Thứ Sáu, 7 tháng 9, 2012

Thơ Hoàng Quang Thuận có phải “thơ Thiền" không?

"Phản chiếu" - Hot girl Nhật Bản
Còn thơ Hoàng Quang Thuận có phải là thơ Thiền hay không, có lẽ phải chờ bên Thụy Điển họ xét giải Nôben xong mới biết được. (ảnh không liên quan đến bài viết)
Vừa qua, dư luận đưa ra ánh sáng việc Hoàng Quang Thuận vào chùa đánh cắp Văn, viết thành thơ, in thành sách, rồi lớn tiếng bảo rằng đó là “Thơ Thiền” do “Tiền nhân”, ứng vào mượn bút viết ra như “nhập đồng”. Được tổng thống này, tổng thống nọ thán phục, khen ngợi.
Nguy hại hơn nữa là mang cái thứ thơ gian lận, tầm thường ấy vào trường học, ra hội thảo rùm beng, rồi gửi sang tận bên Thụy Điển dự giải “Noben” văn học.
Thật báng bổ! Báng bổ!
Để Hoàng Quang Thuận hiểu rằng làm thơ không khó, nhưng cũng không hề dễ. Trước hết người làm thơ phải sống và viết như thế nào? Nhất là đối với “Thơ Thiền”. Người đời cảm nhận “Thiền” gần chân đức Phật “nên rất linh”, “Thiền định” sinh trí tuệ. Trí tuệ ấy từ trong nội tâm phát ra. Kẻ “vô đạo” “bất lương” không thể viết được “thơ thiên”. Nếu nói thơ Hoàng Quang Thuận là thơ Đường thì mắc lỗi không đúng luật Đường thi. 
Còn thơ Hoàng Quang Thuận có phải thơ thiền hay không thì chúng tôi xin nêu một ví dụ “Người thực việc thực” để tham khảo.
Hiện có ông Nguyễn Bảo Sinh ở số 167 phố Trương Định, Hà Nội, đang dốc lòng tôn kính, thành tâm đến với “Thơ Thiền”.
Ông Nguyễn Bảo Sinh vốn tu nhân tích đức từ lâu. Không tham, sân, si, đẩy lùi mọi ham muốn, dục vọng đời thường. Khoác lên người áo phật tử, chắp tay vái lậy bốn phương trời, mười phương phật. Nam mô quan thế âm Bồ Tát, phù hộ độ trì, đả thông trí tuệ, hầu mong thiền định phát sáng tâm đặng có thể viết nên “Thơ Thiền”.
Đương thời ông Nguyễn Bảo Sinh được nhiều người biết đến khi ông làm giám đốc “Khách sạn Chó - Mèo’’. Một trường hợp “độc nhất vô nhị” ở ta hiện nay và được coi là nhà thơ “Hậu Bút Tre” nổi bật nhất với nhiều câu thơ lan truyền trong dân gian: 
- Ra đường sợ nhất công nông
Về nhà sợ nhất vợ không nói gì. 
- Vợ là cơm nguội nhà ta
Lại là phở tái của thằng cha láng giềng 
- Bánh mì phải kẹp Pa-tê
Ai mà chả có máu dê trong người 
- Tóc bạc là bởi trời cho
Nếu đem nhuộn tóc là trò khiêu dâm 
- Cuối cùng tất cả chúng ta
Đều lên nóc tủ ngắm gà khỏa thân. 
Ông xuất bản cuốn: Thiền dân gian thời @, in bốn tập thơ lấy tên là Huyền thi và mới in tập 1 cuốn: Huyền ngôn bát phố.
Không chỉ có thế, ông còn làm “Thơ Thiền”: Một dòng thơ đang được hình thành và phát triển ngày càng rộng rãi mà ông Nguyễn Bảo Sinh là một trong những người đi Tiên phong.
Về thơ thiền, đương nhiên sẽ có nhiều ý kiến và sự kiểm chứng. Đối với thơ Nguyễn Bảo Sinh chúng tôi tạm gọi là “Thơ Thiền” và chỉ nêu hiện tượng chứ chưa bàn đến đúng, sai hay xác định, đánh giá cách viết thể loại thơ này, chỉ thấy rằng ông Nguyễn Bảo Sinh là người mang đậm “Tâm Thiền”.
Từ “Tâm” dẫn đến “Linh” và từ “Linh” dẫn đến “ứng”. “ứng” đó chính là thơ. Ông viết:
Nằm mộng đi bói trong mơ
Thầy mù mở mắt vẫn ngờ là chưa
Chúng sinh nhắm mắt say sưa
Cùng trong huyễn mộng ai lừa được ai 
Vậy “Thiền” là gì? Nói chung ai cũng hỏi cách thiền, rất ít người hỏi thiền là gì? Họ thường chấp vào hình Tướng, coi Thiền là ngồi Kiết già vận khí từ đan điền lên bách hội. Nội dung của thiền là tĩnh lặng trong tâm, còn kiết già chỉ ở ngoại vi, “thiền là làm rõ cái lô gích mờ, làm mờ cái lô gích rõ”.
Thiền là im lặng, là trống không, thiền không chấp vào lời cho nên, thiền là không ghi văn tự.
Thiền là cái lý của vũ trụ, mà lý của vũ trụ là không lời, ai nói đúng cái lý của vũ trụ là vô ngôn. Thiền cũng vô ngôn, vì lời dẫn ta đến chân lý nhưng lời không phải là chân lý, nhiều khi lời lại che cả ánh sáng của tâm.
Theo thiền sư Bố Đại người Nhật: Ai hỏi Thiền là gì, Thiền sư chỉ đặt cái túi trên lưng xuống, lại khoác cái túi lên lưng rồi ra đi. Thiền sư muốn lý giải về thiền một cách vô ngôn: Thiền là cái ta đang sống!
Còn theo Osho, thì thiền là khi đang sống trong vô thức mà vẫn dùng ý thức kiểm soát được. Những kẻ để ý thức chìm vào vô thức, vô thức không được kiểm soát là kẻ đang mê "Mê theo cách mê của mình là ngộ, ngộ theo cách ngộ của người là mê"!!
Hiểu hiện tại đang nằm trong vĩnh cửu
Thấy vô biên trong hữu hạn thân mình
Gương soi gương không thấy hình ở giữa
Trong suốt không không vẫn thấy sắc hình. 
"Tình yêu" - tranh của họa sĩ Thành Chương
Thật ra, hiện hữu nằm ngoài lời, ngay cả đến tình yêu cũng không thể nào định nghĩa được. “Yêu là nhớ ít, tưởng nhiều”, nhân duyên là thật, vạn pháp đều là giả.
Nhân duyên đến nhân duyên đi
Chúng mình ngoài cuộc hẹn gì với nhau
Lá trầu chẳng đợi quả cau
Tự nhiên tan hợp thành màu nhân duyên 
Vậy thiền không phải là ngồi thiền tụng kinh gõ mõ. Thiền là cái lý của vũ trụ, cái tình của vạn vật. Thiền là cách sống, là trạng thái tinh thần thức tỉnh hấp thụ năng lượng vũ trụ.
Nên chăng, coi thiền là một thứ triết lý của đạo? và thơ thiền chính là thể hiện được cái triết lý ấy? Thơ thiền cao sang, huyền bí, thơ thiền đẹp như những đóa hoa sen một loài hoa được xem là thiêng liêng nhất trong các loài hoa, với câu thơ nổi tiếng. 
Tháp Mười đẹp nhất bông sen
Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ 
Và thơ thiền hay là do ở đó mà ra
Ông Nguyễn Bảo Sinh có “Tâm thiền” nên ông hiểu và cảm nhận được thiền, chính vì vậy ông rất tâm đắc với thơ thiền.
Thơ của ông như một cái cầu, đưa ra những triết lý của đạo và đời thâm thúy nhưng không hiểm độc. Có người cho thơ thiền của ông “Khá ấn tượng, thấm thía như thơ của các bậc thiền sư của đời Lý, Trần”. Có người cho đây là nét riêng trong sáng tác, tạo ra một khoảnh khắc tự đi tìm sự quân bình trong tâm linh”. Độc giả Nguyễn Hữu Mai ở số 7 Ô Quan Chưởng, Hà Nội viết bài thơ tặng tác giả Huyền Thi, như sau: 
Huyền thi thơ đọc quả huyền vi
Mộng thấy, thật ra chẳng thấy gì
Bến tới tưởng rằng chưa tới bến
Vội vàng rời bến lại ra đi 
Thơ thiền cũng đã có người Viết, nhưng chưa ai chuyên viết về vấn đề này, có lẽ Nguyễn Bảo Sinh là người đầu tiên, do đó thơ thiền trở thành một phần quan trọng đối với nghiệp thơ của ông.
Tôi đi cuối đất cùng trời
Tìm mua thuốc ngộ chữa người đang mê
Lại quên mất nẻo đường về
Té ra mình đã bị....mê lúc nào! 
Như vậy thơ Nguyễn Bảo Sinh rõ ràng trở nên đa dạng phong phú. Ông viết dưới nhiều hình thức, nhiều thể loại ở thể loại nào cũng thu được hiệu quả nhất định. Đó là sự thành công của mỗi nhà thơ.
Không nên so Nguyễn Bảo Sinh với bất cứ ai. Vì ai cũng biết rằng mọi sự so sánh đều khập khiễng. Thơ bao giờ cũng mang phong cách và cá tính riêng của mỗi người.
Hơn nữa trong văn nghiệp tối kỵ “bĩu môi” dè bỉu biết đâu mình còn kém xa người ta.
Đối với thơ Nguyễn Bảo Sinh, ta thấy nổi bật ở phần “Hậu Bút Tre”, nghĩa là theo “Trường phái Thơ Bút Tre” đã làm nên tên tuổi và sự ngưỡng mộ của công chúng đối với ông sau Bút Tre.
Thơ thiền cũng là một phần đang hình thành và phát triển trong thơ Ông. Bước đầu đã gây được sự chú ý. Bởi tuy là thơ thiền, nhưng ông cũng không viết theo lối thông thường khuôn phép. Cái khéo của ông là bất cứ hình thức nào ông cũng viết dưới dạng vui, hóm, pha hài theo “Trường phái thơ Bút Tre”, kể cả thơ thế sự. Có lẽ vì thế mà dễ ấn tượng, khiến người ta phải nhớ, phải thuộc và hiệu quả hơn 
- Đạo nào tóm lại cũng là
Âm dương đực, cái, đàn bà, đàn ông. 
- Ta như quả lắc, quả cân
Chuyển động là để tự tâm quân bình 
- Hít vào đủ khí đất trời
Thở ra cho hết những hơi hít vào
Không nợ trời đất chút nào
Thân ta thành cửa ra vào thiên nhiên 
- Dù là vua chúa, phật, trời
Mỗi năm thêm một tuổi đời như ta 
- Vào chùa lễ phật thấy sư
Người người cúi lậy chiếc lư hương đồng…
Miệng cầu sắc sắc không không
Đầy trời sắc thế còn không đâu rồi 
- Tiếng chuông vào phố lạc đường
Sư già khất thực luôn mồm: Thanh - Kiu! 
- Rũ sạch bụi trần lên chùa ở
Nhưng tiền ẩn sỹ nhớ mang theo 
- Gần chùa gọi bụt bằng anh
Anh hùng nhìn m•i cũng thành thường thôi
Tiên nữ cũng chỉ là người
Từ Thức yêu chán, bỏ trời về quê 
- Thúy Kiều, Từ Hải, Thúc Sinh
Cả ba đắc đạo mối tình lầu xanh 
- Tham nhũng rồi cúng lên chùa
Khen cho kẻ cướp khéo lừa cả sư 
- Thái Lan lắm thuẫn nhiều mâu
Chùa chiền càng lắm thanh lâu càng nhiều
Đạo phật huyền bí bao nhiêu
Sếch - xi lộ liễu cũng nhiều như nhau 
Đọc thơ thiền Nguyễn Bảo Sinh mới thấy cũng là cái: “ngón sở trường” của ông. Mới thấy đề tài viết về thiền cũng mênh mông, bể sở, rộng lớn bao la, thả sức mà tung hoành. Qua ông Nguyễn Bảo Sinh mới hiểu rõ thêm phần nào ngọn ngành của thiền. Hóa ra cũng có nhiều loại thiền: “Thiền dân gian, Thiền nhân giang hồ luận, Thiền nhân giang hồ ký, Thiền nhân tam tiếu đình, rồi lại cả: Thiền nhân ma quỷ luận, bát phố Đờ - mi thiền…”
Thiền nhân không chỉ viết một kiểu văn nào. Văn thiền nhân khi thanh, khi tục, khi triết lý, khi trào phúng. Văn thiền nhân như cuộc đời vốn thế.
Nếu chỉ viết về thanh sẽ bị chấp vào thanh tao, viết về tục sẽ bị chấp vào tục… Văn thiền nhân phiêu diêu thoát tục càng thêm tục, tâm thanh càng tục lại càng thanh. 
Không gì cứng được bằng thiền
Không gì mềm được như thiền để so
Cứng mềm để được tự do
Không vì ngoại lực làm cho cứng mềm. 
"Cạn ly" - thiếu nữ Trung Quốc
Viết về thiền là viết về sắc sắc, không không của thiền. Không ai theo một đạo, đạo của các đạo là đạo quân bình. Vũ trụ luôn chuyển động cũng chỉ là để đi tìm sự quân bình. Thiền cũng là đạo đi tìm sự quân bình trong tâm linh. Sự quân bình tức ngộ được cái không, tức thấy được cái tự tánh của cái tâm để đắc đạo. Tánh không của thiền dựa trên: ngũ kinh với luật nhân quả, luật bù trừ, vô thường, vô ngã thuyết luân hồi. Tánh không của thiền không phải là không và có, là vạn pháp không tự có, mà vạn pháp đều vô ngã, đều do nhân duyên giả hợp tạo thành. Nhân duyên là thật, vạn pháp đều giả.
Nhân duyên đến nhân duyên đi
Chúng mình ngoài cuộc hẹn gì với nhau
Lá trầu chẳng đợi quả cau
Tự nhiên tan hợp thành màu nhân duyên. 
Tánh không là tâm bất nhị. Tâm bất nhị là thấy thái cực qua âm dương, thấy được đời qua họa và phúc. Đừng chúc nhau quá khỏe, qúa khỏe thì dục cũng quá khỏe. Đại họa từ đấy mà ra. 
Họa phúc lơ lửng giữa trời
Chờ người mở cửa vẫy mời vào trong 
Cuộc đời như người bị viêm mũi. Mỗi lần đổi kiểu nằm mũi hết tắc lòng vô cùng khoan khoái. Sau đó mũi lại bị tắc như cũ, lại đổi kiểu nằm, đó là: “Cùng tắc biến, biến tắc thông, thông rồi tắc”.
ý muốn của ta bị cái ngoài ý muốn quyết định. Song ý muốn của ta cũng nằm ngoài ý muốn. Vậy người đời qua thực tế mới rút ra thế này.
- Nhà cửa của cha mẹ là của con, nhưng nhà cửa của con không phải là của cha mẹ.
- Tiền bạc của cha mẹ là của con, nhưng tiền bạc của con không phải là của cha mẹ.
- Con ốm đau cha mẹ lo lắng ăn không ngon, ngủ không yên, ngày đêm chăm sóc không rời nửa bước
- Cha mẹ ốm đau con bình thản đưa vào bệnh viện, thuê người trông nom, tiện thể lúc nào rảnh thì vào thăm!
Xưa nay, chúng sinh thường hiểu nhầm cho rằng đạo phật coi đời là bể khổ. Chữ khổ trong bát chánh đạo, tứ diệu đế gồm: Khổ, tập, diệt, đạo. Muốn tu đạo cần hiểu cội nguồn của nỗi khổ. 
Bể khổ mênh mông sóng lụt trời
Khách trần chèo một chiếc thuyền chơi
Thuyền ai ngược gió, ai xuôi gió
Xem lại cùng trong bể khổ thôi. 
Hiểu rõ nguyên nhân của khổ ta sẽ tu tập để diệt và đắc đạo. Vậy chữ khổ của đạo Phật không phải coi đời là bể khổ như chúng sinh thường nghĩ.
Từ trong bóng tôi nhìn ra
Thì ta mới thấy cả ta lẫn người
Từ trong đau khổ cuộc đời
Thì ta mới thấy được nơi Niết Bàn 
Con người biết bằng lòng thì cũng biết không bằng lòng 
Muốn ngộ vô ngã trong ta
Hãy tìm đúng hướng mở ra đạo trời
Con cá lội ngược bơi xuôi
Vô tri chiếc lá chỉ trôi theo dòng 
Hạnh phúc không thể đếm, đong. To không hơn nhỏ, ít không hơn nhiều. Tưởng đôi lúc cái sự mà ông Nguyễn Bảo Sinh đưa ra nó cứ vất vưởng, chao đảo thế nào ấy, vậy mà lại rất thấu đáo mới lạ chứ? 
- Chỗ nào mà nước quá trong
ở đấy sự sống sẽ không có gì 
- Ta đi ngắm cảnh Hồ Gươm
Mà lòng tĩnh lặng không gươm giáo gì
Ra ngoài thành bại thị phi
Thấy rùa bơi chỉ là rùa đang bơi 
- Làm thơ được tử tù khen
Sướng hơn Văn Miếu khắc tên mu Rùa. 
- Quanh năm trăng sáng trăng tròn
Thì rằm tháng tám không còn Trung thu 
- Cùng chung một chuyến đò ngang
Kẻ thì sang bến, người đang trở về
Lái đò lái mối thành mê
Sang về chẳng biết mình về hay sang 
Rõ ràng thơ thiền nói được rất nhiều điều và ở thể loại thơ này, một lần nữa lại thấy ông Nguyễn Bảo Sinh khá nổi trội. 
- Nơi nào ăn ngon ngủ ngon
ở đấy phong thủy không còn đâu hơn. 
- Mượn thân như một dòng sông
Để thuyền từ lướt vào trong Niết-Bàn. 
- Khuyển mà cũng có tâm hồn
Cũng có phật tích trí khôn như người
Phù du sáu nẻo luân hồi
Khuyển mà hóa kiếp thành người thành tiên. 
Xem ra trong mênh mông bể khổ cuộc đời, vạn vật luôn biến hóa đổi thay. Như người mất dê, cử nhiều người đi tìm mãi vẫn không thấy vì khu vực này lắm ngã ba ngã tư quá. Còn trung tâm cải huấn cực nhanh lại đào tạo gái điếm trở thành Ca-ve. Ông Nguyễn Bảo Sinh thì: 
Mỗi lần ốm lại ngộ ra cái mới
Thấy giải Ngân Hà trong cõi tâm linh
Khi ta khỏe nhiều điều không nghĩ tới
Mà ngộ đời qua thập tử nhất sinh. 
Người Thượng ở Đà Lạt (Việt Nam) năm 1925.
Ông nghĩ rằng: “Tất cả những gì tồn tại tất phải có lý của nó”. Nguyên đơn kiện vì quyền lợi của nguyên đơn. Luật sư cãi vì quyền lợi của luật sư. Quan tòa sử vì quyền lợi của quan tòa. Không ai yêu tự do bằng kẻ bị tù đầy. Không ai quý sức khỏe bằng người bệnh nặng. Cũng không ai mơ thánh thiện, thánh nhân bằng gái mại dâm.
Vào chùa lễ phật tâm thanh
Ta mới thấu hiểu lầu xanh là gì. 
Nếu coi mại dâm là tệ nạn xã hội là đúng. Phải lên án và xóa bỏ cũng không sai. Nhưng từ bao đời vẫn không thể xóa bỏ được vì sao? Có lẽ vì chưa thấy được cái lý tồn tại của nó.
Hỏi Ca-ve.
- Sao chỉ động vào thành giường đã rên hừ hừ?
Ca-ve trả lời
- Vì em yêu nghề!
Tại sao lại có câu: “Lấy đĩ về làm vợ chứ không ai lấy vợ về làm đĩ” 
Phải ngộ được tiền có tâm
Mới mong mua được trong dâm có tình. 
Vì thế mà ông Nguyễn Bảo Sinh muốn trình bày cho sáng cái mặt tối này. Theo ông, biết đâu có những ông chồng vì vấn đề nọ kia quá căng thẳng bức xúc được vui vẻ “cải thiện”, xả hơi cho lưu thông khí huyết, thêm đẫy giấc, ngon cơm, há chẳng có tác dụng lắm ru? 
Quân bình xã hội chỉ là
Quân bình đạo giữa đàn bà đàn ông 
Bởi tất cả vũ trụ đều chuyển động trong tĩnh tại để đi tìm sự quân bình. Đạo của con người là đi tìm sự quân bình” TĩNH. Đạo của trời đất là đi tìm sự quân bình: Động, Đạo quân bình Động là đạo của các đạo. 
Cuộc đời như xiếc trên giây
Đạo là biết giữ đôi tay quân bình 
Con người cũng cần chuyển động, cần đi đây đi đó để tìm lại thế quân bình.
Ta như quả lắc, quả cân
Chuyển động là để tự tâm quân bình. 
Người triết lý thì nhiều, người ngộ đạo lại ít. 
Lạc trong đời đạo dắt ra
Lạc trong đạo sẽ bị ma dắt vào. 
Trong vòng đời dịch động thì cái cuối cũng lại là cái bắt đầu. Âm đến cũng sẽ hóa thành dương. Động đến cũng sẽ tịnh. 
- Giả gọi là chân, chân cũng giả
Không làm ra có, có thành không. 
- Vô hình thành cái hữu hình
Kiếp này là mộng khi mình chưa sinh
Hữu hình hóa cái vô hình
Kiếp này là mộng của mình kiếp sau… 
- Kính đeo ngay trước mắt mình
Nhiều khi vẫn cứ đi tìm loay xoay
Cửa đời chìa khóa cầm tay
Mà sao vẫn cứ loay hoay đi tìm. 
Hiểu được vũ trụ, hòa nhập vào đạo, con người cũng luôn chuyển hóa. Vạn biến trở về với bất biến. Tất cả mọi sự chuyển động sẽ trở về cái ban đầu: 
- Nghĩ về em anh là nhà triết lý
Cảm về em anh chỉ để làm thơ
Còn khi yêu em vừa thực vừa mơ
Không triết lý, chẳng làm thơ mà hiện hữu. 
- Cây đa, giếng nước, chùa làng
Hương đồng, gió nội, Niết-bàn, chân quê
Từ ngày chợ họp chân đê
Chùa ra mặt phố, đất quy y vàng.
Thiền là sống tự nhiên như nhiên. Dân gian ngộ Thiền bằng nhiều công án. Hoa sen là biểu tượng công án về Thiền. Tâm Thiền là tâm chúng sinh được gạn đục khơi trong từ bùn đất. 
Khi mê bùn chỉ là bùn
Ngộ rồi mới biết trong bùn có sen
Khi mê tiền chỉ là tiền
Ngộ rồi mới biết trong tiền có tâm. 
Thiền là tự nhiên, là đói ăn, khát uống, thích thì ngủ… Vĩ mô hơn trong xây dựng xã hội, nếu không chịu tiến hóa theo quy luật, chỉ thích đốt cháy giai đoạn, đi tắt, đón đầu ta sẽ gây phiền não… 
- Sông chảy thuyền trôi, nước chẳng đi
Trăng đầy trăng khuyết bớt thêm chi?
Tỉnh say Lý Bạch sầu nguyên khối
Chém nước, mò trăng được mất gì? 
- Sông nào cũng chảy về đông
Trăng lặn cũng chỉ ở trong bầu trời
Chạy ngược trên chiếc thuyền xuôi
Thì ta vẫn cứ phải trôi theo thuyền… 
Các dân tộc trên thế giới cũng đều có cách quân bình tâm linh, đều có cách thiền đậm đà bản sắc dân tộc. Người Anh đã bị đầy đọa trong bể khổ về sử dụng ý chí như Hăm-Lét, như Ô-Ten-Lô trong kịch của Sechxpia, nên dân gian Anh đã có một kiểu Thiền rất độc đáo trong công án Thiền là: “Phớt Ăng-Lê”. Khi nào cuộc tranh luận duy ý chí bế tắc, người Anh chuyển sang bàn về thời tiết. Sự tranh luận về thời tiết sẽ đưa tâm linh sang cảnh giới thiền: 
- Hãy yêu nhau như yêu thời tiết
Ngắm trời xanh và biết tránh mưa giông
Hãy coi nhau như bàn về thời tiết
Tình cảm ngược chiều mà vẫn thấy như không 
Còn người Pháp có một công án Thiền rất Pháp. Đó là câu: “Cests la vie”, tương đương với chữ “Như” trong đạo phật. 
Kinh phật lưu truyền tám vạn tư
Học hành không thiếu cũng không dư
Đến nay tất cả đều quên hết
Còn lại trong đầu một chữ “Như”. 
Đời là như vậy. Đời do nhân duyên đưa đến, đời tự tánh là không. Nếu trái đất chỉ có một người sẽ không có tốt xấu. Sở dĩ có tốt xấu là do có sự liên hệ, so sánh:
Mình ngu nhiều kẻ ngu hơn
Cho nên được gọi là khôn hơn người
Em xinh đâu bởi nụ cười
Em xinh là bởi nhiều người xấu hơn. 
Đời là “Cests la vie” là như thế, miễn bình luận. Thiền nhân chỉ chứng kiến chứ không có ý kiến. 
Trong mười điều chín không như ý
Còn một điều lại ý chẳng như
Muốn cho vạn sự đều như ý
Cần một điều biến ý thành như 
Phật Tổ Như Lai khi đánh giá mọi vấn đề chỉ dậy ta. “Dường Như đúng”. Ngay như kinh phật cũng chỉ cho là “Dường Như đúng”. Sao vậy? Vì theo phật lý của vũ trụ là không lời. 
Lý của vũ trụ không lời
Sách là sai đúng của người viết ra. 
"Thủy triều tím" - siêu mẫu đồ lót châu Âu
Vạn pháp do tâm sinh, nên mọi sự, mọi vật chỉ là Dường Như. Thiền nhân thấy đủ trong cái đủ, và cả đủ trong cái thiếu nên Thiền nhân là Dường Như.
Ai cũng học đạo ngộ đầy
Mấy ai ngộ thiếu học thầy ngộ vơi. 
Tình ái cũng chỉ nằm trong Dường Như: 
Yêu sao giấy phút Dường như
Cho nhau những cái còn chưa của mình
Buồn sao hình chạm vào hình
Đôi bong bóng đụng hồn mình chợt tan. 
Ngộ được pháp Dường như là ta nắm được chữ Thời. Kinh dịch là thời.
Nhân gian trong một chữ thời
Kẻ nào đi trước thành người đến sau
Sao cho vẫn cứ cùng nhau
Vừa đi được trước, vừa sau mọi người
Cái đang là mốt nhất đời
Tốt hơn sẽ bị mọi người xét oan. 
Nếu hiểu đúng hay sai chỉ là “Dường như” thì tâm sẽ an, phúc sẽ lạc - sống trong thị phi, coi thị phi chỉ là dường như sẽ hoát ngộ khỏi thị phi. 
- Ghế thì ít, đít thì nhiều
Cho nên đấu đá là điều tất nhiên. 
Phật thuyết pháp theo nhiều cách khác nhau. Đạo khả đạo phi thường đạo, danh khả danh phi thường danh. 
Người ghi bia đá để đời
Còn ta bia trắng cho người khác ghi. 
Phật tùy duyên mà dạy. Với kẻ kiến giả nông cạn, Phật thuyết về Tục Đế. Với những người uyên bác, Phật thuyết về đệ nhất Nghĩa Đế. Tục Đế nhìn chân ở dưới, đầu ở trên. Đệ nhất Nghĩa Đế nếu xét về vũ trụ không có trên có dưới, trên dưới chỉ là “dương như” có. 
Nhìn trời nước dưới mây trên
Cúi xem lại thấy nước trên mây trời
Ngồi quên quên hết sự đời
Hỏi thăm chẳng biết tên tôi là gì. 
Thiền nhân dường như cũng chỉ thấy hình như mình là Thiền nhân.
Họ tên ngày tháng năm sinh
Địa chỉ cũng đúng còn mình ở đâu? 
Dương như Thiền nhân hiểu đến tận cùng cái tánh không của con người. Phật tích của mọi người đều giống nhau. 
Người ta mê mải tìm tên
Tôi đi tìm chỗ lặng yên vô hình
Người ta say rượu say tình
Tôi say một cõi không mình không ta. 
Ngộ đạo dường như, Thiền nhân đã nhìn được cái ngoài nhìn, nghe được cái ngoài nghe, nghĩ được cái ngoài nghĩ. Mắt họ thấy được thiên lý nhãn, tai họ nghe được thuận nhĩ phong, họ sống tự nhiên nên ung dung tự tại. Tâm Thiền nhân như tấm gương sáng, như mặt hồ nước trong veo lặng sóng. “Soi đủ điều không bình luận”.
Hỏi thầy bói:
- Tại sao ế ?
Thầy bói trả lời:
- Vì bói đúng sự thật 
Tự nhiên chờ cái đến
Thanh thản tiễn cái đi
Yêu những điều không muốn
Tâm nhàn hơn mây trôi.
Không chỗ nào là không có đạo, không hợp với đạo thì không thể tồn tại.
Sông mê mò mãi tâm không thấy
Bến Giác tìm đâu cũng thấy tâm. 
Và đạo nào cũng có cái lý của đạo ấy: 
Đạo lý của kẻ ăn no
Khác xa kẻ đói nằm co giữa đường
Đạo lý người lính chiến trường
Khác xa các vị quân vương trong triều. 
Kẻ vô đạo khi sống chỉ được gọi là đang thở, khi chết gọi là tắt thở, như bọn quan lại xưa cũng như nay: 
Ngồi lâu trót bĩnh ra quần
Không dám đứng dậy sợ dân trông vào. 
Khổng Tử nói: “Sáng đắc đạo, chiều chết đủ mãn nguyện”! 
Đố ai cân được linh hồn
Để ta bàn chuyện dại khôn ở đời. 
Cứ xem Thiền định như vậy đủ biết thơ Thiền thật khó viết. Bởi định sâu, tâm lặng mới phát ra trí tuệ. Trí tuệ ấy từ trong nội tâm lưu xuất sáng lên có đủ tam minh, cộng thêm năng khiếu nữa mới mong viết được “Thơ Thiền”.
Còn thơ Hoàng Quang Thuận có phải là thơ Thiền hay không, có lẽ phải chờ bên Thụy Điển họ xét giải Nôben xong mới biết được.
Nguyễn Giang
Nức tiếng gần xa dê núi Ninh Bình.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét