"Giáng ngọc" - Hot girl Trung Quốc |
Việc buôn gian bán lận, trốn thuế, lậu thuế, bớt xén tiền công, kéo dài ngày lao động, không đóng bảo hiểm cho người lao động... (nghĩa là vi phạm pháp luật) thì đây chính là bóc lột. (ảnh không liên quan đến bài viết)
1. Giá trị thặng dư và bóc lột là vấn đề có thật, có từ lâu, nhiều người cho rằng nó đã “xưa như trái đất”. Ngược dòng lịch sử, từ mấy thế kỷ qua, lớp lớp người lao động đã vùng lên đấu tranh chống áp bức, chống đánh đập công nhân, đòi tăng lương, giảm giờ làm, cải thiện điều kiện làm việc. Từ trong máu lửa đấu tranh, phong trào công nhân rồi giai cấp công nhân ra đời và lớn mạnh, ngày Quốc tế Lao động 1-5 ra đời và ngày Quốc tế Phụ nữ cũng ra đời từ đây.
Giá trị thặng dư và bóc lột trở thành vấn đề lớn của nhân loại. Trong thế kỷ XX, có rất nhiều công trình khoa học đã luận giải về giá trị thặng dư và bóc lột. Từ điển của các quốc gia (trong đó có Việt Nam) đã đưa ra nhiều định nghĩa khác nhau về nó. Nếu muốn tìm nhanh, “chỉ cần lên Internet, vào Google và gõ từ “exploitation” (sự bóc lột) trong vòng 0,1 giây, chúng ta có hàng chục triệu mục liên quan đến sự bóc lột, trong đó có hàng ngàn định nghĩa khác nhau về bóc lột”(1). Xem ra, nhân loại đã tốn khá nhiều công sức, giấy mực để luận giải vấn đề giá trị thặng dư và bóc lột, thế nhưng sự hiểu biết vấn đề này có lẽ còn ít. Dự đoán, sẽ còn tốn rất nhiều thời gian và giấy mực nữa cho vấn đề “gai góc” này của thời đại.
2. Lý luận Mác xít cho rằng “Giá trị thặng dư là giá trị mới do lao động của người công nhân tạo ra ngoài giá trị sức lao động, là kết quả lao động không công của người công nhân cho nhà tư bản... Bản chất bóc lột của chủ nghĩa tư bản là ở đó”(2). Hãy khoan khẳng định đúng sai. Thế nhưng, nhìn nhận giá trị thặng dư và bóc lột như trên dễ làm cho người ta ngộ nhận. Thực ra, giá trị thặng dư được tạo ra không hoàn toàn thuộc quyền sở hữu của nhà tư bản. Đặt vấn đề như vậy, vì mấy lẽ:
- Thứ nhất, bất cứ doanh nghiệp tư nhân nào, ở bất kỳ quốc gia nào cũng phải thực hiện nghĩa vụ với nhà nước bằng việc đóng thuế. Thuế lấy ở đâu? Từ giá trị thặng dư (m). Vậy là, m phải chia thành nhiều khoản (m = m1 + m2 + m3 + m4 + ... + mn) và khoản đầu tiên (là m1) được dùng để nộp thuế.
- Thứ hai, quy luật của phát triển đòi hỏi phải đầu tư cho tái sản xuất mở rộng. Vậy phải có khoản m2 để đầu tư ròng, nghĩa là mua sắm thêm yếu tố sản xuất, thuê thêm công nhân, tức là thực hiện tái sản xuất mở rộng.
- Thứ ba, chi tiêu cho quản lý. Có câu chuyện, xin tóm tắt như sau: một cậu bé miền quê, lần đầu tiên trong đời được bố gửi tặng chiếc quần. Khó nói hết niềm vui của cậu trong buổi học ngày mai. Tiếc là quần lại dài quá. Cậu mang đến nhờ bà sửa, bà nói còn quá bận việc nhà. Cậu mang đến nhờ mẹ, mẹ nói phải qua bác ba bàn chuyện làm ăn. Cậu mang đến nhờ chị mới biết đã đến giờ hẹn hò, không thể “hy sinh” cho em được. Buồn quá, cậu lăn ra ngủ. Làm việc xong, thương cháu, bà mang quần ra cắt ngắn đi. Đi chơi về, thương em, chị mang quần ra cắt ngắn đi. Hãy xem, sáng mai, mặt cậu bé sẽ thế nào với chiếc quần hai lần bị cắt ngắn. Câu chuyện dạy ta rằng, cho dù lao động tự giác với động cơ thánh thiện thế nào chăng nữa, nếu không quản lý, hậu quả sẽ khôn lường. Vậy ai quản lý vốn đầu tư? Tất nhiên là chủ doanh nghiệp. Thế là cần có khoản thứ ba (m3) để trả công cho nhà quản lý.
- Thứ tư, dân ta có câu “có chí thì làm quan, có gan thì làm giàu”. Cái “gan” được hiểu đó là sự táo bạo, sáng tạo trong kinh doanh, là giải pháp kỹ thuật tối ưu, là quyết định khôn ngoan trong việc lựa chọn chi phí và sản lượng cung ứng, là tài trí thông minh trong quản trị rủi ro... Vậy phải “thưởng” cho họ? Khoản m4 phải được xem là phần thưởng hay thu nhập đương nhiên. Đại bộ phận các nhà đầu tư giàu lên từ đây, xã hội cũng phát triển nhờ đây.
Nhìn từ góc độ pháp luật, nếu khoản mn có được từ việc buôn gian bán lận, trốn thuế, lậu thuế, bớt xén tiền công, kéo dài ngày lao động, không đóng bảo hiểm cho người lao động... nghĩa là vi phạm pháp luật thì đây chính là bóc lột.
"Cổng làng xưa" - tranh của họa sĩ Lê Đại Chúc |
Từ năm 1904, tại Bình Thuận, các cụ Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Trọng Lợi, Hồ Tá Bang... đã thành lập Công ty thương mại Liên Thành, cụ Huỳnh Thúc Kháng thành lập Công ty Thương Hội (Hội An), cụ Trần Chánh Chiếu lập Minh Tân khách sạn (Mỹ Tho), lập Nam kỳ Minh Tân Công nghệ theo phương thức cổ đông...
Thực dân Pháp run sợ Duy Tân, chúng đàn áp rất dã man. Nhưng ngọn cờ Duy Tân đã kịp bay khắp ba miền Trung, Nam, Bắc. Làn gió Duy Tân đã thổi vào hồn Việt. Theo thời gian, nhiều nghề mới xuất hiện và cũng xuất hiện nhiều doanh nhân tên tuổi như: cụ Bạch Thái Bưởi, cụ Trương Văn Bền, cụ Nguyễn Sơn Hà, cụ Trịnh Văn Bô... Nhà buôn Trịnh Văn Bô - Hoàng Thị Minh Hồ, người đã đóng góp cho chính phủ Cụ Hồ trong “tuần lễ vàng” ngay sau ngày đất nước giành được độc lập 1.200.000đồng, tương đương 5.000 lượng vàng đã phát biểu: “Đã là nhà buôn thì phải có uy tín làm ăn. Chẳng ai dại gì mua danh ba vạn bán danh ba đồng. Chúng tôi buôn bán được 10 thì chỉ giữ lại 7, còn lại giúp đỡ người nghèo, làm những việc phúc đức. Đó là lẽ thường tình”. Thiết nghĩ, đây là quan niệm chung về đạo kinh doanh của nhiều nhà tư sản dân tộc thời ấy.
Ngày nay, thế hệ con cháu của các thủ lĩnh Duy Tân làm cuộc đổi mới. Để phục hưng đất nước, Nhà nước đã ban hành Luật Doanh nghiệp, Đảng đã có nghị quyết về “Tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách, khuyến khích và tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân”. Nghị quyết của Đảng đã đi vào cuộc sống, Luật Doanh nghiệp trở thành “bà đỡ” cho kinh tế tư nhân phát triển nhanh. Năm 1991 cả nước có 130 doanh nghiệp tư nhân đăng ký kinh doanh, đến năm 2001 là 66.780 doanh nghiệp và năm 2003 đã có khoảng 120.000 doanh nghiệp đăng ký đi vào hoạt động. Riêng các trung tâm kinh tế lớn như Hà Nội, tính đến tháng 5-2004 có 12.000 doanh nghiệp, TP.Hồ Chí Minh là 17.000 doanh nghiệp. Cần nhấn mạnh là, các doanh nghiệp trên thành lập theo Luật Doanh nghiệp và chịu sự điều chỉnh của hàng loạt quy phạm pháp luật trong hệ thống pháp luật Việt Nam. Cũng như nhiều quốc gia khác, ở Việt Nam, thương trường cũng là chiến trường nên không ít doanh nghiệp kiếm lời bằng mọi giá. “Pháp luật không có lỗi, chỉ có con người có lỗi”, những người trốn thuế pháp luật xử phạt, những kẻ buôn lậu pháp luật đã đưa vào tù. Đại bộ phận các chủ doanh nghiệp làm giàu chính đáng bằng “trí tuệ và hùng tâm” trong khuôn khổ pháp luật. Đảng đã đánh giá rất cao kinh tế tư nhân trong tiến trình phát triển. Đóng góp nổi trội nhất của kinh tế tư nhân trong thời gian qua là tạo thêm được nhiều việc làm, thu hút nhiều lao động trong xã hội, nhất là thanh niên đến tuổi lao động chưa có việc làm; góp phần giải quyết số lao động dư dôi từ các cơ quan, doanh nghiệp nhà nước do tinh giảm biên chế hay giải thể. Năm 2000 có hơn 21 triệu lao động trong khu vực kinh tế tư nhân, chiếm 56,3% lao động có việc làm thường xuyên trong cả nước. Kinh tế tư nhân huy động ngày càng nhiều nguồn vốn trong xã hội đầu tư vào sản xuất kinh doanh. Vốn đầu tư của kinh tế tư nhân chiếm tỷ trọng đáng kể trong tổng vốn đầu tư phát triển. Năm 2000 vốn đăng ký kinh doanh tăng rất nhanh, đạt mức gần 14 ngàn tỷ đồng, gấp 4,5 lần so với năm 1996. Sự đóng góp vào GDP của kinh tế tư nhân ngày càng nhiều và ổn định. Năm 2000 đạt mức 42,3% GDP toàn quốc. Kinh tế tư nhân góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng kim ngạch xuất khẩu, thúc đẩy cạnh tranh, tăng thêm số lượng công nhân và doanh nhân Việt Nam.(5) Tấm huân chương nào cũng có mặt trái, dù vậy, tình hình trên cho thấy không nên nói một cách giản đơn rằng làm kinh tế tư nhân là bóc lột.
4. Từ đời Hùng Vương thứ ba, Chử Đồng Tử và Tiên Dung đã đồng lòng buôn bán (làm cả nội thương và ngoại thương) nên trở nên giàu có. Đầu thế kỷ XX, các nhà Duy Tân nói đi đôi với làm cốt để hưng nghiệp phú quốc. Ngày nay, Đảng làm cuộc đổi mới (đã được nhân dân đồng tình), nên đảng viên cũng phải được đổi mới. Đảng viên là công dân (mà phải là công dân gương mẫu) thì phải sống và làm việc theo pháp luật, phải phấn đấu cho mục tiêu dân giàu nước mạnh bằng nhiều cách, trong đó có việc làm kinh tế tư nhân. Với tư cách công dân, nếu làm giàu bằng việc vi phạm pháp luật trong kinh doanh, Nhà nước sẽ điều chỉnh theo pháp luật; với tư cách đảng viên, Đảng sẽ điều chỉnh theo kỷ luật của Đảng. Theo logíc này, Đảng cho đảng viên làm kinh tế tư nhân là việc làm “thuận theo tự nhiên”, là cách làm gia tăng nguyên khí quốc gia, vì trong Đảng có rất nhiều người tài giỏi. Tuy vậy, cũng xin nhớ rằng, lịch sử cận đại và hiện đại đã có nhiều bài học lớn: khi quyền lực của đồng tiền kết hợp với quyền lực chính trị, nhiều khi hậu quả thật khôn lường.
Ngô Đạt (ThS. Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh)
Chú thích:
(1) Báo Tuổi Trẻ, ngày 28-2-2006
(2) Giáo trình Kinh tế học chính trị Mác - Lênin, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1999, tr. 162,
(3) Trong Lĩnh Nam chích quái liệt truyện có chuyện tình của Chử Đồng Tử - Tiên Dung. Qua chuyện này, Chử Đồng Tử được người đời sau tôn là ông tổ (Chư Đạo Tổ) của nghề buôn bán.
(4) Các sĩ phu không giỏi kinh doanh mà chỉ giỏi viết sách và dạy học. Các nhà Duy Tân đã biên soạn một số sách tóm tắt về văn minh phương Tây, về nghệ thuật kinh doanh. Trong số sách này phải kể đến bộ Văn minh tây học sách của Đông Kinh Nghĩa Thục.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét