Cơm chay. |
Trong đạo Phật cũng có khái niệm “ngạ quỷ ăn đêm”. Điều đó không sai chút nào hết, vì ăn đêm rồi ngủ, không vận động, dễ đưa đến nhiều thứ bệnh đều là thứ sát thủ thầm lặng, mà người đã bệnh rồi, như tôi hiện giờ, thì phải sống trong cảnh đói khát chẳng khác ngạ quỷ, vì đã không tu tập phép ăn của nhà Phật.
Báo Sài Gòn Giải Phóng, số ngày 15-11-2009 có đưa tin: “Tổng thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki-moon sẽ bắt đầu chiến dịch nhịn ăn trong 24 giờ nhằm hưởng ứng lời kêu gọi thế giới cùng lưu tâm đến 1 tỷ người thiếu ăn của Tổ chức Nông Lương LHQ (FAO)”. Tham gia chiến dịch nhịn ăn này còn có ông Tổng giám đốc FAO.
Sau đó, HTV cũng phát tin một số nhà lãnh đạo thế giới, các quan chức cũng tham gia nhịn ăn, nhưng nhiều hơn, mỗi tuần nhịn một ngày. Trên các đài truyền hình nước ngoài cũng cổ vũ việc nhịn ăn, bớt khẩu phần ăn vì mục tiêu có ý nghĩa nhân đạo như trên hay cũng vì lý do sức khỏe…
Những thông tin như vậy đã khiến tôi thấy cần phải viết một bài về chuyện ăn của Phật giáo.
Thuở mới bắt đầu học Phật, còn là một thanh niên, đập vào mắt tôi là vị bổn sư chỉ ăn một buổi, chiều chỉ uống sữa, hay đôi lúc có thêm vài cái bánh ngọt hay ly chè… Ông tuy gầy nhưng không bệnh tật. Tôi rùng mình mỗi khi nghĩ mình phải ăn kiểu tu hành như vậy.
Rồi thọ bát quan trai, nghe giảng về giới cấm ăn phi thời, nghe danh từ “dược thực” (coi bữa ăn là một loại thuốc để chữa bệnh đói) để gọi bữa ăn chiều, rồi cũng phải nhịn ăn chiều theo những chuyến đi hành hương theo những bạn bè Phật tử Nam Tông, có lúc đi bộ hàng mấy cây số để kiếm đồ ăn chiều. Ăn xong đi mấy cây số trở về chùa lại đói như trước, đói không ngủ được.
Đọc các bộ Kinh Nikaya, thấy rải rác trong nhiều bản kinh đức Phật khuyên và tán dương người giữ giới ăn một bữa, không ăn phi thời và ăn ít để bảo vệ sức khỏe.
Thầy tôi cũng thường nhắc nhở tôi về nguyên tắc “tam thường bất túc” (ba thứ chỗ ở, ăn uống và ngủ nghỉ thường nên không đủ) của người xuất gia, dặn rằng dù là Phật tử tại gia cũng nên tập theo đời sống như vậy, mai kia có đi tu thì dễ dàng, thuận lợi. Cũng được nhắc đi, nhắc lại: ăn là một thứ trong ngũ dục, mà người tu hành phải chế ngự nó.
Đi qua chùa Khất sĩ lại thấy quý thầy vẫn giữ truyền thống ăn trong bình bát với một khẩu phần giới hạn.
Tất cả những điều đó khiến tôi ấn tượng đạo Phật là một đạo rất hạn chế việc ăn.
Những năm 1970, 1980 tình hình lương thực trong cả nước khó khăn, phải ăn độn đủ thứ, khoai mì, cao lương… Vấn đề suy dinh dưỡng được nói đến nhiều. Thật lòng tôi không chấp nhận quan điểm ăn ít, giới hạn việc ăn, ăn một buổi… của đạo Phật. Thọ bát quan trai, tôi tự khấn bớt đi một giới, trong túi thủ sẵn một ổ bánh mì…
Đọc nhiều sách báo khoa học, nhất là báo Khoa học Phổ thông rất được ưa chuộng vào thời bấy giờ thường hay có những bài nói về suy dinh dưỡng. Tôi vẫn tự nghĩ, theo cách nghĩ của một anh học sinh trung học: Phật tuy giác ngộ, nhưng có thể… lầm ở chuyện ăn (!). Vì ăn ít, ăn mà vẫn còn cảm giác đói thì tất yếu sẽ suy dinh dưỡng. Không lẽ toàn nhân loại ăn chiều, ăn đêm là sai lầm hết sao?
Vì vậy, sau khi tốt nghiệp đại học, đi làm có tiền, trong thập niên 1990, tôi ăn thả cửa. Từ một cậu sinh viên gầy gò, tôi trở thành một thanh niên, tuy không lực lưỡng, nhưng cũng thuộc dạng có da có thịt, sức khỏe tốt.
Tôi vẫn đi chùa, học đạo…, nhưng vẫn nghĩ là qua trải nghiệm chuyện ăn của tôi, thì đúng là Phật có “lầm”, hay chí ít những quan điểm của Phật về chuyện ăn ít, ăn giới hạn chặt chẽ thời gian… cũng chỉ đúng với một số trường hợp! Và tôi vẫn ăn.
Cho đến khi tôi nhận được thư của bạn tôi từ Mỹ nói về chuyện ăn kiêng, các loại thức ăn ở Mỹ dùng cho nhà giàu đều là loại rút hết chất bổ ra (diet) và có giá rất cao. Để được ăn những thực phẩm đóng hộp như vậy phải chờ giàu và nhắc lại rằng ăn kiểu những năm 1970, 1980 ở Việt Nam cũng tốt.
Tôi lật lại những bản kinh Phật khuyên ăn ít để giữ gìn sức khỏe mà thoáng chút băn khoăn.
Đùng một cái, trong một lần xét nghiệm y khoa tổng quát, tôi choáng váng vì mình bị tiểu đường, gan nhiễm mỡ, mỡ trong máu cao, thừa cân… Bác sĩ nói, dù chưa, nhưng nguy cơ bệnh tim mạch rất lớn. Phải hạn chế khẩu phần ăn, ăn kiêng, tránh đủ mọi thứ.
Lúc đó, cũng với trải nghiệm bản thân, tôi đến trước bàn thờ Phật sám hối, vì đã không nghe lời Phật, nghĩ là Phật có khi “lầm”!
Quen ăn no, ăn nhiều, nên ăn kiêng không phải là chuyện dễ. Nhưng trong nhà lúc đó có đứa em là bác sĩ, cứ đem những biến chứng của bệnh tiểu đường như mù mắt, tai biến mạch máu não, loét không lành, cưa chi dưới… để “nhắc nhở”. Tôi lâm vào tình trạng khủng hoảng, bi kịch, hậu quả của việc ăn nhiều, ăn no trước đây. Chịu đói không quen, tôi phải luộc cà rốt rồi ngồi ăn củ này qua củ khác cho đỡ đói và có cảm tưởng là thành thỏ có khi sướng hơn!
Rồi nhiều triệu đồng mỗi tháng chi thêm ra đều đặn cho các loại thuốc tiểu đường, hay để tạo cảm giác no giả, cho thức ăn thức uống diet. Cuối cùng phải dùng đến thuốc gây chán ăn tác động lên hệ thần kinh với nhiều tác dụng phụ (mệt mỏi, choáng váng, dị ứng…). Kèm theo đó, mỗi khi đói thì phải tự mình dùng kim chích lấy máu thử đường huyết. Nếu chỉ số đường huyết thấp thì mới dám ăn chút chút, còn cao thì đành nhịn nữa.
Đọc báo Khoa học Phổ thông những năm sau này, thì thấy toàn những nội dung chỉ dẫn ăn kiêng, ăn vừa phải, ăn hạn chế khẩu phần, ăn không được no, “đói mười ăn bảy”, tránh thừa cân, béo phì…, tránh nguy cơ nhiều loại bệnh tật nguy hiểm. Sau hơn 20 năm khoa học đã nói theo đức Phật.
Một anh bạn tôi có đứa con hơi gầy, kén ăn, e là suy dinh dưỡng, đi khám về thuật lại lời của bác sĩ dinh dưỡng, rằng cứ để cháu ăn ít thế, miễn là đủ chất, chứ kích cho cháu ăn nhiều, thì chừng muốn điều chỉnh lại cho cân bằng thì khó đến trăm lần.
Xem TV các đài truyền hình nước ngoài người ta bắt đầu nói đến cách giữ sức khỏe bằng cách chỉ ăn no buổi sáng và buổi trưa. Chiều nếu ăn chỉ nên ăn thức ăn nhẹ. Bác sĩ cũng khuyên tôi tuyệt đối không được ăn ban đêm trứơc khi đi ngủ.
Bác sĩ, các tờ báo, chương trình truyền hình khoa học bắt đầu cùng nhau nói y như Phật nói, điều mà trước đây tôi vội vàng ngỡ là lầm, trót không thực hành theo lời Phật dạy.
Bổn sư tôi cũng dạy, ăn ít, ăn một bữa để tu hạnh quán từ bi, để thông cảm, chia sẻ với những người bị đói, để rộng lòng hơn khi bố thí.
Mới đây, qua một kênh truyền hình Mỹ, tôi đựơc tiếp xúc với một khái niệm bất ngờ, khái niệm “breather”, người sống bằng hơi thở, nghĩa là xem hơi thở là thức ăn chính thay vì thực phẩm. Họ xem đây là một chuyện rất siêu phàm. Tôi chợt nhớ tới khái niệm “Thiền duyệt thực” trong đạo Phật. Quả thực Phật là bậc giác ngộ, đại trí, người nói ra một cách chính xác những gì mà con người ngày nay mới nghiệm ra.
Các quan chức Liên hợp quốc ngày nay nhịn ăn 1 ngày/1tuần và hướng đến nhịn thường xuyên hàng tuần trên tinh thần nhân đạo và chắc chắn là tốt cho sức khỏe. Hơn 25 thế kỷ trước, đức Phật đã dạy đệ tử ngài thực hành theo ngài nhịn ăn 1 bữa (bữa chiều) một ngày.
Trong đạo Phật cũng có khái niệm “ngạ quỷ ăn đêm”. Điều đó không sai chút nào hết, vì ăn đêm rồi ngủ, không vận động, dễ đưa đến nhiều thứ bệnh đều là thứ sát thủ thầm lặng, mà người đã bệnh rồi, như tôi hiện giờ, thì phải sống trong cảnh đói khát chẳng khác ngạ quỷ, vì đã không tu tập phép ăn của nhà Phật. Khi ý thức ra lời Phật thì đã muộn, không dễ gì khi phải chống lại thói quen chỉ ngủ được khi đã thật no nê.
Tu theo lời dạy của đức Phật về việc ăn đối với tôi bây giờ thật khó vạn lần. Nhưng làm khác đi là điều không thể, trừ khi không muốn sống nữa.
Nghĩ lại, đạo Phật là đạo có những quan niệm về ăn là nhiều hơn cả và chắc chắn là đúng hơn cả. Có tôn giáo nào đưa vấn đề giới hạn ăn thường xuyên, liên tục hàng ngày (không phải nhịn ăn chỉ trong một thời gian như Hồi giáo) như ở Phật giáo? Bữa ăn của tu sĩ đựơc định lượng rõ bằng cái bình bát, thời gian ăn cũng được ấn định là trước 12 giờ. Ăn nhiều hơn cũng không được. Ăn sau 12 giờ trưa cũng không được. Chỉ có thể ăn ít hơn nhu cầu. Những thứ đó sẽ giúp ngừa bao nhiêu là tật bệnh, kéo dài tuổi thọ, thân thể luôn nhẹ nhàng, an lạc.
Bài viết này như một bài “kiểm điểm” trước Phật, nhưng cũng là kinh nghiệm có thể giúp ích cho những người còn mơ hồ về hậu quả của việc ăn nhiều, và cũng để Phật tử chúng ta chia sẻ với nhau về một quan niệm hết sức đúng đắn, vượt trên khoa học của đạo Phật.
Nguyễn Mạnh Hùng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét