"Mong manh" - Hot girl Trung Quốc |
Giáo lý Phật giáo đã quá bi quan khi nói rằng tái sinh trong loài người là cơ hội cực kỳ hiếm có, nhưng điều này không có nghĩa là chúng ta có thể tự mãn. (ảnh không liên quan đến bài viết)
Nếu muốn chứng minh toàn thể thuyết luân hồi của Phật giáo, chúng ta không thể nào chỉ cần chứng minh sự kiện tái sinh. Những điểm quan trọng của thuyết này là: 1) Người ta không chỉ tái sinh trong loài người, mà có thể tái sinh trong vô số trạng thái hiện hữu khác, đa số là vô hình đối với chúng ta. 2) Khi qua đời, không chắc gì người ta sẽ tái sinh làm người trừ khi đã đạt được một trình độ đạo đức nào đó. Gần như tất nhiên họ sẽ tái sinh trong một cõi thấp, chịu nhiều đau khổ, và ở lại đó nhiều đại kiếp trước khi tái sinh trong cõi loài người một lần nữa, và đây là cõi độc nhất trong đó người ta có cơ hội tụ tập đạt giải thoát. 3) Vòng sinh tử luân hồi của con người đã có từ vô thủy. Người ta đã trải qua tất cả các cõi và đã có đủ loại liên hệ với mọi sinh linh. 4) Giữa hai kiếp sống con người ở trong trạng thái trung gian. Chúng ta hãy xét những điểm này với những bằng chứng mà bây giờ đã có được.
1- Tái sinh trong những loài khác
Có vô số trạng thái sinh tương ứng với vô số nghiệp khác nhau của chúng sinh, nhưng những trạng thái này được chia thành năm hay sáu cõi chính yếu, tùy theo cảm xúc nổi trội trong mỗi sinh linh. Đại hành giả Milarepa (thế kỷ 11) nói: “Sân hận lớn là sự trói buộc của địa ngục, Keo kiệt lớn là xiềng xích của ngạ quỷ, Si mê lớn là xiềng xích của loài thú, Tham dục lớn là dây trói của loài người, Ganh tị lớn là xiềng xích của A tu la, Kiêu ngạo lớn là dây trói của các vị thần, Đó là sáu sự trói buộc làm cho người ta không thể đạt giải thoát".
Great hatred is the fetter of hell,
Great avarice the preta’s chain,
Great delusion the animal’s.
Great desire is the human fetter,
Great jealousy is the asura’s,
And great pride the deva’s chain.
(These are six fetters binding one from Freedom.103).
Nếu chia thành năm cõi thì cõi A tu la hay bán thần và cõi những vị thần (deva) được xem là một. Trong các sách ngày nay, tôi chỉ thấy có cuốn sách nghiên cứu về luân hồi xuất bản năm 1975 của Francis Story là nói đến trường hợp tái sinh trong cõi các vị thần. Trong cuốn này một người Ấn Độ nói rằng trong một kiếp trước mình là một đồ tể ở Trung Hoa, và vào cuối kiếp đó đã không sát sinh và không ăn thịt nữa, kết quả là người đó tái sinh làm một vị thần ở cõi trời. Sau một thời gian ở cõi các vị thần, người đó tái sinh trong kiếp hiện tại. Về cõi các vị thần, người đó chỉ nói một chi tiết là các vị thần đó mặc y phục kiểu Trung Hoa.
Loài thú là loài độc nhất mà loài người có thể trông thấy. Một trong những đối tượng của Francis Story, một Phật tử người Miến Điện nói rằng trong kiếp trước mình là một con ngựa. Trong nhiều lần ngồi thiền người đó liên tục bị quấy nhiễu bởi những âm thanh giống như tiếng nhạc ngựa, “một cảm giác mình đang đi đến, và thỉnh thoảng lại có cảm giác bị châm chích... ở những nơi khác nhau trên thân thể, cứ như là đang bị ruồi bu”. Khi người đó lấy tay xua đi, vị ấy nhận thấy là ở trong phòng không có một con ruồi nào cả. Khi được thôi miên lùi lại quá khứ, người đó cũng có những cảm giác như vậy. Khuôn mặt của y giống như ngựa, giọng nói cũng giống tiếng ngựa kêu, và y là người chậm trí, thích ở gần với những con ngựa.
Về nguyên tắc thì có thể kiếm chứng sự kiện kiếp trước là ngựa. Một truyền thuyết của phái Cathan ở Pháp kể rằng có một người nhớ lại kiếp trước mình là ngựa và đã bị mất một cái móng ngựa ở một địa điểm. Khi đi tìm ở chỗ đó, người ta đã tìm thấy cái móng ngựa.
Đối tượng trong cuốn sách của nhà nghiên cứu Isola Pisani cũng nhớ lại rằng giữa những kiếp làm người cách đây hơn một ngàn năm, có một kiếp mình là một con sư tử cái. Người đó không cảm thấy kiếp làm thú này thấp kém hơn kiếp làm người, cũng không phải là người đó tái sinh trong loài thú vì nghiệp quả xấu, mà người đó đã chọn sự tái sinh như vậy để có kinh nghiệm tốt. Đối tượng đó cũng nhớ lại một kiếp trước mình là một cái cây. Giáo lý Phật giáo bác bỏ thuyết tái sinh trong loài cây cỏ, nhưng nói rằng có thể có những vong linh có thần thức bị ràng buộc vào một cái cây hay một quả núi do nghiệp quả xấu.
Có một trường hợp hiện hữu trong trạng thái “preta” (ngạ quỷ hay quỷ đói), tức là một sinh linh lúc nào cũng có cảm xúc ham muốn, đó là trường hợp của một người hầu thuộc chủng tộc Karen ở Miến Điện mà nhà nghiên cứu Francis Story đã khảo sát. Người này có dị tật bẩm sinh ở bàn tay và bàn chân, với những lằn in sâu, bàn tay phảì kém phát triển ở phần dưới của vết lằn ngang lòng bàn tay, và ba ngón chân dính vào nhau. Có những khi cánh tay phải của người đó sưng lên, và y cảm thấy rất đau ở những chỗ đó. Người đó nhớ lại kiếp trước mình là con của một người giàu có, được thừa hưởng một gia tài gồm ba ngôi nhà, nhiều tiền bạc và những bảo vật khác. Sau khi người cha qua đời, y sống một mình không có người hầu ở trong một ngôi nhà. Một đêm bọn cướp xông vào, dùng dây kẽm trói chặt hai bàn tay của y ở giữa hai chân, rồi lấy đi tất cả tiền bạc và những món đồ quý giá, trong ba ngày, người đó hấp hối một cách đau khổ, với những giọt máu nhỏ xuống từ những vết đứt ở hai bàn tay, và đông đặc ở giữa ba ngón chân. Rồi y thấy mình nhìn vào thể xác của chính mình, và y lang thang khắp nơi trong một thời gian rất lâu. Lúc đó y chỉ có một ý nghĩ duy nhất, giống như một sự ám ảnh, đó là mình đã mất tài sản, và muốn lấy lại. Sau cùng y nhận thấy có những người sống, được thu hút đến chỗ một người đàn bà, và tái sinh làm con của người đàn bà đó.
Những người có khả năng tâm linh đã trông thấy nhiều vong linh, nhưng không nên nghĩ rằng tất cả những vong linh đó đều là “ma quỷ”. Họ có thể gồm cả những vị ở trạng thái trung gian, hay cõi trung ấm, và cả những sinh linh ở địa ngục nữa. Theo nhà nghiên cứu Joan Grant thì một “hồn ma” có thể chỉ là một phần năng lượng giới hạn của một người đã chết, và rốt cuộc bóng ma đó sẽ tan đi.
Tôi nhận thấy những trường hợp nhớ lại địa ngục chỉ có trong sách của các nhà nghiên cứu ký ức xa. Elizabeth Haich nhớ lại rằng trong một kiếp trước mình đã vi phạm một lời thề của tôn giáo Ai Cập thời cổ, tương đương một lời thề căn bản của Mật Giáo Tây Tạng, và đã rơi vào một loại trạng thái địa ngục đặc biệt, bị giam cứng ở trong cái xác ướp của chính mình trong ba ngàn năm, nhưng vì không có gì để đo lường nên khoảng thời gian đó dường như vô tận: “Lúc nào tôi cũng có cảm giác kinh sợ... Tôi không thể nhìn về một hướng nào để tìm sự cứu giúp cho linh hồn bị đày đọa của mình... Sự đày đọa và sự đau khổ không dứt... không dứt... không dứt...”. (The feeling of horror and fear refuses to leave me for a single moment... I cannot look in any direction for help for my tortured soul... The tortures and sufferings know no end... no end... no end..). Sau đó bà ta trải qua nhiều kiếp đàn bà và rồi trong kiếp hiện tại đã lấy lại được những khả năng tâm linh mà mình đã mất. Theo từ ngữ Phật giáo thì trường hợp này là “pratyeka-naraka” tức cô độc địa ngục hay địa ngục tự thân.
Trong cuốn sách của bà, Joan Grant mô tả một chuyến “đi thăm” Địa Phủ, một phần của lễ điểm đạo của bà ở Ai Cập hơn bốn ngàn năm trước. Ở đó “người ta phải chuộc những tội nhiều đến mức không được tái sinh trong loài người ở thế gian” (people expiate those crimes which are too manifold to be freed on Earth).Một giáo sĩ người xứ Peru, Nam Mỹ, ngày xưa đã moi tim hàng ngàn người để làm lễ hiến tế thì bây giờ cảm thấy mình bị moi tim vô số lần trở lại, và người hành tội chỉ là hình ảnh của chính giáo sĩ đó. Một người đàn bà bị những con ong tấn công vì trước đây bà này luôn luôn phá sự yên tĩnh của những người ở cùng nhà với mình, cho đến khi dường như sự nghỉ ngơi của họ bị phá bởi những con côn trùng biết châm chích. Những người trước kia hành hạ loài vật thì bây giờ chính mình bị hành hạ trong thể xác thú vật, thí dụ như một con khỉ bị chặt cụt bàn tay và bàn chân.
Tác giả Joan Grant nói đến một trường hợp địa ngục tự thân ở đảo Crete, Hy Lạp. Một pháp sư cưỡng bách mấy cô gái ăn đồ dơ với mục đích huyền thuật, cho đến khi một cô chống lại, đánh thuốc độc ông ta. Sau khi chết, vị pháp sư phải ăn đồ dơ trong năm trăm năm và phải sống lại cơn hấp hối đau đớn của mình khi bị trúng độc. “Trong khoảng thời gian dường như bất tận, ông ta chỉ biết có hiện tại đau khổ, và đối với ông ta thì sự khủng khiếp bất tận này luôn luôn mới” (Caught in an eternal now, he knows only the present, and to him this endless horror is for ever fresh). Một trường hợp mà bà Grant gặp trong kiếp này là một người đàn ông tự tử bằng cách nhảy xuống đất từ tầng thứ sáu của khách sạn Palace ở thủ đô Brussels nước Bỉ, năm ngày trước khi bà đến trọ ở căn phòng của người này, và ông ta vẫn tiếp tục lập lại cú nhảy lầu trong trạng thái hoảng sợ. Trường hợp này có thể so sánh với trường hợp vị pháp sư ở đảo Crete, chỉ khác độ dài thời gian.
Vụ tự tử của trường hợp mới này tất nhiên đã được xác nhận, còn những trường hợp khác thì không thể có sự kiểm chứng. Giá trị của những báo cáo này tùy thuộc vào mức độ tin cậy mà người đọc dành cho tác giả. Những cuốn sách của Joan Grant quá hay để có thể bị xem là giả tạo, và khá phù hợp với giáo lý Phật giáo nếu kinh sách được hiểu theo ý nghĩa tượng trưng chứ không theo nghĩa đen, và được xem là xác thực về mặt tâm lý học. Cuốn sách của Elizabeth Haich, dù có một số giáo lý bí truyền khó hiểu mà bà kể lại, cũng gây ấn tượng mạnh về ý nghĩa của hạnh xả ly và Bồ Đề Tâm, và về sự nguy hiểm của những phương pháp tu luyện kiểu Mật Giáo.
Thiếu nữ Hà Nội - ảnh Việt Nam xưa |
2. Sự hiếm có của cơ hội tái sinh làm người
Khi người ta chỉ nhớ lại một kiếp ở cõi giới A tu la (những vị thần) không thuyết phục, hai kiếp thú vật, một kiếp làm cây, hai kiếp làm ma đói và một kiếp trong địa ngục đối với mấy ngàn kiếp làm người thì điều này có vẻ không tương thích với giáo lý Phật giáo nói rằng tái sinh trong loài người là cơ hội cực kỳ hiếm có. Tuy nhiên, có lý do chính đáng để người ta không thấy có nhiều báo cáo về những kiếp tái sinh trong những cõi thấp, ngay cả khi những trường hợp có thật.
Trong những cuộc soi kiếp của Edgar Cayee, đối tượng được yêu cầu nhớ lại “những lần xuất hiện trên thời gian... trong mỗi kiếp hoặc xây dựng hoặc làm chậm sự phát triển của đương sự”, như vậy có nghĩa là không kể những kiếp tái sinh trong những loài khác, và vì vậy không ngạc nhiên khi thấy Cayee chỉ nói đến sự tái sinh trong những loài khác một cách gián tiếp - ông xem một số trường hợp bệnh tâm trí là bị xâm nhập bởi những thực thể đã lìa thể xác. Chúng ta có thể nói một cách chắc chắn rằng những kiếp có ảnh hưởng nhân quả nhiều nhất đến kiếp làm người này cũng là những kiếp tái sinh trong loài người. Trong đa số những cuộc thôi miên lùi lại quá khứ, nhất là trong những cuộc thôi miên của nhà nghiên cứu Helen Wambach, người ta cẩn thận giúp đỡ đối tượng tránh nhớ lại những kinh nghiệm gây nhiều đau khổ. Vì vậy mà không thể có việc nhớ lại kiếp ở địa ngục, dù việc này phù hợp với những lời đề nghị khác dành cho đối tượng. Dù sao thì những kinh nghiệm cực kỳ đau khổ cũng có tính chất đối kháng với sự nhớ lại. Tuy nhiên, sự hiếm hoi của những trường hợp nhớ lại những kiếp tái sinh trong loài thú làm cho chúng ta khó có thể chứng minh là người ta đã trải qua những kiếp thú vật nhiều hơn là những kiếp làm người trong mấy ngàn năm qua, như giáo lý đã nói.
Có nhiều trường hợp người ta trải qua một loạt những kiếp làm người với khoảng thời gian giữa hai kiếp không hơn vài thế kỷ và có khi còn ít hơn nữa. Điều đáng chú ý nhất là công trình nghiên cứu của Wambach cho thấy rằng có khoảng bảy phần trăm những đối tượng người Mỹ hiện đại nhớ lại là mình đã sống một thời gian nào đó trong khoảng từ năm 200 trước Tây lịch đến năm 500 Tây lịch. Từ năm 1000 Tây lịch đến thế kỷ 20 thì tỷ lệ đó tăng vọt. Điều này có nghĩa là những kiếp trước của loài người ngày nay giải thích cho hầu như toàn thể loài người trong quá khứ có lịch sử ghi chép. Một điều nữa là đại đa số đối tượng của Wambach nhớ lại những kiếp làm người trong quá khứ của mình, vì vậy có thể nói rằng loài người bao gồm một nhóm cá thể liên tiếp tái sinh làm người, với rất ít những kiếp tái sinh trong loài thú lớn.
Như vậy có lẽ đối với khoảng một chục kiếp trở lại đây giáo lý Phật giáo đã quá bi quan khi nói rằng tái sinh trong loài người là cơ hội cực kỳ hiếm có, nhưng điều này không có nghĩa là chúng ta có thể tự mãn. Thứ nhất là sự thông thường của tái sinh làm người trong hiện tại là một ngoại lệ. Loài người chỉ đã có mặt ở trên trái đất trong một phần rất nhỏ của lịch sử sinh vật ở đây, và sự kiện dân số thế giới tăng cao khác thường trong hiện tại sẽ không tiếp tục lâu dài. Trong ít năm nữa cơ hội tái sinh làm người sẽ hiếm hơn và khó đắc hơn nhiều. Thứ nhì là dữ kiện của chúng ta rất thô sơ và hạn chế, và rất có thể trong khoảng thời gian dài hơn một chút nữa, loài người sẽ thoái hóa hơn trở lại trạng thái thú vật mà không có cơ hội phục hồi nhanh. Thứ ba là tiêu chuẩn hành vi của một cá nhân không tuyệt đối mà tùy thuộc vào khả năng của người đó: một hành vi được xem là không đáng kể trong người bình thường có thể mang lại hậu quả tái sinh trong địa ngục cho một hành giả cao cấp, như trường hợp của Elizabeth Haich đã cho thấy.
Trong cuốn sách của ông Losang Gyatso biện luận: “Khi nói rằng phải có một kiếp trước cùng loại thì như vậy cũng là nói rằng luân hồi là vô thủy, không có chỗ bắt đầu, vì cái không phải là sinh linh không thể được làm thành một sinh linh, và cái không phải là tâm không thể được làm thành tâm. Thí dụ, trước con gà đã có quả trứng, và trước quả trứng đó đã có một con gà khác; vậy không có giới hạn đầu tiên nào mà người ta có thể đạt đến”. Thí dụ này cho thấy cả sức mạnh lẫn những hạn chế của lời biện luận. Chúng ta được biết rằng nếu đi ngược trở lại đủ nhiều thế hệ quá khứ, tổ tiên của con gà đó mỗi lúc mỗi ít giống gà hơn, đi qua những loài chim khác nhau cho đến loài “Archaestery” (loài nửa bò sát, nửa chim) khoảng 150 triệu năm trước, và trước đó nữa là những tổ tiên thuộc loài bò sát. Loài bò sát này phát xuất từ loài lưỡng cư vốn là hậu duệ của loài cá. Loài cá có lẽ tiến hóa từ loài giống như những con giun mà tổ tiên phải là những sinh vật mỗi lúc mỗi sơ đẳng hơn, nếu đi ngược trở lại xa hơn nữa. Khoa học nghiên cứu nguồn gốc các loài sinh vật đã cho chúng ta biết như vậy.
Đại đa số chúng ta nghĩ rằng con cá cổ đại và con gà ngày nay là những loài khác nhau, nhưng thật ra chúng có liên hệ huyết thống trực tiếp với nhau mà ở trong đó mỗi con vật không khác cha mẹ của nó hơn là mỗi người chúng ta khác cha mẹ của mình. Qua 300 hay 400 triệu năm, những khác biệt nhỏ giữa cha mẹ và các con cộng lại với nhau thành sự khác biệt lớn giữa một con cá và một con gà. Nếu ứng dụng điều Giả định 1 theo Losang Gyatso, “một pháp hữu vi (vật vô thường) không phải chỉ là một ý niệm, mà được sinh ra với tính chất riêng của nó, khác với những vật khác, hay không có tính chất của những vật khác”, thì tổ tiên 400 triệu năm trước của con gà sẽ vẫn phải là gà. Vậy lý thuyết dựa trên điều giả định này là sai lầm trong thực tế, vì các loài không tuyệt đối khác nhau, mà hòa nhập dần vào nhau.
Khi từ điều đã được biết người ta suy luận điều chưa được biết thì càng suy luận xa càng dễ phạm sai lầm, và nếu người ta suy luận đến vô cực, thí dụ như nói rằng dòng sinh mệnh như một sinh linh cá thể thì xưa vô cùng, người ta sẽ hầu như chắc chắn sai lầm. Đó chỉ là lý thuyết dựa trên suy luận, và nếu nói rằng đó là sự thật thì như vậy là sự hoang tưởng lớn nhất.
Không chỉ có sự liên tục giữa hai loài động vật cá và gà, mà còn có sự liên tục giữa loài thực vật và loài động vật nữa, vì còn có những sinh vật đơn bào như “Chlamydomonas”, “Englena”, “Polytoma”, và “Volvox” vừa có tính chất thực vật vừa có tính chất động vật, và được các nhà động vật học xếp vào loại Nguyên sinh động vật (thuộc động vật), còn các nhà thực vật học thì xếp chúng vào loại tảo (thuộc thực vật). Người ta nhận thấy các loài thực vật và động vật đa bào cũng có liên hệ mật thiết với nhau, khi nghiên cứu cấu trúc và hóa tính của mỗi tế bào của chúng, người ta khó giải thích được những sự kiện này, trừ khi hai loài thực vật và động vật đã tiến hóa từ các tổ tiên chung của chúng. Vì Phật giáo xem thực vật là loài vô tình, còn động vật là loài hữu tình nên có thể nói rằng môn sinh học có sự tiếp nối giữa các loài sinh vật vô tình và hữu tình. Ít nhất thì điều này cũng muốn nói rằng sự dị biệt giữa loài vô tình và loài hữu tình không phải là tuyệt đối. Vậy cũng giống như loài gà là vô thủy ở chỗ người ta không thể tìm ra con gà đầu tiên, nhưng vẫn không phải là trong quá khứ đã luôn luôn có loài gà, tâm của người ta chắc chắn không có chỗ bắt đầu nào để có thể được tìm thấy, nhưng như vậy cũng không có nghĩa là tâm đó có từ vô thủy.
Ý kiến cho rằng tâm của con người đã có từ lâu vô cùng là một điều cực đoan đưa đến những vấn đề khó khăn, giống như bất cứ một quan điểm hữu ngã nào. Thuyết tự ngã là một trong mười bốn thuyết mà Đức Phật đã nhiều lần từ chối chấp nhận “rằng thế gian là vĩnh cửu hay không vĩnh cửu, hay cả hai, hay không vĩnh cửu cũng không không vĩnh cửu; hay hữu hạn, hay vô hạn, hay cả hai, hay không hữu hạn cũng không vô hạn...”, và gọi những thuyết này là “sự lập thuyết rừng rú, sự lập thuyết hoang vu, sự lập thuyết rắc rối, sự lập thuyết trói buộc, với bệnh hoạn, đau khổ, và phiền não, không đưa đến xả ly, vô dục, an tĩnh, đến tri kiến Niết Bàn” (that the world is eternal, or not, or both, or neither; or finite, or infinite, or both, or neither...,” condemning them as “the jungle of theorising, the wilderness of theorising, the tangle of theorising, the bondage and shackles of theorising, attended by ill, distress, perturbation and fever, conducing not to detachment, passionless-ness, tranquillity, peace, to knowledge and wisdom of Nirvana). Chúng ta có thể dễ dàng chứng minh sự lập thuyết chỉ đưa đến đau khổ.
Các vị thầy dạy “Lamrim”, tức các pháp tu tập giải thoát theo thứ tự trước sau, nói rằng người ta đã lăn trôi sinh tử trong vòng luân hồi từ vô thủy, đã trải qua mỗi cõi luân hồi vô số lần, và đã có tất cả các loại liên hệ với tất cả các sinh linh vô số lần. Nếu có thể thoát luân hồi bằng cách đi theo đường đạo thì phải có một điểm P ở trên đường đạo, là điểm đầu tiên mà ở đó chắc chắn người ta sẽ đạt được giải thoát trong một khoảng thời gian nào đó. Tương tự, phải có một điểm Q ở trên đường đạo, là điểm đầu tiên mà ở đó chắc chắn người ta sẽ không rơi trở lại những cõi thấp. Nếu Q ở trước P thì sẽ có một hạng người đạt Q nhưng không đạt P thì sẽ có một hạng người đã đạt Q nhưng không đạt P và do đó luân hồi mãi mãi trong những cõi cao và không thể rơi vào những cõi thấp. Điều này trái ngược với giáo lý, vì vậy Q phải trùng với P hoặc ở sau P.
Bây giờ hãy xét điểm R trên đường đạo, ở trước P một sát na tâm, hay một khoảnh khắc ý nghĩ, vì R ở trước P nên một người ở R vẫn phải trông đợi một thời gian dài vô tận để đạt giải thoát. Cũng giống như Q không thể ở trước P, người đó khó có thể trụ ở R trong thời gian chờ đợi vô tận này, mà phải rơi trở lại vòng luân hồi như trước. Như vậy R là một trạng thái luân hồi bình thường mà người ta đã trải qua vô số lần. Người ta đã vô số lần khởi hành trên đường đạo và vượt qua chặng đầu tiên để đến điểm R; vô số lần người ta đã đi đến hàng rào không thể xâm nhập được ngăn cách giữa R và P, và vô số lần đã quay trở lại luân hồi trong sáu cõi vượt qua vô số đại kiếp nữa. Nếu các vị Phật đã dạy cách vượt qua cái hàng rào đáng sợ này thì người ta đã nghe các ngài nói vô số lần rồi, và đã không đạt được gì. Người ta đã cố gắng làm tất cả, nhưng lần này làm sao người ta có thể hy vọng đạt giải thoát? Nếu người ta bước vào đường đạo lần nữa thì cơ hội đi theo đường đạo vượt qua R là con số không (zero).
Chúng ta cũng nhận thấy là vì mỗi khoảnh khắc đều có những người đạt giác ngộ viên mãn nên phải đã có vô số người đắc đạo, vì vậy nếu mỗi sinh linh đã luôn luôn hiện hữu thì số sinh linh phải là vô lượng. Trong trường hợp này không nhất thiết mỗi sinh linh phải đã là cha mẹ của người ta, dù người ta đã sinh ta từ thai bào hay từ trứng vô số lần, và về mặt toán học thì hoàn toàn có khả năng là chỉ có một phần rất nhỏ các sinh linh đã là cha hay mẹ của người ta trong những kiếp trước. Đại Đức Geshe Rabten đã có lý khi nói rằng rất khó để thuyết phục người ta rằng tất cả chúng sinh đã là cha hay mẹ của họ, và ngài đề nghị phương pháp phát Bồ Đề Tâm của luận sư Santideva để tránh những điểm khó khăn về vô hạn này.
Người ta không cần phải đọc nhiều kinh sách Phật giáo để nhận thấy sự tự ý dùng những con số lớn hơn đến mức vô lý để nói đến số lượng và sự thiếu óc toán học của các tác giả Phật giáo. Hình như họ không hiểu rõ sự khác biệt lớn giữa hữu hạn và vô hạn. Chúng ta có thể xem những cái “vô hạn”, “vô lượng", hay “vô biên” của họ là chỉ có ý nghĩa tượng trưng chứ không có nghĩa đen, nếu cần thiết. Họ muốn gây ấn tượng mạnh cho chúng ta là chúng ta đã trải qua rất nhiều kiếp đau khổ hơn là mình đã tưởng, nhưng chắc chắn họ cũng muốn nói rằng chúng ta vẫn có hy vọng đạt giải thoát.
Trạng thái trung gian giữa hai kiếp được quán niệm trong các pháp thiền quán về tính chất của luân hồi, như một điều trực tiếp hơn so với mười hai nhân duyên, và là điều nên biết, vì tất cả chúng ta đều phải trải qua trạng thái này.
Đa số các bộ phái Phật giáo thời kỳ đầu, gồm Đại Chúng Bộ và các chi phái Nhất Thuyết Bộ và Khôi Sơn Trụ Bộ, cùng với các chi phái của Trưởng Lão Bộ là Phân Biệt Bộ, Hóa Địa Bộ, Pháp Tạng Bộ, và Thượng Tọa Bộ bác bỏ thuyết cho rằng có trạng thái trung gian (antarabhava, trung ấm) giữa lúc qua đời và lúc tái sinh. Cuốn “Visuddhimagga “(Thanh Tịnh Đạo) của luận sư Phật Âm (Buddhaghosa) và những tác phẩm của luận sư Long Thọ (Nagajuna) và luận sư Candrakirti dạy rằng năm uẩn của kiếp tái sinh, không gián đoạn, và tùy thuộc vào năm uẩn của thân kiếp trước, khi những uẩn đó tan biến. Không có một cái gì chuyển từ kiếp trước sang kiếp sau, mà giống như một cái đèn được thắp sáng từ ngọn lửa của một cái đèn khác. Kinh Bát Nhã, được xem là của luận sư Long Thọ, cũng bác bỏ thuyết cho rằng một trung ấm thân tiếp tục tồn tại sau khi chết để làm thành thân trong cõi trung giới, và nói rằng năm uẩn của trạng thái trung gian được bỏ cùng lúc chúng được nhận.
Tuy nhiên, Chính Lượng Bộ, Nhất Thiết Hữu Bộ, Kinh Lượng Bộ, Đông Sơn Trụ Bộ (một phái Đại Chúng Bộ xuất hiện sau), và sau là Hóa Địa Bộ, thì cho rằng có sự hiện hữu trung gian giữa kiếp trước và kiếp sau. Luận sư Thế Thân (Vasubandhu) nói nhiều về đề tài này trong cuốn sách của ngài “A Tì Đạt Ma Câu Xá Luận Thích”, và luận sư Asanga cũng viết trong hai cuốn “A Tì Đạt Ma Tập Luận” và “Du Già Sư Địa Luận”. Dựa theo ba cuốn này, đạo sư Tsongkhapa (Tây Tạng, thế kỷ 14) viết về trạng thái trung gian trong tác phẩm “Lamrim chenmo" (Bồ Đề Đạo Thứ Đệ Luận). Có một số kinh sách hỗ trợ ý kiến này, còn những người chống lại thì chỉ có thể phản biện bằng cách sửa lại lời kinh sách, hoặc giải thích một cách không hữu lý. Thí dụ, kinh sách viết rằng việc thọ thai phải có ba điều kiện là: sự giao hợp của cha mẹ, khả năng thọ thai của người mẹ, và sự hiện diện của một “Gandharva”, tức một sinh linh trong trạng thái trung gian. Phái Thượng Tọa Bộ (Theravada) xuyên tạc điều này thành một thuyết có tính chất mê tín và phi Phật giáo bằng cách giải thích Gandharva là những vị thần trông xem việc thọ thai.
Trong A Tì Đạt Ma Câu Xá Luận, luận sư Thế Thân mô tả sinh linh trong cõi trung giới như sau:
“Vì nó có cùng “người phóng”,
Nên nó có hình dạng của kiếp sau,
Tức là kiếp sống trước khi chết trong kiếp sau,
Và sau lúc sinh ra đời.
Những sinh linh khác trông thấy nó với thần nhãn,
Và do nghiệp nó có thần thông.
Năm căn đầy đủ, nó không bị cản trở,
Không bị xô đẩy và sống bằng mùi thực phẩm.
Người hư hỏng đi đến
Chỗ tái sinh do tham dục.
Còn những người khác thì do muốn có mùi thực phẩm hay chỗ ở.
Sinh linh ở địa ngục đi đến chỗ tái sinh với hai chân đưa lên trên.
Sự sống ở cõi trung giới diễn ra trước khi sinh ra trong kiếp sau vốn đã được nghiệp quả “phóng chiếu” vào lúc qua đời trong kiếp trước. Một sinh linh trong trạng thái trung gian được tái sinh làm người sẽ có hình dạng một đứa trẻ năm hay sáu tuổi, có đủ các bộ phận, gồm cả nam căn hoặc nữ căn. Sinh linh này có thể đi đến đâu tức khắc, không bị cản trở bởi một thứ vật chất nào. Do nghiệp quả sinh linh có thần nhãn và có thể trông thấy nơi mình sẽ sinh ra và cha mẹ tương lai của mình đang giao hợp. Nếu là nam, sinh linh sẽ cảm thấy ham muốn người mẹ và ghét người cha; nếu là nữ thì ngược lại. Sinh linh đi đến chỗ họ và tưởng mình đang ân ái với người mẹ hoặc người cha và thấy mình “sinh ra” trong thai bào. Những sinh linh sẽ sinh ra “từ sức nóng và sự ẩm ướt” (thấp sinh), như loài côn trùng, thì bị thu hút bởi mùi của thực phẩm. Trường hợp hóa sinh, tức sinh ra do biến hóa, sẽ xảy ra khi một sinh linh có một chỗ ở tốt nào đó, thí dụ một sinh linh sẽ tái sinh trong địa ngục nóng thì bị hành hạ bởi gió và mưa lạnh và muốn đến một nơi nào ấm.
Theo đại sư Tsongkhapa, sự trông thấy cha mẹ tương lai của mình ân ái chỉ là ảo ảnh, nhưng khi sự ham muốn phát khởi thì sinh linh không thể tránh được sự sinh ra ở đó. Sinh linh đó chỉ trông thấy sự giao hợp và điều này làm cho sinh linh nổi giận và do đó tái sinh. Như vậy là cần phải có cả hai cảm xúc tham dục và sân hận phát khởi. Các học giả Phật giáo không có cùng ý kiến về thời gian một sinh linh trải qua trong cõi trung giới nhưng các đạo sư Tây Tạng cho rằng thời gian này tối đa là bảy tuần lễ, mỗi tuần thân trung ấm thay đổi một lần.
Hiện tại chúng ta đã có bằng chứng quan sát đáng kể để so sánh với ý kiến của các học giả Phật giáo, như đã nói trong chương 3. Người ta khó nhớ lại kinh nghiệm lúc sinh ra đời và trước lúc sinh ra hơn là nhớ lại những kiếp trước. Chỉ có gần một nửa số đối tượng của nhà nghiên cứu Wambach có thể nhớ lại lúc mình sinh ra trong khi được thôi miên, so với chín mươi phần trăm hay chín mươi lăm phần trăm nhớ lại kiếp trước. Nhà nghiên cứu Denise Desfardins cũng đưa ra những con số tương tự. Wambach thu thập được lời kể của 750 người về kinh nghiệm lúc sinh ra và trước lúc sinh ra.
Francis Story tổng kết ký ức tự nhiên về trạng thái trung gian như sau:“Những ký ức này cho thấy là có cùng một mô thức ẩn ở bên dưới... Mới đầu thực thể lìa thể xác không biết là mình đã qua đời. Những cảm giác mà các đối tượng mô tả giống như những cảm giác của những người đã có kinh nghiệm, ý thức lìa thể xác do được gây mê hoặc trong trường hợp được gọi là xuất viá... một điều thường xảy ra trong những ký ức này là sự xuất hiện của một vị hướng dẫn giúp đỡ thực thể lìa thể xác”.
Những dữ kiện của nhà nghiên cứu Francis Story xác minh cho một số ý kiến của các học giả Phật giáo ngày xưa. Tuy nhiên trạng thái trung gian diễn ra với những đặc điểm riêng không thuộc về những cõi súc sinh, ngạ quỷ v.v... Quả thật sinh linh trong cõi trung giới có thần thông và có khả năng di chuyển không bị trở ngại gì cả, và có thể trông thấy những vong linh khác. Một thí dụ là một người lính tên là Keaw ở Thái Lan, sau chết vì bệnh dịch tả đã trông thấy các vị tu sĩ làm tang lễ ở nhà của anh ta, và sau đó anh ta nhận thấy:“Có một số điều khác thường về thân thể của mình và lúc đó mới biết rằng mình đã chết. Anh ta đi theo các vị tu sĩ. Mọi thứ đều có vẻ bình thường đối với anh ta, chỉ có điều anh ta có thể đi xuyên qua người khác, và khi nghĩ đến một nơi nào thì tức khắc anh ta thấy mình đang ở nơi đó. Anh ta không cảm thấy đói... anh ta chỉ sợ một người say rượu và một đứa trẻ té vào mình. Có lẽ Keaw có cảm giác là mình rất nhỏ bé. Anh ta không nhớ là mình có lúc nào tức giận nhưng đã trông thấy những vong linh khác nổi giận khi những người sống liệng đá hay khạc nhổ về phía mình; họ sợ sẽ trúng vào mình”.
Dựa vào cuốn “Du Già Sư Địa Luận”, đại sư Tsongkhapa nói rằng không có vong linh nào muốn sống lại trong thể xác mà mình vừa mới thoát ra khỏi, và điều này được các tài liệu nghiên cứu khẳng định, nhưng những ý kiến khác thì ít được đồng ý hơn. Có những nguồn nghiên cứu cho thấy sinh linh trong cõi trung ấm không có ngay hình dạng của kiếp sau của mình như một đứa trẻ khỏa thân, mà vào lúc đầu họ có y phục như đã mặc lúc chết. Khi người vừa mới chết xuất hiện trước người thân của mình, họ sẽ thấy người đó có hình dạng như lúc còn sống, và mặc những quần áo mà người đó đã mặc lúc chết. Có vẻ như cuộc tái sinh kế tiếp được vong linh chọn trong thời gian ở cõi trung giới, và trong khi thảo luận với những vong linh khác, chỉ có điều chọn với những giới hạn nào thì chưa được biết rõ. Đa số các đối tượng của nhà nghiên cứu Wambach nhớ lại những cuộc thảo luận như vậy, và những người góp ý kiến thường là thân nhân hay bạn bè của vong linh, không có sự phân biệt họ là người chết hay người sống vào lúc quyết định. Năm mươi chín phần trăm đối tượng có nhiều hơn một người góp ý kiến. Trong những trường hợp của nhà nghiên cứu Story, vị hướng dẫn thường là một cụ già, “vị yogi mặc áo trắng”, hay một bà già.
Những người quá cố thường tham dự tang lễ của chính mình, như trong trường hợp Keaw nói ở trên. Nhiều vong linh tiếp tục quan sát sinh hoạt của những người thân của mình, như trong trường hợp Bridey Murphy. Sinh linh trong cõi trung giới không phải chịu những đau khổ như trong đời sống ở cõi vật chất, không có sự đau nhức, đói khát, và mệt mỏi của thể xác vật chất, nhưng họ có thể cảm thấy trống rỗng và chỉ có lực hành động và truyền thông giới hạn. Ở cõi trung ấm có một thứ vô thời gian, khác với thời gian ở cõi vật chất, vì vậy hàng chục năm hay nhiều hơn trôi qua mà các sinh linh ở đó không có ý thức gì đến. Không có một chút bằng chứng gì về trạng thái trung gian kéo dài bảy tuần với mỗi tuần thay đổi thân trung ấm một lần. Nhiều đối tượng của nhà nghiên cứu Wambach cảm thấy rằng họ đã chọn phần cuối của thế kỷ hai mươi để sống vì một lý do đặc biệt (hơn bảy mươi phần trăm nói rằng trong khoảng thời gian này có một sự phát triển mới về ý thức tâm linh, hay đạo tâm). Ý kiến của luận sư Vasubandhu có vẻ xác thực hơn, vì ngài nói rằng trạng thái trung gian kéo dài cho đến khi nhân duyên của cuộc tái sinh hội tụ với nhau. Ngược lại, đại sư Tsongkhapa cho rằng thuyết này không đáng tin cậy.
Về cách đầu thai thì không có đối tượng nào nói là đã trông thấy cha mẹ tương lai của mình ân ái và mình thích cha và ghét mẹ hoặc ngược lại. Một số đối tượng nhớ lại tự nhiên của Francis Story đã cảm thấy người mẹ có sự thu hút và đi theo bà khắp nơi, một đối tượng nhập vào nước mà mẹ của mình đang uống, một đối tượng ôm cổ bà mẹ, và tất cả họ có vẻ đã bất tỉnh vào lúc đó, không có đối tượng nào nói đến người cha của mình. Hai phần ba đối tượng của Wambach lưỡng lự không muốn đầu thai, nhưng chấp nhận điều này như một sự cần thiết không đáng hài lòng. Chúng ta có thể so sánh con số này với chín mươi phần trăm xem việc mình qua đời trong kiếp trước là điều hay. Như vậy tái sinh làm người không phải một việc đơn giản nhập vào một thể xác với bất cứ giá nào để mình có thể hưởng thụ những thú vui trần thế. Nhiều người trong chúng ta tái sinh ở thế gian này để học hỏi và tự phát triển. Nhà nghiên cứu Helen Wambach hỏi các đối tượng của bà về mục đích của kiếp sống hiện tại của họ, và bà đã phân loại những câu trả lời như sau: hai mươi lăm phần trăm là có thêm kinh nghiệm, mười tám phần trăm là giải quyết những liên hệ của họ với những người quen biết trong kiếp trước, mười tám phần trăm là học cách yêu thương người khác, hai mươi bảy phần trăm là phát triển tâm linh và dạy người khác, và mười hai phần trăm là những mục đích khác.
Những cuộc soi kiếp của Edgar Cayee cho biết như sau: “Lúc người mẹ thọ thai không trùng với lúc vong linh nhập vào thai bào. Những cuộc soi kiếp thường khuyên các bà mẹ đang có thai rằng: nên cẩn thận về những ý nghĩ của mình trong thời gian mang thai, vì tính chất của những ý nghĩ quyết định đến một mức độ nào đó loại vong linh được những ý nghĩ đó thu hút... Vong linh có thể nhập vào bào thai trước khi sinh ra một thời gian ngắn, sau khi sinh ra một thời gian ngắn, hoặc vào lúc sinh ra. Có thể hai mươi bốn giờ sau khi đứa trẻ được sinh ra, vong linh mới nhập vào nó. Trong một số trường hợp có sự thay đổi vào phút chót về vong linh nào sẽ nhập vào thai nhi".
Nhà nghiên cứu Wambach cũng đặt câu hỏi về điều này với các đối tượng: “Bạn nhập vào bào thai lúc nào”? Ba mươi phần trăm nhập vào ngay trước khi ra đời hay trong khi ra đời. Có trường hợp hai vong linh nhập vào hai thai sinh đôi, tranh chấp nhau về việc ai sẽ nhập vào thai nhi nào. Hai mươi phần trăm ở bên ngoài thai nhi, và mười chín phần trăm ở trong và ở ngoài thai nhi trong thời gian trước khi sinh ra, năm phần trăm có thể tự ý rời khỏi thai nhi ngay cả sau khi đã sinh ra, mười hai phần trăm nhập vào bào thai lúc đã được sáu tháng, và chỉ có mười một phần trăm nhập vào bào thai trong sáu tháng đầu tiên. Wambach cũng thấy rằng tám mươi sáu phần trăm có ý thức về những cảm giác, cảm xúc, và ý nghĩ của người mẹ trước khi họ được sinh ra. Nhà nghiên cứu Francis Story cũng nói về trường hợp đáng chú ý của một người Thái Lan trở thành con của người em gái của mình, và đứa con này đã được sinh ra một ngày trước khi người đó chết. Khi đám tang của mình đang được cử hành, người đó nhớ đến đứa trẻ sơ sinh và tức khắc y đã ở bên cạnh em gái của mình và đứa con. Hai lần cô ta nói với y rằng y đã qua đời và hãy đi chỗ khác, nhưng y bị thu hút một cách mạnh mẽ, rồi y bất tỉnh và có cảm giác mình đang rơi xuống. Kế tiếp y thấy mình là một đứa trẻ nhỏ. Khi biết nói, y giữ lại được nhiều kiến thức đã có từ kiếp trước, thí dụ như tên của những người thân trong kiếp trước, khả năng đọc chữ Cam Bốt và nói tiếng Lào.
Những dữ kiện nói trên làm cho người ta nghi ngờ tính xác thực của những ý kiến như của Đại Đức Losang Gyatso cho rằng thân rất tinh tế (tức thần thức) từ kiếp trước phải nhập vào bào thai ngay từ đầu để thai nhi có thể phát triển. Những điều này cho thấy rằng tiến trình thọ thai không nhất thiết phải được quy định bởi nghiệp quả của người mà thể xác đó sẽ thuộc về.
Tổng kết bốn điểm đã xét ở trên, người ta nhận thấy trong thuyết luân hồi của Phật giáo có những điểm có tính cách thực tế mà cũng có những điểm có vẻ huyền hoặc hay tượng trưng, có nghĩa bóng chứ không có nghĩa đen, và lại có những điểm chỉ là những lời suy luận sẽ phải được loại bỏ khi sự nghiên cứu thêm giúp chúng ta biết rõ hơn về luân hồi. 1) Dù khó có bằng chứng khoa học, có thể có những người thực sự tái sinh vào những cõi phi nhân, hoặc trong loài thú hoặc trong những loài phi vật chất. 2) Một khi đã đạt cõi loài người thì sự kiện tái sinh mấy kiếp liên tiếp trong loài người là một quy luật chứ không phải là một ngoại lệ hiếm có. 3) Thuyết cho rằng giòng tâm thức của mỗi sinh linh là vô thủy không muốn nói rằng giòng tâm thức đó đã có từ thời vô thủy, mà chỉ muốn nói rằng đã có từ rất lâu, không thể xác định được thời gian. 4) Có bằng chứng là quả thực người ta trải qua trạng thái trung gian giữa hai kiếp làm người, trong thân tinh tế không bị cản trở bởi vật chất và có thể đi đến bất cứ nơi nào ngay khi vừa mới nghĩ đến. Tuy nhiên, thuyết Phật giáo tiêu chuẩn về cách tái sinh làm người có lẽ chỉ là một giáo lý huyền hoặc dạy rằng, nguyên nhân của luân hồi là tham dục và sân hận, và không phải là một sự trình bày những gì người ta thực sự trải qua. Những bằng chứng cho thấy sự tái sinh bao gồm một loại quyết định nào đó của vong linh sau khi tham khảo ý kiến những người khác, thường là với ý định học hỏi và phát triển tâm linh. Nên có sự nghiên cứu thêm nhiều về sự sống trong cõi trung giới bằng phương pháp thôi miên, và có lẽ chúng ta cũng nên biết thêm về sự tái sinh trong những cõi phi nhân.
Martin Willson
Thích Nguyên Tạng (dịch)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét