Tan-tra thừa là con đường chủ trương cách tu tập dựa trên sự biến cải giúp người tu tập biến đổi các thứ nọc độc tâm thần thành trí tuệ nhờ vào các phương pháp cực mạnh của du-già.
Tan-tra thừa và tính dục
Từ lâu nay đã có không biết bao nhiêu sự hiểu lầm và thành kiến đối với Tan-tra thừa. Trước hết là người Tây phương quá hấp tấp khi xem Tan-tra thừa đơn thuần như là một thứ kỹ thuật áp dụng trên đường tu tập. Thật ra thì Tan-tra thừa Phật giáo còn gọi là Kim cương thừa xuất phát trực tiếp từ Đại thừa, là một con đường toàn vẹn mang lại thể dạng của Phật. Tan-tra thừa hoàn toàn không đơn giản như một thứ kỹ thuật giúp giải thoát khỏi tính dục. Biểu tượng của tính dục nêu lên trong Tan-tra thừa mang mục đích trình bày sự kết hợp bất khả phân giữa các cực đối nghịch (polarités-polarities) trong tâm thức, trong vũ trụ và trong thực tế. Do đó các thần linh nam tính trong Tan-tra thừa tượng trưng cho các phương tiện thiện xảo (upaya) trên đường tu tập và các thần linh nữ tính mang tính cách đối nghịch tượng trưng cho trí tuệ (prajna) hay là sự hiểu biết Tánh không, giữ vai trò chứng nhận kết quả do phương pháp (upaya) mang lại. Trong lãnh vực tâm linh tính chất phân cực tính dục cho thấy phương pháp (nam tính) nếu không hướng vào một sự mở rộng (nữ tính) sẽ trở nên vô cùng nguy hiểm. Cũng tương tự như thế, các hiện tượng trong vũ trụ (phân cực nam tính) chỉ có thể triển khai được trong môi trường không gian mở rộng (phân cực nữ tính) làm nền tảng (matrice - matrix) tiếp nhận hiện tượng.
Tâm thức mang bản chất giác ngộ tức là không gian mở rộng (thể dạng nữ tính) đón nhận và phối hợp với sự sáng tỏ (thể dạng nam tính). Các biểu tượng chủ yếu của Kim cương thừa gồm có vajra một cây gậy kim cương (kim cương chùy) tượng trưng cho nam tính và ghanta một cái chuông nhỏ tượng trưng cho nữ tính hay phân cực vũ trụ. Các biểu tượng của chư Phật được trình bày bằng sự kết hợp nam và nữ tính không hề hàm chứa tính cách truy hoan dù cho cố tình gán thêm cho chúng tính cách thiêng liêng!
Vậy đối với vấn đề tính dục xác thịt thì sao ? Tại Nhật bản, các học phái Chân ngôn tông (Shingon) và Thiên thai tông (Tendai) chính thống (Chân ngôn tông và Thiên thai tông là các tông phái xuất phát từ Tan-tra thừa) hoàn toàn loại bỏ các kinh sách tan-tra mang các biểu tượng có tính cách diễn đạt cụ thể. Trong các tông Chân ngôn và Thiên thai các biểu tượng tính dục được trình bày thật kín đáo, thần linh thuộc hai phái tính được xếp bên cạnh nhau và các biểu tượng đó được sử dụng như một kỹ thuật tinh khiết hóa các tác động của hậu quả và các cảm nhận ô nhiễm về hiện thực. Thế nhưng vào thế kỷ XII cũng có một chi phái Chân ngôn tông mang tính cách lệch lạc gọi là Tachikawa-ryu. Chi phái này chủ trương sử dụng thể dạng phúc hạnh của sự phối hợp tính dục trong mục đích mang lại sự giác ngộ. Thật ra Lão giáo chịu ảnh hưởng nặng nề hơn hết trước các dị giáo diễn đạt lệch lạc về Tan-tra thừa. Nhờ vào các ảnh hưởng lệch lạc đó Lão giáo thu hút được nhiều tín đồ và phát triển rất mạnh. Các nhà sư Phật giáo thuộc nhiều tông phái khác nhau phản đối tính cách "dị giáo" đó trong Lão giáo khiến Lão giáo bị cấm đoán ở Nhật vào thế kỷ XIV và các kinh sách Lão giáo bị đốt sạch.
Tại Ấn độ và Tây tạng kỹ thuật tu tập Tan-tra mang tính cách hoàn toàn nội tâm, do đó các biểu tượng tính dục thường được trình bày lộ liễu hơn. Tuy nhiên sự kết hợp với người phối ngẫu (mudra) chỉ có thể được xem là một phép tu tập giác ngộ khi nào người du-già đã đạt được một cấp bậc thật cao, phải có căn bản vững chắc về sự hiểu biết Tánh không, phát huy được lòng từ bi, chủ động được sự quán tưởng và các phép tụng niệm man-tra, cũng như các phương pháp luyện tập du-già về khí lực. Nếu xem cách sử dụng tính dục là một kỹ thuật loại bỏ sự bám víu vào thế tục thì hoàn toàn không hiểu gì cả về sự tu tập Tan-tra. Do đó cũng không nên ngạc nhiên khi thấy tính dục được sử dụng như một phương tiện biến cải: Tan-tra thừa là con đường chủ trương cách tu tập dựa trên sự biến cải giúp người tu tập biến đổi các thứ nọc độc tâm thần thành trí tuệ nhờ vào các phương pháp cực mạnh của du-già. Trong khi tính dục tầm thường của thế tục biểu hiện sự thèm-khát-bám-víu và lạc thú, thì Tan-tra biến thể dạng ấy trở thành thiêng liêng và xem đó là cơ hội giúp cảm nhận thể dạng phúc hạnh, xóa bỏ hoàn toàn thể dạng tâm thức thô thiển để thay vào đó bằng thể dạng tâm thức tinh khiết của ánh sáng trong suốt. Thông thường ánh sáng trong suốt chỉ thể hiện khi chết, thế nhưng khi chủ động được sự phối hợp tính dục sẽ tạo ra một thể dạng tương tợ như thể dạng tâm thức khi rời bỏ thân xác. Nhờ vào du-già "cái chết ngắn ngủi" và "u tối" của khoái lạc sẽ nhường chỗ cho các tia sáng rạng đông của ánh sáng trong suốt, khi thực hiện được thể dạng đó người du-già và người phối ngẫu đạt được sự tỉnh thức phát sinh trong lúc chết. Đây là một trong nhiều thí dụ nêu lên xung năng dục tính (eros) đi đôi với xung năng của cái chết.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét