Thứ Hai, 2 tháng 12, 2013

Quan điểm ăn chay theo Phật giáo Đại thừa ở Trung Quốc

Ở đây, tôi gọi Phật giáo Đại thừa là nói tới Phật giáo Đại thừa ở Trung Quốc và những nước chịu ảnh hưởng của Phật giáo nước này, trong đó có Việt Nam. Sở dĩ tôi phải làm cuộc khoanh vùng này, vì cùng là Phật giáo Đại thừa nhưng có một số nước không có truyền thống ăn chay như: Tây Tạng, Mông Cổ, Srilanca, Mianma… Tại sao có trường hợp dị biệt này, đó là nội dung được trình bày dưới đây.
Trước tiên, chúng ta thử tìm hiểu quan điểm văn hóa của đất nước Trung Quốc có liên quan gì đến vấn đề ăn chay của Phật giáo nước này. 
Như chúng ta đã biết, văn hóa khất thực ở Ấn Độ được người dân Ấn Độ xem đó là hình ảnh cao quí, họ coi những người đi khất thực là những người có đạo đức, do vậy, người dân rất tôn kính những người hành nghề khất thực. 
Thế nhưng ở Trung Quốc lại có quan niệm ngược lại, họ cho rằng, người khất thực là người chuyên ăn xin (cái bang). Người ăn xin không thể là người thanh cao, có tài có đức trong xã hội. Do vậy, truyền thống khất thực của Phật giáo không thể phát huy tại đất nước này. 
Nếu thế thì hàng Tăng lữ ở đây duy trì mạng sống bằng cách nào? 
Đứng từ góc độ kinh điển tìm hiểu, nếu như kinh điển Tiểu thừa (Thượng tọa bộ) ca ngợi hạnh khất thực, thì kinh điển Đại thừa ca ngợi sự bố thí, cúng dường. Dẫu rằng tư tưởng Phật giáo Đại thừa phát sinh tại Ấn Độ, nhưng nó được đơm hoa kết trái tại Trung Quốc. 
Bố thí là một trong sáu ba la mật được Phật giáo Đại thừa triển khai triệt để. Bố thí là một phương tiện tu tập của Bồ tát, nhưng mặt khác của nó là phương pháp giải quyết vấn đề kinh tế cho giới Tăng lữ. Tư tưởng này phát triển đến giai đoạn nào đó, Phật giáo Trung Quốc vấp phải một số vấn đề như: 
1) Giới Tăng lữ càng ngày càng đông, có những tự viện lên đến hàng ngàn người xuất gia. 
2) Vì để cầu phước, cho nên các địa chủ, quan lại đem ruộng nương điền thổ cúng dường nhà chùa, do vậy nhà chùa trở thành người có ruộng đất nhiều nhất. 
Tăng chúng đông, ruộng đất nhiều, bên cạnh đó chế độ cúng dường bị phê phán, cho nên chế độ "tự cung tự cấp" phải được triển khai, vì vậy, chế độ này được Bách Trượng gọi là: "Nhất nhựt bất tác, nhất nhựt bất thực", có nghĩa là: "Một ngày không làm, một ngày không ăn". 
Qui định này nhắm vào thành phần xuất gia, xuất gia cũng phải làm việc để sống, không thể dựa vào tín đồ. Đây là hoàn cảnh và nhu cầu thực tế của xã hội Phật giáo Trung Quốc bấy giờ, cũng là điểm đặc thù của Phật giáo nước này. 
Phải chăng chính vì phong tục tập quán, văn hóa nước này như vậy, cho nên người Trung Quốc tỏ ra không mấy hấp dẫn với hệ tư tưởng kinh điển Thượng tọa bộ (Tiểu thừa), họ chỉ chấp nhận quan điểm của Phật giáo Đại thừa vì tư tưởng Phật giáo Đại thừa với Khổng, Lão, Trang có những điểm na ná tương đồng? 
Phải chăng vì lý do đó mà "kinh Jivaka" như đã được trình bày ở trên không được dịch sang chữ Hán, vì nó không phù hợp với truyền thống văn hóa ở đây? Đây là điểm đáng được chú ý và tìm hiểu.
Một điểm văn hóa khác nữa là trong hệ thống triết học Trung Quốc, Đạo gia đề cao cõi Tiên. Từ đó đưa ra quan điểm: "Ai muốn thành tiên, người ấy cần phải tiết dục, kiêng cữ rượu thịt, nên ăn những thức ăn là những loại thảo mộc để thân thể được nhẹ nhàng, dễ bề thăng Thiên". 
Có lẽ, đó cũng là lý do để chúng ta tìm hiểu việc hình thành quan điểm ăn chay theo Phật giáo Trung Quốc.
Như chúng ta đã biết, Phật giáo Trung Quốc hay những nước chịu ảnh hưởng của Phật giáo Trung Quốc, đều có quan niệm chung về việc ăn chay là không ăn thịt các loài động vật, cho dù là loại thịt không thấy, không nghe và không nghi. Thậm chí họ còn cho rằng: ai mà ăn thịt người ấy phải đọa vào địa ngục và không thể thành Phật? Quan điểm ăn chay này, bắt nguồn từ đâu? Đó là câu hỏi mà bất cứ người nghiên cứu nào cũng đặt ra và tìm hiểu, bản thân người viết cũng không ngoại lệ.
Để trả lời nghi vấn này, chúng ta có thể dựa vào tác phẩm “Trung Quốc Phật giáo sử” của nhà sử học Quách Bằng để tìm hiểu vấn đề ăn chay này. Trong tác phẩm này ở chương 3, chuyên đề thảo luận về: "Vua Lương Võ Đế (502-536) và vấn đề ăn chay". Trong đó có một số sắc lệnh của nhà vua từng ban hành, bắt buộc Tăng ni phải triệt để ăn chay, không được ăn mặn. 
Lương Võ Đế vốn là nhà vua rất tín ngưỡng Phật giáo, ông là người có công kiến tạo nhiều ngôi chùa đồ sộ ở Trung Quốc, lập đàn tràng trai tăng chẩn tế, ngoài ra còn thay mặt Tăng già giảng kinh, nói pháp hay chú giải kinh điển. 
Một quan điểm đặc biệt của ông có ảnh hưởng sâu sắc đến hậu thế là đề xướng vấn đề ăn chay (hoàn toàn không ăn thịt cá). Vì muốn toàn thể Tăng Ni triệt để thực thi, cho nên nhà vua đã ban ra tổng cộng 4 sắc lệnh, với nội dung bắt Tăng Ni phải triệt để ăn chay. Trong đó có đoạn ông viết: “Nay, các Tăng ni, các vị trụ trì, cần phải cảnh giác, nghiêm dạy chúng tăng không được ăn mặn; nếu giải đãi (lười biếng), không tuân lệnh… sẽ trị tội” hay “Nếu Tăng chúng không tuân lệnh, vẫn còn ăn mặn, đệ tử (Lương Võ Đế) sẽ căn cứ theo pháp lệnh trị tội”.
Từ đó, Tăng Ni Phật giáo Trung Quốc bắt đầu ăn chay theo kiểu này. Có lẽ, đó là lý do chính đáng để lý giải tại sao Phật giáo Đại thừa ở Trung Quốc lại ăn chay không ăn mặn. Nó khác với một số nước Phật giáo Đại thừa khác như: Tây Tạng, Mông Cổ, Srilanca, Campuchia, Mianma... Họ không ăn chay như Phật giáo Trung Quốc, nhưng một số nước chịu ảnh hưởng của Phật giáo Trung Quốc là: Việt Nam, Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan, Nhật Bản... đều ăn chay, không ăn mặn.
Tóm lại: Sự hình thành ăn chay của Phật giáo Đại thừa Trung Quốc, trước nhất là yếu tố cơ bản về tâm từ bi của đạo Phật, sau đó, cộng với lòng nhiệt thành của nhà vua đối với Phật pháp, ngang qua địa vị của mình, nhà vua đã nới rộng lòng từ bằng cách không ăn thịt. 
Từ đấy, việc ăn chay không những không trái với lòng từ bi của Phật giáo, còn phù hợp với bản sắc văn hóa của Trung Quốc, cho nên việc ăn chay hình thành.
Thích Hạnh Bình

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét