Thứ Năm, 3 tháng 1, 2013

Nhà thầu Trung Quốc đẽo cày giữa đường: Thiệt hại nặng nề cho các chủ đầu tư Việt Nam

Dự án Nhà máy Nhiệt điện Nông Sơn đã bị nhà thầu Trung Quốc bỏ dở hơn 7 tháng trời.
Trong khi Trung Quốc chỉ đứng cuối trong danh sách 10 quốc gia rót vốn FDI vào Việt Nam thì các doanh nghiệp của nước này lại xuất hiện trong hầu hết các dự án ODA, FDI. Chiếm ưu thế tuyệt đối so với các nhà thầu giàu kinh nghiệm và năng lực đến từ các quốc gia khác.
Tình trạng các nhà thầu xây dựng Trung Quốc bỏ thầu rẻ để trúng bằng mọi giá, rồi tìm cách bỏ ngang trong quá trình thực hiện hợp đồng đang trở nên ngày một phổ biến. Thực trạng này không những gây thiệt hại nặng nề cho hoạt động đầu tư công lẫn các hoạt động phát triển kinh tế khác của Việt Nam, mà còn tạo nên một hình ảnh kém hấp dẫn về môi trường kinh doanh tại Việt Nam trong mắt các nhà thầu có chất lượng khác.
Thực trạng bê bối…
Nhiều năm trở lại đây, rất nhiều các dự án xây dựng ở Việt Nam do nhà thầu Trung Quốc đảm nhiệm. Tuy nhiên, phần lớn các công trình đó đều có chất lượng không đạt tiêu chuẩn hoặc chậm tiến độ, thậm chí nhiều trường hợp nhà thầu âm thầm rút quân gây thiệt hại nặng nề cho chủ đầu tư sau khi đã “ăn” gần trọn giá trị hợp đồng.
Một trong những dự án dính bê bối từ phía nhà thầu Trung Quốc là công trình xây dựng Nhà máy nhiệt điện Nông Sơn (Quảng Nam). Đơn vị trúng thầu gói thầu nhà máy chính của là Tổng công ty thiết bị nặng Trung Quốc. Theo hợp đồng thời gian thi công chỉ 2 năm kể từ 3-2008, song cho đến nay nhà thầu chỉ thi công được 56% khối lượng công trình. Không chỉ dừng lại ở việc chậm tiến độ, từ tháng 10-2012, hàng trăm cán bộ kỹ thuật và công nhân Trung Quốc đã rút hết về nước, công trình dừng thi công vô thời hạn.
Dự án thủy điện Dakr’tih còn “kém may mắn” hơn khi nhà thầu IWHR của Trung Quốc trúng gói thầu cung cấp và lắp đặt thiết bị cơ - điện chính với tổng giá trị hợp đồng trên 30 tỉ đồng. Tuy nhiên, ngay cả khi đã chậm tiến độ đến hơn một năm, tới tháng 7-2012 IWHR mới hoàn thiện được 50% khối lượng công việc và đột ngột rút chuyên gia kỹ thuật khỏi công trường. Đáng nói ở chỗ, chủ đầu tư là Tổng công ty Xây dựng số 1 đã “kịp” thanh toán tới 85% giá trị hợp đồng cho IWHR theo thỏa thuận, còn 15% sẽ thanh toán sau khi hoàn thiện. Mặc dù vậy, IWHR vẫn bầy hầy đưa ra yêu sách phải thanh toán tiếp 10% thì mới chịu tiếp tục thực hiện hợp đồng.
Trong khi đó, hàng loạt các dự án đường cao tốc trọng điểm quốc gia như đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai, Hà Nội - Hải Phòng (QL 5B), TP HCM-Long Thành-Dầu Giây… đều có sự tham gia của các nhà thầu nước ngoài và đều bị chậm tiến độ. Điển hình là dự án Nội Bài - Lào Cai với sự tham gia của Công ty Cầu đường Quảng Tây (Trung Quốc), có những gói thầu mới chỉ thực hiện được 5% tiến độ. Thực tế cho thấy các nhà thầu thi công đều yếu kém về năng lực, phương tiện không đầy đủ, đặc biệt là năng lực tài chính của các nhà thầu đều không như công bố.
Trước đó, Tổng Công ty Xây dựng Quốc gia Trung Quốc (CSCEC) cũng gây ra hàng loạt bê bối, từ việc chậm tiến độ, bỏ công trình cho tới tai nạn lao động nghiêm trọng trong các công trình rải từ Nam ra Bắc, từ dự án nạo vét kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, xây cầu trên QL 1 tuyến Cần Thơ - Cà Mau, cho đến dựa án Melberry Lane thuộc khu đô thị Mỗ Lao (Hà Nội)… Đến nay, CSCEC cũng đã “bán xới” trên mọi “mặt trận”, để lại các công trình dở dang gây thiệt hại lớn cho các chủ đầu tư.
"Tuổi mộng" - Hot girl Việt Nam
… từ lách luật, thông thầu
Với những hạn chế của Luật Đấu thầu hiện tại, các nhà thầu Trung Quốc dễ dàng sử dụng đủ mánh khóe để thắng thầu, mà phổ biến nhất vẫn là bỏ thầu giá rẻ. Tuy Luật Đấu thầu có quy định phải đưa ra các yêu cầu tối thiểu về kỹ thuật đối với vòng sơ loại, song các nhà thầu Trung Quốc vẫn có thể thuê các bên tư vấn hoăc liên danh với nhà thầu có kinh nghiệm, dễ dàng vượt qua vòng loại hồ sơ. Vào đến các vòng trong, các quy định cũng không đủ chặt chẽ, chưa phân biệt cụ thể nguồn gốc, xuất xứ của thiết bị thi công nên các chủ thầu Trung Quốc thường dành lợi thế, bỏ giá chỉ bằng phân nửa các đơn vị khác.
Trên thực tế, nến phía Việt Nam quy định chặt chẽ chủng loại chất lượng máy móc thiết bị, nguyên vật liệu… và có sự kiểm soát chặt chẽ thì các nhà thầu Trung Quốc có muốn lách cũng khó. Vấn đề không chỉ nằm ở phía các nhà thầu Trung Quốc mà chủ yếu, nằm ở cơ chế và những vị trí chấm thầu. Có thể thấy, phần lớn các công trình có sử dụng nhà thầu Trung Quốc đề là những dự án đầu tư công, sử dụng vốn ODA, FDI. Trong khi đó, các doanh nghiệp tư nhân đứng trước bài toán lợi nhuận và yêu cầu bảo toàn vốn đều hết sức thận trọng, hạn chế hạn chế hợp tác với nhà thầu Trung Quốc.
Ngoài ra, tình trạng chỉ định thầu cũng là cơ chế tiếp tay cho tiêu cực trong hoạt động thầu. Luật sư Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, cho biết: “Mặc dù đã có Luật Đấu thầu nhưng 75% các gói thầu vẫn là chỉ định thầu, chiếm đến 45% tổng vốn đầu tư. Việc chỉ định thầu tràn lan đang là mảnh đất màu mỡ nảy sinh tiêu cực, lãng phí…”.
Xuất phát từ chỉ định thầu tràn lan với hiện tượng “đi đêm” mà các nhà thầu có năng lực thực sự không có cơ hội tham gia vào các dự án quan trọng. Điều này không chỉ làm lãng phí, thất thoát ngân sách nhà nước, mà còn tác động tiêu cực đến hoạt động của những doanh nghiệp là nhà thầu chân chính, có năng lực thực sự.
Chừng nào Luật Đấu thầu chưa được sửa đổi, bổ sung để có những quy định chặt chẽ hơn nhằm điều chỉnh cả hành vi của bên đấu thầu lẫn chủ đầu tư theo hướng công bằng, minh bạch và phù hợp với lợi ích của quốc gia, và Luật được thực thi nghiêm túc thì khi đó chưa hy vọng hạn chế được tình trạng các nhà thầu Trung Quốc gây thiệt hại lớn cho ngân sách quốc gia hiện nay.
B.L (Theo NLĐ)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét