Một người khi phát nguyện quy y làm đệ tử nhà Phật thường được quý thầy dạy không quy y thần, quỷ, vật… Tuy nhiên khá nhiều người vẫn còn thờ các vị thần Địa, Tài… trong gia đình để cầu mong may mắn, tiền tài… Điều này quả là trái với quy định của nhà Phật.
Tại sao lại thờ ông Địa, thần Tài?
Tục thờ ông Địa và thần Tài có từ thời xa xưa. Đối với ông Địa, dân gian còn gọi là Thổ công. Đây là vị thần coi sóc một mảnh đất, một khu vực cụ thể nào đó. Còn ở mỗi gia cư, Thổ công là vị thần trông coi gia đình, dự định họa phúc.
Đệ tử nhà Phật có nên thờ ông Địa, Thần Tài?
Hình tượng của ông Địa được người dân thể hiện là một ông già to béo, bụng phệ, vẻ mặt hiền lành, miệng cười thoải mái. Có lúc, tượng Thổ địa được thể hiện dưới hình thức là một ông già râu tóc bạc phơ, mặc áo dài, đội mũ mỏ quạ, râu trắng như cước.
Còn thần Tài, theo quan niệm của số đông dân gian là vị thần mang tài lộc đến cho gia đình, cho nên rất được nhiều người tin thờ.
Dù ở phố chợ đông vui hay ở thôn làng hẻo lánh đều có bàn thờ Thần Tài. Chính vì điều này nên đa số những người làm nghề buôn bán nhỏ, các nhà doanh nghiệp… thì sự tôn sùng vị thần ấy dường như là một thói quen trong tập quán của nhiều người.
Không chỉ có thế, nhiều người dù đã quy y làm Phật tử nhưng vẫn thờ hai vị thần này ở trong gia đình của mình.
Nói về việc có nên thờ ông Địa, thần Tài, thầy Thích Nhuận Nguyên (TP.HCM) cho rằng: “Trong kinh điển của đức Phật để lại tôi chưa hề thấy nhắc đến danh xưng của các vị thần này. Nhưng ngoài chư Phật, Bồ tát, trong giáo lý Phật đà cũng có nhắc đến các vị chư Thiên, La - sát, các vị Thần khác với những nhiệm vụ khác nhau.
Có vị ủng hộ thọ mạng của con người, có vị chăm nom tài sản, con cái, nhà cửa, đường sá, có vị góp phần hưng long Chánh pháp, làm cho Phật pháp được trường tồn… Điều này được ghi rõ trong kinh điển Đại thừa.
Vì thế, đối với các vị thần có tên ông Địa hay thần Tài có thể là những vị thiện thần có năng lực trợ giúp cho cuộc sống của con người.
Còn về vấn đề có nên thờ ông Địa, thần Tài hay không? Thì thầy Nhuận Nguyên cho rằng: Lúc làm lễ quy y các vị đã có lời nguyện đầu tiên đó là quy y Phật. Quy y Phật, thì người Phật tử nguyện suốt đời chỉ quy y Phật thôi, tuyệt đối, không được quy y Thiên, Thần, Quỷ, Vật. Đó là lời phát nguyện của Phật tử nói trước Tam Bảo. Nếu đã vậy thì sao còn thờ.
Còn thầy Thích Phước Thái thì lại cho rằng: Có những người sau khi quy y rồi, có lẽ là vì lu bu bận rộn lo tính toán với nhiều công việc làm ăn, nên quên những gì mà đã phát nguyện, thỉnh ông Địa và ông Thần Tài về thờ trong nhà.
Hoặc có thể là do vẫn nhớ, nhưng vì không bỏ được cái tập tục thờ cúng các vị Thần nầy. Cũng có người vì muốn thờ các vị Thần nầy phụ lực thêm với sự phò hộ của chư Phật để giúp cho bản thân và gia đình luôn được bình an, mua may bán đắt, tiền vô như nước.
Nếu quả thật thờ Thần Tài mà ổng hộ độ cho mình được giàu có, tiền vô trong túi ào ào, thì mấy nhà sản xuất ông Thần Tài chắc là họ phải giàu to cần gì phải khổ cực kiếm tiền mỗi ngày.
Nói thế, để Phật tử thấy rằng, tuy những người này đã quy y Tam Bảo, nhưng có thể do họ có lòng tin Tam Bảo và tin nhân quả không được vững chắc. Đây cũng là bệnh chung của đa số Phật tử chúng ta chưa có đủ niềm tin nơi Tam Bảo và lý nhân quả nên mới có tình trạng thờ ông nầy ông kia.
Tuy nói như vậy, nhưng với Phật giáo trong một chừng mực nào đó, nếu như sự hiện diện của chư vị ấy trong nhà làm cho ta có cảm giác bình yên, thanh thản thì Phật giáo không cứng nhắc cản ngăn. Vì thế nếu từ trước đến nay, nhà quí vị chưa hề và chưa bao giờ thờ hai vị Thần này - mặc dù quí vị vẫn tin tưởng oai lực của chư vị Thiện thần hộ pháp - thì cũng không nên khiên cưỡng thờ tự.
Minh Thiện
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét