Thứ Hai, 20 tháng 1, 2014

Linh hồn chỉ là ảo tưởng (3)

Nghiệp hiện tại chỉ là con đẻ của nghiệp quá khứ và đến lượt nó lại là cha mẹ của nghiệp vị lai.
Nghiệp đưa con người đi tái sinh
Nghiệp bắt nguồn từ vô minh, vì vô minh khuấy đảo, tạo tác cho nên ta có những lời nói, hành động, suy nghĩ của thân, khẩu, ý làm nhân tạo điều kiện cho nghiệp tái sinh. Những nghiệp từ quá khứ là tiền đề cho kiếp sống hiện tại và rồi nghiệp hiện tại tương liên với nghiệp quá khứ tạo duyên cho đời sống trong tương lai. Nghiệp hiện tại chỉ là con đẻ của nghiệp quá khứ và đến lượt nó lại là cha mẹ của nghiệp vị lai.
Vậy, nghiệp từ đâu mà ra?
Đức Phật chỉ cho ta thấy nghiệp từ ba đường là: thân, khẩu, ý tạo tác mà ra. 
Thân là những hành động, việc làm. Khẩu là lời nói. Ý là suy nghĩ tính toán. 
Vì ý có sự suy nghĩ tính toán cho nên đưa đến những hành động, lời nói thiện hay bất thiện. Nếu ta khởi lên một ý nghĩ thiện thì ta được một nhân thiện, nếu ta khởi lên một ý nghĩ bất thiện thì ta được một nhân ác. Khi ta có một lời nói thiện thì ta có một nhân thiện, khi ta có một lời nói bất thiện thì ta có một nhân ác. Cũng vậy, khi ta có một hành động, việc làm thiện thì ta có một nhân thiện, ngược lại, ta có những hành động, việc làm bất thiện thì ta có một nhân ác.
Suốt trong đời một con người, những nhân thiện, ác này được tích lũy từng giây từng phút và được lưu lại trong tàng thức (hiểu nôm na tàng thức như chiếc hộp đen), để rồi khi ta lâm chung, rơi vào trạng thái của thân trung ấm (A đại la thức) nó sẽ sàng lọc cho ta một nghiệp thiện hay nghiệp ác. Cái nghiệp thiện hay ác này đi đầu thai trong lục đạo là: cõi thiên, thần (Atula), người, súc sinh, ngạ quỷ và địa ngục.
Có bốn loại nghiệp lực chi phối sự đầu thai của con người là: cực trọng nghiệp, tập quán nghiệp, cận tử nghiệp và tích lũy nghiệp.
a) Cực trọng nghiệp có hai loại thiện và bất thiện: 
- Cực trọng nghiệp thiện là những người tu hành đắc quả vị A-la-hán trở lên, sau khi xả bỏ báo thân họ nhập vào niết bàn. 
- Cực trọng nghiệp bất thiện là những kẻ mang tội ngũ nghịch và thập ác. Ngũ nghịch là: Làm Phật chảy máu (trường hợp này xảy ra với Đề bà đạt đa. Là anh em họ với Đức Phật Thích Ca, vì muốn chiếm tăng đoàn, Đề bà đạt đa đã xô tảng đá từ trên cao xuống, nhằm giết Đức Phật khi ngài đi khất thực trở về qua một hẻm núi, nhưng may mắn, chỉ có một mảnh đá nhỏ văng vào chân làm Ngài chảy máu), giết A-la-hán, giết cha, giết mẹ, phá hoại sự hòa hợp của tăng đoàn (những kẻ được thuê, mướn đội lốt tu sĩ chui vào tăng đoàn Phật giáo để truyền bá những giáo điều, tà kiến không phải của Đức Phật chủ trương, làm hoang mang tăng chúng tu tập). Thập ác là: Sát sinh (giết người, chuyên tâm giết những chúng sinh khác), trộm cắp (lấy của không cho), tà dâm (gian dâm phá vỡ gia đình người khác, tuy có vợ có chồng nhưng vẫn lăng loàn), nói dối (nói láo, nói không đúng sự thật), nói hai lưỡi (làm cho người khác thù ghét nhau), nói lời độc ác (gào, thét, chửi, mắng thô tục làm người khác sợ hãi, đau khổ), nói phù phiếm (nói xằng, nói bậy, nói thêu dệt), tham lam (muốn mọi thứ thuộc về mình), sân hận (thù địch, chống đối), si mê (mù quáng, giáo điều trong những tà thuyết, mê tín dị đoan). khi chết sẽ phải đọa vào địa ngục.
b) Tập quán nghiệp hay còn gọi là thường nghiệp, là những hành động của thân trở thành tập khí (thói quen, cá tính). Tập quán nghiệp thiện (người chuyên làm thiện) sẽ đưa con người ta khi chết vào cõi Thiên, thần (Atula) hay người. Ngược lại, tập quán nghiệp ác (chuyên làm những việc xấu ác) sẽ phải tái sinh trong những khổ cảnh như làm súc sinh hay ngạ quỷ.
c) Cận tử nghiệp. Nghiệp này rất quan trọng trong lúc lâm chung, nó chi phối việc tái sinh của con người. Nếu lúc hấp hối con người ta nhớ nghĩ tới những điều thiện, trong lòng thanh thản, yên vui… thì được thác sinh vào ba đường lành là: cõi thiên, thần, người. Còn ngược lại trong phút lâm chung vẫn còn mang lòng thù hận, uất ức, nối tiếc, tham lam, bỏn xẻn… thì sẽ phải vào ba đường ác là: súc sinh, ngạ quỷ hay địa ngục.
d) Tích lũy nghiệp là nơi tập hợp, chứ đựng các nghiệp từ nhiều kiếp, nghiệp này có công năng dẫn dắt con người đi tái sinh vào ba đường lành hay ba đường ác khi ba nghiệp kể trên không xuất hiện.
Trong cuộc đời mỗi người chúng ta, có nhiều thiện nghiệp và ác nghiệp lẫn lộn. Cho nên, khi ta thân hoại mạng chung, tập quán nghiệp nào mãnh liệt nhất sẽ trỗi dậy mãnh liệt trước khi ta nhắm mắt, nó là nhân tố quyết định nơi chốn đầu thai. Còn Cận tử nghiệp là nghiệp được tạo tác ngay trước lúc chết (trong tâm khởi lên niệm thiện hay bất thiện) lại là yếu tố quyết định cảnh giới thác thai. Vì vậy, chúng ta có điều kiện chuẩn bị về tâm lý để chọn lựa con đường tái sinh ngay trong đời sống hiện tại, nếu có khát vọng, Phật giáo sẽ chỉ giúp cho ta con đường, ta chỉ việc hành trì.
Dưới đây là tóm tắt câu chuyện Đức Phật chỉ dẫn cho con trai La-hầu-la suy xét mọi hành động về thân, khẩu, ý của mình:
“Sau khi tọa thiền xong, Đức Phật đi đến bên con, La-hầu-la kéo ghế mời Ngài ngồi, Ngài hỏi:
-Mục đích của cái gương là gì? 
-Bạch Thế Tôn, mục đích là để phản tỉnh - La-hầu-la đáp. 
Đức Phật dạy: 
-Cũng như vậy, này La-hầu-la, trong khi chuẩn bị làm điều gì bằng thân, khẩu, ý, con phải quán chiếu: hành động này có gây tổn hại cho mình hoặc cho người khác không. Nếu, sau khi suy xét, con thấy rằng hành động đó sẽ có hại, thì con hãy đừng làm. Còn nếu con thấy rằng hành động đó có ích lợi cho con và cho người khác, thì con hãy làm”. (Kinh Giáo giới La-hầu-la)
Nguyễn Minh Sơn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét