Thứ Hai, 13 tháng 8, 2012

Già làng trưởng bản ơi, bọn dưới xuôi điên rồi

"Chói chang" - siêu mẫu châu Âu
Ối giời, làm đến chủ tịch hội văn bút cả nước mà cứ khen ào ào lấy được. Xin mách nhỏ ông nhá, thơ nhái đấy... (ảnh không liên quan đến bài viết)

Mất cả sáng nay chạy xe đến mấy cái nhà sách ở Sài Gòn kiếm cuốn thơ thiền nghe nói sắp giật giải Nobel nhưng không ra. Hay là mấy cô bán sách xinh đẹp nhìn cái mặt mình cho rằng trần tục quá, không xứng với thơ siêu thoát. Hay là được hội trung ương, báo trung ương lăng xê rầm rộ quá nên bán hết veo rồi, mình trâu già chậm chân uống nước đục. Hay là thơ quý chỉ in ra ít bản gửi theo thuyền bát nhã về cõi phật nên bến trần gian không có. Hay là… 

Nhưng chỉ riêng chuyện, dù mình cũng là người tỉnh táo ra phết, vẫn săm sắn chạy lùng tìm quý thi cũng đủ thấy người ta PR, marketing, quảng cáo thành công thế nào. Chả có tập thơ trong tay, không được đọc cụ thể nên không dám bàn. Hóng hớt nói theo người khác đâu phải lối đàng hoàng. Vậy bao giờ có vật chứng mình sẽ bàn chuyện hay dở của thơ. 
Tuy nhiên, từ lâu lắm rồi đã tường chuyện bác trung tướng Hữu Ước dùng tờ báo Công an lăng xê ca ngợi tác giả Nobel tương lai này. Cứ ra tập nào, mà thậm chí khi nhà thơ còn thai nghén, đã sai phóng viên viết bài bốc tận mây xanh. Giáo sư tiến sĩ nhà khoa học nhà thơ (cũng nhiều chức danh như tổng quản báo) nghe các cháu nó khen cứ tưởng thật, lại càng phởn tợn. Rồi lập kỷ lục độc bản thi nặng hơn tạ mốt tạ hai, rồi viết như điên vài phút một bài, rồi bỏ tiền ra cho chúng nó làm hội thảo. Cứ là bị thơ điên quay như chong chóng. Cũng may chỉ có báo công an của trung tướng yêu thơ chứ lôi vào chốn điên thi này cả những đại báo Nhân Dân, Quân đội nhân dân thì lấy ai tuyên truyền chủ trương đường lối chính sách của đảng, lấy ai chống diễn biến hòa bình.
Công viên trước nhà hát thành phố. Cảnh vật ở đây chắc chỉ còn cái nhà hát và 2 hàng cây là còn lại đến ngày nay.
Hôm rồi, ông cụ bạn nhà mình là phụ lão Nguyễn Việt Chiến làm cho 2 bài tường thuật, phân tích về hội thảo thơ giáo sư tiến sĩ trên báo Thanh Niên, mình đọc xong phát hoảng. Thế ra tưởng chỉ có giáo sư và trung tướng phát cuồng vì thơ, nay lại cả hội nhà văn quốc gia và biết bao vị đạo mạo nữa ư. Tham luận này nọ, đủ kiểu nhấn mạnh, tìm tòi, hầu như chả có cụ nào chỉ ra được cái hay cái đẹp của thơ (hay là họ cũng chưa đọc như mình), tuyền chú ý đến tập thơ được ra đời như thế nào, nhà thơ nhập thần ra sao, một đêm viết bao nhiêu bài, mỗi bài hết bao nhiêu phút… Hội nhà văn ôi hội nhà văn, bác Hữu Thỉnh ôi bác Hữu Thỉnh, hết chuyện hay sao mà tưng tửng dở điên dở dại thế.
Nhớ chuyện dạo xưa cụ Chính Hữu sau suốt 29 năm làm cách mạng, làm thơ cũng chỉ dám ra tập thơ đầu tay nhõn 24 bài Đầu súng trăng treo, vị tính hơn 1 năm mới trình một bài, nhưng hồn cốt đâu ra đấy, đến nay chả ai dám chê điều gì. Lại nhớ hồi mình còn đi học, nghe các thầy Nguyễn Lộc, Bùi Duy Tân dạy về Cung oán ngâm khúc của Nguyễn Gia Thiều, thầy bảo cụ Lý Văn Phức khi nhận xét về khúc ngâm này chỉ nói ngắn gọn “thiên đoàn bách luyện, ngữ ngữ kinh nhân” (trăm nghìn lần rèn luyện, mỗi câu đọc lên khiến rợn người), còn chủ nhân của Mộng Liên Đường xuất bản truyện Kiều thì tuyên dương Nguyễn Du ngắn gọn như vầy “mỗi câu thơ viết ra như có máu chảy ở đầu ngọn bút”. Cổ nhân hành văn thận trọng thế chứ đâu có cái thói đẻ sòn sòn. 
Xem ra cõi văn chương xứ mình loạn rồi, bác Nguyễn Việt Chiến nhỉ. Ngọn cờ ngơ ngác trống canh trễ tràng, mấy người cầm trịch làng văn sẽ đẩy nền văn nghệ xứ này đến đâu, nào ai biết được. Ông Hữu Thỉnh khen ông Hoàng Quang Thuận, ông Thuận khen ông Hữu Ước, ông Ước khen ông Hữu Thỉnh, ông Thỉnh lại khen ông Thuận, ông Thiều… 
Ngân sách đâu, rót vào đây để phục vụ nền văn nghệ đậm đà bản sắc dân tộc, khoa học, đại chúng. 
Nói như mấy bác già làng trưởng bản: "bọn dưới xuôi chúng mày điên rồi".
"Bập bênh" - Hot girl Nhật Bản
Thơ nhái mà cũng khen nức nở 
Nghe anh em kể lại, trong cuộc hội thảo về thơ Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Quang Thuận do Hội Nhà Văn Việt Nam tổ chức, ông chủ tịch hội Hữu Thỉnh đã khen nức nở thơ nhập thần của ông Thuận. Ông Thỉnh dẫn ra bài "Am xưa":
"Sớm cưỡi mây chơi cùng non biếc
Đêm về bến nghỉ lót trăng nằm
Tiếng sáo thiền ca vui bất tận
Ngập tràn Yên Tử trăng trong trăng"
Ông Thỉnh chủ tịch hội vỗ đùi đánh đét mà khen rằng: "Đây là bài thơ tiêu biểu cho hai bút pháp thiêng liêng hóa và đời thường hóa, nhân vật trong bài thơ này phải là người tu đắc đạo mới lấy trăng thay cho giường chiếu mà không sợ phàm tục, nhìn thấy trong trăng còn nhiều trăng nữa, tức là qua một vật mà nhìn thấy cái vô biên của vạn giới” (theo báo Thanh Niên).
Ối giời, làm đến chủ tịch hội văn bút cả nước mà cứ khen ào ào lấy được. Xin mách nhỏ ông nhá, thơ nhái đấy. Chả tin thì ông đọc bài "Hạnh An Bang phủ" của Thượng hoàng thi sĩ Trần Thánh Tông xem:
幸安邦府
朝遊浮雲嶠, 
暮宿明月灣。 
忽然得佳趣, 
萬象生毫端。 
Hạnh An Bang phủ 
Triêu du phù vân kiệu, 
Mộ túc minh nguyệt loan. 
Hốt nhiên đắc giai thú, 
Vạn tương sinh hào đoan. 
Dịch:
Dạo chơi phủ An Bang 
Sớm chơi núi mây nổi 
Tối ngủ bến trăng thanh 
Thình lình thấy cảnh thú 
Ngòi bút hiện muôn hình.
(Bản dịch này, hồi tôi còn đi học có nghe thầy Mai Cao Chương đọc, nay không nhớ của ai, nhưng không phải của cụ Phan Võ, bởi bản cụ Phan Võ dịch khác mấy chữ).
Xin hầu cụ Thỉnh ạ. Lần sau có ăn nói gì, cụ nhớ nhìn trước ngó sau nhé.
Nguyễn Thông 
"Týp màu" - tranh của họa sĩ Graaf

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét