Thứ Hai, 25 tháng 2, 2013

Tâm thư cuối cùng của Trưởng lão Thích Thông Lạc

Khi một người tu sĩ hay cư sĩ theo đạo Phật mà sống trọn vẹn trong Giới Luật và An Trú Tâm không phóng dật thì người đó đã thành Chánh Giác. Đây chính là Tuệ.
Ngày 01 tháng 12 năm 2012
Kính gửi các con!
Hôm nay Thầy có vài lời nhắc nhở đến các con! Trước tiên Thầy xin nhắc lại 3 điều kiện hết sức quan trọng trong cuộc đời tu hành của người tu theo Phật hay đến với Tu Viện Chơn Như.
Điều thứ nhất: Khi đến với đạo Phật thì các con đã hiểu “Đạo Phật là Đạo Giải Thoát”. Vậy giải thoát như thế nào? Đây các con hãy lắng nghe lời Phật dạy: “Cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà sa, sống không gia đình, ba y một bát. Đời sống trắng bạch như vỏ ốc, tâm hồn phóng khoáng như hư không…”. Cho nên khi đến với Tu Viện Chơn Như thì các con phải sống đúng 3 hạnh: “Ăn, Ngủ, Độc Cư”, 3 đức: “Nhẫn Nhục, Tùy Thuận, Bằng Lòng”. Đời sống “Thiểu Dục Tri Túc” (ít muốn biết đủ). Chấp nhận đời sống Giới Hạnh, quyết tâm bằng mọi cách “không để vi phạm một lỗi nhỏ nhặt nào”. Đây chính là Giới.
Điều thứ hai: Con đường tu tập giải thoát của đạo Phật không cần phải tu tập nhiều pháp. Đây các con hãy lắng nghe lời Phật dạy:
“Bí quyết thành tựu của Đạo Phật chỉ có hai điều kiện quan trọng nhất:
1- Giữ tâm không phóng dật.
2- Thích sống nhàn tịch, độc cư, trầm lặng một mình”.
Để thực hiện được hai điều kiện này, Thầy đã chỉ dạy cho các con cách thức tu tập các pháp hành: “Phòng Hộ Sáu Căn, Như Lý Tác Ý, Tứ Chánh Cần, Tứ Niệm Xứ, Thân Hành Niệm”, từ Nhiếp Tâm cho đến An Trú Tâm. Đó là những phương tiện tu tập, phải thiện xảo khéo léo áp dụng đúng thời, đúng lúc thì mới giúp các con sống an ổn một mình, không còn chướng ngại. Đây chính là Định.
Điều thứ ba: Đạo Phật là Đạo Trí Tuệ, là sự hiểu biết của ý thức hay còn gọi là Tri Kiến Giải Thoát. Đức Phật dạy: “Những ai có Giới Hạnh. An trú không phóng dật. Chánh Trí, Chơn Giải Thoát”. Khi một người tu sĩ hay cư sĩ theo đạo Phật mà sống trọn vẹn trong Giới Luật và An Trú Tâm không phóng dật thì người đó đã thành Chánh Giác. Đây chính là Tuệ.
Và đức Phật đã khẳng định rằng: “Giới Hạnh là Trí Tuệ, Trí Tuệ là Giới Hạnh”.
Cho nên con đường chứng đạo không ngoài “Giới - Định - Tuệ”. Giới giúp tâm buông xả ly dục ly ác pháp. Định giúp tâm an lạc sáng suốt. Trí hiểu biết rộng lớn không bị bất kỳ một pháp nào chi phối hay còn gọi là Tuệ Giải Thoát.
Đường đi quá rõ ràng, Thầy đã vạch sẵn cho các con thấy tu hành không phải khó. Khó là chỗ các con không bền chí, không gan dạ, thiếu nghị lực, không chịu buông bỏ tâm đời thường thế gian. Vì vậy mà trải qua bao năm tháng tu tập, các con cứ dậm chân tại chỗ và phạm phải những nội quy của Tu Viện:
1. “Ly gia cắt ái” lìa bỏ gia đình, không còn luyến ái. Vậy mà các con có giữ được đâu! Cứ tu được năm ba bữa, một vài tháng thì xin về thăm nhà hay xin điện thoại thăm gia đình, đã vậy có người dù đã nộp điện thoại nhưng vẫn còn lén lút sử dụng điện thoại riêng (thiếu đức thành thật).
Khi có người thân, họ hàng, con cháu, bạn bè đến thăm thì mau mau ra gặp. Các con không dám mạnh mẽ dứt khoát từ chối. Phạm giới phá hạnh độc cư!
2. “Cạo bỏ râu tóc”, khi các con thấy râu tóc dài ra là cạo được rồi, đâu cần phải chờ đúng 14, 15 hoặc 28, 29, 30. Đợi cho đúng ngày thì phải xem lịch, không có lịch thì phải hỏi người này, hỏi người kia để biết mà cạo tóc… Thậm chí phá độc cư bằng cách ném thư qua cửa sổ, ra dấu ra hiệu đủ mọi cách làm mất oai nghi chánh hạnh.
Riêng người cư sĩ thì chỉ cần giữ gìn đầu tóc cho gọn gàng, có đâu tóc kẹp kiểu này kiểu kia, cột dài cột ngắn như trẻ con hoặc là xõa tóc làm đẹp. Phạm giới trang điểm làm đẹp!
3. “Ba y, một bát” là một y hạ, y trung, y thượng và một bình bát để xin ăn. Thời xưa đức Phật còn phải lượm vải thây ma để mặc, bậy giờ Thầy cho các con mặc đồng phục mỗi người được 2 bộ (người nữ được 3 bộ) và một áo tràng là đủ để mặc hàng ngày. Thế mà có người chê đồ cũ, đồ mới, có người lại sửa sang kết, đính kèm nút không giống ai, lại để dành hai ba bộ, còn áo tràng thì hai ba cái. Phạm vào giới cất giữ!
Cái bát là để đi xin ăn, người tu sĩ ăn trong bát, uống trong bát. Thế mà các con có người chê khen bát này lớn, bát kia nhỏ, bát này nặng, bát kia nhẹ. Thậm chí có người đi khất thực chỉ mang cái nắp bát, rồi ăn luôn trên cái nắp bát hoặc ăn luôn trong mâm. Người thì lấy thêm chén nhỏ để sớt cơm ra ăn riêng chứ không ăn trong bát. Đức Phật ví cái y như đôi cánh, cái bát như cái mỏ con chim. Vậy là “con chim không cần cái mỏ”. Các con quá xem thường giới hạnh!
4. Trước kia Thầy có dạy các con nuôi dưỡng tâm từ bằng cách là đến giờ thọ thực, khi thấy có chúng sinh trước mắt các con, chúng đang đói khát tìm thức ăn sinh sống thì khi ấy chúng ta mới hy sinh và chia sẻ thực phẩm do mình vừa xin về, để sớt một ít mang cho chúng trước khi mình dùng. Đàng này các con hiểu sai lời Thầy dạy, lấy của đàn na cho dư thừa rồi đi tìm chúng sanh mà bố thí. Có người cất giữ thực phẩm cho đến chiều rồi mang đi nơi khác chờ cho chó, mèo, chim, sóc… đến ăn. Nếu chúng không đến thì coi như thực phẩm ngày hôm ấy bị bỏ phí, thiu mốc. Các con là những người tu hành, tu thì không xong, cũng không làm gì ra tiền, cho nên các con không biết quý trọng công sức cúng dường bằng mồ hôi công sức của những người khác. Họ cúng dường là chỉ mong hưởng được công đức tu hành của các con. Các con có nghĩ đến điều này không? Các con có xứng đáng hay chưa? Thật là thiếu trí tuệ và phí phạm!
5. “Thiểu dục tri túc” - ít muốn biết đủ, các con thì sao? Nhìn hết trong Tu Viện, Thầy thấy rất ít người sống được hạnh này. Người nào cũng muốn dư, không muốn đủ. Thậm chí sử dụng 2, 3 đôi dép, đi dép trong dép ngoài. Vớ thì 2, 3 đôi, bàn chân suốt ngày không lìa đôi vớ. Nón thì kiểu này kiểu nọ. Ở trong thất thì đeo khẩu trang mang kính mát. Khăn lớn, khăn nhỏ phơi đầy sào. Đi đâu gặp cái gì cũng lượm mang về thất từ một cục gạch, đoạn dây, khúc nhựa, cái lọ, keo hũ, bọc giấy, bao bì, v.v… Lại còn sinh niệm chế ra cây phất trần phẩy qua phất lại như mấy ông Tiên. Ngồi thì kê chân, kê mông, lót nệm, lót gối để cho êm ái. Trong và ngoài thất các con ở nào là giàn, là kệ, dây, sào, v.v… tất cả bày biện treo móc, giăng mắc… coi chẳng ra gì, y như một cái quầy hàng xén. Cuộc đời tu hành mỗi ngày người ta buông xả xuống, còn các con mỗi ngày mỗi ôm vô thì làm sao cuộc sống của các con “trắng bạch như vỏ ốc”, tâm hồn các con “phóng khoáng như hư không”. Thật là hổ thẹn!
6. Khuya dậy thì không đúng giờ (trễ 5-10 phút). Mùng, mền không xếp gấp gọn gàng. Thức thì không tỉnh táo, ưa thích ngồi cho an, mắt nhắm lim dim ngồi gục tới gục lui. Lại còn chế pháp đưa tay lên xuống qua lại như người đang múa, không oai nghi chút nào. Đi kinh hành thì lười biếng sợ mỏi chân, sợ lạnh. Thích nuôi dưỡng cái thân. Thật là quá tệ!
7. Tu hành thì phải tự mình tư duy triển khai trí tuệ để vượt lên những chướng ngại. Mỗi lần như vậy trí lực của các con càng mạnh mẽ, vững chãi hơn, nhanh nhẹn sáng suốt hơn. Cớ sao các con lại để tâm trí mình thụ động, liệt tuệ chỉ còn biết vay mượn tạm bợ tri kiến của người khác. Thầy cho người đến nhắc nhở hướng dẫn giúp các con tháo bỏ những vấn đề dính mắc mà xả tâm, để rồi tiếp tục an trú tu tập. Trái lại các con thích hội họp, thích nói chuyện cho vui và hỏi những chuyện đâu đâu không lợi ích, hỏi ngoài tầm hiểu biết của con người (hỏi về cõi chết). Đây cũng là cách thức phá độc cư dù có tu ngàn đời mãi mãi các con cũng không thấy đạo. Thật là vô bổ!
Tất cả những điều Thầy đã nêu trên, các con hãy tự kiểm điểm lại mình, phải lượng sức mình cho kỹ! Vào Tu Viện Chơn Như mà không chịu xả bỏ dục lạc thế gian thì tu tập có ích lợi gì hỡi các con! Nếu không đủ khả năng, Thầy khuyên các con hãy trở về với gia đình, sống lợi ích cho con cho cháu. Chứ ở Tu Viện mà phạm giới, phá giới thì Thầy không thể giúp gì được cho các con, ngược lại các con phải mang nợ đàn na tín thí trả biết bao giờ cho hết.
Thầy đề nghị Ban quản lý thường xuyên kiểm tra xem xét từng khu vực. Tu sinh nào vi phạm Thanh Qui của Tu Viện lần thứ nhất được nhắc nhở, lần thứ hai còn tái phạm thì chuyển ngay ra khu Tiếp Nhận để quí Sư hướng dẫn thêm. Nếu vẫn vi phạm không sửa, tốt hơn chúng ta mời họ ra về. Đây là chúng ta thương họ chứ không phải thiếu tình người đâu các con ạ!
Sau cùng, Thầy có lời khuyên tất cả các tu sinh đang có mặt tại Tu Viện Chơn Như: “Nếu các con không tu thì thôi, còn quyết tâm tu hành thì phải có ý chí nghị lực vứt bỏ những thứ tầm thường của thế gian, sống đúng trọn vẹn trong giới hạnh, nhất định không vi phạm một lỗi nào. Hãy cố gắng vươn lên làm Thánh các con ạ! Để trở thành những đệ tử ưu tú của Thầy, xứng đáng là những Tu sĩ, Cư sĩ của Phật giáo”.
Kính thư.
Thầy của các con.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét