Hỏi rỗng rang sáng suốt là sao? Tức tâm không một vật. Do không một vật nên phiền não không bám được, trụy lạc không dính dáng tới. Trong đời sống này mọi thứ đều không quan trọng, không dính dáng, không là vấn đề chính đủ sức kéo lôi, hấp dẫn, nhận chìm chúng ta vào chỗ tối tăm ngu muội.
弟 四 覺 知
懈 怠 墜 落
常 行 精 進
破 煩 惱 惡
摧 伏 四 魔
出 蔭 界 獄
Âm:
Đệ tứ giác tri
Giải đãi đọa lạc
Thường hành tinh tấn
Phá phiền não ác
Tồi phục tứ ma
Xuất ấm giới ngục.
Dịch:
Giác ngộ thứ tư,
Lười biếng đọa lạc,
Thường hành tinh tấn,
Phá phiền não ác,
Hàng phục bốn ma.
Khỏi ngục ấm giới.
Giảng:
Trước đây có một số Phật tử phát tâm tu hành, trải qua thời gian dài học pháp với Hòa thượng Trúc Lâm. Các vị vâng lời ngài cố gắng tu tập và đặc biệt là tự sắp đặt cuộc sống của mình có nhiều thời gian cho việc tu học. Giờ đây phần nhiều các vị này lớn tuổi, một số xuất gia tu học ở Trúc Lâm Đà Lạt, một số xuất gia tại thiền viện Thường Chiếu. Song cũng còn một số đông rất hâm mộ tu hành, nhưng việc gia đình chưa nhẹ nhàng nên tự tìm nơi thuận tiện để thực tập thời khóa tu học cho chính mình. Thật là đáng khen.
Không biết phiền não là cái quái gì mà nó cứ đeo đuổi hoài, suốt cả một thời niên thiếu. Sau khi được gặp Hòa thượng học đạo, các vị khám phá ra rằng phiền não không có phút giây nào buông tha. Nó bám dai dẳng, ai cũng chán sợ mà vẫn chưa buông được. Tới lúc cố gắng ổn định được gia đình, đến thiền viện học tập Phật pháp, bằng tâm chí thành tha thiết của mình, đem Phật pháp áp dụng vào đời sống vậy mà vẫn còn nhiều phiền não. Bởi gặp được nhân duyên đặc biệt lúc Hòa thượng Trúc Lâm đang dốc lòng hướng dẫn cho chư Tăng Ni, Phật tử tu pháp môn thiền, các vị liền quy hướng về. Phật tử cũng tự biết mình có phước báo lớn, nhưng tính lại từ những năm 1970 Hòa thượng khai pháp trên Vũng Tàu, rồi đến lúc về Thường Chiếu khoảng thập niên 1980 mà việc tu cũng chưa được hoàn toàn như nguyện. Mãi cho tới Hòa thượng về Đà Lạt khoảng thập niên 1990, xây dựng thiền viện Trúc Lâm, các vị cố gắng hết sức và chắc rằng cũng không còn hơi sức nào nữa, nếu Phật tử không tu được thì đành phải buông tay.
Loay hoay đối đầu với ma phiền não, nó dai dẳng gỡ không được nên các vị tủi thân, thẹn lòng lắm. Thời học đạo đã gần cuối đời, Sư phụ đã già, ngài tìm một nơi thích hợp với điều kiện sức khỏe để đi trọn cuộc đời tu hành và dạy dỗ Tăng Ni. Nhiều Phật tử thấy mình được diễm phúc sinh trưởng trong gia đình giàu có, phát triển tu học trong giai đoạn tốt đẹp như vậy mà cho tới bây giờ chưa được cái gì hết, mỗi khi nhớ đến lại càng phiền não nhiều hơn nữa. Tu chưa được bao nhiêu mà bệnh phong thấp, bệnh thiếu canxi, bệnh khó thở… cứ thi nhau quần thảo. Cho thấy sự vây bủa của phiền não khó trừ khó dứt như thế nào.
Bài kinh hôm nay nói về cách phá dẹp bệnh lười nhác, giải đãi và phát huy tinh thần tu học của mình qua cửa ngõ siêng năng. Chữ tinh tấn là nói theo âm Hán, tiếng Việt gọi là siêng năng. Có thể nhờ con virus siêng năng này trị con độc trùng lười nhác, giải đãi. Đại chúng ở đây hay ở Thường Chiếu và các thiền viện nào cũng vậy, muốn trị được bệnh dã dượi, lười nhác thì phải tích cực siêng năng. Nhất định từ công phu siêng năng tinh tấn chúng ta có thể diệt sạch hết tất cả phiền não độc hại kia. Các vị thiền sư nói rằng lấy chốt tháo chốt, dùng đinh nhổ đinh. Lấy chốt tháo chốt nghĩa là muốn tháo cái chốt dính cứng trong gỗ thì phải lấy một cây chốt khác nạy cho bung cái chốt kia ra. Muốn nhổ đinh, mấy ông thợ có kỹ thuật thật hay! Cây đinh sét đóng sâu trong gỗ một thời gian dài mà cứ đem kìm, đem búa nhổ thì gẫy kìm gẫy búa hết, nhổ không ra. Mấy tay thợ lão luyện dùng búa vỗ vào cây đinh mấy phát cho nó lún vô, rồi sau đó lấy kềm nắm đầu nó lôi ra. Đó là dùng định lực để bắt nó buông thì mới lấy ra được. Một kinh nghiệm nhỏ vậy thôi nhưng vô cùng quý báu. Con virus siêng năng này trong lỗ mũi, con mắt, lỗ tai, trong chân tóc, chân lông của mình chứ không ở đâu hết. Nhưng từ lâu rồi nó cứ nằm yên đó, chờ xem khi nào Sư phụ tinh tiến, quyết tâm, đủ sức đứng dậy bước lên thì nó ủng hộ. Nếu Sư phụ còn dã dượi nằm dài ra ngủ thì không bao giờ nó ủng hộ.
Từ xưa nay nói đây là điều giác ngộ của bậc đại nhân. Đại nhân chỉ cho Phật, Bồ-tát mà cũng chính là chỉ cho chúng ta nữa. Tại sao? Vì nếu là Phật thì chúng ta là Phật sẽ thành. Nếu Bồ-tát thì chúng ta là Bồ-tát tử, Bồ-tát con nên các Ngài nói Phật, Bồ-tát là chỉ cho chúng ta đó. Người Phật tử gặp Phật pháp, phát tâm Bồ-đề tu cầu thành Phật nên để ý những điều này. Trong đây nói nếu chúng ta không buông được con ma giải đãi, nhất định sẽ bị trụy lạc hay đọa lạc. Chữ trụy là rơi xuống, chữ lạc là rớt vào. Hai chữ này chữ nào cũng đều rơi xuống, rớt xuống thôi. Chúng ta nên biết nếu mình giải đãi thì sẽ đọa lạc. Người tu hành biết điều này không tốt thì phải thức dậy, đứng lên, cương quyết dũng mãnh mới có thể gầy dựng được sự nghiệp giác ngộ, mới có thể cùng chúng bạn tu hành.
Hồi nhỏ tôi nhớ bài hô chuông buổi khuya có câu “Tỉnh mỉnh lòng son bước tới bàn…”, người xưa khuyên chúng ta tu hành thì phải phấn phát, mạnh mẽ lên mới có thể thắng lướt con ma lười biếng. Sự tinh tấn này chúng ta gầy dựng được từ nơi bản thân mình, trong lỗ mũi, lỗ tai, con mắt… xung quanh chỗ nằm, chỗ ăn, chỗ đứng, không phải tìm ở đâu hết. Quý vị Phật tử dù đã cố gắng hết sức mà không buông được phiền não là vì tìm sai địa chỉ. Ví dụ Phật tử muốn đến thiền viện Trí Đức thì phải đến lô cao su Long Thành, chứ không phải lô cao su Long Khánh hay Bình Phước. Cũng vậy, mình cứ rán tu tập mà không tỉnh mỉnh, không phát huy lòng son của mình, cứ để con ma giải đãi, dã dượi rù quến thì làm sao ngồi dậy nổi. Đánh kẻng rồi mà chư huynh đệ còn luyến tiếc giấc mơ, trùm mền lại thì xem như theo bọn ma quái bước vào hang quỷ.
Chúng ta chưa bỏ nổi cái mê mờ trì trệ đã ăn sâu nhiều đời. Một dọc dài từ 10 giờ đêm cho đến 3 giờ sáng là đã tha hồ, thoải mái ngủ nghỉ rồi. Bây giờ nghe tiếng kẻng thức chúng thì phải dũng mãnh dứt khoát chuẩn bị lòng son của mình. Lòng son tức là tâm vậy. Trong nhà thiền nói tâm là tim, mà tim là cái tinh ba rỗng rang sáng suốt chứ không đơn giản là khối thịt. Nếu chúng ta chưa dứt khoát thức dậy, cái mền cũng không phải là nặng lắm nhưng thật sự gỡ nó qua một bên nặng ơi là nặng, gỡ không muốn nổi. Tại sao? Tại vì cái dũng mãnh không có, cho nên một việc thường như vậy mà làm hết sức là vất vả. Người có đại lực, đại nguyện thì phải dũng mãnh. Cần gỡ là dứt khoát thảy nó qua một bên, tỉnh mỉnh đứng dậy, bắt đầu chuẩn bị bước lên thiền đường. Chúng ta phải biết cách trị cái bệnh lười nhác để khỏi rơi vào chỗ tăm tối. Như đã nói chữ Trụy là rơi rớt, chữ Đọa là vào chỗ tối tăm.
Tóm lại, cái lực đưa ta vô chỗ tăm tối là gì? Là sự không dứt khoát, giải đãi chứ không gì khác. Tổ Quy Sơn dạy điều gì người ta làm được, tại sao mình làm không được là vì mình còn dung túng, còn bắt tay với giải đãi nên chưa dứt khoát. Biết như vậy rồi chư huynh đệ phải cố gắng lên, đừng để bệnh giải đãi dẫn vào chỗ trụy lạc. Người tu phải nỗ lực tinh tấn mạnh mẽ lên. Tuy làm việc bình thường mỗi ngày nhưng huynh đệ phải cố gắng nhiều lắm, phải có thái độ dứt khoát mới tiến lên được. Chúng ta còn thái độ lừ đừ, chậm lụt, giống như bánh xe lăn tới mà mình cứ đứng yên thì nó sẽ cán nát thây. Rõ ràng huynh đệ ở cùng một liêu, nghe tiếng kẻng ai nấy đều thức dậy làm công việc bản thân, riêng mình thì hai chân đơ ra không đứng dậy được, cái mùng không tháo nổi tức là bị đọa ngay cái giường, chứ không ở đâu xa. Biết như vậy rồi chúng ta dứt khoát không để bị đọa như vậy được.
Người xưa dạy cơ hội để tiến lên là thường hành tinh tấn. Tinh tấn nghĩa là siêng năng. Chúng ta phải có sức chịu đựng thì mới siêng được, chữ năng là năng lực làm giỏi lên. Giống như quạt máy chạy khoảng năm mười phút thì nó tỏa ra hơi nóng, siêng năng cũng như thế. Người siêng năng tu sẽ có sức mạnh trị được trụy lạc. Ngược lại, người thiếu siêng năng không gầy dựng được năng lực để tiến tu, thì sẽ bị lạnh nóng, yếu đau, dã dượi hành hạ suốt đời không tiến lên được.
Trở lại các Phật tử lớn tuổi tôi đã nói ở trên. Quý vị ấy biết làm phước, tạo công đức, tu học theo Hòa thượng Trúc Lâm từ lâu, nhưng mãi một thời gian dài họ chưa tìm ra cách gì để dũng mãnh, đứng dậy phủi rủ lòng son bước tới bàn, nên cứ bị trì trệ hoài. Cho đến thập niên này họ đã ngoài 80, đi đứng, ăn uống, nói năng, làm gì cũng khó khăn. Hồi xưa nói chuyện thức dậy lúc 4, 5 giờ với những vị này khó, nhưng bây giờ họ tự động tung mùng mền thức dậy, song tiếc một điều là đã ngoài 80 tuổi. Cho nên chuyện tu khó khăn lắm, đừng có xem thường.
Chư huynh đệ bây giờ trong lứa tuổi 20, 30, nhiều lắm là 40 nhưng có khi cũng thấy khó khăn. Từ chỗ ngủ qua tới chỗ ngồi thiền có một đoạn, nếu trời nắng ráo có trăng, đi thấy bình thường, nhưng khi mưa bão, rét lạnh, hoặc trong ngày đó làm việc nhọc nhằn, quý vị sẽ thấy thân này làm khó, mình thấy lạnh, thấy ngán, không muốn đi. Cho nên trẻ mà không ráng tu, tới già mong chi cố gắng nổi!
Ở đây, người xưa dạy phải thường hành. Chữ hành là hành động, cụ thể hơn: việc chính của chúng ta là tu. Mình cứ siêng năng, cứ quyết tiến, cứ hành động, sống trong khuôn khổ, trong thời khóa, trong sự sắp đặt của tập thể, của người chịu trách nhiệm, nhất định có kết quả tốt. Khi đã chọn đúng đường rồi, cứ như thế mà làm, mà hành động. Mình không ngán, không ngại, không để chướng ngại bởi bất cứ duyên cớ gì chung quanh. Như vậy mới có thể vượt qua được, không bị rơi rớt vào trong hầm tối ham ăn, ham ngủ, lười nhác, v.v… Đó là người thật sự bước vào ngưỡng cửa siêng năng. Người đã siêng năng rồi hay phá tan phiền não, nó chính là ma mị, là đội quân âm thầm gầy dựng trận chiến trong khắp da thịt, tủy não của chúng ta. Trong chữ phiền gồm có bộ hỏa và bộ hiệt. Hỏa là lửa, hiệt là đầu. Như vậy phiền là cái đầu đang bị lửa đốt. Chữ não gồm chữ tâm và chữ não, cái tâm bị ép một bên nên dễ bức xúc mất bình tĩnh, cái đầu bị ép một bên nên choáng váng dễ mệt. Cho nên phiền não là không yên, bứt rứt như bị lửa đốt trong tâm. Đó là con khuẩn não hại đến bộ phận chỉ huy tinh thần của mình. Một khi bị phiền não rồi thì tu không tiến, tất cả đều trì trệ theo mức độ phiền não nặng hay nhẹ.
Những vị phát tâm tu hành theo Hòa thượng vài mươi năm, siêng năng hết sức, Hòa thượng tin tưởng. Nhưng khi có sự cố gì đó, Hòa thượng quở trách một câu, chạm đến kho phiền não của mình thì bao nhiêu công đức gầy dựng lâu nay trở thành tro bụi, vì ngọn lửa sân thiêu đốt. Nói cái kho tức là phiền não nhiều lắm, ai đụng đến bản ngã của mình là mình phiền não. Như lúc còn nhỏ chúng ta đi học, hôm nào trong lòng bực bội thì ông thầy dạy hết lòng, nói hết hơi mà mình cứ xìu xìu. Thầy nói chúng bạn ngồi xung quanh cười, vỗ tay ầm ầm còn mình không nghe gì hết. Đó là tiêu cực, là bị ma phiền não ốp, đầu óc đâu còn sáng suốt nữa mà học hành.
Phiền não có một dẫn lực rất mạnh. Ví dụ như lúc chưa phiền não, huynh đệ rủ mình đi chợ chơi, nhưng Thầy giao cho mình một trách nhiệm gì đó, mình làm hết lòng nên từ chối. Công việc Thầy giao làm chưa rồi đi chơi sao được, huynh đệ có rủ rê cách gì thì cũng không đi. Nhưng đến lúc tiêu cực nổi lên, mình tự đi kiếm người rủ hôm qua, bảo bây giờ đi được không? Khi ấy nhất định bắt tay nhau đi. Trong lòng có phiền não thì dẫn đến tình trạng như vậy. Một khi bị phiền não bao phủ rồi thì đâu làm gì được nữa nên nói phiền não ác. Chữ ác này gồm chữ á và chữ tâm ở dưới. Ác là sao? Là xấu, là điều không chánh đáng nhưng khi mình quan tâm đến nó thì sanh ra tệ hại.
Trên đời này nếu không tỉnh táo, sáng suốt rất dễ rơi vào hầm phiền não. Thật sự nếu biết giữ tâm thanh tịnh không để cho trụy lạc, ác tâm không dấy động thì phiền não không làm gì được mình. Một khi tâm bị phiền não lôi dẫn là sanh chuyện. Đâu phải bây giờ mới có địa ngục, ngạ quỷ mà chúng sanh đã nướng cuộc đời mình trong đó từ xưa đến giờ. Chúng ta sanh ra, lớn lên đi học rồi đi tu, lại để cho ác tâm trỗi dậy, dẫn mình rơi vào trụy lạc, huynh đệ thấy có vô lý không? Nghĩ đến cuộc hành trình này mình phải kiên cường, bảo vệ đừng để rơi vào tình huống bị động, bị phủ bởi ác tâm. Chúng ta phải bảo vệ mình ở chỗ sáng suốt. Theo nhà thiền nói tâm rỗng rang thì sáng suốt. Thiền là rỗng rang sáng suốt.
Hỏi rỗng rang sáng suốt là sao? Tức tâm không một vật. Do không một vật nên phiền não không bám được, trụy lạc không dính dáng tới. Trong đời sống này mọi thứ đều không quan trọng, không dính dáng, không là vấn đề chính đủ sức kéo lôi, hấp dẫn, nhận chìm chúng ta vào chỗ tối tăm ngu muội. Tâm không dính mắc việc gì nên luôn luôn rỗng rang sáng suốt. Đó là thiền, là mục đích của cuộc sống, của đời ta. Người tu chúng ta cần phải thực hành cho được chỗ này. Mọi chuyện khác để qua một bên, dứt khoát làm một việc duy nhất là để lòng rỗng rang sáng suốt. Đó là phương pháp tu tập từ thời đức Thế Tôn, từ thời tu nhân đến thành tựu thánh đạo. Ngài đã đại từ, đại bi đối với chúng sanh nên mới giảng dạy lại cho chúng ta biết cách tu theo. Bây giờ biết được rồi, chúng ta phải siêng năng, phải hành trì. Chúng ta tự khẳng định rằng mình là những đứa con của Phật, khởi lên tâm Bồ-đề, đã hướng về con đường này, nhất định phải siêng năng, tinh tấn đi cho đến nơi đến chốn.
Khi đã tinh tấn tự nhiên chúng ta phá được phiền não, phá được những trở ngại trên bước đường tu tập của mình. Tóm lại, còn một thứ phiền não nào bu quanh chúng ta, trong tim, trong đầu hay trong bất cứ chỗ nào, nhất định chúng ta tu không nổi. Người phát tâm tu là giải mã được phiền não tức chuyển nó thành quả Bồ-đề. Trong quá trình tu học, phải biết phiền não là cái gốc. Trị được nó rồi là chúng ta đã bước được một bước dài. Cho dù bậc nào trên đường tu hành mà còn phiền não thì không dũng mãnh, siêng năng, dứt khoát kiên quyết bước đến cùng. Chính tôi đôi lúc cũng còn phiền não, nhưng tôi biết cách trị nó, không để nó hoành hành, đốt cái đầu của tôi hoặc đốt trong lưng, trong ngực tôi. Khi nó vừa manh nha, vừa khởi lên là tôi có cách thải nó ra. Mà cách thải nó ra Hòa thượng Trúc Lâm dạy là “Có gì quan trọng đâu! Kệ nó đi! Bỏ!” Chỉ bấy nhiêu thôi. Giả tỷ như người lấn ép, nói xóc óc mình thì cũng không có gì quan trọng. Mình nghe mà như điếc thì thôi, kệ, nó là vậy. Thấy mà như không thấy thì mới giữ vững tâm không cho phiền não có cơ hội dấy khởi. Phiền não không dấy được, cũng có nghĩa là ta đã phá dẹp chúng.
Tứ ma là bốn loại ma. Chúng ta thấy một loại ma phiền não thôi là đã ngán ngẩm lắm rồi, trong đây nói tới bốn ma. Đó là:
1. Ma phiền não: Tức gốc tham sân si nơi mỗi người chúng ta.
2. Ma ngũ ấm: Là sắc, thọ, tưởng hành và thức. Năm thứ này ngăn che làm cho con người không nhận ra chân lý, không sống được với trí tuệ, cứ mê mờ tạo nghiệp đi trong luân hồi sanh tử.
3. Ma chết: Chúng sanh do tạo ác nghiệp nên sau khi chết thành ma thành quỷ, hiện hình kỳ quái nhiễu loạn người sống, làm họ kinh sợ phát bệnh cho tới chết. Hoặc người tu hành đàng hoàng nhưng vô thường đến cướp đi mạng sống, làm đứt đoạn công phu cũng gọi là ma chết.
4. Ma trời: Là ma vương và ma chúng ở cõi trời Dục giới, có khả năng biến hóa đủ mọi hình tướng làm trở ngại công phu tu hành, đặc biệt là đối với những bậc gần chứng đạo.
Chúng ta muốn tiến đạo nhất định phải trị hết các loại ma này. Muốn không bị phiền não thì phá dẹp những dấy khởi, động niệm, tơ tưởng, phân biệt lăng xăng trong đầu. Người tu hành muốn được yên, muốn cái đầu không bị nóng, bị đau nhức thì phải phá dẹp hết tất cả phiền não. Từ tâm rỗng rang sáng suốt, thành tựu những điều rất đặc biệt, cần thiết cho đời sống hiện tại của chúng ta. Đừng sợ rằng khi đập hết những con ma đó rồi, không còn bạn bè để sống. Mà chỉ ngại, chỉ sợ rằng chúng ta không đập nổi nó thôi. Bốn ma, năm ma gì mặc kệ nó, ma nào hiện lên cũng đập hết.
Như tới giờ ăn cơm mà bữa nay trị nhật sơ ý nấu cơm sống, thì sao? Ăn không được, ăn vào sình bụng tối ngủ không được. Nhưng với người mạnh dạn, cơm sống thì cơm sống, ăn vẫn cứ ăn không có ma mị nào hù dọa nổi. Hoặc ăn cơm không được, ăn thứ khác; việc gì xìu xìu ển ển. Nếu có thái độ dứt khoát như vậy, là thể hiện năng lực của sự tinh tấn, nhất định không con ma nào làm gì được mình. Ma đây còn chỉ cho sự dính mắc, tham lam, xấu dở. Dưới chữ ma là chữ quỷ, như nói “Ông đó quỷ quyệt quá!” Quỷ quyệt là sao? Là một loại dối trá, lừa gạt. Người không dứt khoát loại trừ chúng ma, không mạnh mẽ tiến trên đường giác ngộ thì sẽ bị nó làm hại thôi.
Ấm giới ngục giam giữ chúng sanh trong đó. Ấm là ngũ ấm, giới là tam giới gồm Dục giới, Sắc giới và Vô sắc giới. Nếu chúng ta cứ ngủ gục, cứ phiền não, cứ nuôi dưỡng những dã dượi thì sẽ bị chôn vùi trong ngục tam giới, bị chết đứng bởi thân này, hoàn cảnh này, không giải thoát được. Chúng ta đã đi trên đường đạo là bước theo dấu chân của bậc đại nhân, của Phật thì phải cố gắng làm sao bước cho thật vững và bảo vệ đừng cho nghiêng ngã. Muốn giải thoát tam giới không phải là chuyện tưởng tượng, cần trải qua một quá trình công phu dài lâu không tính kể thời gian, siêng năng tinh tấn tu hành mới được.
Chữ giới là cõi, tức phạm vi, như Dục giới là phạm vi của dục vọng. Chữ Dục có nghĩa là ham muốn, thích thú, đam mê. Trong quá trình tu tập chúng ta muốn thoát khỏi cõi Dục khó khăn lắm, phải tranh đấu quyết liệt lắm. Giả tỷ như mình có những sở thích nho nhỏ thôi, như thích uống trà. Buổi tối có được một chung trà thì còn gì thú vị bằng! Hồi nghèo uống trà quế, trà lá gì cũng được, nhưng khi làm ăn khấm khá rồi thì phải trà Hongkong, trà ngoại quốc. Tới lúc khá giả hơn nữa thì uống loại siêu hơn hay vừa uống vừa nghe nhạc. Rõ ràng càng ngày càng nảy nở ra, thêm những cấp bậc làm người ta rối chân đi mãi mà không thoát khỏi cái đam mê ấy. Từ xưa tới nay, con người sinh ra, lớn lên, học hành, làm ăn, xây dựng gia đình, có con cháu rồi già, bệnh, chết. Trùng trùng điệp điệp ai cũng như thế. Bây giờ chúng ta cũng là người mày ngang mũi dọc trong cõi đó, lại muốn đi ngược ra khỏi chỗ này, quý vị thấy khó không? Khó lắm.
Như người nữ, ai cũng muốn sanh ra duyên dáng xinh đẹp, học hành giỏi giang, lớn lên có gia đình chọn nơi môn đăng hộ đối, để sau này gầy dựng cho con cháu một tương lai tốt đẹp. Cứ như thế. Bỗng có người đạt được những tiêu chuẩn ấy rồi lại muốn đi tu thì ai chấp nhận. Người thân của họ có muôn ngàn lý do cản trở, dọa rằng vô chùa ăn chay không nổi, nghe nói mấy người tu bị sốt rét xanh lét, phủi tóc sạch sẽ, phủi luôn chân mày thấy mà ghê, cho nên đừng có vô chùa! Nghe anh em nói thế thì lòng nào nữa mà phát tâm xuất gia. Thôi thì cứ lủi vào chỗ ai sao tôi vậy. Đã vào rồi thì ngỡ ngàng vì hạnh phúc có được bao nhiêu đâu mà cảnh trái ý nghịch lòng đầy tràn trước mắt. Cứ thế ngàn đời ngàn kiếp người ta không thoát ra được chỗ ấy. Do đó chư Phật mới nói cõi Dục giới chôn vùi chúng sanh từ vô lượng kiếp đến nay. Nước mắt của chúng sanh đã chảy ra nhiều đời nhiều kiếp còn hơn nước bốn bể. Nước bốn bể có bờ mé hoặc do thiên tai hạn hán sẽ cạn. Nước mắt chúng sanh cứ chảy hoài nên thành vô hạn.
Theo vũ trụ quan Phật giáo, bốn bể là nước bốn biển xung quanh núi Tu-di chứ không phải mấy cái biển Thái Bình Dương, Bắc Băng Dương… đâu. Nguyên cả cõi Nam Thiệm Bộ Châu này là quả đất, con người nơi đây chỉ như hạt trứng trôi nổi trong bốn bể đó. Phật nói nước mắt khổ đau của chúng sanh chảy ra nhiều đời kiếp, còn hơn cả nước bốn bể chung quanh núi Tu-di. Từ đỉnh núi xuống chân núi Tu-di là phạm vi của Dục giới. Chúng sanh cõi Dục nhiều ham thích, say mê, không có trí tuệ, không siêng năng phấn đấu nên khó thoát ra, cứ bị vùi dập mãi trong đó.
Qua khỏi cõi Dục đến cõi Sắc. Sắc tức hình sắc, chúng sanh ở cõi này hình sắc rất đẹp. Chúng ta đọc trong kinh, thỉnh thoảng gặp những đoạn Phật kể vào nửa đêm các vị trời ở cõi Sắc bay đến đảnh lễ Thế Tôn, cầu pháp hoặc xin được chỉ dạy pháp yếu tu hành. Người trần gian nhìn thấy những vị này rụng rời tay chân, nghe mùi hương của họ cũng ngất ngây tâm thần, bởi hương sắc của họ không ở trong phạm vi Dục giới. Họ không phải con người mà là bậc tiên cõi Sắc, mắt người không thấy được, vì hình sắc thể chất của họ vi diệu lắm. Trong kinh kể, đêm đến các thầy Tỳ Kheo ngửi được mùi hương đặc biệt, ngào ngạt khắp cả khu rừng của 1.250 vị Thánh đệ tử. Sáng ra các thầy trình bạch lên, Đức Thế Tôn nói giữa đêm các tiên nhân từ Sắc giới xuống cầu pháp, mùi hương các thầy nghe là mùi hương của họ đó. Tôi nghĩ rủi ro mình rớt vô cõi này, có một hình thể đặc biệt như vậy, chắc không bao giờ nghĩ đến chuyện phát tâm Bồ-đề, cũng không bao giờ vào Trí Đức tu học làm gì, chỉ thích ở đó mãi mãi thôi.
Nếu ai chứng được tứ quả Thanh văn, thành tựu định tuệ ngang với các bậc thánh ở quả vị Vô sanh, hoặc là vào quả vị Bồ-tát đến bậc Bất động thì mới tự tại, thoát khỏi 18 tầng trời của cõi Sắc. Cõi nước này đặc biệt, không phải như Anh, Mỹ, Pháp, Đức… nó phi thường lắm. Chúng ta chỉ nghe qua diễn tả của đức Thế Tôn, của các vị đã chứng Thánh, đi đến nơi đó rồi chỉ dạy chúng ta tu hành để đừng bao giờ mơ mộng đến chỗ đó. Bởi vì nơi đó có hàng rào sắc hương vi diệu kiên cố, khi rơi vào rồi không bao giờ có niệm thoát ra. Cũng giống như ở trần gian này, Phật nói chúng sanh rơi vào trong vòng tình cảm gia đình, thì ngàn đời ngàn kiếp không có tâm nguyện thoát khỏi nó. Danh vọng tiền tài, vợ đẹp con ngoan, mà chúng sanh ở cõi Dục đều cùng một hướng, cùng mơ mộng vào trong đó, loay hoay trong đó đời đời, kiếp kiếp không thoát ra. May mà có những bậc thánh, Bồ-tát thị hiện nơi đời, chỉ cho chúng ta biết đó là hầm hố nguy hiểm, không phải nơi thật sự an vui, không phải Niết-bàn thanh tịnh giải thoát. Cho nên chúng ta không mơ đi vào đó.
Quý vị có thấy hùng lực, dũng lực, tư cách, phong thái của vị đệ tử Phật đi vào con đường giác ngộ hay không? Thật không gì có thể sánh bằng. Biết được điều này, chúng ta ngưỡng vọng về sự tinh tấn của các ngài, nguyện học tập theo để bước vào cõi giải thoát thanh tịnh. Cho nên phải dũng mãnh, dứt khoát thực hành theo lời Phật, Bồ-tát dạy, để bước ra khỏi hai cõi Dục giới và Sắc giới. Dục giới có 6 tầng, Sắc giới có 18 tầng và cuối cùng Vô sắc giới có 4 tầng. Bốn tầng này không có hình tướng, dường như có, dường như không nên gọi là Vô sắc giới. Nếu vị nào sanh vào cõi đó, hỏi bao lâu mới thoát ra, vị đó trả lời rằng Phật bảo vô số kiếp mới thoát ra. Trước kia đức Phật cũng là một chúng sanh như chúng ta bây giờ, cũng lăn lóc phiền não, khổ đau, vợ con gia đình, đi học, đi thi, tiền tài, danh vọng như bao người khác. Rồi do nhân duyên nào đó, ngài phát tâm tu hành qua vô số kiếp siêng năng, tinh tấn mới thoát ra được.
Bây giờ đức Thế Tôn đã thành tựu đạo quả, tính đến năm 2011 thì ngài đã thành đạo được 2555 năm. Thời gian này dài nhưng còn có thể tính đếm được, chứ từ giai đoạn sơ phát tâm cho đến khi thành tựu Phật quả, ngài đã trải qua ba vô số kiếp. Một vô số kiếp là khoảng thời gian vô lượng, vô biên không thể tính kể. Nếu chỉ tính từ ngày Phật đản sanh hoặc từ năm thành đạo cho tới bây giờ là 2555 năm mà chúng ta vẫn còn ở tại mảnh đất Long Thành này, thì huynh đệ thấy cái rơi rớt, trầm trì, đọa lạc của chúng ta nhiều cỡ nào. Có thể nói cái rơi rớt ấy là từ sự tăm tối, chưa dứt khoát, không dũng mãnh của mình mà ra. Người xưa dạy phải tinh tấn mỗi khi bước lên bồ đoàn, ngồi kiết-già vào định, phát huy trí tuệ cắt đứt tất cả phiền não tăm tối từ vô thủy đến nay mới có thể ra khỏi ba cõi.
Nói như vậy để nhắc chúng ta đang bước vào cửa Phật là cửa giác ngộ giải thoát. Chữ Phật là giác, một chúng sanh được giác ngộ, một chúng sanh đã thành tựu Thánh đạo qua quá trình tu hành dài vô số kiếp. Như Thái tử Sĩ-đạt-ta thấy được cái khổ của sanh, già, bệnh, chết, không chấp nhận cuộc sống vương giả trong hoàng cung, cắt đứt mọi ràng buộc yêu thương với gia đình, dứt khoát giữa đêm vượt thành vào rừng tu hành. Trải qua mấy năm vẫn chưa được đạo quả, ngài đến dòng sông Ni-liên dưới cội Tất-bát-la, nhận sự cúng dường của nàng mục nữ và trải tòa ngồi với những lời nguyện hết sức phi thường dũng mãnh. “Ta nguyện ngồi trên tòa này nếu không thành tựu được đạo quả vô thượng thì dù thịt nát xương tan cũng không rời khỏi chỗ này”. Ngài tuyên thệ với ma quân như vậy, chiến đấu với ma quân như vậy, nên cuối cùng ngài thành tựu.
Chúng ta bây giờ cũng đang ở trong giai đoạn chiến đấu, tuyên thệ. Chiến đấu với cái gì? Chiến đấu với những khó khăn, bệnh tật, đời sống mới mẻ. Mới mẻ là sao? Là xưa nay mình ở nhà đi học, được sự nuông chiều của cha mẹ anh chị, không thấy bơ vơ, thiếu thốn, khổ sở gì hết. Có nhiều vị nói từ hồi cha sanh mẹ đẻ đến giờ, chưa từng bị người nào nói một câu làm cho họ buồn khóc, nhưng khi vô chùa bị chúng bạn nhỏ tuổi hơn, học không bằng, cái gì cũng thua hết, mà nói những câu xóc óc làm họ bực tức khổ sở. Đó chính là chỗ để ta chiến đấu. Những lúc nghĩ như vậy thì phải phấn đấu, phấn đấu để hoàn toàn làm chủ được mình, an nhiên trước những con người, những lời lẽ ấy. Cho dù gặp bao nhiêu khó khăn, bao nhiêu hoàn cảnh trái ngược cũng không làm gì được mình, đó mới thật sự thành tựu tâm Bồ-đề.
Như vậy chiến đấu là chiến đấu với ai? Chiến đấu với chính mình, chứ có chiến đấu với ai đâu. Ngon hơn nữa là lên bồ đoàn nghiêm chỉnh, nếu thắp được ngọn đèn sáng thì biết sáng suốt với ngọn đèn đó. Những vọng tưởng, suy nghĩ sai quấy này nọ là sự tăm tối phủ vây mình. Đó là những bức tường, những hàng rào kẽm gai, những rắc rối mình phải hạ nó triệt để, lấy lại quyền làm chủ. Cũng có lúc bệnh hoạn, đau nhức nhưng chúng ta ngồi thiền vẫn thấy bình thường vui vẻ, đó là dấu hiệu của sự tinh tấn đạt được kết quả tốt đẹp. Người tu thiền phải nhớ, những lúc vui quá, phấn khởi quá cười rộ lên một cái thì sẽ không nhập thiền mà là nhập ma giới. Hoặc khi nhớ chuyện gì tủi thân, nấc nghẹn lên khóc thì ma rước mình vô nhà của nó rồi. Nhớ chiến đấu kiên cường bằng con mắt sáng, bằng trí tuệ của mình, dũng mãnh kiên quyết không sợ khổ, không sợ khó, không sợ ma quái gì hết, đàng hoàng chân chánh là một thiền sinh đang tu học theo lời Phật dạy.
Ai có hỏi mình làm gì, trả lời tôi là một người tu, đang cố gắng phấn đấu dẹp sạch hết tất cả nghiệp tập phiền não, để không bị lửa ba cõi đốt, để được tự tại giải thoát. Mong chư huynh đệ chúng ta cố gắng giữ vững lập trường như vậy.
Thích Nhật Quang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét