Tại cuộc giao ban báo chí vào cuối tháng 6-2013, cơ quan quản lý báo chí đã lưu ý nhắc nhở một số tờ báo chạy theo đề tài mê tín, dị đoan, giật gân, câu khách… Tình trạng thông tin đậm đặc, thái quá, cổ vũ một cách vô lối cho xu hướng thần thánh hóa, ly kỳ hóa... có thể coi là một hiện tượng mê tín dị đoan công khai trên mặt báo, thực sự đã trở thành một trong những cách làm báo “ra tiền” hiện nay. Thật đáng buồn.
Tràn lan mặt báo
Ngay tại trang chủ của báo điện tử Kiến Thức, cập nhật lúc 06 giờ ngày 29-6-2013, đập vào mắt người xem là bài Tái sinh có thành thần đồng, ngoại cảm? Ngay cách đặt tít, dấu chấm hỏi cũng gây ra sự tò mò, chú ý, chưa nói tới nội dung bài viết. Những bài viết dạng này, không khó tìm trên mặt báo phát hành mỗi ngày, đơn giản vì chúng luôn có công chúng riêng.
Điểm qua những trang báo, không khó để nhận thấy những bài viết về mê tín dị đoan đang lan tràn, đó là dấu hiệu đáng cảnh báo cho thực trạng báo chí ngày nay.
Loạt bài Thánh vật ở sông Tô lịch được đăng tải trên Bảo Vệ Pháp Luật năm 2007 đã trở thành hiện tượng khiến bạn đọc tò mò, hiếu kì và tất nhiên, thông tin này góp phần làm cho số lượng báo được bán ra đáng kể. Đánh vào tâm lý của số đông, bài báo đưa tin về những câu chuyện li kỳ, bi thương của những người trực tiếp tham gia thi công cũng như người thân xung quanh sự kiện này. Những câu chuyện được đưa tới 4-5 kỳ báo với các tít giật gân, thậm chí để tăng thêm sức thuyết phục, bài báo còn ghi rất rõ họ tên, địa chỉ của người “bị nạn” khiến người đọc không khỏi tò mò, xôn xao trong một thời gian dài. Và kết quả là ngày 09.05.2007 Chánh Thanh tra Bộ VH-TT&DL đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động văn hóa thể thao đối với tổng biên tập Báo Bảo Vệ Pháp Luật, với số tiền phạt là 20 triệu đồng về vụ đăng bài Thánh vật sông Tô Lịch. Theo quyết định, tổng biên tập Báo Bảo vệ Pháp luật đã có hành vi vi phạm: thông tin sai sự thật gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống xã hội, không nộp lưu chiểu sản phẩm thông tin báo chí. Đây là một hồi chuông cảnh tỉnh đối với các nhà báo trong vấn đề lựa chọn và đưa tin tức, tránh những thông tin sai lệch gây hoang mang dư luận.
Bên cạnh đó, những bài viết về hồn ma, lễ gọi hồn hay cắt tiền duyên, duyên âm nhan nhản trên các mặt báo với các tít bài giật gân như: Rùng mình: lễ gọi hồn thiếu nữ nhập quan vụ nổ mìn sau đám cưới; Hồn ma báo oán ở trường bắn tử tù; Sốc với cô đồng chuyên chửi tục khi gọi hồn... Các bài báo xoáy sâu vào những câu chuyện nửa thực nửa hư về thế giới của hồn, ma với những thầy gọi hồn, những cô đồng đã thu hút được sự hiếu kì của không ít bạn đọc. Đó cũng là chiêu câu khách, gây ấn tượng của báo chí, đặc biệt là những trang báo mạng.
Không chỉ viết về thế giới của hồn, ma, báo chí còn khai thác cả những hiện tượng tự nhiên mang tính chất kì bí như: chuyện hòn đá lạ ở đền Hùng, chuyện đám mây hình rồng nhân lễ kỷ niệm ngàn năm Thăng Long Hà Nội cho tới chuyện rắn báo oán... Những bài viết đôi khi chỉ là sự cảm tính, liên tưởng của người viết về những hiện tượng ngẫu nhiên, trùng lặp, thậm chí là sự gán ghép mang tính khiên cưỡng nhằm mục đích khơi gợi trí tò mò của độc giả. Điều đó cho thấy, tình trạng mê tín dị đoan đã trở nên khá phổ biến trên báo chí.
Không những vậy, có tờ còn kiêm luôn vai trò “cầu nối” cho độc giả của mình với “chuyên gia”, “nhà khoa học”, “nhà Kinh dịch”… khiến những thông tin khoa học thực sự với những thông tin chưa được kiểm chứng, mang nặng tính chất mê tín dị đoan đan cài vào nhau, càng thêm lẫn lộn hư thực…
Vì mục đích lợi nhuận, tin tức giật gân, mang tính chất câu khách càng được một số tờ báo, tạp chí chú trọng sử dụng như một “thuật câu view”. Ngoài các vụ lùm xùm trong giải trí, thể thao, đời tư của những người nổi tiếng, những tờ báo và tạp chí này hay đánh vào tâm lý hiếu kì bằng những bài báo mang đậm chất tâm linh và mê tín dị đoan về các sự vật, hiện tượng trong cuộc sống xã hội.
“Không được đăng, phát” vẫn cứ đăng, phát
Điều 5, chương III: Nhiệm vụ và quyền hạn của báo chí, Nghị định của Chính phủ Số 51/2002/NĐ-CP ngày 26-4-2002, quy định chi tiết thi hành Luật Báo chí, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí ghi rõ những điều không được thông tin trên báo chí: “Không được đăng, phát tin, bài truyền bá hủ tục, mê tín, dị đoan. Đối với loại thông tin về những vấn đề khoa học mới chưa được kết luận, những chuyện thần bí thì cần có chú dẫn xuất xứ tư liệu (nguồn gốc tác phẩm, nơi công bố, thời gian)”. Bên cạnh đó, Đảng và Nhà nước đã đưa ra chính sách “tự do tín ngưỡng, bài trừ mê tín dị đoan” và phổ biến sâu rộng tới các tầng lớp nhân dân trong xã hội. Báo chí, với tư cách là một kênh thông tin mang tính chất định hướng dư luận thì việc bài trừ mê tín dị đoan là nhiệm vụ phải làm.
TS. Đặng Thị Thu Hương - ĐH KHXH & NV (ĐHQG HN) tác giả bài viết về đạo đức nghề báo đăng trên trang web của Học viện Báo chí & Tuyên truyền cũng ít nhiều đề cập đến vấn đề này. Theo tác giả, “Hiện tượng thiếu trung thực, bóp méo sự thật, lèo lái thông tin theo những ý đồ xấu xuất hiện khắp nơi. Sự phát tán thông tin một cách hỗn độn và sai lệch làm cho nhiều người mất niềm tin, dẫn đến hậu quả là những thông tin tốt đẹp cũng có thể bị loại trừ, tẩy chay theo. Thông tin bịa đặt, thậm chí bịa đặt hoàn toàn, hoặc thông tin không phù hợp với thuần phong mỹ tục, văn hóa Việt Nam, thông tin thiên về bạo lực, tình dục, vụ án, đời tư nghệ sĩ, người nổi tiếng, tai tiếng, mê tín dị đoan là những vấn đề nổi cộm của đạo đức báo chí thời gian qua”.
Thiết nghĩ, trong xã hội hiện đại và phát triển như ngày nay, còn rất nhiều vấn đề mà báo chí cần quan tâm và báo chí còn “mắc nợ” chính công chúng của mình. Nhiều vấn đề nóng của thực tế đời sống chưa được khai thác, thông tin đầy đủ, đến nơi đến chốn. Nhiều tấm gương điển hình tiên tiến, những tấm lòng nhân ái chưa được phát hiện, vẫn còn âm thầm khuất lấp đâu đó trong cuộc sống, chưa trở thành những “điểm nhấn sinh động và thuyết phục” mà báo chí có thể từ đó thông tin, tuyên truyền, nhân rộng, phát huy thành những phong trào, tạo thành sức mạnh tích cực của báo chí, truyền thông...
Việc đưa những bài báo mang tính chất mê tín dị đoan đi chệch với tôn chỉ mục đích của báo, đường lối chủ trương chính sách của Đảng cho thấy đạo đức người làm báo - tác giả bài viết, người biên tập, duyệt bài, người có thẩm quyền quyết định đăng tải những bài báo đó, đang có vấn đề. Xin giấy phép ra báo, tạp chí với những tiêu chí nghiêm túc, song thực tế làm báo lại đề cao lợi nhuận, thông tin vô trách nhiệm, nhằm thoả mãn thị hiếu, sự mê tín dị đoan của một bộ phận công chúng và gây “mù” niềm tin cho họ bởi những thông tin thật giả, thực hư lẫn lộn… đã khiến những người làm báo đó, những tờ báo đó tự hạ thấp phẩm cấp của mình.
Dường như, cơ quan quản lý báo chí vẫn còn nương nhẹ với những trường hợp tái phạm? Nếu không, vì sao vẫn tồn tại những tờ báo “chuyên thông tin về mê tín dị đoan”?
Thanh Mai
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét