Nam mô Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật. |
Phật thích ca đã từng nói: “…Cũng như nước đại dương chỉ có một vị mặn, học thuyết của ta chỉ có một vị là cứu vớt…”.
Vào thế kỷ 6 T.CN, đạo Phật - 1 trong 3 tôn giáo lớn của nhân loại - đã ra đời ở Nêpan một nước nhỏ giáp Ấn Độ. Khác với các tôn giáo thế giới khác cho rằng thần thánh, thượng đế, hay đấng cứu thế sáng lập ra như Môhamét của đạo Ixlam (chúng ta quen gọi là đạo Hồi - đây là một sự nhầm lẫn đáng tiếc), chúa Jesu của đạo Kytô,… Người sáng lập ra đạo Phật là một con người có thật trong lịch sử nhân loại.
Người sáng lập đạo Phật là hoàng tử con vua Sudodana, một tiểu quốc của người Arya là Kapilavaxta. Tên của ông là Sitdata Gotama (phiên âm Hán - Việt: Tất Đạt Đa), tên tục là Sakia Muni (Sakia nay thuộc Nêpan; Muni nghĩa là vắng lạng, nhân từ). Sakia Muni tức là người nhân từ từ xứ Sakia (phiên âm Hán - Việt tức là Phật Thích Ca Mâu ni).
Theo quan niệm của Phật giáo, trước khi là hoàng tử, đức Phật nhân từ của chúng ta có rất nhiều tiền kiếp (547 tiền kiếp). Trước khi đầu thai thành hoàng tử, đức Phật có tiền kiếp là con voi trắng.
Khi Phật đầu thai làm hoàng tử có 108 vị đạo sĩ của Bàlamôn đến cầu nguyện và nói: lớn lên hoàng tử sẽ trở thành một nhà vua anh minh hoặc thành một nhà hiền triết đắc đạo. Điều này đã làm cho vua cha lo lắng nghĩ mọi cách tổ chức cuộc sống xa hoa cho con mình. Khi hoàng tử lớn lên, nhà vua lấy vợ cho và từ đấy mới đỡ lo lắng về việc mà nhà vua không muốn xảy ra với đứa con của mình. Trong một lần được phép vua cha cho đi săn và đây cũng là lần đầu tiên hoàng tử Sidata Gotama được ra khỏi cung cấm, ông đã rất suy nghĩ khi gặp những cảnh: người phụ nữ đau đớn vật vã trong khi sinh - một cụ già chống gậy hành khất dọc đường - người ốm đau tật và những đám tang. Ông ngẫm nghĩ nhằm tìm ra câu hỏi: Tại sao con người lại bị vướng vào vòng sinh - lão - bệnh - tử? Con người phải làm gì để thoát khỏi sự khổ đau?
Do chưa tìm ra lời giải nên Sitdata Gotama đã quyết định đi tu để tìm ra chân lý về nỗi khổ và cách giải thoát nỗi khổ. Ông ngồi thiền dưới một gốc cây bồ đề trong vòng 6 năm và đã tìm ra chân lý của nỗi khổ đau cũng như con đường để giải thoát nỗi khổ đau của con người. Ngày phật mất, Phật giáo thế giới lấy mốc là năm 624. Tcn. Tuy nhiên khoa học lịch sử thì khẳng định rằng ngày mất của đức Phật là vào năm 544 T.Cn.
2. Nội dung tư tưởng triết lý cơ bản của đạo Phật
Nội dung tư tưởng của đạo Phật thể hiện trong lời nói của đức phật: “trước kia và ngày nay ta chỉ nêu ra và lý giải các chân lý về các nỗi đau khổ và giải thoát các nỗi đau khổ. Cũng nhưnước của đại dương chỉ có một vị mặn. Học thuyết của ta chỉ có một vị, đó là sự cứu vớt”.Như vậy, hạt nhân triết lý cơ bản của đạo phật là đề cao tình yêu thương của con người đối với chúng sinh tập trung ở trong “tam tạng kinh điển”.
Tam tạng kinh điển gồm:
a) Kinh Tạng: đây là bộ kinh ghi lại những lời dạy của đức Phật khi còn sống do đệ tử của người là A-nan-đa tập hợp trong lần tập kết kinh điển lần thứ nhất. Bộ Kinh Tạng gồm có: Trung bộ kinh; Tương ứng bộ kinh; Tăng bộ kinh; Tiểu bộ kinh.
b) Luận Tạng: là sách ghi chép về giới luật do Phật định ra làm khuân phép cho các đệ tử, nhất là giới tu hành noi theo. Điểm khác biệt rõ nét nhất về giáo lý với các đạo khác chính là ở bộ kinh Luận Tạng này.
c) Luật Tạng: là bộ kinh được các đại đệ tử của đức Phật ghi lại sau khi người qua đời. Mục đích của Luật Tạng là nhằm giới thiệu giáo lý của đạo Phật một cách hệ thống và phê bình, uấn nắn những hiểu biết sai trái về đức Phật.
Bên cạnh đó, tư tưởng triết học Phật giáo còn ảnh hưởng sâu sắc tín ngưỡng đa thần của người Arya, đặc biệt là ảnh hưởng triết lý từ đạo Bàlamôn như thuyết nhân - quả, thuyết luân hồi nghiệp báo. Chính vì những yếu tố này mà về sau đạo Phật bị lên án, phê phán là tiêu cực, thủ tiêu đấu tranh giai cấp.
Nội dung tư tưởng triết lý cơ bản của đạo phật được thể hiện ở hai vấn đề chính là quan niệm về thế giới quan và nhân sinh quan.
- Thứ nhất: Quan niệm của Phật giáo về thế giới quan
+ Về thế giới quan, tư tưởng của Phật giáo tập trung ở những mặt cơ bản sau:
Vô tạo giả:
Đạo Phật cho rằng thể giới do các loại vật chất tạo thành. Mọi sự vật trong vũ trị gọi là “vạn pháp” không do bất kỳ một thần linh nào tạo ra bằng những phép màu mà là do những phần tử vật chất nhỏ bé nhất tạo nên. Những vật chất nhỏ bé đó được gọi là “bản thể” hay ‘thực tướng”. Đây được xem như là nội dung cơ bản nhất và khác tất cả các tôn giáo khác.
Vô thường:
Đạo Phật cho rằng mọi sự vật hiện tượng trong vũ trụ bao la không đứng yên, không bất biến mà nó luôn luôn trong trạng thái biến đổi không ngừng là: thành - trụ - hoại - không đối với vạn vật trong vũ trụ, và: sinh - trụ - dị - diệt đối với các sinh vật.
Phật giáo cho rằng: chết không phải là hết mà là chuẩn bị cho sự sinh thành mới. Sinh - diệt là hai quá trình diễn ra đồng thời trong từng sự vật hiện tượng, không gian và thời gian gọi là “sắc - không’
Thuyết Nhân - Duyên: Phật giáo cho rằng: tất cả mọi sự vật hiện tượng chuyển động không ngừng, biến đổi không ngừng và chịu sự chi phối bởi quy luật nhân duyên. Trong đó, nhân là một tạo quả còn duyên là phương tiện tạo ra tạo quả đó. Khi nhân duyên hoà hợp thì sự vật sinh. Khi nhân duyên tan rã thì sự vật diệt. Các nhân duyên trong sự vật hiện tượng tác động chi phối lẫn nhau.
Nội dung thế giới quan của đạo phật tập chung chủ yếu ở thuyết “duyên khởi” gồm 12 cái nhân duyên (nhị thập nhân duyên). Đó chính là nguyên nhân gây ra mọi nỗi khổ đau. Nhân duyên được phân ra thành nhân (nguyên nhân) - duyên (hậu quả, kết quả) có quan hệ mật thiết với nhau. Cái này là tiền đề của cái kia và ngược lại.
Quan niệm về sự vật hiện tượng trong thế giới, đạo Phật đưa ra “sắc - không” để chỉ những sự vật có hình tướng mà con người có thể nhận thức được (sắc) và những sự vật không có hình tướng con người không thể nhận biết được.
+ Quan niệm về thời gian và không gian:
Đạo Phật cho rằng: thời gian là vô cùng và không gian là vô tận. Khi xem xét từng sự vật hiện tượng, đạo Phật chủ trương phải đặt những sự vật hiện tượng đó trong một khoảng không gian và thời gian nhất định. Nghĩa là phải tìm hiểu sự vật hiện tượng từ điểm khởi đầu và kết thúc của nó.
Nói tóm lại với những quan niệm về thế giới quan ở trên, tư tưởng triết lý đạo Phật đã mang nhiều yếu tố duy vật tiến bộ.
- Thứ hai: Quan niệm của Phật giáo về nhân sinh quan
Đạo Phật cho rằng con người không phải do một thượng đế hay bất kỳ một đấng thần linh siêu nhiên nào tạo ra mà là do một “pháp” đặc biệt của thế giới tạo ra.
Pháp bao gồm hai phần là:
- Phần sinh lý (còn gọi là “sắc uẩn”): là hình tướng được giới hạn trong xương, thịt, da. Những vật chất này được tạo ra từ bốn yếu tố: địa (đất) - thuỷ (nước) - hoả (lửa) - phong (gió). Trong đó, địa tạo nên phần cứng trong cơ thể như phần xương, lông, tóc, lục phủ ngũ tạng; Thuỷ tạo ra máu, mồ hôi…; Hoả tạo ra nhiệt cho cơ thể; Phong tạo ra khí thở…
- Phần tâm lý (tinh thần ý thức): được tạo bởi tứ uẩn: Thụ - tưởng - hành - thức và được biểu hiện bởi “thất tình”, cụ thể như sau: ái - ố - hỉ - nộ - ai - lạc - dục.
Theo đạo Phật, phần tâm lý muốn tồn tại phải luôn dựa vào phần sinh lý. Bên cạnh đó, con người còn phải tuân theo “sinh - trụ - di - diệt” và sự giả hợp của “ngũ uẩn”. Khi ngũ uẩn hoà hợp thì còn người tồn tại và ngược lại thì con người chết, bị huỷ diệt.
Nội dung tư tưởng, triết lý cơ bản của Phật giáo thể hiện rõ nhất ở “tứ diệu đế” - tức là 4 chân lý huyền diệu cao siêu để giải thoát nỗi khổ của chúng sinh gồm: Khổ Đế - Tập Đế - Diệt Đế - Đạo Đế. Đức Phật khẳng định: “trước kia và ngày nay ta chỉ nêu ra và lý giải các chân lý về các nỗiđau khổ và giải thoát các nỗi đau khổ. Cũng như nước của đại dương chỉ có một vị mặn. Học thuyết của ta chỉ có một vị, đó là sự cứu vớt”.
Khổ đế:
Là chân lý bàn về các nỗi khổ của con người. Đạo phật cho rằng cuộc sống con người là khổ ải. Khổ đau là tuyệt đối, là bản chất của sự tồn tại của cuộc sống. Cuộc sống của chúng sinh là bể khổ. Trong các nỗi khổ mà từng chúng sinh phải chịu đựng có bốn nỗi khổ lớn gọi là “tứ khổ”: sinh - lão - bệnh - tử khổ.
Ngoài ra, Phật giáo còn khẳng định nỗi khổ của chúng sinh tồn tại ở những dạng khác như:
- Ái biệt ly khổ: tức yêu nhau mà không được ở gần nhau là khổ; Sở cầu bất đắc khổ: tức mong muốn mà không được như ý là khổ.
- Ngũ thủ uẩn khổ: tức các cơ quan của cơ thể không hoàn thiện là khổ.
- Oán tăng hội khổ: tức là thù ghét là khổ; Thân là gốc của nỗi khổ; Các thứ bệnh tồn tại trong cơ thể là khổ; Chết vì nhiều nguyên nhân; bất hòa; khổ do ngoại cảnh gây nên mà không biết được lý do.
Tập đế:
Là sự tập hợp chứa đựng những chân tướng những sự khổ não, là nguyên nhân về các nỗi khổ đau. Đạo phật cho rằng nguyên nhân của khổ đau là do dục vọng - tham muốn của con người gây nên và đến khi chết vẫn phải chịu khổ đau. Tất cả những nỗi khổ đau mà chúng sinh phải gánh chịu là do “nhị thập nhân duyên” tạo ra mà khởi đầu là “vô minh”.
Diệt đế:
Là chân lý về cách giải thoát con người khỏi nỗi khổ đau. Đạo Phật cho rằng chúng sinh muốn thoát khỏi mọi sự khổ đau thì phải từ bỏ mọi ham muốn, dục vọng, sự giận giữ và mê muội.
Ham muốn hay dục vọng của con người là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến nỗi khổ đau còn nguồn gốc sâu xa là từ “nhị thập nhân duyê” mà bắt đầu từ “vô minh”. Cho nên theo đạo Phật, chúng sinh muốn diệt trừ nỗi khổ thì đầu tiên phải diệt trừ “vô minh’. Vì “vô minh” bị diệt thì trí tuệ mới sáng và hiểu rõ được bản chất sự tồn tại không còn dục vọng, không còn hành động sai quấy để tạo ra “nghiệp”. Và chỉ có như vậy, chúng sinh mới thoát khỏi nỗi khổ vòng luân hồi sinh - lão - bênh - tử.
Đạo đế:
Là chân lý về các con đường đúng đắn để giải thoát con người. Đây chính là xuất phát từ sự đúc kết quá trình tu hành đắc đạo của đức Phật.
Đạo Phật đưa ra lý luận về “tam học” là: giới - định - tuệ. Đây chính là quá trình tu hành để đạt đến giác ngộ.
- Giới: là những điều cấm quy định với những người tu hành để không phạm sai lầm do thân và ý tạo ra.
- Định: là phương pháp làm cho người tu hành không tán loạn phân tâm, loại trừ ý nghĩ sai lầm tạo điều kiện cho trí tuệ bừng sáng.
- Tuệ: là yêu cầu đòi hỏi phải có trí tuệ sáng suốt để diệt trừ vô minh, tham dục. chỉ có như vậy mới diệt trừ được nỗi khổ.
Trong ba yếu tố trên, Giới được nhà Phật coi là quan trọng nhất, ngăn cản con người không phạm vào “ngũ giới” (còn gọi là năm điều cấm) là: không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không bịa đặt, không uống rượu để định và tuệ phát sáng.
Theo đạo Phật, gồm có tám con đường - cách để giải thoát nỗi khổ gọi là “bát chính đạo”.
Chính kiến: nhận biết đúng đắn.
Chính tư duy: suy nghĩ đúng đắn.
Chính ngữ: nói năng đúng đắn.
Chính nghiệp: hành động đúng đắn.
Chính mệnh: kiếm sống đúng đắn.
Chính tịnh tiến: nỗ lực đúng đắn, phải từ bỏ điều ác làm điều thiện.
Chính niệm: thương nhớ - tưởng nhớ đúng đắn. phải tập chung tâm và thần vào suy nghĩ, lời nói, hành động đúng.
Chính định: tập chung tinh thần vào một đạo đúng đắn.
Để theo đuổi được những con đường này và giải thoát mình khỏi mọi nỗi khổ đau, người tu hành phải thực hiện những điều kiêng kị là “ngũ giới”.
Như vậy, với những quan niệm triết lý về thế giới quan và nhân sinh quan của đạo Phật cho thấy tất cả những quan niệm này nhằm chống lại đạo Bàlamôn, chốnglại sự bất bình đẳng trong xã hội. Chính vì lẽ đó mà những tư tưởng cơ bản của triết lý Phật giáo mang nhiều yếu tố duy vật sơ khai tiến bộ gắn bó với cuộc sống của con người. Từ quan niệm trên, đạo Phật không thừa nhận xã hội có đẳng cấp. Đức phật nói rằng “không thể có đẳng cấp trong những dòng máu cùng đỏ nhưnhau. Không thể có đẳng cấp trong những giọt nước mắt cùng mặn như nhau”.
Về tích cực:
+ Chủ trương giải thoát con người khỏi những nỗi khổ đau; thực hiện bình đẳng giữa các chúng sinh chống lại quan điểm phân biệt đẳng cấp, khuyên con người phải thương yêu lẫn nhau. Đây chính là tư tưởng nhân văn cao cả phù hợp với đại bộ phận nhân dân bị áp bức, đáp ứng nhu cầu của xã hội đương thời và chống lại chế độ đẳng cấp Vacna hà khắc. Và trên thực tế, đạo Phật góp phần làm loãng rất nhiều quan niệm khắt khe của đạo Bàlamôn và Vacna.
+ Trong hoàn cảnh xã hội ấn Độ thời cổ đại, đạo Phật đã đề ra được lý thuyết về con đường giải thoát về mặt ý thức. Điều này làm cho quần chúng nhân dân tin tưởng vì tìm thấy ở đạo này một sự an ủi, một niềm tin vào tương lai.
+ Nghi lễ đạo phật rất đơn giản, điều này phù hợp với hoàn cảnh của người dân lao động nghèo khổ thuộc các đẳng cấp dưới cho nên nó được hưởng ứng nhiệt tình. Đạo phật phản ánh tình yêu thương đồng loại.
Về tiêu cực:
Giáo lý của đạo phật về nguồn gốc các nỗi khổ đau không phù hợp với thực tế. Học thuyết tự tu dưỡng của đạo Phật không góp phần làm giảm mâu thuẫn xã hội mà đẩy mâu thuẫn đó lên đỉnh cao của nó. Và đương nhiên những tư tưởng của đạo Phật không hợp với một xã hội còn đầy dẫy những bất công trong xã hội ấn Độ cổ đại bấy giờ.
Nhưng xét cho cùng, sự ra đời của đạo Phật với những tư tưởng triết lý cơ bản trên cũng đã có thể coi là một cuộc cách mạng vĩ đại trong xã hội ấn Độ cổ đại chống lại những luật lệ hà khắc do chế độ đẳng cấp Varna, luật Manu và đạo Bàlamôn tạo nên. Chính vì lẽ đó, đạo Phật ra đời nhanh chóng phát triển mạnh mẽ về số lượng tín đồ và trở thành tôn giáo thế giới. Và đương nhiên, những nhà sư chân đất với màu vàng thánh thiện của Phật đã tiếp tục sự nghiệp giải thoát nỗi khổ đau của con người.
Sau khi đức Phật về cõi cực lạc, trên cơ sở của sự phát triển Phật giáo, các đệ tử cảu Phật đã định kỳ họp lại. Tại các cuộc họp về sau càng bất đồng ý kiến giữa các chư tăng, thượng toạ về việc hiểu và giảng chú kinh Phật. Xuất phát từ nguyên nhân này mà trong bản thân tôn giáo này đã có sự phân chia dẫn đến hình thành các tông phái khác nhau:
- Phái của các vị trưởng lão, gọi là phái Thượng Toạ (Theravada) theo xu hướng bảo thủ, chủ trương bám sát kinh điểm, giữ nghiêm giới luật. Phật tử chỉ giác ngộ được cho bản thân mình, chỉ thờ Đức Phật Thích Ca Mâu Ni và đắc đạo chỉ lên được La Hán, thoát khỏi cảnh luân hồi, tái sinh.
- Phần đông tăng chúng còn lại không tán đồng, họ công khai lập hội nghị riêng, lập ra phái Đại Chúng (Mahasangika), chủ trương không câu nệ cố chấp vào kinh điển, khoan dung, độ lượng trong việc thực hiện giáo luật, thu nạp rộng rãi tất cả những ai muốn quy y, giác ngộ giải thoát cho nhiều người, thờ nhiều Phật, nhân vật lý tưởng của phái là Bồ Tát.
Tại các lần tập kết lần thứ ba và thứ tư, phái Đại Chúng soạn ra kinh sách riêng và tự xưng là Đại Thừa (Mahayana), nghĩa là “cỗ xe lớn”, “con đường giải thoát lớn”. Còn phái Thượng Toạ được gọi là phái Tiểu Thừa, nghĩa là “cỗ xe nhỏ”, “con đường giải thoát nhỏ”.
+ Phái Nam Tông (hay còn gọi là phái Tiểu Thừa).
+ Phái Bắc Tông (hay còn gọi là phái Đại Thừa).
Từ hai tông phái này, Phật giáo lại chia nhỏ thành những tông nhánh khác. Trong đó, phái Nam Tông đi truyền bá sớm hơn sang vùng Đông Nam Á cổ đại còn phái Bắc Tông thì truyền bá muộn hơn và địa bàn chủ yếu ở vùng Tây Tạng, Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên. Nhưng càng về sau thời Bắc thuộc và trung - cận đại, phái Bắc Tông càng phát triển mạnh dẫn đến quá trình truyền bá lại những nơi đã có Phật giáo: Phật giáo Nam Tông.
Nguyễn Hoàng Văn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét