Thứ Hai, 20 tháng 1, 2014

Linh hồn chỉ là ảo tưởng (2)

Cũng vậy, cái ý thức mà ta lầm tưởng là linh hồn để nhận biết, phân biệt được: đây là nhà của ta, đây là vợ chồng ta, đây là con cháu ta, đây là tiền bạc, tài sản của ta… ấy cũng diệt vong khi xác thân tịch diệt.
Vì sao Phật thuyết con người không có linh hồn?

Thái tử Tất Đạt Đa (1887-1807 trTL - Nepal) - là Đức Phật Thích Ca sau này - sau 6 năm tu khổ hạnh và 49 ngày đêm thiền định dưới cội bồ đề, Ngài đã chứng được thiên nhãn thông - theo khoa học ngày nay thì đây là con mắt thứ ba, ít người có được, là biểu hiện của trí huệ thông qua thiền định. Thiên nhãn là sự thực chứ không phải là sản phẩm của tưởng tượng, suy luận hay ảo tưởng, vì thiên nhãn này có thể nhìn thấy vượt quá những gì con mắt người bình thường có thể nhìn thấy - Sau khi chứng được thiên nhãn thông, Ngài dùng con mắt thuần tịnh siêu nhiên ấy nhìn vào cái bát tộ đựng nước trước mặt, Ngài thấy trong đó có muôn ức chúng sinh (vi khuẩn), nhìn ra vũ trụ Ngài thấy các vì tinh tú (hành tinh) nhiều như cát sông Hằng. Rồi cũng bằng thiên nhãn, Ngài quán sát khắp các tầng trời, nhưng không thấy có cảnh giới nào cho linh hồn tồn tại mà chỉ có những nghiệp thức của chúng sinh đã chết, chờ đi đầu thai vào sáu nẻo luân hồi. Sáu nẻo luân hồi đó là: cõi thiên, cõi thần (Atula), người, súc sinh, ngạ quỷ và địa ngục.
Đức Phật chỉ ra bốn phương diện về tâm thức, sự ra đời, con đường đưa tới diệt vong và tái sinh của con người là: lục thức, ba đặc tánh, thân ngũ uẩn, luật nhân quả. Dựa vào bốn phương diện trên làm tiền đề, ta có thể chứng minh con người sau khi chết không hề còn tồn tại linh hồn hay cảnh giới cho linh hồn trú ngụ.
Phương diện thứ nhất
Con người sinh ra bình thường có lục căn (6 căn), lục căn này duyên (tiếp xúc) với lục trần (6 trần) sinh ra lục thức (6 thức). Trong Phật giáo lục căn - lục trần - lục thức là bộ phận trọng yếu của thuyết Duyên khởi (Thập nhị nhân duyên) nhằm giải thích thực tướng của vạn vật. 


Lục căn                             Lục trần                  Lục thức
Nhãn căn (mắt)                  Sắc trần                  Nhãn thức 
Nhĩ căn (tai)                     Thanh trần                  Nhĩ thức
Tỷ căn (mũi)                   Hương trần                    Tỷ thức 
Thiệt căn (lưỡi)                  Vị trần                    Thiệt thức 
Thân căn (da)                     Xúc trần                   Thân thức 
Ý căn (não)                       Pháp trần                   Ý thức


-Nhãn căn là mắt. Mắt là cơ quan tiếp nhận thông tin của đối tượng qua trung gian là ánh sáng, khi duyên với sắc trần là màu sắc như: Xanh, đỏ, tím, vàng… thì sinh ra nhãn thức, vì màu sắc là cảm nhận khách quan của ý thức. Ví dụ: khi ta nhìn thấy màu đỏ của hoa phượng, cái sắc đỏ của hoa phượng ấy lưu lại trong ký ức của ta. Do vậy, chỉ cần nhắc tới hoa phượng, là chúng ta nghĩ ngay tới sắc đỏ…
-Nhĩ căn là tai, tai ta nghe được những âm thanh, tiếng động trong không gian: róc rách, vi vút, thình thịch, rền rĩ, chát chúa… Tai nghe được vì âm thanh hay tiếng động có bản chất là sóng truyền qua không khí, khi duyên với màng nhĩ nó tạo ra sóng dao động, sóng âm của dao động này trở thành tín hiệu truyền lên thần kinh não và thần kinh não báo hiệu cho ta nhận biết được âm thanh, tiếng động của ngoại cảnh. 
-Tỷ căn là mũi, vì tế bào khứu giác tiếp xúc với hương trần là các phân tử của vật chất khuếch tán trong không gian, cho nên mũi ngửi được các mùi: thơm, thối, khét, khê, nồng… Ấn tượng về những mùi hương này được lưu lại trong ký ức trở thành tỷ thức, ví dụ: khi nói tới quả bưởi chín là ta liên tưởng ngay tới hương thơm ngan ngát... 
-Thiệt căn là lưỡi, khi tiếp xúc với vị trần, tế bào trên lưỡi nhận biết, phân biệt được các vị: chua, cay, mặn, ngọt, đắng, chát xít, béo ngậy… do tiếp xúc qua lại, theo thời gian, những vị trên được lưu lại và phản ánh thành thiệt thức, chẳng hạn khi nhìn thấy quả chanh, lưỡi ta cảm nhận ngay được vị chua…
-Thân căn là lớp da bao bọc thân thể. Nhờ những tế bào thần kinh trên da khi duyên với xúc trần mà ta biết được cảm giác thô, nhám, trơn, ngứa, nóng, lạnh, khô, ướt… của sự vật, hiện tượng, như khi tay ta sờ vào nhung lụa thì có cảm giác láng mượt êm ái, sờ vào vôi vữa, gạch đá ta có cảm giác sắc cạnh, thô ráp…, còn lớp da bao bọc trên thân cho ta cảm nhận được sự nóng, lạnh hay mát mẻ của thời tiết.
-Pháp trần là những sự vật, hiện tượng xung quanh chúng ta như: bàn ghế, núi sông, sấm chớp, gió mưa, yêu ghét, lời nói tiếng cười… Chúng là đối tượng của ý căn. Đối tượng của ý căn cực kỳ rộng lớn, bao hàm tất cả mọi lĩnh vực từ vật chất tới tinh thần của con người, từ cái vô hình cho tới cái hữu hình, từ cái sờ mó được cho tới cái không nắm bắt được. Khi ý căn duyên với pháp trần nó sinh ra ý thức.
Sự giao tiếp giữa lục căn với lục trần phát sinh lục thức, nhà Phật gọi đây là 18 cảnh giới, nhưng chúng chỉ là tâm cảnh (thuộc về tư tưởng cá nhân) và chịu chi phối của quy luật: sinh, trụ, dị, diệt (sinh ra, tồn tại, biến đổi, diệt vong) do vậy chúng là vô thường (không chắc chắn, luôn thay đổi, không trường tồn), là hư ảo tạm bợ (không có thật). 
Lục căn do đâu mà có? 
Lục căn do sắc (thân xác) con người sinh ra, chúng nương tựa vào sắc để tồn tại. 
Con người có hai phần: danh và sắc. 
Sắc do bốn đại tạo thành, đó là: địa đại, thủy đại, phong đại và hỏa đại.
-Địa đại là những thứ sờ mó, nắm bắt được như: da, thịt, xương, lông, móng… 
-Thủy đại là chất lỏng như: máu, nước, mồ hôi...
-Phong đại là gió, không khí chúng ta hít thở hằng ngày.
-Hỏa đại là nhiệt lượng, hơi ấm.
Con người từ khi sinh ra cho đến khi lìa đời phải lấy bốn đại này để hình thành và tồn tại. Chúng ta ăn cơm, rau, thịt, cá, uống nước… thức ăn vào người sẽ chuyển hóa thành da, xương, thịt, máu, nhiệt lượng và ta hít thở không khí thông qua hai lỗ mũi. Khi ta còn sống, bốn đại này cấu kết một cách bền chắc và chúng chỉ có thể tăng hay giảm chứ không được thiếu một đại nào. 
Danh là những thứ không sờ mó nắm bắt được, chúng chỉ có danh nên gọi là danh, đó là: thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn và thức uẩn. Các uẩn này chúng thuộc về tâm. Tâm này từ sắc thân mà có, tức là từ lục căn tiếp xúc với lục trần mà sinh ra. Con người sinh ra và tồn tại được là do ngũ uẩn (sắc, thọ, tưởng, hành, thức) duyên lại với nhau, còn duyên thì tụ (sống) mà hết duyên thì tán (chết).
Ở phương diện thứ nhất này, trong lục thức thì ý thức con người là chủ thể, con người có nhận biết được sự vật hiện tượng bên ngoài là do ý thức, ý thức có thể nhận thức trực tiếp, nhận thức có suy tính hay nhận thức sai lạc, chúng nhận biết, lưu giữ, cảm nhận được thức của năm căn khi tiếp súc với năm trần. Thức là vọng tâm do tâm vọng động mà sinh ra, thức là do vọng tâm mà có, do đó nhà Phật nói thức là duyên sinh như huyễn.
Từ xưa cho đến nay, vẫn tồn tại một quan niệm sai lầm cho rằng, ý thức là linh hồn chảy theo dòng tương tục, tạo thành một bản thể trường tồn bất biến của mỗi chúng sinh. Một lần, để kiểm tra tri kiến, Đức Phật hỏi đệ tử Sàti, con một người đánh cá, xem ông ta hiểu về thức như thế nào, Sàti trả lời: “Là kết quả của những hành động thiện, ác” (Sàti cho rằng thức là linh hồn bất tử luân chuyển trong sáu cõi, bắt nguồn từ quả của nhân thiện hay bất thiện), Phật liền quở trách ông ta: “Này kẻ ngu si kia, ngươi đã nghe ta giảng kiểu ấy cho ai vậy? Há ta đã không nhiều phen giải thích rằng do các duyên, thức sinh khởi, không có các duyên thì không có thức sinh khởi hay sao? Này kẻ ngu si kia, ông không chỉ xuyên tạc ta vì chấp thủ sai lạc, mà còn tự làm hại mình và tạo nhiều điều tổn đức đưa đến bất hạnh lâu dài!”. 
Rồi Ngài giảng giải chi tiết: “Thức được gọi tên tùy thuộc vào điều kiện do đấy nó phát sinh: do duyên con mắt với sắc mà thức sinh thì gọi là nhãn thức, do duyên tai với tiếng mà thức sinh thì gọi là nhĩ thức, do duyên mũi với mùi hương mà thức sinh thì gọi là tỷ thức, do duyên lưỡi với vị mà thức sinh thì gọi là thiệt thức, do duyên thân với xúc mà thức sinh thì gọi là thân thức, do duyên ý với pháp trần mà thức sinh thì gọi là ý thức”. (Theo Ái tận đại kinh)
Vậy, khi một người chết đi còn có thức nào tồn tại hay không? Liệu cái ý thức tổng hòa của các thức để nhận biết, phân biệt tỷ như: đây là nhà của ta, đây là vợ hay chồng của ta, đây là con cháu nối dõi, đây là tiền bạc, tài sản của ta… Thức mà ta gán cho cái mác là linh hồn này có tồn tại hay không? 
Câu trả lời là: không thể tồn tại! Vì theo quy luật tự nhiên các pháp thế gian sinh ra trong trùng trùng duyên khởi, trong vạn vật không có vật nào tự thân mà thành và cũng không có vật nào tồn tại được một cách độc lập, nó theo nguyên tắc: có cái này thì có cái kia, không có cái này thì không có cái kia, ví dụ: có cái bàn thì có lọ hoa đặt trên cái bàn, không có cái bàn thì chẳng có lọ hoa nào trên ấy cả… Có sinh ắt có diệt, cái này sinh thì cái kia sinh, cái này diệt thì cái kia diệt.
Do có thân xác (sắc) sinh ra thì lục căn sinh ra, lục căn duyên với lục trần sinh ra lục thức, khi thân xác diệt thì lục căn diệt, khi lục căn diệt thì lục trần diệt, khi lục trần diệt thì lục thức diệt. Vì vậy, không thể có một thức nào tỷ như nhãn thức (mắt) hay nhĩ thức (tai)… còn trôi nổi trong hư không khi con người ta thân hoại mạng chung. Cũng vậy, cái ý thức mà ta lầm tưởng là linh hồn để nhận biết, phân biệt được: đây là nhà của ta, đây là vợ chồng ta, đây là con cháu ta, đây là tiền bạc, tài sản của ta… ấy cũng diệt vong khi xác thân tịch diệt.
Phương diện thứ hai 
Con người có ba tánh, đó là: tánh biết, tánh nghe và tánh thấy.
Trước hết là tánh thấy. Nhờ mắt (nhãn căn) chúng ta thấy được đây là ngôi nhà, kia là xe cộ… chúng ta thấy được các màu sắc: xanh, đỏ, tím, vàng… chúng ta thấy được vật ở gần như bàn tay, thấy được vật ở xa tít như các hành tinh trong đêm tối khi chúng phát ra ánh sáng. Nhờ lớp da (thân căn) chúng ta cảm nhận được nóng, lạnh hay mát mẻ của bốn mùa xuân, hạ, thu, đông. Do tánh thấy này khi duyên với các pháp trần mà tâm ta sinh vui mừng, hoan hỷ hay u sầu, ủ dột.
Thứ hai là tánh nghe. Tánh nghe này của tai (nhĩ căn), chúng ta nghe được âm thanh, tiếng động ở gần hay ở không quá xa, những âm thanh tiếng động này làm cho ta thích thú hay khó chịu, như tiếng diều tiếng sáo vi vút làm ta cảm thấy vui tai còn tiếng quai búa chát chúa của lò rèn thì ta chẳng thích thú gì...
Thứ ba là tánh biết. Tánh biết này của ý thức. Vì có sáu căn, sáu trần, sáu thức mới có cái biết của sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp. Chúng có thuộc tính nhận biết mọi sự vật hiện tượng đã và đang xảy ra rồi đem lưu lại trong những ngăn thuộc ký ức. Chúng ta biết được, cảm nhận được vật này khác với vật kia (tâm so sánh), màu sắc này đẹp hơn màu sắc nọ (tâm phân biệt) hay chỉ là trạng thái tâm lý chủ quan như người nào yêu ta, người nào ghét ta (tâm chia chẻ)… Cũng từ tánh biết này kết hợp với nhận thức khách quan của tâm ý kèm theo vọng tưởng sinh ra cảm thọ, chính vì vậy mà nó làm cho ta có lúc vui sướng, hạnh phúc (lạc thọ), có lúc buồn bã, đau khổ (khổ thọ) hay cứ u u mê mê, không vui không buồn (bất khổ bất lạc thọ). Những trạng thái của tâm vọng động này cứ đeo đẳng ta như hình với bóng trong suốt cuộc đời.
Xưa Đức Phật dạy rằng: “Tánh biết, tánh nghe, tánh thấy này không phải là ta, không phải của ta và cũng không phải bản ngã của ta”, vì tánh biết, tánh nghe, tánh thấy này chỉ là do tâm vọng động, nó như mộng, như huyễn, nó là các pháp hữu vi (bất cứ cái gì cũng đều là pháp hữu vi như: đi đứng, ăn mặc, đất, nước, gió, lửa, thọ, tưởng, hành, thức…) cho nên nó là vô thường, chịu sự hoại diệt của quy luật: thường, trụ, hoại, không.
Tánh thấy, tánh nghe, tánh biết này nương tựa vào lục căn do thân xác sinh ra, cho nên khi thân xác diệt, lục căn diệt thì tánh thấy, tánh nghe, tánh biết cũng diệt theo. Do vậy, không có một người nào khi thân hoại mạng chung mà vẫn còn lại một hay cả ba tánh huyền ảo phi vật chất này duyên lại với nhau, tạo thành cái gọi là linh hồn lang thang trong cảnh giới hư vô chờ đi đầu thai cả.
Phương diện thứ ba 
Con người có ngũ uẩn gồm: sắc uẩn, thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn, thức uẩn.
Như đã nói ở trên, sắc uẩn do bốn đại là: địa đại, hỏa đại, thủy đại, phong đại tạo thành. Chúng ta đang sống là do bốn đại duyên lại với nhau một cách bền chắc, nhưng đến một thời điểm nào đó theo quy luật tự nhiên chúng phải tan rã vì bản chất thực của con người là sinh, lão, bệnh, tử (sinh ra, già lão, bệnh tật và chết). Vì thế, chúng là vô thường (sinh, diệt trong từng giây), là vô ngã (không có cái ta riêng biệt), là khổ đau (hợp, tan). Nhà Phật gọi “có tụ có tán” là vậy.
Mọi tâm trạng vui, buồn hay không vui không buồn là thọ uẩn. Vì sao chúng ta lại có tâm trạng như vậy? Vì các căn của ta duyên với pháp trần, từ đó nảy sinh cảm thọ, cảm thọ này làm tâm thức ta lãnh hội được sự đau khổ hay vui sướng. Ví dụ: ta quan hệ làm ăn hay tình cảm với bạn bè, có người mang lại cho ta niềm vui nhưng có người đem đến cho ta nỗi buồn, hay như khi trời mát mẻ làm ta khoan khoái, trời nóng bức làm ta bực bội, hoặc khi nhìn thấy cái đẹp thì tâm ưa thích, nhìn thấy cái xấu thì sinh tâm sân hận… Cảm thọ đưa đẩy con người ta đến chỗ ái ngã (yêu bản thân mình) rồi sinh lòng tham đắm các pháp trần của thế gian như: địa vị, tiền bạc, dâm dục, ăn uống...
Tưởng uẩn là sự tưởng tượng. Đầu óc chúng ta luôn luôn quay cuồng với vọng tưởng, lúc thì chúng ta nghĩ về quá khứ, lúc thì chúng ta nghĩ về tương lai, lúc khác lại vẩn vơ ở hiện tại, mọi pháp trần cứ quay cuồng liên miên trong đầu khi ta thức, tới khi nằm ngủ chúng ta lại mộng mị, sảng mê. Do đấy, Đức Phật nói chúng ta có cái “tâm như làn gió, ý như vó ngựa”, nó luôn luôn lồng lộn như ngựa bất kham, không lúc nào vắng lặng.
Những suy nghĩ, tính toán của ý dẫn đến lời nói và hành động của thân là hành uẩn. Hành uẩn sẽ dẫn ta đến những suy nghĩ, lời nói, việc làm thiện hay bất thiện, từ cái thiện hay bất thiện này sẽ cho ta nhân thiện hay nhân ác, từ đó nó tạo thành nghiệp thiện hay nghiệp ác cho mỗi cá nhân và mỗi cá nhân ấy sẽ phải thọ nhận quả vị là khổ đau hay vui sướng ngay trong thời hiện tại và trong cả tương lai. 
Thức uẩn là cái ý thức phân biệt đúng sai, to nhỏ, đẹp xấu, dài ngắn, nóng lạnh… Từ cái thức này mà đưa đẩy chúng sinh đắm đuối mọi dục lạc thế gian, từ đó phải chịu vô lượng, vô biên kiếp trôi lăn trong luân hồi sinh tử. Xưa kia, Đức Phật thường nhắc nhở các đệ tử là: “Đứng trước cảnh trần các con đừng mang tâm phân biệt chia chẻ, nếu mang tâm phân biệt chia chẻ thì ngay liền đó sát, đạo, dâm, vọng theo liền”. Ta thấy, có những án mạng chỉ vì kẻ này cho kẻ kia là “nhìn đểu” (sân tâm), khi đối cảnh thấy trai xinh, gái đẹp lòng dâm dục của chúng ta bùng phát (si tâm), hay thấy tiền bạc trong kho đụn nhà nước ta nảy sinh lòng trộm cắp (tham tâm)…
Sắc uẩn bị chi phối của quy luật sinh, lão, bệnh, tử thì thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn, thức uẩn phải chịu sự chi phối của quy luật sinh, trụ, dị, diệt hay thành, trụ, hoại, không. Cái gì có sinh tất có diệt, từ những pháp nhỏ bé như hạt bụi, cho ngay đến cả thứ to lớn như vũ trụ này. 
Thọ, tưởng, hành, thức uẩn cũng giống như sắc uẩn, chúng không phải là thường hằng bất biến, chúng cũng có lúc khởi lên rồi có lúc diệt vong. Ngay lúc này đây chúng ta có niềm vui, nhưng chỉ vui được một khoảng thời gian nhất định, những tâm trạng buồn hay không vui không buồn sẽ lại thế chỗ, rồi những suy nghĩ tính toán, những tâm phân biệt, những tâm yêu, gét, sợ hãi… cứ khởi lên rồi diệt, cứ khởi lên rồi diệt liên miên trong cuộc đời của mỗi chúng ta. 
Trong kinh A-Hàm, các Tỷ kheo hỏi Phật: “Bạch Thế Tôn! có sắc nào hằng còn không biến đổi, tồn tại mãi ở đời mà không di động chăng? Có thọ, tưởng, hành, thức uẩn nào hằng còn không biến đổi, tồn tại mãi ở đời mà không di động chăng?”.
Thế Tôn trả lời: “Này các Tỷ kheo! Không có sắc nào hằng còn tồn tại mãi ở đời mà không biến đổi, lại không có thọ, tưởng, hành, thức uẩn nào hằng còn mãi ở đời mà không biến đổi”.
“Này các Tỷ kheo! Nếu lại có thức này hằng còn mãi ở đời mà không biến đổi, thì người tu phạm hạnh chẳng thể phân biệt được thiện ác và chẳng thể dứt hết gốc khổ”.
Thọ, tưởng, hành, thức uẩn phải nương tựa vào sắc uẩn mà khởi sinh, chúng có mối tương liên kiên cố khi sắc uẩn còn tồn tại, nhưng khi sắc uẩn diệt, thân tứ đại tan rã thì thọ, tưởng, hành, thức uẩn cũng phải tan rã, diệt vong theo. Vì vậy, không thể chỉ có sắc uẩn tan rã, còn thọ, tưởng, hành, thức uẩn vẫn còn tồn tại trong cõi hư vô hay chúng biến đổi thành linh hồn của mỗi chúng sinh.
Phương diện thứ tư
Luật nhân quả của tự nhiên vốn để điều chỉnh hành vi của con người và vạn vật, nó bao trùm, chi phối mọi sự vật, hiện tượng, không có một thực thể nào thoát khỏi định luật này. Dân gian ta thường nói “Đời cha ăn mặn đời con khát nước”, “Ở hiền gặp lành”, “Gieo gió gặt bão”… là nói về luật nhân quả. 
Nếu ta cho rằng có linh hồn bất tử, thì cái linh hồn bất tử ấy nằm ngoài và không chịu sự chi phối của luật nhân quả. Vậy thì, một ông vua mãi mãi làm vua, còn kẻ ăn mày mãi mãi làm kẻ ăn mày, một kẻ có tâm ác chuyên làm việc ác chẳng cần gì hướng thiện, hướng thiện mà làm gì khi linh hồn là bất tử, không phải chịu sự chi phối, khống chế, trừng phạt của luật nhân quả! 
Liên hệ ngay trong xã hội chúng ta đang sống đây mà thiếu đi luật pháp chế tài, thì chắc chắn dẫn đến hỗn loạn, cái ác sẽ hoành hành trong khi cái thiện đứng nhìn bất lực… Chúng ta vừa muốn có luật nhân quả, vừa muốn có linh hồn thường hằng, bất biến thì điều đó không thể có được.
Nhà Phật không chấp nhận quan điểm có hai con người, một con người vật chất và một con người linh hồn nhập vào nhau trong một con người, khi con người này chết đi là chỉ chết phần xác thịt, còn linh hồn bong tách ra đi tìm một thân xác khác nhập vào để tái sinh. 
Đứng về mặt đạo đức, nếu thực có linh hồn bất tử thì cực kỳ nguy hại cho thế giới con người nói riêng và các loài khác, vạn vật khác trong vũ trụ nói chung. 
Ví dụ: Một kẻ ác như Adolf Hitler. Khi sống, y có chủ thuyết “dân tộc thượng đẳng”, vì chủ thuyết này mà hàng trăm ngàn người Do Thái đã phải chết trong các trại tập chung, cả nhân loại chao đảo lao vào cuộc thế chiến II với bao thảm khốc, cuối cùng Hitler đã phải tự vẫn trong nhục nhã. Nếu mà có linh hồn bất tử, thì với lòng sân hận, với sự căm thù con người, linh hồn Hitler sẽ cấu kết với những linh hồn ác khác (thiếu gì linh hồn ác nếu như có linh hồn), chúng bắt tay nhau tái sinh, thì có lẽ loài người đi đến bờ vực diệt vong. Liệu chúng ta có vui sướng gì khi tồn tại ở cảnh giới linh hồn, nhìn lên thấy con cháu ta bị tàn sát!
Nhưng không! Thế giới ngày nay phát triển, con người ngày càng nhân ái hơn là do luật nhân quả, những kẻ độc tài với những chủ thuyết đưa nhân loại đến chỗ tàn sát nhau trong cảnh nồi da xáo thịt sẽ phải chịu sự trừng phạt đau khổ ở địa ngục trong nhiều đại kiếp. Đức Phật nói “con người sinh ra từ nhân quả, sống bằng nhân quả, chết trở về nhân quả” chứ không thể có một linh hồn bất tử, một cảnh giới hư vô cho linh hồn trường tồn bất biến.
Con người ta chỉ vì ái ngã (yêu bản thân mình), thèm muốn những ái dục của thế gian, luyến tiếc những danh vọng địa vị, những tiền bạc vật chất, những sắc đẹp dâm dục,… cho nên mới lấy thức làm linh hồn mà không biết rằng những thứ ái dục kể trên chúng phải chịu sự chi phối của quy luật sinh, trụ, dị, diệt, có đấy mà mất đấy, chúng chỉ là vô thường, tạm bợ, hư ảo, càng đắm nhiễm vào chúng càng dẫn đến khổ đau trong luân hồi sinh tử muôn đời muôn kiếp.
Tóm lại, dựa vào bốn dữ kiện trên, Đức Phật chứng minh cho ta thấy một điều: không hề có linh hồn bất tử, khi sống ta nhận các thức làm linh hồn của ta, khi ta thân hoại mạng chung các thức hay linh hồn này cũng bị tuyệt diệt.
Đến đây có người sẽ hoài nghi cho rằng Phật giáo chủ trương giống như chủ nghĩa duy vật?
Không! Phật giáo chỉ gần với chủ nghĩa duy vật chứ không phải là chủ nghĩa duy vật. Phật giáo là môn khoa học của tâm linh.
Vì sự hiểu biết của con người thường cực đoan, dính mắc vào tà kiến cho nên bi kịch là chúng ta rơi vào thường kiến trong tà kiến. Thường kiến có hai loại: chấp thường và chấp đoạn.
-Chấp thường là chúng ta cho rằng có Ngọc hoàng thượng đế, có Chúa trời, có linh hồn trường tồn sau khi chết…
-Chấp đoạn là chúng ta cho rằng sau khi chết là hết, không còn gì cả!
Đức Phật đã phủ nhận cái lý luận siêu hình và luận thuyết khô cằn cứng ngắc của cả hai cái chấp trên. Ngài chủ trương rằng, con người “Sinh ra từ nhân quả, sống bằng nhân quả, chết trở về nhân quả”, nhân quả tạo nghiệp, do đó nghiệp sẽ đưa con người ta đi tái sinh chứ không phải linh hồn.
Nguyễn Minh Sơn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét