Thứ Hai, 20 tháng 8, 2012

Chân dung nhà văn Nguyễn Khải (kỳ 1)

Nhà văn Nguyễn Khải.
Tôi có cơ may gặp nhà văn Nguyễn Khải từ thời lý tưởng cộng sản còn mê hoặc lòng người đến mức tôi đang là học sinh tốt nghiệp lớp 10, học sinh cá biệt, hạnh kiểm 3 vì nói năng nhăng nhít, cấm cửa đại học phải lên rừng núi Tây Bắc lao động dài hạn, ấy vậy mà chỉ hai năm sau, tôi đã trở thành “chiến sĩ thi đua toàn quốc”, được bác Hồ tặng bằng khen, được cử đi dự Đại hội lên hoan chiến sĩ thi đua toàn quốc lần 3 ở Hà Nội và ở đây tôi vinh dự được gặp nhà văn Nguyễn Khải.

Hồi đó tôi ngồi hàng ghế gần Chủ tịch đoàn, ngồi hàng ghế sát tôi là hai ông trạc 30, trắng trẻo, đẹp trai, đang ghé tai nhau thì thào chuyện gì đó. Sau mới biết đó là nhà thơ Việt Phương, thư ký Thủ tướng Phạm Văn Đồng đang nhờ nhà văn Nguyễn Khải góp ý bản nháp “Thư gửi đồng bào miền Nam” của đại hội.
Họp xong, tôi lại lên Tây Bắc làm thằng thợ rừng còn Nguyễn Khải vẫn ở Hà Nội trong hào quang nhà văn quân đội danh nổi như cồn.
Trong đoàn “lực sĩ” chạy marathon trên “đường cách mệnh” nhằm tới cái đích xa vời là chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa: Vũ Tú Nam, Hồ Phương, Nguyễn văn Bổng, Nguyễn Trọng Oánh, Nguyên Ngọc, Nguyễn Minh Châu, Anh Đức… có một “đại kiện tướng” vừa bền bỉ không mệt mỏi vừa khôn ngoan luồn lách qua mọi chướng ngại vật, vừa “nhát sợ” phòng thân để về đích lĩnh ân sủng của Đảng: Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật – đó là nhà văn Nguyễn Khải. 
Ông sinh năm1930, ở Hà Nội, cha là tri huyện, mẹ là vợ bé, thủa nhỏ sống nhiều với mẹ ở quê ngoại Hưng Yên. 17 tuổi làm y tá cho một đơn vị bộ đội địa phương. 19 tuổi làm phóng viên báo tỉnh Hưng Yên. 21 tuổi làm báo “chiến sĩ” Quân khu 3. Sau hoà bình, 26 tuổi về công tác ở tạp chí Văn Nghệ Quân đội. Nhiều năm là Uỷ viên chấp hành Hội nhà văn. 
Cứ xem quá trình “công tác” đủ thấy suốt đời ông là một thư lại, lính văn phòng, đeo chữ thọ sau lưng, chưa một ngày đặt chân vào chiến trường khiến ông trở nên nổi tiếng trong hai câu thơ dân gian khi ông viết “Bút ký Hoà Vang” lấy tài liệu từ các bản thành tích thi đua từ trong Nam gửi ra: 
“Hoà Vang nào ở đâu xa 
Hoà Vang là ở ngay nhà đó em”. 
Truyện ngắn đầu tay của Nguyễn Khải là “Ra ngoài”, “Xây dựng” chẳng có giá trị gì. Năm 1956 viết tiểu thuyết “Người con gái quang vinh” nữ anh hùng Mạc thị Bưởi chìm nghỉm ngay khi mới xuất bản. Chỉ đến tiểu thuyết “Xung đột” - phần I năm 1956 và phần II năm 1960, danh tiếng Nguyễn Khải mới nổi lên rầm rĩ trên bầu trời văn học cách mạng vốn còn rất thưa thớt sao. 
Sau “Xung đột”, Nguyễn Khải viết chừng hơn 20 đầu sách khác nữa, nhưng nhắc tới ông người ta vẫn chỉ nhắc tới “Xung đột” như là một trong những đỉnh cao trong sự nghiệp được nhà phê bình chính thống “gạo cội”, Giáo sư Phan Cự Đệ tâng bốc: “Từ nhiều năm nay , với tư cách là một nhà văn quân đội, Nguyễn Khải luôn luôn có mặt ở những vị trí hàng đầu của cuộc sống. Tác phẩm của anh phản ánh những mảng hiện thực mang tính thời sự nóng bỏng, đồng thời vẫn nêu lên được những vấn đề triết học, đạo đức có tầm khái quát cao. Tài năng và phong cách Nguyễn Khải bắt đầu hình thành và khẳng định từ khi Xung đột – tập I được giới thiệu lần đầu tiên trên tạp chí Văn Nghệ Quân đội năm 1957…”. 
“Xung đột” – tập I viết về cải cách ruộng đất và sửa sai tại một làng công giáo toàn tòng – thôn Hỗ thuộc Giáo phận Bùi Chu. Xưa nay viết về đề tài cải cách ruộng đất, thông thường các nhà văn miền Bắc có hai chọn lựa: 
- Hoặc diễn tả nó như là cuộc đấu tranh giai cấp với mâu thuẫn đối kháng, địch ta: một bên là nông dân, một bên là địa chủ, cường hào đại gian đại ác. Cuộc đấu tranh này là “một mất một còn”, ranh giới địch - ta rõ ràng và tuyệt đối. Viết theo lối này các nhà văn được đeo chữ thọ sau lưng, rất an toàn và được “bảo hiểm” bởi lẽ họ thả sức bôi xấu phe địch - tức địa chủ và thoải mái ca ngợi phe ta - tức nông dân được Đảng phóng tay phát động. Tuyệt đại đa số các nhà văn cây đa cây đề đều theo lối viết này: “Nông dân với địa chủ” của Nguyễn Công Hoan, “Con trâu” của Nguyễn Văn Bổng, “Mẹ con đồng chí Chanh” của Nguyễn Đình Thi. Mặc dù được báo chí của Đảng khen “kịp thời, kịp thời” nhưng tất cả đều đi vào bến lú sông quên chỉ vài tháng sau khi xuất bản. 
- Hoặc diễn tả nó như là một cuộc đấu tranh “nội bộ nhân dân” – tức đi sâu vào chuyện “nhất đội nhì trời”, chuyện “con tố cha, vợ tố chồng”, chuyện “án oan biết oán ai”... Viết theo lối này nhất định dễ “ăn đòn” bởi tội “nói xấu cách mạng”, chê Đảng lúc nào cũng tự nhận sáng suốt mà sai be sai bét… Đi theo con đường dễ vỡ nồi cơm này có rất ít người và thường là “thân tàn ma dại” như Vũ Bão với “Sắp cưới”, Hoàng Tích Linh với “Cơm mới”, Nguyễn Khắc Dực với “Chuyến tàu xuôi”. Gần đây có cởi mở hơn, viết về cải cách ruộng đất theo kiểu “mâu thuẫn nội bộ” như “Dòng sông mía” của Đào Thắng còn được tặng thưởng của Hội nhà văn Việt Nam năm 2005. 
Tất nhiên khôn lõi đời như Nguyễn Khải chẳng dại gì chọn kiểu viết thứ hai - tức diễn tả cải cách ruộng đất như là cuộc đấu tranh “nội bộ” nhân dân - tức mâu thuẫn để đi tới thống nhất - dễ bị quy chụp, dễ bị ăn đòn là thứ Nguyễn Khải tránh cho thật xa. 
Vậy thì tốt nhất chọn lối viết thứ nhất tức diễn tả mâu thuẫn đối kháng, có tao không có mày, ta nhất định thắng, địch nhất định thua và để an toàn hơn thế nữa, Nguyễn Khải không chọn chiến tuyến đối lập địa chủ với nông dân như các nhà văn cây đa cây đề mà chọn tuyến đối lập có tính đối kháng: một bên là bọn phản động đội lốt tôn giáo với bên kia là những nông dân nòng cốt cách mạng, trung kiên, một lòng theo Đảng. 
Bởi thế tiểu thuyết Xung đột - Tập I của Nguyễn Khải thực ra là chuyện đấu tranh “địch ta” kiểu “câu chuyện cảnh giác” được vẽ vời công phu bằng văn chương câu khách. 
Xung đột - Tập I xảy ra vào năm 1956, cuộc cải cách ruộng đất vừa hoàn thành với bao sai lầm và làng thôn bắt đầu sửa sai theo hướng dẫn của cấp trên. Tuy nhiên cái sai lầm cải cách ruộng đất ở đây không phải do Đảng nhắm mắt học theo kinh nghiệm Trung Quốc, quy định tỷ lệ địa chủ để cố ép tìm ra cho đủ số - viết như vậy dễ “vỡ nồi cơm”, Nguyễn Khải lái thủ phạm gây nên bao sai lầm trong cải cách sang các… cha cố. 
Ông lu loa rằng khi Đội cải cách về làng, cha xứ đã ngầm gài người cho đội “bắt rễ” và trở thành chỗ dựa cho Đội, từ đó tố oan cho những cán bộ cốt cán của Đảng để đến nỗi họ bị xử trí như Môn, xã đội trưởng, Thuỵ, cán bộ xã… có người còn bị xử tử như Rỹ, Bí thư Chi bộ… Bao nhiêu tội lỗi đều do… nhà thờ gây ra cả, cách mạng chỉ có… mất cảnh giác chút thôi. 
Thực chất trong Xung đột - tập I Nguyễn Khải đã bẻ queo sự thực lịch sử, chạy tội cho Đảng trong việc bắn giết cả những đồng chí của mình, trút tội giết người đó sang… âm mưu thâm độc của Nhà thờ chứ không phải do sự ngu dốt sai lầm trong đường lối cải cách ruộng đất. 
Trên cái “bệ đỡ an toàn” đó, Nguyễn Khải tha hồ phóng bút trách gì nhà phê bình Phan Cự Đệ chẳng tấm tắc khen: “Người đọc như bị hút vào những sự kiện nóng bỏng trong những năm khôi phục và cải tạo kinh tế: cuộc đấu tranh giai cấp và đấu tranh trong nội bộ nhân dân diễn ra căng thẳng, ác liệt và vô cùng phức tạp vào khoảng cuối năm 1956 ở một số vùng đạo gốc tỉnh Nam Định, khi Đảng ta tiến hành sửa chữa những sai lầm trong cải cách ruộng đất và bắt đầu cuộc vận động hợp tác hoá nông nghiệp”. 
Chơi trò lập lờ đánh lận con đen, xúy xóa sai lầm của Đảng trong cải cách ruộng đất, trách gì Xung đột - tập I chẳng được cả một hệ thống tuyên truyền của Đảng kéo lên mây xanh ngay trong thời gian Đảng đàn áp văn nghệ sĩ, khét lẹt nhất qua vụ Nhân Văn Giai Phẩm. Trong khi những tác phẩm phản ánh được chút ít hiện thực khách quan như những truyện ngắn và thơ trong nhóm Nhân văn Giai phẩm, tiểu thuyết “Vào đời” của Hà Minh Tuân, “Phá Vây” của Phù Thăng, kịch của Hoàng Tích Linh, Nguyễn Khắc Dực… bị đòn vọt thì hàng loạt tác phẩm của Nguyễn Khải cứ nối đuôi nhau ra đời trong sự reo mừng, tâng bốc của cả một bộ máy các nhà phê bình văn học của Đảng. 
Mở đầu “Xung đột” - Tập 1, Nguyễn Khải chơi trò “giật gân” miêu tả một “sự kiện động trời” ngay khi làng xã mới bước vào đợt “sửa sai” sau cải cách ruộng đất. Đó là “Đại hội công giáo tám xứ toàn miền” với đủ các gương mặt của “phe đối nghịch” tức toàn bộ các gương mặt “phản động” của nhà thờ cũng các con chiên bị dụ dỗ và mê hoặc họp thành một mặt trận, một chiến tuyến chống lại chính quyền cách mạng. Đánh vào trí tò mò của độc giả vậy, trách gì cuốn sách không hấp dẫn? 
Bộ chỉ huy của lực lượng chống đối này gồm toàn những người khoác áo choàng thâm. Trước hết là tu sĩ Thịnh, “hoạt động phần đời nhiều hơn là phần đạo… Thầy không phải là người tu tầm thường mà là một người hoạt động chính trị xuất sắc. Năm nay thầy mới hai mươi tám mà năm hai mươi bốn đã làm tới trưởng khu Cao Mại, một tay xây dựng hai mươi bảy ban xã uỷ, lãnh tụ liên tôn diệt cộng toàn khu…”. 
Rồi đến cha Vinh là người đã: “mang quân từ Phát Diệm về đốt trụi xóm, lấy thóc của nhà xứ, thóc của dân đổ đầy hàng trăm chiếc thuyền đậu kín như lá tre ở cống Cả, đã quay điện con ông Thiềm bây giờ nửa sống nửa chế, đã ngủ với cô Mến có thai ba tháng, thuốc độc chết ông trùm Thuý… Rồi thì cha Thịnh dẫu được “đi Hà Nội họp, ăn một ngày bảy tám cân, được gặp cả Hồ Chủ tịch” ấy vậy mà khi trở về giáo xứ lại dấu mặt tổ chức đại hội công giáo, xui con chiên: 
“Bây giờ các nơi công giáo đều nổi dậy cả rồi, chúng ta phải đòi công giáo tự trị… chiến tranh tàn khốc, chế độ đổi thay, chỉ có đạo Chúa là không gì diệt nổi…”. 
Tóm lại các tu sĩ đều là loại núp áo choàng thâm làm việc xấu xa, bỉ ổi, gây hoạ cho dân cả. Chẳng hiểu khi bôi bác nhà thờ như vậy, Nguyễn Khải có khi nào nghĩ một thời mình cũng từ đó mà ra? 
Trong đám tay chân đắc lực của các cha phải kể đến cô Lý, đẹp nhất nhì trong làng, nhưng lại “làm ruộng không biết, đi buôn không vốn, hoạt động đoàn thể cũng không nốt, nào ai biết cô ả làm gì, chỉ thấy đi suốt ngày đi cả đêm. Thời tạm chiếm Lý là tay đưa tin đắc lực của đại đội cha Báu, từ ngày cha Vinh về thì lại là tay chân thân cận của ông Vinh… đặc biết có cảm tình với tu sĩ Thịnh…”. 
Tay chân đắc lực cho các cha còn có anh Quảng, con trai phó trương xứ “mười bảy tuổi đã sung vào đội quân của cha Báu, mười tám tuổi chuyển qua đội quân com-măng-đô, ít lâu sau được cử làm người hộ thân cho viên quan năm chỉ huy quân sự miền hạ Nghĩa Hưng…”. 
Khi bàn đến việc đánh cán bộ, Quảng hăng hái: “Nó có dao sắc mình cũng có dùi bén. Một trăm người không đánh nổi vài đứa à? Có cần tử vì đạo tôi cũng xin dâng mình…”. 
Tóm lại, phe “phản cách mạng” nhân danh Chúa đều gồm những con người ghê gớm, dạn dầy kinh nghiệm chống nhà nước Cộng sản. 
Bên phía cách mạng có Thuỵ là đội trưởng du kích, mặc dù bị truy ép tàn khốc trong cải cách ruộng đất vẫn khăng khăng: “Làm việc vì Đảng, đừng làm cho người ta khen. Những kẻ có ác ý không biết nhưng Đảng tối cao, thiêng liêng sẽ biết, sẽ dành phần thưởng sau này…”. 
Có Môn, xã đội phó, là một trong bốn người bị giáo Thịnh bố trí “kích” lên thành đầu sỏ Quốc Dân đảng ở xã. Sau khi hai trong bốn người đó, một bị xử bắn, một tự tử, Thuỵ và Môn mới được tha bổng và phục chức cũ. Chính quyền xã lúc này đang “non yếu”, dân quân du kích phần lớn là giáo dân tin theo nhà thờ, xã đội trưởng thì mải đi buôn, Chủ tịch xã là chị Nhàn thì lại hay bận đi… họp huyện. Thế là sau vài ngày họp trù bị, bầu không khí thù ghét cải cách ruộng đất, thù ghét Đảng và Nhà nước trong đại hội công giáo đã dâng tới mức các giáo dân hô khẩu hiệu chống cộng: 
- Đả đảo đội cải cách ruộng đất. 
- Đả đảo. 
- Đả đảo chính sách của Đảng Lao Động… 
- Đả đảo… 
Tới lúc đó cha Thuyết mới chính thức ra mặt chủ trì “đại hội công giáo toàn miền” đòi lôi cổ những người đã tố cha Vinh ra đại hội để hỏi tội. Nực cười thay, đứng giữa đại hội, anh nông dân tên Hạ đã không thanh minh cho cha Vinh thì chớ, ngược lại còn tố cáo cha: “ngưỡng cửa buồng cha lẽ ra phải rất trong sạch, đàn bà bước qua phải thay ngay ngưỡng cửa ấy, tại sao có người ngày nào cũng bước qua mà ông Vinh vẫn không thay… tại sao ông Vinh lại đeo lon quan ba dẫn quân bốt Thạch đi càn quét…”. 
Người thứ hai được bố trí lên “minh oan” cho cha Vinh cũng “phản cung” như Hạ, thế là “màn kịch” của “phe nhà thờ” dầy công dựng lên bị đổ bể ngay từ đầu. 
Người ta phải đặt câu hỏi với nhà văn Nguyễn Khải tại sao “nhà thờ” vốn được ông mô tả vô cùng gian ngoan, xảo quyệt, mưu sâu, đòn độc vậy sao lại dựng lên một màn kịch vụng về vậy? Phải chăng họ ngờ nghệch đến thế? Chắc vì nhà văn đã nhiễm sâu trong máu nguyên tắc “ta là thiện, là tốt đẹp, giỏi giang” - “địch là ác, là xấu xa, ngu dốt” nên mấy ông cha cố mới bị bôi bác ngờ nghệch đến thế. 
Sau thất bại “minh oan” cho cha Vinh, đại hội cử ngay ra một đoàn đi bắt “hai con quỷ dữ” là Môn và Thuỵ - cốt cán của cách mạng - tới đại hội để giáo dân hỏi tội. Hai ông này thân cô thế cô nên đành phải mài sắc hai con dao chờ sẵn ở nhà. Mặc dầu nhà Thuỵ có một tiểu đội bộ đội đóng quân nhưng không dám can thiệp cứ đứng nhìn “người của đại hội” tới bắt Thuỵ và Môn. Đến khi Lý và Quảng hai người tích cực nhất xông vào đánh Thuỵ, tiểu đội trưởng bộ đội mới xông vào can ngăn. Chỉ chờ có thế, Quảng va chạm vào người anh bộ đội rồi “tự thọc ngón tay cào rách màng lỗ mũi, máu rỉ ra một dòng nhỏ, hai tay hắn đưa lên quẹt khắp mặt, mặt lem nhem máu ” rồi lăn ra giả vờ chết. Thế là “tin dữ” bộ đội giết dân loang ra khắp làng khắp xóm: “Chuông bắt đầu đánh chính thức loan báo “tin nổi dậy” cho toàn xứ,cho các xứ khác. Trống thôi thúc từng nhịp.Người từ các dong xóm vì tò mò lặng lẽ kéo đến mỗi lúc mỗi đông…”. 
Anh bộ đội tên Nẫm bị giáo dân lôi ra đánh đập, hành hạ với những lời chửi bới: “thằng bộ đội khốn nạn đánh cả dân, ai đóng thuế nông nghiệp nuôi cho nó ăn béo, ai dệt vải cho nó mặc để nó vô ơn bạc nghĩa đi bênh mấy thằng quỷ ở xứ này. Có người đòi phải lấy đanh đóng vào tay chân nó phơi mưa…”. 
Cha xứ bấy lâu nay vẫn dấu mặt đến lúc này thấy cần phải chường ra để “chăn dắt con chiên”, bởi vậy cha Thuyết thân chinh đi tới chỗ quàn “cái xác” Quảng “lật chiếu nhìn mặt Quảng. Ôi có lẽ nó đã qua đời rồi, nó không còn thở nữa. Cha mở hộp dầu thơm nức dúng tay làm dấu vào trán Quảng, vào hai lòng bàn tay, hai gan bàn chân, vừa nguyện bằng tiếng la tinh. Tiếng đọc kinh nổi lên rền rĩ: 
- Lạy Chúa Ki-ri-xi-tô thương xót chúng tôi, xin Chúa thương xót chúng tôi… 
Tiếng chuông đánh nhịp hai tiếng một điểm hồi dài, báo tin một linh hồn kẻ lành được lên nước thiên đàng hưởng phúc thanh nhàn đời đời. Xác Quảng được liệm bằng chăn khiêng vào trong nhà để chính gian giữa…”. 
Vậy là nhà thờ đã tạo ra cái cớ “bộ đội giết dân” để kêu gọi giáo dân toàn miền vùng dậy lật đổ nhà cầm quyền cộng sản. Tiếc thay, cái quả bom nổ chậm ấy, cái căn nguyên để khởi nghịch đó lại vỏn vẹn chỉ là cái chết giả vờ của một anh chàng ngờ nghệch chỉ có mỗi cái máu “chống cộng” hăng tiết vịt. Liệu các cha Thiên chúa giáo của cả một giáo xứ có ngây thơ, ngớ ngẩn như vậy chăng, hay nhà văn Nguyễn Khải vẽ vời vậy? 
Quả nhiên cái vụ Quảng giả chết để vu vạ cho bộ đội lập tức bị lật tẩy một cách dễ dàng khi chị Nhàn - Phó Chủ tịch xã đi họp huyện về yêu cầu “phải khám nghiệm tử thi làm biên bản rồi cho chôn luôn”. Vợ “người chết” sợ quá ôm chặt lấy “xác chồng” không cho động tới và ngay tối đó “hai mẹ con Quảng đem võng đến cáng hắn về. Khiêng qua cầu sang xóm bên kia, đường vắng lặng, Quảng thò cổ ra nhìn quanh không có ai, y nhỏm dậy nhảy ngay xuống đất rồi chạy vụt vào một cái ngõ sâu thẳm…”. 
Vậy là “âm mưu” của nhà thờ vu cáo bộ đội giết dân để làm ngòi nổ cho cả phong trào “giáo dân nổi dậy” chống chính quyền bị phá vỡ một cách quá dễ dàng và… lãng xẹt. Cuộc XUNG ĐỘT giữa nhà thờ và chính quyền cộng sản tưởng là ghê gớm lắm, rút cuộc chỉ một chị Phó Chủ tịch xã ra một cái lệnh là “âm mưu của nhà thờ” bị tiêu tan. 
"Táo xanh" - Hotgirl Việt Nam
Tất nhiên vụ “Đại hội giáo dân” kích động dân làm loạn tuy có qua đi nhưng xung đột giữa “nhà thờ” và “cách mạng” vẫn còn đó. Nó len lỏi vào các gia đình gây nên những ‘bi kịch” mà gia đình anh bộ đội Tường là một thí dụ tiêu biểu. Sau mấy năm xa nhà, nhân dịp tết được nghỉ phép, Tường tưởng sẽ được hưởng không khí gia đình đầm ấm sau những năm tháng xa nhà, ngờ đâu vừa đặt chân về nhà anh đã va ngay phải cuộc xung đột giữa “nhà thờ” và “cách mạng”.
Trước hết là cái Khoai, đứa con gái của Tường “nó không vồ vập, không cười, đứng né sang một bên cho bố nó dắt xe đạp vào, mắt ngước lên lấm lét như nhìn người lạ luồn ngay ra đằng sau lủi chạy mất”...
Con đã xa cách thế, đến bố cũng vậy: “Bố thấy con trai lần đầu về ăn tết với gia đình từ ngày đi bộ đội cũng không vui, cũng có vẻ hậm hực …”. 
Tại sao vậy nhỉ? Hoá ra vẫn là “xung đột” giữa “nhà thờ” và “cách mạng”. Bố anh trách: “Dạo đầu năm vợ mày lên thăm, mày định giật ảnh tượng của vợ mày, bảo những cái ấy là vô tích sự phải không ?...Dù mày có là bộ đội nhưng trước hết vẫn là bầy tôi của Chúa, vẫn là con tao. Mày không được ăn nói bậy, nghe không?”. 
Rồi mặc cho anh con trai thanh minh,ông vẫn kể tội: “Hôm ấy vợ mày nói với mày xin đánh tượng vàng đeo, mày bảo: “Chẳng đạo gì bằng đạo ăn, để tiền mà đong thóc” với lại “có người lạc hậu mới tin đạo… Tao nghe chuyện ấy đã định viết thư lên bảo thẳng với các cấp chỉ huy của mày là không biết dậy con tao để con tao thành kẻ vô loài, rồi tao sẽ từ mày, hiểu chưa?”. 
Cứ như thế những ngày Tường về phép ở nhà là những ngày “chiến tranh ý thức hệ” – tình cảm thiên nhiên của vợ chồng, của cha con dường như đã bị vót nhọn trơ lại có mỗi “xung đột” giữa “chúa và bộ đội”. Ngày Tết họ hàng tới thăm nhau, trò chuyện cũng toàn mùi “chính trị”. 
Quảng, cháu của Tường vừa gặp lại chú đã lên giọng khiêu kích: 
“Độ này chú tiến bộ làm đến cấp gì rồi? Gớm, các ông bộ đội chính trị bỏ mẹ… À… à… bốn túi đây mà, đại đội hay tiểu đoàn? Áo vải chắc là đại đội… chú đi bộ đội lâu thế vẫn là đại đội thôi à?” 
Rồi Quảng xoay sang chuyện chính trị thật: “Chú đi xa không rõ. Ở nhà vừa rắc rối lắm. Bộ đội đánh dân nhưng uỷ ban lật lọng thế nào lại hóa ra nhân dân đánh bộ đội… Mấy thằng phản Chúa hại dân lại ra làm việc rồi… Chú xem, chúng nó ra nhận việc hôm trước hôm sau hạ lệnh bắt người ngay, không hiểu đem đi buộc đá bỏ biển hay tù đày mãi đâu chẳng thấy tin về. Cứ như tình hình này có lẽ chính phủ muốn tiêu diệt công giáo chắc…”. 
Thế rồi khi hết phép, vào lúc chia tay, Tường thưa chuyện cùng bố mẹ lại cũng là chuyện… chính trị: “Cách mạng nổi lên hai anh em con mới ra khỏi nhà mụ Bao, từ bấy đến nay con ăn cơm bộ đội, mặc áo bộ đội, được bộ đội dậy dỗ thì sống chết với bộ đội. Còn bố mẹ sợ luỵ vì con, không muốn nhận con nữa thì cứ việc làm giấy lên uỷ ban mà từ. Con xin chịu…”. 
Cứ như vậy, ông con trai bộ đội về phép chẳng bàn bạc gì được chuyện làm ăn kinh tế sao cho bố mẹ, vợ con ăn sung mặc sướng lại sa đà vào toàn chuyện “chúa” với “cách mạng”. Sự thực quan hệ gia đình, họ hàng khi đứa con phương xa trở về trong những ngày tết thiêng liêng có đến nỗi rặt một mầu chính trị như thế không. Hay là từ cái tựa “xung đột” của tiểu thuyết và bài học nằm lòng của chủ nghĩa Mác đã ăn sâu vào tác giả: “tiến hoá là sự đấu tranh giữa hai mặt đối lập” khiến ông nhà văn nhìn vào đâu chỉ cũng chỉ thấy có xung đột chính trị. 
Ngay cả trong gia đình Nhàn, Phó Chủ tịch xã, chỉ có hai mẹ con mà xem ra trò chuyện hàng ngày giống như “hai phe” đối lập nhau. Hồi cải cách, cha Vinh bị mang ra đấu. Bà mẹ bênh cha: “Đấu cha là đấu Chúa đấy…Mày phải biết đỗ được đến chức cụ là trải qua trăm nghìn khó khăn thử thách đấy . Nếu người không có nhân đức thì ngay khi chịu phép cắt tóc không hộc máu cũng phát ung nhọt, bệnh tật rồi…”. 
Cô con gái cãi lại: “Mẹ còn nhớ nhân dân bên Thạch Bi xứ cũ của ông ấy, cơm nắm cơm gói đến chầu chực ở đây hàng tuần chỉ xin được lột da ông ấy căng mặt trống không? Chính phủ không xử bắn là may chứ còn tiếng tốt gì?”. 
Bà mẹ lại kể lể: “Nếu mày không nghe lời tao, tao không dậy được mày thì cả nhà này sẽ mắc vạ tuyệt thông , bị khai trừ ra khỏi hội thánh. Nếu thế thì mẹ chết mất… Con ơi, mẹ run sợ lắm. Mẹ già rồi, ngày linh hồn lìa khỏi phần xác cũng chẳng bao xa… lúc đó hai con khiêng được mẹ ra đồng hay sao, hay là buộc rợ vào chân mẹ cho trâu kéo hở con… con nghĩ lại cho mẹ nhờ…”. 
Ngày này qua ngày khác, bất kể ngày hay đêm, cứ hai mẹ con ngồi với nhau là y như rằng nổ ra “xung đột” như thế. Ông nhà văn liệu có nói quá đi không? 
Trong gia đình, họ hàng nhà Thuỵ - đội trưởng du kích, “xung đột” và chia thành hai phe ‘cách mạng” và “phản cách mạng” còn dữ dội hơn. Chú ruột của Thuỵ là cha Thuyết, bố đẻ của Thuỵ là ông trùm Nhạc. Ngày nọ cha cho gọi các cháu trong nhà gồm có Thuỵ, Toán và Quyên tới để cha cho tiền làm nhà. Trước khi đưa tiền, cha lại nói chuyện “chính trị”: “Nói đến cải cách tao lại nhớ hồi ấy du kích chúng nó làm bùi nhùi cụ Ngô rồi đâm chém hò hét. Thật trò hề. Cụ Ngô là người rất sùng đạo. Cụ là em đức Cha Ngô Đình Thục đấy. Nghe nói sáng nào cụ cũng đánh ô tô đến nhà thờ xem lễ rồi mới về làm việc. Trong Nam người ta yêu quý cụ lắm…”. 
Nghe ông chú tuyên truyền “phản động”, dẫu ông là cha đạo đi chăng nữa, Thuỵ cũng chặn họng ngay: “Thưa cha… cha cho gọi chúng con lên để nói chuyện trong nhà hay chuyện chính trị?”. 
Cứ như thế, chú cháu bốp chát nhau, sau cùng cha Thuyết chỉ cho tiền Toán và Quyên, còn Thuỵ nhất định không nhận. Bởi thế ông Nhạc, bố của Thuỵ chì chiết con: “Khí khái rởm. Tiền đưa tận tay mà không thèm cầm. Bốn năm chục vạn chứ có ít đâu, mày thử xem đến bao giờ mới dành dụm được chục vạn mà dựng nhà ? Mày cứ bảo cha không tốt, không tốt thì cũng là cha linh hồn, cũng là em tao, chú mày. Mày đừng đâm bị thóc chọc bị gạo để anh em tao lủng củng với nhau. Không tin người ruột thịt thì tin ai ? Mày không thèm lấy tiền của cha thì tao sẽ xin cha, ăn mày cha chẳng ai cười…”. 
Thế là quan hệ cha con của Thuỵ - đội trưởng du kích cũng căng thẳng chẳng thua gì quan hệ mẹ con của cô Nhàn - Phó Chủ tịch xã. 
Liệu trong những người ruột thịt với nhau chỉ toàn là “xung đột” chính trị không? 
Trong một số không nhiều các nhà văn miền Bắc viết về Thiên Chúa giáo như Nguyễn Thế Phương với tiểu thuyết “Nắng”, Chu Văn với tiểu thuyết “Bão biển”… có thể nói Nguyễn Khải là nhà văn bám sát nhất quan điểm Mác - Lênin “tôn giáo là thuốc phiện ru ngủ quần chúng”. Chẳng hiểu ông có xác tín điều đó không hay chỉ vờ làm vui lòng đồng chí Tố Hữu; song trên các trang viết của ông nhan nhản những tình tiết, những nhân vật được ông mô tả chỉ nhằm bỡn cợt Chúa. 
Đám rước kiệu “tượng Đức Giêsu vác câu rút” trong ngày lễ Phục sinh được mô tả với giọng dè bỉu: “Thỉnh thoảng xé lên lanh lảnh một vài tiếng kèn đồng te té te té… chói tai, lạc lõng, chìm nghỉm ngay trong cái hỗn độn của tiếng trống, tiếng trắc g , tiếng đọc kinh ngắm đàng thánh giá, tiếng gọi nhau í ơi…”. 
Đám người tổ chức rước toàn là quân phản động. Đánh nhịp cho đội trống là Quảng và Liêu. Quảng là: “con trai phó trương xứ, mười bảy tuổi đã sung vào đội quân của cha Báu, mười tám tuổi chuyển qua đội quân com-măng-đô, ít lâu sau được cử làm người hộ thân cho viên quan năm chỉ huy quân sự miền hạ Nghĩa Hưng”, mới đây lại gỉa chết để vu vạ cho bộ đội giết dân. Còn Liêu bị:“tình nghi ở trong đảng phái phản động, truy bức vợ chồng hắn về võ khí trong nhà xứ. Từ ngày ấy hắn quan niệm về phần đời, phần đạo hoàn toàn khác. Thày Thịnh mời hắn ra đứng trong ban thành lập hội trống nhà xứ”. Khi hội trống đã được thành lập với ba mươi cái trống và bốn mươi bạn hữu, Liêu lộ mặt phản động: “Lý tưởng của người ta không phải là xã hội chủ nghĩa mà chính là hạnh phúc vĩnh cửu trên thiên đàng…”. 
Sau đội trống thì đến nghĩa binh nam và nữ. Nhà văn mượn một con bé con để diễn tả sự thờ ở của con chiên với “nỗi đau của Chúa”. 
Nó: “còn bé lắm chừng như mới chịu lễ lần đầu, hai đầu mào trắng chấm xuống gần khoeo chân…”. Nó mếu máo đọc kinh: “Kính mừng Ma-ri-a đầy ơn phúc… bà có phúc lạ hơn người nữ… và Giêsu con bà…”, nhưng mắt nó lại nhìn “một con chuồn chuồn mình đỏ đậu rún rẩy trên bụi rơi gai ở vệ sông. Ôi con chuồn chuồn đẹp quá, đậu ngờ nghệch quá…”. 
Trong khi đầu óc con bé chẳng nghĩ gì tới Chúa thì ngay bà quản giáo trong đám rước cũng vậy. “bà không đọc kinh, bà còn mải trông hơn sáu mươi em nữ nghĩa binh, học trò của bà, nếu rời mắt là chúng nó lại xô đẩy nhau, cấu véo nhau…”. và bà quản giáo được mô tả đầy ác cảm: “trên khuôn mặt bà không có lấy một nét nào hiền dịu, tha thứ, cởi mở của người mẹ; nó ảm đạm như người có nỗi buồn sâu kín; nó khắc khổ vì bà là người tu hành; khi bà đánh trẻ con thì rõ là người khó tính khắc nghiệt…”. 
Sau đó các con chiên lần lượt vào nhà thờ nghe đọc đoạn đóng đanh tưởng nhớ đến những sự thương khó Chúa Guêsu đã chịu trên cây thánh giá. Chẳng hiểu sao cha xứ lại… khó kiếm ra được một người đọc đoạn kinh đó:“Ông Đông phó trương xứ chữ quốc ngữ không biết, chữ nho cũng không nốt nên sự hiểu biết đạo lý kinh sách chẳng hơn gì người bổn đạo. Còn ông trùm Hoà, trùm đạo thôn Hỗ lại càng… dốt hơn” . 
Có thực trong các ông trùm đạo nhiều người mù chữ đến như thế chăng? 
Và nỗi đau của một bà già thương xót chúa Giêsu được mô tả “hài hước”: “Bà Nhàn ngồi vào một góc, cái mào đen rủ xuống hai bên má che gần hết khuôn mặt ảm đạm của bà. Bà cố bày ra trong trí khôn như xem thấy chúa Giêsu bị quân dữ đóng đanh trên cây thánh giá thật. Những cái đanh sắt mà đóng xiên qua bàn tay Chúa mình như thế thì đau đớn biết chừng nào, chỉ vì tội mình và tội tổ tông truyền. Ôi, cái mạo gai, có những bảy mươi hai cái gai lọt vào óc Chúa tôi, buốt nhức biết bao nhiêu , máu chảy đầy mặt ròng ròng. Bà cứ tự vật vã với mình , trách móc mình sao đã vội vã quên đi sự thương khó mà Chúa đã phải chịu…”. 
Thật đúng “tôn giáo là thuốc phiện”. Nó làm một bà già trở thành mê mụ, mù quáng đến dở hơi:“Chúa lấy hai cây gỗ cứng thay giường nằm, lấy mạo gai nhọn thay gối còn bà thì giường cao, chiếu sạch, chăn đắp, màn che, bà còn phàn nàn gì nữa, kêu xin gì nữa. Bà không bao giờ ao ước được sướng hơn mà chỉ muốn mình sẽ khổ đi, chịu đựng thêm vì con đường lên thiên đàng là con đường hẹp…”. 
Lực lượng “nhà thờ” đông đảo vậy nhưng chẳng là gì với chính quyền cách mạng tiêu biểu nhất là Môn - Chủ tịch xã: “Một trong những địch thủ nguy hiểm nhất của nhà xứ là Môn, xã đội trưởng ngày trước và nay là chủ tịch xã…”. 
Trong cải cách, do “âm mưu của nhà thờ”, Môn đang là xã đội trưởng bị kích lên “thành phần phản động” suýt nữa bị bắn như Rỹ. Lúc sửa sai, Môn được phục chức và trở thành một đảng viên trung kiên, lập trường còn vững hơn cả cấp trên. Môn thường xuyên theo dõi các hoạt động trong nhà thơ và bắt ne bắt nẹt. 
“Một hôm trên tòa giảng, cha Vinh cao hứng nên có giảng chệch ra ngoài kinh sách E-van đôi chút: “Vinh đây dẫu đầu rơi máu chảy cũng không chịu lui đâu. Nó có vả ta má bên hữu ta còn giơ má bên tả cho nó vả nữa kia. Ai chịu bắt bớ vì sự công chính thì có phúc thật vì nước trên lời là của kẻ ấy…”. 
Lập tức có kẻ mật báo, ngay sau buổi giảng, “Môn nhân danh chính quyền mời cha Vinh đến trụ sở nói chuyện”. Khi cha tới, “cha đưa tay ra nhưng không ai bắt nên lại rụt tay về”, Môn trấn áp ngay: “Linh mục làm phản động, chính phủ bắt giữ để tự hối cải lại còn nói không lùi bước. Ý chừng linh mục muốn chống đối với chúng tôi mãi chăng? Muốn làm phản động lần nữa hay sao? Nếu vậy chúng tôi sẽ có cách…”. 
Tất nhiên cha sợ vãi mồ hôi, lần sau cạch đến già có giảng kinh thì cũng phải “uốn lưỡi bảy lần”. Khi “duyệt” cho nhà xứ thành lập đội kèn, ông Chủ tịch Môn còn đặt điều kiện: “Người trong hội kèn chỉ biết có thổi kèn thôi, ngoài ra không được làm những việc gì khác, nói rõ ra là không được làm chính trị. Nếu có thế nào thì ban chánh trương phải chịu trách nhiệm. Còn nếu bằng lòng đặt dưới sự lãnh đạo của Uỷ ban thì cụ thể phải nằm trong khối văn xã…”. 
Ban chánh trương cùng các trùm họ mở tiệc mổ trâu để bầu Quý là địa chủ vào Ban chánh trương xứ. Tất nhiên Môn được mật báo và tuy không được mời cũng lừng lững đi vào bữa tiệc như chỗ không người rồi lên giọng chủ tịch xã: “Muốn đạo gì thì đạo, đã là công dân thì phải theo đúng pháp luật của Nhà nướ . Nếu ai làm trái thì dù bố mẹ đẻ ra cũng không bênh được…”. 
Rồi ông Chủ tịch xã can thiệp vào việc bầu bán của nhà thờ: “Tôi lấy một ví dụ: đã là địa chủ thì nhất thiết phải tước hết quyền công dân, không được tham gia bất cứ một tổ chức nào cả. Thấy ban chánh trương cũ bất lực cần bầu lại thì cứ bầu, giáo dân chúng tôi hoan nghênh mà ủy ban cũng hoan nghênh, nhưng bầu địa chủ là sai, địa chủ lãnh đạo nông dân là chuyện ngược đời, là trái chính sách, trái cả lẽ đạo…”. 
Và chỉ vài ngày sau khi chánh trương xứ Quý đi Hà Nội về, “Môn cho hai du kích đến áp giải Quý lại trụ sở bắt ngồi xuống đất. Môn hỏi: “Quý! Mày hãy nhắc lại tám điều quy định cho địa chủ sau cải cách ruộng đất để uỷ ban nghe!”. 
Lâu lắm ông chánh trương xứ mới lại bị nghe một người khác nói đến tên mình một cách láo xược vậy. Nhưng người đó lại là … đại diện chính quyền. Bởi vậy “Môn bảo sao hắn cũng vâng dạ ngoan ngoãn lắm như người bị mê muội từ lâu nay mới có dịp thức tỉnh. Môn kết luận: “Mày đi Hà Nội không xin phép ai, đáng lý phải trị thẳng tay làm gương cho đứa khác nhưng Ủy ban tha thứ lần đầu. Còn mày làm những gì thì trong này đã có hồ sơ cả. Đời mày do mày định đoạt lấy. Muốn ăn cơm nóng, ở nhà với mẹ với vợ cũng được mà muốn ăn cơm mắm, ngồi xà lim cũng được…”. 
Ngày nay đọc lại đoạn văn này vẫn thấy “sởn gai ốc”. 
Chủ tịch xã Môn là người “đạo gốc”, một “con chiên” của Chúa, nhưng nay đã trở thành “con sói ” giữa bày cừu, “một trong những địch thủ nguy hiểm nhất của nhà xứ”, “không thích làm những việc vụn vặt, tầm thường, bao giờ cũng đảm đương những nhiệm vụ khó nhất, phức tạp nhất người khác không làm nổi”, là một người “ốm cũng không dám nằm thật, bị cảm đã mấy hôm vẫn ra trụ sở, hay “ngồi nhà nhưng vẫn giải quyết công việc… vui lòng hy sinh đời mình cho công tác”. 
Người thay mặt chính quyền “mácxít hơn cả những người cộng sản” vậy tất nhiên cán cân phải lệch về phía cách mạng trong cuộc đấu tranh “quyết liệt” “ai thắng ai”. 
Thực ra “ai thắng” quá rõ rồi và đó không phải” đấu tranh một mất một còn” giữa hai bên, mà chính là cuộc trấn áp tất cả những gì gây nguy hại tới quyền lực của Đảng. Bởi thế người ta thấy mối quan tâm của ông Chủ tịch xã Môn chẳng nhằm phát triển sản xuất nâng cao mức sống cho dân mà chỉ nhăm nhăm để ý coi nhà thờ có biểu hiện gì xâm phạm tới “đường lối của Đảng và Chính phủ”. 
Từ việc nhỏ như xứ đạo mổ trâu ăn mừng Ban chánh trương mới ra mắt phải xin phép tới thành lập hội kèn phục vụ lễ rước cũng thành chuyện “trong đại” phải xem xét bên trong có âm mưu chống phá gì không? Khi “duyệt” cho nhà xứ thành lập đội kèn, ông Chủ tịch Môn còn đặt điều kiện: “Người trong hội kèn chỉ biết có thổi kèn thôi, ngoài ra không được làm những việc gì khác, nói rõ ra là không được làm chính trị. Nếu có thế nào thì ban chánh trương phải chịu trách nhiệm. Còn nếu bằng lòng đặt dưới sự lãnh đạo của Ủy ban thì cụ thể phải nằm trong khối văn xã…”. 
Ôi thôi, thế thì Đảng cho người thay cha “quản lý” việc đạo cho rồi. 
Cán bộ Đảng được Nguyễn Khải ca ngợi một tấc lên trời, ngược lại, các cha đạo không “hám gái” cũng “hám tiền”. 
Ở xứ đạo có một bà goá mới ngoài 40, “nhưng còn tươi tắn khoẻ mạnh lắm, khi ông bõ ở nhà xứ chết thì ban chánh trương cắt cử bà vào thay”. 
Bà goá này “ngày hai bữa cơm dâng cha và các chú ăn, giặt giũ quần áo, chăn lợn, làm vườn, dần dần cai quản cả thóc lúa và việc chi tiêu trong nhà xứ. Đêm bà cũng không về nhà cứ ngủ trong cái buồng kho”. 
Có người đàn bà phây phây bên cạnh, làm sao cha không động lòng trần tục. “Khi thì bà lên buồng cha Vinh bưng cơm rót nước, khi cha Vinh xuống buồng bà hỏi han công việc. Có một buổi trưa cha đang ngủ bà sai cháu lên buồng cha gọi: “Cha ơi cha, bà con bảo cha cởi áo cho bà con vá…”. 
Ngoài chuyện “gái gủng” ra, các cha còn tìm mọi cách moi tiền của giáo dân… Ông Bính, một con chiên ngoan đạo nhận xét: “Các cha xứ từ trước đã ăn mười phần thì nay nên thương con chiên mà ăn năm thôi. Các cha tải của về quê có nhiều chứ ăn là mấy. Làm thầy nuôi vợ, làm thợ nuôi miệng, các cha không có vợ thì cho bố mẹ, anh em, bà con…”. 
Còn cha Thuyết thì thu tiền của giáo dân theo giá “cắt” cổ: “Ông kể lại một hôm ngồi hầu cơm cha Thuyết, được nửa bữa có người đến hỏi: 
- Lễ sáng nay làm cho linh hồn vừa mới qua đời hết bao nhiêu? 
Cha vừa ăn vừa trả lời: 
- Hai vạn. 
Người kia móc tiền để vào đĩa, bốn tờ giấy năm nghìn còn mới. Bữa cơm chưa xong đã có tốp đến mười bà dòng vào cũng để tiền vào đĩa dâng lên. Cha ngưng đũa hỏi: 
- Tiền gì? 
- Trình cha tiền tứ kỳ. 
- Mấy vạn. 
- Trình cha ba vạn mốt… 
Cha lại cuộn tiền cho vào túi. Cha ăn chưa hết bát cơm mà được món bổng những hơn năm vạn, mình vai vác cầy, tay dong trâu, làm hang đá, dựng đèn đại khó nhọc hàng tháng chẳng được xu nào…”. 
Các cha đạo có “ăn tiền” như cán bộ ngày nay ăn phong bì không? Hay ông nhà văn “bôi bác”, “vơ đũa cả nắm”? 
Hình như đã “ấn định” viết tiểu thuyết với chủ đề “xung đột” nên chẳng riêng gì các cán bộ cốt cán như Môn, Nhàn, Thuỵ… mà ngay chính nhà văn Nguyễn Khải nhìn đâu cũng thấy “xung đột”, nhìn cái gì cũng thấy “địch phá hoại”. 
“Năm ấy thôn Hỗ được mùa, “no ăn cho nên thanh niên đua nhau chơi diều sáo… Thanh niên chơi, cán bộ chơi, cả cụ già cũng thả diều… Ông trùm Hoà nói chuyện với Môn, với Nhàn, với các cán bộ của xã”. Đấy, nhờ sự lãnh đạo của Ủy ban, năm nay thôn nhà vui vẻ quá, đàn sáo suốt đêm…”. 
Chơi diều ở nông thôn là chuyện bình thường, nhưng tác giả cũng cố gài cho nó một ẩn ý “chính trị”: “Thôn xóm đương sầm uất vì việc đạo, vui vẻ phần đời thì vợ Liêu ngồi bán hàng ở chợ Hỗ rỗi mồm kháo chuyện: “bây giờ ở dưới đất các ông cán bộ tranh hết phần nói nên dân lại phải làm mồm ở trên giời…”. 
Thế là lập tức nhiều người phụ hoạ: “Đấy, nghe kỹ mà xem, cái sáo nó cứ kêu: cha ơi… cha ơi… cha ơi…”. 
Thế rồi một số người xì xào to nhỏ với nhau: “Bây giờ hoạ cộng sản dâng lên như nước thuỷ triều, không thể đối địch với chúng được, càng cựa càng bị giây pháp luật thít chặt đành phải nhờ tiếng sáo nó kêu khắp bốn phương may ra có thấu đến Chúa, đến đức Mẹ, đến các cha ở miền Nam không?”. 
Vậy là giống đội cải cách “phóng tay phát động quần chúng” nhìn đâu cũng ra địa chủ, qua tiếng sáo diều ông nhà văn cũng nghe thấy tiếng nói cuả bọn “phản động”. 
Sau vụ “sáo diều” đến vụ làm “nhà nguyện”: “Cũng nhân dịp năm nay làm ăn xởi lởi nên một vài xóm rục rịch dựng nhà nguyện để sớm tối giáo hữu đến đọc kinh, đỡ phải lên mãi nhà thờ xứ…”. 
Thông thường, chuyện dựng nhà nguyện có gì ghê gớm, nhưng ông nhà văn cũng lồng vào đó “âm mưu phá hoại của nhà thờ”. 
"Cây cầu" - tranh của họa sĩ Levitan
Thế là nhân dịp Chủ tịch xã Môn đi vắng nửa tháng, ông trùm Hoà xin phép bà Phó Chủ tịch Nhàn dựng nhà nguyện. Bà này lý luận: “Đứng về phía chính quyền mà xét thì việc dựng thêm nhà thờ họ lẻ rất phù hợp với chính sách bảo vệ tín ngưỡng của chính phủ, đứng về mặt đạo thì lại càng nên khuyến khích hơn, nước Chúa có được mở rộng thì mới có thêm nhiều linh hồn được cứu chuộc…”.
Thế là bà Phó Chủ tịch Uỷ ban cho phép luôn: “Uỷ ban đồng ý buổi sáng thì buổi chiều họ xóm trại khởi công xây dựng nhà thờ ngay… Văn phòng của ông chánh đốc công xây nhà thờ họ chật ních người đến làm việc phúc đức. Giá thóc chợ Hồ xuống hẳn vì xóm trại đem thóc đi bán nhiều quá…”. 
Như vậy nhà thờ phải làm vội làm vàng để qua mặt ông Chủ tịch xã. Nhưng rủi cho mấy ông, khi nhà nguyện cất xong, sửa soạn làm lễ khánh thành thì ông Chủ tịch xã đi công tác về. 
Ngôi nhà nguyện đã xây xong, ông Chủ tịch xã không ngăn cản được nữa, trong cuộc họp Ủy ban, ông thẳng thừng phê bình bà Phó Chủ tịch Nhàn “hữu khuynh” cho phép dân xây nhà nguyện: “Tôi thử hỏi các đồng chí chỉ riêng có một xóm trại xin làm nhà thờ hay là cả miền này, cả tỉnh này đang rục rịch yêu cầu thế? Có phải chỉ sau khi ông Lân nhân danh đức Cha đi kinh lý các xứ mới sinh ra cái chuyện này không? Tại sao các xóm phàn nàn là hồi này gọi đi họp rất khó. Bây giờ chưa khó lắm đâu, nay mai mà để mỗi xóm lẻ mọc lên một cái nhà thờ hoặc một cái nhà nguyện thì tối đến chỉ đánh chuông đến boong một tiếng là cán bộ ngồi trơ một mình khai hội với bức vách. Đồng chí Nhàn bảo tôi tả, nhưng tôi lại nhận xét đồng chí giải quyết các việc thuộc về tôn giáo rát khờ dại. Cứ giải quyết theo hướng đó thì có ngày Ủy ban đem vợ con lên núi ở…”. 
Và ông gây sự bằng cách không cho tổ chức ăn mừng khánh thành và bắt mấy ông trùm đạo mang hết sổ sách lên để ông… kiểm tra và chỉ đạo: “...vôi nhà xứ đã có sẵn mười tạ, nay mua thêm hai mươi tạ nữa là vừa đủ, xây hai cổng, xây tường hoa, quét vôi trong nhà thờ. Nhà thương phía sau nhà cô mụ quá dột nát thì sẽ vận động các xóm góp rạ, góp tre lợp độ dăm buổi. Ghế gãy đóng lại, nếu còn thiếu thì đóng thêm. Không nên mua chiếu ngoài rất tốn, chỉ cần mua ít đay, ít cói rồi triệu tập thanh nữ, bà già lại đánh đay, đem bàn dệt vào dệt…”. 
Vậy là ông Chủ tịch xã muốn làm cha thiên hạ, cai quản luôn cả việc đời lẫn “sự đạo”. Ông “thò tay chỉ việc” cho nhà thờ sát sạt vậy chứng tỏ Đảng “quan tâm” “ưu ái” tôn giáo lắm, thể hiện “chính sách tự do tín ngưỡng” sáng ngời còn kêu ca nỗi gì? 
Cũng may, hồi đó nếu tiểu thuyết “Xung đột” của nhà văn Nguyễn Khải mà lọt vào tay một chuyên viên phân tích của Toà Thánh thì còn gì là những “lời hay ý đẹp” về tự do tín ngưỡng của Đảng và Nhà nước ta? 
Chị Phó Chủ tịch Nhàn cho dân “xây nhà nguyện”, “ăn mừng khai trương”, cứ ngỡ đứng về phía giáo dân, ngờ đâu khi nghe ông trùm phát biểu “ý kiến” theo kiểu “tư cách công dân” trong một đất nước có luật pháp: “Nói thẳng ra, cứ thế này mãi thì khó ai tin được lời chị nói, khó ai tin được cái uỷ ban này nữa. Dân bầu lên thì dân cũng có quyền truất đi. Không dễ mỗi lúc bỏ tù nhau…”. 
Chị ta cũng nhảy nhổm lên vì quyền lực bị động chạm: “Bây giờ ông định bàn với tôi về làm nhà thờ họ hay muốn phê bình uỷ ban ?”. 
Ông trùm họ tưởng mình còn có cái gọi là “quyền công dân” vẫn gan lì: “Chúng tôi là dân, chúng tôi không biết đâu đến sự làm việc của Ủy ban mà phê bình, Ủy ban làm đúng hay sai thì tự xét lấy…”. 
Lập tức chị Phó Chủ tịch trở mặt, nổi xung: “Từ nay nếu ông bàn với tôi về việc làm nhà thờ họ thì tôi vẫn hết sức nghe ông, nhưng ông lại nói lếu láo, bậy bạ về Ủy ban, gây dư luận không tốt trong nhân dân thì Ủy ban sẽ chiếu theo pháp luật mà giữ ông lại. Ngày xưa cũng thế, bây giờ cũng vẫn thế, đã làm bậy thì dù là cha cụ, là chánh trương, trùm trưởng hay con chiên thường cũng đều phải chịu xét xử như nhau, chẳng nể mặt một ai. Toà Giám mục cũng không can thiệp được vào công việc của chúng tôi, toà thánh La mã cũng không dúng vào được công việc của Ủy ban. Ông đừng có doạ, tôi phụ trách về tư pháp tôi biết hơn rõ ông ….”. 
Ghê gớm chưa, “thằng dân” vừa mới mở miệng “phê bình chính quyền” bà Phó Chủ tịch xã đã tới tấp ra đòn đánh dập đầu, đánh “tiêu diệt”, mang cả Toà Thánh La mã ra đe nẹt khiến cho “mặt ông trùm đờ ra, môi nhợt trắng như người phạm lỗi bị bắt quả tang…”. 
Rồi tỏ vẻ “do dân, vì dân” bà Phó Chủ tịch thổn thức: “Tôi theo Chúa, tôi theo Chính phủ, tôi theo cả hai mà không được sao? Ôi, lạy chúa. Con cho họ miếng bánh nhưng họ đã ném đá trả lại, con đến với họ với tấm lòng nhân từ của mẹ, nhưng họ lại đối đãi với con như kẻ thù…”. 
Kìm kẹp, thắt buộc người dân thế mà dám bảo “cho họ miếng bánh” với cả “đến với họ với tấm lòng nhân từ của mẹ”, còn thằng dân mới chỉ “em xin phê bình cán bộ” vậy mà đã la làng lên “họ ném đá trả lại”, Giê-su-ma lạy Chúa tôi, trên đời còn có ai xảo ngôn đến thế chăng? 
Nếu như “Xung đột” phần I (viết năm 1956) khép lại những “xung đột” giữa chính quyền và giáo hội thì “Xung đột” phần II (viết năm 1961) mở ra những “xung đột” giữa con người với “lợi ích vật chất”. 
Trước hết là cha Thuyết, cha linh hồn của cả giáo phận, được Nhà nước “quan tâm” cho đi mổ lấy sỏi mật, bỗng dưng biến thành một người ca ngợi “miếng ăn, miếng uống” sặc mùi “ơn Đảng, ơn cụ Hồ”. 
Ta hãy nghe đấng chăn chiên “hồ hởi phấn khởi” bốc thơm bệnh viện Nhà nước: “Ôi chao, quý hoá quá sức mình, cao trọng quá đỗi. Cái nhà thương rộng dễ đến một xóm của ta, cao ngân ngất như đền thánh đức Mẹ ở Phú Nhai vậy…”. 
Rồi cha khoe được “ưu tiên” hơn cả cán bộ xã: “Này, thằng Thuỵ, con Nhàn có ốm cũng chưa dễ đã được vào chỗ tôi nằm đâu. Lúc đầu tao cũng chẳng tin gì vào cái khoa mổ xẻ, còn chần chừ lắm. Nhưng chính phủ đã bỏ công, bỏ tiền xây dựng một tòa nhà to như vậy, nuôi hàng trăm ông bác sĩ thì tao chắc họ làm phải giỏi…”. 
Mổ bụng vậy mà cha… không được đánh thuốc mê hay sao mà cha một tấc đến trời: “Lưỡi dao họ lách vào đến đâu tai tao nghe rõ đến đó, nhưng chẳng đau đớn gì sốt. Để tôi lấy bà lão xem cái vật quý này - Cha chạy vào mở tráp cầm ra một cái gạc bông. Bà đã thấy chưa, lúc họ mới đưa tôi để làm kỷ niệm nó to bằng ngón tay cái sờ rắn như đá sỏi. Nó nằm trong bầu mật dễ đã hàng chục năm nay, cái cơn đau vừa rồi mà ở nhà quê chắc là chết….”.
Rồi cha bầy tỏ tình cảm của mình với cái nhà thương mà Nhà nước đã cho cha nằm: “Một tháng ở đấy thanh nhàn vui sướng chẳng nói được, toại lòng phỉ chí đến không muốn ra về nữa…”. 
Đến cái cách cha ca ngợi “miếng ăn hàng ngày” mới thật thảm hại: “Cha cười ầm ầm: “Min ăn suốt ngày, thật như con trẻ, bốn bữa, năm bữa, mỗi bữa ăn một vực cơm đầy. Bây giờ thì min có thể sống thêm được vài chục năm nữa…”. 
Được chút “bổng lộc” Nhà nước, cha trở giọng chửi bới cha Lân Toà Giám mục vốn là người đang bị chính quyền nghi ngờ kích động giáo dân: “Tao cứ trông thấy thằng Lân ở đâu là chỉ muốn lánh mặt. Nó chỉ đem phiền muộn đến cho mình. Muốn an nhàn một chút cũng chẳng được. Cái thứ ấy chẳng liên quan gì tới tao, tao là đấng chăn chiên thì chỉ biết vâng theo lệnh bề trên thôi…”. 
Ngay với đức bề trên trực tiếp là cha Tuệ, giám quản địa phận Bái, cha cũng giở giọng bóng gió với ông Thường trực Uỷ ban xã: “Tao thấy ở đời này lắm người có đạo mà lại hay bỏ vạ cáo gian, đức hạnh nết na chả có, lòng đầy rẫy những sự ghen tuông, hờn giận, oán thù. Mặc áo thầy tu mà trong lòng thì dữ tợn quá con quỷ…”. 
Sau khi đặt vào miệng cha những lời bôi xấu cha bề trên, ông nhà văn lại biến cha thành kẻ “chỉ điểm”: “Ông Tuệ có ý mời các cha trong địa phận về Bái họp, áng chừng muốn dùng số đông khiếu nại lên chính phủ…”. 
Và cha bầy tỏ lòng quy thuận: “Nhưng bây giờ thì tao mặc, tao cũng có nói với lão Lân rằng: ở Toà Giám đã có đức giám quản sáng suốt khôn cùng, đã có cha chánh xứ, cha cố vấn, hội đồng tư vấn gồm toàn những con người khôn ngoan rất mực thì còn cần gì đến những thằng già lẩm cẩm chỉ biết giảng kinh , giải tội cho con chiên, chỉ biết chú mục làm việc Chúa cho danh Cha cả sáng…”. 
Rồi cha nộp cho nhà cầm quyền thư của cha Giám quản gửi cho cha: “Trong cuộc giao tranh thiêng liêng để chiếm nước thiên đàng, đạo binh hùng dũng nhất là đạo binh cầm tràng hạt Mân Côi chứ không phải là khí giới cầm tay…”. 
Than ôi, chẳng lẽ mới chỉ được bố thí chút lộc chữa bệnh mà cha đã bán linh hồn ca ngợi kẻ cầm quyền và tố cáo người trong giáo hội sao? 
Quả thực, vạch trần “chân tướng” linh mục, giải “cây bút vàng” phải giành cho Nguyễn Khải trong Xung đột II. 
Thế rồi cha mồi chài, làm sa đọa đến cả “đồng chí” Thuỵ, thường trực Ủy ban: “Rồi cha móc túi lấy ra một cuộn bạc chẳng cần đếm là bao nhiêu đưa cho Thuỵ. Từ đấy Thuỵ là người cai quản hết thảy mọi việc… qua mỗi việc Thuỵ lại lên trình bẩm với cha và lần nào về cũng đưa cho vợ hàng gói bạc…”. “Đáng lý chỉ cần một trăm thì cha lại vứt ra một trăm rưởi. Cái con số lẻ ấy mới đầu như chênh vênh nhưng dần dần nó đã tìm được chỗ đứng vững chắc…”. 
Thế là từ đó mâm cơm nhà Thụy không chỉ là “rau muống luộc chấm nước cáy” nữa, “vợ Thuỵ đã phải lăn xuống bếp: hôm giết con gà, hôm đánh bát tiết canh vịt, rồi nào lòng xào, lòng nấu miến, khúc cá rán, khúc nẩu riêu, rau muống cũng phải xào đẫm mỡ…”. 
Đồng chí thường trực Ủy ban thay đổi hẳn, “toàn một giọng hỉ hả, đài các, toàn những chuyện may sắm, lựa chọn cái này cái nọ, tính toán giá gỗ đóng giường, giá vải hoa làm màn che, cái phích đựng nước nóng, bộ ấm pha trà…”. 
Ôi lậy Chúa, cán bộ hư hỏng? Đó là lỗi tự nhà thờ. 
Hoá ra từ thời đó đã hiển hiện loại người mới xuất hiện sau cách mạng:“ cán bộ” . Tham lam vật chất, khăng khăng giữ ghế, sẵn sàng hạ độc thủ bất kỳ ai động chạm tới ghế của mình . Hình ảnh ông Thường trực uỷ ban xã đúng là chân dung tiền bối của quan chức các cấp thời bây giờ. Có điều , ông nhà văn chỉ dám dựng nhân vật đó như trường hợp cá biệt, “con sâu làm rầu nồi canh”, còn tuyệt đại đa số cán bộ ta vẫn chí công vô tư, hết lòng vì nước vì dân.Và tin tưởng sắt đá loại “cán bộ tiêu cực” như Thuỵ nhất định sẽ bị đào thải : 
“ Hơn nửa năm nay …Thuỵ không còn được đảng viên trong chi bộ tín nhiệm nữa. Kỳ bầu ban chi uỷ vừa qua, Thuỵ chỉ được vỏn vẹn có hai phiếu, một lá của Môn và một nữa chắc do Thuỵ viết…” 
Nhà văn tuyệt nhiên không dám thừa nhận loại cán bộ như Thuỵ mới chính là “nhân vật thời đại” . Nó như ký sinh trùng ngày càng sinh sôi nảy nở, hằng hà sa số, sống bám trên cơ thể dân tộc, đục khoét, ăn cắp từ tiền bạc, địa vị xã hội tới tài nguyên, môi trường, phá hoại những di sản quá khứ và làm băng hoại những giá trị tinh thần và đạo đức xã hội. 
Sau khi cải cách ruộng đất phá tan đạo lý cổ truyền làng quê Việt Nam, vài năm sau Đảng lại rầm rộ phát động hợp tác hoá nông nghiệp chỉ hơn 20 năm sau đã phá huỷ gần hết năng lực canh tác trên ruộng đồng . 
Tuy nhiên mãi tới năm 1986, tính chất phá hoại đã rõ rành rành, cái chết nó gây ra đã tới sau lưng, Đảng mới ngấm ngầm xoá bỏ nó bằng việc trả lại ruộng đất cho dân và giải tán các hợp tác xã nông nghiệp. 
Sự sụp đổ của công cuộc hợp tác hoá nông nghiệp kéo theo cái chết hàng loạt tác phẩm lừng lẫy một thời : Cái sân gạch, Vụ lúa chiêm của Đào Vũ, Đất làng của Nguyễn thị Ngọc Tú và cả Xung đột ( tập 2) của Nguyễn Khải…. Bao nhiêu thành tích, bao nhiêu tính ưu việt , bao nhiêu đổi thay tích cực của bộ mặt nông thôn, bao nhiêu đổi đời sung sướng của người nông dân được các nhà văn tô vẽ, tâng bốc lên mây xanh bỗng chốc tan tành sương khói bới cái nghị quyết “ khoán sản phẩm” của Đảng - thực chất là sự cáo chung cho “ lề lối làm ăn tập thể”, cho “hợp tác xã nông nghiệp” mà suốt mấy chục năm các nhà văn của Đảng ra sức tô vẽ. 
Trong Xung đột - phần II, “vào ngày lễ mở đầu tháng đức Mẹ cũng là ngày thứ ba của cuộc “vận động hợp tác hoá” sôi nổi, rầm rộ suốt tám xóm trong xã. Mỗi xóm thành lập một ban vận động gồm những người trong ban quản trị hợp tác xã cũ, đội trưởng đội sản xuất và một vài người mới nữa. Tiếng trống , tiếng loa nổi lên từ lúc chuông nhất và chỉ tắt đi vào khoảng gần nửa đêm…” .
Chống đối lại cuộc vận động đó, theo ông nhà văn, tất nhiên chỉ có… nhà thờ: 
“Tiếng loa của đức chúa Trời và lời giảng hùng hồn của cha Lân “ đối lập với “tiếng trống của người thế gian và lời lẽ vận động đầy sức thuyết phục của cán bộ xã “ làm cho “cuộc sống ở thôn Hỗ cứ náo động suốt đêm ngày. Không có tiếng súng nổ nhưng tâm trạng con người thì giống hệt như trong một trận chiến đấu. Cũng có những người kiên quyết và những kẻ dao động, tin tưởng và bi quan, phẫn nộ và bình tĩnh…”. 
Đó là cuộc chiến tranh được ông nhà văn “tô vẽ” giữa “nhà thờ” và chính quyền cộng sản đại diện là mấy ông cán bộ xã. “Tiếng loa của đức chúa trời" chẳng thấy đâu nhưng lời giảng được cho là của cha: 
- Hiện nay ma quỷ đang dùng thóc gạo làm chước độc để mê hoặc linh hồn các con. Song các con hãy nhớ lời Chúa đã từng phán tỏ tường rằng : bay lo ngày mai mà làm chi, đến ngày mai sẽ hay , bởi chưng sự khốn khó ngày nào đã đủ cho ngày ấy… 
không những chẳng lọt được vào tai giáo dân: 
- Không nói đâu xa xem như vợ chống thằng Quảng kìa, chồng vay hợp tác xã được mấy chục cân thóc gánh về, vợ đã mặc áo ra nhà thờ thấy thóc cởi cả áo ra, chồng xay vợ sàng hì hụi từ chập tối đến nửa đêm, vừa làm vừa đùa bỡn nhau dễ còn vui hơn cả lễ Phục Sinh… 
mà còn bị bôi bác: 
- Ấy vậy mà cha mới nói là ma quỷ dùng thóc gạo cám dỗ nên người thế gian mới bỏ cả đức tin, bỏ cả Chúa… 
Vậy là “cha” thua một cách dễ dàng, nông dân ào ào nộp đơn vào hợp tác xã . Ông nhà văn diễn tả một ông bố sai con viết đơn với nhiệt tình và lòng thành kính như viết đơn cho Chúa Giê xu xin lên… thiên đàng: 
- Vui, này lấy giấy bút ra đây tao muốn nhờ mày một việc… 
Cô con gái lấy tờ giấy mực lem luốc , lập tức bị ông bố mắng : 
- Mày coi khinh bố mày thế hả con , không nỡ cho bố một tờ giấy đẹp đẽ ư ? Đã dùng vào việc cao trọng thì chớ lấy những thứ dơ dáy... 
Rồi ông quay sang vợ : 
- Cả đời chỉ có một lần. Bà hiểu cái việc tôi nói là việc gì rồi chứ ? 
và lệnh cho con : 
“ Lấy vạt áo lau sạch cái ngòi bút đi thì nét nó mới thanh được. Bắt đầu như thế nào nhỉ ? Việt Nam dân chủ cộng hoà… năm thứ mười lắm…
Trong thực tế, lùa được nông dân vào hợp tác xã là một việc phải thúc ép, cưỡng chế vậy mà ông nhà văn “tâng” lên thành một thứ ý nguyện thiết tha của dân làng . Ông còn “mượn mồm” một bà nhà quê để ca ngợi cái ưu việt của lề lối “ làm ăn tập thể”: 
- Như nhà tôi chỉ riêng khoán cày khoán bừa hai mẫu cũng mất đứt hai chục thóc rồi.Cái trò đem trâu cày ruộng nhà người đến mùa lấy thóc thì làm kỹ sao được… Còn vụ vừa rồi ai cày ai bừa mặc ai, chị em chúng tôi cứ ra công cấy, làm chung ăn chung, anh làm dối thì cái cót thóc của anh cũng ít… 
Ca ngợi “làm chung ăn chung” như vậy, ông nhà văn đâu có biết cái kiểu “tập thể hoá" đó khác gì “cha chung không ai khóc” khiến đồng ruộng bỏ hoang, mùa màng thất bát khiến Đảng lại phải giải tán “làm chung” trả ruộng đất về cho ai nấy làm. Ngày đó chắc ông Nguyễn Khải chưa nhận ra hoặc nhận ra mà vẫn giả ngu, vẫn nhiệt tình ca ngợi cái lợi của hợp tác xã qua mắt bà nông dân: 
- Tôi chẳng gì cũng nhiều tuổi hơn các chị, cái khổ cái sướng đã trải qua, trước khi vào hợp tác xã tôi cũng tính toán chán, nếu không có lợi thì tôi vào đầu làm gì…Lạy Chúa, từ ngày biết làm ngươiø tới giò, chỉ có mỗi vụ chiêm vừa rồi vào hợp tác tôi mới nhàn nhàn cái thân chút ít…
Tất nhiên vào hợp tác xã không chỉ đánh trống ghi tên, khối người lừng khừng, đắn đo để rồi: “Không vào cũng chẳng được, họ vác trống vác loa đến tận đầu nhà kể lể, than vãn nghe nẫu cả ruột chứ dễ được yên ư ? Hết tốp cán bộ này ra, lại đến tốp khác nối chân vào. Ngồi tiếp chuyện các ông ấy thì mất ngày mất buổi, lánh mặt lại sợ họ bảo mình có ý tứ gì…”.
Vậy là cả làng cả tổng đều ‘tiến bộ”, đều thành xã viên hợp tác xã chỉ trừ ra có mỗi …ông linh mục, khiến bà con phàn nàn : 
- Ông Tam ạ, tôi xem ra các cha mà tiến bộ được như mình thật là khó. Mình theo chế độ mới nào có mất gì, chỉ được thôi, còn các ông ấy mà theo ta thì túi tiền vơi đi quá nửa… 
Thế rồi ông nhà văn lấy ‘dạ tiểu nhân đo lòng quân tử”, lấy cái “tâm lúc nào cũng lo ăn” để phân tích các cha tinh thần: “Tôi tính cho các ông các bà nghe nhá. Trước kia ở tổng này có ba chục thằng địa chủ , đứa nào hàng năm chẳng có mấy ngày giỗ kỵ cha mẹ , tổ tiên , lại sửa một mâm chén , tiền lễ đưa cha để cha cầu nguyện cho. Vậy là một món. Nhà nào có cha già mẹ héo cũng phải cố thu xếp mời bằng được cha đến làm phúc , cơm ăn rồi còn tiền đưa tận tay cho cha cầm về. Một năm một lần làm lễ kỳ hồn cho cả xứ, gia đình nào cũng phải đưa tiền , neo túng thì hai ba đồng , sang trọng thì từ một trăm trở lên. Ba món nhé !...Chả trách người ta đồn vàng ở Toà thánh còn nhiều hơn cả thế gian gộp lại…”. 
Nhìn nhận về thiên chúa giáo như vậy, quả thực ông nhà văn Nguyễn Khải xứng đáng là người… "duy vật". Chỉ có điều tới ngày nay nếu có dịp đọc lại tác phẩm của mình, hẳn ông nhà văn phải cay đắng thừa nhận rằng cái “hợp tác xã nông nghiệp” mà ông hết lòng ca ngợi đã sụp đổ từ tám đời, nay chỉ còn là cái “bia miệng” cho thiên hạ chê cười , còn cái nhà thờ mà ông ra sức bôi bácvẫn cứ lừng lững mà xem ra mỗi ngày cái “sự đạo” lại thêm tưng bừng náo nhiệt.
Nhà văn Nhật Tuấn
(Một số ảnh không liên quan đến nội dung bài viết)
"Mềm mại" - người mẫu Paris Hiltol

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét