Thứ Sáu, 22 tháng 2, 2013

Đức Phật Thích Ca không dạy những điều gì?

Cúng dường.
Chúng ta là Phật tử, là con của đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Pháp của Ngài dạy mang lại lợi ích cho chúng ta trong cuộc sống rất rõ ràng và thực tế qua những hành động sống đạo đức để mang lại niềm vui và hạnh phúc cho chính mình, mọi người và muôn loài vạn vật khác.
Hôm nay tôi mạo muội viết lên bức thư này để chia sẻ những hiểu biết của mình nhận thấy sự khác nhau giữa Phật pháp ngày nay với những lời dạy của đức Phật Thích Ca Mâu Ni:
Khi đức Phật chứng đạo, bài giảng đầu tiên là bài Tứ Diệu Đế, Tứ Diệu Đế là bốn chân lý của loài người. Do vậy khi nói đến đạo Phật thì ai ai cũng biết đến bốn chân lý này, và chỉ đạo Phật mới có. Thuyết Vô Khổ Tập Diệt Đạo là không phải của đạo Phật.
Chân lý thứ hai nói rõ dục hay lòng ham muốn là nguyên nhân của cái khổ. Do vậy những lời dạy của đức Phật Thích Ca chỉ nhắm vào mục đích này chỉ rõ cho chúng ta cách diệt dục và ác pháp để đem niềm vui và hạnh phúc cho mình, mọi người và muôn loài vạn vật. Đó là những hành động sống đạo đức nhân bản nhân quả căn bản thể hiện qua ngủ giới: đức hiếu sinh, đức ly tham, đức chung thủy, đức thành thật và đức minh mẫn, Thập thiện, 10 giới thánh đức Sadi, v.v…
Đức Phật dạy tất cả các pháp đều do duyên mà ra, đủ duyên thì hợp, hết duyên thì tan. Do vậy mới có câu: “vạn pháp là vô thường”, vạn pháp luôn thay đổi, trùng trùng duyên sinh, trùng trùng duyên diệt. Từ câu này chúng ta hiểu sâu thêm nghĩa là vạn pháp trong vũ trụ này hữu hình hay vô hình đều từ duyên mà ra, vũ trụ, trái đất, con người, thần thánh, thượng đế, Phật, Chúa, vật chất, sông, núi, ao, hồ, đất, đá…đều do đủ duyên thì có, hết duyên thì tan. Không có gì trường tồn mãi. Thế giới này cũng vậy đều là do duyên mà ra, chứ không có thật. Thế giới siêu hình cũng vậy, đều do tưởng tri mà ra thôi chứ không có thật và không có thế giới nào trường tồn mãi mãi. Thiên đàng, địa ngục, cõi âm, thế giới sau khi chết, Niết bàn, Thế giới Tây Phương Cực Lạc đều là thế giới của tưởng tri, không có thật.
Đức Phật dạy về nhân quả. Mỗi người phải chịu trách nhiệm với hành động thiện ác của mình. Chính đức Phật cũng không thể cứu chúng ta được. Nếu cứu được thì đức Phật đã cứu rồi, nếu cứu được thì trái với quy luật nhân quả, nếu cứu được thì đạo Phật sẽ không có. Do vậy không thể có một vị thần thánh, bồ tát hay vị Phật nào cứu chúng ta thoát khỏi nhân quả được.
Đức Phật dạy “các con hãy tự thắp đuốc lên mà đi, ta không thể đi thay cho các con được”. Chỉ có chính chúng ta sửa đổi tâm mình từ ác thành thiện thì nhân quả sẻ thay đổi, chứ không thể cầu mong có thần thánh, bồ tát hay vị Phật nào gia hộ được. Nhân quả của ai người đó phải chịu trách nhiệm, không thể nhờ hay mong rằng một người khác hay nhiều người khác làm thay đổi nhân quả của chính mình. Do vậy không thể có trường hợp cầu an, cầu siêu, tụng kinh của một hay nhiều người làm giảm tội hay tiêu tan cho một người khác được. Do vậy, câu chuyện về Mục Liên, Thanh Đề (Mục Kiền Liên cứu mẹ trong địa ngục trở thành Vu lan báo hiếu rằm tháng 7 hằng năm) là phi nhân quả, câu chuyện này chỉ là một câu chuyện quảng cáo cho các thầy làm nghề tụng kinh, gõ mõ, cầu an và cầu siêu. Những nghề này không phải của đức Phật thích Ca Mâu Ni dạy. Những nghề này là những nghề đi trái với quy luật nhân quả, Đức Phật chỉ dạy một nghề duy nhất đó là khất thực.
Đức Phật chỉ dạy cách sống có đạo đức nhân bản nhân quả để con người biến cuộc sống hiện tại thành thiên đàng hay Niết Bàn. Con đường giáo hóa của Ngài không rời 3 chữ Giới, Định và Tuệ. Giới chính là đạo đức, đức hạnh của con người. Giới không phải là ngồi thiền, tụng kinh, gõ mõ, niệm chú, niệm hồng danh đức Phật, hay niệm vị Phật nào cả.
Đức Phật dạy: “Quá khứ không truy tìm, tương lai không ước vọng, chỉ có hiện tại” do vậy trong hiện tại chúng ta hãy sống đúng đạo đức nhân bản nhân quả, đừng mong tới tương lai có thế giới nào đó giúp chúng ta thoát khổ, đừng nghĩ rằng sẽ có một vị Phật nào đó sẽ ra đời, sẽ chấn chỉnh lại đạo Phật. Vì những chuyện tương lai là không có thật.
Đức Phật chỉ giáo hóa chúng sinh bằng giáo pháp ly dục ly ác pháp, diệt ngã xả tâm, sống có đạo đức, đức hạnh chứ không bao giờ dùng bất kỳ hình thức mê hoặc nào bằng thần thông để giáo hóa hay dụ dỗ mọi người theo đạo Phật. Bất kỳ câu chuyện hay kinh sách nào có nội dung liên quan đến thần thông đều là không phải của đức Phật, không phải do đức Phật thuyết ra.
Mục đích của đạo Phật là ly dục, ly ác pháp, buông xả mọi vật chất thì không thể nào có thế giới nào của Phật còn có vàng bạc, châu báu, ngọc ngà, trân châu hay kim cương quý báo. Nếu có câu chuyện hay kinh sách nào miêu tả thế giới của Phật có vàng bạc, châu báo, ngọc ngà, trân châu quý báo thì những bài kinh, sách hay câu chuyện đó không phải của đức Phật thuyết.
Đức Phật không công nhận có thế giới siêu hình, cõi âm, hay thế giới sau khi chết, do vậy những vấn đề liên quan đến mê tín, cầu an, cầu siêu, cầu cho vong linh siêu thoát không phải là những lời dạy của đức Phật.
Các cõi trời, địa ngục, sáu nẻo luân hồi trong kinh Phật thuyết là thế giới của tưởng tri chứ không phải có thật. Cõi trời, địa ngục, thiên đàng là tại thế gian này.
Đức Phật dạy không có gì trường tồn mãi mãi, không có gì là ta, là của ta hay bản ngã của ta. Vậy là linh hồn, phật tánh, tánh thấy, tánh nghe, tánh biết không phải của ta và không có thật. Đức Phật đã từng nói: “Nếu còn một chút xíu “Thức” như đất trong móng tay Ta, thì đạo Ta không ra đời vì loài người không giải thoát khổ được”. Ý Phật nói là không có gì của ta, không có gì là ta, không có gì là bản ngã của ta, tất cả đều vô thường, không có gì trường tồn mãi mãi được. Khi chết thân ngũ uẩn tan rã không còn một chút xíu thức (thần thức, tâm thức, phật tánh, linh hồn, tánh biết, tánh thấy, tánh nghe...) hay bất kỳ cái gì cả.
Trong 10 giới Thánh đức Sadi, Đức Phật khuyên không nên nghe ca hát và tự ca hát. Do vậy ca hát hay nghe ca hát không thể làm cho con người hết khổ được, không giải quyết được chân lý thứ nhất là khổ đế trong Tứ Diệu Đế. Càng ngày Phật giáo đã bị lai căng với các tôn giáo khác.
Giới thứ nhất của đức Phật dạy là không nên sát sinh và ăn thịt chúng sinh. Nếu sát sinh và ăn thịt chúng sinh thì không thể trau dồi Tứ Vô Lượng Tâm được. Thiếu Tâm Từ Bi thì tâm Sân giận không thể diệt trừ được. Thiếu Từ Bi thì cuộc đời này không khác gì địa ngục. Vừa ăn thịt chúng sinh vừa trau dồi Tứ Vô Lượng Tâm là trái với lời dạy của đức Phật.
Con đường tu học theo Phật giáo là Giới, Định, Tuệ. Không thể đi tắt được. Không thể bỏ qua Giới Luật. Giới luật là đạo đức đức hạnh của con người. Khi giới luật đầy đủ thì tâm mới thanh tịnh, trạng thái thanh tịnh này là tự nhiên, chính là Định do Giới sinh ra. Định này không phải do ngồi thiền, tụng kinh hay niệm chú, mà từ đời sống giới luật đạo đức ly dục ly ác pháp, diệt ngã xã tâm, sống không làm khổ mình, khổ người và khổ muôn loài vạn vật. 
Đức Phật trước khi nhập diệt có dạy: “Sau khi ta nhập diệt các con hãy lấy Giới luật làm thầy, làm chỗ nương tựa; Giới luật còn là đạo Phật còn, Giới luật mất là đạo Phật mất” Do vậy Giới luật rất quan trọng đối với người tu theo đạo Phật. Ở đâu sống có giới luật ở đó là nhà Phật pháp. Giới luật quan trọng như vậy cho nên không thể bỏ qua một giới nhỏ nhặt nào, vì giới luật là đức hạnh của con người chứ không phải giới cấm. Phải luôn biết sợ hãi trong các lỗi nhỏ nhặt, không thể xem thường được. Ví dụ: Trong 10 giới Sadi có giới ăn ngày một bữa, là dứt khoát ăn một ngày một bữa, không thể ăn 2, 3 bữa, ăn linh tinh, hay uống sữa, trái cây, trà, mật ong… ngoài bữa ăn chính được.
Đức Phật dạy trong bài Tứ Chánh Cần: “Ngăn ác diệt ác pháp, sanh thiện tăng trưởng thiện”.
Lục Tổ Huệ Năng dạy: “Chẳng niệm thiện niệm ác, bản lai diện mục hiện tiền”.
Hai lời dạy này hoàn toàn khác nhau. Đức Phật dạy niệm ác thì ngăn và diệt, còn niệm thiện thì làm cho sinh và tăng trưởng, do vậy người tu luôn làm cho sanh khởi và phát triển lòng yêu thương vô bờ bến Từ Bi Hỷ Xả của mình để đem niềm vui và hạnh phúc đến cho mình, cho người và muôn loài vạn vật. Do vẫn còn có niệm thiện cho nên sau khi tu xong đức Phật vẫn thuyết pháp hơn 40 năm.
Còn Tổ dạy không niệm thiện niệm ác, thì tu xong con người thành gì? thành cục đá? Cục đá thì có ích lợi gì cho mình, cho người, vậy tu để làm gì?
Vậy chúng ta nên nghe theo lời ai? Theo đức Phật thì gọi là đạo Phật? theo Tổ dạy thì tại sao không gọi là đạo Tổ mà gọi là đạo Phật? Vì Tổ dạy khác với lời dạy của đức Phật Thích Ca Mâu Ni, không thể trắng đen lẫn lộn được.
Nói đến Tứ Diệu Đế thì ai cũng biết đó là chân lý, chân lý là điều luôn luôn đúng trong mọi thời đại, không như triết học chỉ tồn tại trong một khoảng thời gian nào đó. Tứ Diệu Đế là chân lý cho con người, cho nên chân lý phải là những điều dễ hiểu, thiết thực, cụ thể gần gủi với con người. Nói về chân lý thứ ba là diệt đế. Diệt đế còn được gọi là Niết Bàn. Diệt ở đây là khi diệt hết các nguyên nhân của khổ như tham sân si mạn nghi, thì trạng thái tâm không tham, không sân, không si, không mạn, không nghi chính là trạng thái của tâm Niết Bàn. Do vậy Niết Bàn không phải là một thế giới siêu hình nào đó, mà chính là trạng thái của tâm không tham, không sân, không si, không mạn, không nghi, đó là tâm bất động thanh thản an lạc và vô sự. Thế giới Niết Bàn là thế giới tưởng, không thực tế, trừu tượng, ảo tưởng. Do vậy thế giới niết bàn không phải là chân lý. Đã là chân lý thì nói ra mọi người phải hiểu ngay, chứ không thể tưởng tượng được.
Các bạn hiểu lời nói của đức Phật là như thế nào? Ý của Phật nói gì? Dặn dò gì?
“Nếu lời của ta nói ra phải dùng tưởng để hiểu thì có sự nói láo trong ta” hoặc “Ta nói những điều mà chúng sinh chưa hiểu được, như vậy là ta nói láo. Còn chúng sinh hiểu được thì ta nói và như vậy, là ta không có nói láo”.
Những lời dạy của đức phật rất gần gũi và thiết thực đối với cuộc sống hằng ngày của con người. Còn những gì ngoài sự hiểu biết của con người thì đức Phật không có nói vì nói thì con người phải tưởng tượng ra, mỗi người hiểu một kiểu. Ví dụ thế giới siêu hình, thế giới niết bàn, địa ngục, thế giới sau khi chết, thế giới tây phương cực lạc, thế giới của chư Phật, linh hồn, Phật tánh, tánh thấy, tánh nghe, tánh biết, Ngọc Hoàng, Thượng Đế…Những thế giới này nếu đức Phật có nói thì sẽ trái với câu nói ở trên “Nếu lời của ta nói ra phải dùng tưởng để hiểu thì có sự nói láo trong ta”. Do vậy, những thế giới siêu hình, thế giới niết bàn, địa ngục, thế giới sau khi chết, thế giới Tây phương cực lạc, linh hồn, Phật tánh, tánh thấy, tánh nghe, tánh biết…không phải của đạo Phật.
Đạo Phật chỉ có một con đường duy nhất đưa đến giải thoát?
Đó là Bát chánh đạo. Bát chánh đạo là chân lý thứ tư trong Tứ Diệu Đế. Đã là chân lý thì nó luôn luôn đúng trong mọi thời đại và là con đường duy nhất giải quyết chân lý thứ nhất là khổ và đưa đến chân lý thứ ba là trạng thái niết bàn. Bài Tứ Diệu Đế là bằng chứng thiết thực nhất chỉ rõ con đường giải thoát của đạo Phật, ngoài con đường này ra không còn con đường nào khác. Bát chánh đạo là một chương trình giáo dục gồm 8 lớp học của đạo Phật, chứ không phải chỉ đơn giản là những định nghĩa giải thích ý nghĩa của những danh từ chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định.
Người nào thông suốt tám lớp này chắc chắn sẽ giải thoát trong một kiếp này. Ngoài chân lý thứ ba này không còn con đường nào khác.
84 vạn pháp môn chỉ là cách nói che dấu sự tu hành không ly dục ly ác pháp của những người tu hành mà tâm vẫn còn chạy theo vật chất thế gian có đời sống như vua chúa, ăn trên đồng tiền và bốc lột sức lao động của Phật tử để làm nô lệ, người ở cho mình bằng những hình thức tạo phước, tạo công đức. Đức Phật đã từ bỏ hết tài sản, địa vị để tìm đường giải thoát, đó chính là gương hạnh sống của người tu theo đạo Phật, vậy mà người tu hành ngày nay không biết buông xả mà còn tạo ra đủ nghề kiếm tiền: tụng kinh niệm phật, cầu an cầu siêu, xây tháp để hài cốt, bán đất trong chùa để chôn người chết, xây chùa to phật lớn, đi du lịch hết nước này nước khác,…Gương hạnh của đức Phật còn đó mà họ sống hoàn toàn trái ngược. Vậy tại sao người đời không gọi thời này là thời mạt pháp. Mạt Pháp vì đạo Phật bây giờ có 84 vạn pháp môn tu tập, mạt pháp vì đạo Phật tồn tại những vị tu hành sống phá giới bẻ vụn giới, xem thường giới luật,…
Tại sao người ta gọi thời nay là thời mạt pháp? Trước khi nhập diệt, đức Phật đã để lại cho chúng ta lời di chúc cuối cùng: “Các con hãy lấy giới luật của ta làm thầy, giới luật còn là đạo Phật còn, giới luật mất là đạo Phật mất” Giới Luật là tiêu chuẩn, là thước đo để xác định Phật giáo ở trong thời nào? Chánh Pháp hay Mạt Pháp?
Có phải người không tu giới luật là người không có trí tuệ?
Đức Phật dạy: “Trí tuệ được giới hạnh làm cho thanh tịnh, giới hạnh được trí tuệ làm cho thanh tịnh. Chỗ nào có giới hạnh, chỗ ấy có trí tuệ; chỗ nào có trí tuệ, chỗ ấy có giới hạnh. Người có giới hạnh nhất định có trí tuệ; người có trí tuệ nhất định có giới hạnh. Giới hạnh và trí tuệ được xem là tối thắng ở trên đời.” (kinh Sonadanda trong Trường Bộ Kinh)
Đọc bài kinh Sonadanda này xong chúng ta thấy trong năm đức tánh của một vị Bà La Môn, đức Phật chỉ chú trọng đức tánh thứ 4 và 5: Giới hạnh và trí tuệ.
Qua năm đức tánh này chúng ta thấy kinh Phật đã bị giáo lý Bà La Môn pha trộn vào làm lệch lạc đi lời dạy của đức Phật. Nhưng may sao vẫn còn bài kinh này chứng minh cho chúng ta thấy Phật Giáo chỉ chú trọng vào Giới luật và Trí tuệ. Hơn nữa trong bài này đức Phật không coi trọng tụng kinh, trì chú, xem tướng hay có tướng tốt: "Dù cho có thiện sanh cả từ mẫu hệ và phụ hệ 7 đời, có phúng tụng, trì chú giỏi, có tướng tốt nhưng sống giết hại các loại hữu tình, lấy của không cho, đi tư thông với vợ người, nói láo, uống rượu, như vậy này các Hiền giả, nay dung sắc làm được cái gì, thọ sanh làm được cái gì, phúng tụng trì chú làm được cái gì?".
Giới luật trong đạo Phật là giới hạnh, là đạo đức, là đức hạnh làm người (ngũ giới, thập thiện), làm thánh (10 giới sa di,…). Ở đâu có giới hạnh ở đó có trí tuệ, trí tuệ giúp cho con người sống không làm khổ mình, khổ người và khổ muôn loài vạn vật khác; nghĩa là sống biết đem niềm vui và hạnh phúc đến cho mình, cho người và muôn loài vạn vật khác.
Giới luât không phải là pháp luật hay là giới cấm. Danh từ "CẤM" đức Phật không bao giờ dùng. Các bạn thử nghĩ xem đức Phật là môt người đầy Từ Bi thì đức Phật sẽ nói như thế nào. Ngài sẽ khuyên “KHÔNG NÊN” (không nên sát sinh, không nên lấy của không cho, không nên tà dâm, không nên nói dối, không nên uống rượu). Ai nghe thì được lợi ích, được giải thoát, ai không nghe theo, đức Phật cũng không buồn, không giận, không phạt, vì đức Phật luôn tôn trọng quyền quyết định của mọi người. Bạn nào đã từng trau dồi Tứ Vô Lượng Tâm thì sẽ biết, khi nói ra một lời nào thì luôn nói lời nói ôn tồn nhã nhặn dịu dàng đầy lòng thương yêu. Do vậy các bạn thử nghĩ có đúng như vậy không?
Do vậy GIỚI LUẬT rất quan trọng đối với người tu theo đạo Phật, sống có GIỚI LUẬT thì tâm sẽ ly dục ly ác pháp, tâm sẽ tự nhiên thanh tịnh, chính sự thanh tịnh đó là ĐỊNH, ĐỊNH này do GIỚI sanh. Có ĐỊNH thì sẽ có TUỆ. Tuệ của đạo Phật là để sống không làm khổ mình, khổ người và khổ muôn loài vạn vật, đó là trí tuệ thiết thực, thực tế và có lợi ích cho con người. Đó là trí tuệ mang niềm vui và hạnh phúc đến cho mình, cho người và muôn loài vạn vật khác.
Chỉ người có trí tuệ mới thấy rõ lợi ích của giới hạnh, giới hạnh giúp ích cho cuộc sống của con người không còn khổ đau, giới luật sẽ giúp cho con người làm chủ sanh, lão, bệnh, tử. Do vậy giới luật rất quan trọng và không thể thiếu được, KHÔNG CÓ GIỚI LUÂT THÌ KHÔNG BAO GIỜ CÓ TRÍ TUỆ, cuộc sống của người đó luôn làm khổ mình, khổ người và khổ muôn loài vạn vật. Người sống không làm khổ mình, khổ người, và khổ muôn loài vạn vật khác đó là người có trí tuệ.
Người ta hiểu trí tuệ của đạo Phật là có thần thông, biết chuyện quá khứ tương lai, có tam minh lục thông. Những thứ đó là trí tuệ của Thánh nhân, của bậc vô lậu. Trí tuệ đó không có ích cho con người, cho nên đức Phật không bao giờ dùng thần thông để giáo hóa, chúng chỉ là những trò ảo thuật. Còn đối với con người, chúng ta chỉ cần có trí tuệ giải thoát, để sống không làm khổ mình khổ người và khổ chúng sinh. Đó là những thứ con người cần để thoát khổ, đó là những điều đức Phật suốt hơn 40 năm thuyết pháp, chứ đức Phật không dùng thần thông để mà dụ dỗ người khác theo. Ai muốn đến với đạo Phật để có thần thông thì là sai lầm, muốn học thần thông thì qua Tây Tạng hay tới Mật Tông, còn đạo Phật chỉ dạy GIỚI HẠNH ĐẠO ĐỨC để con người sống biết đem niềm vui và hạnh phúc đến cho mình, cho người và muôn loài vạn vật khác.
Ai hiểu bài kinh này và sống giữ gìn giới luật là người đó đã có trí tuệ, chứ có cần tu hành pháp môn nào nữa đâu. Tu là sửa sai, là bỏ dục và ác pháp. Đạo Phật là đạo giải thoát, giải thoát ngay liền. Do vậy đức Phật thường hay nói: “Đạo ta không có thời gian, đến để mà thấy”. Đến với đạo Phật, sống giữ gìn giới luật đức hạnh là có sự giải thoát ngay liền. Đó là con đường chân chánh, lợi ích và thiết thực nhất của đạo Phật.
Định không phải là đối tượng để tu tập? Không phải là pháp môn để tu tập? Tại sao?
Do tu tập và giữ gìn Giới luật nghiêm chỉnh cho nên tâm thanh tịnh, tâm thanh tịnh tự nhiên là Định, Định do Giới sanh, Định là hệ quả của Giới Luật mà ra. Do vậy tu là tu Giới Luật, chứ không phải tu Định. Ai hiểu lầm lấy Định làm đối tượng tu tập, làm pháp môn tu tập thì sẽ rơi vào ức chế tâm. Niệm Phật để nhất tâm bất loạn, ngồi thiền tập trung vào bất kỳ đối tượng nào, ngồi thiền lim dim để vào định, biết vọng liền buông, xả niệm xả ác, niệm chú, v.v… là những cách thức tu lấy định làm đối tượng. Khi ức chế ý thức thì tưởng thức làm việc, người tu sẽ rơi vào tưởng định, phát sinh ra 18 loại tưởng.
Bỏ qua Giới Luật là pháp tu đó không phải của đức Phật dạy. Đức Phật đã để lại lời di chúc: “Giới Luật còn là đạo Phật còn, giới luật mất là đạo Phật mất” Con người vì tham lam muốn có trí tuệ cho nên cứ nhắm vào định mà tu. Có Định hay Tuệ mà không có Giới Hạnh thì Định và Tuệ đó có ích gì? Định và Tuệ đó là tà Định, tà Tuệ.
Có người nghĩ rằng khi có Tuệ tất sẽ biết sống giữ gìn Giới Luật. Ai cũng muốn hơn Phật. Đức Phật đã chỉ dạy con đường tu học theo đạo Phật phải đi vào từ cửa Giới, vậy mà lại chế Định, Tuệ, Giới theo tưởng giải của mình. 
Có ai bao giờ đặt câu hỏi trước khi đức Phật thành đạo, Ngài có tụng kinh, niệm Phật, cầu an cầu siêu hay không? Và ai cũng biết câu trả lời là không. Do vậy pháp tu tụng kinh Niệm Phật là của ngoại đạo lồng vào Phật Giáo để làm lệch lạc đi những lời dạy của đức Phật Thích Ca Mâu Ni. v.v…
Tóm lại bất kỳ ai khi nghiên cứu đạo Phật, tin vào những gì không thức tế, sống trong tưởng, tin vào thế giới siêu hình, thế giới sau khi chết, cõi âm, Thiên Đàng, Địa Ngục, thế giới Niết bàn, thần thánh, Bồ Tát, Ngọc Hoàng Thượng Đế, Ma Quỷ, Vong Linh, linh hồn, Phật tánh, tụng kinh niệm Phật, cầu an cầu siêu, tin vào số phận, mê tín, tin có thần thánh ban phước và xử phạt thì mãi mãi sẽ không bao giờ tu thoát khỏi luân hồi dù là trăm ngàn kiếp, vì những niềm tin này trái với Nhân Quả và không tự lực. Những người đó luôn sống trong tà kiến, ngồi thiền sẽ nhập tà định và phát sinh tưởng tuệ, tưởng mình là thông suốt giáo lý của Phật. Chỉ ai tin vào con đường Giới, Định, Tuệ, sống biết giữ gìn giới hạnh, luôn ly dục ly ác pháp, sống có Chánh Kiến thì trong một đời này sẽ thấy rõ sự giải thoát ngay liền của đạo Phật. 
Ánh Sáng của Đức Phật đã chiếu sáng đến đất nước Việt Nam, con đường Giới Định Tuệ đã được khơi dậy lại. Tại Việt Nam đã có người tìm thấy con đường giải thoát từ Giới Định Tuệ, lập lại trật tự cho Phật giáo Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung. Ngoài con đường này không thể có con đường khác mang đến giải thoát chân chánh được. 
Hòa thượng Thích Thông Lạc

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét