Thứ Hai, 12 tháng 3, 2012

Chọi gà (phần 1)

Bố Đại (Hotei) với cặp gà chọi - tranh của họa sĩ Nhật Bản
Bài “Chọi gà” dưới đây được trích từ cuốn "Thú vui tao nhã" thuộc bộ "Nếp cũ" của nhà văn, nhà nghiên cứu Toan Ánh, tên thật là Nguyễn Văn Toán (1916-2009). Ông sinh tại Thị Cầu, Bắc Ninh, một vùng quan họ nổi tiếng với những lễ hội, đình đám. Từng làm giảng viên ở Viện Đại học Vạn Hạnh và Viện Đại học Huế (phân khoa Nhân văn) trước năm 1975, ông dành phần lớn thời gian để ghi nhận, khám phá những phong tục tập quán, lề thói dân gian, lễ hội đình đám, tín ngưỡng, địa dư chí, ca dao của nhiều vùng miền trên đất nước. (ảnh không liên quan đến bài viết)

Chọi gà
Người Việt Nam chơi chim, nuôi những con họa mi để chúng chọi nhau, và tiền nhân chúng ta đã tìm thấy cái thú trong những cuộc chiến giữa đôi chim hăng hái. Đây chẳng qua cũng là cách nuôi dưỡng tinh thần bất khuất tự cường của con người Việt Nam, sống trên một dải đất luôn luôn bị ngoại xâm đe dọa, sau khi đã trải hàng nghìn năm chịu sự đô hộ của phương Bắc. Gây tinh thần chiến đấu của con chim là tự nung nấu trong lòng mình một ý chí kiên quyết, một sự hăng hái bền bỉ để phòng gặp trường hợp phải đối phó với kẻ thù của đất nước, của dân tộc. Qua những cuộc chọi chim, chúng ta phải thấy chiến đấu tính của người xưa trong thú chơi này, cũng như qua hàng trăm hàng nghìn cổ tục khác xuất hiện tại các hội hè đình đám vùng quê mỗi khi xuân tới.
Nuôi chim chọi nhau, các cụ ta còn nuôi gà chọi và đã truyền cho chúng ta ngày nay cái thú chọi gà, mà tác dụng đối với người xưa cũng tương tự như thú chọi chim. Những cuộc chọi gà trước hết cũng chỉ là cuộc giải trí nhưng mang rất nhiều ý nghĩa. Con gà trống được dân ta coi trọng và qua đó, người xưa đã thấy sự tượng trưng cho năm đức tính đáng quý:
● Văn: qua vẻ đường hoàng của con gà với chiếc mào gà nghiêm chỉnh.
● Vũ: qua dáng điệu bất khuất của con gà với chiếc cựa gà bén nhọn.

● Dũng: qua sự hăng hái không sợ kẻ thù của con gà mỗi khi bị khiêu khích.
● Nhân: qua sự biết thương đồng loại của con gà, mỗi khi có ăn đều biết gọi nhau.
● Tín: qua tiếng gáy canh rất đúng mực của con gà.
Nuôi gà chọi, người xưa vun trồng thêm năm đức tính và tự rèn luyện cho mình luôn giữ vững một khí thế qua mọi hoàn cảnh, gặp lúc tiến được thì xông xáo như con gà nghênh địch thủ, gặp lúc cần nhẫn nại thì nhịn nhục để nung nấu thêm chí khí.

"Nhịp hải hà" - người đẹp Trung Quốc Gan Lulu

Sơ lược lịch sử chọi gà
Nói về chọi gà, chúng ta thử tìm hiểu sơ qua về nguồn gốc thú chơi, có người cho là tàn nhẫn vì sự bình thản của mọi người khi ngắm hai con gà đá mổ nhau đến thân hình xơ xác, đôi khi lại reo mừng vì những đòn hay của một trong hai đối thủ, nhưng trái lại, có người cho đây là một thú giải trí đầy tinh thần thượng võ và anh hùng.
Tìm hiểu về nguồn gốc của thú chơi, đọc sách Thông thiên hiếu của Trung Hoa, ta thấy ghi lại:
- Dưới đời vua Đường Minh Hoàng, một vị vua hiếu sắc, có vị quân sư là La Công Viễn, một hôm nhận thấy mặt rồng ủ rũ, liền ra lệnh cho bách quan nuôi gà và mùa xuân năm sau mang vào hoàng thành cho chúng chọi nhau để nhà vua giải muộn.

Sự tích của tục chọi gà bắt đầu chỉ là sự giải muộn của một quân vương, sự giải muộn này đã gây tốn kém cho bách quan và dân chúng nhưng những con người lãnh đạo quốc gia ngu muội có bao giờ nghĩ đến dân, họ chỉ nghĩ đến thú vui của họ! Có kẻ đi câu đã gây xáo trộn cho hàng khu vực, nhưng họ cứ đi câu!
Nước ta trước đây, về triều vua Gia Long có tả quân Lê Văn Duyệt cũng thích chọi gà, nhưng cái thích của vị tướng quân này, chính là cái thích của những người nung nấu chí khí. Tả quân rất sành chọi gà, lựa gà rất ít người sánh kịp. Hiện nay còn di tích một sân gà trên đỉnh núi Cậu, nằm gần núi Tượng trong dãy núi Thất Sơn, Tịnh Biên tỉnh Châu Đốc.
Những người chơi gà rất chăm chú với gà và họ đã ví gà qua năm đức tính tượng trưng với một quan văn mang võ tướng như Bao Công đời Tống! (Đời Tống có Địch Thanh quan võ tướng văn, và Bao Công quan văn tướng võ).
Mùa chọi gà
Thực ra chọi gà cũng như chọi chim họa mi, đâu có mùa nào, cứ có một cặp gà đôi bên chủ nhân đồng thuận cho chúng chọi nhau là có cuộc chọi gà. Ở đây có khi chỉ là một cuộc mua vui, hai chủ gà cho gà chọi nhau để đọ hơn kém, nhưng cũng có khi là một cuộc chọi gà sinh tử, mỗi chủ gà lại có một số người tin theo gà mình, bỏ tiền ra đánh cá đấu với gà của đối phương, cuộc chọi gà trong trường hợp này đã mất hết ý nghĩa của người xưa để lại và đã biến thành một cuộc đổ bác trắng trợn. Dù gà chọi nhau trong một cuộc mua vui, hay đây là một cuộc đánh cá thì lúc chọi gà cũng rất nhiều người dự cuộc để chứng kiến những cái hay cái dở của đôi gà.

Ngoài những cuộc chọi gà tổ chức tùy hứng như vậy, ngoài Bắc hàng năm có mùa chọi gà, chính là lúc dân làng tại các vùng quê mở hội vui xuân. Mùa hội hè đình đám cũng là mùa chọi gà. Tại các hội xuân, ngoài các trò bách hí khác, nhiều làng có treo giải chọi gà. Các tay chơi gà, nhân những hội xuân này, thường mang gà tới chọi, giải thưởng tuy chẳng bao nhiêu, có khi không đáng công săn sóc con gà, nhưng gà được giải đã làm đẹp mày đẹp mặt chủ nhân, và nhờ những giải thưởng hội xuân này, nhiều lò gà đã nổi danh một thời.

Thường thường, chọi gà tại các hội xuân có ba giải, mỗi giải được thưởng một món tiền, trà cau và có khi dân làng đốt mừng thêm bánh pháo.
Những chủ nhân những con gà hay, tùy sức gà của mình, sẽ giữ những giải nhất, nhì hoặc ba. Có những chủ nhân mang gà tới hội, thấy giải có người khác đã giữ rồi, không cho gà mình đá phá giải, lại vác gà về để dành đến một ngày hội khác vào những buổi sau. Họ có lý do riêng hoặc họ muốn để những con gà sắc nước chọi trước, hoặc vì gà của họ kỵ một vài ngón đòn riêng của con gà giữ giải.
Trong ba tháng xuân, làng làng mở hội, sang tháng tư tháng năm, còn lác đác một đôi nơi kéo hội trễ tràng, các chủ gà cũng theo những ngày hội làng mang gà đi chọi hoặc đi dự cuộc đấu của những đôi gà khác.
Chọi gà là một cái thú, xem chọi gà càng thấy thú và cái thú này tăng thêm gấp bội với hoàn cảnh ấm áp của các buổi hội xuân.

"Bữa cơm vụ mùa" -tranh của họa sĩ Nguyễn Phan Chánh

Lựa gà
Không phải con gà nào cũng chọi nhau được. Trước hết, gà chọi là một loại gà nuôi để chọi, và trong loại gà chọi này, người chơi cũng phải dày công phu kén chọn mới gặp được gà hay, có nuôi gà hay mới bõ công săn sóc, và phải là gà hay mới hy vọng thắng những cuộc chọi nhau và chủ nhân mới mong đoạt giải trong những ngày hội và hoặc ăn cá trong những cuộc chọi gà đổ bác.

Thường những con gà dị tướng là những con gà hay, và dị tướng của mỗi con gà chỉ cặp mắt những tay sành chơi gà mới nhận thấy. Có những con gà được nhận là Linh kê hoặc Thần kê, vì tướng rất lạ lùng và với tướng lạ này đấu trăm trận nó thắng cả trăm, cho đến lúc về già cái khí thế oai hùng của nó cũng không mất:
“…Lão tướng ngày tàn nhớ kiếm cung
Năm qua hồ nhớ lệ anh hùng…”
thơ J.Leiba
Những con lão thần kê vẫn không mất vẻ uy nghi của thời niên thiếu, là lúc chúng về già, người ta dùng chúng để gây giống tạo nên những thần kê con, linh kê cháu!

Dưới đây là những loại tướng gà đã được những tay chơi phân lực, căn cứ theo đó để chọn gà hay loại bỏ gà dở.
1. Gà tử mị: Gà này có hai loại.
- Loại thứ nhất lúc ngủ nằm ngay đầu, sải cánh, xuôi giò.
- Loại thứ hai lúc ngủ đôi giò móc lên cây, như dơi, đầu thõng xuống, đôi cánh buôi xuôi.
2. Gà phụng: Loại gà này đuôi như đuôi chim phụng, dân chơi gọi là phụng vĩ.
3. Gà lân: Tướng gà như con lân, đi đứng đường hoàng với một vẻ ngạo nghễ.
4. Gà quy: Hình giống như con rùa. Những con gà này, nếu chúng nằm giấu chân đi, co đầu lại, thụt đuôi vào, ta trông thân chúng đúng là thân con rùa, chỉ khác có phủ thêm lượt lông vũ.
5. Gà võ hầu: Giống như con khỉ, khi chọi nhau, lông nó dấn lên như con nhồng.
6. Gà mắt ếch, gà mắt mèo: Loại gà này mắt rất tinh, tránh đòn rất tài và trả đòn rất trúng.
7. Gà độc nhãn, gà độc dao: Đâu là những con gà lúc mới sinh ra có một mắt, một cựa. Những con gà này thật là hung ác, dữ tợn, không bao giờ nao núng trước địch thủ, đã chọi nhau thì đến chết cũng không chạy.
8. Gà có mào đóng chót vót trông như ổ gò mối.
9. Gà có mào trơn như đầu lươn.
10. Gà có mào hình cuốn lại, chót mào như ẩn giấu trong mào.
11. Gà có bộ lông thép: Lông thép thường thấy ở đuôi hay ở dưới cổ, cuốn tròn như vảy ốc, lúc kéo thì thẳng ra.
12. Gà có lông như lông nhím.
13. Gà có lông giống như đuôi công, khách chơi mệnh danh là lông công.
14. Gà lông trĩ: Loại lông này mọc ở cổ hay ở sau đuôi, khi tẽ ra thành hai chiếc lông.
15. Gà có xoáy trên đầu.
16. Gà có lỗ trên đầu.
17. Gà trên đầu có vằn ngang mào.
18. Gà sấu, danh từ chỉ loại gà lúc sanh ra không có lưỡi.
19. Gà mỏ cuốn: Gà này lúc ngậm mỏ lại để lộ ra lỗ trống theo hai bên.

20. Gà dưới cổ có vảy: Đây là một loại gà rất hiếm và cũng là một loại gà rất anh hùng.

21. Gà trên lưng có lỗ vuông.

22. Gà sinh đôi: Loại gà này chỉ có chủ nó mới biết.

23. Gà tam nhĩ: Những con gà này có ba lỗ tai. Ở bên trái hoặc bên phải, ngoài lỗ tai thường, còn có một lỗ tai nhỏ, lỗ tai này thường bị lông phủ kín, người lựa gà phải để ý vạch lông ra mới thấy.
24. Gà gáy liên tiếp ba tiếng.
25. Gà bịp: Gà này giống bìm bịp, ban đêm kêu cộc cộc như bìm bịp kêu trong bụi rậm.
26. Gà dị động: Đây là những con gà có những cử động đặc biệt khác thường. Các tay sành chơi gà, xếp loại gà dị động thành ba hạng sau đây:
a. Thứ nhất là chấm cát quăng ra, nghĩa là mỗi bước đi của gà đều chúm cả tám ngón chân xuống đất rồi mới bước.
b. Thứ nhì vịt lội, nghĩa là con gà đi thì con gà xòe cả tám ngón chân buông ra sau rồi mới bước, giống như loài vịt khi lội.
c. Thứ ba là né lồng. Gà này khi bị nhốt vào lồng, nó chạy rong theo vách lồng.
Những con gà chọi có một trong ba lối dị động trên đều là những con gà hay, lúc chọi gan lỳ và lúc mổ, đá thì chắc nịch.
27. Gà có bộ vẩy dị hình: Gà có nhiều loại vẩy, mỗi loại vẩy một khác nhau, chúng tôi xin trình bày sau.
Trên đây là 27 loại gà thường được những tay sành chơi gà kén chọn. Thấy một con gà, một tay chơi chú ý ngay, con gà có dị tướng không, dáng đi tiếng gáy của nó ra sao? Kén được một con gà chọi hay giữa một đàn gà, chẳng khác nào tìm được một vị tướng giỏi giữa ba quân. Nhiều con gà đối với những con mắt bình thường chỉ là những con gà bỏ đi, nhưng đến tay người sành đá gà đây lại là một con gà có quý tướng. Có nhiều con gà lúc nhỏ rất nhát tưởng chừng như không bao giờ chọi nhau được, vậy mà lúc lớn lên lại chính là một con gà hay, chọi nhau gan lì, địch thủ nào cũng không sợ. Có những con gà lúc thường trông rất hiền lành, khi bị khiêu khích lại là con gà dữ tợn nhất, lúc chọi nhau đâm bổ vào kẻ địch, lông dấn lên, vừa muốn thắng địch bằng điệu bộ, vừa muốn thắng địch bằng những đòn chí tử.
Lựa chọn, kén được một con gà mới là giai đoạn đầu của người nuôi gà, rồi đây còn phải vỗ về, chăm sóc và luyện dần cho con gà trở nên một con kê tướng.


"Ánh trăng" - Hot girl Nhật Bản
Màu sắc lông gà
Bề ngoài ảnh hưởng rất nhiều tới bên trong. Đối với con người cũng vậy. Ta thường nói khôn ngoan hiện ra nét mặt và ca dao cũng có câu:
"Trông mặt mà bắt hình dong,
Con lợn có béo thì lòng mới ngon".
Người chơi gà, khi kén chọn gà nòi, trước hết nhắm ở bề ngoài, nghĩa là ở mão gà, nhất là ở màu sắc lông gà. Theo họ, sắc lông gà cũng có nhiều ảnh hưởng đến sự bền bỉ, đến những đức tính gan lì và khôn ngoan trong lúc chiến đấu của con gà. Năm màu lông thường được lựa chọn là các màu: Nhạn, Xám, Điều, Ô và Nghệ. Năm màu này theo người xưa thuận với ngũ hành: kim, mộc, thủy, hỏa, thổ theo thứ tự:
Nhạn thuộc kim
Xám thuộc mộc
Điều thuộc hỏa
Ô thuộc thủy
Nghệ thuộc thổ
Những người chơi gà cần phải hiểu ngũ hành của năm sắc gà để biết sự xung khắc theo nguyên tắc dịch lý:
Kim khắc mộc
Mộc khắc thổ
Thổ khắc thủy
Thủy khắc hỏa
Hỏa khắc kim
Và:
Kim sinh thủy
Thủy sinh mộc
Mộc sinh hỏa
Hỏa sinh thổ
Thổ sinh kim
Theo nguyên tắc dịch lý trên, những mã gà khắc nhau theo màu lông:
Gà nhạn khắc với gà xám
Gà xám khắc với gà nghệ
Gà nghệ khắc với gà ô
Gà ô khắc với gà điều
Gà điều khắc với gà nhạn
Trong những cuộc đá gà, người xưa thường tìm cách tránh những con gà mã khắc với mã gà mình, vì chấp nhận một cuộc đấu như vậy, vì sự xung khắc, con gà bị khắc có thể bị bại.
Những con gà có những màu sắc thuộc các hành sinh nhau, người xưa dùng để lựa những cặp gà trống mái hợp nhau ghép với nhau, với lòng tin tưởng cuộc phối hợp giữa gà hợp nhau sẽ sinh những con gà hay.
Gà nhạn mạng kim hợp với gà ô mạng thủy.
Gà ô mạng thủy hợp với gà xám mạng mộc.
Gà xám mạng mộc hợp với gà điều mạng hỏa.
Gà điều mạng hỏa hợp với gà nghệ mạng thổ.
Gà nghệ mạng thổ hợp với gà nhạn mạng kim.
Tới đây tôi tưởng cũng cần nhắc thêm mỗi màu sắc gà như thế nào. Gà nhạn có bộ lông xám bạc chuyển sang trắng như lông chim nhạn. Gà xám có bộ lông màu xám toàn thân, gà nghệ có bộ lông màu vàng, nhưng không phải cứ bắt buộc vàng hẳn như màu nghệ, gà ô có bộ lông màu đen và gà điều pha trộn giữa màu nọ với màu kia, thí dụ như gà xích ô, là con gà có bộ lông vừa đen vừa đỏ, hoặc như gà bạch nhạn có bộ lông giống như lông nhạn trắng v.v… Gà mã điều có khi còn được gọi là gà xích thố.

Ngoài năm sắc lông gà ăn theo ngũ hành, giới chơi gà còn phân biệt thêm nhiều mã gà khác được mệnh danh:
Gà ó có sắc lông như con ó. 
Gà cú có sắc lông như con chim cú. 
Gà chuối có sắc lông chen lẫn đen, trắng, vàng. 
Gà hoa mơ có sắc lông lốm đốm trắng như hoa cây mơ. Sắc lông này người miền Nam gọi là Miên Bông.
Những tay chơi gà, xem tướng gà qua những dị tướng, những người xưa cũng rất chú ý đến màu sắc lông gà. Ngày nay, giới chơi gà , rất ít người lưu tâm đến điểm này, họ căn cứ nhiều nhất vào giống gà, cho rằng con cháu những con gà hay sẽ là những con gà hay, nếu trong đám con cháu gà hay, có một con thêm được dị tướng càng đắc dụng hơn.



Trong quan niệm của các dân tộc như Thái, Tày, Nùng (Việt Nam), cơm lam không chỉ là món ăn truyền thống mà còn mang một ý nghĩa tâm linh gắn với phong tục của vòng đời.
Mào gà
Mào gà tăng vẻ oai hùng cho con gà. Con gà có mào trông bệ vệ, khi nó đi trong sân gà vịt, với chiếc mào đỏ chói, với tiếng gáy ngạo nghễ, nó quả thật là vị hoàng đế trong sân gà vịt, quả là tổng thống trong đám kê áp quần cư.

Mào gà cũng có nhiều loại, mỗi loại lại nói lên đức tính của con gà. Giới chơi gà phân biệt ba loại mào chính, những con gà có những chiếc mào thuộc những loại này đều là những chiến sĩ giao đấu không biết mệt, có chết mà không có chạy! Ba loại mào chính đó được đặt tên:

Mào ổ mối: Chiếc mào đóng vọt lên như ổ mối.
Mào cuốn: Chiếc mào hình cuốn lại, chót mào như ẩn giấu trong mào.
Mào trạch: Chiếc mào trơn tuột như mào lươn.
Ngoài ba loại mào chính nói trên, giới chơi gà còn phân biệt thêm ba loại mào nữa, những con gà mang ba loại mào sau này cũng là những con gà hay:
Mào bánh lái: Chiếc mào lệch hẳn sang bên trái hoặc bên phải như bánh lái một chiếc thuyền.
Mào dâu: Chiếc mào nhìn tương tự như bông hoa dâu.
Mào trích: Chiếc mào giống như mào chim trích.
Ba loại này, tuy vậy không được giới chơi gà chuộng bằng ba loại mào trên, nhưng dù sao ba loại này cũng là những loại mào nói lên phần nào đức tính của con gà. Một con gà đã có dị tướng lại có chiếc mào bánh lái, mào dâu hoặc mào trích phải là con gà hay.
Mặt gà và mắt gà

Con gà trông uy vũ và hùng dũng, một phần lớn nhờ chiếc mào, nhưng thường nó cũng lại có một bộ mặt đặc biệt khiến nó càng có vẻ anh hùng dữ tợn hơn. Bộ mặt gà thường được kén chọn là bộ mặt võ hầu, nghĩa là trông giống như mặt khỉ. Con gà đã có bộ mặt võ hầu lại thêm đôi mắt hoặc lanh lẹ hoặc lừ lừ bao giờ cũng được ưa chuộng. Trong các cuộc chọi gà, thật chẳng khác chi trong một cuộc đấu quyền, đấu vật của con người, đối thủ cần phải tinh mắt để tránh đòn. Đôi mắt lanh lẹ và đôi mắt tinh, đôi mắt này trông giống như mắt mèo. Con mèo rình con chuột cần tinh mắt bao nhiêu để biết ngay hướng con chuột định chạy, qua những cử động rất nhỏ của nó, thì con gà có cặp mắt mèo cũng tinh như con mèo để thấy ngay ý muốn của địch thủ qua những cử động rất nhỏ của mỏ, đầu, cánh, hoặc chân của con này. Con gà mắt mèo lại còn thêm đức gan lỳ, chịu đòn nếu chẳng may gặp địch thủ lợi thế hơn mình.

Một loại mắt cũng được giới nuôi gà chọi ưa chọn là mắt ếch. Gà mắt ếch cũng tinh nhanh và cũng lỳ lợm không kém chi gà mắt mèo. Trong những trận đấu, nếu chẳng may bị trọng thương, nó nằm lỳ trong sân chọi chịu chết, không chạy. Tục ngữ ta có câu nói về cặp mắt ếch của gà chọi: Gà chân xanh mắt ếch chém chết không chạy.
Vảy gà
Gà chọi khi đá địch thủ cần có bộ giò. Bộ giò có lượt vảy bên ngoài. Theo những tay thạo chơi gà, bộ vảy rất ảnh hưởng tới con gà, hay nói đúng hơn tới sự chiến đấu của nó.

Màu sắc của chân gà ăn theo bộ vảy, và bộ vảy này có đủ màu sắc, đen, hồng, xanh, trắng, đỏ, vàng. Mấy màu này nổi lên để phân biệt, chứ thật ra không phải những màu gà có những vảy sắc hoàn toàn đúng với những màu sắc thiên nhiên này, gọi là đen nhưng chỉ là màu chì, gọi là trắng nhưng chỉ màu phơn phớt trắng…

Đã có màu sắc, nhưng bộ vảy, theo sự khám phá của giới chơi gà, có lắm kỳ hình, nhiều bộ vảy có đường nét giống như chữ nho. Qua những kỳ hình, những tay chơi gà đã đoán được tướng gà như các thầy tướng xem tướng tay vậy. Những con gà được gọi là linh kê hay thần kê thường có những vảy chân đặc biệt. Những loại vảy được phân biệt theo nghệ thuật chọn gà:
1. Vảy rồng: vảy trông giống như vảy trên mình rồng.
2. Vảy hàm long: những chiếc vảy trông giống như hàm rồng.
3. Vảy giao long: những chiếc vảy giao nhau từng đôi một như vảy rồng giao nhau.
4. Vảy lưỡng long: từng hai cặp một giao nhau như bốn vảy rồng giao nhau.
5. Vảy bán nguyệt: mỗi chiếc vảy giống như nửa mặt trăng.
6. Vảy nguyệt cung: mỗi chiếc vảy trông như một mặt trăng tròn.
7. Vảy tam tinh: những hàng vảy xếp như ba ngôi sao một.
8. Vảy khai vương: mỗi chiếc vảy trông như chữ vương.
9. Vảy nhật thần: mỗi chiếc vảy trông như chữ thần.
10. Vảy linh khẩu: mỗi chiếc vảy trông như chữ khẩu
11. Vảy linh chu: mỗi chiếc vảy trông như chữ chu.
12. Vảy triết quế: mỗi chiếc vảy trông như chữ quế bị gãy.
13. Vảy công tự: mỗi chiếc vảy trông như chữ công.
14. Vảy sổ nội: vảy nhỏ nằm liền ngay trên hoặc dưới cựa.
15. Vảy đệm: vảy trông từa tựa mặt chiếc đệm.
16. Vảy vuông: vảy hình vuông.
17. Vảy vấn sáo: vảy giống như vảy chim sáo.
18. Vảy vấn khâu: mỗi chiếc vảy giống như chiếc khâu vàng đeo tay.
19. Vảy hai hàng trơn: chân gà có hai hàng vảy đều đặn từ trên xuống dưới.
20. Vảy huyền châm: giữa hai hàng vảy trơn, có thêm hàng vảy nằm giữa.

21. Vảy dép: vảy ở dưới bàn chân gà, loại vảy này thật hiếm.

22. Vảy án nhãn: vảy nằm ngang cựa, đôi khi gà chọi nhau, vảy này thường đâm vào mắt địch.

23. Vảy xà cốt: hàng vảy giống như bộ xương khô của con rắn.

24. Vảy yến son: những chiếc vảy hồng ẩn khuất dưới chân, nơi trên bốn ngón, khi gà co chân lên cuốn chân xuống mới thấy được.
25. Vảy vòng móng: loại vảy nhỏ ở gối, bị lông gối phủ lên, khi vạch lông gối mới thấy được.
26. Vảy độc đao: vảy giống như một thanh đao.
27. Vảy song đao: vảy giống như hai cây đao.
28. Vảy tam tài: ba vảy liền nhau.
29. Vảy tứ vi: bốn vảy đấu đầu.
30. Vảy bát nhân tự: vảy ở tám ngón chân đều có chữ nhân.
31. Vảy công hậu: hàng vảy ở phía sau chân.
Trên đây là 31 loại vảy theo người xưa phân tích tùy cách thành hình tại mỗi chân con gà, mỗi loại vảy được đặt tên theo hình dáng, nhiều tên thật là văn vẻ. Tuy tên như vậy, song trên thực tế, những loại vảy chỉ xuất hiện với một vẻ tương tự như những hình người xưa đã dựa theo đặt tên cho từng loại vảy: vảy độc đao không giống hệt đao, nhìn chỉ giông giống thanh đao, vảy xà cốt không giống hẳn bộ xương khô con rắn, trông hàng vảy chỉ tương tự phần nào với xương khô này, vảy khai vương không đúng với chữ vương, tuy nhiên nhìn bộ vảy với những chiếc vảy trông người ta có thể bảo đấy là chữ vương được…
Người xưa chơi gà cẩn thận, lựa gà cầu kỳ, để ý đến vộ vảy cũng như các bộ phận khác của con gà, các sư kê ngày nay phân đông ít chọn vảy tỉ mỉ như người xưa, chỉ căn cứ đến giống gà, và nhất là xem con gà chọi nhau, nếu có những đòn đá hay đã kể là con gà hay.



"Màu thời gian" - người mẫu Việt Nam
Cựa gà
Cựa gà còn được gọi là kê đao, đây chính là một thứ ngón chân nhưng không có đốt lại vuốt nhọn ở mé trên những ngón chân và ở phía sau chiếc chân gà. Cũng như vảy, cựa gà có đủ màu sắc với năm màu chính được giới gà mệnh danh. Cấu tạo toàn bằng chất giống chất cấu tạo nên móng chân gà, cựa gà gồm các loại:

- Hồng đao: chiếc cựa màu hồng hồng lợt.

- Xích đao: chiếc cựa màu đỏ.
- Hắc đao: chiếc cựa màu đen.
- Bạch đao: chiếc cựa màu trắng.
- Thanh đao: chiếc cựa màu xanh.
Những màu sắc này, lúc con gà mới bắt đầu có cựa, trông chưa phân biệt ngay, nhưng khi chuốt qua bộ cựa, màu sắc mới lộ rõ.
Ngoài màu sắc, bộ cựa còn có những hình dáng riêng, tùy mỗi con gà.
- Bộ cựa nghiêng: đầu cựa nghiêng về một bên, được gọi là đao nghiêng.
- Bộ cựa ngay: đầu cựa hơi cất lên cao, được gọi là đao cắt chéo.
- Bộ cựa chúc: đầu cựa chúc xuống, được gọi là cựa trụi.
- Bộ cựa hom: mỗi chiếc cựa như những chiếc hom chụm lại.
- Bộ cựa nóc đố: mỗi chiếc cựa vênh đầu lên cao.
Những loại cựa trên là những loại cựa lợi hại, khả dĩ tạo thương tích cho đối phương trong những cuộc đấu. Có nhiều chủ nhân còn mài chuốt cho bộ cựa của gà mình đã nguy hiểm càng sắc bén hơn để hạ gà địch.
Bộ cựa đối với con gà cũng như khí giới với con người, gà dùng bộ cựa để tự vệ trong bị tấn công, hoặc để tấn công, khi bị khiêu khích. Bộ cựa càng lợi hại bao nhiêu, gà càng dễ chiến thắng do những thương tích gây ra cho đối thủ bấy nhiêu.
Theo các tay chơi gà sành sỏi, nguy hiểm hơn cả là những bộ cựa đao nghiêng và bộ cựa đao cắt chéo, khi đụng độ, con gà sử dụng hai chiếc cựa của mình như hai thanh long đao của một viên võ tướng.



Con gà hay

Gà chọi thì con nào cũng biết chọi, nhưng không phải con nào cũng là gà hay, do đó các tay chơi gà mới phải lựa gà, lựa một cách rất kỹ lưỡng.

Trước hết con gà phải có một thân hình cân đối, rắn chắc và gân guốc. Khi nhấc bổng lên cặp giò của nó không lòi chòi lạng quạng. Cổ gà, gọi là thụt cổ vào dễ dàng như con đỉa. Mỏ gà phải nhỏ, miệng phải sâu, như vậy gà mới lanh lẹ khi mổ địch thủ. Chân phải lùn, gà mới có những cái đá chắc và mạnh. Lông gà phải cứng như lông thép để gà có sức chịu đựng trong những cuộc giao phong. Những con gà lông mềm thiếu sức bền bỉ.

Qua bề ngoài với những nét chính trên mỗi bộ phận, con gà có thể được lựa chọn. Thêm vào đấy, nếu là một con gà nòi, nghĩa là con cháu một con gà hay, người chơi có thể tin tưởng phần nào ở tương lai con gà, tuy nhiên người ta còn phải để ý tới cánh gà, tới gối gà và tới bán chân gà nữa.
Bộ cánh nếu có gián nghĩa là có chiếc thẹo nhỏ giữa, con gà cũng phải loại, bộ cánh như vậy sẽ yếu, không đủ mạnh để con gà nhảy đá gà địch cho trúng đòn, và dù cho có trúng đòn chăng nữa, đòn này cũng khôgn đủ nặng để gây nguy hiểm cho địch.
Bộ gối gà chọi cần phải lớn, bộ gối nhỏ khiến cho con gà không đủ sức đứng lâu, sẽ kém dai sức nếu cuộc chiến kéo dài.
Bàn chân gà phải tránh không có mắt cá, mắt cá chính là một thương tích gây nên bởi con gà đã giẫm phải gai, hoặc phải đinh hoặc vì con gà đã có lần dầm chân lâu trong đám phân gà sinh bệnh hà chân.
Người ta còn để ý tới hậu môn của gà, xem gà có mắc bệnh kiết lỵ hay không, gà mắc bệnh sức sẽ sút kém.
Lẽ tất nhiên, ngoài những điểm trên, bộ vảy và bộ cựa dự phần quan trọng trong việc lựa chọn con gà như đã trình bày.
Mấy giống gà hay
Về gà nòi, những tay chơi miền Nam thường nhắc tới mấy danh tiếng trong đó có gà Cao Lãnh thuộc Đồng Tháp. Giống gà này lông nhiều, cựa nhọn, bay đá thật nhanh. Lại còn giống Bà Điểm, thành phố Hồ Chí Minh, lông ít, cựa ngắn nhưng gan dạ vô cùng.

Ngoài Bắc, trước đây người ta thường nhắc tới giống gà Kim Liên ở khu đằng sau Khâm Thiên, Hà Nội và gà Vân Hồ ở phía Nam Hà Nội là những giống gà hay.

Ngày nay, nhiều tay chơi gà tìm cách cho lai giống để lấy gà hay, ghép mái Bà Điểm với gà trống Cao Lãnh, hoặc gà mái Cao Lãnh với gà trống Bà Điểm… Sự ghép giống này sản xuất ra loại gà lai có đủ đức tính của cả gà bố lẫn gà mẹ, vừa gan lỳ vừa bay nhanh, đá mạnh.
Toan Ánh
Rùa: -Tưởng chỉ có trong truyện ngụ ngôn của cái lão Aesop nào đấy... giờ họ bắt tao với mày thi thật a...????

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét