Thứ Tư, 4 tháng 9, 2013

Trách nhiệm pháp lý gián tiếp

Hình như không hợp lý tí nào cho các tu sĩ nói là họ có thể ăn thịt vì họ không biết việc thú vật bị giết.
Phải chăng chỉ có thú vật mới thừa hưởng lòng từ bi, bác ái; còn sự sống của giun đất, côn trùng, chuột đồng thì bị thờ ơ quên lãng hay sao?
Trong "Golden Drum" - một tạp chí đã phát ngôn cho phái Ðại thừa ở phương Tây đang bào chữa cho việc ăn chay, tạp chí số 14, tác giả Sagaramati viết trong tựa đề "Những người con Phật có ăn thịt, cá không?": 
- Ðể nói rằng việc ăn thịt không có liên quan đạo đức gì với hành động giết hại hung bạo và kinh khủng do nó cảm thấy, thì đây là sự vô tình, vô cảm, là điều phi lý. Mặc dù không tự tay mình giết hay nhờ kẻ khác giết, thì người ấy cũng không thoát khỏi hậu quả cho việc giết hại. Kẻ giết thú vật không riêng cho mình mà cho chợ búa tiêu thụ. Nếu không có người ăn thịt, thì sẽ không có điểm giết thú ngoại trừ việc giết đó phục vụ cho chính người giết. Do đó nếu một ai quyết định ăn thịt, thì người ấy cũng quyết định trở thành những người tiêu thụ của thị trường. Và nếu một ai trở thành một phần tử của thị trường, người ấy có liên hệ với nhu cầu mà người giết đáp ứng. Có một sự liên hệ rất rõ giữa người ăn thịt và hành động giết hại, giữa lòng ham muốn vị thịt và sự đau đớn thật sự của thú bị giết.
Cùng một cách nói, John Blofeld - tác giả nổi tiếng các kinh sách Ðại thừa - viết trong lời tựa của quyển "Luật Ðại thừa" (Mahayàna vinaya) do Tỳ khưu Yen Kiat biên soạn: 
- Trong thời điểm hiện đại, đặc biệt thú vật ít khi được giết cho những cá nhân; nhưng rõ ràng rằng, tất cả chúng ta thật sự có trách nhiệm cho cái chết của chúng, vì những người đồ tể chỉ đáp ứng thịt theo thị hiếu của chúng ta. Như vậy, trong điều kiện hiện nay, hình như không hợp lý tí nào cho các tu sĩ nói là họ có thể ăn thịt vì họ không biết việc thú vật bị giết.
Thoáng qua, lời viết hình như có lý và hợp thời. Tuy nhiên, nếu lối lý luận như vậy được áp dụng đúng mức, thì những người ăn chay sẽ không thoát khỏi hậu quả và sự liên hệ của việc sát hại. Ðối với lúc này, họ có thể "rao giảng" về việc phát huy tâm từ và tâm bi, bởi vì họ chưa bao giờ thấy tận mắt tiến trình trồng, cấy và thu hoạch rau trái và những sản phẩm nông nghiệp khác. Nếu những nông sản nói được, có lẽ chúng sẽ nói về sự đau đớn của loài giun đất, và những loại côn trùng khác mà thân thể của chúng bị đứt nát do bởi cuốc và thuổng; về tiếng kêu rên của chuột đồng bị đứt đầu vì cày và xới, về tiếng than thở của côn trùng chịu đựng thuốc độc DDT; và nhiều điều cảm kích và đau xót khác! Chắc chắn, thiên nhiên không sẵn sàng làm cho các sản phẩm nông nghiệp biết làm chứng hoặc có thể nói và đòi quyền công bằng đối với những kẻ ăn chay. Những tiếng kêu rên, than thở đó vẫn còn bị coi là những tiếng kêu vô vọng trong cánh đồng hoang dã. Ðiều này nên hỏi lại, phải chăng chỉ có thú vật mới thừa hưởng lòng từ bi, bác ái; còn sự sống của giun đất, côn trùng, chuột đồng thì bị thờ ơ quên lãng hay sao? Nếu người ăn chay nghĩ: "Thú vật sẽ hạnh phúc vô cùng nếu trên đời này không có người ăn mặn", thì cũng sẽ công bằng, nếu người ăn mặn nghĩ: "Bò sát, chuột và côn trùng sẽ sung sướng vô cùng nếu trên đời này không có người ăn chay (thực vật)". Chắc chúng sẽ mở tiệc liên hoan trên cánh đồng lúa!
Jan Sanjivaputta

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét