Thứ Ba, 21 tháng 1, 2014

Linh hồn chỉ là ảo tưởng (9)

Đức Phật nói: “Ta không thể ban phúc hay giáng họa cho ai”, cho nên mỗi cá nhân phải tự chịu trách nhiệm về mọi hành vi tạo tác từ thân, khẩu, ý của mình, ta không thể trông đợi hay trốn lánh, chúng ta phải tự bước đi bằng đôi chân của mình, đừng nhờ cậy vào Phật, thánh, thần…
Những khác biệt giữa chúng sinh cõi thiên và thân trung ấm
Qua tìm hiểu trong sách báo, bài viết của phương Tây lẫn phương Đông, tác giả thấy những khác biệt giữa cảnh giới của chúng sinh cõi thiên và nơi mà những thân trung ấm bám víu như sau:
a) Cõi thiên:
-Cảnh giới thanh nhẹ, là một trường ánh sáng chói lòa, rực rỡ.
-Nơi chứa đựng kho tàng kiến thức rộng lớn (so với họ, kiến thức của loài người chỉ như một hạt cát trong sa mạc).
-Chúng sinh cõi thiên di chuyển rất nhanh bằng ý niệm, không bị hạn chế bởi không gian và thời gian.
-Sống bằng sở đắc, tự do tự tại không bám víu ngoại cảnh.
-Không có nhu cầu ăn, uống, y phục…
-Giao tiếp với nhau bằng tần số rung động mà không dùng lời nói.
-Do sức mạnh tư tưởng của chúng sinh cõi thiên nên cảnh vật hiện hữu luôn thay đổi.
-Họ luôn học hỏi trau dồi tri thức, kinh nghiệm để chuẩn bị cho tái sinh trở lại làm người. 
………………….
b) Nơi thân trung ấm bám víu:
-Cảnh giới mờ ảo không rõ sáng tối, thấp, nặng nề, uế chược (chúng ta thường nghe nói mời hay gọi vong “lên” chứ không phải “xuống” là vì vậy).
-Không chứa đựng tri thức, kiến thức…
-Họ di chuyển dật dờ, bám theo ngọn cỏ, lối gió, mé nước… 
-Tuy không có thân xác vật lý nhưng vẫn khao khát được ăn uống, y phục, nhà cửa, xe cộ, dâm dục… thông qua sự hưởng thụ khoái cảm bằng tưởng tượng.
-Giao tiếp với nhau bằng tưởng tri.
-Thích quần tụ với nhau giữa những người thân thích hay nhóm người (cộng nghiệp).
-Không có điều kiện học hỏi để trau dồi kiến thức, tri thức.
…………
Thân trung ấm chỉ là giai đoạn đợi nghiệp thức dẫn đi đầu thai vào lục đạo, chứ không phải là linh hồn chờ cơ hội đi tái sinh, người chết mang thân trung ấm càng chần chừ, bám víu chừng nào càng thiệt thòi cho tiến trình tái sinh trở lại làm người chừng ấy. Biết vậy, ngay khi còn sống, chúng ta cũng nên chẩn bị tâm lý thật kỹ lưỡng, để chọn lựa cho mình một con đường tốt nhất có thể.
Phần kết
Qua những phân tích trên, chúng ta nhận thấy rằng không hề có linh hồn bất tử và cảnh giới cho linh hồn bất tử. Chỉ vì đề cao ái ngã (yêu bản thân mình) và tham đắm trong danh vọng địa vị, trong tiền bạc vật chất, trong sắc đẹp dâm dục, tham lam trong ăn uống, ngủ nghỉ… nên chúng ta nhận lầm ba đặc tánh, thân ngũ uẩn hay ý thức là linh hồn, từ đó tưởng tri ra có một cảnh giới cho linh hồn tồn tại, hòng níu giữ những dục lạc vô thường, tạm bợ của thế gian.
Nếu chúng ta luyến ái gia đình, vợ con, cháu chắt… tưởng tượng ra sự nối dõi những hư danh mơ hồ phi thực tế mà cố bám víu vào thân trung ấm, rồi coi đó là linh hồn thường hằng bất biến, thì rất thiệt thòi cho chúng ta trên con đường tái sinh trở lại làm người và con đường thăng tiến về tâm linh trong tương lai.
Trong lục đạo thì cõi người là chủ đạo, vì chỉ ở cõi người, chúng sinh vừa có thể gieo các nhân thiện hay nhân ác, từ đó thọ lãnh quả báo vui sướng hay đau khổ, cõi người còn có trí tuệ để phân biệt được thiện hay ác. Còn ở các cõi khác như thiên hay thần, chúng sinh ở 2 cõi này chỉ có một chiều hướng là thụ hưởng những phúc báo. Ở 3 cõi còn lại: súc sinh, ngạ quỷ, địa ngục thì chúng sinh một chiều chịu quả báo đau khổ, nên rất khó để có năng lực phân biệt được đâu là thiện, đâu là ác! 
Những chúng sinh trong lục đạo: cõi thiên, cõi thần (Atula), súc sinh, ngạ quỷ hay địa ngục, họ cũng đang song hành bên ta, nhưng cũng như ta họ có con đường riêng của họ, ta không can thiệp được vào thế giới của họ và ngược lại, họ cũng không thể can thiệp vào thế giới của chúng ta đang sống, ta có sinh có diệt, họ cũng có sinh có diệt, cho nên chúng ta chớ ảo tưởng mà cầu xin ở họ điều gì.
Đức Phật nói: “Ta không thể ban phúc hay giáng họa cho ai”, cho nên mỗi cá nhân phải tự chịu trách nhiệm về mọi hành vi tạo tác từ thân, khẩu, ý của mình, ta không thể trông đợi hay trốn lánh, chúng ta phải tự bước đi bằng đôi chân của mình, đừng nhờ cậy vào Phật, thánh, thần… Luật nhân quả rất công bằng, nếu ta có những ý nghĩ, lời nói, việc làm thiện của thân, khẩu, ý thì chúng ta nhận quả báo thiện với cuộc sống sướng vui, còn bằng ngược lại, chúng ta phải lãnh nhận hậu quả đau khổ khôn lường ngay trong hiện tại và trong cả tương lai.
Trong kinh Pháp Cú Phật dạy:
“Không trên trời, dưới biển
Không lánh vào động núi
Không chỗ nào trên đời
Trốn được quả ác nghiệp”.
Nguyễn Minh Sơn

2 nhận xét:

  1. Chân lý là lẽ sống cho nên khi thấy tranh biện không đi đến chân lý thì im lặng vì không có ngã thì làm gì có ngã sở...

    Trả lờiXóa
  2. Chân lý là lẽ sống cho nên khi thấy tranh biện không đi đến chân lý thì im lặng vì không có ngã thì làm gì có ngã sở...

    Trả lờiXóa