"Cấu nhiễm" tức là những dục vọng trong tâm, đặc biệt là những ý nghĩ về sắc dục. Không dứt bỏ lòng dâm dục tức là có cấu nhiễm; loại trừ lòng dâm dục rồi tức là không còn cấu nhiễm nữa. Khi cấu nhiễm không còn thì tâm được thanh tịnh, trong sạch - các hạnh mà quý vị tu hành đều được thanh tịnh cả.
Lòng dâm dục cố nhiên là nhơ uế, và cũng là thứ dục vọng to lớn nhất. Ngoài ra, các thói tham, sân, si, kiêu mạn và nghi hoặc cũng đều là những cấu nhiễm trong tâm. Trừ sạch các thứ cấu nhiễm này thì sự tu hành của quý vị sẽ tương ưng với Đạo. Bấy giờ, quý vị sẽ có thể "trở về nguồn cội" (phản bổn hoàn nguyên) và tìm lại được cái tâm thanh tịnh vốn có của mình.
Đức Phật dạy chúng ta nên dùng trực tâm mà tu Đạo và suy nghĩ về Đạo. Trong mỗi niệm, chúng ta nên lấy việc thoát vòng tình dục làm mục tiêu của mình. ái tình và dục vọng chính là bùn lầy; chúng ta cần phải vượt ra khỏi vũng bùn ấy.
So với vũng bùn lầy lội, thì lòng ham muốn tình dục và các vọng tưởng về sắc dục còn nguy hại, đáng sợ hơn nhiều! Cho nên, "Phải trực tâm niệm Đạo, phải một lòng một dạ, chỉ có một cái tâm ngay thẳng để suy nghĩ về Đạo và việc tu Đạo, thì mới có thể thoát được sự khổ, tránh khỏi nỗi thống khổ bị sa lầy."
Một khi phạm giới dâm, bạn sẽ rất dễ phạm giới sát, cũng dễ dàng phạm giới trộm cắp, và vọng ngữ. Bởi vậy, phạm giới dâm thì các giới sát sinh, trộm cắp, dối trá đều bao hàm trong đó.
Trai gái yêu nhau, ráo ráo có ý nghĩa gì? Tướng mạo dù có đẹp bao nhiêu cũng chỉ là da bọc đồ thối: Trong ấy nào là phân, nước tiểu... Chín lỗ trong thân thường lưu những thứ bất tịnh: Mắt thì có ghèn, tai thì có ráy tai, mũi thì có dãi mũi, miệng thì có nước miếng, thêm đại tiểu. Bạn nghĩ rằng cứu cánh thân này có sạch sẽ chăng?
Nếu mình không hao tán tinh khí thần thì có hay không có ăn uống không thành vấn đề nữa. Chính bởi vì mình ngày ngày cứ xoay chuyển trong cảnh giới hữu lậu nên mới cần phải ăn uống.
Vì sao người ta có bịnh? Vì lúc bình thường không chú trọng đến sức khỏe. Người tại gia nên bớt làm việc dâm dục, tăng cường việc thể dục, vận động. Ðó là căn bản của sức khỏe. Nếu bạn cứ suốt ngày hành dâm, không giữ phép tắc quy củ thì thân thể vĩnh viễn không thể khỏe khoắn được.
Không có lòng tham dục thì phiền não gì cũng chẳng có. Một khi có lòng tham dục thì chuyện gì cũng xảy ra. Thế giới, vạn sự vạn vật vạn loài, thứ gì cũng do lòng tham dục sinh ra cả.
Ma vô cùng thông minh. Nó rình biết người kia có lòng tham muốn thứ gì thì nó sẽ dùng phương pháp thích hợp để dụ hoặc người đó. Do đó người tu hành chúng ta không cần thiết phải niệm chú gì đặc biệt, cũng không dùng pháp môn gì. Chỉ cần mình chân thật, không tranh, không tham, không mong cầu, không ích kỷ, không tự lợi, cứ chăm chỉ khổ tu, thì không có ma gì phá hại được bạn. Chỉ cần bạn có lòng tham, có lòng kiêu hãnh, muốn chiếm tiện nghi, muốn tìm đường tu tắt, thì sẽ dễ dàng bị dính vào ma sự.
Người tu mà sợ cô độc thì chẳng thể tu.
Người thuyết pháp bất luận rằng y có thần thông quảng đại tới đâu, bạn cũng phải quan sát hắn ta. Nếu y có lòng tham lam, tới đâu cũng kiếm tiền; hoặc có lòng dâm dục, thì y không phải thứ thiệt, mà là thứ giả. Nếu y không có lòng tham, lòng dâm dục, không có mưu đồ, thì y mới là thứ thiệt.
Người xưa nói: Vạn ác, dâm đứng đầu. Ðó là đường chết, không thể đi. Bạn cứ làm chuyện dâm dục thì cũng như đi vào đường chết.
Ăn uống giúp tăng dục vọng. Dục vọng giúp thêm vô minh.
Ái dục chính là sinh tử. Sinh tử chính là lòng ái dục. Ái dục là gốc của sinh tử. Nếu không trừ bỏ lòng ái dục vô minh thì rốt ráo không thể nào thoát khỏi biển ái sinh tử.
Không thể có chuyện là chẳng đoạn trừ lòng dâm mà có thể thành Phật. Trong thiên hạ không có chuyện đó. Ðời nay đa số người ta thích mau chóng, thích có kết quả ngay, nên khi họ nghe nói có pháp huyền diệu thì liền bị mê hoặc rồi rơi vào lưới ma. Ðến lúc chết mà vẫn cho là có pháp bí mật, hay mật pháp! Bí mật? Bí mật! Bí mật đến độ phải vào địa ngục luôn!
Cái lậu (chỗ lũng) lớn nhất là dục lậu - lòng dâm dục. Khi có ý dâm dục thì cũng như bị giặc cướp tới cắp, cũm hết tài sản bảo vật. Cũng giống như gỗ bị mối ăn thì gỗ thành vô dụng. Lại cũng như món ăn ngon mà bỏ chút phân vào thì chẳng ai dám ăn. Ba ngày nôn mửa là khác!
Nếu quý vị còn thích đẹp đẻ, xinh xắn, mỹ quan thì hẳn thói quen (ham sắc) chưa trừ.
Ăn thịt thì dục niệm sẽ nhiều, vọng tưởng cũng nhiều, rất khó nhập định. Không ăn thịt thì dục vọng mới nhẹ, lòng sẽ biết đủ, cũng sẽ bớt vọng tưởng. Ðó là do khí huyết mình nhẹ nhàng, không hỗn trược.
Người tu hành không thể có niệm tà dâm, tức là ý tưởng dâm dục. Nếu còn chút niệm dâm dục, thì quyết không bao giờ vượt khỏi tam giới, vẫn phải lưu chuyển hoài hoài trong luân hồi sanh tử, vì niệm dâm dục chính là gốc rễ của sanh tử. Nếu đoạn trừ được nó, thì mới có thể ra khỏi tam giới mà chứng quả Phật. Bởi vậy người tu hành nhất định phải dứt hết ý tưởng dâm dục. Làm sao dứt được? Trước hết là không nên ăn những thứ giầu chất dinh dưỡng, bởi lý do bổn thân người tu không thiếu chất dinh dưỡng, cho nên không cần thâu nhập thêm dinh dưỡng nữa. Ăn nhiều, lòng dục nhiều; chất bổ dưỡng nhiều, tức sanh những ý niệm dâm dục. Muốn không có ý dâm thì phảitiết chế vấn đề ẩm thực, không ham ăn ngon, không ham ăn nhiều, phải luyện tập sao đủ duy trì sanh mạng là được rồi, đó là bí quyết của người tu.Nếu không, chúng ta mang các món ngon gồm sơn hào hải vị để cúng cho cái đền thờ ngũ tạng, thì đây quả là cái họa dẫn tới phá giới về dâm dục.
Nói về người xuất gia thì mỗi ngày ăn một bữa, nhưng cũng có người không theo quy điều này, tự động đến tiệm để mua thức ăn. Người đó đương có dục niệm về ăn, vậy dục niệm về sắc chắc cũng không bỏ được. Cứ nghĩ cũng biết, những hành động đó đều là vị kỷ. Nói chung, phàm là vị kỷ tức đã có sự tham cầu.
Trong phạm vi của luật nhân quả thì phạm tội tà dâm là nghiêm trọng nhất. Sự trừng phạt còn ghê gớm nữa: Một người lúc sống phạm giới tà dâm bao nhiêu lần, thì khi chết sẽ bị một cái cưa lớn cưa thân người ấy từ đầu xuống chân bấy nhiêu lần. Sinh tiền kết hôn một trăm lần thì chết rồi bị cưa một trăm lần.
Người có đẹp lộng lẫy đến đâu, cũng chỉ là bọc da thối. Người xấu xí tới đâu cũng chỉ là bọc da thối. Bên ngoài tuy không giống nhau nhưng bên trong thì một thứ, chẳng gì đẹp đẽ hay xấu xí. Nếu càng tìm bên trong càng thấy toàn là máu, mủ, đờm, dãi, nhớp nhúa. Xét đến năm tạng, thì toàn là phân và nước tiểu. Bên ngoài đẹp đẽ, bên trong thối không thể chịu được, có gì khác đâu? Cần gì mình phải chấp trước vào cái thân này chớ! Người ngu si thì chú ý vẻ đẹp bên ngoài, chấp trước vào cái tướng đẹp đẽ mỹ miều, rồi ghét bỏ cái tướng xấu xí. Ðây chẳng phải là ngu si sao?
Bởi vì có lòng dâm dục nên mới phát sinh ra những chuyện ác trên đời. Nếu quý vị có thể làm những việc lành, tự mình thanh tịnh, không có hành vi dâm loạn thì đó tức là chúng thiện phụng hành.
Chỉ có những kẻ vô cùng si mê mới vừa muốn giữ cái tâm dâm dục lại vừa muốn được khai ngộ. Tư tưởng này thuộc loại ngu si tột đỉnh, và những người mang tư tưởng này là những kẻ khó có thể giáo hóa nhất; cho dù bây giờ Đức Phật Thích Ca Mâu Ni có giáng thế đi chăng nữa thì Ngài cũng không có cách nào làm cho họ đắc Đạo hay chứng quả vị được cả! Cho nên, hạng người này là ngu dốt nhất, si mê nhất!
Quý vị xem, hạng người có chút “tiểu trí tiểu huệ” ấy vì không đoạn trừ dâm-tâm nên nói toàn những chuyện ái dục – anh yêu em, em yêu anh - cứ yêu qua yêu lại như thế rồi cuối cùng họ thành ma luôn! Thành ma rồi thì sao nữa? “Những loại ma ấy cũng có đồ chúng.” Chúng ma ấy cũng có đồ đệ, cũng có kẻ ủng hộ chúng. “Tất cả đều tự xưng đã thành tựu Đạo Vô-thượng.” Bản thân loài ma không biết xấu hổ, kẻ nào cũng tự xưng rằng: “Tôi chính là Phật! Chúng tôi đây đều là những đấng tối cao, vô thượng!” Hễ cái gì là to lớn, thì chúng xưng chúng là cái đó. Chúng vốn là ma nhưng lại không chịu thừa nhận mình là ma, mà cứ xưng là Phật.Phật thì cũng có Phật giả mạo vậy. Trên thế gian này cái gì cũng có giả được cả, cho nên loài ma cũng có thể làm ông Phật giả. Song le, chúng không chịu nhận chúng là thứ giả. Chúng cho rằng chúng là thứ thiệt, và cũng là “thiên thượng thiên hạ duy ngã độc tôn” (trên trời, dưới trời, chỉ mình ta là tôn quý) nữa!
Trước khi nhập diệt, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni dạy rằng: “Hiện nay Ta còn ở tại thế gian thì bè lũ Ma-vương không dám xuất hiện. Song le, lúc Phật Pháp đang ở vào giai đoạn tàn lụn - Thời Mạt Pháp, thì sẽ có nhiều loại ma dân ấy hiện ra đông đảo ở thế gian, mở rộng sự tham dâm.” “Thời Mạt Pháp” chính là thời đại của chúng ta hiện nay. Vào thời điểm này, loại ma-dân ấy rất đông đúc và chúng đi khắp nơi nói chuyện dâm dục. Bất luận nam hay nữ, kẻ nào cũng ưa thích dâm dục và đồng thời cũng muốn thành Phật, muốn được khai ngộ.
Sự khác biệt giữa “phản” (trái) và “chánh” (phải) – giữa Ma-vương và Bồ-tát - vốn rất vi tế; khác biệt như thế nào? Bồ-tát thương xót và che chở tất cả chúng sanh với lòng từ-bi, chứ tuyệt đối không có lòng dâm dục. Trong khi đó, Ma-vương đối với chúng sanh thì cứ đề xướng “ái”, chuyên môn nói chuyện dâm dục, chú trọng dâm dục; thậm chí chúng còn nói rằng hễ tâm dâm dục càng nặng bao nhiêu thì khai ngộ được quả vị càng cao bấy nhiêu, và dùng tà thuyết ấy để hại người.
Bồ-tát thì không có tâm dâm dục, các ngài đối với tất cả chúng sanh hoàn toàn không có sự phân biệt. Có tâm dâm dục tức là ma. Không có tâm dâm dục, chỉ đơn thuần xót thương và cứu giúp tất cả chúng sanh – đó mới chính là cảnh giới của chư Phật và chư Bồ-tát. Ma thương người là có mưu đồ, có tham dục. Bồ-tát thương người thì không có tham dục. Không có tham dục tức là không có tâm dâm dục.
Không đoạn trừ tâm dâm dục mà ngày ngày cũng ngồi Thiền, cũng tu hành, tất quý vị vừa tu hành vừa bị lậu thoát. Quý vị tu được một phần thì lậu thoát mười phần, tu được mười phần thì lậu thoát mất một trăm phần. Quý vị muốn ngồi Thiền mà lại không chịu dứt bỏ dâm-tâm ư? Quý vị vừa muốn ngồi Thiền để được khai ngộ, lại vừa muốn tìm cầu thứ lạc thú điên đảo ấy, thì chẳng khác nào muốn nấu cát và sạn cho thành cơm vậy.
Khi không còn dâm-tâm thì sẽ không thấy có tướng nam tướng nữ, không còn phân biệt giữa mình với người, và cũng không thấy có tướng chúng-sanh, tướng thọ-giả nữa.
Nếu quý vị quả thật không có tâm dâm dục, thì quý vị sẽ:
Mắt nhìn hình sắc, trong chẳng có,
Tai vẳng chuyện đời, tâm chẳng hay!
(Nhãn quán hình sắc, nội vô hữu
Nhĩ thính trần sự, tâm bất tri.)
Khi mắt nhìn biết bao hình sắc mà trong lòng chẳng thấy có gì hiện hữu và tai nghe những âm thanh êm dịu mà tâm trí lại không hay không biết gì cả, tức là đã có được chút “hỏa hầu”. Tâm phải không dao động, không một ý nghĩ nào dấy khởi, dục - niệm phải hoàn toàn không còn nữa, thì mới là đúng thật. Nếu có những lúc quý vị vẫn còn tơ tưởng đến phái nữ, thì vẫn chưa được.
Tuệ Quang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét