Thứ Ba, 21 tháng 1, 2014

Linh hồn chỉ là ảo tưởng (8)

Chúng ta nên biết: những đứa con trai hay gái do chúng ta sinh ra, chúng chỉ là con cái ta trên danh nghĩa, chúng có nghiệp riêng, nhân quả riêng của chúng, chúng ta chỉ có một đứa con duy nhất, đích thực đó là nghiệp của chúng ta, cho nên Đức Phật nói: “Chúng ta là chủ của nghiệp, sinh ra nghiệp và chúng ta cũng là đứa con thừa tự của nghiệp”.
Được thân người khó…
Một nghiệp thức muốn tái sinh trở lại làm người phải tìm cơ hội ở một đôi nam nữ nào đó (cha mẹ trong tương lai) có hoạt động giao cấu, người nữ đang trong những ngày có thể thụ thai và một điều tối quan trọng là nghiệp thức đó phải có đủ nhân duyên tương ưng với cha mẹ tương lai của mình. Cho nên ta thấy nhiều trường hợp xảy thai, bong thai, xổ thai, thai lưu, chết non… là do các nghiệp thức ấy không có đủ nhân duyên để tương ưng với cha mẹ tương lai. Do vậy, chúng phải tự đào thải, đi tìm cơ hội khác.
Ngay khi tinh trùng của người nam xâm nhập vào trứng của người nữ thì ngay lập tức nghiệp thức cũng gá vào đó mà tái sinh, lúc này thân trung ấm tan biến và sự sống mới bắt đầu hình thành ở bào thai, bản ngã cũ chấm dứt hoàn toàn, tất cả những ký ức về đời trước mất hết. Hài nhi từ nay sẽ có cha mẹ mới, hình hài mới, tên gọi mới, dòng họ mới và một số phận mới.
Khi những nghiệp thức nương tựa vào tinh cha huyết mẹ tái sinh, theo thời gian chúng phát triển theo nghiệp quả từ kiếp trước, vì vậy mà ta không thấy lạ khi có bậc cha mẹ thông minh, tài giỏi nhưng con cái đần độn, ngu dốt và ngược lại... Hay những đứa con trong cùng một gia đình, có đứa thì cao to có đứa lại thấp bé, có đứa ăn nói dịu dàng có đứa lại nóng nảy, cáu gắt… Trí tuệ cũng không giống nhau, có người có học thức, đi làm quan, nhưng có kẻ đi cày thuê vác mướn… Đều là do nhân quả thiện, ác của từng nghiệp mỗi con người trong quá khứ.
Ngoài ra, sự quan hệ giữa cha mẹ và con cái còn có bốn loại: báo ơn, báo oán, đòi nợ và trả nợ.
Trong vô lượng kiếp quá khứ nào đó, nếu con cái đã từng kết duyên với cha mẹ thì có thể đời này do nhân quả thiện ác họ sẽ gặp lại nhau. Nếu là thiện duyên thì con cái đến để báo ơn, để đền đáp lại những gì mà cha mẹ đã làm cho chúng trong tiền kiếp. Đây chính là “phụ từ, tử hiếu” (cha hiền, con hiếu thảo). Nếu là ác duyên thì chúng đến để đòi nợ hoặc báo oán, bởi vì kiếp trước các bậc cha mẹ này đã gây ra đau khổ cho chúng. Trường hợp này gọi là “oan gia nghiệp báo”. 
Đức Phật thường khuyên: “Các con hãy tự thương lấy chính bản thân mình”. Vì sao Đức Phật, ngoài khuyên chúng ta yêu thương cha mẹ, anh em, đồng loại, chúng sinh khác, Ngài còn khuyên chúng ta hãy tự thương chính bản thân mình? Chúng ta phải hiểu rằng: Ngài khuyên như vậy là khuyên chúng ta hãy thương lấy nghiệp của chúng ta. Chúng ta nên biết: những đứa con trai hay gái do chúng ta sinh ra, chúng chỉ là con cái ta trên danh nghĩa, chúng có nghiệp riêng, nhân quả riêng của chúng, chúng ta chỉ có một đứa con duy nhất, đích thực đó là nghiệp của chúng ta, cho nên Đức Phật nói: “Chúng ta là chủ của nghiệp, sinh ra nghiệp và chúng ta cũng là đứa con thừa tự của nghiệp”.
Có những người khi có chức quyền họ tham ô, tham nhũng, trộm cắp tiền bạc, tài sản của nhà nước mà phải chịu vòng lao lý, tù tội. Trong tù họ tự an ủi, biện minh: “hy sinh đời bố củng cố đời con”. Nhưng họ đâu có biết rằng: đồng tiền có mặt trái mặt phải, tuy vô tri vô giác nhưng đồng tiền cũng có nghiệp thiện, nghiệp ác. Họ làm vậy là bản thân họ phải chịu hai lần trừng phạt: một là của luật pháp thế gian, hai là sự trừng phạt của luật nhân quả. Những đứa con của họ tiêu dùng đồng tiền bất chính ấy vô tình cũng phải chịu tội tòng đảng trộm cắp và cũng phải trả giá theo luật nhân quả. Với suy nghĩ vô minh như trên, họ đã tự hại chính nghiệp thức tái sinh trong tương lai của họ, trong hiện tại họ tự làm khổ mình, khổ người mà không hay.
Trong kinh Tăng Chi Bộ Phật dạy: “Này các Tỷ kheo, có hai loại tội. Thế nào là hai? Tội có kết quả ngay trong hiện tại và tội có kết quả trong đời sau. 
Thế nào là tội có kết quả ngay trong hiện tại? Này các Tỷ kheo, khi thấy nhà vua bắt được kẻ trộm, kẻ vô lại, liền áp dụng nhiều hình phạt sai khác. Họ bị đánh bằng roi cho đến bị chặt đầu. Thấy vậy, người ấy liền suy nghĩ: Do làm ác nghiệp nên mới bị các hình phạt như vậy. 
Nghĩ vậy, người ấy sợ hãi tội lỗi trong hiện tại. 
Và này các Tỷ kheo, thế nào là tội có kết quả trong đời sau? Ở đây, có người suy xét như sau: Quả báo dị thục (quả báo của cái nhân thiện hay ác đã tạo ra từ đời trước) của thân, khẩu, ý ác, sau khi thân hoại mạng chung phải sanh vào cõi dữ, ác thú, địa ngục. Nghĩ vậy, người ấy sợ hãi tội lỗi trong đời sau. 
Do vậy, này các Tỷ kheo, cần phải học tập như sau: Chúng ta phải sợ hãi đối với tội có kết quả hiện tại và trong đời sau. Chúng ta phải thấy rõ sự nguy hiểm và tránh xa các tội”. 
Với nhà Phật, không có quan niệm người này phải có trách nhiệm nối dõi cho người kia (con cháu nối dõi tông đường). Ai cũng có nghiệp riêng, nhân quả riêng, con cái nương tựa cha mẹ mà ra đời cũng như cha mẹ nương tựa ông bà, ông bà nương tựa cụ kỵ… Cứ vậy, chúng ta đồng lần nương tựa nhau mà tái sinh trong vòng luân hồi sinh tử. Trong vô lượng kiếp, ta có vô lượng cha mẹ, ta có vô lượng vợ chồng, ta có vô lượng con cái… Kiếp này ta là con của nhà này, mang họ này, kiếp sau ta là con nhà khác, mang họ khác, kiếp này ta là nam, kiếp sau ta là nữ, kiếp này ta giàu có, kiếp sau ta nghèo khổ… Tùy theo nhân quả thiện ác, con người cứ vậy mà trôi lăn trong lục đạo.
Vào ngày Vu Lan báo hiếu (15-7 ÂL) của đạo Phật, ngoài hồi hướng công đức cho cha mẹ đời này, chúng ta còn phải hồi hướng công đức cho vô lượng cha mẹ trong vô lượng kiếp về trước đã cho ta nương nhờ thân xác để tái sinh, thế mới là tròn quả vị.
Đức Phật dạy: “Được thân người khó, khó như con rùa mù nổi trên mặt đại dương, cả ngàn năm may ra mới vớ được một bọng cây”. 
Đức Phật dạy “khó” là vì cơ may tái sanh làm người rất hiếm hoi như con rùa mù đi tìm bọng cây trên mặt đại dương bao la hay ít ỏi như sừng bò vậy và chúng ta nên hiểu “khó được” là nói tới tấm thân trong kiếp kế tiếp, chứ không phải cái thân xác hiện tại, vì hiện tại chúng ta đã và đang được rồi, nhưng mai rày thân hoại mạng chung, chúng ta có được tái sanh trở lại nữa không mới là vấn đề đáng suy nghĩ. Lại nữa, được thân người phải đầy đủ giới đức làm người, biết tàm quý, chứ nếu không trau dồi giới đức, không liêm, không sỉ thì chúng ta đang sống mà chẳng khác chi cái xác chết di động!
Cũng chỉ có ở cõi người chúng ta mới có đủ cả thân xác lẫn trí tuệ để thiền định và thiền quán phá vỡ vô minh và ái dục hòng liễu thoát khỏi vòng luân hồi sinh tử. Cho nên, mỗi chúng ta hãy nắm bắt lấy cơ hội hiếm hoi này, kẻo uổng phí.
Nguyễn Minh Sơn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét