Thứ Ba, 14 tháng 8, 2012

Thơ nhập đồng, không nên đùa hay tung hô cầu danh

"Em tắm" - Hot girl Trung Quốc
TranNhương.com: Hiện tượng thơ Hoàng Quang Thuận có rất nhiều ý kiến trái chiều. Chúng tôi vừa nhận được bài của Trần Đình Thu góp thêm một góc nhìn khác. (ảnh không liên quan đến bài viết)
Tôi tiếp xúc với hai tập thơ của Hoàng Quang Thuận từ rất lâu, có giới thiệu vài bài trên web binhchonthohay.com. Gần đây tôi có số phone của ông Hoàng Quang Thuận nên gọi trực tiếp cho ông ấy, xin được cung cấp hai file gốc của hai tập thơ nhằm mục đích đưa nguyên vẹn lên trang web của tôi cho quý bạn yêu thơ doawnload về đọc. Nhưng ông Thuận có vẻ không mặn mà. Ông bảo tôi gọi cho vị viện phó nào đấy của ông ấy, còn ông thì bận lắm. Thấy người không có lòng nên tôi thôi. Thành ra mục “doawnload tác phẩm” của web tôi không có hai bản thơ này. Thật tiếc. 
Tôi có nhận xét ngắn gọn thế này về thơ do ông Hoàng Quang Thuận viết ra: Hơi thơ lạ, và “lạnh”, có cái gì đó rất “cõi trên”. Tôi từng biết hiện tượng nhập đồng thơ. Ở làng tôi (làng Hà Trung huyện Gio Linh tỉnh Quảng Trị) có khu Lăng Lầu rất linh thiêng. Một số người thường đến đó cầu cơ và xin thơ. Quả thật họ xin được những bài thơ khá lạ, dù có người bình thường không biết thơ phú là gì. Thí dụ vào năm 1990 họ xin được bài thơ đánh số đề như sau: 
"Năm Canh Ngọ nhiều người muốn lộc 
Ta giúp trần, trần phải giúp ta
Trên trời sao sáng hằng hà 
Nghĩ ra mà đánh cả ba con đầu"
Năm đó tôi trúng đề khá đậm, liên tiếp hai lần cách nhau ba ngày khi giải bài thơ này và một bài thơ nữa sau đó. Nhưng tôi sẽ viết về những bài thơ đánh đề này trong một dịp khác. Bây giờ tôi xin nói về thơ nhập đồng của Hoàng Quang Thuận. Thực sự thì tôi tin là có hiện tượng nhập đồng thơ, dù chưa rõ vì sao có hiện tượng đó. Và tôi cũng tin là thơ của Hoàng Quang Thuận viết ra trong hai tập thơ này chính là thơ nhập đồng. Nhưng thơ này khác với những bài thơ đánh đề mà tôi được đọc. Giả sử như có những tác giả “cõi trên” thật sự của những bài thơ nhập đồng, thì tác giả những bài thơ do Hoàng Quang Thuận viết ra phải là những bậc tao nhân mặc khách. Họ làm thơ khi đang dạo chơi ngắm nhìn non sông đất nước và thốt ra những lời thơ như thế chứ không phải cắm cúi làm thơ như chúng ta. Ví dụ bài "Trường Thành" sau đây: 
"Núi Đắm chạy sang núi Thanh Lâu 
Tường đông vững chắc những trụ cầu
Bắc thành vững chãi hình Lân phục 
Cát lũy thành cao cạnh hào sâu 

Nghìn năm mưa nắng với đất trời
Thành cổ Hoa Lư giữa mây trôi 
Vách núi dựng cao trời đất nước
Cờ lau gió thổi mãi không thôi".
"Hương sen" - tranh của họa sĩ Lê Thị Hải
Hầu như là các vị ấy nói ra bằng ngôn ngữ thơ thôi. Đây là điểm mà chúng ta cần lưu ý, không nên so kè theo luật thơ Đường như ông Trần Trương viết theo suy nghĩ người trần mắt thịt của chúng ta. 
Chúng ta hãy đọc một bài khác, bài "Lăng mộ Đinh Tiên Hoàng" chẳng hạn: 
"Vua Đinh nằm trên núi Mã Yên 
Thanh Long Bạch Hổ ngự điện tiền
Chu Tước chim bằng bay sóng cả
Huyền vũ Quy nằm giấc mơ tiên 

Vua Lê là quân tướng nhà Đinh 
Chân núi Mã Yên nặng nghĩa tình
An nghỉ ngàn thu trong cõi mộng
Đại Việt bao giờ hết chiến chinh?"
Bạn thấy đó, thật sự là những lời mây bay gió thổi. Thơ, nhưng không phải là thơ. Đó là tiếng thở dài, là lời vọng, là tiếng vi vu của ngàn xưa, là cái gì sâu thẳm ở đâu đó giữa cõi vô cùng. Thơ chỉ là hình thức, cái bên ngoài mà thôi. Còn bên trong là cái gì, chỉ người nào diễm phúc mới thấu thị được. 
Chính vì vậy, việc đem thơ này để xoi mói như ông Trương, chê ỏng chê eo là không nên. Rồi thì Hội Nhà Văn Việt Nam đem nó ra hội thảo, phân tích mổ xẻ cũng là không phải. Chúng ta cần xem thơ này là những sản phẩm kỳ ảo, lạ lùng, từ đâu đó giáng xuống cho con người trần Hoàng Quang Thuận để chúng ta đọc. Ta cảm ơn ông Thuận còn ông Thuận cảm ơn đất trời. Non sông Việt chúng ta cũng có diễm phúc gì đây mới tụ được loại thơ tiên này. Dịch tiếng Anh, tiếng Tàu để giới thiệu cho nước ngoài đọc thì cũng được, nhưng tham dự giải Nobel thì cần xem lại có nên hay không. Làm hội làm chợ lại càng không nên. Xin tiền xin bạc xin ngân quỹ nhà nước để làm rùm beng cũng không nên nốt. Hãy lặng yên để nghe cha ông vọng trong những lời tiên thơ ấy. Hãy lặng yên để nghe hồn non nước, nghe tiếng của ngàn lau lách trong cõi xưa. 
Cuối cùng, tôi xin gửi gắm đôi điều. Ai đó cần cân nhắc để đối xử cho phải với đạo đất trời. Thơ này không phải để cho quý vị đùa chơi đâu! Thơ giáng trần, không đùa được. Bảo trọng! Bảo trọng! 
Trần Đình Thu
"Vươn vai" - siêu mẫu châu Âu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét