không được giết thú vật lớn như: trâu, bò, heo, chó... Vì những nhân duyên, công đức của những con vật này cũng gần bằng con người. |
Thế nào là năm giới cấm của người Phật tử tại gia? Phàm khi người đệ tử cư sĩ đã quy y Phật, trở thành đệ tử của Phật thì phải giữ gìn năm giới cấm để làm tư cách căn bản của con người. Vì năm giới này là tiêu chuẩn đạo đức bình thường của một con người và nếu vi phạm, nghĩa là chúng ta đánh mất khá nhiều tính chất đạo đức của con người, do đó chúng ta phải cố gắng thọ trì đầy đủ.
Năm giới cấm:
* Thứ nhất là Giới sát sinh
Giới sát sinh có nghĩa là ngăn cấm sự giết người. Người Phật tử dù bất cứ lý do gì cũng không được giết người. Trong cuộc sống bình thường của con người, chúng ta phải cố gắng tuyệt đối từ trong sâu thẳm của tâm hồn không bao giờ khởi lên tư tưởng giết người. Dĩ nhiên ở đây chúng ta không muốn đề cập đến lãnh vực quân đội, quân sự. Ngoài con người ra cũng không được giết thú vật lớn như: trâu, bò, heo, chó Vì những nhân duyên, công đức của những con vật này cũng gần bằng con người, giết nó cũng gần như chúng ta giết nửa con người. Vì vậy chúng ta phải giữ gìn không phạm giới để tránh không bị tội nặng, gây khó khăn cho việc tu hành về sau. Còn những thú vật nhỏ như tôm, cá… Với người xuất gia thì tuyệt đối không được giết hại, với người tại gia thì phải ráng hết sức hạn chế, nếu chúng ta tuyệt đối không giết hại thì thật là viên mãn.
Ngòai việc không giết hại, chúng ta cũng không được ngược đãi con người, ngược đãi chúng sinh dù chúng ta có sức mạnh, có quyền thế, chúng ta cũng không được ỷ vào đó để giết hại, đánh đập, đày đọa người khác. Tất cả cách đối xử bắt nguồn từ sự ác độc, hung dữ, thiếu lòng từ bi đều không được chấp nhận.
Người giữ được giới sát sinh thì nhiều đời được khỏe mạnh, ít bệnh tật, ít bị tai nạn, có dung mạo đẹp đẽ, đi vào chỗ nguy hiểm không sợ sệt. Đó là phước của người giữ giới sát sinh. Đó là giới thứ nhất mà người Phật tử phải giữ gìn.
* Thứ hai là Giới trộm cắp
Giới trộm cắp là lấy những gì không thuộc về chúng ta, không phải người khác cho chúng ta. Nếu chúng ta chiếm đọat những cái không thuộc của chúng ta, hoặc chúng ta có chủ tâm lừa đảo, chiếm đoạt lén lút hoặc công khai tức là đã phạm vào giới trộm cắp. Ngòai ra nhặt được của rơi mà mừng rỡ đem về sử dụng thì chúng ta cũng đã phạm vào giới trộm cắp. Trường hợp đó phải tìm cách trả lại cho người đã đánh mất. Dù tìm đủ mọi cách nhưng không thể nào trả lại được thì đem tất cả số của đó làm việc phước hồi hướng cho người làm mất, chứ không được sử dụng của rơi cho riêng mình.
Nếu chúng ta là người có quyền chức, chúng ta tham nhũng hối lộ, lợi dụng quyền thế của mình mà thu nhập bất chính, mưu cầu tư lợi, như vậy cũng phạm giới trộm cắp.
* Thứ ba là Giới tà dâm
Đệ tử Phật không được tà dâm, ngoại tình. Giới này xem như có tính cách cá nhân nhưng sự thật ảnh hưởng lâu dài đến xã hội. Người Tây Phương có chủ trương sống buông thả về tình dục từ khi còn nhỏ nên có thói quen chung đụng tình dục với người khác phái. Do thói quen đó, khi có gia đình, họ không giữ được sự chung thủy, nên cơ cấu gia đình khó bền vững. Người phương Tây lý luận rằng nếu sống với nhau không có hạnh phúc thì chia tay. Trong khi đó người Á Đông xem trách nhiệm đối với con cái là quan trọng, con cái cần mái ấm, cần cha mẹ ruột. Vì vậy người Á Đông chủ trương hạn chế ly dị. Phụ nữ thường phải chịu đựng nhiều hơn để có thể giữ được cơ cấu gia đình. Họ kêu gọi người nam, người nữ phải cố gắng giữ mái ấm gia đình thật bền vững bằng cách không quan hệ bừa bãi vì trách nhiệm của chúng ta đối với gia đình, con cái và đối với sự ổn định của xã hội. Đứa con sống với cha, mẹ kế sẽ không được dạy dỗ cẩn thận rất dể trở thành những đứa trẻ hư. Vi sự ổn định của xã hội, vì hạnh phúc bền vững của gia đình, chúng ta phải cố gắng giữ gìn sự chung thủy trong hôn nhân. Đó là giới thứ ba mà người Phật tử phải giữ gìn.
* Thứ tư là Giới nói bậy
Giới này chia ra làm 4 điều:
- Điều thứ nhất là không được nói lời ác độc: người đệ tử Phật phải giử gìn đạo đức không được nói lời ác độc với người khác. Lời ác độc là sự mắng chửi nặng nề hay chửi tục, hoặc mắng người là súc vật, ma qủy, đó là ác ngữ. Hoặc hăm đánh hăm giết, trong lúc nóng giận, bằng những lời hung hăng dữ tợn, cho dù không làm nhưng cũng là ác ngữ.
- Điều thứ hai là không được nói dối: chúng ta nên sống chân chính, trong sạch, không có điều gì phải che dấu, lừa đảo. Không nói đùa làm cho người khác không còn tin chúng ta nữa. Dù lời nói đùa, nói dối không hại ai nhưng đã làm mất dần niềm tin của người khác đối với chúng ta. Trong khi chúng ta là đệ tử Phật thì lời nói phải vững chắc, phải có giá trị. Lời nói buông thùa lỏng lẻo không những làm cho người khác đánh mất niềm tin với mình mà còn đánh mất cả niềm tin đối với Đạo nữa.
Tuy nhiên chân thật không phải luôn luôn là tốt, có những điều gây đổ vỡ trong lòng người khác thì không nên nói. Dù biết người nọ nói xấu người kia, chúng ta không nên thật thà kể lại làm cho người ta bất hòa với nhau. Đôi khi chúng ta cũng nên nói dối nếu điều này xóa tan mối bất hòa làm cho người ta hòa dịu với nhau và quan hệ được tốt đẹp hơn, hoặc có thể đem lại hạnh phúc cho người khác. Có những lúc không nên nói thật nếu điều đó gây sự đổ vỡ trong lòng con người, trong tình thương giữa con người với nhau.
- Điều thứ ba là không được nói lời chia rẽ: có những người vì lý do gì đó hoặc vui miệng hoặc do một tâm lý bí mật đã không thích cho người khác thương yêu nhau, luôn luôn xỉa xói, châm chọc làm cho con người lìa bỏ nhau. Đó là một tội nặng đối với Phật pháp. Con người sống trên đời rất cần tình thương yêu, ai cũng sợ hải sự cô đơn. Vì vậy chúng ta nói những điều tăng thêm tình thương giửa người và người thì đó là điều thiện, nếu chúng ta nói những điều làm cho con người ghét bỏ nhau, hiềm khích nhau thì đó là điều ác. Người Phật tử phải tuyệt đối tránh điều này. Người hay nói lời chia rẽ thì bị qủa báo cô độc, cô đơn.
- Điều thứ tư là không nói lời khoe khoang: Là đệ tử Phật, chúng ta phải kín đáo, khi làm được điều công đức thì giử lại, không được khoe khoang. Nếu chúng ta khoe những việc mình làm, hoặc làm ít khoe nhiều để cho người khác nể chúng ta thì điều đó làm mất hết công đức. Ví dụ như chúng ta lạy Phật thì được công đức, hôm sau đem khoe người khác thì công đức đó đã bị mất. Hoặc đến cô nhi viện tặng quà, sau đó đem khoe thì từ đó về sau khó làm được việc nữa. Là người đệ tử Phật, chúng ta phải biết rằng muốn công đức chúng ta tạo nên được bền bỉ thì không được khoe khoang.
* Giới thứ năm là không dùng các chất làm say, nghiện
Chúng ta là đệ tử Phật, chúng ta đang đi trên con đường tìm, cầu trí tuệ giải thóat, mà trí tuệ này siêu việt hơn bất cứ trí tuệ nào khác của thế gian. Do đó chúng ta rất cần sự tỉnh táo chứ không được để đầu óc mình bị mê mờ. Vì vậy chúng ta không được dùng những chất làm say, làm nghiện như rượu, bia, ma túy... Vì nếu chúng ta lệ thuộc quá đáng vào những chất đó, chúng ta sẽ làm nhiều chuyện tội lổi. Do đó trong đạo Phật cấm chúng ta dùng những chất làm say, nghiện. Đó là giới thứ năm mà người Phật tử phải giử gìn.
Đây là năm giới cấm mà Đức Phật đặt ra để chúng ta có được những tư cách căn bản của con người.
Sau khi giải thích năm giới xong, Thầy Bổn Sư mời quý Phật tử quỳ lên để thọ trì năm giới.
Thầy Bổn Sư nói: Quý Phật tử khi nghe Thầy hỏi từng giới, giới nào mà Phật tử giử được thì nói: "Mô Phật con giữ được"
Thầy Bổn Sư:
- Thứ nhất: Giới sát sinh. Là người đệ tử Phật suốt đời không được sát sinh hại vật. Đó là giới của người cư sĩ tại gia. Vậy quý Phật tử có giữ được không?
Phật tử: "Mô Phật con giữ được".
Thầy Bổn Sư :
- Thứ hai: Giới trộm cắp. Là người đệ tử Phật suốt đời không được gian tham trộm cắp. Đó là giới của người cư sĩ tại gia. Vậy quý Phật tử có giữ được không?
Phật tử: "Mô Phật con giữ được".
Thầy Bổn Sư:
- Thứ ba: Giới tà dâm. Là người đệ tử Phật suốt đời không được tà dâm, ngoại tình. Đó là giới của người cư sĩ tại gia. Vậy quý Phật tử có giữ được không?
Phật tử: "Mô Phật con giữ được".
Thầy Bổn Sư:
- Thứ tư: Giới nói bậy. Là người đệ tử Phật suốt đời không được nói bậy, nói điều sai quấy. Đó là giới của người cư sĩ tại gia. Vậy quý Phật tử có giữ được không?
Phật tử: "Mô Phật con giữ được".
Thầy Bổn Sư:
- Thứ năm: Giới dùng những chất làm say, làm nghiện. Là người đệ tử Phật suốt đời không được dùng các chất làm say, làm nghiện. Đó là giới của người cư sĩ tại gia. Vậy quý Phật tử có giữ được không?
Phật tử: "Mô Phật con giữ được”.
Thầy Bổn Sư:
- Đó là năm giới cấm mà quý Phật tử đã thọ trì trước Phật thì phải ráng suốt đời còn lại giữ gìn kỹ lưỡng để không bị sai phạm.
Thích Chân Quang (chùa Phật Quang)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét