Nhà văn Nguyễn Đình Thi. |
Ông hưởng lộc quan từ rất sớm, năm 21 tuổi đã là Tổng thư ký Hội văn hóa cứu quốc, đại biểu Quốc hội khóa đầu tiên của Nhà nước VN DCCH và cũng hưởng rất lâu, năm ông mất, 79 tuổi, ông vẫn còn là Chủ tịch Chủ tịch đoàn Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Nhà nước CHXHCN VN.
Trên thế giới, hiếm có nhà văn nào làm quan suốt 60 năm, làm quan tới hơi thở cuối cùng như ông, chỉ lạ một điều, sao người ta chưa đưa ông vào Guiness. Ở nước ta, leo lên quan đầu ngành đã khó, giữ được ghế càng khó hơn, bởi thế không ai ngạc nhiên khi đứng giữa bàn dân thiên hạ, trên tivi vào dịp Đại hội nhà văn Việt Nam lần thứ 3, ông trịnh trọng tuyên bố: "Các nhà văn chúng ta… là những hạt bụi lấp lánh ánh sáng của Đảng”.
Thật không có một câu “văn bia” nào diễn tả thân phận văn nô hay hơn thế. Lập tức nó được các “hạt bụi” vỗ tay vỡ hội trường và “bảo hiểm” cho ông ngồi ghế quan đến trọn đời.
Thật không có một câu “văn bia” nào diễn tả thân phận văn nô hay hơn thế. Lập tức nó được các “hạt bụi” vỗ tay vỡ hội trường và “bảo hiểm” cho ông ngồi ghế quan đến trọn đời.
Chắc ai cũng biết, tác giả câu nói đáng ghi vào sử sách đó chính là nhà văn, nhà thơ, nhà sáng tác ca khúc… Nguyễn Đình Thi.
Khác với mấy “anh tiền chiến” sau cách mạng mới chịu theo đảng lên rừng, năm 18 tuổi NĐT đã bị đi tù vì hoạt động cách mạng, đã viết báo, viết văn tuyên truyền chủ nghĩa cộng sản, tuy nhiên theo nhận định của hai nhà nghiên cứu quốc doanh gạo cội Phan Cự Đệ - Hà Minh Đức, phải đợi tới “ngọn lửa kháng chiến chống Pháp hun đúc, tài năng văn học của Nguyễn Đình Thi thực sự mới hình thành”.
Vậy thử coi “tài năng văn học" trong kháng chiến chống Pháp của Nguyễn Đình Thi lớn cỡ nào?
Trong tuyển tập Truyện ngắn Việt Nam (1945-1954) của NXB Đại học, cũng do hai ông Giáo sư gạo cội Phan Cự Đệ - Hà Minh Đức biên soạn cho sinh viên học có tới 2 truyện ngắn của Nguyễn Đình Thi được đưa vào “bia đá”.
Truyện ngắn “Anh hùng cứ điểm” kể chuyện đồng chí Còm, đại đội trưởng đại đội 112 trong trận đánh một cứ điểm Tây ở mặt trận đông bắc. Trong đêm trước trận đánh, anh Còm tâm sự với anh Đăng, đại đội phó: "Đời mình không vui lắm. Vợ con mất cả từ ngày đói bốn nhăm. Hồi ấy mình lang thang ở mỏ. Lúc khởi nghĩa xong, vào bộ đội, đánh tây liên miên”.
Vậy là không lọt ra ngoài “phép nước”, ông nhà văn phải chọn một anh “thành phần giai cấp công nhân” làm nhân vật anh hùng cho dù hồi mới kháng chiến, hàng ngũ cán bộ đại đội phần lớn là dân… "tạch tạch sè”, “đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm” (thơ Quang Dũng), có văn hoá, có tâm hồn lãng mạn và toàn xuất thân thành thị. Bởi thế đặt chân lên đò qua sông xung phong vào đồn địch, trong đầu anh Còm chẳng có “dáng Kiều” nào hết, anh chỉ nghĩ đến ‘tương lai tươi sáng của dân tộc”: "Sau này kháng chiến thành công, thế nào mình cũng phải qua bên Lào hay bên Tây Nguyên một phen…”.
Thử hỏi tại sao khi đó anh không nghĩ tới chuyện về thăm bến Sáu Kho Hải Phòng quê hương anh ?
Xin thưa ngày đó tư tưởng giải phóng cả “Việt - Miên - Lào” thành lập Liên bang Đông Dương hãy còn sâu đậm lắm trong cán bộ đảng ta. Và ông nhà văn NĐT cũng không quên điều đó khi mô tả người anh hùng, nhất là tránh xa “con người chung chung” hướng tới “con người chính trị” mới đúng lập trường văn học cách mạng.
Khi xung phong tới gần cứ điểm, theo đúng kế hoạch lẽ ra đại bác phải bắn yểm trợ, rủi thay súng lại hỏng, cả đại đội của Còm vấp phải 8 khẩu “đui sết” của Pháp cứ nằm chết gí bên bờ ruộng. Thế là đồng chí Còm xông lên diệt ổ trung liên của địch cho toàn đại đội mở hàng rào. “Bỗng một phát đại bác nổ như xé tai, Còm đứng sững lại, bơi bơi hai tay trong không khí rồi ngã vật ra…”. Trước khi hy sinh, Còm còn thều thào hỏi: "Vào đến đâu rồi?” và tháo cái đồng hồ đeo tay tặng chú giao liên rồi mới… chết.
Cũng na ná như nhà thơ Tố Hữu mô tả cái chết của anh Nguyễn Văn Trỗi: "Trước khi đi anh gọi Bác ba lần”, chẳng hiểu sao các văn thi sĩ cách mạng cứ buộc người ta lúc chết phải nghĩ tới chiến thắng, tới lý tưởng, tới đồng đội mà không nhớ tới vợ con, gia đình ruột thịt? Thực sự những người lính lúc chết ra sao, có gọi Bác ba lần, có hỏi “quân ta vào tới đâu” không? Hình như chưa nhà văn cách mạng nào nói đúng được về họ. Bởi lẽ đó là yêu cầu chính trị.
Trận đánh kết thúc, quân ta đương nhiên là thắng quân nó, cứ điểm địch đương nhiên là bị nhổ bỏ và người anh hùng nằm xuống đương nhiên là được ca ngợi: "Đời anh Còm sống chiến đấu lặng lẽ, chết hy sinh lặng lẽ…”.
Truyện ngắn “Người anh hùng cứ điểm” được vào bia đá “văn học cách mạng” xem ra cũng chỉ là một bài ký sự “người tốt việc tốt” với mạch kể chuyện đơn giản, tuần tự, lười nhác cả trong xây dựng nhân vật lẫn kết cấu truyện. Đó là cái giá phải trả cho việc hưởng ứng chủ trương “sáng tác kịp thời ” của Đảng chăng?
Sang truyện ngắn “Người tù binh da đen”, tác phẩm “tuyển” thứ hai của NĐT xem ra còn… "kịp thời" hơn nữa.
Người tù binh da đen đó là lính hầu của tù binh da trắng Thiếu tướng Đờ Cát, Tư lệnh mặt trận Điện Biên Phủ mà chẳng hiểu sao ông nhà văn lại cho rằng “Mỹ” phong cho ông mới lạ chứ . Có lẽ vì vậy mà Đờ Cát được NĐT gọi bằng “tên”, “nó”. “Trong đoàn tù binh, giữa hai người lính hầu lúc nào cũng theo hầu hai bên nó như hai cái bóng, tên tướng Pháp cầm cái gậy ngắn của sĩ quan, vừa hút thuốc lá vừa lòng khòng đi, cái mũi dài xuống …”, “Tên Đờ Cát ngồi một mình trong cái lán, chống tay lên cái bàn nứa. Nó lột cái mũ ca lô đỏ xuống, cầm mân mê, mắt tư lự nhìn ngôi sao thiếu tướng mới đính trên cái mũ ấy, đôi môi mỏng nhếch ra một nụ cười trầm ngâm…” .
Có lẽ thấy đánh “người ngã ngựa” chẳng “quân tử” chút nào nên NĐT “tha cho” “tên Đờ cát” mà quay sang người lính hầu da đen của ông ta.
Dọc đường đi, anh tù binh trẻ luôn đeo cái ba lô thật nặng cho ông tướng bị các bạn tù khác “ném đá” và “chế giễu” nên đã trốn mất tiêu, trao nó lại cho người tù già. Bác này lại “è cổ đeo cái ba lô nặng lù lù và cuộn chăn len dầy đi sau tướng Đờ Cát về tới trạm tù binh”.
Khi “Đờ Cát được gọi đi, người lính hầu lại đeo vội cái ba lô lên vai”, nhưng lúc này anh lính ViệtNam ngứa mắt quá bèn ra lệnh cho viên tướng phải tự đeo ba lô.
“Đờ Cát leo đến nơi, hai chân lẩy bẩy. Nó bĩu môi, vứt phịch cái ba lô xuống” .
Khi anh lính VN ra lệnh cho viên tướng Pháp mở ba lô, người tù binh da đen mới thấy rõ mình đã è cổ cõng toàn những thứ “phục vụ cho ông tướng": "mấy tút thuốc lá Camen, hai chai rươự Huýt ki, ba cái bút máy Pác ke vàng, bốn năm bộ quần áo Gabácđin, ảnh của tướng Tatsinhi, một gói bạc Đông Dương dày cộm, một gói tiền vàng và nhẫn vàng, hai cái đồng hồ vàng… và nhiều thứ khác nữa…”.
Chính điều đó làm người tù binh già “giác ngộ” chính nghĩa thuộc “bên nào”, đêm đó ông tìm tới các chiến sĩ Việt Nam. Họ vui vẻ hỏi: "Phini balô, phini ba lô?”.
Rồi họ lại hỏi: "Sao anh tóc đã hoa râm thế còn đi lính cho Pháp?”.
Người tù binh da đen cảm động chảy nước mắt kể chuyện đời mình. “Anh là người Maroc, làm thợ mộc ở một làng vùng núi. Nhà có một mẹ già, hai anh em. Pháp đến bắt lính. Người em bỏ trốn vào rừng…Những hình ảnh quê hương xa xôi hiện lên dồn dập như gọi anh trở về nguồn gốc cũ…”.
Truyện ngắn "Người tù binh da đen" của NĐT được xếp hạng trong văn học cách mạng gói gọn chỉ có thế. Nó như một bản phác hoạ chân dung sơ sài, nặng về thiên kiến chính trị mà tính chân thực của nó còn phải chờ ý kiến xác minh của chính nhân vật trong truyện: "Tướng De Castrie”.
Vậy mà nó vẫn được khen là tìm được một “lối khác” trong sáng tác văn học đề tài ca ngợi “chiến thắng Điện Biên Phủ vĩ đại của Đảng và nhân dân ta” và là một gợi ý cho bà nguyên Cục phó Cục Điện ảnh Nguyễn thị Hồng Ngát viết nên kịch bản “Người hàng binh” tức “Ký ức Điện Biên” làm thiên hạ om sòm bàn tán vì tiêu tốn của Nhà nước cả triệu đô la mà trong dịp kỷ niệm “chiến thắng Điện Biên Phủ” tháng 5-2004 số người tới rạp trong mỗi buổi chiếu đếm được chưa hết mười đầu ngón tay. Tất nhiên, thất thu đó không thuộc lỗi nhà văn Nguyễn Đình Thi…
Tuy nhiên, tác phẩm xuất sắc nhất trong thời kỳ chống Pháp, làm NĐT có thể rung đùi yên trí “hoàn thành chỉ tiêu sáng tác” trên “mặt trận cầm bút” theo đúng yêu cầu của “bác Hồ” “mỗi nhà văn cũng là một chiến sĩ” lại là một “tiểu thuyết” đã được đưa vào sách giáo khoa cho không biết bao nhiêu thế hệ con em chúng ta ngồi trên ghế nhà trường phải phân tích và bình luận nhằm bồi bổ chủ nghĩa anh hùng cách mạng của cả nhân vật trong truyện lẫn người viết ra nó.
Đó là tiểu thuyết “Xung kích” - một trong những tác phẩm đưa NĐT lên bục nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh, viết vào năm 1951 sau khi đã được “quán triệt” sâu sắc “đề cương văn học Diên An” của Mao, tức những quy phạm ngặt nghèo của chủ nghĩa hiện thực XHCN phục vụ công nông binh đã hằn sâu trong quả tim và cả khối óc của nhà văn.
"Cửa mở" - Hot girl Trung Quốc |
Rồi trước lúc vào trận, bộ đội tập trung nghe thư “bác Hồ”, ông nhà văn cũng bê nguyên si thư Bác: “Chiến dịch này là lần đầu tiên đánh đồng bằng mà địch có chuẩn bị. Chính vì lẽ đó mà ta quyết phải thắng... Nào đơn vị nào hứa với Bác và Chính phủ sẽ lập nhiều công nhất nào? Chính phủ, đoàn thể và Bác đang chuẩn bị sẵn sàng thưởng cho những chiến sĩ, cán bộ và đơn vị lập công to nhất…”.
Tất nhiên tiếng “xin hứa, xin hứa” phải vang như sấm. Chỉ có điều sao trong thư , “bác” không viết “Đảng, Chính phủ và Bác” mà lại viết: "Chính phủ, đoàn thể và Bác”? Đó là vì lúc này Đảng rút vào “bí mật”, tuyên bố giải tán, thành lập “Hội nghiên cứu chủ nghĩa Mác” nên khi nói tới lãnh đạo, phải đưa “chính phủ lên trước” rồi mới đến “đoàn thể” chứ chữ "đảng" chưa được công khai nhắc tới như bây giờ.
Sau phần động viên "trong nước”, tới phần “quốc tế": Tiếng anh trung đoàn trưởng vang lên: “Tôi báo tin để các đồng chí biết. Bên Triều Tiên, các bạn chúng ta vừa mở cuộc tấn công mới, làm cho quân Mỹ lao đao. Chúng ta hứa với Bác thi đua với chiến sĩ Triều Tiên, đánh thật mạnh để hưởng ứng với các bạn chúng ta. Chúng ta hứa với Bác hôm nay không thắng không về…”.
Cứ như vậy, người đọc ngỡ ông nhà văn viết “báo cáo chiến dịch” chứ chẳng phải tiểu thuyết. Tuy thế, trong “Xung kích” NĐT cũng “sáng tác” ra nhiều nhân vật “anh hùng thời đại” để gắn nhãn “tiểu thuyết” cho nó.
Trước tiên là chú bé giao liên đại đội tên Luỹ, khi máy bay Pháp tới ném bom, “chú đứng bên cạnh bến nước, nhìn về mé có tiếng bom, hai tay đút túi quần: “Ăn thua mẹ gì. Chỉ chết mấy con ngan là cùng. Rời thằng Mỹ ra thì ông bóp mũi…”.
Ghê gớm chưa, chú bé Việt Nam của NĐT xem ra thấm nhuần chính trị tới mức lúc nói chơi cũng vạch rõ được “âm mưu can thiệp Mỹ”.
Giống như nhân vật chú nhóc Gavroche của văn hào Pháp Victor Hugo trong Les miséables , “bóng loắt choắt của chú bé liên lạc vẫn thoăn thoắt chạy đi giữa những tràng đạn lửa ngoằn ngoèo… Luỹ đã chạy qua hết sân đồn, bỗng đứng lại. Một thằng quan hai đang giơ tay từ một cái ngách nhỏ chui ra. Luỹ thét “ra nhanh”. Thằng quan hai bỗng hạ tay xuống, sau lưng nó , một tràng tiểu liên bắn ra. Bóng chú liên lạc lăn xuống đống gạch vụn… giữa trán nó , một lỗ thủng sâu hoắm rỉ máu…”.
Người “tây học” như NĐT chắc đã đọc “Les misérables” và chú bé giao liên Lũy hẳn đã được gợi ra từ chú nhóc Gavroche .
Một trong những nhân vật trung tâm cuốn tiểu thuyết là đại đội trưởng Kha. Anh này chắc không xuất thân “bần cố nông” vì trong người có chút máu tạch-tạch-sè (tiểu tư sản) nên trước khi ra trận còn muốn… diện đồ mới: “Anh mở ba lô, tìm bộ quần áo mới, vải thơm sạch, thay vào bộ nâu vẫn còn mặc trên người…Kha nghĩ: "Có chết mình cũng chết cho đẹp..”.
Mải mê khắc hoạ “nhân vật” cho có “cá tính” độc đáo, ông nhà văn quên bẵng “cái chết đẹp” hiểu theo lập trường cách mạng chỉ mang ý nghĩa “hy sinh cho Chính phủ, cho đoàn thể và cho bác Hồ” chứ không phải quần áo đẹp, hình như sợ cấp trên quở, ông vội vàng “sửa sai”: “Cầm cái áo lên, anh bỗng nhìn thấy cái huy hiệu Thanh niên dân chủ quốc tế…”.
Và anh đại đội trưởng vừa sa đà chút xíu vào “cá nhân chủ nghĩa” vội vàng củng cố ngay lập trường cách mạng: “Kha tháo huy hiệu xem kỹ: một quả địa cầu và mặt ba người thanh niên trắng đen vàng. Chiều hôm nay ở đây sẽ lại có những người thanh niên Việt Nam chết cho thực hiện cái cảnh hoà bình thân ái ghi trên tấm huy hiệu này…”.
Tuy nhiên phải đợi tới giai đoạn 2 của chiến dịch, vào một trận tấn công cứ điểm Pháp trên đồi, Kha mới chứng nghiệm dự cảm về cái chết của mình. Trong trận đó, anh dẫn đầu đại đội tràn lên đánh địch.
“Một tiếng xoẹt, Kha nằm nấp xuống hố đạn. Đất xới lên lấp chân Kha. Qua rồi, Kha nhảy lên miệng hố. Kha hét: "Xung pho… ong…”. Kha bỗng choáng óc như bị một nhát búa. Đất lạo xạo đầy mồm. Tiếng trung liên tắc tắc. Kha thấy mình nằm úp mặt xuống đất…”.
Bị trúng đạn rồi, Kha vẫn: “Tay nắm chặt súng lục, Kha cố đứng dậy đưa tay trái sang tìm vết thương. Sờ đến bả vai, thấy những ngón tay dính nháp nong nóng. “À đây, máu chảy nhiều”… Luồng đạn qua mặt mát lạnh, Kha như ra khỏi sương mù. “Không thể lui xuống lúc này được. Phải lên ngay cho kịp anh em. “Kha cắn răng chạy lên…".
Thế rồi Kha lại nhận thêm một viên đạn vào cánh tay , anh vẫn “quên hết hai vết thương ở vai và ở tay chỉ còn một ý nghĩ “Chạy thẳng lên đồi giết hết, giết hết…”.
Rồi anh lại bị một quả đạn cháy “khắp bên trái người cháy bỏng, anh khuỵ xuống, ngáp ngáp cố thở. Kha vẫn không chịu ngất đi, tự bảo “cố lên, cố lên…”.
Chỉ đến khi anh bị tiếp một quả đạn cháy thứ hai “cả người Kha xèo xèo, Kha giãy giụa hai ba cái trong đám lửa…” , anh mới chịu gục ngã.
Tuy nhiên, ông nhà văn vẫn chưa cho phép nhân vật được chết. Người anh hùng không thể chết câm lặng vậy được, cái chết đó phải được nhấn mạnh góp phần đắc lực cho công tác giáo dục chính trị tư tưởng. Kha được khiêng về trạm quân y chờ chính trị viên tới thăm.
“Trong đám sương mù liên miên, trí khôn đã lạc lõng của Kha bỗng nghe thấy xa tít có tiếng gọi. “ Kha ơi, Sản đây-Sản đây…”. (Sản là chính trị viên) “Kha cuống quýt… mấp máy cặp môi phồng rộp, tưởng mình đang kêu to mừng rỡ. Hai lòng trắng mắt động đậy. Bàn tay Kha giơ lên quờ quờ: "Ồ đồng chí Sản, sao bây giờ anh mới tới? Ồ Sản, Thế nào? Tối hôm ấy thế nào?”. Sản nói to: "Ta tiêu diệt được toàn bộ quân địch ở dãy đồi. Tiêu diệt toàn bộ quân đội…”
Vậy là phút giây thiêng, anh đại đội trưởng Kha vẫn chờ tin thắng trận, giống y chang anh đại đội trưởng trong truyện ngắn “Anh hùng cứ điểm”, Nguyễn Đình Thi lại cũng viết: "trước khi hy sinh, Còm còn thều thào hỏi: "Vào đến đâu rồi?”.
"Mèo" - tranh của họa sĩ Thanh Trí |
Kha vội lắm, Anh còn ít thời gian lắm: “Chào Đảng, các đồng chí... chi bộ…”.
Vậy là làm xong nhiệm vụ đảng viên trước khi chết rồi, Kha mới dặn dò riêng tư: “Sản nhớ cho Lý cái bật lửa… Hết”.
Chẳng hiểu sao, cứ trước lúc chết, các nhân vật anh hùng của Nguyễn Đình Thi cứ phải tặng ai một kỷ vật gì đó, anh Còm thì gửi lại cho chú giao liên chiếc đồng hồ đeo tay, anh Kha cũng gửi cái hộp quẹt cho cô bạn cũ gặp lại trên đường hành quân. Có lẽ ông nhà văn muốn có thêm chút ít "chất người" cho nhân vật, nếu không cứ dặn dò, cứ hô khẩu hiệu trước khi chết thì “khô khan, người máy” quá chăng? Có điều ngay cả những chi tiết "tình người” đó cũng khó xúc động lòng người vì sự khiên cưỡng và lặp lại.
Ở đại đội, “thủ trưởng quân sự" tức đại đội trưởng vẫn dưới quyền “thủ trưởng chính trị” tức chính trị viên kiêm bí thư chi bộ. Đánh đấm ra sao, tư tưởng thế nào, tuốt tuột thuộc quyền “quản lý” và quyết định của anh chính trị viên. Bởi thế nhân vật quan trọng nhất trong “Xung kích" của Nguyễn Đình Thi lại là anh chính trị viên tên Sản (chắc gợi từ “cộng Sản”).
Sản “nắm” cán bộ chiến sĩ, “nắm” chủ trương chiến dịch, chiến thuật, “nắm” lương thảo, vũ khí, “nắm” địa phương nơi đóng quân… Để thực hiện chế độ ‘toàn trị’ của Đảng trong quân đội, Sản phải nắm đủ thứ trên đời. Chính vì vậy trong lưng Sản lúc nào cũng kè kè cuốn sổ ghi chép và họp hành liên miên: “Mới mờ sáng, tới vị trí trú quân, Sản đã triệu tập các chi uỷ viên tới hội ý…”.
Hiền, một anh đại đội phó tố cáo: “Tôi xin nhắc đồng chí bí thư vấn đề tiểu đội trưởng Tá… Càng về gần dưới này, tinh thần càng xuống. Anh ta có lúc nhắc tới chuyện giải ngũ…”.
Sản cúi ghi trên sổ tay “ Chú ý công tác cậu Tá…”.
Người bị tố cáo phải vào sổ đã đành, ngay cả người đứng ra tố cáo cũng không thoát: Sản nghĩ: "Đồng chí Hiền cũng cần được theo dõi và giúp đỡ hơn nữa. Còn hay dễ làm khó bỏ…”.
Có người nhắc: “Đồng chí bí thư chưa bàn vấn đề tiền ăn…”.
Sản bỏ bút nhìn lên: "Tôi ghi cả đây. Giải quyết sau. Bây giờ tôi nhắc các đồng chí mấy điểm… Phải chuẩn bị ngay tinh thần cho bộ đội. Mọi việc phải gấp gáp lên. Còn vấn đề bí mật… nhiều cậu phất phơ ngoài chỗ trú quân, diện quần áo Mỹ giữa ban ngày, mua bán lung tung..Ngay cán bộ cũng coi thường bí mật. Đồng chí Hiền sao không nguỵ trang? Đồng chí muốn bộ đội ăn bom dây à? Các đồng chí phải về họp tổ mà chấn chỉnh ngay đi…”.
Cứ vậy, cái gì Sản cũng phải ghi, phải để mắt tới và phải huấn thị quần chúng mới tròn nhiệm vụ chính trị viên.
“Sản ngồi với cuốn sổ tay đặt giữa đầu gối. Hai vai anh cúi ép xuống lồng ngực. Những con số, những dòng chữ đầy mãi trang giấy…”.
Một chị cán bộ mới gặp thoáng trên đường cũng đã phải nhận xét về chính trị viên Sản: “Ông này chắc bộ đội khó giấu được ông ấy cái gì?”.
Giấu sao được, giấu là chết. Ngoài chuyện ghi chép tỉ mỉ, dọc đường hành quân, Sản còn phải tranh thủ giáo dục tinh thần cách mạng thường trực cho bộ đội: “Anh chính trị viên giơ cái ống tay áo cụt chỉ những đồi cỏ lau rậm rạp dưới ánh trăng, nói với mấy anh cán bộ trung đội: “Vùng này là chỗ “căng” ngày xưa Pháp đem đầy các đồng chí mình đây…”.
Khi ra trận, Sản phải lo sao cho bộ đội người nào cũng “có thư Bác cài trên mũ”, phải dặn dò đủ thứ: “Các đồng chí xông lên đồn còn là dễ, mà làm thế nào đủ điều kiện xông lên đồn mới là khó. Phải chú ý từ cái quai dép dây giày, túi cơm, cái giẻ lau, cái hộp mỡ, từ cái nan tre làm thang…”.
phải nêu cao tinh thần “quyết đánh” cho bộ đội, dù có thiếu đạn dược vẫn cứ đánh: “Phải làm cho tất cả anh em trong đại đội có tinh thần như chúng ta (đảng viên). Là vì sẽ gay go, mệt, đói, vội, có thể thiếu cả vũ khí. Không biết chừng không kịp có bộc phá. Không có, vẫn phải đánh được.Không kịp nghiên cứu kỹ sa bàn, cũng phải đánh được…”.
Vậy là cứ có ý chí là đánh được tuốt, người lính cứ thế mà xông lên bất chấp mạng sống của mình. Sau cùng, Sản còn phải thể hiện rõ vai trò gương mẫu bằng thề thốt: “Đảng đã dậy chúng ta : người đảng viên bao giờ lời nói cũng đi đôi với việc làm. Tôi xin hứa với chi bộ, nếu tôi không tròn nhiệm vụ trong trận này, tôi sẽ không đem cái mặt nhọ mà về trước đoàn thể…”.
“Thủ trưởng chính trị” bao giờ cũng to hơn “thủ trưởng quân sự”. Khi lâm trận, anh đại đội trưởng muốn ra cái lệnh gì cũng phải nhất nhất thông qua chính trị viên: “Đánh thế nào? Kha (đại đội trưởng) nhìn bức tường dựng đứng . Ít ra là tám chín thước cao. Cho là ba tầng nhà. Phải chập thang, chồng người mà lên. Rồi từ lô cốt đã chiếm đánh toả ra. Kha quay lại Sản: "Bây giờ cho hai trung đội chiếm trên mái?”. Sản gật.
Sản gật rồi Kha mới được phép thực hiện. Vậy là ngay cả trong chiến đấu, mọi mệnh lệnh phải được đại diện Đảng thông qua rồi mới được phát ra. Chính trị viên quyền lớn, trách nhiệm cao như thế nên ắt phải là con người… đặc biệt. Bởi thế đại đội trưởng Kha đã nhận xét về chính trị viên Sản: “Ai được như nó? Có lẽ nó chưa biết tuổi trẻ là gì? Lúc sáng, ở trung đoàn về nhìn thấy Sản ngủ, mặt hóp lại, mắt nhắm im. Kha giật mình. Nó mở hai mắt đờ ra nhìn Kha mấy giây như nhận không ra rồi mới chớp chớp mấy cái…”.
Hoá ra ngay trong giấc ngủ, anh chính trị viên cũng vẫn phải làm công tác “nắm tình hình”.
Trong lịch sử loài người, xuất hiện sớm nhất là thày tu và cô điếm rồi sau mới đến các loại phù thủy, nhà hiền triết, thợ thủ công, nông dân… Tuy nhiên phải đợi đến khi chủ nghĩa cộng sản xuất hiện, dùng bạo lực cướp chính quyền, nhân vật “chính ủy” mới ra đời trước hết ở Liên xô, Trung Quốc, Bắc Triều Tiên rồi Việt Nam. Đó thực sự là hạt nhân của các đảng cộng sản nắm súng đạn, nắm quần chúng huy động nhân tài vật lực vào bạo lực cách mạng cướp quyền dân.
Mang vai trò và phẩm chất đặc biệt như vậy, “chính ủy” về lý thuyết phải xuất thân công nhân thì mới “có ý thức tổ chức, có tinh thần kỷ luật”. Nắm vững yêu cầu đó, Nguyễn Đinh Thi đã không chọn nông dân hoặc tiểu tư sản mà chọn công nhân mỏ làm thành phần xuất thân cho chính trị viên Sản đúng y chang đường lối giai cấp trong xây dựng quân đội của Đảng. Bởi thế cái tâm niệm “người vô sản vùng lên tranh đấu chỉ mất có gông xiềng mà được cả thế giới “đã ăn vào cả trong giấc mơ của anh chính trị viên: “Ngày nào được đánh về vùng mỏ, gặp chúng nó (bạn bè công nhân cũ) thì sướng đến thế nào. Tương lai kháng chiến thành công rồi, chắc đoàn thể lại cho Sản về một nhà máy, nhà máy bấy giờ sẽ là của ta, Sản chỉ ao ước có thế…”.
Hoá ra “người nô lệ vùng lên tranh đấu” “chỉ ao ước có thế”, mai kia giành thắng lợi, chẳng cần tới cả thế giới, chỉ mong có trong tay một nhà máy làm chủ thoả nỗi khổ nhục làm công nhân ngày xưa. “Người anh hùng" dù cho được vẽ vời cao đẹp đến mấy, vẫn thò ra cái đuôi hám chức quyền.
Chính trị viên đại đội đã như một “thượng đế toàn năng”, vậy còn lính tráng thì sao?
Cho dù bộ đội đã được tổ chức thành trung đội, tiểu đội nhưng để việc "quản lý” thêm chặt chẽ, Đảng đã thiết lập “tổ 3 người” theo chế độ “tam tam chế” của bác Mao để “quản lý” và “dò xét" lẫn nhau.
Trong “Xung kích”, tổ tam tam tiêu biểu là Thông, Cốc và Mẫn - 3 anh lính cấp chót bét trong đại đội thường xuyên “để ý" và “bắt bẻ” nhau.
“Thông quay lại Mẫn: “Cậu công tử lắm. Bớt ngắm vuốt đi. Soi gương luôn trông sốt ruột lắm. Mà có được thấy đàn bà con gái đếch đâu mà diện. Ban đêm thì đi như gió. Ngày lại rúc vào bụi rậm. Cái áo Mỹ ấy cũng đừng vác ra ban ngày nữa. Dân làng người ta trông thấy còn đếch đâu là bí mật….”.
Rồi Thông bảo Cốc: “Thằng Mẫn phải để ý thế nào mới được. Có lẽ cậu phải gần nó, nói chuyện luôn, giác ngộ cho nó…”.
Trong sinh hoạt ngày thường, “tổ tam tam” tăng cường “giám sát” nhau: “Thông vừa mài dao vừa liếc mắt nhìn Mẫn . Biết ngay là cậu ta đang muốn nhớ nhà. Hé ra một câu là cu cậu cắn ngay. Chưa về quê được cậu ơi. Còn là đánh…”.
Trong tổ tam tam, còn gọi là “tổ keo sơn” Thông là người “vững lập trường nhất”. Ngay cả cái “tàu điện của Tây” anh cũng dè bỉu: “Nước mẹ gì, nó lại cho vài cái đầu tàu điện thải ở cái xó nào bên Tây chứù gì?”.
Và anh mơ ước: “Sau này Hà Nội thể nào chả có tàu điện. Mình làm ngầm dưới đất theo lối Liên xô kia chứ? Đánh Tây đánh tiếc xong chỉ xin đoàn thể cho về Hà Nội lái tàu điện ngầm là sướng nhất…”.
Ước mơ về thiên đường cộng sản ghê gớm chưa? Chỉ có điều vĩnh viễn cái tàu điện ngầm “theo kiểu Liên xô” ấy sẽ chẳng còn có cơ hội xây dựng ở Hà Nội.
Nhân vật thứ hai trong tổ tam tam là Cốc, “bồ côi từ nhỏ, lớn lên là đứa trẻ ăn mày ăn xin đầu làng cuối chợ… Những ngày cách mạng tháng Tám, Cốc sướng nhất, Cốc được vào thanh niên… tập tự vệ rồi đi bộ đội…”. Còn lại là Mẫn, em út trong tổ 3 người thường bị “uốn nắn” cũng lại xuất thân từ một làng quê bên bờ sông Thao.
Vậy là từ sĩ quan tới lính tráng trong “Xung kích” của Nguyễn Đinh Thi đều là những nông dân, công nhân nghèo khổ bị phong kiến và đế quốc bóc lột tới tận xương tuỷ. Thế còn những học sinh, sinh viên, công chức, những trí thức thành thị đã tham gia bộ đội đã đóng góp rất lớn ngay từ những ngày đầu đánh Pháp đâu cả rồi?
Chắc chắn không phải ông Nguyễn Đinh Thi vô tình quên họ mà ông tâm niệm “quân đội ta” phải là “nông dân mặc áo lính” - muốn văn vẻ ra sao, ông không được quên nguyên tắc đó khi viết tiểu thuyết đề tài bộ đội như “Xung kích” cho dù ông đã cướp công của bao nhiêu sinh viên, học sinh, con em các gia đình khá giả ở Hà Nội đã vì lòng yêu nước chống ngoại xâm mà đổ máu trên các chiến trường.
Nhân vật trong Xung kích của Nguyễn Đình Thi đều có mẫu số chung là căm thù giặc Pháp, dũng cảm chiến đấu, tình cảm riêng tư hầu như số không và đời sống tính dục hoàn toàn bị loại bỏ. Cứ như bao nhiêu nhân vật đàn ông dũng mãnh trong truyện đều bị “thiến bỏ” hết phần “bản năng tính dục”, khiến họ toàn tâm toàn ý tập trung giết quân thù.
Gía trị của “Xung kích” không nằm ở văn chương, không nằm trong phản ánh thân phận con người trong chiến tranh, mà chính là đã nêu được một hình mẫu tổ chức quân đội, từ chế độ chính trị viên toàn trị cho tới các tổ 3 người kiểm soát lẫn nhau, từ cung cách quản lý tư tưởng cho tới quản lý sinh hoạt… tất thảy đều nhằm biến một đơn vị quân đội trở thành một cỗ máy chỉ biết xông lên chém giết quân thù.
Và phải chăng cái “sức mạnh quân đội đã làm nên nhiều chiến thắng thần kỳ” như người ta vẫn ca ngợi là do sự tinh vi về tổ chức, sự hà khắc về tư tưởng và sự tiêu diệt mọi màu sắc cá nhân. Bởi thế, cái hình mẫu tổ chức quân đội đó chẳng nơi nào trên trái đất này có được, nó chỉ thực hiện được ở các nước cộng sản.
Trong sự nghiệp văn chương NĐT, những “Nhận đường”, “Anh hùng cứ điểm”, “Xung kích” chỉ là những phác hoạ chân dung để sau này ông viết nên một pho tiểu thuyết đồ sộ: Vỡ bờ 1 dầy 500 trang, Vỡ bờ 2 trên 700 trang.
Như cái tên của nó, NĐT muốn dựng lại cả một thời kỳ lịch sử vào lúc dân Việt Nam dường như không chịu nổi ách áp bức của cả Pháp và Nhật nên đã “tức nước vỡ bờ”, bung ra làm cách mạng.
Xoay quanh nhiều nhân vật trí thức, “Vỡ bờ” dường như muốn tìm cách trả lời câu hỏi vì sao đại đa số trí thức Việt Nam đi theo cộng sản làm cách mạng? Cho tới tận bây giờ, vấn đề này vẫn được nhiều người quan tâm và vẫn chưa được trả lời một cách thoả đáng, liệu Nguyễn Đình Thi qua bộ trường thiên tiểu thuyết này có đóng góp gì hơn?
Mở đầu thiên tiểu thuyết, NĐT cho “ra tuồng” cùng lúc hai nhân vật trí thức tham gia cách mạng.
Một là Hội, có vợ con ở làng Chẩm, lên Hà Nội dạy học. Hội của NĐT gợi đến khá rõ nhân vật Thứ trong “Sống mòn” của Nam Cao chỉ khác Hội đã tìm được tới cách mạng còn Thứ thì chưa.
Thứ hai là Khắc, con trai cụ tú Nguyễn Mai, hoạt động Đông Kinh Nghĩa Thục và bị bắt đầy đi Côn Lôn rồi chết ở ngoài đảo. Cụ Tú mất đi nhưng truyền lại được cái chí của mình cho con: “Năm ba mươi , Khác bị bắt về tội cộng sản, Toà đề hình xử án 20 năm tù và Khắc cũng lại đi Côn Đảo… đến hồi chính phủ bình dân Pháp lên , Khắc được tha về nhưng hai lá phổi của anh đã bị vi trùng lao đục ruỗng…”.
Từ Hà Nội về làng chuyến này, Hội có trách nhiệm báo động cho Khắc đi trốn vì sắp có đợt khủng bố mới. Hai trí thức cách mạng gặp nhau, tất nhiên chuyện “cách mạng” phải nở như bắp rang.
“Khắc nhận định: “Bây giờ không phải lúc Mặt trận Bình dân cầm quyền bên Pháp nữa. Chiến tranh đã nổ ra. Từ nay đã sang một thời kỳ khác rồi…”.
Rồi ông chính trị phạm Khắc giải thích cho anh thanh niên Hội, cách mạng tay mơ vì sao “ông Xtalin lại bắt tay ông Hitle” để ký hoà ước Xô - Đức, vạch mặt bọn trôtskit ở Hà Nội nhân vụ này đã la to: "vĩnh biệt Mạc Tư Khoa”…
"Hơi biển" - siêu mẫu châu Âu |
Tất nhiên, Hội được Khắc đả thông ngay: “Anh nói thế không đúng đâu. Tôi thì tôi cho rằng anh vẫn chưa thực thấy cách mạng là cần thiết. Đến lúc thực không thể sống thế này được nữa , thì anh sẽ có gan và có sức mạnh…”.
Nhưng rồi Hội cũng thấy ngay dự định của anh thật viển vông, cách mạng đòi hỏi phải lao vào hoạt động không ngại tù đầy bắt bớ, phải đặt nhiệm vụ tổ chức giao cho cao hơn là việc kiếm tiền nuôi vợ con. Đó là một tương lai rất khó khăn đối với Hội, bởi lẽ anh là người nhút nhát, mật vụ mới chỉ lùng sục bắt bớ trên Hà Nội, anh đã mang bao nhiêu báo chí bí mật của cách mạng “nhờ cụ vua bếp giải thoát đi cho…”.
Đối lập với trí thức cách mạng là tầng lớp “thượng lưu quý tộc” những năm 1940-1945 được Nguyễn Đình Thi mô tả khác xa so với các nhà văn cùng thời như nhóm Tự lực văn đoàn, Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Công Hoan…
Trước hết, Nghị Khanh là một tên đại địa chủ gian ác “ngày nào, ngoài cổng nhà Hai Khanh cũng có hàng dẫy người chầu chực xin vào gặp quan chủ để vay mượn, cầm cố. “Quan” cứ trông giỏ bỏ thóc, nhằm nhà nào có mảnh ruộng miếng đất mới bỏ tiền cho vay, với lãi cắt cổ. Qua vài vụ thì ruộng đã về tay quan…”.
Vợ Hai Khanh được ông nhà văn mô tả: "Cặp mắt bà Nghị mở ra trắng dã… một làn phấn mỏng làm cho nước da đen và dày bì bì của bà thành một màu khó tả. Mỗi khi bà nghị chú ý nhìn ai, hai con mắt long sòng sọc ấy như muốn nuốt chửng người ta…”.
Hai vợ chồng Nghị Khanh cho anh nông dân Bào cấy rẽ có mẫu hai lại ăn gian thành mẫu rưỡi và ông nhà văn ra sức bôi đen gương mặt giới điền chủ: Anh Bảo cố nén uất ức: “Bẩm bà lớn nhà con cấy có mẫu hai thôi ạ…
Mụ nghị như chồm lên trên cái bàn giấy: “Tiên nhân bố mày, bà thèm ăn không của mày mấy thùng thóc à…”.
…Anh Bảo tức đầy ruột đâm liều: “ Bà lớn ức tôi quá. Tôi cày ruộng nộp đủ thuế thì thôi…".
Nghị Khanh vừa ở nhà trên đi xuống. Cặp môi mỏng và đỏ tía của lão mím lại dưới hàng ria đen. Lão cầm ba toong bằng song quất thẳng vào mặt anh Bào đánh chát một tiếng: “Đồ khốn nạn. Ai cho mày đến đây làm loạn. Anh Long đứng đấy làm gì, sao để nó láo với bà lớn? Giần xác nó ra…”.
Vậy là anh nông dân đã bị “địa chủ, phong kiến” bóp cổ lè lưỡi đến gần chết, phải vùng dậy đi theo Đảng làm cách mạng thôi.
Bám vào cái chủ đề “vỡ bờ” đã được đặt trước cho cuốn sách, ông Nguyễn Đình Thi phải ra sức “ép” cho “tức nước” nghĩa là phải mô tả “thằng địa chủ, thằng tư sản” phải thật xấu xa, thật độc ác , người nông dân phải thật nghèo khó, thật khổ sở , và rồi ách áp bức của “tư sản, địa chủ” choàng lên đầu lên cổ nông dân đã khắc nghiệt tới mức họ không chịu nổi và Đảng đã phát động họ vùng dậy làm cách mạng tháng Tám.
Vậy là khi bỏ công sức ra viết cả ngàn trang tiểu thuyết “Vỡ bờ”, Nguyễn Đình Thi không làm cái công việc ghi chép một cách chân thực diện mạo xã hội - thiên chức của người cầm bút, “người thư ký thời đại” mà lại nhào nặn đời sống để minh hoạ cho những nhận định của Đảng về sự tất yếu phải nổ ra cuộc “cách mạng dân tộc, dân chủ” do Đảng lãnh đạo.
Cùng hội cùng thuyền Hai Khanh, tầng lớp “thống trị” có quan huyện Môn từng tâm sự: “Cái nghề làm quan bây giờ có phải dễ kiếm như vậy đâu. Xoay được của thằng dân đen vài chục bạc thì có khi vã mồ hôi trán ra. Nhất là ở huyện ông trị nhậm, mấy năm vừa rồi, được thế mặt trận bình dân, cộng sản nó mọc lên như rươi. Những thằng khố rách áo ôm cũng doạ biểu tình và giở lý sự ra với quan. Làm quan bây giờ khó, khó lắm. Thật ra là trên đe dưới búa…”.
Vậy sợ chưa đủ xấu, ông nhà văn diễn tả cả cái nỗi bực của quan vì vợ mình không…chịu “hiến thân" cho Tây: “Nỗi bực của ông huyện lại kéo đến. Phượng (bà huyện) chỉ cười với quan công sứ một tí thôi, tiếp người ta một tí thì mình chẳng phải lẹt đẹt mãi thế này. Ngay cả quan công sứ Hải Dương từ lần gặp Phượng ngày tết Tây trên tỉnh cứ hỏi thăm bà huyện luôn. Giả thử Phượng chiều lão ta một lần đi nữa cũng có mất mát gì. Miễn là chồng bằng lòng thì thôi chứ…”.
Các “quan” đã xấu vậy, vợ các “quan” làm sao tốt?
Bà huyện Môn thì “dâm ngầm”: "Mắt và môi bà lúc nào cũng hơi ướt, đôi mắt mơ màng có khi bất thình lình nhìn thẳng vào một người đàn ông như hơi chế riễu và hỏi: "Ông hãy nhìn kỹ đi, có phải tôi đẹp mê hồn không?”.
Bà tuần Vi thì lại: “Ngực đét như một con mắm, cái mặt luôn luôn hơi vênh lên. Tướng bà có chỗ khác người nhất là hai cái tai to tuớng chừng gần chấm xuống đến vai. Kẻ xấu miệng thì bảo bà có tính ngồi đâu cũng làm như mẹ người ta…”.
Còn bà Phán Đệ: “Béo nục nạc, vừa rút một cái gương con trong túi ra. Bà quay vội đi xoa thêm ít son đỏ lên cặp môi rồi lại quay trở lại nói the thé…”.
Tất nhiên, con cái nhà quan cũng xấu xa không thua gì bố mẹ: “Cậu Tường, con trai ông nghị, hai mắt cậu như bị thôi miên bởi vẻ đẹp rực rỡ của bà huyện…”, rồi đến tối khuya, cậu rình con ở tắm để làm bậy. “Xoan lên bờ đang mặc áo thì một cái gì ở đằng sau chồm lên vồ lấy nó… Hơi rượu phả ra nồng nặc, hai cánh tay ôm chặt lấy nó - Im, tao bảo… Tiếng “cậu Tú” Tường lào phào, hơi rượu còn sặc sụa, tay sờ soạng ghì lấy người con gái…”.
Tầng lớp “thượng lưu” càng xấu xa, độc ác, bỉ ổi bao nhiêu thì tầng lớp “bình dân”, ngược lại, càng tốt đẹp, cao thượng, tình người bấy nhiêu.
Nhà Xoan đi ở đợ và mẹ là Mùi giống y hệt nhà chị Dậu trong “Tắt đèn” của Nguyễn Công Hoan, trong khi đám địa chủ đối xử với họ độc ác quá cầm thú thì những người cùng khổ lại yêu thương, đùm bọc lẫn nhau theo đúng “tinh thần hữu ái giai cấp”.
Tất cả nhân vật từ giới thượng lưu tới đám dân đen trong Vỡ bờ của Nguyễn Đình Thi đều được phát triển theo một công thức cứng nhắc đó, tuyệt nhiên không có ngoại lệ.
Bởi lẽ nếu nhà văn để cậu tú Tường , con địa chủ Hai Khanh không ức hiếp con ở, không bóc lột người cấy rẽ… thì tức đã thừa nhận ngoài tính giai cấp ra, con người còn có một "tính chung” nữa - đó là “nhân tính”.
Suốt mấy chục năm lịch sử của phương pháp sáng tác hiện thực xã hội chủ nghĩa, cái phạm trù nhân tính này đã gây ra biết bao “tai nạn lao động” cho các nhà văn, nhà thơ, nhà kịch, nhà nghệ sĩ tạo hình…
“ Anh đã chót yêu con địa chủ
Quá yêu rồi biết bỏ sao đành…”
Đó là cái phần “nhân tính” đã nổi lên, cần phải diệt trừ nó, bởi lẽ cách mạng tuyệt đối không thừa nhận “nhân tính”. Nhân vật của Nguyễn Đinh Thi cũng vậy, nó được quy định chặt chẽ bằng “giai cấp tính” - đã là con địa chủ hoặc tư sản phải có máu “hưởng thụ và bóc lột” , đã là con nhà công nhân nhất định phải có gien “tổ chức và kỷ luật”, con nhà nông dân thoát sao được đầu óc tư hữu, tiểu nông, con nhà tiểu tư sản thì bấp bênh, dao động…
Quy phạm về con người trong văn chương hiện thực xã hội chủ nghĩa rõ ràng vậy, các ông nhà văn chỉ còn có mỗi việc “sáng tạo” gia giảm liều lượng mà thôi, ông nào say sưa, quá đà để nhân vật mon men đến chỗ dính nhân tính , thế nào cũng mắc “tai nạn nghề nghiệp” .
Nguyễn Đình Thi là người đầu tiên đưa “các đồng chí đảng viên cộng sản” vào tiểu thuyết ViệtNam.
Tất nhiên trước hết là những con người vô cùng dũng cảm, sẵn sàng chết cho lý tưởng cộng sản, lúc nào cũng lo làm cách mạng: “Ừ, thằng Se suốt năm ở hầm xay lúa như trâu, thằng Đàm loẻo khoẻo mỗi lần đấu tranh cứ xông ra chịu đòn cho anh em khi cai ngục, mã tà vào banh nện dùi cui như mưa rào, thằng Chấn anh em gọi đùa nó là Giáo sư đỏ, bị bệnh lở tuột cả da từ thắt lưng trở xuống, nhiều hôm cứ ở truồng như nhộng, thịt đỏ hon hỏn ngồi xổm giảng biện chứng duy vật…”.
Trên cái nền đỏ chói ngời “khí tiết cộng sản” đó, Nguyễn Đinh Thi đã dụng công dựng nên chân dung một lãnh tụ cộng sản tất nhiên là theo chiều hướng thổi lên tận mây xanh…
Các nhà văn trong nước thường được dậy dỗ cách xây dựng nhân vật gọi là “điển hình hoá”, trong đó theo nhà văn Lỗ Tấn “lấy cái tai của người Sơn Đông, cái mắt người Sơn Tây, cái mũi người Sơn Nam…” mà ghép lại thành nhân vật.
Khi xây dựng “hình tượng nhân vật” là lãnh tụ cộng sản, Nguyễn Đình Thi cũng theo phương pháp này, bởi thế anh Khắc trong truyện “Vỡ bờ” phảng phất lý lịch mấy ông Trần Phú, Nguyễn Ái Quốc, Lê Hồng Phong… mỗi ông một cái “tai”, cái “mắt”, cái “mũi” mà kết thành.
"Đồng chí" Khắc xuất thân gia đình tham gia Cần Vương, bố bị Pháp bắt tù, mới ngoài 20 tuổi Khắc đã bị đi đầy Côn Đảo, hết tù trở về hoạt động trong phong trào công nhân xi măng Hải Phòng… Thật là một lý lịch lý tưởng cho một ông lãnh tụ cộng sản.
Tuy nhiên loại nhân vật này rất hiếm hoi, các ông phần lớn “nằm vùng”, hoạt động trong bóng tối, con người thực của mấy ông kín như bưng, ít người được biết tới, ngay đến nhà văn cách mạng Nguyễn Đình Thi cũng ít cơ hội gần gũi mấy ông, bởi thế xây dựng nhân vật này rất khó mà hoá dễ.
Khó vì sự cách bức trên mọi phương diện, cơ hội được gặp lãnh tụ đã hiếm hoi, gặp được rồi lại chỉ toàn nghe ý kiến chỉ đạo, răn dậy hoặc giảng đạo chứ mấy khi bắt gặp được “con người thực” của mấy ổng.
Dễ là vì đó là những bậc “thánh thần” cứ tha hồ mà bốc lên mây xanh không sợ cấp trên thổi còi, bạn đọc cũng không phản đối vì thực hư có hay biết gì đâu?
Có lẽ vì sự hiếm hoi của các chi tiết nhân vật, ông nhà văn bê nguyên xi cả văn bản nghị quyết vào mô tả hai nhân vật “lãnh đạo cộng sản” là đồng chí Lê - xứ uỷ và đồng chí Khắc - thành uỷ: “Bước đường sinh tồn của dân tộc Đông Dương không có con đường nào khác hơn là con đường đánh đổ đế quốc Pháp, chống tất cả mọi ách ngoại xâm, vô luận da trắng hay da vàng để giành lấy giải phóng dân tộc…”. Khi Lê đọc xong, họ cùng im lặng mấy phút. Những lời trong bản nghị quyết như còn bỏng lửa trong đầu óc họ…”.
Nhà văn Nguyễn Đình Thi bộc lộ rõ một điều, cả Lê và cả Khắc dù là trí thức, nhưng những gì đã thành Nghị quyết Đảng đều là chân lý tuyệt đối không được mảy may nghi ngờ.
Nghe xong nghị quyết, họ chỉ thấy nóng bỏng đầu óc tìm cách thực hiện, tuyệt nhiên không nghĩ tại sao bước đường sinh tồn của các dân tộc Đông Dương lại chỉ có mỗi một con đường đánh đổ đế quốc Pháp, phong kiến và mọi ách ngoại xâm bất kỳ da trắng hay da vàng? Tại sao các nước như Thái Lan, Singapore, Indonesia… không đi theo con đường đó mà dân tộc họ vẫn sinh tồn và phát triển lại tránh được núi xương sông máu?
Cái hạt nhân “hiện thực” nhà văn NĐT vô tình để lại trong xây dựng nhân vật lãnh đạo cộng sản là sự tuân phục răm rắp những gì cấp trên đã răn dậy, đã trở thành nghị quyết, tuyệt đối không xét lại, không bàn luận chỉ có nhắm mắt chấp hành và chấp hành .
Ý thức tuân phục chẳng những là “cố tật” của lãnh đạo cộng sản mà tràn lan sang cả những trí thức , tự nguyện thiến bỏ phẩm chất cốt lõi nhất của họ - đó là sự “ngờ vực” để tự biến thành một thành phần “trang nghiêm” trong đàn cừu.
Một phụ nữ nhà giàu - ảnh Việt Nam xưa |
Một khi chỉ cần tới những người chỉ biết “tuân phục”, tự cắt bỏ khả năng “ngờ vực” thì suy cho cùng cách mạng đâu cần tới trí thức ? Đó là căn nguyên rốt ráo vì sao mới ra đời, còn trứng nước, Đảng đã đòi “ đào tận gốc, trốc tận rễ” các tầng lớp “ trí phú địa hào” – trong đó anh “trí thức ” là đối tượng số 1, vì sao lãnh tụ cộng sản Mao Trạch Đông lại coi trí thức không bằng “cục cứt”.
Vậy cốt lõi, nhân vật Khắc, lãnh đạo cộng sản ,tuy NĐT đã dày công tô vẽ ,cũng không phải trí thức, ông ta chỉ là người thừa hành, tổ chức các hoạt động theo chủ trương trên đưa xuống.
Lúc này thành uỷ Hải Phòng bị bắt gần hết, cán bộ cấp dưới có thể phản bội, trong tình hình thoái trào đó, Khắc được “trung ương” cử về Hải Phòng xây dựng lai thành uỷ và tổ chức bộ não lãnh đạo cho cả khu Bê gồm Kiến An, Quảng Yên và Hải Phòng.
Vừa đặt chân xuống Hải Phòng, Khắc đã lộ ngay cái máu “căm ghét tiện nghi, căm ghét văn minh” vốn là bản tính ghen tị sẵn có với đời sống người thành phố của mấy bác nhà quê theo Đảng đi làm cách mạng, lấy nông thôn “bao vây và tiêu diệt” văn minh đô thị.
Khi nhìn thấy phố xá thắp đèn điện, đồng chí Khắc căm tức: "Những cái nơi đèn sáng lộng lẫy kia không toả sáng và sự văn minh ra xung quanh. Trái lại mỗi ngọn đèn điện bật sáng ở đây là hút đi tất cả ánh sáng của hàng chục hàng trăm mái nhà tranh trong những làng xóm tối mù mịt. Chung quanh một vài thành phố có đèn điện, cứ đêm đến khi mặt trời tắt là tất cả đồng ruộng sông núi chìm vào bóng tối mênh mông như biển. Ở nông thôn hầu hết mọi nhà đều không có tiền mua dầu để thắp đèn, đêm đến người ta ăn mò, làm mò, lụi hụi trong bóng tối hoặc chung quanh một ngọn đèn leo lét như thời cổ xưa…”.
Tâm lý bài xích “văn minh đô thị” của ông lãnh đão cộng sản, về gây dựng Hải Phòng được huỵch toẹt: “Cái đời sống văn minh ở một vài thành phố chỉ là do hút hết máu mủ của các làng xóm cùng cực, lạc hậu, đem về đốt lên thành đèn điện, thành sự xa hoa truỵ lạc ngày càng thối nát thêm mãi.Mấy cái thành phố lớn khác nào những cái nhọt đỏ bầm, càng tấy lên càng làm cho đau đớn nhức nhối, tê liệt cả cái cơ thể Việt Nam đã bị vắt máu đến kiệt quệ …”.
70 năm sau, thật chẳng ngờ những suy gẫm của Nguyễn Đình Thi về các thành phố thời “phong kiến đế quốc” lại trở thành hiện thực trên đất nước Việt Nam, đúng y chang tới từng câu, tùng chữ một cách lạ lùng. Nào “hút máu mủ các làng xóm cùng cực lạc hậu đem đốt lên thành sự sa hoa truỵ lạc…”, nào mấy “cái thành phố lớn khác nào ung nhọt, tấy lên làm tê liệt cả cái cơ thể Việt nam bị vắt máu đến kiệt quệ..”.
Còn đoạn văn nào mô tả thực trạng các thành phố lớn ở Việt nam ngày nay chính xác hơn, sinh động hơn đoạn văn của Nguyễn Đình Thi viết về Hải Phòng 70 năm trước?
Khả năng “thấu thị”, dự báo, “tiên tri” của nhà văn thật chẳng ngờ lại "chơi ngược" lại chính ông. Hoàn toàn không nhìn thấy mặt tích cực của những thành tựu văn minh công nghiệp người Pháp mang tới Việt Nam, ông lãnh đạo cộng sản mà Nguyễn Dình Thi hoá thân vào đó nhìn đâu cũng chỉ thấy biểu tượng của sự bóc lột, hút máu hút mủ: “...trước mắt Khắc, nơi con sông Tam Bạc đổ vào Cửa Cấm , sừng sững nổi lên những khoảng tường, mái, nặng nề, chồng chất lên nhau tâng tầng lớp lớp như những bức thành cao ngất đến lưng trời. Quả thật đấy là một cái thành trì to lớn của tư bản Pháp ở Việt Nam: khu nhà máy xi măng Hải Phòng. Trên nền trời bầm tím, hai cái tháp lò đồ sộ phun lên hai cột khói trắng toát. Hai cột khói im lìm như hai cái cây kỳ lạ mọc thẳng lên đến những khoảng mây mù mịt trên trời sâu thẳm…”.
Hằn học ánh sáng đô thị, thù ghét văn minh công nghiệp, liệu những lãnh tụ cộng sản như Khắc của Nguyễn Đình Thi sẽ dẫn dắt dân tộc này đi tới đâu?
Đưa dân tộc tới một ngày mai ra sao, trong đầu Khắc chưa hình dung được gì ngoài hình ảnh “thiên đường cộng sản” mờ mờ nhân ảnh, chỉ biết lúc này, trong huyết quản ông, sôi sục máu nóng muốn đập bỏ cái con quái vật - “nhà máy xi măng” - bên bờ sông Tam Bạc , Hải Phòng .
Ở đó “dưới vòm trời âm u khói, dòng người xám xịt im lặng chảy đi. Những bộ mặt gày còm lấm nhơ dầu máy hoặc bê bết than đá và bụi đất , đều lộ vẻ mệt mỏi , khác nào vừa bị rút kiệt sức lực trong cái âm phủ đầy lửa cháy và đầy bụi nóng ngột ngạt.”…ở đó “Chân người ta bủn rủn, bụng đói như cào. Gió đầu mùa đông thổi tới, những manh áo xanh, áo nâu không làm sao chống nổi với gió lạnh. Mọi người đều im lặng bước đi, chỉ nghe thấy tiếng guốc, tiếng giày vải, tiếng chân không bước lệt xệt trên mặt đường…”.
Những đoạn văn mô tả “nhà máy của tụi tư bản bóc lột công nhân” này cũng có thể tìm thấy trong tiểu thuyết cùng đề tài của các nhà văn mác xít đầu thế kỷ 20 như “Người mẹ” của Maxime Gorki. “Thép đã tôi thế đấy” của Nicola Ostrosvki, hoặc truyện ngắn “Người đàn bà tàu “ của Nguyên Hồng. Chúng giống nhau đến độ có thể tráo đổi cho nhau mà không ảnh hưởng tới cục diện chung của tiểu thuyết bới lẽ chúng có chung một cảm hứng chủ đạo là coi “nhà máy tư bản bóc lột công nhân" giống như “con quái vật hút máu mủ người làm thuê” như “âm phủ đầy lửa cháy và bụi nóng”.
Tiếc thay, “cảm hứng chủ đạo” đó không hẳn đã được các nhà văn “nghiệm sinh” từ thực tế đời sống mà là sản phẩm của trí tuệ sau khi đã được nhồi nhét một cách sơ lược và sống sít những luận điểm của chủ nghĩa Mác.
Và khi đi dưới “tấm biển chỉ đường” đó, ông nhà văn buộc phải chấp nhận sức mạnh đập chết con quái vật, đánh sập “âm phủ” phải là cái năng lượng tiềm ẩn của đám đông: “Một ngọn đèn điện vàng khè đã thắp lên, dòng người rét và đói vẫn cuồn cuộn , lầm lì đi trên đường. Cái quang cảnh ấy có một sức mạnh riêng, nó có cái vẻ oai nghiêm của nó. Giả thử đầu đám người ấy nổi lên một lá cờ đỏ, và tất cả dòng người lầm lì kia mỗi người giơ lên một nắm tay và reo lên một tiếng thì cả con đường bờ sông này sẽ rung chuyển hết, biến thành một dòng thác dữ và mấy nghìn con người mệt đói bủn rủn kia đã thành một đạo quân ghê gớm rồi…”.
Chỉ bằng một đoạn văn ngắn, Nguyễn Đình Thi đã vô tình bộc lộ ngoài ý muốn cái cốt lõi của “chủ nghĩa nhân đạo cộng sản”. Đó là một cái nhìn thuần “lý tính”, nhảy qua mọi khốn khó của quần chúng , nhằm ngay tới sự đánh thức sức mạnh mù quáng của nó, “biến khổ đau thành hành động”, biến biển nước mắt của chúng sinh thành sức mạnh đập phá.
Đặt chân tới Hải Phòng, Khắc gặp vô vàn khó khăn khi phong trào cách mạng bị đánh phá tơi bời. Cơ sở cách mạng đầu tiên Khắc được giới thiệu móc nối là anh trí thức Tuyển.
Chưa đọc tiếp, cũng có thể đoán chàng “trí thức tiểu tư sản” này gặp thoái trào sẽ dao động, từ bỏ hàng ngũ cách mạng làm một anh “trí thức trùm chăn”. Đó là “tính giai cấp” quy định tính cách nhân vật mà.
Quả nhiên Khắc tìm tới Tuyển thì anh ta lại vờ vịt: "Ông có việc gì đấy ạ…”.
Sau cùng anh ta huỵch toẹt: "Anh cũng hiểu… lòng tôi vẫn trước sau như một… nhưng cảnh nhà tôi anh thấy đấy, còn năm đứa con nhỏ, tôi không thể như các anh được…”.
Đúng như bác Mao nói: "Trí thức không bằng cục phân”, nhất trí thức tiểu tư sản hay dao động, sợ thay đổi, sợ khó sợ khổ… Nguyễn Đình Thi quả đã vẽ chân dung anh trí thức Tuyển đúng hệt với sự phân tích giai cấp của Đảng đối với loại nhân vật này.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét