảo, cướp, giết, lừa tình, mại dâm chân dài, tàu hỏa đâm ô tô, xe điên lao vào cảnh sát, cảnh sát tát dân, thật là vô vàn kinh hãi, vậy mà hơn lúc nào hết con người bất chấp khủng hoảng, họ (cũng có không ít các quan chức thất thế về hưu đang muốn lưu danh với núi sông) cứ lao vào làm thơ, sáng tác thơ, in thơ hàng nghìn hàng vạn bản đua nhau lên sàn… “chứng kiến” và sau đó là một hội chứng Tọa đàm, hội thảo, PR, “lốp-bi”, viết bài bốc thơm tràng giang đại hải, và thấy “nhà thơ” nào cũng tâm, tài ngang ngửa, rộn ràng hơn cả không khí Ôlempic ở xứ Anh Quốc sương mù. 
Trong và ngoài hội thảo, tọa đàm nghe ra không khí huyên náo giữa hai “trường phái” bởi một bên ra sức ca bài ca đầy hy vọng, thậm chí có những câu nói dựng tóc gáy: Thơ ông Q vừa xuất phát đã tới đích!!? Thật là vô lối, vừa bước chân đã đến đích thế thì hơn cả Tôn Ngộ Không và chắc chắn ông nhà thơ ấy sẽ được thay ngay vận động viên điền kinh Việt Nam đi dự Ôlempic để giành tấm huy chương vàng môn chạy. Nói cho cùng chứ THƠ làm gì có đích! Ấy vậy mà cái bản tham luận của “nhà” triết học nửa mùa nào đó cứ xưng xưng lên rằng câu phát ngôn ấy biểu tượng cho sự khám phá, thật là một thứ chân lý…cùn. (Những kiểu khen ấy cứ như lời nịnh quá mức làm cho cả người được khen cũng cảm thấy ngượng). Còn ở phía bên kia thì lại quá đáng bằng những câu phát ngôn vô văn hóa đến tột độ. Họ phủ nhận hết, thơ anh ấy là kệch kỡm, là Bút Tre, là con cóc, là vô lối… là báo tường, trong khi giới văn chương biết đến mấy ông cực đoan ấy chỉ là hạng xoàng, đời sống bê tha, bia rượu vô chừng, kiến thức ở dạng báo đọc ở giờ ít người nghe ở “Đài tiếng Lói”, văn chương ông ta lổn nhổn mà tác phẩm được đo bằng thước thợ mộc về chiều dày trang sách nhưng vô hồn về con chữ. Nhưng thôi, hôm nay không bàn về việc ấy mà tôi nói luôn vào cuộc hội thảo thơ của Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Quang Thuận với “Thi vân Yên Tử”. Tôi cũng không bàn đến những đại biểu đến dự, mà muốn nói ngay vào tập thơ này. Một tập thơ dày cả bìa là 204 trang (in ra để biếu). Tôi đọc và tôi nghe qua rất nhiều phát ngôn của nhiều bạn đọc và các nhà thơ khác thì tập thơ này là tập thơ tả cảnh một cách trực giác nhưng vô hồn, một tập thơ của người chơi ngông, và chắc chắn là hầu hết các bài làm theo kiểu “Đường luật” thì đều sai luật. Người ta bảo làm thơ bẩy chữ thì sao lại phá cách mà không “Nhị tứ lục phân minh/Nhất tam ngũ bất luận”. 
Có ông nhà thơ nào đó lại bênh rằng: Ông ấy đã hào phóng bất chấp luật!? Thế thì có ngày vượt đèn đỏ là tai nạn như chơi. cứ xui dại người ta. Xin dẫn chứng: 
"Hai MÙA xuân - hạ, đại NỞ hoa...
…Hoa RỤNG sân chùa hương THƠM ngát" 
Xin đánh chữ in hoa để các bạn thấy rằng bài thơ có 4 câu nhưng sai luật 2 câu, ấy vậy mà in ở nhà xuất bản Giáo Dục, ngõ hầu dạy học sinh làm thơ thì thật nguy quá. Nghe đâu sách thơ này còn có ý định được đưa vào dạy trẻ con ở một cái trường tận bên MỸ kia đấy. Nếu làm thơ tả cảnh như thế này thì việc gì phải lên đến Yên Tử để mà tả cảnh, cứ kiểu làm thơ này tôi ngồi ở Hồ Tây mà viết cũng kém chi: một anh làm thơ 7 chữ ngồi uống trà sen liền đọc cho tôi nghe bài tứ tuyệt của anh tức cảnh như sau: 
"Sen hạ Hồ Tây đỏ một vùng
Chuông chùa Trấn Quốc nhẹ ngân rung
Cô gái hái sen in bóng nước
Hương bay tỏa ngát đến vô cùng". 
Đấy thơ của một ông bạn già về hưu viết ra ngay, kém chi “Thi vân Yên Tử” nhỉ? Mà thật lạ các bài viết trên mấy báo đều tung hô tập “Thi vân Yên Tử” đến mức khó hiểu. Nào là được tổng thống Pháp đón nhận, Vua Thụy Điển kính nể, Giáo sư Mỹ kinh ngạc!? Một tập thơ vào loại dưới trung bình, câu cú thì cổ hủ, hành văn thì tùy tiện, gặp gì nói đấy, may mà không gặp cái cảnh nhà vua đi… vệ sinh, tôi e rằng đến đây mà không giữ bình tĩnh, xúc động quá mà tức cảnh thành thơ thì… khó tả. Tác giả bảo trong 3 giờ đồng hồ của một đêm, hình như có “tiền nhân” nhập vào hồn ông nên ông viết liền 121 bài thơ theo thể tứ tuyệt Đường luật! Tôi nghe xong thấy hãi, và tự hỏi: đây là một thiên tài hay một người tâm thần? Và ông đã quyết định gửi tập thơ Thi vân Yên Tử đi dự giải “LÔ-BEN”!!! 
Thưa quí độc giả, tôi không bao giờ có ý định phủ nhận thiên tài, nhưng thiên tài không bao giờ sinh ra từ tiền bạc.Vùng núi, vùng sâu xa xôi kia bà con các dân tộc còn đói lắm, hãy chắt chiu những đồng tiền ấy cho một ngày sống của kẻ nghèo khó hơn là in hàng nghìn cuốn sách vô bổ đưa vào khoảng không hão huyền và huyễn hoặc. Lao động nhà văn là một loại lao động đặc thù và vô cùng khó nhọc. Nhà thơ Mai-a-côp-xki đã dạy chúng ta (đại ý): "Phải chắt lọc trong hàng nghìn quặng chữ, để tìm ra một chữ mà thôi". Xin ai muốn bước vào lãnh địa của thơ ca thì đừng bao giờ huyễn hoặc mình hay nhầm tưởng câu nói của tên tội phạm ngày nào là “mọi cái đều mua được bằng tiền và rất nhiều tiền”… Vâng cũng có thể chức vụ thì mua được nhưng THƠ CA thì không có cách nào mua được cả, đấy là điều tiên quyết của bất cứ thời đại nào, chế độ nào.

Trần Trương  
"Trừu tượng" - tranh của họa sĩ Phan Nguyên
Hoàng Quang Thuận & dự án Nobel thơ
Đang ngồi với Nguyễn Quang Lập và Huy Đức thì một gã đến chào. Người phốp pháp, mày râu nhẵn nhụi áo quần bảnh bao. Trông tướng vừa tựa Mã Giám Sinh, áo vét đen thẳng nếp chỉn chu như một quan chức hàng Bộ trưởng, lại vênh váo bất cần vẻ ta đây của một tay trọc phú thừa tiền ít chữ. 
Tôi chưa từng gặp và cũng chẳng nghe cái tên Hoàng Quang Thuận bao giờ. Lão cũng vậy, nghe anh Lập và Huy Đức giới thiệu Trương Duy Nhất mà cứ ngơ ngơ như bò đội nón. Huyên thuyên về tiền và các mối quan hệ từ tầm Hữu Thỉnh, Hữu Ước trở lên. 
Khi gã đi rồi, Nguyễn Quang Lập mới tủm tỉm: 
- "Nhà thơ" Hoàng Quang Thuận, ông đã nghe bao giờ chưa? Về bấm google sẽ ra, một nhân vật khá… hay đấy! 
Thế rồi sự việc cứ trôi qua khiến quên béng đi. Cái tên Hoàng Quang Thuận quá lạ, không đủ hấp lực để buộc tôi phải gõ google tìm kiếm. Dáng hình phốp pháp nhẵn nhụi mày râu vênh váo bất cần như bao hình mẫu thường nhật cũng vụt qua mau, chẳng để lại ấn tượng gì. 
Bất chợt mấy hôm rồi đọc báo thấy thổi ỏm tỏi chuyện một lão nhập đồng làm “dự án” thơ tham gia giải Nobel. Trông khuôn mặt quen quen, cố nhớ mãi, hóa ra là cái lão áo vét chỉn chu nhẵn nhụi mấy tháng trước gặp ở cà phê Trúc Lâm Viên. 
Lần này thì không kiềm nổi. Gõ google mới tá hỏa: hóa ra lão này quá… nổi tiếng! Một “hiện tượng văn chương”, những vần thơ “thiên giáng”!!! 
Trước khi nhận định về “những vần thơ thiên giáng” và hiện tượng Hoàng Quang Thuận, hãy tìm hiểu xem ông là ai và cơ duyên nào đã khiến ông đến với thơ để trở thành một “hiện tượng văn chương” ứng viên tiềm năng của giải… Nobel? 
Sinh năm 1953, quê Quảng Bình, là giáo sư tiến sĩ, Viện trưởng Viện công nghệ viễn thông - Trung tâm khoa học tự nhiên và công nghệ quốc gia, hiện sống và làm việc tại TP.Hồ Chí Minh. Hoàng Quang Thuận cho biết từ trước 1997, ông chưa bao giờ biết làm thơ. Nhưng duyên nghiệp thơ ca đã đến với ông khi lần đầu tới thăm non thiêng Yên Tử. 
Khi từ đỉnh chùa Đồng xuống đến chùa Hoa Yên, ông gặp một tay thanh niên người dân tộc đang ngồi rao bán một con rắn hổ chúa có mào đỏ chót nghe nói vừa bắt được tại gốc sứ cổ thụ 700 năm tuổi, sát cạnh mắt rồng của khu lăng mộ tổ vua Trần. Ông Thuận đã mua “ngài” hổ chúa rồi phóng sinh. Con hổ chúa được vị ni sư Huệ Giác đặt tên là Kim Xà. Điều kỳ lạ: ngay khi được thả, Kim Xà bèn ngẩng cao đầu hơn 1m, gật đầu ba lần chào ông Thuận rồi mới trườn vào rừng thiêng Yên Tử. 
Từ đó ông như bị thần nhập và bắt đầu biết làm… thơ! Chỉ trong 3 đêm, cứ từ 12 đến 5 giờ sáng, ông viết liền một mạch 63 bài thơ về Yên Tử. Những vẫn thơ “thiên giáng” ấy được in thành tập “Ngọa vân Yên Tử”. Sau này ông cho bổ sung, tái bản thành tập mới là “Thi vân Yên Tử” với 143 bài. Độc bản 143 bài “Thi vân Yên Tử” nặng 120kg sau đó được trao giải “kỷ lục châu Á”. 
Một tập thơ khác của Hoàng Quang Thuận cũng đượm chất kỳ bí bởi được khoác vào câu chuyện “tiền nhân mượn bút”. 
Trong dịp đại lễ nghìn năm Thăng Long, ông và nhà thơ Dương Kỳ Anh về “cầu thơ” tại khu du lịch tâm linh Tràng An - Bái Đính. Khi thuyền qua đền Trình, ngang cửa hang Địa Linh, hang Tối, hang Sáng, hang Nấu Rượu… thì bỗng thấy hiện lên một con chim phượng hoàng tuyệt đẹp cánh trắng, mỏ vàng bay lướt qua rặng cây ven suối. Lập tức lúc đó người ông như trào dâng một cảm giác rất đặc biệt, như đột nhiên bị lôi chìm vào một không gian trầm mặc, trang nghiêm và kỳ bí của mấy nghìn năm trước. 
Sau khi lễ tại đền Trần, Dương Kỳ Anh và Hoàng Quang Thuận ở lại qua đêm mỗi người một phòng trong khu nhà lầu hình bán nguyệt. Hai ông đã cùng nhau làm một cuộc tâm nguyện trước bàn thờ Phật tổ rồi ký tên vào những xấp giấy trắng (khổ A4) để ứng nghiệm thơ thiền (xin thần nhập về để làm… thơ). Hai người ký chéo những tờ giấy trắng và trao đổi cho nhau. Hoàng Quang Thuận nhận 141 tờ có chữ ký của Dương Kỳ Anh và ngược lại. Đến 12h đêm, mọi thứ vẫn yên bình không động tĩnh gì. Khuya, Hoàng Quang Thuận chợt thấy mát lạnh trong người, như có một luồng gió lạ thổi qua. Ông lấy một tấm chăn choàng lên người và ngồi vào bàn viết. Kỳ lạ, như có “tiền nhân” nhập hồn, những câu thơ cứ tự thế tuôn trào, ông ngồi viết liền một mạch trong trạng thái rất vô thức. Khi giật mình choàng tỉnh thì đã 4h sáng. Nhìn trên mặt bàn, ông thấy la liệt những tờ giấy mình vừa viết, thu lại đếm được tất cả 121 bài thơ được viết theo thể tứ tuyệt Đường luật. Chính ông cũng ngỡ ngàng không tin được điều kỳ lạ vừa xảy ra. Trong khi Dương Kỳ Anh chỉ làm được vỏn vẹn… 4 câu. 
Thật hư câu chuyện Kim Xà mào đỏ và chim phượng hoàng cánh trắng mỏ vàng ra sao không rõ. Bởi chẳng ai thấy, chỉ nghe ông Thuận kể lại. Nhưng chuyện ông bỗng dưng biết làm thơ, thơ tuôn trào đến hàng trăm bài thì có thật. 
Chính Dương Kỳ Anh cũng phải khâm phục và kinh ngạc trước sự “nhập thơ” thần bí kỳ lạ này. 121 bài thơ Đường luật “tiền nhân mượn bút” đó sau này được Hoàng Quang Thuận in thành cuốn “Hoa Lư thi tập”. Độc bản “Hoa Lư thi tập” nặng 54kg được đem trưng bày tại khu vực hoàng thành Thăng Long trong dịp kỷ niệm nghìn năm Thăng Long - Hà Nội. 
Nếu độc bản “Thi vân Yên Tử” được trao giải “kỷ lục châu Á”, thì độc bản “Hoa Lư thi tập” (kích thước 109cm x 70cm x 10cm, nặng 54kg) đang được ông Thuận làm hồ sơ đệ trình UNESCO công nhận là… di sản ký ức nhân loại! 
Lịch sử văn chương Việt chưa bao giờ có được một “hiện tượng thơ” độc đáo và kỳ bí đến vậy. 3 tập “Thi vân Yên Tử”, “Ngọa vân Yên Tử” và “Hoa Lư thi Tập” được in và tái bản tới 4 lần với các bản tiếng Việt - Anh - Pháp. Riêng tập “Thi vân Yên Tử” được một vị giáo sư tên David đem về sử dụng để… giảng dạy trong trường đại học ở Mỹ (!?) 
Đặc biệt và hoảng hốt hơn: Từ năm 2009, ông Thuận đã cho làm hồ sơ dịch 2 tập “Thi vân Yên Tử” và “Hoa Lư thi Tập” sang tiếng Anh để gửi tham dự giải Nobel văn chương quốc tế. 
Hoàng Quang Thuận với những tập “thơ thần” và “dự án” Nobel của ông đã tạo nên một hiện tượng hiếm hoi có một không hai. Nhiều bàn cãi, chê thì thậm tệ mà khen cũng ngút trời. 
Nhà thơ Trần Trương (tạp chí Thơ) cho rằng: “Tác giả bảo trong 4 giờ của một đêm, hình như có “tiền nhân” nhập vào hồn nên ông viết liền 121 bài thơ theo thể tứ tuyệt Đường luật. Tôi nghe xong thấy kinh hãi, và tự hỏi: đây là một thiên tài hay một người tâm thần vì ông đã quyết định gửi tập thơ “Thi vân Yên Tử” đi dự giải Nobel thế giới. Tôi đọc tập “Thi vân Yên Tử” và nghe qua nhiều phát ngôn của bạn đọc và các nhà thơ khác thì tập thơ này là tập thơ tả cảnh một cách trực giác nhưng vô hồn, một tập thơ của người chơi ngông, và chắc chắn là hầu hết các bài làm theo kiểu “Đường luật” thì đều sai luật” (nguồn: báo Thanh Niên) 
Nhà phê bình Nguyễn Hòa cũng khá nặng nề: “Dù tác giả làm nhiều bài thơ tứ tuyệt, hoặc ghép hai bài tứ tuyệt thành một bài thất ngôn bát cú cho có dáng dấp Đường luật, thì ngay cái việc cố gắng ép vần cũng đã đưa lại ý từ khôi hài…”. 
Trong khi nhiều nhà phê bình gọi Hoàng Quang Thuận là “dòng thơ thiền”, thì Nguyễn Hòa và Nguyên An gọi đó là loại thơ “vịnh cảnh”. Nguyễn Hòa cảnh báo: “Xin chớ nghĩ hễ trong bài thơ có hình ảnh chùa chiền, non cao, bóng núi, cây đa, mây trời, trăng treo, tiếng hạc… là bài thơ sẽ có chất thiền”. 
Dù sao, vẫn thấy nhiều người ca bốc hơn chê. Hay tại thiên hạ vẫn quen nếp thấy “bất thường” tí là cười khẩy bỏ đi không thèm dây vào? 
Hội nhà văn Việt Nam lại có vẻ như bắt được cái mạch thơ “thiên giáng” của Hoàng Quang Thuận. Chủ tịch hội, ông Hữu Thỉnh đã nhìn nhận thơ Hoàng Quang Thuận là “nghệ thuật cao nhất của thơ ca”. Đề cập tới bài “Am xưa” (Sớm cưỡi mây chơi cùng non biếc/Đêm về bến nghỉ lót trăng nằm/Tiếng sáo thiền ca vui bất tận/Ngập tràn Yên Tử trăng trong trăng”, nhà thơ Hữu Thỉnh nhận xét: “Đây là bài thơ tiêu biểu cho hai bút pháp thiêng liêng hóa và đời thường hóa, nhân vật trong bài thơ này phải là người tu đắc đạo mới lấy trăng thay cho giường chiếu mà không sợ phàm tục, nhìn thấy trong trăng còn nhiều trăng nữa, tức là qua một vật mà nhìn thấy cái vô biên của vạn giới” 
Một đại hội thảo về “hiện tượng” thơ Hoàng Quang Thuận đã được Hội nhà văn Việt Nam tổ chức một cách kỳ công, như thể là bước chuẩn bị… thành kính làm bệ đỡ cho khát vọng Nobel của ông Thuận. 
Cùng với nhà thơ Chủ tịch hội Hữu Thỉnh, rất rất nhiều nhà thơ, nhà nghiên cứu tên tuổi đều hết lời ngợi ca và tỏ ra thích thú với hiện tượng “thần phật linh ứng nhập hồn” biến một lão ông không hề biết làm thơ thành một “nhà thơ” kỳ bí cho nền thơ Việt. 
Nhà phê bình Đỗ Ngọc Yên viết: “Đối với Hoàng Quang Thuận, không có ma quỷ nào đưa lối dẫn đường cả, mà chỉ có thần, phật phù hộ độ trì từ khi ông phát tâm nguyện làm một đệ tử trung thành nơi cửa thiền, để rồi từ đấy những vần thơ thấm đẫm chất linh nghiệm báo ứng của tiền nhân hiện về”. Nhà phê bình Đặng Hiển lại cho rằng, nét đậm nhất của “Thi vân Yên Tử” là dấu tích của vua phật Trần Nhân Tông trên Yên Tử. Ông cũng nói thêm “nhưng đó là dấu tích trong lòng người, trong lòng thi nhân”. Nhà phê bình trẻ Thế Trung nhận xét, với hơn một trăm bài thơ, Hoàng Quang Thuận đã vẽ ra trước mắt người đọc một quang cảnh tuyệt mỹ của vùng núi mây Yên Tử, đồng thời được tìm về cội rễ của thiền phái Trúc Lâm. Thế Trung nói: “Thi vân Yên Tử” tập hợp những vần thơ vừa thanh tao, tĩnh lặng, vừa huyền diệu, xa vắng, mang nhiều hàm ý sâu xa, lại gần gũi với đời thường dễ dàng thấm sâu vào lòng người”. Đăng Lan lại cảm nhận: “Thi vân Yên Tử” - Bằng tâm hồn nhạy cảm, tứ thơ hiền hòa, thanh thoát, ám ảnh đậm chất biểu trưng nên tạo khởi rất nhanh, biến ảo trong cái thế giới liên tưởng trong tâm hồn người đọc. Nó là tiếng nói của cảnh giới xuất thế biểu hiện sự sâu lắng; nơi đây giáp mặt cả bốn bề tâm sự; lắng nghe, tỏ bày, đốn ngộ…”. 
Nhiều vị nhắc đến và đánh giá cao những câu thơ “thần” viết về Am Ngọa Vân của Hoàng Quang Thuận có tên “Am xưa” như nhà thơ Hữu Thỉnh, Trần Nhuận Minh, Hữu Việt, nhà phê bình Trần Thị Thanh, Ngô Hương Giang: "Sớm cưỡi mây chơi cùng non biếc/Đêm về bến nghỉ lót trăng nằm/Tiếng sáo thiền ca vui bất tận/Ngập tràn Yên Tử trăng trong trăng”. 
Còn ông Dương Kỳ Anh, nhà thơ, cựu Tổng Biên tập báo Tiền Phong thì nhận xét đấy là “những câu thơ hay đến lạnh người”. (nguồn: evan. vnexpress.net) 
Thậm chí (mô Phật!), nghe nói Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng đã bình thơ của nhà “thiên giáng” Hoàng Quang Thuận rằng “đọc những bài thơ hay đượm gió ngàn cao, thấm nguồn suối núi, những bài thơ của một con người đầy tư tưởng nhân văn”. (nguồn: báo điện tử đảng Cộng sản Việt Nam) 
Còn tự ông Hoàng Quang Thuận nói về những bài thơ “tiên giáng” của mình thế nào? 
Ông bảo: “đó là tiền nhân mượn bút tôi viết thơ”. Phản ứng trước nhận xét của một số người cho rằng thơ ông chỉ là thể thơ du ký, loại tức cảnh sinh tình bình thường xuất hiện nhan nhản trong đời sống văn học hiện nay, ông Thuận nói: “Những bài thơ du ký là bài thơ làm về con người thực, địa danh thực do họ nhìn thấy, cảm thấy, còn tôi du ký trong một đêm sương gió, trong một đêm huyền ảo, du ký trong tâm tưởng. Nhiều địa danh xuất hiện trong thơ tôi ở Hoa Lư, Yên Tử sau đó các nhà sử học phải tìm lại, dân ở đó còn chả nhớ, phải tra lại mới ra, có chỗ phải dịch chữ Hán mới ra”. 
Sau 2 sự kiện ly kỳ như ông kể, liệu “tiền nhân” có còn tiếp tục nhập hồn “mượn bút” ông viết thơ nữa không? 
Ông Thuận bảo “Cái này không nói trước được. Phải có những thời khắc lịch sử nhất định, hòa hợp âm dương nhất định mới ra đời. Ví dụ như dịp tròn 700 năm vua Trần Nhân Tông về Yên Tử thì mới có “Thi vân Yên Tử”, dịp nghìn năm Thăng Long thì mới có “Hoa Lư thi tập”… (nguồn:phongdiep.net ) 
Thú thật, tôi không thể tin nổi vì sao thơ lại có thể “nhập” được vào một khuôn tạng như ông Thuận. Nhớ lại buổi gặp tình cờ ở cà phê Trúc Lâm Viên, hình dung lại cái khuôn mặt, cách tiếp chuyện khiến cứ phải liên tưởng đến… Đinh La Thăng! Ông Thăng cũng có làm thơ. Thơ ông được phổ nhạc, nhưng không dự Nobel, mặc dù ông Thăng vẫn có một khát vọng… Nobel khác! (xem “Đinh La Thăng và khát vọng Nobel”) 
Cái tên Đinh La Thăng giờ nhiều người nghe là sợ. Sợ ổng lâu lâu nổi hứng nảy ra một “sáng kiến” thì dân tình méo mặt. Trước tôi chưa biết chưa nghe đến cái tên Hoàng Quang Thuận. Nhưng giờ đây ra đường, hễ cứ nghe ai nhắc đến Hoàng Quang Thuận là giật thót mình lui người lại. 
Không biết bạn đọc đánh giá hiện tượng thơ “thiên giáng” và nhân vật Hoàng Quang Thuận ra sao, chứ tôi hoảng quá. Hoảng còn hơn cả khi nghe ông Hữu Thỉnh tuyên bố tổ chức đại lễ thơ, hoảng hơn cả khi nghe có ông đại biểu quốc hội đòi phải ban hành “luật thơ”, hoảng hơn cả khi nghe ai đó đề xướng ý tưởng đòi UNESCO công nhận Việt Nam là… cường quốc thơ! 
Thương thay cái dân tộc của tôi. Một dân tộc mà ai ai cũng làm thơ, toàn dân làm thơ, toàn dân thành nhà thơ. Có lẽ đây chính là một biểu hiện bất thường trong tâm sinh lý và tư duy của người Việt. Vì thế, trong hàng triệu triệu nhà thơ, bỗng hôm nào đó một vài vị bỗng dưng được rắn-phụng-chuột-mèo-chó-chim nhập hồn, hóa thành thần nhập thiên giáng như “hiện tượng” thơ Hoàng Quang Thuận cũng là điều dễ hiểu. 
Chỉ có điều cứ nghe nhắc là phản xạ giật thót mình lui người lại như phải tránh một cái điều gì đó rất vô hình, vớ vẩn, mông lung.
Truongduynhat 
"Cao bồi" - siêu mẫu đồ lót châu Âu
Thi tài siêu đẳng, thi tâm siêu việt, hay thi sự siêu rùm beng!?
Tôi chưa gặp ông Hoàng Quang Thuận, không được dự tọa đàm về thơ của ông, nhưng nghe nói chỉ một đêm mà ông cho ra hơn 140 bài thơ. Dư luận vừa “rùm beng” việc thơ của ông Hoàng Quang Thuận được Hội Nhà Văn Việt Nam tổ chức hội thảo, cùng những lời tâng bốc, ca tụng, tán dương đến tận “mây xanh”, cứ như có vẻ, bao hồn thiêng Yên Tử, bao núi non, sông suối, linh khí của của đất trời, lòng người và cả Ông Vua Trần Nhân Tông cũng phải “ngồi bật dậy” mà thưởng thức, mà ngỡ ngàng, phẩm bình và chiêm bái những áng thơ hay, những ý tưởng lớn lao của bậc kì tài Hoàng Quang Thuận ở thế kỷ hai mươi mốt… Tôi đọc và nghe thấy khá nhiều cử tọa có “chức sắc, hay đã từng có chức sắc” trong giới hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa… có mặt trong hội thảo, hay viết bài và cả điện thoại để khen ngợi nồng nhiệt… điều đó cũng là lẽ thường tình!
Nhưng khốn nỗi, người ta cố ý, hay cố tình gán cho ông "nhà thơ" có tên Hoàng Quang Thuận với bao lời lẽ quá lên, vống lên, mà có khi chính ông tác giả “Thi vân Yên Tử” cũng cảm thấy “xấu hổ” nếu không muốn nói “ tự ái”, nếu còn chút lòng tự trọng! Thôi thì việc hội thảo, việc tôn vinh thi ca, hay tôn vinh ai đó có (hoặc... nếu có) thi tài siêu đẳng thi tâm siêu việt, có công trình lưu truyền hậu thế, âu cũng là “phải đạo”. Tuy nhiên, việc tổ chức hội thảo ồn ào và tốn kém (tiền túi của nhân vật ngạo nghễ đón nhận lời khen ngợi nức nở, hay tiền túi của mạnh thường quân giấu mặt?) cuối cùng để rút ra được điều gì? Bạn đọc có nhờ hội thảo mà có thêm tư duy thẩm mỹ không? Văn chương nước nhà có nhờ hội thảo mà có thêm kiệt tác văn chương hoặc khuynh hướng sáng tạo không? Cả cái được và chưa được đã hiện hữu, hay đang ở “tập mờ” của nền thi ca Việt cả trong quá khứ, hiện tại và tương lai?!…
Việc ông Quang Thuận chỉ trong vòng có một đêm mà viết ra hơn 140 bài thơ ở một nơi và một chủ đề, viết tay, hay đánh máy có lẽ cũng không kịp! Thôi thì người sáng tác muốn viết theo cách nào, truyền thống có vần, có điệu, có niêm, có luật, hay thể tự do, các loại trường phái… nhưng không được “vô chính phủ” (ý nói miễn là thơ) có sao đâu. Nhưng tôi thực sự ngỡ ngàng và “ bái phục”! Chả thế mà có thông tin: Ông Phạm Khắc Lãm, Nguyên Tổng giám đốc Đài truyền hình Việt Nam đã tức cảnh sinh tình: “Tôi tưởng theo anh thăm Yên Tử/Nào ngờ lạc bước chốn thi vân/Hoàng Quang cửa Phật soi câu chữ/Thuận dòng rửa sạch chốn bụi trần”. 
Cụ già Trung Nghĩa (82 tuổi) cho rằng: “Thi Vân Yên Tử” bừng soi sáng - mở rộng hồn tôi với đất trời”,... 
Đến nay hiện đã có hàng chục tờ báo ở Trung ương và địa phương, từ báo Nhân Dân, Hà Nội Mới, Sài Gòn Giải Phóng đến các báo Quảng Ninh, Thể thao - Văn hóa... đều đã có bài đăng tải về “hiện tượng thơ Hoàng Quang Thuận”. Thậm chí trên trang web Hội Nhà văn Việt Nam có người còn khẳng định chắc như đinh đóng cột: “Giữa thời buổi thơ in ra nhan nhản, chủ yếu xoay quanh đề tài tình yêu hoặc co vào suy tưởng chiêm nghiệm cá nhân, đôi khi rối mù tắc tị... thì “Thi Vân Yên Tử” và “Ngọa Vân Yên Tử” như một áng mây lành, thoát tục, trong trẻo đến lạ lùng dắt người đọc vào chốn Bồng Lai, rũ bỏ bụi trần trở về với bản ngã thiện tâm trong mỗi con người…”.
Công nhận tâm thế thi nhân lúc này đây thật “an nhiên tự tại”. Một lần nữa tôi xin bái phục Hoàng Quang Thuận và cuộc hội thảo thành công tốt đẹp! Anh đúng là bậc kì tài, kiểu như Phạm Ngũ Lão trong “Người đan soạt làng Phù Ủng”, có điều cái soạt của tác giả “Thi vân Yên Tử” chắc chắn để đựng "hồn thơ lai láng”! Xin phép ngâm ngợi lại một tuyệt phẩm “made in Hoàng Quang Thuận” được Chủ tịch Hội Nhà văn VN trích dẫn công khai tán tụng rộn ràng ngay tại Hội thảo:
"... Sớm cưỡi mây chơi cùng non biếc
Đêm về bến nghỉ lót trăng nằm
Tiếng sáo thiền ca vui bất tận
Ngập tràn Yên Tử trăng trong trăng…"
Chao ôi! Biển đảo Việt Nam đang “sôi lên sùng sục”, máu xương đã đổ và dường như sẽ còn phải đổ đấy! Đời sống vật chất và tinh thần, cả những áp bức, bất công của đại bộ phận dân chúng cần lao còn khổ lắm đấy! Vậy mà thi sỹ Việt 100% lẽ nào lại có thể an nhiên tự tại với những vần thơ “sung sướng” như vậy lúc này được chăng?!
Đúng là thơ và cách thẩm thơ của tầng lớp trên “tầng lớp thoát tục” - Có lẽ ông "nhà thơ" Hoàng Quang Thuận chả phải lo nghĩ gì về gia đình, con cái, làng mạc, xóm thôn, quê hương đất nước nữa… sướng thật! Tại sao các nhà thơ của Nước Nam ta không học ông "nhà thơ" này rồi gửi dự giải Nobel, rồi về “cưỡi mây” thả diều cho sướng nhẩy!? 
Hữu Kim - (theo blogPhamvietdao)
(Một số ảnh không liên quan đến nội dung bài viết)
Tác giả Thomas Deerinck đã phải phóng to bức ảnh này đến 400 lần thì mắt chúng ta mới có thể nhìn thấy hình dạng những tế bào tiểu não của con người. Bạn biết không, các tế bào này có nhiệm vụ hỗ trợ cho các nơron thần kinh đấy!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét