Thứ Ba, 14 tháng 8, 2012

“Đường lưỡi bò” - Cái lưỡi không xương (!)

Vì khát vọng làm bá chủ thế giới Trung Quốc đã mất hết tỉnh táo, đã không tự kiểm soát được bản thân. Một mình chống lại công lý của thời đại...
Trung Quốc lớn tiếng tuyên bố với thế giới rằng chủ quyền của họ tại biển Đông là điều không thể tranh cãi. Dùng đường lưỡi bò để xác định biên giới quốc gia rồi dựa vào đó mà tuyên bố chủ quyền như Trung Quốc đã làm là điều chưa từng có trong lịch sử bang giao các nước trên thế giới. Công pháp quốc tế cũng chưa hề có tiền lệ nào như vậy. 
Cái tối thiểu nhất của đường biên giới quốc gia phải có, trên đất liền, là các cột mốc biên giới, trên biển, là các tọa độ được xác định theo kinh tuyến, vĩ tuyến. "Đường lưỡi bò” tuyệt nhiên không có những điều tối thiểu ấy. Hơn nữa để chứng minh chủ quyền không thể tranh cãi thì còn phải có ba yếu tố: 
1) chiếm hữu về mặt lịch sử. 
2) chiếm hữu về mặt thực tế. 
3) chiếm hữu về mặt pháp lý. 
Về mặt lịch sử, từ đời nhà Thương, nhà Hạ thời cổ đại, rồi đến các triều đại Tần, Hán, Sở, Tấn, thời trung đại, tiếp đến Tống, Nguyên, Minh, Thanh, thời cận đại, trong nhiều ngàn năm lịch sử của mình, Trung Quốc không hề có tài liệu nào chứng minh biển Đông thuộc lãnh thổ của họ. Cho đến đầu thế kỷ XX, bản đồ "Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ” được các giáo sĩ phương Tây vẽ theo bút pháp cận đại và xuất bản năm 1904 dưới triều nhà Thanh, có ghi nhận đất cực Nam của Trung Quốc là đảo Hải Nam mà không hề có điểm vẽ nào về những quần đảo nằm ở biển Đông. Mãi cho đến năm 1947, chính quyền Quốc Dân Đảng mới phác họa đường lưỡi bò gồm 11 đoạn, sau bỏ đi 2 đoạn, để khẳng định đường biên giới trên biển của họ. Vì không có bất cứ căn cứ nào khác, chính quyền Cộng hòa Nhân dân Trung hoa, ra đời từ năm 1949, liền bám vào đấy để tuyên bố quyền chiếm hữu về mặt lịch sử của họ (!) 
Việt Nam có đầy đủ các bằng chứng về quyền chiếm hữu về mặt lịch sử đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Gia Long, vua đầu triều Nguyễn (1802-1820) đã cho quân lính và ngư dân ra khai thác đảo Hoàng Sa. Năm 1816, Gia Long đã cho cắm mốc và dựng cờ xác nhận chủ quyền trên đảo. Năm 1883 Việt Nam bị Pháp chiếm làm thuộc địa. Năm 1834, trong "Đại Nam nhất thống toàn đồ” đã có ghi rõ Hoàng Sa và Vạn Lý Trường Sa thuộc lãnh thổ An Nam. Bản đồ được các cố đạo người Pháp vẽ có ứng dụng kỷ thuật gần giống như bản đồ hiện đại, có ghi rõ kinh tuyến, vĩ tuyến. Năm 1899 Pháp xây một ngọn hải đăng trên quần đảo này. Năm 1930 tàu Ma-li-xi-ơ (Malicieuse) đến dựng cờ chủ quyền. Năm, 1938, Pháp dựng bia chủ quyền trên đảo với những giòng chữ : "Cộng hòa Pháp - Vương quốc An Nam”. (République Francaise - Empire d’Annam). Sau năm 1954, Việt Nam Cộng hòa đưa quân đến đồn trú thường xuyên trên đảo Hoàng Sa. Như vậy bắt đầu từ thế kỷ XIX, các quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa đều thuộc quyền chiếm hữu về mặt lịch sử của Việt Nam. 
Về quyền chiếm hữu trên thực tế, quyền chiếm hữu thực tế được công nhận khi vùng đất, vùng đảo đã có hoặc cư dân đến sinh cơ, lập nghiệp, có quân đội đồn trú, có bộ máy quản lý và đã được đặt dưới sự quản lý của Nhà nước có chủ quyền. Vùng đất hay quần đảo bị nước ngoài dùng vũ lực để chiếm đóng, dù lâu bao nhiêu cũng gọi là vùng đất bị chiếm đóng. Nước dùng vũ lực để chiếm đóng đất thuộc chủ quyền của nước khác không được gọi đó là đất chiếm hữu về mặt thực tế. Vùng đất cao nguyên Gôlan, tuy bị Israel dùng vũ lực chiếm đoạt của Xyri đã 5 thập kỷ nay, mãi sau này vẫn là đất thuộc quyền chiếm hữu về mặt lịch sử của Xyri. Với Israel, đó là vùng đất chiếm đóng. Dẫu sớm hay muộn, Israel phải trả lại cao nguyên Gôlan cho Xyri. Của Xê da phải trả lại cho Xê da. 
Đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Việt Nam cũng có đầy đủ bằng chứng về quyền chiếm hữu trên thực tế từ đầu thế kỷ XIX. Tháng 1-1974, lợi dụng lúc chính quyền Việt Nam Cộng hòa đang lâm vào tình trạng sắp cáo chung, lợi dụng lúc Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đang dồn sức cho công cuộc giải phóng đất nước, chính quyền Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đưa hạm đội đến đánh chiếm ba đảo Cam Tuyền, Quang Hòa và Duy Mộng thuộc quần đảo Hoàng Sa. Tiếp đó Trung Quốc lại xua quân chiếm một số đảo trong quần đảo Trường Sa thuộc quyền quản lý của Chính phủ Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Theo công pháp quốc tế, đó là những vùng đất bị chiếm đóng bằng vũ lực. Chính quyền Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa không có bất cứ căn cứ nào để coi đó là vùng đất đã được chiếm hữu trên thực tế. Hoàng Sa và Trường Sa mãi mãi là đất thuộc chủ quyền của Việt Nam. 
"Nét buồn" - Hot girl Việt Nam
Về quyền chiếm hữu về mặt pháp lý, quyền chiếm hữu về mặt pháp lý trước hết là quyền xuất phát từ các văn bản pháp lý do các nước có liên quan lập ra khi kết thúc chiến tranh, hoặc do các hợp đồng mua bán giữa các quốc gia có liên quan, hoặc do các văn bản của công pháp quốc tế quy định mà các nước có liên quan đã tham gia. 
Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982 đã quy định phạm vi, ranh giới đường cơ sở, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, và vùng đặc quyền kinh tế thềm lục địa. Trung Quốc đã gia nhập và ký Công ước quốc tế về Luật Biển 1982. Về mặt pháp lý, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa không có quyền đòi hỏi chủ quyền các vùng đất, vùng biển nằm bên ngoài vùng đặc quyền kinh tế, của nước họ. Họ không có quyền đòi hỏi chủ quyền đối với các vùng đất, các quần đảo thuộc phạm vi lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của các nước khác đã được xác định theo Công ước quốc tế về Luật Biển 1982. Tổng quát lại, theo 4 tiêu chí đã nêu: 
1) Quyền chiếm hữu về mặt lịch sử. 
2) Quyền chiếm hữu về mặt thực tế. 
3) Quyền chiếm hữu về mặt pháp lý. 
4) Đường biên giới quốc gia phải có tọa độ rõ ràng. 
Trung Quốc không có bất cứ căn cứ nào để chứng minh cho chủ quyền của họ đối với các quần đảo trên Biển Đông và các vùng đất, vùng biển thuộc phạm vi lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của các nước trong khu vực. 
Cách hành xử duy nhất hiện nay của Trung Quốc để khẳng định cho chủ quyền không tranh cãi là họ đã huy động nhiều tàu chiến, tàu hải giám và tàu đánh cá ngang nhiên xâm phạm vùng biển các nước trong khu vực. Một mặt họ đòi hỏi các nước khác phải kiềm chế, không gây căng thẳng, nhưng họ lại ngang nhiên xua tàu làm chìm thuyền, bắt giam, đánh đập, bắt ngư dân các nước phải nộp phạt khi họ đánh cá trong vùng biển thuộc chủ quyền của nước họ. Trung Quốc ngang nhiên thành lập bộ máy chính quyền của cái gọi là TP.Tam Sa và đưa quân đến đồn trú tại các đảo (của Việt Nam) mà họ đã chiếm đóng. Họ tuyên bố sẽ trang bị vũ khí và huấn luyện quân sự cho hàng chục vạn ngư dân Trung Quốc. Họ tin rằng với lực lượng ngư dân đông đảo được trang bị vũ khí, họ đủ sức đè bẹp các lực lượng vũ trang của các nước trong vùng. Họ đòi hỏi không được quốc tế hóa tranh chấp biển Đông. Họ đòi hỏi nước ngoài nhất là Mỹ không được can dự vào cuộc tranh chấp giữa họ với các nước ASEAN. Thật là ngang ngược. Ngang ngược đến mức họ không thèm đếm xỉa đến những quy tắc tối thiểu về luật pháp và tập tục trong công pháp quốc tế. Chính giới Trung Quốc nghĩ rằng, ngày nay họ đã có cái gậy to cầm sẵn trong tay thì họ mặc sức làm mưa làm gió đối với những nước nhỏ và yếu hơn. 
Người Trung Quốc quên rằng nay đã là thế kỷ XXI rồi. Trung Quốc không thể có sức mạnh nào để biến biển Đông - con đường giao thông huyết mạch của quốc tế, nơi có lưu lượng vận chuyển hàng hóa trị giá đến 3.000 tỷ USD/năm - thành cái ao nhà của họ được. Ngang ngược trong vùng biển Đông, Trung Quốc tự đặt mình vào thế đối đầu với công lý thời đại. Hành vi hiếu chiến của Trung Quốc tại biển Đông không chỉ xâm phạm đến chủ quyền các nước thuộc khối ASEAN mà còn đe dọa đến quyền lợi thiết thân của nhiều nước trên thế giới. Trong thời đại văn minh, Trung Quốc không thể dùng "đường lưỡi bò" như cái lưỡi không xương ấy để xử sự như kiểu luật rừng. Vì khát vọng làm bá chủ thế giới Trung Quốc đã mất hết tỉnh táo, đã không tự kiểm soát được bản thân. Một mình chống lại công lý của thời đại, ngang nhiên thách đố với quyền lợi chính đáng của nhiều nước trên thế giới mà không hề nghĩ đến hậu họa. Tiếc thay cho Trung Quốc, ở nước họ rất hiếm những học giả như Lý Lệnh Hoa, người có tầm nhìn xa thấy rộng, thấy trước hậu họa khôn lường nếu cứ nhắm mắt làm càn.
Luật sư Lê Đức Tiết 
(Một số ảnh không liên quan đến nội dung bài viết)
Những sợi lông tơ của một con ruồi hiện rõ trong ảnh được phóng to hàng triệu lần.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét