Thứ Năm, 21 tháng 2, 2013

Phản biện hiện tượng Thích Thông Lạc (10)

Hòa thượng Thích Thông Lạc.
Đối với người Phật tử chúng ta dù tu hành pháp môn nào của Nam truyền hay Bắc truyền cũng đều được cả, miễn là phải nghiên cứu tìm hiểu kỹ càng và phải thích hợp với mình trước khi bắt đầu hành trì thì sẽ dễ đem lại kết qủa thoát khỏi luân hồi sinh tử đạt giải thoát.
HT TTL: “KINH SÁCH ĐẠI THỪA KHÔNG PHẢI PHẬT THUYẾT”
Do bài đăng trên mạng ngày 21-12-2012 của Trưởng lão THÍCH THÔNG LẠC, trích NLGPD.4, TG.2010, tr.125-132
1. Tác giả Thông Lạc viết: LỜI PHẬT DẠY:
“Này các Tỳ kheo! Có thể có Tỳ kheo nói: “Này Hiền giả, tôi tự thân nghe từ miệng Thế Tôn, tự thân lãnh thọ như vậy là pháp, như vậy là luật, như vậy là lời dạy của vị Ðạo sư”. Này các Tỳ kheo, các Ngươi không nên tán thán, khôngnên hủy báng lời nói của Tỳ kheo ấy. Không tán thán, không hủy báng, mỗi mỗi chữ, mỗi mỗi câu, cần phải được học hỏi kỹ lưỡng và đem so sánh với kinh, đối chiếu với luật. Khi đem so sánh với kinh đối chiếu với luật, nếu chúng không phù hợp với kinh, không tương ưng với luật thời các ngươi có thể kết luận: “Chắc chắn những lời này không phải là lời của Thế Tôn và Tỳ kheo ấy đã thọ giáo sai lầm”.
Và này các Tỳ kheo, các ngươi hãy từ bỏ chúng; khi đem so sánh với kinh, đem đối chiếu với luật và nếu chúng phù hợp với kinh, tương ưng với luật, thì các Ngươi có thể kết luận: “Chắc chắn những lời dạy này phải là lời dạy của Thế Tôn và Tỳ kheo ấy đã thọ giáo chơn chánh”. Này các Tỳ kheo như vậy là đại giáo pháp thứ nhất, các ngươi hãy thọ trì”. (Kinh Trường Bộ tập 1 trang 618, kinh Ðại Bát Niết Bàn. Mahàparinibbàna Sutta, DN.16)
Ðúng vậy, khi đem ra so sánh chúng ta thấy rằng kinh sách Ðại Thừa không phải Phật thuyết 100%. Cho nên, những lời di chúc cuối cùng của đức Phật đã dạy chúng ta phải cân nhắc kỹ lưỡng để không bị những kiến giải, tưởng giải của các Tổ lường gạt. Như vậy, rõ ràng đức Phật đã biết trước, sau này các Tổ sẽ làm sai lệch kinh sách Phật, cho nên Ngài đã chuẩn bị cho người đời sau còn có chỗ dựa vững chắc để loại trừ những tà pháp của ngoại đạo đang pha trộn trong giáo pháp Nguyên Thủy của Phật.
Ðọc đoạn kinh này các bạn còn nghi ngờ chúng tôi nói kinh sách Ðại Thừa và Thiền Tông sai nữa không? Những Giáo pháp phát triển sau thời đức Phật đều mang tính trừu tượng, mơ hồ, mê tín, ảo tưởng, không thực tế, nó được truyền thừa từ nước này sang nước khác, trong một thời gian khá dài trên 2000 năm.
Phản biện:
Tác giả Thông Lạc không biết rằng trong Kinh số 5, Phẩm Thanh Văn, quyển số 2 Tăng Nhất A Hàm thuộc Đại Tạng Kinh của Phật giáo Bắc truyền do Hòa Thượng Thích Trí Tịnh chứng minh, Hòa Thượng Thích Minh Châu chủ tịch và 7 vị Phó Chủ Tịch phiên dịch, cũng có một bài tương tự mà chi tiết hơn Kinh Trường Bộ Nam truyền, như sau: KINH SỐ 5:
Đức Phật bảo các Tỳ-kheo: "Nay có bốn đại nghĩa được quảng diễn; những gì là bốn? Khế kinh, Luật, A-tỳ-đàm (A Tỳ Đạt Ma, Luận), Giới; đó gọi là bốn. 
Tỳ-kheo nên biết, nếu có Tỳ-kheo nào từ phương Đông (Tây, Nam, Bắc) đến, tụng kinh trì pháp, phụng hành cấm giới. Vị ấy nói rằng: ‘Tôi có thể tụng kinh trì pháp, vâng giữ cấm giới, học rộng nghe nhiều.’ Giả sử, Tỳ-kheo kia có nói những gì, cũng không nên thừa nhận khi chưa đủ để dốc lòng tin tưởng. Hãy cùng Tỳ-kheo kia thảo luận, chiếu theo pháp mà cùng thảo bàn. Thế nào là y chiếu theo cùng thảo bàn? Y chiếu theo pháp mà luận, đó là bốn đại luận được quảng diễn này, tức là Khế kinh, Luật, A-tỳ-đàm, Giới. Nên cùng với Tỳ-kheo kia phân biệt pháp được nói bởi Khế kinh, được hiển hiện trong Luật.
Giả sử khi tìm trong Khế kinh được nói, trong Luật được hiển hiện, trong pháp được phân biệt; nếu những điều được hiển hiện ấy tương ưng với Khế kinh, tương ưng với Luật và Pháp, khi ấy bèn thọ trì. Nếu không tương ưng với Khế kinh, Luật, A-tỳ-đàm, thì nên trả lời người kia như vầy: ‘Này bạn, nên biết đây chẳng phải là những lời dạy của Như Lai, mà những lời bạn nói, chẳng phải gốc của chánh kinh; sở dĩ như vậy là vì nay tôi thấy nó không tương ưng với Khế kinh, Luật, A-tỳ-đàm. Vì không tương ưng nên phải hỏi về sự hành trì giới, nếu không tương ưng với giới hạnh, nên nói với người kia: ‘Đây chẳng phải là tạng của Như Lai!’ Hãy lập tức đuổi đi; đây gọi là gốc của nghĩa đại nghĩa được quảng diễn thứ nhất”.
Xem như vậy mà tác giả Thông Lạc lấy Kinh điển Nam truyền ra để đả phá Phật giáo Bắc truyền là nghĩa thế nào chứ? Chúng ta thấy những lời Phật dạy được viết trong Kinh Tạng Nam truyền sơ sài không đầy đủ như trong Kinh Tạng Bắc truyền; cũng tương tự như trên đây, những gì Phật nói được viết trong Kinh Tạng Nam truyền hầu hết đều được viết trong Kinh Tạng Bắc truyền. Do đó đọc 2 đoạn kinh nêu trên chúng ta thấy tác giả Thông Lạc đã viết những điều không đúng vì tỏ ra là người thiển cận cố chấp, muốn loại bỏ Phật giáo Bắc truyền với lý lẽ sai sự thực. Ngoài ra có nhiều lời dạy cao siêu của Phật không được ghi trong Kinh Tạng Nam truyền nhưng được ghi trong Kinh điển Bắc truyền, và những phần này chẳng ai có thể bác bẻ là sai ý Phật, như đã chứng minh ở các phần bên trên. Như vậy mà tác giả Thông Lạc cho rằng Kinh điển Bắc truyền không phải của Phật nói thì chỉ là người cố chấp, đóng bít trí tuệ của mình mà thôi.
2. Rồi tác giả Thông Lạc CHÚ GIẢI:
Trước khi vào Niết Bàn đức Phật đã biết chắc người đời sau sẽ kiến giải, tưởng giải làm sai lệch giáo pháp của mình, nên Ngài đã di chúc lại những lời sau cùng này để chúng ta cẩn thận đối chiếu với kinh sách Nguyên Thủy và kinh sách Ðại Thừa. Khi đối chiếu chúng ta mới nhận xét kinh sách Nguyên Thủy dạy đạo đức làm Người làm Thánh, đó là “Chư ác mạc tác, chúng thiện phụng hành” hoặc “Ngăn ác diệt ác pháp, sinh thiện tăng thiện pháp”, còn kinh sách Ðại Thừa dạy: “Cúng bái cầu siêu, cầu an, tụng kinh, niệm Phật, niệm chú, ngồi thiền ức chế tâm, lạy hồng danh sám hối cho tiêu tội, v.v...”. Như vậy kinh sách Ðại Thừa dạy mê tín, sống trong thế giới ảo tưởng (Niết Bàn, Cực Lạc Tây Phương).
Phản biện:
“Chư ác mạc tác, chúng thiện phụng hành” hoặc “Ngăn ác diệt ác pháp, sinh thiện tăng thiện pháp”, điều này mọi người Phật tử đều học và hành chứ không riêng gì Nam truyền nên miễn bàn.
Tác giả Thông Lạc hồ đồ cho rằng: “kinh sách Ðại Thừa dạy: “Cúng bái cầu siêu, cầu an, tụng kinh, niệm Phật, niệm chú, ngồi thiền ức chế tâm, lạy hồng danh sám hối cho tiêu tội, v.v...” Tất cả các vấn đề nêu trên chỉ là phương tiện để dẫn dắt chúng sinh mà thôi: Cúng bái cầu siêu để giúp người qua đời được lợi lạc (xin xem phần phản biện “Tuần Thất” nơi mục XVII), Cầu an, tụng kinh để chúng sinh hiểu lời Phật dạy và an tâm thích thú trong việc “Chư ác mạc tác, chúng thiện phụng hành”, như thời Phật tại thế, mỗi khi Ngài dạy điều gì, các Tỳ Kheo phải học để nhớ mà thực hành, thì bây giờ tụng kinh cũng cùng mục đích như vậy. Niệm Phật, trì Chú là cách tu của Tịnh Độ Tông (xin xem phần phản biện Tịnh Độ Tông nơi mục III phần 1) và Mật Tông (xin xem phần phản biện Mật Tông nơi mục III phần 2).
Tác giả Thông Lạc cho rằng Thiền Tông ngồi Thiền là ức chế tâm là không đúng sự thật như đã chứng minh ở phần trên (xin xem phần phản biện “ngồi thiền là ức chế tâm” nơi mục III phần 4, mục IV và mục V); tác giả Thông Lạc đã hiểu sai mà cho rằng: “kinh sách Ðại Thừa dạy mê tín, sống trong thế giới ảo tưởng (Niết Bàn, Cực Lạc Tây Phương)”, Kinh sách Bắc truyền không dạy mê tín, chỉ có những người giống như tác giả Thông Lạc không hiểu kinh Bắc truyền rồi hành sai thành ra mê tín thôi, hoặc có người chưa hiểu thấu kinh điển, rồi viết sách làm sai lệch chứ Kinh không dạy mê tín, không dạy Phật tử sống trong ảo tưởng như tác giả lầm tưởng rồi sinh ra chỉ trích bừa bãi.
Lạy niệm Hồng Danh Chư Phật là một lối Sám Hối tội lỗi giúp cho hành giả nhẹ bớt nghiệp chướng trong việc tu hành, như ngày xưa thời Phật còn tại thế, có những Tỳ Kheo phạm tội phỉ báng bậc Thánh, sau khi sám hối được Phật hay các vị Thánh Tăng tha nên hết tội, còn có Tỳ Kheo Cù Ba Ly phạm tội phỉ báng bậc Thánh, không chịu sám hối trước Phật sau bị mụn nhọt hành hạ đau đớn khổ sở cho đến chết bị đọa địa ngục được ghi rõ ràng trong Tăng Nhất A Hàm, quyển 1, phẩm Tam Bảo, trang 363, là một bằng chứng cho việc lễ lạy niệm Hồng danh Chư Phật để sám hối tội lỗi là việc đúng chứ không phải mê tín.
Nguồn gốc của sự lễ lạy từ thời đức Phật còn tại thế, các đệ tử của Phật từ vua quan đến dân chúng mỗi lần đến gặp đức Phật đang ngồi, họ đều qùy xuống, hai tay chống đất, đầu cổ cúi, trán sát gần chân Phật để tỏ sự tôn kính lòng ngưỡng mộ vô bờ bến đối với bậc tối thượng tôn. Công đức của một vị Phật đã là vô biên, thì công đức của Chư Phật không thể nghĩ bàn được, nên việc lễ lạy Chư Phật phải là việc làm có ý nghĩa không thể bài bác.
Cách sám hối lễ niệm Hồng Danh là một cách sám hối dễ nhất trong 5 cách sám hối là:
1. Lễ lạy niệm danh hiệu Chư Phật, như đã nói ở trên.
2. Lập giới đàn sám hối, phải có Thánh Tăng là bậc thanh tịnh Tăng chứng minh, ngày nay khó kiếm ra Thánh Tăng.
3. Quán tưởng sám hối, người sám hối trước hình tượng Phật phải trình bày tội lỗi đã phạm, nguyện ăn năn hối lỗi và không tái phạm, làm như thế đến khi nào thấy hào quang mới ngưng, lối quán tưởng này cũng chẳng dễ.
4. Quán Tâm vô sinh: là quán tâm mình không sinh, Kinh nói: “Tội lỗi từ tâm sinh cũng từ tâm diệt, nếu tâm không sinh tội kia cũng chẳng còn, thế mới thật là sám hối”, quán này chẳng phải dễ làm.
5. Quán Pháp vô sinh: là quán thật tướng của các Pháp không sinh, cũng chẳng diệt, không bị “không - thời” thay đổi chuyển dời; khi biết được thật tướng rồi thì tội lỗi gá vào đâu mà tồn tại được nữa; cách quán này lại càng khó hơn.
Lễ lạy niệm danh hiệu Chư Phật có công dụng quán tưởng công đức của Chư Phật để noi theo các Ngài, tránh làm ác chỉ làm việc lành, noi theo học hỏi mở lòng Từ Bi Hỉ Xả đối với tất cả chúng sanh v.v… trong việc tu hành giải thoát luân hồi sinh tử. Sám hối này mỗi lần vừa niệm và vừa lạy còn có công dụng trừ kiêu mạn, diệt chấp cái ta cái ngã, sẽ giúp cho sự tu hành mau có kết qủa; lại bảo vệ sức khoẻ cho người sám hối (giống như tập thể thao vì các động tác thân đứng lên qùy xuống lễ lạy, miệng niệm tên các vị Phật). Do đó không nên nói rằng “kinh sách Ðại Thừa dạy mê tín, sống trong thế giới ảo tưởng”, vì những lời của tác giả Thông Lạc vô tình đã cổ võ cho sự bất tôn kính Phật, là một điều không nên nói.
3. Tác giả Thông Lạc viết tiếp:
“Ðem giới bổn Ba La Ðề Mộc Xoa của các Tổ ra đối chiếu với giới kinh của Phật, thì chúng ta thấy giới bổn không phù hợp, không tương ưng với giới kinh một bên thì ngăn cấm như pháp luật, không đúng với tinh thần tự giác, tự nguyện của đạo Phật. Còn giới kinh dạy đạo đức làm Người làm Thánh để tâm hoàn toàn vô lậu và đúng theo tinh thần tự giác tự nguyện không có bắt buộc, không có khuyến dụ, không có mua chuộc. Cho nên, giới bổn Ba La Ðề Mộc Xoa và kinh sách Ðại Thừa chắc chắn không phải Phật thuyết, do các Tổ chịu ảnh hưởng kinh Vệ Ðà của Bà La Môn biên soạn ra, nên không phù hợp và không tương ứng với những lời Phật dạy”.
Giải thích phản biện: Giới luật thông thường của Cư sĩ là 5 giới, 8 giới, giới luật của Tăng là 10 giới, 250 giới; còn Bồ Tát tại gia 6 giới trọng và 28 giới khinh, Bồ Tát xuất gia 10 giới trọng và 48 giới khinh.
Giới Thanh Văn là cẩn thận giữ gìn (chỉ trì), tức là không làm là giữ giới; Giới Bồ Tát có cái không làm là giữ giới, có cái không làm là phạm giới (như thấy người tai nạn mà không cứu là phạm giới). Giới Thanh Văn thân làm thì phạm, còn giới Bồ Tát có khởi niệm là phạm (như dù thân không làm mà nghĩ đến ăn cắp là phạm giới, còn gây tai nạn mà không cố ý gây tai nạn là không phạm), gọi là Tâm Địa giới. Một điểm cần để ý là qua Giới luật và cách tu, chúng ta thấy rõ là: Giới Thanh Văn không làm hại người, làm lợi mình và lợi người; giới Bồ Tát không làm hại người, làm lợi người dù có hại cho mình; như thế mà mang giới luật của Nam truyền ra để chỉ trích giới luật của Bắc truyền là nghĩa lý làm sao? 
Giới bổn Ba La Đề Mộc Xoa cho hàng Bồ Tát không kém đạo đức hơn là hàng Thanh Văn thì làm sao có thể bài bác được; mặt khác giới luật của hàng Bồ Tát cũng như giới luật của hàng Thanh Văn, người nào thấy thích hợp có thể thực hành được thì theo, chứ không có việc dụ dỗ hay ép buộc ai cả, tác giả Thông Lạc hoàn toàn hiểu lầm nên đã nói sai về khuyến dụ mua chuộc là hoàn toàn phi lý. Giới luật cho hàng Bồ Tát cũng chẳng có chỗ nào trái với lời Phật dạy, nên không thể nói là Giới luật của hàng Bô Tát không phù hợp với lời Phật dạy được (xin xem bài phân tích về Kinh Phạm Võng nơi mục IX).
4. Tác giả Thông Lạc viết:
“Cho nên, những kinh sách này được kết tập bởi những người tu hành chưa chứng đạo, thành một tạng kinh xô bồ không biết bài kinh nào tu trước, bài kinh nào tu sau. Trong khi giáo lý của Phật giáo được chia ra làm 8 lớp học và ba cấp rõ ràng, nó là một chương trình giáo dục đào tạo con người có đầy đủ đạo đức nhân bản - nhân quả, xây dựng lại cuộc sống của con người mà mọi người không còn làm khổ cho nhau nữa, biến thế gian này thành cảnh giới Thiên Ðàng, Cực Lạc”.
Giải thích phản biện: Nói rằng kinh sách Phật giáo Bắc truyền được kết tập bởi những người chưa chứng đạo là thiếu hiểu biết về sự kết tập kinh điển của cả Bắc truyền và Nam truyền. Trong Phật giáo Bắc truyền cũng có ba cấp: Giới Định Tuệ, cũng có Tứ Đế và 8 lớp học về Tám Chánh Đạo, cũng có 37 trợ Đạo phẩm v.v… không khác Phật giáo Nam truyền. Chúng ta cùng theo dõi diễn tiến kết tập Kinh điển, sự phân chia các bộ phái và sự truyền Phật pháp như sau:
Theo dõi lịch sử Phật giáo, khoảng 100 năm sau khi Phật nhập Niết Bàn, có sự kiện một nhóm khoảng 700 Tu sĩ ở một địa phương Bạt Kỳ (Vajji) thuộc nước Tỳ Xá Ly (Vasali) đưa ra mười điều sửa đổi Giới của Phật, vì họ căn cứ vào lời Phật dặn dò trước khi nhập Niết Bàn rằng “Này A Nan, từ nay trở đi Ta cho phép các Tỳ Kheo tùy nghi bỏ các giới nhỏ nhặt, hãy lễ độ, trên dưới hòa thuận với nhau, đó là pháp kính thuận của người xuất gia” (xin xem Trường A Hàm, quyển 1, Kinh Du Hành, trang 205). Nên có sự bất đồng giữa Tôn Giả trưởng lão Da Xá tuổi Hạ 120 năm (mỗi năm an cư học giáo lý trong ba tháng là một tuổi hạ) và nhóm Bạt Kỳ.
Sau đó Tôn Giả Da Xá đến gặp Tôn giả trưởng lão Ly Bà Đa tại Ấp Ba Lợi, rồi hai vị cùng đến Bạt Kỳ lập “hội đồng” bàn luận gồm 8 người. Nhóm Bạt Kỳ 4 người, Tôn giả Nhất Thiết Khứ tuổi Hạ 136 năm đại diên; nhóm Ấp Ba Lợi 4 người Tôn giả Ly Bà Đa tuổi Hạ 120 năm đại diện. Tôn Giả Ly Bà Đa hỏi, Tôn Giả Nhất Thiết Khứ trả lời về mười điều sửa đổi Giới đều phi pháp hết; do đó các vị tu hành ở Bạt Kỳ phải tôn trọng tất cả những Giới Luật Phật đã đặt ra, không được sửa đổi. Mặc dù phải chấp hành Giới luật đầy đủ, nhóm Bạt Kỳ thuộc học phái Thượng tọa bộ (Sthaviravada) tách riêng và thành lập học phái Đại chúng bộ (Mahasanghika); tuy tách ra, nhưng nhóm này vẫn hành đầy đủ theo các giáo pháp Phật dạy. 
Sau một thời gian trên mười năm, sự chia rẽ càng trầm trọng hơn, nên Thượng Tọa Bộ đã rời khỏi nước Ma-kiệt-đà sang nước Ca-thấp-di-la lập căn cứ hành đạo, rồi phát triển rộng ra khắp vùng Tây-Bắc Ấnđộ. Thượng Tọa Bộ cho rằng A-la-hán tức là Phật, A-la-hán là mục tiêu cuối cùng; trong Ba Tạng thì họ coi Kinh là chủ yếu, nhưng lại lấy Giới Luật làm nơi y chỉ. Phe Đại Chúng Bộ thì cho rằng A-la-hán vốn bất toàn, vẫn còn nhân gian tính, chỉ đoạn trừ kiến tư hoặc mà vẫn còn trần sa hoặc và vô minh hoặc, chưa phải là quả vị Phật. Tình trạng xung đột ý kiến cả về giới luật lẫn giáo nghĩa giữa hai bộ phái Thượng Tọa và Đại Chúng đã kéo dài hàng thế kỉ.
- Đến thế kỷ thứ Tư trước Dương lịch nhiều cuộc tranh biện về giáo lý Phật vẫn tiếp tục xảy ra giữa các học phái; Phật giáo dưới triều đại vua A Dục vào năm 307 trước Dương lịch có kết tập Tam Tạng lần thứ hai quan trọng (lần đầu sau khi Phật nhập diệt 3 tháng) do 1000 Thánh Tăng đứng đầu bởi Trưởng Lão Mục Kiền Liên Tu Đế (Moggaputta Tissa) tại Lâm Viên thành Hoa thị, nước Ma Kiệt bằng thổ ngữ Bắc Phạn (Sanskrit).
- Đến thế kỷ thứ Ba trước Dương Lịch đã có 18 học phái Phật giáo khác nhau được thành lập và rất thịnh hành trên đất Ấn. Riêng Thượng Tọa Bộ phân chia thành 11 bộ phái là: Nhất Thiết Hữu Bộ, Tuyết Sơn Bộ, Độc Tử, Pháp Thượng, Hiền Trụ, Chánh Lượng,Mật Lâm Sơn, Hóa Địa, Pháp Tạng, Ẩm Quang, và Kinh Lượng Bộ. Như vậy Đại Chúng Bộ chia thành 7 bộ phái, và tất cả đều tự cho mình là xuất phát từ giáo lý chính thống của Đức Phật!
- Năm 240 trước Dương Lich, Tôn giả Ma Thẩn Đà đã đem giáo lý Thượng Tọa Bộ truyền sang nước Tích-lan.
- Tới năm 83 cuối thể kỷ thứ Nhất trước Dương Lich, Vua Ca Ni Sắc Ca (Kanishca) thỉnh Hiếp Tôn giả (Parsva) và chọn được 500 vị Thánh Tăng là những người có đủ Tam Minh Lục Thông, tinh thông nội giáo Tam Tạng, ngoại điển quán triệt Ngũ Minh. Lần tập kết thứ ba này do Ngài Thế Hữu làm đệ nhất và Hiếp Tôn giả làm đệ nhị. Kết tập tại thành Ca Thấp Di La (Kasmira) nước Kiền Đà La, lần này bằng chữ Nam Phạn (Pali); cũng trong thế kỷ này, các kinh sách Phật được viết thành chữ Sanskrit và Pali.
- Sau đó vào đầu thế kỷ thứ Nhất, Kinh sách Phật được truyền ngả Đông Bắc qua Trung Hoa, và ngả Đông Nam qua các nước Đông Nam Á.
- Phật giáo được chính thức truyền vào Việt Nam từ thế kỷ thứ Nhất và thứ Hai, nhưng có một giả thuyết cho rằng Phật giáo đã được truyền bá vào Việt Nam từ năm 111 trước Dương lịch.
- Từ năm 386 Dương Lịch nhà Bắc Nguy Trung Hoaoahoa tôn Phật giáo là Quốc giáo và đồng thời Phật giáo được lan truyền qua Triều Tiên.
- Thế kỷ thứ Năm Phật giáo Nguyên thủy (Theravada) được truyền bá vào Miến Điện, trong khi đó tại Trung quốc thì Phật giáo Tịnh độ thờ Đức Phật A-Di-Đà phát triển mạnh. Năm 538 các nhà Sư Triều Tiên sang Nhật truyền Phật đạo.
- Năm 520 Bồ-đề Đạt-ma (Bodhidharma) rời Ấn độ đến Trung quốc bằng đường biển và là Tổ Thiền Tông Đông Độ.
- Năm 580: Nhà sư người Ấn Tì-ni Đa-lưu-chi (Vinitaruci) từ Trung quốc sang Việt Nam tu tại chùa Pháp Vân (Bắc Ninh); vị sư này là người đầu tiên đưa Thiền học vào Việt Nam.
- Thế kỷ thứ Bảy Phật giáo thuộc Đại chúng bộ được truyền đến Miến điện và Tây tạng.
- Tới thế kỷ thứ Tám người Hồi giáo bắt đầu xâm lược và bắt đầu tiêu diệt Phật giáo Ấn độ, năm 1193: Quân Hồi giáo tràn vào Ấn, đốt phá san bằng tất cả chùa chiền và tu viện Phật giáo và giết tăng sĩ.
Đó là nguồn gốc và diễn tiến của cả Phật giáo Bắc truyên và Nam truyền và ngoại đạo sâm hại tiêu diệt Phật giáo; xem như thế suốt mấy trăm năm Phật giáo phân hóa mới đầu có 2 phái, dần dần phân hóa tới 18 phái mà phái nào cũng cho mình là chánh. Nếu nói rằng: “những kinh sách này được kết tập bởi những người tu hành chưa chứng đạo…” là không có cơ sở, và nói rằng Phật giáo Bắc truyền là của Ngoại đạo là không hiểu về lịch sử Phật giáo.
Phật giáo Bắc truyền là Phật giáo phát triển tiến bộ theo hạnh Bồ Tát, thế mà tác giả Thông Lạc nói ngược đời rằng chỉ có Phật giáo Nam truyền: “giáo dục đào tạo con người có đầy đủ đạo đức nhân bản - nhân quả, xây dựng lại cuộc sống của con người mà mọi người không còn làm khổ cho nhau nữa, biến thế gian này thành cảnh giới Thiên Ðàng, Cực Lạc”. Xin hỏi rằng ở các nước tu theo Nam truyền từ mấy ngàn năm nay đã có nơi nào thành Thiên Đàng Cực Lạc chưa (?), hay mọi người chỉ nghe đường về xứ tuyết Tây Tạng huyền bí, và mọi người chỉ nghe Thiền tông đã có vô số vị Thiền sư kiến tánh đốn ngộ mà thôi.
5. Tác giả Thông Lạc viết:
Các Thầy xa xưa người trước tu sai, người sau sai và người ngày nay cũng đều tu tập sai hết. Tu sai mà không ai biết để chỉ chỗ mình đã sai, nên kéo dài sai nhiều thế hệ.
Phản biện:
Đây là lời nói của Phật hoặc của bậc Đẳng giác Bồ Tát, bậc Tổ sư hay A La Hán đích thực, chứ chẳng phải của người đọc kinh Bắc truyền không hiểu nghĩa lý của kinh mà dám phán đoán chỉ trích các bậc tiền nhân tôn kính là người tu sai; giải thích sai ý nghĩa của Kinh thì có ai tin rằng người ấy đã chứng đạt không? Vì một bậc gọi là giác ngộ đạt đạo rồi thì đọc kinh sách đều hiểu suốt thông, ví như Lục Tổ Huệ Năng dù không biết một chữ, nhưng khi có người đọc một đoạn của cuốn Kinh xong thì Ngài giảng nghĩa lý suốt thông rõ ràng làm người nghe như uống nước cam lộ; tại sao? Vì lời Ngài giảng mới lạ chưa từng được nghe, người nghe Ngài nói xong trí tuệ mở mang nên vô cùng hân hoan như người khát được uống nước, như người bị bệnh được khỏi; bởi vậy, lời chỉ trích các bậc Thánh của tác giả Thông Lạc không ai tin nổi.
Chúng ta cùng đọc một đoạn trích lược trong Từ Ngữ Phật Học của Cư sĩ Hạnh Cơ về sự đả phá Phật giáo Đại Chúng Bộ (Bắc truyền sau này) của ngài Thế Thân (Vasubandhu) như sau:
Trong ba anh em con một vị quốc sư họ Kiều-thi-ca (Kausika) thuộc dòng Bà-la-môn nước Kiền-đà-la (Gandhara), miền Tây-Bắc Ấn-độ, sống vào khoảng cuối thế kỉ thứ 4 đầu thế kỉ thứ 5 DL, cùng có tên Bà Tẩu Bàn Đậu, thì người anh cả lấy biệt danh là A Tăng Già, tức Vô Trước; người em út lấy biệt danh là Tỉ Lân Trì Bạt Bà; chỉ có người ở giữa là không có biệt danh, mà vẫn dùng tên Bà Tẩu Bàn Đậu, tức là Thế Thân.
Lúc đầu cả ba anh em Bà Tẩu Bàn Đậu đều xuất gia tu theo Hữu Bộ (Nam truyền): Ngài Tỉ Lân Trì Bạt Bà thì ở hẳn bên Hữu Bộ, chứng quả A-lahán, không có hạnh gì đặc biệt. Ngài Vô Trước tu một thời gian thì chuyển hướng sang Đại chúng Bộ, sau Ngài trở thành sáng tổ của phái Du Già Hành của Phật giáo Ấn-độ. Trong khi đó, ngài Thế Thân lại đi thẳng vào Kinh Lượng Bộ (tách ra từ Hữu Bộ), lập chí cải thiện giáo nghĩa của Hữu Bộ, bèn sang nước Ca-thấp-di-la (Kasmira) để nghiên cứu Tì Bà Sa Luận.
Sau bốn năm, ngài trở về bản xứ (tức kinh thành Bố-lộ-sa-bố-la, nước Kiền-đà-la), giảng thuyết Luận Tì Bà Sa, và sáng tác A Tì Đạt Ma Câu Xá Luận; sau đó, khi ngài Vô Trước trở về quê nhà tĩnh cư, thì ngài Thế Thân chuyển sang nước A-du-xà để hành đạo. Tại đây, không những ngài đã hăng say xiển dương giáo lí Hữu Bộ, mà còn cực lực đả kích Đại Chúng Bộ, cho rằng kinh điển của Đại Chúng Bộ không phải do Phật nói. Về sau, phải nhờ người anh Vô Trước dùng phương tiện khai thị, ngài mới tỉnh ngộ, chuyển sang tín phụng và hoằng dương giáo pháp Đại Chúng Bộ.
Theo Bà Tẩu Bàn Đậu Pháp Sư Truyện ghi chép: Lúc bấy giờ ngài Thế Thân đang hành đạo tại nước A-du-xà, cực lực xiển dương giáo pháp Hữu Bộ và hủy báng kinh điển Đại Chúng Bộ; anh của ngài là Vô Trước (lúc đó vẫn cư trú ở quê nhà), biết em mình là bậc trí tuệ hơn người, thông hiểu sâu rộng cả giáo nghĩa nội ngoại. Ngài sợ rằng Thế Thân sẽ phải chịu ác báo do tội hủy báng, phá hoại giáo pháp Đại chúng Bộ, nên đã cho sứ giả sang nước A-du-xà báo tin khẩn cấp cho Thế Thân, rằng ngài đang bị bệnh trầm trọng, Thế Thân hãy về gấp cho ngài được gặp mặt.
Được tin báo, Thế Thân liền theo sứ giả trở về nước. Ngài vào phòng thăm anh và hỏi thăm bệnh tình, ngài Vô Trước nói: “Anh đang bị tâm bệnh rất nặng, là do em gây ra đó!” Ngài sửng sốt hỏi lại: “Vì sao tâm bệnh của anh lại do em gây ra?” Vô Trước nói: “Em không tin giáo pháp Đại chúng Bộ, ngày đêm hủy báng. Do ác nghiệp này mà em sẽ vĩnh viễn trầm luân trong ác đạo, anh vì em quá lo lắng, sầu khổ!” Thế Thân nghe thế thì lo lắng, liền xin anh giảng cho nghe về giáo nghĩa Đại Chúng Bộ; ngài Vô Trước liền vì em mà thuyết giảng tóm tắt các yếu nghĩa của giáo pháp Đại Chúng Bộ, ngài Thế Thân vốn là bậc trí tuệ siêu quần, nên nghe đến đâu là thâm nhập đến đấy, hoàn toàn rỗng suốt, và nhận ra rằng, giáo pháp Đại Chúng Bộ thật sự cao sâu vượt quá giáo pháp Thượng Tọa Bộ.
Từ đó, ngài tôn anh làm thầy để học hỏi, ngài Vô Trước bèn đem tất cả sở học và sở đắc của mình về giáo pháp Đại Chúng Bộ truyền dạy hết cho em. Càng thâm nhập yếu nghĩa, ngài Thế Thân càng ân hận về việc ngày trước vì quá si mê mà đã kịch liệt hủy báng Đại Chúng Bộ. Khi lòng ăn năn đã lên đến cao độ, ngài liền đến trước người anh Vô Trước để bày tỏ lòng sám hối.
Để đền tội cũ, ngài nói: “Trước kia em đã dùng cái lưỡi của mình để hủy báng giáo pháp Đại Chúng Bộ, thì hôm nay em phải cắt bỏ cái lưỡi này để tạ tội” (ý nói muốn chết đi). Ngài Vô Trước vội vàng khuyên bảo rằng: “Dù em có cắt cả ngàn cái lưỡi cũng không thể nào diệt được tội cũ; chi bằng, nếu ngày trước em đã dùng cái lưỡi của mình một cách khéo léo trong việc hủy báng, thì ngày nay em cũng cứ dùng chính cái lưỡi ấy của mình một cách khéo léo để tuyên dương giáo pháp Đại Chúng Bộ; được như thế thì tội lỗi ngày xưa chắc chắn sẽ tiêu trừ hết.”
Sau đó thì ngài Vô Trước viên tịch; và ngài Thế Thân trở lại A-du-xà để khởi đầu một chương trình mới, thật vĩ đại, chuyên việc xiển dương giáo nghĩa Đại Chúng Bộ. Ngài đã trước tác các bộ luận, đặc biệt là về hai môn học Du Già và Duy Thức, ngài chú giải các bộ luận đã lưu hành từ trước và luận giải các kinh điển Đại Chúng Bộ.
Tương truyền, khi còn ở Hữu Bộ Nguyên thủy, ngài đã soạn đến 500 bộ luận để tuyên dương giáo nghĩa Hữu Bộ và bài bác Đại Chúng Bộ; và sau khi đã qui hướng rồi, ngài cũng lại soạn đến 500 bộ luận để tuyên dương giáo pháp Đại Chúng Bộ. Vì vậy, người đời đã tôn gọi ngài là vị Thiên Bộ Luận Sư. Tất cả những tác phẩm của ngài, dù thuộc phạm vi Nguyên thủy ngày trước, hay thuộc phạm vi Đại Chúng Bộ lúc về sau, văn nghĩa đều tinh diệu. Bất cứ ai được thấy được nghe cũng đều tin tưởng và cầu học, đều lấy đó làm điển tích căn bản cho sự học tập; chúng nhân thuộc các bộ phái Phật giáo khác và ngay cả ngoại đạo cũng vậy, không ai nghe danh ngài mà không kính trọng.
Để kết thúc cho phần này, chúng tôi trích một đoạn trong Tăng Nhất A Hàm, quyển 2, Kinh Thanh Tịnh, trang 578, Phật dạy hàng Tỳ Kheo về không tranh cãi hơn thua như sau:
“Ta đối với những pháp đó đã tự chứng ngộ, đó là: Bốn Niệm xứ, Bôn Thần túc, Bốn Ý đoạn, Bốn Thiền, Năm Căn, Năm Lực, Bảy Giác chi, và Tám Thánh Đạo. Vậy các Thầy phải hòa hợp với nhau một cách triệt để, chớ có sự chê bai chỉ trích lẫn nhau, đã đồng học một thầy thì phải hòa hợp như nước với sữa; đối với Chánh pháp của Như Lai, cần phải tự làm sáng tỏ lên, mong được an vui. Khi đã được an vui rồi, nếu có Tỳ Kheo trong khi thuyết pháp bị người nói rằng: “Câu nói của Ông không đúng, nghĩa lý sai lầm”.
Vị Tỳ Kheo đó nghe xong, không thể cho lời nói đó là đúng hay không đúng, nên nói với vị kia rằng: “Thưa Thầy, điều đó thế nào? Văn cú của tôi như vậy, văn cú của Thầy như vậy; nghĩa lý của tôi như vậy, nghĩa lý của Thầy như vậy, bên nào tối thắng, bên nào hạ liệt?” Nếu Tỳ Kheo kia đáp rằng: “Văn cú của tôi như vậy, nghĩa lý của tôi như vậy; văn cú của Thầy như vậy, nghĩa lý của Thầy như vậy, văn cú của Thầy cũng tối thắng”. Người kia nói như thế thì không nên cho là sai hay là đúng, nên can gián người kia: “Thôi đi, đừng nên chỉ trích mà hãy cùng nhau tham khảo ý kiến, hòa hợp cùng nhau một cách triệt để; chớ có tranh tụng vì học cùng một thầy, phải nên hòa hợp như nước với sữa”.
Chúng ta thấy rằng đức Phật đã biết trước sau khi Ngài nhập Niết Bàn sẽ có đệ tử của Phật tranh cãi đả phá nhau, chỉ trích nhau, chia bè phái, mà không chịu ngồi lại với nhau để cùng hòa hợp tham khảo ý kiến của nhau. Do đó từ sau khi Ngài nhập Niết Bàn đến nay, Phật giáo luôn luôn bị cái nạn giặc trong là những người cùng Phật giáo đả phá giáo pháp của nhau vì cho giáo pháp của phe mình là đúng của Phật, còn giáo pháp của phe khác là sai không phải của Phật, muốn phe mình là độc quyền duy nhất. Ngày nay thì tác giả Thông Lạc đã chỉ trích đả phá Phật giáo Bắc truyền không phải của Phật ròng rã suốt trên 10 năm nay, thế mà lại có người phụ họa nữa cho việc tiêu diệt Phật giáo Bắc truyền thì thật là hết chỗ nói rồi.
Còn cái nạn giặc ngoài là ngoại đạo luôn luôn sâm lấn tàn phá Phật giáo bằng đủ mọi cách mà chúng ta đã thấy, cái gần đây là có hai người mạo danh là Thiền sư, Cư sĩ; họ ăn cắp bài viết của một vị Tu sĩ để vào sách mang nhan đề Phật giáo, rồi lồng vào trong bằng bài viết lời của Phật theo lối lý luận của tà giáo để lừa gạt Phật tử chúng ta. Đây là hành động vô cùng xảo trá ác độc tệ hại, có thể nói hành động này của ngoại đạo giống như những con vật cắn trộm vậy đó, vì cắn trộm thì không ai biết nó căn lúc nào, nó lẳng lặng đớp một cái, làm cho người bị cắn đau thấu xương tủy. Những kẻ ấy dù che dấu được với mọi người, nhưng chẳng thể giấu được tâm thức của chính họ, nên chẳng thể tránh được tội vào súc sanh, ác qủy, địa ngục sau khi chết, mà chẳng có quyền lực nào cứu nổi tội của họ.
Tổng Kết:
Nếu nói rằng chỉ có Phật giáo Nam truyền mới là Phật giáo, còn đều là những thứ Phật giáo cải cách của ngoại đạo thì đó là phủ nhận một giá trị thực tiễn; vì thực ra ta phải hiểu thế nào là Phật giáo. Trước hết ta phải hiểu: Phật giáo là tất cả những sinh hoạt nào nhằm biểu hiện những nguyên lý mà đức Phật và các thế hệ Phật tử kế tiếp đã chứng nghiệm. Nhưng các cơ cấu xã hội luôn luôn biến đổi theo luật vô thường nên những hình thức sinh hoạt gọi là Phật giáo ban đầu không còn thích hợp một cách hoàn toàn nữa; do đó sự tạo dựng những hình thức sinh hoạt Phật giáo mới là một sự cần thiết phải có, nếu người Phật tử không muốn cho Phật giáo bị diệt mất mà không ngoài mục đích là nuôi sống những nguyên lý của Phật giáo.
Do đó chúng ta thấy có Phật giáo Bắc truyền, Phật giáo Nam truyền; mặc dù vậy, chúng ta vẫn thấy trong Phật giáo Bắc truyền có tông phái Nam truyền, cũng như trong Phật giáo Nam truyền vẫn có tư tưởng và lối hành trì Bắc truyền. Chúng ta phải thấy rõ rằng cả bộ Nikaya tạng kinh Pali của Phật giáo Nam truyền cũng như bốn bộ A Hàm của tạng kinh Bắc truyền đều là những kinh điển căn bản của Phật giáo và về nội dung có rất nhiều điểm giống như nhau. Như thế Phật giáo là kết hợp của giáo lý Nam truyền và Bắc truyền, không phân biệt thời gian, địa phương, xóa bỏ những quan niệm hẹp hòi hình thức chủ quan thiên lệch, bằng cách hướng dẫn người Phật tử sống đúng theo những nguyên lý căn bản của Phật giáo, có như vậy Phật giáo mới có thể tồn tại nẩy nở lâu dài được.
Chúng ta cùng đọc bài nhận xét của Hòa Thượng Thích Quảng Độ khi dịch cuốn “Nguyên Thủy Phật giáo Tư Tưởng Luận” củaKimura Taiken người Nhật, do Âu Dương Hãn Tồn dịch từ Nhật ngữ sang Hán ngữ, bài nhận xét viết:
“(…) Phật giáo cũng như cái cây có ba phần: phần gốc, phần thân cây và phần ngọn bao gồm nhiều cành lá. Phần gốc là căn bản Phật giáo, phần thân cây là Tiểu Thừa Phật Giáo, phần cành lá là Đại Thừa Phật Giáo. Người ta không thể nào tưởng tượng được sự tồn tại của một cái cây mà không có gốc nhưng nếu chỉ có gốc không thôi thì cây ấy không còn sức sống; hoặc giả có gốc, có thân cây mà không có cành lá thì cây ấy cũng như cây trong mùa đông không khỏi gây cho người ta cái ấn tượng trơ trụi tiêu điều.
Nếu phần gốc và thân cây giữ cho cái cây đứng vững, thì phần cành lá sum suê, xanh tốt là sự biểu dương cho cái sức sống mãnh liệt của toàn bộ cái cây; hơn nữa tàn cây tươi thắm tỏa ra che rợp khoảng không gian có đủ sức mang lại cho người lữ hành trên con đường dài mệt mỏi những phút giây êm mát, thoải mái giữa buổi trưa hè oi bức. Cái cây Phật Giáo cũng thế: cả ba phần Căn Bản, Tiểu Thừa, Đại Thừa có hợp lại, bổ sung cho nhau thì mới là cái cây Phật giáo hoàn toàn. (…..)
Do đó theo thiển kiến, quan điểm của các nhà Đại Thừa (Bồ Tát) xưa đối với các nhà Tiểu Thừa (La Hán) cũng như những thành kiến của các nhà Tiểu Thừa đối với các nhà Đại Thừa đều là sai lầm. Chẳng hạn quan niệm của các nhà Đại Thừa thường cho các nhà Tiểu Thừa là hạng “tiêu nha bại chủng” (dứt hạt giống Phật), nghĩa là hạng người ích kỷ, chỉ biết tìm cầu giải thoát cho riêng mình, không lo “hoằng pháp lợi sinh” để tiếp nối cái tinh thần truyền đạo của Phật v.v... là quan niệm rất sai lầm, hoàn toàn không đúng với sự thật lịch sử.
Khi đọc lịch sử truyền bá Phật pháp, không ai biết đến trường hợp Phú-lâu-na (Punna): Ở mạn tây Ấn Độ thuở xưa có một địa khu gọi là Du-lâu- na (Sunaparanta), Phật giáo chưa được truyền đến đây và dân bản xứ thì rất hung ác. Phú-lâu-na có ý định qua đó truyền giáo, bèn đến xin phép Phật để đi; Phật bảo:
-“Dân xứ Du-lâu-na dữ tợn, khó thuyết phục lắm, nếu ông đến đấy mà họ sỉ vả ông thì sao?”
Phú-lâu-na trả lời:
-“Con nghĩ rằng họ vẫn là những người hiền lành, vì họ đã không dùng gậy gộc đánh đập con”.
- “Vậy nếu họ dùng gậy gộc đánh đập ông thì ông nghĩ sao?”
- “Con nghĩ họ vẫn là người lương thiện vì họ đã chẳng dùng dao búa chém giết con”.
- “Thế lỡ họ dùng dao búa chém giết ông thì ông nghĩ sao?”
- “Con nghĩ là họ vẫn tốt và con phải cám ơn họ vì nhờ họ mà con xả bỏ được cái thân nhơ nhớp khổ đau này”.
Biết được ý chí kiên quyết và dũng cảm ấy, Phật liền tán đồng và cho phép Phú-lâu-na đến truyền đạo tại xứ đó; ai dám bảo thái độ ấy là thái độ “độc thiện kỳ thân”, là “tiêu nha bại chủng”?
Đây chỉ là một trường hợp điển hình trong vô số trường hợp khác mà ở đây chúng tôi không thể kể hết được; hơn nữa, cứ nhìn vào tình hình Phật giáo Tiểu Thừa tại các nước như: Tích Lan, Miến Điện, Thái Lan, v.v… Hiện nay ta cũng thấy rõ công đức truyền bá và duy trì Phật pháp của các nhà Tiểu Thừa như thế nào rồi, đặc biệt tấm gương sáng chói của Anagarika Dhammapala (người Tích Lan) gần đây cũng chính là tiếp nối cái tinh thần truyền thống của những Phú-lâu-na và Mahinda (đem Phật pháp vào Tích Lan) từ nghìn xưa vậy. 
Trái lại, quan niệm của các nhà Tiểu Thừa thường cho rằng Đại Thừa là “phi Phật thuyết” (Đại Thừa không phải Phật nói ra, ngụ ý là ngoại đạo), rồi tự mãn với lối sống truyền thống của mình, tự đóng kín, không chịu tìm hiểu các kinh điển của Đại Thừa thì quan niệm ấy nếu không là cố chấp thái quá thì cũng là hơi hẹp hòi. Nếu bảo Đại Thừa “phi Phật thuyết” thì ngoài một bậc Đại giác “cùng tận chúng sinh nghiệp tính” ra, ai có được những tư tưởng siêu việt như tư tưởng trong các kinh Đại Thừa? Rồi độc giả (nếu tôi hân hạnh có được) sẽ thấy, thế giới quan “trùng trùng duyên khởi” một kiến trúc vĩ đại, trong Hoa Nghiêm, thế giới quan “không” của Bát Nhã, tư tưởng “chư pháp thực tướng” trong Pháp Hoa, tư tưởng “ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm” trong kinh Kim Cương, cho đến tư tưởng “vô trụ niết bàn”, “phiền não tức bồ-đề”, v.v…; tất cả những tư tưởng mông mênh, bao la và thăm thẳm ấy đều đã bắt nguồn từ tư tưởng của Phật Giáo Nguyên Thủy.
Phật pháp chỉ có một vị, đó là vị giải thoát, nhưng phương pháp để đạt đến giải thoát thì có rất nhiều và phương pháp nào -- dù là Đại Thừa hay Tiểu Thừa cũng đều nhằm đạt đến mục đích nhất vị kể trên. (…)”
Chúng ta cũng nên đọc qua ít hàng viết “Nhận định về Đại Thừa Tiểu Thừa” của Hòa Thượng Thích Minh Châu Tiến sĩ Phật học tại Ấn Độ, Viện Trưởng Đại Học Vạn Hạnh trong nhiều năm, Chủ Tịch hội đồng phiên dịch Kinh Tạng cả Nam Truyền và Bắc truyền của Việt Nam, Ngài viết:
“Ðọc kỹ tiến trình tư tưởng Phật giáo, chúng ta sẽ thấy các luận sư không vị nào là không muốn diễn đạt cho thật sự trung thành giáo nghĩa nguyên thủy của đức Từ Phụ. Dầu cho sự diễn đạt đặt dưới nhiều quan điểm và khía cạnh sai khác, lồng vào những bối cảnh có thể nói là mâu thuẫn, nhưng chúng ta vẫn nhận thấy những sóng ngầm đồng nhất, thật sự nguyên thủy trong sự cố gắng trung thành của các nhà luận sư. Cho nên quan điểm của một số học giả Pàli cho rằng những gì ngoài ba Tạng Pàli là ngụy tạo, vừa nguy hiểm, vừa nông nổi nếu không phải là lạc hậu.
Nguy hiểm vì tự mình phủ nhận những cố gắng trung thành với đạo Phật nguyên thủy của các nhà luận sư, như chúng ta đã thấy quá rõ ràng trong tập sách này. Nguy hiểm hơn nữa là chúng ta phủ nhận luôn những tinh hoa đạo Phật nguyên thủy do chính các nhà luận sư khai thác và diễn đạt. Nông nổi và lạc hậu, vì ngày nay các nhà học giả Phật giáo phần lớn đều chấp nhận một số tư tưởng Ðại thừa là những tư tưởng của đạo Phật nguyên thủy và xác nhận chính trong tam tạng Pàli, được kiết tập trong một thời gian một vài thế kỷ, lẽ dĩ nhiên phải có những đoạn phi nguyên thủy xen kẽ vào. Nếu có nhà học giả nào chịu khó so sánh bốn tập A Hàm với các tập Pàli Nikàya tương đương, các vị ấy sẽ thấy có nhiều đoạn văn A Hàm Trung Hoa lại nguyên thủy hơn các đoạn văn Pàli.
Thái độ của một số Phật tử Ðại thừa ngược lại xem những gì Tiểu thừa là thiển cận, nhỏ hẹp, không đáng học hỏi cũng là một thái độ nguy hiểm, nông nổi, nếu không phải là ngây thơ, phản trí thức. Nguy hiểm vì tự nhiên phủ nhận ba tạng Pàli, bốn bộ A Hàm và các luật tạng, những tinh hoa tốt đẹp nhất và nguyên thủy nhất của lời Phật dạy. Và làm vậy chúng ta mắc mưu các nhà Bà-la-môn giáo đã khôn khéo loại bỏ ra ngoài Phật giáo những tinh ba của lời Phật dạy, bằng cách gán cho danh từ "Tiểu thừa"; nông nổi và ngây thơ, vì thật sự danh từ Tiểu thừa và Ðại thừa không tìm được trong ba tạng Pàli và bốn bộ A Hàm và chỉ là những danh từ được tạo ra về sau.
Hơn nữa, tìm hiểu quá trình lịch sử tư tưởng Phật giáo, chúng ta chỉ có thể hiểu được tư tưởng Ðại thừa sau khi chúng ta tìm hiểu được tư tưởng nguyên thủy; loại bỏ tư tưởng nguyên thủy để tìm hiểu tư tưởng Ðại thừa cũng như thả mồi bắt bóng, và bắt bóng ở đây là bắt bóng tà ma ngoại đạo, mới thật sự nguy hiểm hơn. Các nhà gọi là Ðại thừa cần phải xác nhận một sự thật lịch sử, là các nước Tiểu thừa chống giữ sự xâm nhập của ngoại đạo tà giáo kiên trì và hữu hiệu hơn các nước Ðại thừa; lý do chính là tư tưởng Ðại thừa và tà giáo ngoại đạo nhiều khi cách xa chỉ có gang tấc, và nhiều nhà tự cho là Ðại thừa lại sẵn sàng bước qua biên giới ấy”.
Tiếp lời Hòa Thượng Thích Minh Châu, đây là những điều hiểu sai nghĩa Kinh như Kinh Địa Tạng, phẩm Phổ Môn Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, nên một số người đã hành giống như ngoại đạo là bước qua biên giới rồi. Nhưng như lời Phật giảng thì chúng sinh tiến từ thấp dần dần lên cao, Đức Phật nói tùy duyên cứu giúp tất cả chúng sanh mọi loài từ Trời, Người, Ngạ qủy, Súc sinh cho tới Địa ngục để thể hiện được Từ Bi Hỉ Xả. Nếu chúng ta cho rằng những việc sai trái không thể chấp nhận được, tức là chúng ta có bệnh CHẤP qúa nặng; nếu có bệnh chấp thì chúng ta đi ngược lại lời dạy của Phật, nên chúng ta phải tùy duyên mà hành động cho thích hợp với từng hoàn cảnh khác biệt trong việc giáo hóa chúng sanh.
Cái phải nói đến là điều tác giả Thích Thông Lạc chê bai kinh nọ kinh kia là hý luận, là luận để vui chơi thôi, không phải là của Phật giáo mà là của ngoại đạo, là lường gạt thâm độc, v.v…; bác bỏ chê bai các Tổ sư của Bắc truyền suốt chiều dài trên 2000 năm lịch sử Phật giáo Bắc truyền là qúa sức tưởng tượng của mọi người. Đây là không hiểu nghĩa kinh luận do thiếu suy nghĩ quán tưởng tư duy, không có chính kiến đưa đến tà kiến phá hoại nhục mạ Phật giáo Bắc truyền. Cũng vì lý do đó mà chúng tôi chẳng đặng đừng khi nhìn thấy sự chỉ trích sai lầm, bất đắc dĩ phải lên tiếng và giải thích dài dòng cho được đầy đủ để bảo vệ chánh pháp của Phật, chứ chúng tôi không hề khi không có nguyên nhân mà tự nhiên bỏ thời giờ sức lực viết ra một cách vô cớ.
Nếu như tác giả Thông Lạc tìm ngay mấy người hay mấy chùa hành sai về một vấn đề nào đó để chỉ trích mà không đả phá cả hệ thống Kinh Tạng của Bắc truyền thì sự việc là có lợi ích và mọi người đều tôn trọng; bởi vì dù trong giáo phái nào cũng có thể có những người hiểu sai lời Phật dạy rồi làm sai, nhưng tiếc thay tác giả đã không làm như thế vì chỉ muốn dẹp bỏ hệ thống Phật giáo Bắc truyền, nên đã không tiếc lời chỉ trích đả phá, mà trong Phật giáo Bắc truyền có cả vị Tôn sư cũ của mình và biết bao nhiêu bạn đang tu hành nữa!
Để kết thúc, chúng ta thấy Phật giáo Bắc truyền đúng lá cành lá hoa trái sum suê của Phật giáo, Phật giáo Nam truyền là gốc rễ thân cây, tuy hai mà một. Chúng ta gạt ra không bao giờ dùng tới nữa các danh từ ác trong lời nói và chữ viết như “tiểu thừa, đại thừa” mà thay vào bằng chữ “Nguyên thủy, Nam truyền, Nam tông, Bắc truyền, Bắc tông, Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tátv.v…” cho được bình đẳng công bằng. Chúng ta từ bỏ quan niệm “Tiểu thừa tiêu nha bại chủng”, chúng ta chấm dứt thái độ cho rằng “Đại thừa là của ngoại đạo để lường gạt dụ dỗ hăm dọa v.v…” Chúng ta không bao giờ vỗ ngực cho rằng pháp môn tu của mình là nhất, còn pháp môn tu của người khác là sai v.v… Có như vậy mới xứng đáng là người con của Phật.
Đến đây, người Phật tử an tâm để tiếp tục những gì mình đang theo đuổi, không còn bị những nhận xét sai lầm về Kinh điển Bắc truyền làm tâm chúng ta dao động nữa, không còn gì phải nghi ngờ hoang mang nữa mà vững tin vào Tam Bảo Phật Pháp Tăng, vì tất cả đều đã được phân tích tỉ mỉ từng điểm trắng đen. Đối với người Phật tử chúng ta dù tu hành pháp môn nào của Nam truyền hay Bắc truyền cũng đều được cả, miễn là phải nghiên cứu tìm hiểu kỹ càng và phải thích hợp với mình trước khi bắt đầu hành trì thì sẽ dễ đem lại kết qủa thoát khỏi luân hồi sinh tử đạt giải thoát.
Toàn Không

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét