Thứ Sáu, 4 tháng 1, 2013

Nhật ký 1922 tại Pháp của Phạm Quỳnh

“Ngày 22-7-1922, trong bộ quốc phục áo dài khăn đóng giản dị mà trang trọng, ông Phạm Quỳnh  “cả gan” trình bày trước Ban Luân lý Chính trị Viện Hàn lâm Pháp về "Một vấn đề dân tộc giáo dục". Lời nói khúc chiết, hùng hồn, tha thiết, bằng giọng văn tiếng Pháp mẫu mực, khiến các viện sĩ Pháp phải phá lệ, đồng loạt đứng dậy vỗ tay hồi lâu khi ông vừa dứt lời. Một hiện tượng chưa hề có trong lịch sử viện hàn lâm đầy uy tín này.
“Juillet, 13, Jeudi: Ăn cơm An Nam với Phan Văn Trường và Nguyễn Ái Quốc ở nhà Trường (6 Rue des Gobelins)” và “Juillet, 16, Dimanche: Ở nhà. Trường, Ái Quốc và Chuyền đến chơi”. Còn trên tạp chí Nam Phong khi đăng Pháp du hành trình nhật kí, ông cũng viết công khai: “Thứ năm, 13 tháng 7 năm 1922: (…) Chiều hôm nay, ăn cơm với mấy ông đồng bang ở bên này. Mấy ông này là tay chí sĩ, vào hạng bị hiềm nghi, nên bọn mình đến chơi không khỏi có trinh tử dò thám. Lúc ăn cơm trong nhà, chắc lũ đó đứng ngoài như rươi! Nhưng, họ cứ việc họ, mình cứ việc mình, có hề chi! Đã lâu không được ăn cơm ta, ăn ngon quá. Ăn cơm ta, nói tiếng ta, bàn chuyện ta, thật là vui vẻ, thoả thích. Ăn no, uống say, cười cười nói nói… Mai là ngày hội kỉ niệm dân quốc… Anh em đi dạo chơi một lượt các phố đông cho biết cái cảnh ngày hội ở Paris thế nào”. Và “Chủ nhật, 16 tháng 7 năm 1922: Hôm nay, không đi đâu, ngồi hầm trong buồng viết mấy cái thư về nhà".
“Trưa, mấy ông chí sĩ cùng ăn cơm bữa trước lại chơi ở trọ, nói chuyện giờ lâu. Nghe nói các ông đi đâu cũng có bọn trinh tử theo sau, chắc bọn đó đã đứng ngoài cửa cả. Người đồng bang ở nơi khách địa, không thể không gặp nhau, gặp nhau không thể không nói chuyện nước nhà, lòng người ai chẳng thế, tưởng cũng chẳng là sự phi phạm gì”. 
Không phải chỉ có hai lần gặp gỡ như vậy, mà còn có một lần gặp gỡ nữa, quan trọng hơn. Đó là lần họp mặt do các ông Lê Thanh Cảnh và Trần Đức tổ chức vào một buổi chiều, dùng cơm tại khách sạn Montparnasse, Paris, gồm 11 người; trong đó có: Phan Chu Trinh, Nguyễn Ái Quốc, Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh và Cao Văn Sến. Sau này, Lê Thanh Cảnh đã thuật lại cuộc họp mặt của “Năm nhân vật phi thường ngồi chung lại một bàn” trong hồi kí Rời mái tranh trường Quốc Học, bản thảo gửi đăng Đặc san số 5 của Hội Ái hữu Cựu học sinh Quốc Học”. (Tạp chí Xưa và Nay, 8-2006). Điều đó chứng tỏ từ năm 1922, Phạm Quỳnh 29 tuổi và Nguyễn Ái Quốc 32 tuổi, hai thanh niên Việt Nam yêu nước, xa nhà đã gặp nhau rất thân mật, như những người bạn, những người đồng chí.
Điều hôm nay chúng tôi muốn “khoe” với bạn đọc là hiện chúng tôi đã có trong tay cuốn nhật ký tròn 90 tuổi ấy (1922-2012), cũng do vợ chồng người con trai út của Phạm Quỳnh là Hỷ Nguyên và Phạm Tuân trao cho giữ gìn, như một “phần thưởng” cho việc chúng tôi đã cố gắng duy trì Blog PhamTon sống mạnh mẽ hơn ba năm nay (2009-2012).
Trước chỉ dám nói “quyển nhật ký nhỏ, bề ngang chỉ bằng bốn ngón tay xếp khít” nay thì có thể nói rõ, chiều ngang là 7.5cm và chiều dài là 12.5cm, đo tại nhà tôi, ngay trước mắt tôi. Bìa quyển nhật ký bằng ni lông giả da đen, góc trái có chữ số 1922 mạ vàng, sau 90 năm còn sáng đẹp. Trang đầu đề AGENDA POUR 1922/Sổ nhật ký cho năm 1922. Quyển nhật ký nhỏ này được Phạm Quỳnh giữ gìn từ 1922 đến 1945. Tiếp đó là các con ông là Phạm Thị Ngoạn giữ từ 1945 đến 2000. Sau đó là bà Phạm Thị Hoàn và vợ chồng ông Phạm Tuân giữ gìn đến nay.
Sổ tay này là Phạm Quỳnh viết chỉ để một mình mình dùng, cho nên theo thói quen, ghi nhiều chỗ bằng chữ Pháp. Để bạn đọc dễ theo dõi, chúng tôi mạn phép tạm dịch sang tiếng ta bằng chữ nghiêng ngay sau gạch chéo (/).
Trang đầu tiên có chữ Phạm Quỳnh viết là trang đề ngày 9 Jeudi/thứ năm, Mars/ tháng ba như sau:
“Đi chuyến xe lửa 6h½: ở Hà Nội xuống Hải Phòng. Ông Hàn Hanh ra đón./Ăn cơm trưa với ông Thu ở Hôtel du Commerce/Khách sạn Thương mại./7giờ½ tối, các thân hào Haiphong (Bưởi, Thu, v.v…) mời ăn tiệc ở Hôtel de la Marine/Khách sạn Hải Quân)/Tối ngủ ở nhà ông Hàn Hanh (Rue de Belgique, Phố Tám Gian)/Cả ngày hôm ấy trời mưa cho đến khuya”.
Hôm sau, 10 thứ sáu tháng ba có ghi: “Ông Hàn Hanh mời các phái viên ăn cơm trưa ở nhà/Đi lấy vé tàu (số giường 262)/Lấy giấy thông hành ở Sở Lãnh sự Anh (Denis Frères)./4 giờ rưỡi, tàu Armand Béric dời (rời) bến Hải-phòng./Trời tạnh ráo”. Các ngày tiếp theo: 11, “tàu ra khỏi Đồ Sơn, say sóng” - “12”, “Say sóng”. 13, “5 giờ sáng tới Sài Gòn./Ăn cơm trưa ở Chợ Lớn./Ăn cơm tối ở nhà ông Đắc. (Rue Catinat/Phố Ca-ti-na), các bạn Bắc-kỳ mời./Tối xem hát cải lương (bài/vở) “Vợ ngoan làm quan cho chồng” của Hồ Văn Lang và trò xiếc Jeune Annam/An Nam trẻ của Quốc Thận)”. 14: “Saigon./11 giờ vào chào quan Toàn quyền Long ở Sài gòn./12 giờ ăn cơm trưa ở nhà ông Nguyễn Phú Khai, 238 Rue Pellerin./3 giờ½ đi xem nhà máy dầu và máy gạo của ông Trương Văn Bền ở Chợ-lớn, Quai du Cambodge./Bến Campuchia. 5 giờ, đi thăm Bắc-kỳ nghĩa trang, ở địa phận Phú-nhuận, cách Sài-gòn 6,7km./7 giờ ăn tiệc ở Sàigòn Palace của các thân hào Nam-kỳ thết. Có các ông như sau này: Nguyễn Phú Khai, Lương Văn Mỹ, Nguyễn Phan Long, Tự do (Tribune Indigène/Diễn đàn bản xứ) Nguyễn Chánh Sắt, Hồ Văn Lung, Nguyễn Trí Thức, Nguyễn Văn Thường, Lê Đức, Nghiêm Đốc phủ sứ, Trương Văn Bền, Nguyễn Hữu Sanh”. Ngày 15: “4 giờ sáng tàu dời (rời) Sàigòn./Gặp các ông phái viên Nam-kỳ trong tàu: 1/Trương Minh Giảng, tri huyện. 2/Võ Văn Chiêu, chef de canton/cai tổng Hoà Đồng hạ, Gò Công 3/Võ Văn Cang, propiétaire/Điền chủ, ancien maire du village - cựu lý trưởng làng Tân Niên Tây, Gò Công./Lương Khắc Ninh (có đem theo một phường tuồng 3 đào 3 kép”. Ngày 16: “Đi bể - Say sóng”. Ngày 17: “Singapore./9h½ xuống bộ, đi chơi phố phường./Ăn cơm ở Shanghai Hôtel (13$50, 6 người)./Đi chơi ô tô (3$ giờ thứ nhất, 2$ giờ thứ hai)./4 giờ½ tàu chạy”. Ngày 18: “Đi bể bình yên”.
Đọc đến đây ta thấy rõ Phạm Quỳnh ghi theo kiểu phóng viên, có khá nhiều chi tiết, tên đất, tên người, giá cả ăn uống, đi tàu, xe… để tra cứu khi viết bài, tin sau này. Và rõ ra là để phục vụ cho việc viết Pháp du hành trình nhật ký đều kỳ gửi về đăng trên tạp chí Nam Phong. Đoàn cùng đi với Phạm Quỳnh đều là các phái viên ba kỳ đi dự khai mạc Đấu xảo thuộc địa ở Marseille năm 1922.
Ngày chủ nhật 9/4 Phạm Quỳnh ghi: “Marseille,/9 giờ sáng đến Marseille (bến Joliette). Đồ hành lý phải đem vào cho douane/hải quanvà octroi/sở thuế nhập thị khám Giao cho Agence/Hãng Duchemin lo liệu việc hành lý, tính mỗi cái hòm và cái vali 8f50, đem tự bến tàu đến Hôtel Saint Louis./Vào ở Hôtel Saint Louis, thuê buồng số 17. Ở cùng với Nghị./Vi Văn Định, Trần Lưu Vị, Vĩnh (Nguyễn Văn Vĩnh), vợ chồng Võ Van Cang, cai tổng Võ Văn Chiêu cũng ở cùng một hôtel ấy./Giá buồng 10f. Ăn cơm ở restaurant/nhà hàng bên cạnh (Restaurant Saint Pierre/Nhà hàng Thánh Pi-e) mỗi bữa 6f (kể cả rượu vang)./Đi chơi Palais/ lâu dài Longchamp, Jardin Zoologique/vườn bách thú. Vào xem Đấu xảo ở Prado. /Tối gặp anh Hai Cận”. Ngày 11/4: “Đánh giây thép (điện báo) về nhà 19 chữ (…) Gặp ông Phan Chu Trinh. Xem trò ở Palais de Cristal. Fauteuils/Ghế bành 3f50”. Ngày 13: “Lên chơi quartier/phường Panouse, làng ông Phan Chu Trinh và thầy Trần Lê Luật ở.” Ngày 26/4: “Tàu André Lebon 7 giờ sáng đến bến (ở Cap/Mũi Pinède). Có Phạm Duy Tốn, Nguyễn Hữu Tiệp và Hoàng Kim Bảng đến.” Ngày 30/4: “5 giờ chiều. Nghe ông Gl/Tướng Mangin ở Théâtre des Nation (Rue Parabis) về việc chiến tranh mới rồi (Chiến tranh thế giới 1914-1918 - PT chú) Les causes de la victoire et ses conséquences/Những nguyên nhân của chiến thắng và những hậu quả của nó. Có một anh huýt còi thoá mạ ông Mangin lúc ở nhà hát ra, công chúng xúm lại đánh, cảnh sát phải can thiệp”. Ngày 2/5: “(…) Ăn cơm với quan Tuần, Vĩnh (Nguyễn Văn Vĩnh) Bảng, Vị, Giệm./Đi txem cinéma/phimCamocbin”. Ngày 3/5: “(…) Ăn cơm với Teanot (Tốn/Phạm Duy Tốn mời ở Hôtel Rugby, 115 Rue Paradis)./Ngủ ở 12 Rue Barberoux.” Ngày 8/5: “Gặp Diệp Văn Kỳ./Ăn cơm trưa với Diệp Văn Kỳ ở Restaurant Francoannamite.” Ngày 18/5: “Vào xem Bibliothèque Nationale/thư viện quốc gia. Ăn cơm trưa ở Buffet/quầy ăn tự chọn món của Thư viện Quốc gia./Lĩnh cái chèque/séc 8700f ở nhà Banque de l’Indochine/Ngân hàng Đông Dương (…) Lấy về 1700fs, còn 7000fs để gửi lại compte/tài khoản”. Ngày 19/5: “Thăm général/tướng Pédaya và Mme/bà Marty ở 24 Rue Gay Lussac”./Ngày 20/5: “(…) Thăm M.Chatel”. Ngày 21/5: “(…) Đi chơi Bois/rừng de Boulogne”. Ngày 23/5: “Nắng nực lắm”. Ngày 24/5: “Nắng dữ (36 độ à l’ombre/trong bóng râm”. Ngày 31/5: “11 giờ M/ông Chatel/8h¾ diễn thuyết ở École Colonial/Trường Thuộc địa. Được lắm”. Ngày 2/6: Tối ăn cơm tàu với các phái viên Bắc-kỳ rồi đi chơi Monmartre, vào Moulin Rouge (nơi tụ tập nhiều văn nghệ sĩ Pháp, có ăn uống và biểu diễn nghệ thuật - PT chú) và L’Enfer/Địa ngục”. Ngày 3/6: “8 giờ mời Alice đi ăn cơm rồi xem cinéma/phim (salle/rạp - Marivaux bd/đại lộ des Italiens (người Ý). Biếu một hộp Magic Beauty/sắc đẹp thần kỳ”. Ngày 4/6: “11 giờ đi Verseilles, ăn cơm trưa rồi xem Parc/công viênGrand và Petit Trianon, musée des Voitures/Bảo tàng xe hơi. Tối xem diễn bài (vở) Ce qu’on dit aux femmes/ Những điều người ta nói với các phụ nữ của Tristan Bernard ở Théâtre/rạpdes Capucines (Bd/ đại lộ Capucines) Fauteuils /Ghế bành mỗi người 30 francs.” Ngày 5/6:“Xem Folie-Bergères (một rạp hát nổi tiếng - PT chú), 32 rue Riche.” Ngày 8/6: “Mua sách 200f. Cơm sáng 10, Sà (xà) phòng, tiêu vặt 3, cơm chiều 10. Buổi sáng di dạo qua Louvre (Lâu đài bảo tàng nổi tiếng - PT chú) lần thứ nhất./I ½ coi hát ở Théâtre Française, diễn bài L’Abbé/Cha Coustantin (Ngồi fauteuil de balcon/ghế bành ở ban công Ier rang/hàng đầu giá 20f)./Nhận 3 cái thư nhà”. Ngày 9/6: “Sáng đi xem Crédit Lyonnais/cơ quan tín dụng Lyon cùng với các phái viên.” Ngày 10/6: “Các phái viên mời ông Sarraut (Albert Sarraut thời gian này làm Bộ trưởng Bộ Thuộc địa, từng làm toàn quyền Đông Dương hai nhiệm kỳ - PT chú) ăn cơm trưa ở Verseilles (…) Xem Palais/Lâu đài de Verseilles. Xem opéra hát bài Faust (kịch của đại thi hào Đức Goethe - PT chú) (Soirée de gala/tiệc tối de l’association des cheminots của Hiệp hội các nhân viên đường sắt (fauteuil d’orchestre/-ghế bành sát sân khấu: 80f)”. Ngày 11/6: “Nghỉ”. Ngày 12/6: “Xem Sorbone (đại học lớn, nổi tiếng ở Pháp - PT chú) Valise/vali 90f. Đồ toilette/đồ vệ sinh trang phục) 45f”. Ngày 13/6: “Thăm Origny au Thiérache Nhà Évêque d’Adran (tức cha Bá Đa Lộc - PT chú) /Soissons (Đi tại Paris 8 giờ 50 đến Origny 11 giờ¼. 3 giờ 50 về Soissons) Đến Soissons, ở đêm ở Hôtel de la Croix d’Or/Thánh giá vàng.” Ngày 15/6: “Verdun. Xem thành Verdun, Cimetière du Faubourg Pavé/Nghĩa trang ngoại ô lát đá. Xem Fort/pháo đài de Vacoy. Tranchée des baïonnettes/Chiến hào lưỡi lê (Agence Le Bourgeois). Về Paris chuyến xe lửa 5h50 chiều, đến nơi 10h½”. Ngày 18/6: “4 giờ chiều ông Sarraut và Outrey tiếp các phái viên ở Agence Économique”. Ngày 19/6: “3 giờ chiều thăm bà Sarraut cùng với Hồ Đắc Di 17 bd/đại lộ Latour Maubourg”. Ngày 20/6: “Ăn cơm trưa ở biệt thự ông Fontaine (Les Charmettes (ở làng Torsy, Seine et Maine, cách Paris 25km)”.Ngày 21/6: “Tối đi xem Théâtre du Grand Guignol/nhà hát kịch rối Guignol lớn 20 bis rue Chamtal, cùng với Alice và Vị (fauteuils de balcon/ghế bành ban công - 3e rang/hàng 3: 9f)”. Ngày 22/6: “1½ xem diễn bài Le Bourgeois Gentilhomme/Trưởng giả học làm sang ở Théâtre Français/Nghe diễn thuyết ở L’Université Nouvelle/Trường Đại học Mới.” Ngày 23/6: “Gặp M.Chatel, đưa bài diễn thuyết để in./Xem Sénat/Thượng nghị viện (interpellation/chất vấn về Affaire/vụ de Vingré. Ông Suolié interpeller/chất vấn. Ông Maginot, ministère de la guerre/bộ quốc phòng trả lời)/Mua một bộ jaquette”. Ngày 24/6: “10 giờ sáng Vua đến Gare du Bois de Boulogne/ga Rừng Bu-lô. Dạo xem nhà hàng Bon Marché gần rue de Sévier. Mua đồ chơi gửi về cho trẻ./Vào Séminère des mission étrangères/trường dòng truyền giáo nước ngoài thăm cha Robert. (Rue du Lac).” Ngày 25/6: “Xem Louvre./Dạo chơi các phố bằng auto/ô tô của Vĩnh (Nguyễn Văn Vĩnh). Đi đến tận Butte/ đồi Monmartre, vào xem Basilique Sacré Coeur/ nhà thờ Thánh Tâm.” Ngày 26/6: “Xem Hoàng Thượng đến thăm nghĩa sĩ từ ở Nogend sur Marne./Đến nghĩa địa Joinville le Pont thăm mộ một người Nam-kỳ./Mật thám ở Préfecture de Police/cảnh sát tỉnh đến hỏi passe-port/hộ chiếu. Chiều dự tiệc ở Élysée”. Ngày 29/6: “Đi chơi ô tô từ 10 giờ sáng đến 12 giờ đêm. Xem Père Lachaise (Nghĩa trang có chôn các chiến sĩ Công xã Paris - PT chú)./Ăn cơm ở Vincennus./Xem jardin des plantes/vườn bách thảo./Chơi Bois de Boulogne/Rừng Bu-lô./Ăn cơm chiều ở bd Vister./Dạo ô tô về Andenil. 60f.” Ngày 1/7: “Xem Saint-Cloud và ParadeSaint-Cloud. /Ăn cơm ở restaurant/nhà hàng À L’Orme (St-Cloud)”. Ngày 5/7: “Sáng gặp André Varagnac 133 bd Saint Germain (André là bạn Phạm Quỳnh hồi ở Việt Nam, con của người sẽ giúp ông diễn thuyết tại Viện Hàn lâm Pháp sau này - PT chú). /Diễn thuyết ở Sociéte des Amis de l’Orient/ Hội những người bạn của Phương Đông.
Ngày 8/7: “Gặp M./ông Gaillard, directeur de la revue Orient et Occident/ giám đốc tạp chí Phương Đông và phương Tây (28 Rue/phốBonaparte)./Ăn cơm chiều ở nhà M.Varagnac (134 bd/đại lộ St Germain/đại lộ Thánh Germain). Ông bà người tử tế lắm, nói chuyện đến hơn 10 giờ mới về. Hẹn đến thứ ba lại ăn cơm trưa. (Đây là gia đình của bạn thân Phạm Quỳnh là André, quen biết nhau từ hồi ở Việt Nam, André hẹn khi nào Phạm Quỳnh sang Pháp thì đến thăm. Do ông bà đã biết nhiều về Phạm Quỳnh qua con trai, nên gặp là mến ngay, có biệt nhãn với Phạm Quỳnh và cố tìm cách đưa Phạm Quỳnh lên diễn đàn Viện Hàn lâm để nói về vấn đề giáo dục ở Việt Nam mà theo ông bà người Pháp ở Pháp hoàn toàn không biết gì - PT chú). Ngày 10/7: “12 giờ trưa Déjeuner à la Société de Géographie Commevich (Restaurant de Sociétés savantes, Rue Dulerch/Ăn sáng ở hội Địa lý Commevich - Nhà hàng các hội bác học. Diễn thuyết. Được lắm ».Ngày 11/7: "Déjeuner chez les Varagnac/Ăn sáng ở nhà ông bà Varagnac". Ngày 12/7: "Chơi phố". Ngày 13/7: "Gặp M.De Nallèche, directeur du Journal des Débats/Giám đốc Báo Tranh luận (Rue Sainte Germain d’Auxurois), ông Émile Varagnac giới thiệu./Ăn cơm Annam với Phan Văn Trường và Nguyễn Ái Quốc ở nhà Trường (6 Villa des Gobelins).
Ngày 14/7: "Xem diễu binh ở Longchamp./Chiều dạo chơi đường Ste Michel". Ngày 15/7: "Cùng ông Émile Varagnac đến tiếp M.Lyon - Caln, secrétaire perpétuel de l’Académie Française des scienses morales et politique/ thư ký vĩnh viễn của Viện Hàn lâm Pháp các khoa học luân lý và chính trị (4h½ chiều) tại nhà riêng ông (13 Rue Soufflet 2e étage au dessus de l’entresol, à droite/13 phố Souflet tầng hai, trên gác lửng, bên phải".
Đến đây, chúng ta thấy ông Varagnac đã dẫn Phạm Quỳnh đến nhà riêng ông thư ký của Viện Hàn lâm, chuẩn bị cho việc Phạm Quỳnh diễn thuyết tại đây. Thật là một người bạn vong niên chí tình nơi xa lạ.
Ngày 16/7 Chủ nhật: "Ở nhà./Trường, Ái Quốc và Chuyền (tức Nguyễn Thế Truyền) đến chơi". Ngày 17/7: "Tiễn Vị xuống Marseille/ Chiều ăn cơm sớm vào chơi vườn Luxembourg. Trời quang mây tạnh, cảnh đẹp vô cùng./Trời Tây bảng lảng bóng vàng". Phạm Quỳnh nhớ nhà rồi… Ngày 18/7: "Ở nhà soạn diễn thuyết ở Académie./Ăn cơm chiều ở nhà ông Lambue, 223 Rue de l’Univunlo". Ngày 19/7: "Ở nhà soạn diễn thuyết ở Académie". Ngày 20/7: "Ăn cơm chiều ở nhà ông bà Varagnac. Gặp ông bà Marul Sambat".
Ngày 21/7: "Đọc thử bài diễn thuyết ở Académie cho ông bà Varagnac nghe, cho là được lắm". Phạm Quỳnh rất gắn bó với ông bà Varagnac, nhưng trong Pháp du hành trình nhật ký chỉ thấy ghi ông V. mà không bao giờ ghi rõ họ tên. Có lẽ vì Phạm Quỳnh không muốn làm mếch lòng hai con người khiêm nhường này, luôn muốn "áo gấm đi đêm".
“Ngày 22/7/1922, trong bộ quốc phục áo dài khăn đóng giản dị mà trang trọng, ông (Phạm Quỳnh - D.T chú) “cả gan” trình bày trước Ban Luân Lý Chính trị Viện Hàn lâm Pháp về Một vấn đề dân tộc giáo dục. Lời nói thật khúc chiết, hùng hồn, tha thiết, bằng một giọng văn tiếng Pháp mẫu mực, khiến các viện sĩ Pháp phải phá lệ, đồng loạt đứng dậy vỗ tay hồi lâu khi ông vừa dứt lời. Một hiện tượng chưa hề có trong lịch sử viện hàn lâm đầy uy tín này. Báo chí Pháp đương thời đã loan tin lạ này trên trang nhất, đăng lại bài diễn văn, kèm theo là bức ảnh ông mặc áo gấm, bế trong lòng cô con út mới sinh được mấy tháng.
(…) “Chống lại chính sách ngu dân của bọn thực dân Pháp đang thi hành ở nước ta, ông dõng dạc nói trước những đại biểu của tinh hoa trí tuệ và lương tâm Pháp hiện diện tại Viện Hàn Lâm Pháp những lời sau và đã được họ tán thưởng hoàn toàn:
“- Dân tộc Việt Nam chúng tôi không thể ví như một tờ giấy trắng. Chúng tôi là một quyển sách dày đầy những chữ viết bằng một thứ mực không phai đã từ mấy mươi thế kỷ. Quyển sách ấy có thể đóng theo kiểu mới cho hợp với thời trang, nhưng không thể đem một thứ chữ ngoài in lên dòng chữ cũ. Vấn đề là phải giáo dục người Việt Nam thế nào cho vừa truyền được học thuật cao thượng đời nay, vừa không đến nỗi khiến chúng tôi mất giống, không còn quốc tính, để biến thành một dân tộc vô hồn, không còn có tinh thần đặc sắc gì nữa, như mấy thuộc địa cổ của Pháp kia.” Nhà báo Nguyễn Trung đã viết như thế trong bài Phạm Quỳnh, người nặng lòng với tiếng ta (Nguyệt san Công giáo và Dân tộc số 141 tháng 9 năm 2006)”.
Ngày thứ bảy, 22-7: “Diễn thuyết ở Hội Hàn lâm, được lắm”. Ở Hội Hàn lâm ra, về thẳng đường Saint Germain để nói chuyện cho hai cụ biết. Hai cụ lấy làm mừng lắm. Lại nghe nói khi đọc xong cử tọa có vỗ tay, hai cụ lấy làm lạ, nói xưa nay ít khi như thế, lần này thế là các cụ Hàn có ý biệt đãi khách phương xa lắm đó. Hai cụ lại nói rằng các ngài Hàm lâm thường không hay đến hội đồng đông bao giờ, ngay như ở ban Văn học phải làm Tự điển mà mỗi lần cũng chỉ mươi lăm vị là cùng (trang 335, Pháp du hành trình nhật ký, NXB Hội Nhà văn, Hà Nội, 2011). Dự khánh thành hội “An nam ái hữu” ở 15 Rue Sommerard, Paris 5e. Vua Khải Định và ông Sarraut đến chủ tọa. Khải Định lố lắm!
Thứ bảy, ngày 22 tháng 7 1922.
(…) Về trọ nghỉ một lát, thay áo ta mặc áo tây, rồi ra nhà Hội Association Mutuelle des Indochinois (Đông Pháp Hỗ trợ Hội), ở đường Sommerard. Hội này là của học sinh An Nam ta ở bên này lập ra đã mấy năm nay, bây giờ mới thuê được nhà, làm chỗ học tập cho người đồng bang, hôm nay khánh thành hội sở mới, có mời Hoàng thượng và quan Thượng thư Sarraut đến chủ lễ. Hội sở còn chật hẹp lắm, được có một phòng lớn và vài ba cái buồng nhỏ, tân khách đứng chật cả. Chủ Hội là ông Cao Văn Sen, người Lục tỉnh, sang bên này đã lâu, hiện làm kỹ sư và đã lấy vợ đầm ở đây. Khi vua quan đã đến đông đủ cả, ông Cao đọc một bài diễn văn chúc mừng, Hoàng thượng nói mấy câu trả lời, nhưng nhỏ quá, không nghe thấy tiếng gì cả, rồi ông ngự tiền thông sự dịch ra tiếng Pháp. Đoạn tân chủ chuyện vãn ít lâu, rồi ông chủ Hội đem quyển “Kim thư” của Hội ra xin chữ ký Hoàng thượng và các quan khách. Lệ thường các ngài danh giá ký vào sách “Kim thư” (Sổ Vàng-VTN chú) của các Hội hay phê mấy câu, hoặc để khen lao, hoặc để khuyến miễn (Khen công lao vất vả và khuyên gắng sức hơn - VTN chú), và cũng để lưu chút tự tích trong sách kỷ niệm của hội. Khi dâng Hoàng thượng ta ngự phê thì thấy ngài cầm quản bút ra dáng nghĩ ngợi, các quan Tây có ý chờ đợi ngóng trông, bọn mình thì tưởng rằng chắc ngài nghĩ một bài thơ nôm hay thơ chữ Đường luật hay tứ tuyệt gì, nên mới lâu như thế. Lúc bấy giờ cử hội im phăng phắc, ai cũng để mắt vào nhìn, có cái vẻ oai nghiêm vô cùng. Tưởng chừng đức Chí tôn ta, đương khi mấy trăm con mắt ném ánh sáng vào bàn tay ngọc đó - ngọc thật, vì ngài thường đeo nhẫn kim cương quý giá lắm - thời:
Tay tiên gió táp mưa sa,
Khoảng trên dừng bút thảo bốn câu ngay tức thì. Nhưng mà không! Cứ thấy cái quản bút quằn quại trên tay, mà không thấy viết chữ gì. Năm phút, mười phút, mười lăm phút, người đứng chung quanh đã thấy thì thào động đậy, kẻ nói nhỏ, người đưa mắt, anh em đồng bang mình thì vừa nóng ruột, vừa động lòng. Sau mới thấy ngòi bút chuyển động; ai nấy thở dài! Hỏi ra thì không phải thơ ngũ ngôn tứ tuyệt gì, chỉ có một câu chữ Hán rằng: năm ấy, tháng ấy, đức Hoàng đế Việt Nam đến ngự nhà Hội, thế mà thôi - Ấy đức Chí tôn ngài viết một chữ một câu cũng thận trọng như thế…”.
Ngày chủ nhật 23-7: “Chơi maisons Lafitte (Về phía bắc Paris). Xem château/lâu đài. Chơi Lac/hồ d’Eughien./Xem nhà thờ Saint Denis và lăng các vua chúa. Cảm phục lịch sử nước Pháp./Qua trường tàu bay Le Bourget.” Ngày thứ hai 24/7: “Trời mưa, ở nhà viết thơ (thư).” Ngày 25/7: “Chơi Jardin des Tuilleries/Vườn nhà Tuilleries.” Ngày 26/7: “Chơi Parc/công viên des Buttes Chaumonts./Chơi Suresnes. Ăn cơm chiều ở restaurant "À la Belle Cycliste/nhà hàng Cô em Đạp xe Xinh đẹp". Ngày 29/7: "Thăm Saint Germain des Prés. Ăn cơm trưa ở nhà ông bà Varagnac (Cùng với Vĩnh - Nguyễn Văn Vĩnh)./Xem Petit Palais (Musée des (không đọc dược) oits de la Ville de Paris)/Lâu đài nhỏ, bảo tàng của các(không rõ) của thành Paris)./Thăm M.Gaillard directeur de la revue Orient et Occident (28 rue Bonaparte)". Ngày chủ nhật 30/7: "Xem lễ ở nhà thờ Notre Dame. Lên tháp và gác chuông nhà thờ./Xem Musée Jacquennard - André 158 bd Haussmann./Đi xem Château/lâu đài de la Surelmaison (có exposition napoléonnien/Triển lãm về Napoléon) Qua Reuil xem lăng Impétratrice Joséphine ở trong nhà thờ. Qua Marty, Saint Germain au Raye và Poisoy". Ngày 31/7: "Gặp M.Mourrin nói chuyện về sự in bài diễn thuyết./Xem nhà thờ Saint Germain d’Auxerrois./Ăn cơm chiều ở Pavillon Bleu (Saint Cloud)./(Ngày cuối cùng ở Paris)".
Phan Văn Trường
Ngày thứ ba 1/8: "Đi chuyến xe lửa 8½ xuống Marseille. 10½ đêm đến Marseille. Vị, Chất, Bảng, Thiện ra đón". Ngày 2/8: "Xem Đấu xảo./Thăm M.Eckent". Ngày 9/8: "Vua đến Marseille (3 giờ chiều)". Ngày 10/8: "9 giờ sáng Vua vào xem đấu xảo". Ngày thứ tư 11/8: "Xuống tàu Angers 4 giờ chiều tàu chạy. Vua cùng đi một chuyến, mình ở buồng số 123 với huyện Vị và Trần Lê Chất. Có ba ông đại biểu Nam kỳ nữa cùng đi về một chuyến (Võ Văn Chiêu, Trương Vinh Qui, Cao Triều Phát)". Ngày 12/8: "Đi bể./Tốt". Ngày 13/8: "Đi bể./Bữa cơm chiều hơi lảo đảo một chút". Ngày 16/8: "2 giờ đến Beyrouth. Gl/TướngGounaud xuống tàu thăm Vua./Vua xuống Beyrouth thăm lại Gl Gouraud. Có mấy trăm lính An nam tập hầu./6 giờ chiều tàu chạy về Cut-Laid". Ngày 17/8: "11 giờ đến Port Said./Xuống phố chơi. Vua với quan cũng xuống phố, mời lãnh sự Pháp ăn cơm ở khách sạn. (Vua sắm mũ và hộp thuốc lá mất 400 quan./7 giờ tàu chạy về Suez. Đêm đi qua canal/kênh đào". Phạm Quỳnh đã theo dõi nhà Vua mua nhiều thứ! Ngày 18/8: "11 giờ đến Suez./Đỗ một giờ./12 giờ vào Hồng Hải". Ngày 22/8: "12 giờ đến Djibouti./12 giờ đêm đi./Vua mời Gouverneur (thống đốc) Djibouti ăn cơm trưa ở tàu. Ngày 23/8: "Hơi say sóng". Ngày 24/8: "Say sóng". Ngày 25/8: "Say sóng dữ. Phải nằm trong phòng cả ngày. Không đi ăn trưa”. Ngày 26/8: “Say sóng dữ. Nằm trong phòng”. Ngày 27/8: “Say sóng dữ, nằm trong phòng”. Ngày 28/8: “Say sóng. Khá hơn mấy hôm trước”.
Chúng ta biết là Phạm Quỳnh đau dạ dày, thường ngày phải uống thuốc bột Bismuth cho đỡ đau, càng hiểu sự cố gắng khi ông vất vả đi công cán. Ngày 29/8: “9 giờ sáng đến Colombo. Cơm sáng xong xuống bộ. Dạo chơi các cửa hàng, mua một cái nhẫn opale/ngọc mắt mèo 50 quan./Vua xuống bộ, mời lãnh sự ăn cơm (bữa trưa, bữa sáng) Vua sắm đồ./2 giờ đêm tàu đi”. Ngày 30/8: “Hơi sóng nhưng dễ chịu hơn mấy hôm trước./Khí hậu cũng mát dễ chịu”. Ngày 1/9: “Hơi sóng nhưng dễ chịu”. Ngày 2/9: “Dễ chịu./6 giờ chiều đến Penang./ 12 giờ chạy về Singapore. Đêm mưa to, tàu giúc còi”. Ngày 3/9: “Tàu đi trong Détroit/eo biển Malacca. Mát trời, dễ chịu. Ngày 4/9: “7 giờ sáng đến Singapore. Xuống bộ chơi. Đi dạo phố bằng ô tô với hai ông Cai Chiêu và Qui, Vị, Chất và bạn ông Cai Chiêu Jackao làm việc ở Singapore. Xe ô tô đè phải một tên khách. Ăn cơm khách ở Liêu Hương Giang. 1 giờ trưa tàu chạy. Anh Bổng lên thăm gouverneur de Singapore, không được tiếp”. Ngày 5/9: “Đi trong golfe/vịnh Siam. Trời nóng. 2 giờ chiều mưa to”. Ngày 6/9: “8 giờ sáng tới Cap Saint Jacque/Vũng Tàu. Đợi đến 12 giờ mới vào sông Sài Gòn. 4 giờ chiều đến Sài Gòn. Vua lên bộ vào ở dinh Toàn quyền./ Chiều hôm ấy, mình, quan Tuần và huyện Vi ăn cơm ở hiệu khách tại Sài Gòn, đi chơi phố, rồi về tàu ngủ”. Ngày 7/9: “9 giờ vào thăm Dr/bác sĩ Ognang. Thăm các bạn đồng nghiệp. Trưa ăn với Trần Lê Chất ở hội Liên Thành (Quai/bến Somme, quartier/ phường Khánh Hội). Cơm rồi nghỉ chơi ở Hội Liên Thành. Mưa to, sấm sét./6 giờ chiều, Chất thuê 2 cái ô tô dủ (rủ) cả bọn đi chơi Chợ Lớn, ăn cơm ở hiệu Đức Lợi (Nguyên văn viết chữ Hán) Tối ngủ ở tàu”. Ngày 8/9: “Sáng đi chơi phố, mua the lĩnh. Thăm báo Kinh Tế. Trưa ăn cơm ở nhà huyện Của. 3 giờ chiều tàu dời (rời) Sài Gòn, chạy về Tourane/Đà Nẵng”.Ngày 9/9: “Đi men bờ bể Trung Kỳ”. Ngày chủ nhật 10/9: “11 giờ trưa tàu đến Tourane/Đà Nẵng. Có chaloupe/ca nô ra đón Vua quan vào bến. 2 giờ tàu chạy ra Hải Phòng”. Ngày 11/9: “12 giờ rưỡi đến Hải Phòng./ Me con Chắt và cậu Xuân (Me tức là vợ Phạm Quỳnh, bà Lê Thị Vân bằng tuổi ông, chắt là chỉ con trai cả Phạm Quỳnh là Phạm Giao sinh năm 1911, là chắt của cụ Phạm Tốn, ông nội của Phạm Quỳnh. Cậu Xuân là em vợ Phạm Quỳnh - PT chú) xuống đón./Đem hành lý vào Hôtel de l’Europe. Ông Thu cho mượn xe ô tô đi chơi. Tối ăn tiệc với ông Bưởi (Bạch Thái Bưởi) và ông Thu ở Hôtel du Commerce./Chuyến xe lửa 8 giờ 15 tối lên Hà Nội./Tới ga Hà Nội có đại biểu Hội Khai Trí ra đón”. Ngày thứ ba 12/9: “3 giờ chiều, cùng quan tuần Vi Văn Định vào yết quan Thống sứ Monguillot, nói chuyện đến 20 phút”. Ngày 20/9: “Tiệc trà ở Hội Khai Trí tiếp Toàn quyền Baudoin (9 giờ tối)./Mình diễn thuyết một bài”.
Phạm Tôn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét