Trước không, sau không, khoảng giữa cũng không, cái không trùm hết, cái có chỉ là giả tướng tạm bợ. Với con mắt thường thấy giả tướng lầm cho là thật, còn cái không lại không biết gì hết. Nếu bảo cái không là thật, cái có là giả thì thiên hạ nói mình điên. Nên chỗ đó rất khó nói vậy!
Thiền viện chúng ta trong tất cả thời như sám hối, ăn cơm, tọa thiền, xả thiền đều tụng Bát-nhã. Tóm lại, chỉ có bài kinh Bát-nhã là chúng ta tụng niệm thường nhất, ngoài ra ít có bài kinh nào khác. Người ta đặt câu hỏi, tại sao ở Thiền viện ít kinh quá, chỉ có bài kinh Bát-nhã thôi, quí vị nghĩ sao? Chính chỗ đó, nếu chư Tăng không hiểu, không nắm vững thì cũng hơi ngờ về chủ trương của mình.
Trong nhà thiền thường nói: “Ai muốn vào nhà Thiền thì phải đi từ cửa không.” Cửa không là cửa vào nhà Thiền, cho nên nói tới thiền là nói tới cửa không.
Như vậy chữ “không” của nhà Thiền là không gì? Đó là “không” của Bát-nhã. Bát-nhã là cánh cửa để chúng ta đi vào nhà thiền. Nếu chúng ta không từ cánh cửa Bát-nhã mà vào thì chắc chắn không vào được. Đó là chỗ thiết yếu. Nếu người tu thiền không nắm vững, không hiểu được lý Bát-nhã thì khó tiến được tới chỗ cứu kính của người tu thiền, nhất là Thiền tông.
Tôi đã từng giảng bài kinh Bát-nhã cho Tăng Ni nghe nhiều lần. Song hôm nay nhận thấy những điểm thiết yếu trong bài kinh Bát-nhã, nên tôi tóm tắt trình bày với quí vị về yếu lý Bát-nhã để tất cả biết ứng dụng trong đời tu của mình. Lý Bát-nhã cao siêu sâu sắc như thế nào? Đó là một vấn đề chúng ta phăng lần từ từ sẽ thấy.
Hiện giờ, quí vị đang thấy cái bàn trước mắt tôi và khoảng trống bên cạnh cái bàn. Tôi xin hỏi cái bàn hiện có đây là thật, hay khoảng trống hiện có đây là thật? Người thế gian chỉ nhìn thấy cái bàn hiện có trước mắt, sờ mó được là thật. Còn hư không trống rỗng, sờ mó không được nên nói không thật. Nếu cái bàn hiện có mà ta nói cái bàn giả, hư không trống rỗng không sờ mó được ta nói thật, họ sẽ bảo mình điên. Cái không có gì hết mà nói thật, còn cái sờ sờ trước mắt, sờ mó được, sử dụng được lại nói giả là sao? Đây là những vấn đề người tu Phật phải hiểu cho tường tận, nếu không thế gian sẽ cho rằng chúng ta hoang tưởng hoặc điên. Điều này hết sức khó đối với chúng ta.
Bây giờ đặt câu hỏi lại, cái bàn này có là do duyên hợp hay tự có? Ai cũng nhận là duyên hợp. Từ duyên hợp mà thành nên thiếu duyên thì tan hoại. Như vậy đứng về mặt nhân duyên mà nói thì cái bàn có tướng, có hình dáng chúng ta thấy, sờ mó được nhưng nó có trong duyên hợp hư giả. Còn khoảng trống không do cái gì hợp? Khoảng không là trống rỗng, không có duyên hợp. Cái duyên hợp thì thành rồi hoại, sanh rồi diệt. Cái không duyên hợp thì không thành, không hoại, không sanh, không diệt. Cho nên Bát-nhã có câu: “thị chư pháp không tướng, bất sanh, bất diệt, bất cấu, bất tịnh…’’, nghĩa là tướng không của các pháp không sanh, không diệt, không nhơ, không sạch… Do không sanh, không diệt nên nó còn hoài, trước sau không bao giờ đổi thay. Còn sanh diệt là cái tạm, có rồi hoại mất.
Hồi xưa khi đọc tới câu “chư pháp không tướng”, tôi hơi ngại chữ “tướng”. Bởi vì “tánh không” thì dễ hiểu, còn nói “tướng không” thì hơi khó hiểu. Nhưng thật ra không có gì lạ. Cái bàn có tướng vì có hình thức, còn hư không không tướng nên nói là tướng không. Có là tướng thì không cũng là tướng. Cái bàn có tướng cái bàn, hư không có tướng hư không. Tướng không ấy không sanh, không diệt, không nhơ, không sạch. Tướng có thuộc về sanh diệt giả dối tạm bợ.
Nhưng ở thế gian hiện giờ, muôn người như một chỉ nhìn cái có mà bỏ cái không. Song họ đâu biết rằng tất cả cái có đều tựa trên cái không, kể cả quả địa cầu này. Có cái có nào mà không ở trong cái không đâu? Cái có là duyên hợp mà có, cho nên sanh rồi diệt liên miên. Còn cái không bao bọc tất cả đó, có sanh có diệt không? - Không. Chúng ta tu mà không rõ, không thấu triệt được lý Bát-nhã nên không hiểu gì hết. Bát-nhã là chỉ thẳng cho Thể tánh không của muôn pháp, muôn sự vật. Đã là Thể tánh thì không cái nào rời nó được.
Như cái nhà chúng ta đang ở, nó thành hình cái nhà nhờ khoảng không, nếu có cái gì trong đây thì không cất được cái nhà. Được cái nhà rồi, mà trong này bít hết thì dùng được không? Vô dụng. Thành ra từ cái không mà thành cái nhà. Cái nhà có rồi, trong cái nhà cũng phải trống không mới sử dụng được. Hình cái nhà là sắc, khoảng không trong cái nhà là không, vậy “sắc tức là không”. Từ đất trống dựng nên cái nhà nên “không tức là sắc”. Sắc không, không rời nhau. Ngoài không, không có sắc, chính trong sắc đó là không, vì có cái không trong ấy. Cho nên “sắc tức thị không, không tức thị sắc”, nói đi nói lại nghe rất khó hiểu. Chính cái khó hiểu đó nói lên lẽ thật.
Cái nhà, bao bọc xung quanh là sắc, trong ruột trống không. Khi cái nhà chưa có là khoảng đất trống, từ đất trống đó mới xây dựng được. Như vậy trước khi xây dựng nó là không, nên gọi là Tánh không. Tánh là cái sẵn. Khi xây dựng rồi, trong nhà có những khoảng trống để sử dụng, đây cũng là không. Ngay trong nhà, có các vật dụng có hình tướng và những chỗ trống không hình tướng. Rõ ràng ngay trong cái có, có cái không sẵn. Cái không đối với cái có gọi là tướng không. Tánh không, tướng không ở sẵn trong tất cả mọi sự vật.
Nói đến con người chúng ta, nếu lỗ mũi không trống thì chắc không thở được. Lỗ mũi trống rỗng mới hít thở được, lỗ tai trống mới nghe được, miệng trống mới ăn cơm được. Vậy trong con người có cái không không? Sắc tức thị không, không tức thị sắc. Cho nên không tách rời ra được. Như vậy cái không không rời cái có, cái có cũng không rời cái không. Song cái có thuộc về sanh diệt, còn cái không thì không sanh diệt. Đáng tiếc chúng ta chỉ biết cái có, bảo vệ gìn giữ nó tức là bảo vệ gìn giữ cái sanh diệt. Còn cái không không sanh diệt thì không biết gì hết. Vì vậy Phật gọi chúng sanh sống trong mê lầm.
Hỏi thân người thật hay giả thì trăm người nói thật. Có phải thật không? Nếu thật thì không chết, mà chết thì không thật. Nhưng trăm người đều nói thật. Cái giả mà ngỡ là thật, có phải mê lầm chăng? Từ cái nhà, con người, cho tới muôn vật giữa cuộc đời này, những gì có tướng đều là duyên hợp, mà duyên hợp đều hư giả. Lẽ thật là như vậy. Người thấy được như vậy là thấy bằng trí tuệ. Trí tuệ cứu kính cùng tột, không gì có thể so sánh nổi.
Con người thì ngũ uẩn đều không, sự vật tứ đại cũng không. Thế nên biết không vật nào trên thế gian có hình có tướng mà chẳng phải Tánh không. Từ cái không có sẵn dựng thành có, đó là Tánh không. Có vật nào, trong ruột nó không trống không? Như cái cây có những khoảng hở trống mới hút nước lên được, không có thì làm sao hút nước? Cái gì cũng có khoảng hở trống, nằm sẵn bên trong và bao phủ bên ngoài. Muôn sự muôn vật trước không, rồi sau hoại cũng thành không. Như vậy cái không là nguồn gốc của muôn pháp.
Dùng Trí tuệ Bát-nhã nhìn tường tận các pháp, tự tánh nó là không, duyên hợp giả có, hết duyên nó hoại trở thành không. Trước không, sau không, khoảng giữa cũng không, cái không trùm hết, cái có chỉ là giả tướng tạm bợ. Với con mắt thường thấy giả tướng lầm cho là thật, còn cái không lại không biết gì hết. Nếu bảo cái không là thật, cái có là giả thì thiên hạ nói mình điên. Nên chỗ đó rất khó nói vậy!
Nếu biết thân giả dối thì những thứ chung quanh như được mất, hơn thua, phải quấy có giá trị không? Gốc đã không thật thì mọi thứ chung quanh làm sao thật được. Vậy mà ai nói hơn một tiếng mình cãi ầm lên, mới thấy chúng ta tu trong cái mê lầm. Bởi tu trong mê lầm nên than tu khó quá, cứ gặp chướng này, chướng nọ. Do vậy Phật mới dạy “chiếu kiến ngũ uẩn giai không, độ nhất thiết khổ ách”, chỉ cần thấy thân năm uẩn này không thật thì khổ ách nào cũng qua hết. Câu nói đó là một chân lý, chúng ta tụng thì tụng mà không thấy được chân lý.
Bởi thấy thân này thật nên cái gì được mình vui, cái gì mất mình buồn, cái gì thịnh mình thích, cái gì suy mình không thích. Quả thật chúng ta đang bị quay cuồng trong cái giả dối đó. Thí dụ một thầy ở Trúc Lâm ra chợ, người ta xầm xì ông thầy xấu quá, về buồn không? Rồi cũng thầy ở đây ra chợ, người ta khen đẹp quá, về vui không? Tướng đẹp, tướng xấu là tướng hư giả, khen chê là trò chơi, không có giá trị gì hết mà chúng ta lại lệ thuộc vào nó nên khó tu. Bây giờ biết rõ lẽ thật như vậy, việc tu dễ hay khó? Nên biết việc tu hành không vững chắc gốc từ si mê mà ra. Nếu chúng ta không dẹp, không dứt bỏ được thì rất khó tu. Huynh đệ xử sự nhau gặp vui buồn gì đó, liền thối Bồ-đề tâm.
Đối với con mắt Trí tuệ Bát-nhã, tất cả mọi thứ trên thế gian đều là trò chơi, chúng không có giá trị gì. Thấy cho tột cùng thì sự sống chỉ là tạm bợ, không bảo đảm tới đâu hết, ngày nào còn mừng ngày đó. Nó giả dối như vậy mà mình không biết, cứ ngỡ nó quí, nó đẹp, nó sang trọng đủ thứ. Từ mê lầm về thân rồi mê lầm luôn tất cả những thứ chung quanh thân. Như vậy cả một cuộc đời mê lầm. Tuy hình thức xuất gia mà nội tâm không hơn gì người thế tục. Nên nhớ chúng ta đi tu là để thức tỉnh, để giác ngộ chớ không phải để mê lầm. Cho nên người xuất gia phải tỉnh, không được mê lầm như người thế tục. Đã xuất gia rồi mà vẫn tiếp tục mê lầm thì đời tu sẽ đi về đâu? Chắc là vào cửa sanh tử, mất nơi này tiếp tục chui vào nơi khác, không biết bao giờ ra khỏi dòng sanh tử?
Trí tuệ Bát-nhã là trí tuệ tột cùng thấy đúng lẽ thật, nhưng chúng ta ít khi nào nhìn đúng với Trí tuệ Bát-nhã. Nếu không có Trí tuệ Bát-nhã thì chưa bước vào được ngưỡng cửa nhà Thiền. Quí vị nhớ! Ví dụ người nói mình tu thiền, mà thấy cô gái đẹp mỉm cười với mình thì vướng mắc liền; hoặc ai sỉ nhục, mình thấy đau khổ quá liền thối tâm, đó là người chưa thông, chưa thấu suốt được Trí tuệ Bát-nhã. Cho nên chúng ta tu phải tận dụng Trí tuệ Bát-nhã cho tới cùng tột, chớ không được thấy hay nghe ở ngoài tai thôi. Phải đi sâu, phải thấu suốt được trí tuệ chân thật, vì chỉ có trí tuệ đó mới có thể đưa chúng ta tới chỗ giác ngộ viên mãn. Cho nên trong kinh Bát-nhã, Phật nói “tam thế chư Phật y Bát-nhã ba-la-mật-đa cố, đắc A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề”, nghĩa là ba đời chư Phật đều y cứ Trí tuệ Bát-nhã này mà được thành Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
Chúng ta tu nếu không sử dụng Trí tuệ Bát-nhã sẽ gặp rất nhiều thứ chướng ở trong cũng như chướng ở ngoài. Chướng ở trong là thân bệnh hoạn sanh chướng. Do thấy thân thật nên bệnh hoạn ta buồn khổ. Chướng ở ngoài là gặp nghịch cảnh hoặc ai xử sự với mình không tốt thì sanh chướng. Khi ta tu thấy tướng lạ, có người bảo đó là ma quỉ phá mình cũng chướng. Nếu tận dụng trí Bát-nhã thì thấy thân không thật, những gì có tướng đều không thật. Tất cả đã không thật thì có gì phá chúng ta được đâu. Thấy chúng chỉ cười chơi thôi, vì biết rõ nó giả dối.
Thân đau đến chết là cùng chớ có gì quan trọng, nó là không mà. Đã là không thì thêm cũng chỉ thêm một ít thời gian cho cái không đó thôi, chớ có gì quan trọng. Ngược lại, nếu thấy thân thật, vừa động tới nó là thấy quan trọng liền. Đang tu mà bị bệnh hoặc bên ngoài phá phách thì thối Bồ-đề tâm, tu không được. Nhất là những vị nỗ lực, cố gắng tu cho thành công, càng nỗ lực càng thấy chướng. Tại sao? Vì cố gắng quá sức mà theo không kịp với chí nguyện của mình, rồi ngã bệnh, sanh ra cái này cái nọ, phát hoảng lên. Đó là sai lầm. Cho nên thấy thân không thật thì tất cả đều không thật. Mọi thứ đã không thật, mình sợ là sợ cái gì? Hiểu như vậy, thấy như vậy thì việc tu không chướng, nhờ không chướng nên tu mới tới nơi tới chốn. Người thấu triệt được lý Bát-nhã thì cười hoài. Có gì đâu, mình đã là không thật, thì mọi thứ đối với mình cũng toàn không thật, đùa chơi cho vui thôi. Vì vậy đi tới đi lui cười hoài, không thèm kềm giữ gì hết.
Sở dĩ chúng ta sợ cảnh bên ngoài, âm thanh bên ngoài là vì thấy cảnh thật, âm thanh thật. Bây giờ thấy cảnh giả dối, âm thanh giả dối, qua rồi mất thì không còn chướng nữa. Việc tu không bị chướng nhờ trí tuệ vững, thấy được lẽ thật. Ngược lại, tu mà sanh đủ thứ bệnh tật, đủ thứ sợ sệt là vì còn thấy thân thật, còn đam mê. Thấy thân thật thì mọi cảnh đều thật hết. Một chùm mê kéo theo nhau, dĩ nhiên phải sanh chuyện này, chuyện nọ.
Cho nên chủ yếu là chúng ta phải tận dụng Trí tuệ Bát-nhã. Tận dụng không có nghĩa là tụng hết bài Bát-nhã, mà phải ứng dụng lý Bát-nhã vào cuộc sống, vào sự tu. Lúc nào mình cũng nhìn mọi vật chung quanh bằng Trí tuệ Bát-nhã, nhất định không có cái gì phá phách, dụ dỗ ta được. Còn nếu chúng ta dùng con mắt phàm tục, mê lầm tức nhiên việc tu gặp khó khăn. Đó là chỗ rất thiết yếu. Vì vậy người muốn vào cửa Thiền phải đi bằng Trí tuệ Bát-nhã, nhất định không nghi ngờ gì cả. Dù ai ngồi thiền có hào quang, muốn bay lên hư không cũng được, nhưng không có Trí tuệ Bát-nhã thì vẫn bị kẹt như thường. Cho nên dùng Trí tuệ Bát-nhã vào việc tu thì tất cả đều bình thường, an ổn.
Trong Bát-nhã nói năm uẩn, sáu trần cho tới Mười hai nhân duyên, Tứ đế cũng không thật. Nghe như vậy hiểu sao được? Thân này không thật là phải, còn chánh pháp của Phật cũng không thật nữa sao? Phật nói thế nghĩa là tất cả các pháp đều là phương tiện giả lập để chỉ dạy, hướng dẫn chúng ta tu tập nên cũng không thật. Như mê thì dùng từ giác để đánh thức, nếu hết mê rồi giác cũng phải bỏ đi. Tất cả vì chúng sanh mê lầm nên Phật mới dùng pháp Tứ đế, Mười hai nhân duyên, Lục độ… để giáo hóa. Nếu tất cả chúng ta không còn mê lầm thì những pháp ấy đâu cần dùng nữa. Nhiều người đọc kinh Bát-nhã ngạc nhiên, nói ngũ uẩn không thì phải, còn pháp của Phật là chân lý, tại sao cũng nói không? Phật nói thế để chúng ta biết tất cả pháp Ngài lập nên nhằm diệt trừ sự si mê của chúng sanh, tất cả đều là pháp đối đãi nên không thật. Như mê thì lấy giác đánh thức, tham thì lấy bố thí, nóng giận thì lấy từ bi… để trị. Khi bệnh lành thì pháp cũng phải bỏ, chỉ tạm dùng để đối trị thôi, chớ không có pháp thật. Thấy tột như vậy mới không chấp ngã, chấp pháp.
Đa số người tu bây giờ không chấp ngã thì chấp pháp. Pháp mình tu là số một, pháp kia là số hai, số ba. Đôi khi vì pháp tu mà mạt sát lẫn nhau. Đâu biết pháp là phương tiện để giúp chúng ta đi tới cứu kính, chớ pháp không phải để so sánh hơn thua. Chúng ta tu phải thấy tột cùng lẽ thật mới không còn chấp, không còn khổ. Có cái gì thật đâu mà khổ? Giả sử ai đó nổi giận chửi mình, ta biết rõ mình không thật thì lời chửi cũng không thật, có gì khổ? Đằng này, nếu thấy mình thật, lời chửi thật, bị người ta chửi liền xách gói đi. Đó là chướng. Chướng vì thấy mình thật, thấy lời chửi thật. Thế là mê. Tại mê nên chướng, hết mê thì hết chướng. Phật dạy “chiếu kiến ngũ uẩn giai không, độ nhất thiết khổ ách” là vậy. Qua tất cả khổ ách vì mình không còn thấy có một pháp thật. Như vậy trí tuệ là con đường đưa chúng ta tới giác ngộ. Nếu không có trí tuệ, không bao giờ được giác ngộ.
Nếu nói cái gì cũng không hết, vậy tu rồi chúng ta còn gì? Đó là một vấn đề. Trong Thiền sử ghi, ngày xưa có một cư sĩ đến hỏi Thiền sư:
- Bạch Hòa thượng, Ngài được bao nhiêu tuổi?
Thiền sư trả lời:
- Tôi bằng tuổi với hư không.
Cư sĩ hỏi:
- Hư không bao nhiêu tuổi?
Thiền sư trả lời:
- Hư không bằng tuổi với tôi.
Quí vị nghĩ sao? Hòa thượng có lẫn chưa? Ngài đã trả lời để thấy rằng hư không bất sanh bất diệt, cái gì bất sanh bất diệt thì nó là thật. Ngài thấy được Thể chân thật của mình rồi thì bất sanh bất diệt, nên nói đồng tuổi với hư không.
Để đi thẳng vào chỗ tu hành, tôi nhắc lại ngoài thân và tâm sanh diệt, chúng ta còn gì nữa không? Ngay thân này ai cũng biết là thân sanh diệt, còn tâm suy nghĩ hơn thua, phải quấy, tốt xấu là tâm sanh diệt. Hiện giờ mình đang sống với thân và tâm sanh diệt, nên hướng đi của chúng ta là con đường sanh tử liên tục. Vì tâm sanh diệt luôn luôn tạo nghiệp sanh diệt. Bây giờ muốn ra khỏi sanh tử, thì đừng chấp thân sanh diệt là quan trọng, tức thấy thân tứ đại không thật. Đừng chấp tâm sanh diệt là quan trọng, tức bốn uẩn thọ, tưởng, hành, thức không thật. Không kẹt nơi hai thứ chấp ấy, chúng ta mới qua khỏi mé sanh tử.
Như vậy ngoài thân tâm sanh diệt này, chúng ta còn cái gì nữa? Nó ở đâu, chỉ được không? Được chớ, cái thật đó ở ngay nơi sáu căn. Mắt đối cảnh liền thấy, nếu chúng ta thấy mà không khởi niệm nào, đó là cái thấy của mình. Nếu có niệm tiếp theo thì cái thấy ban đầu mất đi. Lỗ tai nghe tiếng chỉ nghe thôi, đừng khởi niệm nào tiếp theo thì cái nghe đó là thật mình. Rồi ngửi, nếm… sáu căn không thiếu vắng lúc nào hết, nhưng vừa tiếp xúc với sáu trần liền khởi động niệm thì cái thật nhảy qua mất, do đó chúng ta không sống được với cái thật.
Quí vị xét thật kỹ những giờ phút chúng ta ngồi thiền được năm mười phút không có niệm nào chen vào mà vẫn tỉnh sáng, mắt vẫn thấy, tai vẫn nghe… thì năm mười phút đó mình sống với cái gì? Cái đó sẵn rồi, khi không có niệm sanh diệt lấn át, phủ che thì cái thật ấy hiện tiền. Như vậy cái biết trong khi mình nhìn thấy sự vật mà không có niệm nào, đó là cái biết thật. Nếu có niệm dấy theo thì sanh ra phê phán xấu, đẹp… tức rơi vào sanh diệt rồi. Nên nhớ cái chân thật bị phủ lấp bởi những niệm sanh diệt. Cho nên chúng ta tu là dẹp bỏ các niệm sanh diệt phủ lấp. Ngồi thiền cứ ngồi yên tĩnh sáng suốt, vừa có niệm dấy lên liền bỏ, đó là dẹp cái phủ lấp. Khi thấy cảnh cứ thấy thôi, vừa dấy niệm liền bỏ, đó là dẹp bỏ cái phủ lấp. Dẹp hết cái phủ lấp sanh diệt, thì cái chân thật bất sanh bất diệt hiện bày.
Trong quá trình tu tập, chúng ta nên nhận ra mình có hai thứ tâm: tâm sanh diệt và tâm không sanh diệt. Tâm sanh diệt là vọng, tâm không sanh diệt là chân. Tâm là cái biết. Thấy biết là tâm chân, nghe biết là tâm chân, nhưng nếu thêm cái suy nghĩ vào thì qua tâm sanh diệt mất. Hiện giờ chúng ta đang có cái thật, nó hiện hữu mà không động, không bóng dáng, không sanh diệt. Cái không động không sanh diệt, có giống hư không chăng? Như hư không, vì hư không không tướng mạo, không sanh diệt, hư không không động nên không sanh diệt. Vì vậy không có thời gian nào để nói tới ngày cùng của hư không. Chúng ta sống được với cái chân thật thì cũng không thời gian cùng tận, cho nên nhà Phật dùng từ nhập Niết bàn. Niết-bàn là vô sanh, tức bước vào chỗ không còn sanh tử nữa, gọi là giải thoát sanh tử.
Quí vị xét cho thật kỹ sự tu của mình, từ khi bước vào cửa thì dùng trí tuệ dẹp tất cả những thứ phủ lấp cái thật của mình. Dẹp rất dễ khi biết nó là giả. Nhờ Trí tuệ Bát-nhã chúng ta biết tất cả niệm khởi hư giả không theo, mọi thứ vọng niệm dấy lên biết nó là hư giả, không quan tâm. Như ta đang ngồi thiền, chiếc đồng hồ treo trên tường bị người ta gỡ lấy, lúc đó mình ngồi yên không? Chẳng những không yên mà còn động nữa, động vì mất cái mình thích. Bây giờ biết thân còn không thật, đồng hồ đó thật sao mà sợ mất? Nắm chắc như vậy rồi, cứ sống với cái thật phút nào quí phút ấy, chớ đừng nặng hình tướng sanh diệt. Như vậy việc tu rất tốt, được kết quả đúng như sở nguyện. Nếu không thế, tu lếu lếu thì trở lại mấy trăm lần không biết! Bây giờ đa số người tu có bệnh tu gieo nhân thôi để đời sau tiếp tục, chớ không quyết liệt tu để ra khỏi sanh tử.
Chúng ta biết rõ mình có Tâm chân thật. Tâm đó là cái biết, cái biết thật không sanh không diệt của chính mình. Biết được như vậy, sống được như vậy là đồng tuổi với hư không. Đồng tuổi hư không tức là Niết-bàn, là vô sanh. Ngược lại, chúng ta sống với tâm sanh diệt, so đo phân biệt thì đồng tuổi với phàm phu. Họ chết, mình chết chớ không hơn tí nào hết. Những điều siêu thoát chúng ta không nắm vững, cứ nghĩ tu tạo duyên để có phước, có đức, đời sau tốt hơn thôi. Tu như vậy là vẫn nối tiếp mãi trong dòng luân hồi.
Chúng ta biết các vị Tổ tu không phải một đời mà nhiều đời, nhưng nhiều đời đó không do niệm đuổi theo ngũ dục, mà phần lớn các ngài trở lại vì nguyện. Như ngài A-Nan phát nguyện trong bài kệ kinh Lăng Nghiêm: “Như nhất chúng sanh vị thành Phật, chung bất ư thử thủ Nê-hoàn”, nghĩa là nếu còn một chúng sanh nào chưa thành Phật, con nguyện không vào Niết-bàn. Người thế gian trở đi, trở lại là vì nghiệp dẫn. Còn người tu làm chủ được nghiệp rồi, các ngài có trở đi trở lại là do lòng từ bi khởi nguyện lực trở lại độ chúng sanh. Hiểu như vậy chúng ta không lấy làm lạ trên con đường sanh tử. Không phải nói tu để được bằng tuổi hư không, rồi mình ở trong đó hoài, không làm lợi ích cho ai. Người tu hành nhận và sống được chỗ chân thật rồi phải phát nguyện đi vào sanh tử độ chúng sanh. Đó là tâm nguyện cao thượng của người tu. Chuyện tu hành như thế quả thật là quá ư siêu thoát.
Nhưng người tu bây giờ hơi yếu ớt, hơi trì trệ. Chúng ta phải nắm vững đường tu, phát nguyện mãnh liệt tiến tới, thì ra ngoài sanh tử không khó, vì cái không sanh tử mình đã có. Nếu quí vị chịu khó đọc hết những kinh như Pháp Hoa, Hoa Nghiêm, Niết-bàn đều nói tất cả chúng sanh có sẵn cái chân thật ấy, chỉ vì chúng ta không can đảm nhận. Chớ còn can đảm nhận thì nó đã sẵn nơi mình, không xa xôi gì hết. Vì vậy mong rằng tất cả chúng ta đừng ngờ vực. Trên đường tu phải cương quyết đi cho đến nơi đến chốn. Đời này chưa đủ đạo lực để vượt qua, thì đời sau tiếp tục đi cho tới nơi.
Chúng ta hiện nay dù không hoàn toàn thấy thân này là giả, mà biết nó vô thường, tạm bợ, tức cũng nhận được phần nào. Cảnh cũng vậy, chúng ta biết nó vô thường, tạm bợ, không phải thật. Biết được thế là chúng ta đi trên đường tối nhưng cũng có ánh sáng loe lóe của một hai con đom đóm. Đó là bước đi rất thiết yếu của người tu. Cho nên làm sao phải thấm, phải hiểu sâu lý Bát-nhã mới được, nếu không thấm, không hiểu sâu lý Bát-nhã thì khó ra khỏi sanh tử.
Trong kinh Bát-nhã nói tất cả các pháp đều hư dối không thật. Biết như vậy, thấy như vậy thì Bồ tát đi tới chỗ viên mãn, chư Phật cũng từ đó mà thành tựu đạo quả. Chúng ta đi trên con đường giác ngộ, bước đầu phải là Trí tuệ Bát-nhã. Thấy bằng Trí tuệ Bát-nhã là giác, ngược lại là mê. Từ đây về sau, lúc nào quí vị cũng thấy thân này không thật thì trí Bát-nhã thấm rồi. Còn thấy thật, thấy đẹp thấy xấu thì chưa thấm. Nếu chưa thấm thì thế trần dễ làm tâm mình ô nhiễm. Người thấm được trí Bát-nhã rồi tự mình thoát, tự mình gỡ ra không khó khăn gì hết. Thật ra trên đường tu rất khó, mà cũng rất dễ. Khó với người không có Trí tuệ Bát-nhã, nhưng dễ với người có Trí tuệ Bát-nhã. Cho nên nhiều vị tu như chơi vậy, còn nhiều vị tu rất khó khăn, khổ sở, việc này tùy chỗ sử dụng trí tuệ của từng người.
Nếu chúng ta nhìn mình, nhìn người, nhìn mọi vật đều thấy tạm bợ, hư dối, huyễn hóa thì có gì làm phiền mình không? Sống trong cuộc đời ảo mộng nên đùa với mộng chơi mà thôi, có gì quan trọng. Tôi thường hay nhắc câu chuyện của một vị Tăng thế này. Khi thầy vào Thiền đường, nói chuyện cười lớn tiếng. Ông Tri sự bực mình lên bạch với Hòa thượng:
- Bạch Hòa thượng, có ông thầy mới tới nói chuyện lớn tiếng làm ồn chúng.
Hòa thượng cho người kêu vị Tăng mới tới, hỏi:
- Nghe nói ông tới đây làm ồn chúng, có phải vậy không?
Vị Tăng đáp:
- Dạ phải.
Hòa thượng hỏi:
- Tại sao ông làm như vậy?
Vị Tăng đáp:
- Bạch Hòa thượng, đã là mộng thì con muốn mộng vui chớ không muốn mộng buồn.
Hòa thượng nghe nói cũng cười huề. Vì vậy những người thấy được lẽ thật phải cho người ta vui chứ, chẳng lẽ cứ ngó xuống quạu đeo. Chỉ những ai tu không thấy lẽ thật mới đăm đăm như quạu, nhiều khi bực bội nữa. Đã là tu, khi có việc đến với mình thì cứ dùng Trí tuệ Bát-nhã mà phán quyết, không có cái gì thật hết, mọi việc sẽ qua, không sợ nguy hiểm. Chỉ khi ta tưởng nó thật thì có sợ, có nguy hiểm. Đó là lẽ thật mà chúng ta phải ứng dụng tu tập.
Trên đường tu ứng dụng được lẽ thật rồi thì mọi việc đều thành công dễ dàng. Đừng tu mà ôm ấp mê lầm, chấp phải chấp quấy rồi buồn phiền nhau, không hay tí nào hết. Như vậy là còn sơ đẳng quá chưa phải người thật biết đạo đức. Người thật biết đạo đức là vượt qua hết những sự việc tầm thường, thân này còn mất không ra gì, huống nữa là hơn thua phải quấy. Cho nên người tu là người sáng suốt, có Trí tuệ Bát-nhã. Trên thế gian rất nhiều người thông minh, như những kỹ sư, bác học, họ gõ trong đá hoặc dưới đất liền đoán biết chỗ đó có dầu, có đồ quí, thế gian cho đó là những người thông minh tối ưu. Nhưng cái thông minh đó có bằng Trí tuệ Bát-nhã không? Chỉ là thông minh trong đối đãi sanh diệt thôi, vì họ tìm được cái hay quí trong sanh diệt, chớ không tìm được cái siêu thoát vượt ngoài sanh diệt.
Nếu thấy cả thế giới này bằng con mắt Trí tuệ Bát-nhã, không có gì thật cả thì con người có còn giành giật, đấu tranh, sát hại lẫn nhau không? Sở dĩ họ giành giật với nhau vì chỗ nghèo muốn giành chỗ giàu, cái xấu muốn cái tốt… bây giờ chúng ta biết rõ cả thế giới này là tạm bợ, hư dối, nhưng nó lại đang quay cuồng trong hư không, trong cái không bại hoại. Tất cả chúng ta tu cũng vậy, thân này là hình tướng rồi sẽ bại hoại. Tâm sanh diệt là bóng không thật sẽ bại hoại. Ở ngoài thấy sáu trần không thật, bên trong thấy ngũ uẩn không thật. Tất cả căn, trần, uẩn đều không thật hết. Thấy không thật như thế, chúng ta cũng ăn, cũng đi lại, cũng làm việc nhưng cười hay khóc? Không thật thì cười sống vui thôi, có gì đâu phải khổ phải khóc. Nếu thấy có cái thật mà mình mất thì khóc, còn thấy không thật thì có gì để khóc. Kể cả thân này khi bị bệnh, bác sĩ nói bệnh nguy hiểm không qua khỏi, ta nên cười hay nên khóc? Biết thân đã không thật thì mất nó cũng là trò chơi thôi, có gì quan trọng. Đã không quan trọng thì có gì phải khóc? Tuy sống trong Ta-bà khổ mà mình không khổ, nếu không thế chúng ta cứ tiếp tục trôi lăn trong khổ đau.
Khi ngồi thiền, những âm thanh, những tiếng động bên ngoài vọng đến, chúng ta đều biết nó không thật. Bởi không thật nên ta không bực bội, nếu không như thế âm thanh cũng làm mình bực bội, giờ ngồi thiền bị phiền não làm xao lãng việc tu. Biết nó không thật, giả dối, qua rồi mất, giữ nguyên lập trường tu của mình, thì sự tu hành sẽ tiến nhiều. Nên nhớ Trí tuệ Bát-nhã là trí tuệ thấy được lẽ thật từ con người cho tới muôn vật, tất cả đều tạm bợ hư dối, không thật. Nhớ luôn luôn như vậy. Tất cả những gì có tướng, có động đều không thật hết. Chính cái không hình tướng, không động mới là chân thật.
Như ngoài biển, cái dễ nhận nhất là sóng vỗ ầm ầm, kế đến là bọt, rồi nước lên, nước xuống. Nhưng đặt câu hỏi lại, nước biển có sóng không? Nước biển đâu có sóng. Sóng là vì duyên gió nên nổi sóng, chớ nước biển nguyên không có sóng. Nước biển có bọt không? Nước biển cũng không bọt, mà do sóng đánh dập vào nhau nên nổi thành bọt. Nước biển có lên, có xuống không? Cũng không lên không xuống, do quả địa cầu xoay nên có sự xê dịch vậy thôi. Như vậy nước biển không có tất cả những thứ mà chúng ta cho là nó có.
Cũng vậy Tâm chân thật của chúng ta không có những chuyện vui buồn, thương ghét gì hết. Tại vì chúng ta dấy tâm theo ngoại cảnh, từ đó phát sanh những vui buồn thương ghét. Nếu buông hết những niệm chạy theo ngoại cảnh thì tâm sanh diệt lần lần yên lặng. Tâm sanh diệt yên lặng thì chỗ chân thật sẽ hiện ra. Nhiều người bảo do có suy nghĩ mới biết phải, biết quấy, biết khôn, biết dại; không cho suy nghĩ lấy gì biết phải quấy, khôn dại. Chừng đó hết biết phải quấy, khôn dại rồi. Đúng vậy! Không còn phải quấy, khôn dại nhưng lại thấy tột lẽ thật. Như đức Phật khi đã vào định, tất nhiên những hơn thua phải quấy đâu còn, so đo khôn dại cũng không có, nhờ thế Ngài thấy được lẽ thật. Nên biết lẽ thật chỉ hiện khi tâm ta thanh tịnh.
Tóm lại, cửa ban đầu dùng để quán chiếu là cửa Bát-nhã. Quán chiếu cái này duyên hợp hư giả, cái kia duyên hợp hư giả, tức là còn động nhưng động trong Trí tuệ Bát-nhã. Sau khi cái động của Trí tuệ Bát-nhã qua rồi thì cái chân thật mới hiện ra. Chỗ này là chỗ ứng dụng tu chúng ta phải lưu ý, cái chân thật được sáng lên là sau khi Trí tuệ Bát-nhã quét sạch hết những bợn nhơ bên ngoài. Hiểu như vậy mới thấy rõ Bát-nhã là phương tiện đầu, tôi thường ví dụ như kiếm bén chặt hết rừng tre, nó đi đầu để phá dẹp. Cho nên nói tới Bát-nhã là nói tới quán chiếu, chớ không phải nói yên lặng. Nhờ quán chiếu chúng ta mới đi tới bước thứ hai là yên lặng, yên lặng đó là thiền. Do đó cửa Bát-nhã là cửa để đi vào nhà thiền.
Khi nào quí vị tu cảm thấy hơi buồn, hơi sợ thì phải làm sao? Phải dùng trí Bát-nhã quán chiếu, quán chiếu mình, quán chiếu người, quán chiếu cảnh không có gì thật hết thì buồn sợ tự mất, niềm vui sẽ tới với mình. Chúng ta nên nhớ sống trong trò ảo mộng không có gì quan trọng, nếu không biết thế lâu lâu chúng ta cũng cảm thấy buồn, hơi trầm trầm buồn. Cho nên sử dụng trí Bát-nhã khi mới bước vào cửa thiền, dùng Bát-nhã phá dẹp hết mọi chướng ngại trên đường tu.
Người tu không được buồn, tại sao? Bởi vì buồn thuộc về tâm bi. Tâm bi thì không có sức mạnh để vươn lên. Vì vậy tu không cho buồn, vừa có buồn liền phải quán chiếu, mượn Trí tuệ Bát-nhã phá tan buồn phiền, để hăng hái vui vẻ tu. Nhất là trong thời gian nhập thất quí vị cần phải cẩn thận hơn, đừng nuôi dưỡng cái buồn. Hiểu và ứng dụng tu đúng thì lợi lạc vô cùng. Nếu không, cứ ngồi yên kềm, kềm riết thành ra đau đầu. Tôi nói thêm cho quí vị hiểu về việc ngồi thiền. Hồi trước nghe các sư Nguyên thủy dạy ngồi thiền, hít vô bụng dưới phình, thở ra xẹp. Phình xẹp, phình xẹp… tôi thấy hơi kỳ kỳ. Nhưng sau này nghiên cứu kỹ tôi thấy được sự lợi ích của nó. Nếu ngồi thiền chỉ thở tới bụng trên thì hơi nhọc, phải thở sâu tới dưới đơn điền. Nghĩa là hít vô tận đơn điền, thở ra sạch. Thay vì nói phình xẹp thì chúng ta nói hít vô đầy, thở ra sạch, từ từ nó sẽ nhẹ dần. Bao giờ nhẹ được thì rất khỏe.
Ngồi thiền quí vị đừng thèm tính cái gì, xét cái gì, quán chiếu cái gì nhiều hết. Chỉ cần niệm dấy lên thì buông. Buông riết nó sẽ nhẹ sẽ hết, chớ đừng đè đừng kềm hoặc quán tưởng cái này cái nọ, dễ sanh bệnh lắm. Biết vọng tưởng không thật thì buông thôi, tu thảnh thơi nhẹ nhàng, đừng cố gắng quá. Cố gắng quá tưởng như hay, nhưng rốt cuộc đi tới kết quả không tốt. Sở dĩ chúng ta đau đầu vì trụ tâm trên trán, bây giờ điều hơi thở xuống tới đơn điền, rồi thở ra sạch thì không bị nóng trên đầu. Nhớ như vậy đó.
Nếu chúng ta tận dụng được Trí tuệ Bát-nhã và tận dụng đường lối tu cho rõ ràng thì sự tu sẽ thành công. Nếu không tận dụng được hai điều đó thì sự tu có thể thất bại. Thất bại thì uổng đi một đời tu của mình. Đó là lời nhắc nhở của tôi với tất cả Tăng Ni.
H.T Thích Thanh Từ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét