Tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Chafee thăm Việt Nam. |
Phía Hoa Kỳ hỏi: "Thế thì tại sao Trung Quốc tham gia vào UNCLOS", Yin trả lời: "Bởi vì các quốc gia láng giềng trong khu vực này tham gia và Trung Quốc tin là những tuyên bố chủ quyền của mình không bị đe dọa bởi UNCLOS".
Bắc Kinh khư khư chủ quyền tại Biển Đông, xem nhẹ chuyện thảo luận với “nước láng giềng tí hon Việt Nam,” vận động các công ty dầu hỏa Hoa Kỳ bỏ Việt Nam, trong khi không có đủ bằng chứng về chủ quyền tại Hoàng Sa và Trường Sa. Đó là nội dung các công điện của tòa đại sứ Hoa Kỳ tại Bắc Kinh gởi về Washington D.C. trong các năm 2007, 2008.
Kinh nghiệm với Trung Quốc
Công điện ngày 26 tháng Giêng, 2007 được làm sau khi Việt Nam và Trung Quốc thảo luận vòng thứ 13 biên giới lãnh thổ và lãnh hải.
Phía Hoa Kỳ gặp riêng đại diện ngoại giao Việt Nam và Trung Quốc, viết rằng một giới chức ngoại giao Việt Nam phàn nàn Trung Quốc “thiếu chuẩn bị” và “bối rối.”
Công điện viết: “Phái đoàn thương thuyết Trung Quốc bỏ ra khỏi phòng họp với phái đoàn Việt Nam trong các thương thuyết biên giới Việt - Hoa hôm 20 tháng Giêng, khiến phía Việt Nam cảm thấy thất vọng.”
“Ngoại Giao chơi Golf” giữa Thứ Trưởng Ngoại Giao Trung Quốc, Wu Dawei, và Thứ Trưởng Ngoại Giao Việt Nam, Vũ Dũng, đã không thể vượt qua được không khí tiêu cực bao trùm vòng đàm phán biên giới thứ 13, nhằm giải quyết tranh chấp biên giới lãnh thổ và lãnh hải”.
Một giới chức Tòa Đại Sứ Việt Nam tại Bắc Kinh nói với Hoa Kỳ rằng phía Trung Quốc “có vẻ không chuẩn bị đủ để thảo luận những vấn đề liên quan đến lãnh hải trong khu vực Biển Đông, gần Hoàng Sa”.
Tham Tán Chính Trị Tòa Đại Sứ Việt Nam tại Trung Quốc, Thai Viet Tranh nói với phía Hoa Kỳ rằng Việt Nam vô cùng thất vọng với cách hành xử của phía Trung Quốc trong các cuộc thương thuyết. Sau khi các thành viên phái đoàn Trung Quốc tỏ ra rất bối rối, họ đã “bỏ ra khỏi phòng họp” và thế là thương thuyết sụp đổ.
Thai Viet Tranh nhận định, ông e rằng hậu quả tai hại của hành động “bỏ ra khỏi phòng họp” của phía Trung Quốc rồi ra sẽ ảnh hưởng tiêu cực lên các vấn đề liên quan đến biên giới.
Điểm nhức đầu, vẫn theo Thai Viet Tranh, là việc thiết lập biên giới lãnh hải trong khu vực Biển Đông nằm ở bên ngoài Vịnh Bắc Bộ, và quần đảo Hoàng Sa. Phía Trung Quốc không có quan điểm rõ ràng khi đến với các cuộc thảo luận, khiến phái đoàn Việt Nam có cảm giác là Trung Quốc thiếu sự chuẩn bị và bị chi phối bởi các vấn đề khác của khu vực, chẳng hạn cuộc Hội Đàm Sáu Bên (liên quan đến Bắc Hàn) mà Trung Quốc cảm thấy “quan trọng hơn so với việc giải quyết các vấn đề (biên giới) với quốc gia láng giềng tí hon ở phía Nam”.
Thai Viet Tranh nói rằng phải giải quyết chuyện biên giới trước, rồi sau đó mới nói đến chuyện hợp tác thăm dò và khai thác dầu khí.
"Mùa vàng" - thiếu nữ Việt Nam |
Viện dẫn lịch sử
Trong khi đó, công điện ngày 9-9-2008 quan tâm nhiều đến “bằng chứng lịch sử” về chủ quyền Trung Quốc trên Biển Đông nói chung và Hoàng Sa, Trường Sa nói riêng. Phía ngoại giao Hoa Kỳ nhận định rằng Bắc Kinh nói nhiều đến “bằng chứng lịch sử” nhưng có vẻ là họ không có, hoặc có rất ít, tài liệu khả dĩ củng cố quan điểm của họ.
Công điện viết: “Trong khi cả quan chức Bộ Ngoại Giao Trung Quốc và giới học giả nước này cùng viện dẫn chứng cứ lịch sử để củng cố quan điểm “đường chín đoạn,” họ đều không thể đưa ra các dẫn chứng cụ thể trong các cuộc nói chuyện với Tham Tán Chính Trị của Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ".
Đại diện ngoại giao Trung Quốc nói chuyện với phía Hoa Kỳ là ông Yin Wenqiang, Phó Giám Đốc Cơ Quan Luật Biển và Hiệp Ước thuộc Bộ Ngoại Giao Trung Quốc. Yin nói rằng “những tuyên bố chủ quyền của nước này tại Biển Nam Trung Hoa (Việt Nam gọi là Biển Đông), được vẽ trên các bản đồ của Trung Quốc bằng “đường chín đoạn” (gọi là đường lưỡi bò), không mâu thuẫn với Công Ước Quốc Tế về Luật Biển UNCLOS 1982”.
Yin lý luận: “Trong vai trò của một sự “phản ánh lịch sử,” quan điểm chủ quyền của Trung Quốc tại vùng biển này có trước thời điểm ký kết UNCLOS, và cho dầu quan điểm này (của Trung Quốc) mâu thuẫn với quan điểm của các quốc gia láng giềng trong khu vực, Trung Quốc sẽ không đệ trình những quan điểm (chủ quyền) của mình lên cơ quan giải quyết tranh chấp thuộc UNCLOS”.
Vẫn với cách nói quen thuộc, Yin khăng khăng với Tham Tán Chính Trị Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ tại Bắc Kinh là “Trung Quốc có chủ quyền không thể chối cãi trên các quần đảo tại Biển Nam Trung Hoa (Việt Nam gọi là Biển Đông) và vùng biển lân cận”.
Yin nói, tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc tại đây - được định nghĩa bởi bản đồ “chín đoạn” (đường lưỡi bò), có trên các bản đồ của Trung Quốc từ thời chính phủ Quốc Dân Đảng 1947 - là “không mâu thuẫn” với Công Ước UNCLOS.
Trong các cuộc nói chuyện này, vẫn theo công điện, Yin tránh dùng thuật ngữ “vùng biển lịch sử” để nói về quan điểm của họ trong khu vực Biển Đông, và cho rằng thuật ngữ ấy là do giới học giả sử dụng, chứ chính quyền Trung Quốc không sử dụng.
Các cuộc nói chuyện giữa Tham Tán Chính Trị Hoa Kỳ và đại diện Bộ Ngoại Giao Trung Quốc xoay quanh Công Ước UNCLOS. Phía Trung Quốc nói, trong vai trò của một quốc gia đã ký kết tham gia UNCLOS, Trung Quốc “chắc chắn tuyên bố” quyền của họ tại Biển Nam Trung Hoa.
Trên thực tế, “Trung Quốc đã tuyên bố đường 12 hải lý xung quanh quần đảo Hoàng Sa cũng như dọc theo bờ biển của họ hồi năm 1996” nhưng, vẫn theo Yin, “Trung Quốc không có kế hoạch tuyên bố đường 12 hải lý xung quanh quần đảo Trường Sa”.
Cách lập luận của phía Trung Quốc là “quy vào lịch sử”. Chẳng hạn, Đường Lưỡi Bò là sự “phản ánh của lịch sử” và “UNCLOS không phủ nhận các tuyên bố có tính lịch sử”. Đó là chưa nói, vẫn theo quan điểm của Yin, chủ quyền của Trung Quốc trên các quần đảo này cũng như quyền khai thác kinh tế và quyền hành xử (trên các khu vực ấy) “có trước UNCLOS từ rất lâu”.
Vì vậy, Trung Quốc tiếp tục theo đuổi chính sách “gác bất đồng sang một bên, cùng hợp tác phát triển” trong các khu vực tranh chấp. Trung Quốc cũng sẽ không đưa các tranh chấp trong khu vực biển Đông vào cơ chế giải quyết tranh chấp do UNCLOS quy định. Lý do là vì, vẫn theo Yin, “Trung Quốc không có truyền thống” đệ nạp (các tuyên bố chủ quyền và các tranh chấp) cho các định chế ban hành quyết định có tính cách bắt buộc phải tuân thủ.
Yin nhận định: “UNCLOS không thể xác định tất cả mọi thứ”.
Phía Hoa Kỳ hỏi thế thì tại sao Trung Quốc tham gia vào UNCLOS, Yin trả lời: Bởi vì các quốc gia láng giềng trong khu vực này tham gia và Trung Quốc tin là những tuyên bố chủ quyền của mình không bị đe dọa bởi UNCLOS.
Luôn viện dẫn “yếu tố lịch sử”, Yin lại thừa nhận ông ta không biết về căn bản lịch sử của “đường chín đoạn”, mặc dầu ông ta nói rằng những tài liệu lịch sử của Trung Quốc đã chỉ rõ những căn bản của việc đặt để đường chín đoạn ấy lên bản đồ khu vực Biển Đông.
Trong khi đó, học giả Yang Baoyun của Đại Học Bắc Kinh nói với Tham Tán Chính Trị Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ (trong một cuộc gặp gỡ khác) rằng chủ quyền của Trung Quốc tại khu vực biển này có nguồn gốc từ thời xa xưa, trước khi Trung Quốc trở thành một quốc gia hiện đại. Vì vậy, khi Trung Quốc đi vào thế kỷ 20, dưới chính quyền Quốc Dân Đảng và sau đó là Cộng Sản, “Trung Quốc ngày càng tự tin về nguồn gốc và biên giới của mình”.
Tuy nhiên, theo ghi nhận trong công điện, “cả Yang và Yin đều không thể đưa ra tài liệu lịch sử cụ thể cho thấy căn bản chủ quyền trong khu vực lưỡi bò”.
"Chợ nổi" - tranh của họa sĩ Đỗ Ngọc Dũng |
Không có “mâu thuẫn quân sự”
Một công điện khác, ngày 13-3-2008, kể rằng, Zheng Zhenhua, Phó Giám đốc Cơ quan Hoạch định chính sách thuộc Ban Quan hệ Á Châu, Bộ Ngoại giao Trung Quốc, nói rằng Trung Quốc không thấy có những căng thẳng quân sự trong khu vực Biển Đông và sẽ theo đuổi chính sách “gác bất đồng sang một bên, cùng hợp tác phát triển”.
Và trong bối cảnh Trung Quốc tiếp cận các công ty dầu lửa của Mỹ để thuyết phục các công ty này ngưng hợp tác khai thác dầu với Việt Nam, Zheng kêu gọi Hoa Kỳ “làm thêm nữa” để bảo đảm “hòa bình và ổn định” trong khu vực Biển Đông.
Zheng phàn nàn với phía Hoa Kỳ, là từ năm 1947 đến thập niên 1960, không quốc gia nào, kể cả Hoa Kỳ, “lên tiếng hoặc nghi ngờ về chủ quyền của Trung Quốc trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”.
Và để nhấn mạnh quan điểm của mình, Zheng dẫn chứng bức công hàm năm 1958 của Thủ Tướng miền Bắc Việt Nam, Phạm Văn Đồng, gởi thủ tướng Trung Quốc, Chu Ân Lai. Zheng nói bức công hàm có mục đích xác nhận rằng Việt Nam đồng ý với chủ quyền của Trung Quốc trên các quần đảo này.
Đến thập niên 1970 thì các tranh chấp bắt đầu lộ diện, theo công điện trích lời Zheng. Trong Hội Thảo Luật Biển (tiền đề ra đời của Công Ước UNCLOS 1982), các quốc gia mới bắt đầu tranh cãi về chủ quyền của Trung Quốc trên biển Đông. Và vì tính phức tạp của các tuyên bố chồng chéo của nhiều quốc gia trong khu vực, cuối thập niên 1970, Đặng Tiểu Bình khởi xướng chính sách “cùng phát triển” trong các khu vực này.
Mặc dầu có các tranh chấp dai dẳng, Zheng nói rằng khu vực vẫn “hoàn toàn ổn định” và ông ta không thấy có “mâu thuẫn quân sự” tại đây. Tuyên Bố Ứng Xử 2002 liên quan đến khu vực Biển Đông là “sự thể hiện của ý chí chính trị” mà tất cả các phía liên quan đều cho thấy sự tự chế trong khi giải quyết các mâu thuẫn trong khu vực. Chẳng hạn, Thỏa thuận Khảo sát Địa chấn tay ba năm 2005 và các cuộc gặp thường niên về nghiên cứu Hải Dương Học giữa Việt Nam, Trung Quốc, Philippines sẽ giúp “nâng cao lòng tin” trong khu vực.
Cho dầu không trực tiếp thừa nhận rằng những tuyên bố của Trung Quốc trong khu vực Biển Đông có thể không phù hợp với các điều khoản của UNCLOS, Zheng nói rằng những tuyên bố của Trung Quốc “ra đời trước” UNCLOS và vì vậy không chịu sự chi phối của công ước này. Zheng viện dẫn rằng nhiều “ngoại lệ và sự bất nhất” trong công ước UNCLOS đã cho Trung Quốc thêm tiền đề nhằm tái định nghĩa những tuyên bố chủ quyền (của Bắc Kinh).
Zheng lưu ý rằng Trung Quốc đã chính thức tuyên bố ranh giới khu vực chủ quyền 12 hải lý xung quanh quần đảo Hoàng Sa, nơi họ tin rằng chủ quyền của họ là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, vẫn theo Zheng, Trung Quốc không làm điều này với khu vực quần đảo Trường Sa, vì Bắc Kinh thừa nhận rằng những tuyên bố như vậy tại đây là phức tạp hơn. Trung Quốc cũng “duy trì quyền hải hành tự do” trong khu vực “lưỡi bò”.
Zheng khuyến cáo các công ty Hoa Kỳ nên tránh “dây dưa” trong các khu vực tranh chấp tại Biển Đông. Trong bối cảnh ấy, Zheng nhắc rằng Tổng Lãnh Sự Trung Quốc tại Houston gần đây đã liên lạc với nhiều công ty dầu hỏa Texas, trong đó có Chevron và Hunt, yêu cầu họ ngưng các dự án khai thác dầu với phía Việt Nam. Zheng nói rằng Chevron đã đồng ý ngưng hợp tác, ít ra là tạm thời.
Đông Bàn
(Một số ảnh không liên quan đến nội dung bài viết)
"Mèo rừng" - siêu mẫu nội y châu Âu |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét