Nimitta: Tướng định của hơi thở, một trong những ấn chứng vào sơ thiền.
Nimitta của mỗi người đều khác nhau. Có người có Nimitta dưới dạng cảm thọ dễ chịu, giống bông gòn tua rua, như sợi bông trắng, làn không khí di chuyển hay làn gió lùa; hoặc sáng rực rỡ như sao Mai, hay 1 viên ngọc Rubi hay ngọc trai.
- Đối với người khác nó biểu hiện dưới cảm giác thô như thân cây hay một miếng gỗ nhọn sắc. Với người khác nó lại giống như sợi dây dài, 1 vòng hoa, một luồng khói vụt qua, một mạng nhện bị kéo dãn ra, một bông sen hay một bánh xe ngựa (với căn và trục đều là ánh sáng), mặt trăng hay mặt trời. Có một số người có Nimitta có nhiều màu sắc khác nhau.
- Khi Nimitta còn mờ đục và không rõ, nó được gọi là học tướng (uggaha nimita). Khi nó trở nên sáng chói lấp lánh nó được gọi là quang tướng.
VD: Thường một Nimitta sáng thuần khiết giống bông gòn là học tướng và sau đó nó trở nên sáng rực rỡ, rõ rệt như sao mai gọi là quang tướng.
- Khi nó giống một viên ngọc/đá rubi còn mờ nhạt là học tướng, khi sáng rực chiếu lấp lánh gọi là quang tướng
- Tất cả các hình ảnh đều phải được hiểu theo 2 giai đoạn này. Vì thế mặc dầu niệm hơi thở là một đề mục duy nhất, nó tạo ra rất nhiều loại Nimitta khác nhau đối với các hành giả khác nhau.
Yếu tố “TƯỞNG”
- Trong Thanh Tịnh Đạo giải thích như sau:
“Đối tượng thiền duy nhất này xuất hiện ra khác nhau vì có sự khác nhau của tưởng. Tướng hơi thở (Nimitta) được sanh ra từ tưởng, có nguồn gốc từ tưởng, được tạo nên do tưởng“
- Chú giải phụ giải thích thêm:
“Bởi sự khác biệt trong cách nhận thức/cách hiểu của mỗi người (tức là vì tưởng sai biệt) đã có từ trước lúc khi Nimitta hiện lên”
- Vì vậy, Nimitta khác nhau là do tưởng sai biệt. Nhưng tưởng lại không khởi lên một mình, nó luôn đồng sanh với các tâm hành khác – đó là các tâm sở.
- Cho nên ví dụ, nếu một hành giả định tâm trên Nimitta với một tâm hân hoan, tất cả có 34 tâm hành và khởi lên với tưởng sẽ có các tâm sở khác như xúc, tứ, nhất tâm (định); tác ý, tầm, tứ, thắng giải, cần, dục, …
- Cho nên với các hành giả khác nhau, không chỉ có tưởng khác nhau mà tất cả các tâm hành khác cũng khác nhau.
- Để làm rõ thêm điều này, theo giải thích của Thanh Tịnh Đạo về tầng Thiền chứng: Phi tưởng Phi Phi tưởng xứ (tầng Thiền thứ 4 trong cõi vô sắc). Trong đó giải thích gọi tầng thiền chứng là Phi tưởng Phi Phi tưởng xứ do tính chất vi tế còn sót lại của sở hữu tưởng:
“Tưởng ở đây là không còn, vì không có khả năng thực hiện các chức năng quyết định của sở hữu tưởng, nhưng cũng không phải không còn tưởng, vì nó vẫn có mặt trong một trạng thái cực kỳ vi tế giống như một hành còn dư sót lại. Vì thế nên gọi là Phi tưởng phi phi tưởng xứ”
- Nhưng trong tầng thiền “Phi tưởng phi phi tưởng xứ”, không phải chỉ riêng sở hữu tưởng là vi tế, trong Thanh Tịnh Đạo có giải thích:
“Và ở đây, không phải chỉ riêng tưởng là như vậy, mà sở hữu Thọ cũng thành Phi tưởng phi phi tưởng thọ, Tâm cũng thành Phi tâm phi phi tưởng tâm, sở hữu xúc thành Phi xúc phi phi tưởng xúc, … và tương tự đối với tất cả các tâm sở còn lại”
Vì vậy người ta gọi tên của tầng Thiền này do tính chất vi tế của tâm sở nổi trội là tưởng. Nhưng tính chất vi tế này là chung cho tất cả các Tâm sở khác nữa.
Cũng vậy, khi chú giải nói Nimitta khác nhau do tưởng sai biệt, chỉ là giải thích Nimitta (khi suy xét) về tâm hành nổi bật là tưởng. Cũng có thể nói là chú giải đang giải thích về nhiều loại Nimitta xét từ góc độ của sở hữu tưởng, và dùng tưởng để làm thí dụ (chứ không đề cập đến các tâm hành khác).
Chúng ta sẽ nói về 34 tâm hành trong các tầng Thiền sau. Giờ đây, chúng ta sẽ tiếp tục giải thích về quá trình phát triển của các hành giả sơ cơ, khi Nimitta mới xuất hiện.
GÌN GIỮ NIMITTA
- Một khi Nimitta xuất hiện, hành giả cần phải cố gắng quan tâm để bảo vệ nó. Trong Thanh Tịnh Đạo giải thích ví Nimitta với bào thai của một bậc chuyển luân vương. Cũng tương tự như vậy, Nimitta là một thứ hiếm hoi và tuyệt vời, đáng quý đến như vậy.
- Giống như hoàng hậu mang thai một vị chuyển luân vương. Phải giữ gìn cẩn thận bào thai trong bụng khỏi bất cứ rủi ro nào, thì hành giả cũng phải bảo vệ Nimitta đến như vậy. Vậy các rủi ro có thể gặp phải đối với hành giả là gì?
- Đó là Nimitta có thể biến mất, do sự lơ đãng của hành giả. Điều này có nghĩa hành giả cần tiếp tục thực hành với sự nỗ lực tinh tấn, chánh niệm và tỉnh giác, hiểu biết rõ. Một tâm lười biếng giải đãi, không tỉnh thức và thất niệm không thể thành tựu được gì đặc biệt trong quá trình phát triển tâm linh.
- Trong Thanh Tịnh Đạo có đưa ra 7 cách để giữ Nimitta.
1. Trú xứ: là nơi hành giả hành thiền. Rất quan trọng, phải có một trú xứ thích hợp, là một nơi yên tĩnh và cách biệt, nếu không được vậy thì tại Thiền đường. Còn đối với các Cư sĩ, họ cần tham dự các khóa thiền dài ngày.
2. Nhập thất – chỗ ẩn cư: đặc biệt dành cho Tỳ kheo. Nhưng nơi này phải không được quá khó cho việc Khất thực, có vật thực thích hợp
3. Nói chuyện: như đã giải thích ở phần trên, hành giả phải dừng việc nói chuyện trao đổi trong lúc hành thiền. Nói chuyện tầm phào là một điều rất tai hại như nói về tin tức thời sự, về gia đình, về quá khứ của mình và người khác, … Tai hại hơn là phàn nàn, ca thán như phàn nàn về chỗ ở, vật thực hay về các bạn đồng tu khác, về Thiền sư, … Những chuyện kiểu vậy chẳng có ích lợi gì cả mà chỉ làm phân tán đầu óc hành giả. Ngược lại nên nói chuyện lợi lạc như nói về đề tài Thiểu dục, Tri túc, về Tam vô lậu học, về giải thoát.
4. Con người: ở đây ám chỉ đến các bạn đồng tu. Rất nguy hại khi kết bạn với những người thích nói chuyện vô ích, vô bổ hoặc những ai quá chú ý để giữ gìn về thân thể (luôn chú trọng về thể hình của mình). Những loại người này luôn làm phiền não đối với những người xung quanh. Trong Thanh Tịnh Đạo có kể câu chuyện về một vì Tỳ Kheo tại Tích Lan thời xưa đã mất các tầng Thiền chứng cũng như mất luôn Nimitta bởi kết bạn với một người kiểu vậy. Người mà ta nên kết bạn phải có giới đức, rất ít nói, chỉ nói những điều ích lợi và không bao giờ kêu ca phàn nàn.
5. Vật thực: phải thích hợp. Rất thận trọng những thứ đồ ăn. Vì có lúc những đồ mình thích ăn lại không thích hợp, và ngược lại những đồ thích hợp cho việc hành thiền thì hành giả lại không thích ăn.
6. Thời tiết: không quá nóng và quá lạnh
7. Oai nghi: oai nghi nào giúp định tâm phát triển nhất sẽ là oai nghi thích hợp. Thí dụ, có lúc hành giả thấy buồn ngủ, dã dượi. Lúc đó tốt hơn là đứng dậy và hành thiền đứng thay vì ngồi thiền, hoặc có thể đi kinh hành.
Cũng giống như hoàng hậu mang thai một bậc chuyển luân vương phải chánh niệm trong mọi oai nghi, tư thế thì hành giả cũng cần chánh niệm trong mọi sinh hoạt, đi đứng, nằm ngồi, lúc nào cũng phải tập trung trên Nimitta.
Làm sao có thể định tâm trên Nimitta lúc đi kinh hành? Đầu tiên đứng lại phía cuối của đường đi kinh hành và định tâm trên hơi thở. Khi Nimitta xuất hiện và ổn định thì hành giả chỉ chú tâm vào Nimitta. Khi mức độ định đã đủ mạnh và sâu, hành giả đi thật chậm rãi với mắt mở hé một chút, và chỉ định tâm vào Nimitta mà thôi. Đây là cách vừa đi vừa định tâm trên Nimitta. Cũng làm như vậy, mắt nhắm hờ khi cần nói chuyện với người khác.
Để có thể định tâm trên quang tướng trong mọi oai nghi là phải thực hành với một năng lực. Hành giả cần có năng lực thế này. Cho nên hãy nỗ lực tu tập và quý vị có thể thành công. Nếu thực hành miên mật, chẳng bao lâu tâm hành giả sẽ chìm vào Nimitta và trở nên an trú trong Nimitta - đây chính là An chỉ định của tầng Thiền.
Mặc dầu lúc đầu tầng Thiền không giữ được lâu, nhưng hành giả không được nản chí và đầu hàng. Phải nỗ lực làm đi làm lại. Nếu nỗ lực tu tập với tỉnh thức, chánh niệm mạnh mẽ, chắc chắn quý vị sẽ thành công để giữ Nimitta trong một thời gian dài. Sau đó họ có thể an trú trong Nimitta một thời gian rất dài.
Trích từ Pháp thoại của thày Dhammapala
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét