Thứ Tư, 4 tháng 9, 2013

Hãy tín chứ đừng mê

Chúng ta chẳng nên mê tín dị đoan, không nên tin vào bùa chú mà hãy tin sâu vào luật nhân quả, đặc biệt chúng ta phải có niềm tin về ngày mai tươi sáng, đó là niềm tin về một thế giới còn đẹp hơn hôm nay rất nhiều lần...
Ngày trước, cứ mỗi lần nghe đến chuyện “sinh ly tử biệt” là lòng tôi lại trùng xuống và tự trách mình. Tại sao nhỉ? Tại sao người ta có thể định được ngày sinh của con cái mà không thể nào đoán được ngày mất của mỗi người. Thế là suốt một thời gian dài tôi nghiên cứu về tử vi lý số, phong thủy và các môn học vấn bói toán. Bên cạnh việc học tập, nghiên cứu tôi còn sưu tầm và tổng hợp hàng loạt thông tin liên quan đến những người xấu số bằng cách tế nhị hỏi ngày, giờ sinh - mất của họ; có khi nhờ một vài cô đồng bà cốt cung cấp thông tin về những trường hợp tiêu biểu nhằm tìm ra những quy luật chung khả dĩ có thể tham khảo. Bên cạnh đó, đối chiếu với hàng loạt kinh nghiệm bói toán của cổ nhân trong kho sách vở để tìm ra một đáp số cho bài toán sinh tử.
Làng tôi có một ngôi đền (thường gọi là Điếm Tây), mỗi lần đi ngang qua cổng đền, tôi đều có cảm giác nghe thấy có tiếng đọc số bên tai, tôi đã thử cho một vài người cặp số để đánh đề (họ có hoàn cảnh khó khăn) và kết quả làm tôi sững sờ khi 3 lần trong tuần đều đúng cả. Tìm hiểu, tôi được biết trước đây ở nơi đó cũng có một người phụ nữ được mệnh danh là “trạng đề” vì mỗi lần ngủ dậy đều thấy số hiện lên trên cổ tay hoặc bàn tay. Nhiều lúc trong giấc mơ tôi còn nghe thấy mấy vị (siêu hình) bàn về việc hôm nay đề về con gì. Tôi nghe lỏm được và cũng tiết lộ cho một vài người và kết quả thật kinh ngạc.
Tự nhiên lòng tham nổi lên, tôi cũng đánh thử và hình như 10 lần đánh thì thua cả 10 lần và những người mình cho số cũng không trúng một số nào cả. Tôi chợt tỉnh ngộ. Thì ra, khả năng thần thông đưa con người ta vào vòng xoáy của dục vọng dẫn đến đường tiến hóa bị chậm lại. Thì ra, bói toán, tiên tri… nếu đi sai mục đích chỉ là phù phiếm và rước họa vào thân. Có lần tôi bị chú ruột mắng “gỗ để làm củi thì hơi phí” nên từ đó, tôi hứa sẽ không đả động gì đến thị phi của “vân vân các chúng sinh” kia nữa. Bởi vì, ngay cả Thiệu Khang Tiết nổi tiếng về tài tiên tri nhờ dịch số cũng không tránh khỏi dòng sinh tử ở đời.
Thế sự nổi trôi, sinh mệnh tạm thời mà chúng ta cứ cố làm rùm beng mọi chuyện. Hàng mớ kiến thức bòng bong cuốn theo mây trời. Hôm nay, khi vô tình nghe lại dư ngôn Mai Hoa Thi của Thiệu Khang Tiết mà chạnh lòng, mới té ra, tất cả sự học của mình bấy lâu nay chỉ là hư vọng. Nhớ lại mấy câu thơ trong Lâm Giang Tiên của Dương Thận:
“Trường gian cuồn cuộn chảy về đông
Bạc đầu sóng cuộn anh hùng
Thị phi thành bại theo dòng nước
Sừng sững cơ đồ hóa tay không (…)”.
Người đời chúng ta những khi làm đại sự, những lúc nhàn rỗi muốn kiếm câu chuyện để giải khuây, số khác gặp tai bay vạ gió… họ đã tìm đến “thế giới tâm linh”. Thiên hạ cũng chỉ quanh quẩn những vấn đề chung: Dự án này con có nên ký không? thời gian nào ký thì thuận lợi hay con muốn chọn ngày đẹp để xây nhà, lập gia đình sao cho tốt? Số khác thì muốn biết sự nghiệp công danh sang hèn thế nào? Vợ con hạnh phúc ra sao? Làm sao để sinh con trai? Nhóm khác lại lo về tai nạn sinh tử để giải hạn cầu an… Cả một đời người, chung quy cũng chỉ từng ấy chuyện và thầy bà đồng cốt thì cũng chỉ từng ấy việc.
Quẩn quanh mà cũng thành một nét văn hóa tâm linh. Dù muốn dù không nó vẫn khách quan tồn tại. Đó là một dạng “không gian thiêng”. Đối với những điều này, riêng tôi chỉ dám “kính nhi viễn chi” chẳng dám bàn nhiều. Đúng có đúng, trật có trật vì đời người không phải bài toán với những con số có sẵn mà còn là các con số có sẵn tạo nên vô số bài toán.
Đời sống của chúng ta luôn luôn vận động, nên trong quá trình vận hành của nó không ít thì nhiều cũng gặp phải những sự cố ngoài ý muốn. Vũ trụ còn có lúc thế này thế kia, động thực vật cũng trải qua quá trình tồn vong tiến hóa… làm gì có cái bất biến. Nói như tiến sĩ Lê Thẩm Dương cuộc sống là những hàm đa biến. Định thế này mà nó lại chuyển thành thế kia, có ai chong chóng mà nắm khư khư vật ở trong tay mãi được. Đến như con ba ba nghe tiếng sấm còn nhả miếng cắn, huống hồ chúng ta hay hướng ngoại, tĩnh một chút là chịu không đặng, lại tìm mọi cách để mua vui. Cho nên, thánh nhân xưa đã kinh qua và chiêm nghiệm cách sống hạnh phúc, thảnh thơi: “Mệnh lý có lúc rồi sẽ hết, trong mệnh thì chớ có cưỡng cầu”, “Lấy cống hiến làm vui mừng, lấy tham lam làm hổ thẹn”, “Việc ác chớ làm, làm theo chữ Thiện”.
Trong môn học Trường Sinh học cũng nói đến việc tránh xa bùa chú, phù phép để hướng con người đến niềm tin vào chính mình hơn là tin vào những điều ma thuật. Tâm linh có dạng tối và dạng sáng. Trường Sinh học hướng chúng ta vào dạng thứ hai để gieo mầm thánh thiện từ ý nghĩ, việc làm, lời nói.
Hôm vừa rồi, một em trai gọi điện hỏi tôi: 
- Anh ơi mẹ em đi xem, thầy bảo là tháng 11 có đại hạn, phải di cung hoán số, liệu em còn phải làm gì nữa không anh?
Tôi ngạc nhiên: 
- Ơ hay! Bây giờ là tháng mấy. 
- Dạ tháng 7. 
- Thế còn mấy tháng nữa đến tháng 11? 
- Dạ 4 tháng? 
- Thế em “di cung hoán số” là đổi số của em sang số một người khác à? 
- Vâng. Thế em đổi cho bạn nào? Tên gì? Bao nhiêu tuổi? 
- Dạ, em làm sao biết. 
- Thế em dùng hàng mã và tiền lễ để đoạt mạng sống của người khác à? Nếu thần thông của ông thầy đó làm được việc này, thì em là kẻ giết người à? Giống như chuyện mua bán nội tạng à? Hay nhỉ! 
Tất cả cũng chỉ phó thác bằng tiếng cười.
Thế đấy! Chúng ta cứ làm rùm beng mọi chuyện lên. Khổng Tử bảo: “Phong thủy dị tầm, Thiên mệnh nan cưỡng, dục cầu bất đắc chân long, tiên tích đức hành thiện”. Nghĩa là phép hóa giải đầu tiên và tối thắng đó chính là làm thiện để tích đức.
Thực ra trong khoa dự đoán học có rất nhiều nhân vật nổi tiếng, như thiên tài số học Thiệu Khang Tiết. Nhưng để đạt được trạng thái đó người gieo quẻ phải giữ giới, thanh tịnh, tâm không có tạp niệm, lòng tùy hỷ mà dự báo không cầu lợi nên mới có được trạng thái tâm linh tương thông với vũ trụ, mới giải mã được các dạng sóng năng lượng mang tính thông tin liên quan đến một vấn đề nhất định. Đó cũng là một trạng thái tập trung cao độ trong thiền. Quan niệm ngũ hành về con người chính là: “âm dương chi giao, quỷ thần chi hội, ngũ hành chi tú khí dã” nghĩa là trong chúng ta có mọi thông tin và có cả những bộ giải mã thông tin nữa. Nhưng chúng ta chỉ có thể khơi dậy năng lực tương thông này bằng những phương pháp nhất định. Trong đó cách sống thanh tịnh, đạm bạc, hòa hợp cùng cỏ cây hoa lá và muôn thú là một dạng đặc trưng.
Số phận của chúng ta bị chi phối bởi nhiều yếu tố, trong đótrí tuệ, tính cách, cảm xúc, nghề nghiệp - thể trạng (mang tính chủ quan) và thời đại, các mối quan hệ xã hội, thiên nhiên (mang tính khách quan). Hai yếu tố này tác động qua lại và có ảnh hưởng rất lớn đến mỗi con người. Đặc biệt, khi chúng ta gắn bó lâu dài với một công việc nào thì những nguy cơ cũng xuất phát từ nghề nghiệp đó, nên ông bà ta có câu: “sinh nghề tử nghiệp” là như vậy.
Việc tin vào “văn hóa tâm linh” là chuyện từ thời xưa, nhưng là con người của thời đại mới chúng ta phải biết gạn đục khơi trong. Chuyện tâm linh muôn hình vạn trạng nhưng chúng ta phải biết lắng nghe chính mình, lắng nghe tâm hồn mình và chắc rằng chúng ta sẽ tự đọc được những mã thông tin nằm trên vỏ não. Đó có thể là thông tin mang tính cảnh báo về sức khỏe, thông tin nhắc nhở chúng ta về một cơ hội không nên bỏ qua hay run rủi chúng ta không lên chuyến xe xấu số được giải mã từ những giấc mơ…
Chúng ta phải biết tin sâu nhân quả. Tất cả đều nằm ở trong ta, và mọi chuyện nảy sinh từ trong lời nói, ý nghĩ và việc làm của ta. Chúng ta hãy trang bị cho mình đời sống tâm linh thánh thiện và sạch sẽ. Khi đó năng lượng của chúng ta sẽ thể nhập vào một trạng thái chung của vũ trụ bao la và huyền diệu này. Đó cũng chính là năng lượng của Đức tin - năng lượng của Chúa - năng lượng của Bụt...
Thế nên, chúng ta chẳng nên mê tín dị đoan, không nên tin vào bùa chú mà hãy tin sâu vào luật nhân quả, đặc biệt chúng ta phải có niềm tin về ngày mai tươi sáng, đó là niềm tin về một thế giới còn đẹp hơn hôm nay rất nhiều lần, đó là một lối sống tích cực. Giống như người sáng lập tập đoàn máy tính Apple, Steven Jobs đã chia sẻ: “Mỗi ngày tôi đều đứng trước gương và thầm nhủ, nếu ngày mai là ngày cuối của đời mình, thì liệu tôi có muốn hoàn tất những việc của ngày hôm nay không?”. Chúng ta thì sao? Chỉ cần sống tốt và không ngừng hoàn thiện bản thân. Bên cạnh đó, hãy cố hoàn tất những món nợ mà mình mắc phải (nếu có). Như lời Tố Hữu đã viết:
Nếu là con chim, chiếc lá
Con chim phải hót, chiếc lá phải xanh
Lẽ nào vay mà không có trả
Sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình?
(Trích: Một Khúc Ca)
Chỉnh Ca

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét