Chủ Nhật, 16 tháng 12, 2012

Hương vị phở Việt ở Manila (Philippines)

"Cong" - Hot girl gốc Philippines
Chỉ sau vài ngày ở Manila, thủ đô Philippines, hai người bạn đồng hành nài nỉ tôi... đi tìm đồ ăn Việt.  (ảnh không liên quan đến bài viết)

Manila hội tụ thật nhiều các món ăn phong phú Á Âu, và chỉ bước chân ra phố là có thể tạm thỏa mãn cơn đói bằng hàng trăm món ăn của Philippines, Thái Lan, Trung Quốc, Nhật Bản, Ý, Tây Ban Nha... Tuy nhiên, có một điều gì đó thiêu thiếu cứ dâng lên trong lồng ngực khi mỗi bữa ăn xa nhà không được bù đắp bằng hương vị quê hương.
Thật may, chỉ đi bộ vài trăm mét đến trung tâm mua sắm Power Plant, thuộc khu Rock Well, chúng tôi đã bắt gặp hình ảnh quen thuộc: một tà áo dài Việt trước cửa hàng Phở 24. Nằm trong khu ẩm thực sầm uất, tiệm Phở 24 khá đông thực khách, chủ yếu là người Philippines. Tôi để ý những người khách là những người thành thạo món ăn Việt: họ gọi thức ăn mà không cần nhìn thực đơn. Thường là chả giò, rồi phở bò hoặc phở gà.
Trong lúc chúng tôi xì xụp bên tô phở bốc khói, một người thanh niên Mỹ tạt vào cửa hiệu, gọi 20 suất phở để đem về nhà. Khi được hỏi, Adam - tên của chàng trai - hào hứng giải thích với tôi rằng cả nhà anh ấy nghiện ăn phở, và vì hôm nay có khách nên quyết định đãi toàn bộ khách khứa bằng món… phở Việt Nam.
Bát phở tôi ăn hôm ấy ở Power Plant chỉ thoả một phần lòng mong nhớ của một kẻ xa quê. Có lẽ nước phở không đủ trong, bánh phở không đủ dai và mềm, nước dùng không mang đặc trưng của vị phở, nhưng bù lại, mỗi bát phở được trình bày đẹp mắt cùng hành ngò, rau, giá, ớt và chanh, theo kiểu phở miền Nam.
Cô nhân viên Philippines mặc tà áo dài Việt thật mến khách và niềm nở kể với chúng tôi rằng Phở 24 ở Power Plant đã hoạt động được một thời gian, có nhiều khách hàng thường xuyên, và quan trọng là đã chuyển giao được công nghệ nấu phở cho người bản xứ: sau một thời gian học hỏi đầu bếp từ Việt Nam sang, đầu bếp chính người Phi của Phở 24 tại Power Plant đã đảm nhận được việc nấu nướng thức ăn tại đây. Sau này, tôi quen với một người Đài Loan tên là Jasleen Ong, một người rất nghiện phở và sành đồ ăn Việt Nam. Chị ấy quả quyết với tôi rằng trong các tiệm phở ở Manila, Phở 24 tại Ayala Triangle Gardens là tiệm phở hợp với khẩu vị của chị ấy nhất.
Thủ đô Manila của Philippinescó ít nhất 16 quán phở.
Chưa kịp theo chân Jasleen đến tiệm Phở 24 thứ hai ở Manila, tôi đã được Helen Nguyễn, một Việt kiều Mỹ đang sống ở Manila đưa đến nhà hàng Việt mang tên “Bà Nội” (tại 106 Greenbelt Mansion, Perea Street, Legaspi Village). Ra đời vào tháng 2 năm 2010, chủ sở hữu là ông Henry Nguyễn, một người Phi lai Việt, nhà hàng “Bà Nội” nhộn nhịp thực khách đa quốc tịch, và rất nhiều bạn trẻ người Phi.
Cô Narumi Hisatomi, một người Nhật ở bàn bên cho tôi biết, vì thích món ăn Việt Nam, hôm nay cô đưa 5 người bạn Nhật đến đây ăn trưa. Những người bạn của cô vui vẻ chia sẻ với tôi rằng, họ đã ăn phở tại Việt Nam, Thái Lan, Singapore, Malaysia, Pháp và Mỹ. Hôm nay, họ đã nếm thử các món phở bò, gà, hải sản tại đây và thấy hương vị phở rất đậm đà và ngon miệng.
Bè bạn của Narumi hỏi suy nghĩ của tôi về món phở của cửa hàng “Bà Nội” và tôi bảo họ hãy chờ đến khi tôi ăn xong bát phở bò của mình. Bát phở nghi ngút khói được cô phục vụ người Phi trong chiếc áo dài cách tân trịnh trọng đưa đến. Đây rồi, mùi vị của quê hương: những sợi phở dai và mềm như còn thơm hương vị của đồng lúa vừa vào mùa gặt, những lát thịt bò mềm ngậy tê cả lưỡi, những lát hành thái mỏng giòn tan, hương vị của hồi, của quế, của nước mắm ngạt ngào làm thức tỉnh tất cả vị giác và khứu giác. Chỉ đáng tiếc mỗi một điều: nước phở vẫn chưa trong, không như các tô phở tôi vẫn ăn ở Hà Nội, Sài Gòn…
Cô Rachel Obani, quản lý nhà hàng “Bà Nội” nói với tôi rằng, mặc dù thực đơn ở đây phong phú và đa dạng, ba món ăn luôn được hầu hết thực khách lựa chọn bao gồm: Phở bò, gỏi cuốn và bò lúc lắc. Cô cũng hâm mộ dành cho ẩm thực Việt: trong khi thức ăn Philippines chỉ sử dụng các gia vị đơn giản như hành, tỏi, gừng, dấm, muối, tiêu…, thức ăn Việt tinh tế kết hợp rất nhiều loại gia vị và những loại rau thơm khác nhau.
Vào bếp của nhà hàng “Bà Nội”, ba người đầu bếp Philippines rất vui khi biết tôi là người Việt Nam. Họ hỏi tôi cảm nhận về thức ăn Việt do họ nấu và nhờ tôi góp ý để các món ăn đúng hương vị Việt Nam hơn. Trong khi trụng bánh phở, anh Rodel Haboc nói rằng anh đã được một đầu bếp từ Việt Nam sang “truyền nghề” và rất say mê với việc nấu phở. Và vào dịp nghỉ hoặc cuối tuần, anh thường xuyên nấu đồ ăn Việt cho gia đình và bạn bè: “Họ thích đồ ăn Việt Nam và bắt tôi phải nấu”, anh cười vui vẻ.
"Tiên nữ" - ca sĩ Nhật Bản
Chưa kịp chọn nhà hàng “Bà Nội” làm cửa hàng đồ ăn Việt yêu thích nhất, tôi đã được một người bạn Mỹ tên là Kelly Haubers “rủ rê” đến ăn phở ở nhà hàng Việt mang tên Zao, tại trung tâm mua sắm Serendra. Chị cho biết, chị thường xuyên cùng chồng và hai con nhỏ đến ăn phở tại đây: “Phở Việt Nam rất đặc biệt, giàu dinh dưỡng và tốt cho sức khỏe. Cả nhà tôi bắt đầu ăn phở từ khi ở bên Mỹ, và đi đâu cũng phải tìm ăn phở. Ăn phở no nhưng không nặng bụng. Tôi đặc biệt thích ăn phở vào buổi trưa”.
Bát phở hải sản của tôi hôm đó tại Zao có hương vị như… hủ tiếu Sài gòn và không đậm đà vị phở, nhưng có gì đó trong sự ngọt ngào tươi nguyên của rau thơm, của những con tôm đỏ lựng, những lát cá biển và những lát mực trắng tươi, thơm phức, mà ngày hôm sau, tôi đã rủ bạn bè quay lại đây thưởng thức món phở hải sản.
Tuần trước, khi gặp tôi, anh Lubormir Frebort, một người Séc từng học đại học tại Việt Nam và nói tiếng Việt thông thạo, hỏi tôi rằng tôi đã thử Phở Hoà ở Manila chưa. Khi tôi lắc đầu, Lubormir lập tức “quảng cáo” rằng anh ấy rất thích Phở Hòa và đến ăn ở đó hàng tuần. Tìm một quán Phở Hoà ở Manila thật không khó chút nào, vì thương hiệu quốc tế này (xuất phát từ Mỹ) có hệ thống gồm 11 cửa hàng được bố trí tại hầu hết các trung tâm thương mại tại thủ đô Manila, ở các khu vực như Bel-Aire, Quezon City, SM City Mall, Greenbelt, Alabang, Taguig, Guenzon City… Bước chân đến các trung tâm mua sắm này, lướt qua hiệu phở Hòa, nhìn thấy người người xì xụp cạnh tô phở nóng hổi, tự nhiên thấy lòng tự hào trào dâng: văn hóa Việt đang được quảng bá hữu hiệu ở Philippines thông qua các cửa hàng phở Việt.
Quanh quẩn trong phạm vi vài km của Manila City, tìm được bốn thương hiệu phở “ăn được” đã may mắn lắm rồi, vậy mà, khi lướt qua một trang web du lịch quốc tế, tôi dừng lại trước một nhận xét của một khách du lịch châu Âu: nếu đến Manila, nên tìm ăn Phở Bắc. Chỉ cần 10 phút lái xe, tôi đã đặt chân đến cửa hàng Phở Bắc, xinh xắn và gọn gàng nép mình trong khu thương mại Glorietta 3. Mở thực đơn với các món ăn Việt thuần túy như phở, bánh cuốn, bánh mỳ, bò nướng cuốn bánh tráng, chạo tôm, bánh xèo, gỏi rau muống, bánh giò…, tôi chọn cho mình một bát phở gà.
Chỉ vài phút sau, bát phở thơm lừng, bốc khói đã được đặt trước mặt tôi, cùng với tương, tương ớt và ớt ngâm dấm thái mỏng. Nước phở thật trong, thịt gà thật mềm và ngọt, hương vị phở quyến rũ như thể hương vị của quê hương đang ngấm dần vào cơ thể, tiếp cho tôi một năng lượng sống mới mẻ.
Chắc chắn một bát phở đúng mùi vị phở Việt như thế phải có bàn tay của một người phụ nữ Việt: quả đúng là như thế. Phở Bắc được sáng lập và điều hành bởi chị Hoàng Thị Kim Oanh (tên thân mật là chị Nết) – một phụ nữ Việt Nam có cha Pháp, mẹ Việt, nói tiếng Việt thông thạo. Chị Nết lớn lên ở phố Ngọc Hà, Hà Nội, bôn ba vào miền Nam, rồi theo chồng sang Lào, Singapore, Philippines.
Bến đò (Huế) - ảnh Việt Nam xưa
Sống ở Philippines từ năm 1977, chị Nết là một trong những người Việt kinh doanh thành công nhất ở đây. Sau khi bốn đứa con nhỏ của chị khôn lớn, chị trở thành nhà thầu, cung cấp thức ăn cho căng-tin của các nhà máy Philippines, phục vụ mỗi ngày cho hàng ngàn lượt công nhân. Rồi chị thương thảo với chuỗi nhà hàng thức ăn nhanh nổi tiếng Philippines tên là Jollibee, mua bản quyền để thành lập và kinh doanh các cửa hàng thức ăn nhanh Jollibee tại khu vực Binan Laguna (chị Nết cũng chính là người đưa thương hiệu Jollibee về Việt Nam và hiện đang là chủ các cửa hàng Jollibee ở Sài Gòn SuperBowl và Thuận Kiều Plaza).
Tuy nhiên, với sự thôi thúc của bạn bè và tình yêu, sự say mê dành cho văn hóa ẩm thực Việt, chị Nết đã thành lập cửa hàng Phở Bắc từ đầu những năm 1990. Chị tìm những người nội trợ Việt Nam giỏi đang sống ở Manila và mời họ về nấu ăn cho nhà hàng của chị (hiện nay, Phở Bắc là nhà hàng Việt Nam duy nhất ở Manila có đầu bếp là người Việt). Để đảm bảo hương vị Việt, chị nhập khẩu bánh phở khô, gia vị từ Việt Nam và nhờ người Việt đang sống ở Philippines trồng rau thơm cung cấp cho chuỗi nhà hàng của chị.
Chị và các cộng sự người Việt không ngừng thay đổi thực đơn, để các món ăn luôn tươi mới, hấp dẫn và thuần Việt. “Mục tiêu đầu tiên của tôi khi sáng lập Phở Bắc là quảng bá vẻ đẹp của văn hóa ẩm thực Việt Nam và tạo công ăn việc làm cho người Việt ở đây. Tôi không đặt lợi nhuận lên trên hết, vì công việc kinh doanh trong các mảng khác của tôi cũng đã rất thành công”, chị Nết chia sẻ. 
Dù Phở Bắc đang có sự hiện diện ở 4 địa điểm tại Manila: Glorietta 3, Robinson Galleria, Robinson Ermita, và Global City, chị Nết đang có kế hoạch mở rộng thêm mạng lưới và nâng cao hoạt động quảng bá văn hóa Việt Nam: “khách hàng sau khi thưởng thức các món ăn Việt Nam thường hỏi tôi về văn hóa và các địa điểm du lịch. Tôi đã chuẩn bị sẵn tài liệu, cung cấp cho họ các thông tin cần thiết. Dù chỉ cách TPHCM một chuyến bay ngắn (2,5 giờ), nhiều người Philippines cũng chưa biết gì về Việt Nam”, chị Nết trầm tư chia sẻ.
Nhớ hôm qua, tôi gặp chị Marilyn Rivera, một người Philippines đã sống và làm việc ở Việt Nam trong 4 năm, vừa kết thúc nhiệm kỳ và trở về Manila. Chị nói rằng đã mày mò học được cách nấu phở ở Việt Nam, và trong chuyển hàng bằng tàu biển từ Hà Nội về Manila, cùng với giường tủ, quần áo, là vô số những gói phở khô và gia vị nấu phở. “Bạn hãy đợi hai tuần sau, chuyến tàu biển mang hàng của tôi đến Manila, tôi sẽ phở Việt chính hiệu đãi bạn!”, chị Tony tạm biệt tôi với lời nhắn nhủ chân tình.
Còn tôi, trong những phút xao lòng khi ở xa quê hương, chợt thấy biết ơn món phở Việt, một món ăn tưởng chừng giản đơn nhưng ẩn chứa bao sự độc đáo, tinh tế của văn hóa ẩm thực Việt. Để rồi món ăn ấy đang trở thành đại sứ của văn hoá Việt, góp phần đưa hai chữ Việt Nam và lòng tự hào Việt đến bao bến bờ xa Tổ quốc.
Quế Mai
"Chim chả" - siêu mẫu đồ lót châu Âu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét