Thứ Bảy, 5 tháng 10, 2013

Có chăng tám vạn bốn ngàn pháp môn?

Phải chăng Đạo Phật thực sự của Đức Phật Gautama có đến tám vạn bốn ngàn pháp môn? Đây là một vấn đề bức bách của rất nhiều người khát đạo đang phân vân tìm đạo.
Hầu như tất cả các phật tử Việt nam và các phật tử thuộc Phật giáo "phát triển" đều tin chắc vào một nhận thức có tính “tiền đề” rằng:
Đạo Phật có đến tám vạn bốn ngàn pháp môn!
Nghĩa là Đạo Phật có vô số tông phái, tất cả đều có khả năng hướng dẫn con người đến giải thoát tuyệt đối.
Đây quả là một vấn đề “nhạy cảm” mà các bậc tôn túc rất ngại đem ra thảo luận.
Có chăng có đến tám vạn bốn ngàn pháp môn khác nhau có thể đạt được giải thoát? hay nói cách khác rõ ràng hơn:
Có một chánh pháp của Đức Phật Gautama hay có đến tám vạn bốn ngàn chánh pháp của Đức Phật Gautama?
Lúc Đức Phật còn tại thế và trong suốt thời kì Đạo Phật còn hưng thịnh có lẻ chẳng ai đặt ra câu hỏi này, nhưng bây giờ (ngàn năm thứ ba sau Phập nhập diệt) khi Đạo Phật đã bị xuyên tạc, đã suy tàn và sắp hoại vong thì đây là lúc mà vấn đề rất cần được thảo luận nghiêm túc.
Ngôn ngữ kinh điển Phật giáo dùng cụm từ “tám vạn bốn ngàn” để tượng trưng, ám chỉ tính đa dạng hoặc một con số rất nhiều, như: 84.000 đại kiếp, 84.000 năm, 84.000 thị nữ, 84.000 cỗ xe, 84.000 con voi, 84.000 con bò, 84.000 chén bạc, 84.000 thước vải v.v. Đây chỉ là một thành ngữ phổ thông tại Ấn Độ trong thời đó, là cách nói tổng quát để chỉ một số lượng rất lớn.
Tìm trong kinh tạng Nikaya không thấy đề cập đến tám vạn bốn ngàn pháp môn. Chỉ duy nhất trong Kinh Tiểu Bộ, đoạn trưởng lão Ananda thương tiếc hồi tưởng lại sau khi Phật nhập diệt (Trưởng Lão Tăng Kệ, 1024, Tiểu Bộ).Thanissaro dịch từ Pali:
82,000 Teachings from the Buddha
I have received;
2,000 more from his disciples;
Now, 84,000 are familiar to me.
Thích Minh Châu dịch từ Pali:
Ta nhận từ đức Phật,
Tám mươi hai ngàn pháp,
Còn nhận từ Tỷ-kheo,
Thêm hai ngàn pháp nữa,
Tổng cộng tám tư ngàn,
Là pháp ta chuyển vận.
Luận sư Buddhaghosa, trong Chú Giải Trưởng Lão Tăng Kệ, có giải thích “pháp” ở đây được hiểu như là “pháp uẩn” (dhammakhandha), nghĩa là đoạn văn về giáo pháp.
Thế nào là có tám mươi bốn ngàn phần khi nói về Pháp Uẩn?
Về điều này, các tài liệu cổ (porānā) đã nói rằng:
29. Tôi đã học tám mươi hai ngàn từ đức Phật, hai ngàn từ vị tỳ khưu (Sāriputta), tổng cộng các pháp này là tám mươi bốn ngàn.
30. Trong Tạng Luật có hai mươi mốt ngàn Pháp Uẩn, trong Tạng Kinh có hai mươi mốt ngàn Pháp Uẩn, và trong Tạng Vi Diệu Pháp có bốn mươi hai ngàn Pháp Uẩn.
Như thế, bằng cách giải nghĩa theo Pháp Uẩn thì có tám mươi bốn ngàn phần riêng biệt.
Trong trường hợp này, bài kinh có một chủ đề (anusandhika) thì tính một Pháp Uẩn, bài kinh nào có nhiều chủ đề thì tính nhiều Pháp Uẩn. Như thế, việc tính đếm Pháp Uẩn tức là đề cập đến chủ đề. Trong những phần Kệ (gāthā), mỗi câu hỏi hay chất vấn là một Pháp Uẩn và câu trả lời là một Pháp Uẩn. Trong tạng Vi Diệu Pháp, mỗi một phần chia chẻ gồm có một nhị đề hoặc tam đề và mỗi một phần chia chẻ theo loại tâm được gọi là một Pháp Uẩn. Trong tạng Luật thì có phần câu chuyện (vatthu), có phần tiêu đề (mātikā), có phần phân tích từ ngữ, có phần phạm tội, có phần không phạm tội, có phần phán xét; trong trường hợp này, cứ mỗi một phần được xem là một Pháp Uẩn. Như thế, khi đề cập đến Pháp Uẩn thì có tám mươi bốn ngàn phần. (Trích từ: Diệu Pháp yếu lược, bản Việt dịch của Tỳ kheo Indacanda)
Như vậy trong lịch sử Đạo Phật có lẽ là đã có sự lầm lẫn giữa hai từ “pháp môn” với “pháp uẩn”. Qua sự giải thích trên đây chúng ta có thể hiểu rằng Pháp môn giải thoát của Đức Phật là một pháp môn duy nhất được giảng dạy chi tiết bằng một giáo pháp đồ sộ đề cập đến rất nhiều pháp uẩn tức các chủ đề, vấn đề, khía cạnh, chi tiết v.v… chứ không phải gồm vô số các pháp môn khác nhau.
Ai cũng biết, văn minh Ấn Độ là nền văn minh thật uyên thâm và thật đồ sộ, nó đã sản sinh rất nhiều các triết lý, tôn giáo, pháp môn. Người dân Ấn, nói chung, rất tự hào về sự phong phú của các triết lý, tôn giáo và các pháp môn đã hình thành trên đất Ấn. Vì thế có lẽ câu nói “Có tám vạn bốn ngàn pháp môn đưa đến giải thoát” là của người Ấn theo các pháp môn khác nhau của Ấn giáo. Cách nói này diễn đạt niềm tự hào của người dân Ấn với cách ẩn dụ rất đặc trưng của họ khi dùng “tám vạn bốn ngàn” để chỉ một con số rất nhiều. Người Ấn hiện giờ vẫn tin rằng Đức Phật Gautama cũng chỉ là một trong những hóa thân của thần Vishnu và với quan điểm như thế thì Đạo Phật cũng chỉ là một trong số nhiều pháp môn (bốn vạn tám ngàn) đã sinh ra từ nền văn minh Ấn Độ. Đó là góc nhìn của Ấn Độ giáo về Đạo Phật, còn từ góc độ của một Phật tử, chúng ta phải phân biệt giữa tám vạn bốn ngàn pháp môn giải thoát của nền văn minh Ấn Độ, chỉ có pháp môn của Đức Phật Gautama là đỉnh cao kì đặc hiếm hoi trong lịch sử. Giải thoát của Đạo Phật là một giải thoát rốt ráo, vượt ra khỏi các tầng trời, vượt ra khỏi cả tam giới. Phật pháp là pháp bảo, là duy nhất trong thời đại của ngài và có lẽ cho mãi đến tận bây giờ!
Cũng phải biết rằng, Đức Phật Gautama là người duy nhất chứng quả chánh đẳng chánh giác, với Toàn giác trí hay Nhất thiết trí (Sabbannuta nana). Quả vị A La hán của ngài là tối cao và khác hẳn quả vị a La Hán của các đệ tử đương thời và về sau. Càng về những ngàn năm sau, tính từ khi Phật nhập diệt, quả vị A La hán càng giảm chất lượng cho đến cuối cùng không còn ai chứng A La Lán nữa. Nói như vậy nghĩa là một vị tu sĩ đời sau, dù có thực sự chứng đắc đi nữa, cũng không thể có khả năng tạo dựng một pháp môn thay thế. Khó có thể tin rằng có một pháp môn nào, sau khi Đức Phật Gautama nhập diệt, có thể thay thế cho giáo pháp của ngài.
Có quan điểm cho rằng Đức Phật nói Pháp ở nhiều tầng trời nên có rất nhiều pháp môn khác nhau hoặc vì căn tạng khác nhau nên có nhiều pháp môn khác nhau. Việc học pháp trên các cõi trời ra sao thì không thấy kinh sách ở cõi người bàn tới, ở đây xin giới hạn việc thảo luận trong lãnh vực cõi người. Có phải vì chúng sanh có nhiều căn cơ khác nhau nên Đức Phật có nhiều pháp môn khác nhau (mà chánh tạng kinh điển quên không ghi lại)? Trong suốt tam tạng kinh điển ta biết Đức Phật đã từng tiếp xúc với đủ loại hạng người, ngài giáo thuyết bằng những bài kinh khác nhau. Trong từng trường hợp, rõ ràng là chỉ khác nhau về cách lí luận, cách thuyết phục, đề tài, lãnh vực, chi tiết… tức là chỉ khác nhau về pháp uẩn. Còn suốt giáo pháp chỉ thuần một vị, thống nhất ở giáo trình Giới-Định-Tuệ.
Nếu thực sự Đức Phật đã dạy những “pháp môn” khác nhau thì các “pháp môn” khác nhau này phải có thể đạt đến cùng một cứu cánh giải thoát như nhau. Sự khác biệt giữa Đạo Phật và các tôn giáo tại Ấn Độ chủ yếu vẫn là “nội dung” và “chất lượng” trong khái niệm giải thoát. Đức Phật đã chứng minh sự giải thoát của ngài là rốt ráo, còn giải thoát của các tôn giáo đương thời là không rốt ráo (vì còn kẹt lại ở các tầng trời). Vấn đề là làm sao biết rằng sự giải thoát này, các tầng bậc này, các quả vị này, chính là những trạng thái mà Đức Phật đã từng đạt được và hướng dẫn các A La Hán đệ tử cùng đạt được. Làm sao phân biệt? Rất khó! ngoại trừ khi có những tiêu chuẩn xác định. Kinh điển Nikaya còn ghi lại những tiêu chuẩn để xác định những tầng Định (Jhana) những tầng Tuệ (Vipassana) rất rành mạch. Kinh điển Nikaya còn ghi lại chuẩn mốc và nội dung của các quả vị. Cho nên nếu phủ nhận các quả vị và không lấy chánh tạng (còn lưu lại) làm chuẩn mực, thì quả là không còn cách nào để biết rằng đây có phải là chánh pháp của Đạo Phật Gautama hay không.
Cùng xuất phát từ nền văn minh Ấn Độ, tuy nhiên Đạo Phật không phải là một đạo lớn và các tôn giáo khác tại Ấn Độ không hẳn là những tôn giáo nhỏ. Bài viết không cố chứng minh Đạo Phật là lớn và Đạo khác là nhỏ. Cũng không chứng minh chánh pháp của Đạo Phật là có giá trị và chánh pháp của các đạo khác là ít giá trị. Tất cả chỉ là muốn đặt vần đề đâu là chánh pháp của Đạo Phật Gautama? và đâu có thể không phải là chánh pháp của Đạo Phật Gautama! Con đường tìm đến sự tiến hóa tâm linh, tìm đến giải thoát là rất khó. Trong lịch sử thế gian đã từng có rất nhiều con đường được vạch ra với đích đến giải thoát khác nhau. Riêng Đức Phật Gautama, con người siêu việt hiếm hoi trong lịch sử, đã tìm được con đường giải thoát rốt ráo mà ngài gọi là con đường chánh. Vì thế phân biệt cho đúng đâu là con đường chánh tức chánh pháp của Đạo Phật là việc rất cần thiết. Việc này rất khó cho một người mới đang tìm đạo và càng khó hơn nữa nếu vị này đã từng cột buộc vào một tôn giáo, một tông môn, hay một giáo phái nào trước đây rồi. Trong trường hợp thứ hai, sự nhận ra chánh pháp có thể dẫn tới sự tự phủ định chính mình và những mối liên hệ xung quanh, và việc này đối với bãn ngã của từng con người là khó có thể chấp nhận được.
Chánh pháp của Đạo Phật được xác nhận không phải vì tên gọi của nó, không phải vì nó tôn xưng Đức Gautama là giáo chủ, không phải là vì giáo thuyết của nó có sử dụng ngôn ngữ và khái niệm của Đạo Phật, không phải vì những hứa hẹn giải thoát suông. Gọi là Chánh pháp của Đức Phật Gautama khi nó có Pháp học và Pháp hành rành mạch, cụ thể, thực sự hiệu quả. Gọi là chánh pháp của Đạo Phật khi nó có thể dẫn người Phật tử lần lượt chứng đạt các quả vị và cuối cùng là chứng đạt Níp bàn (Nibbana) với quả vị A La Hán (Arahanta). Trong chánh pháp, các bậc đạo sư có thể thay đổi chút ít về pháp hành, nhưng không đạo sư nào dám thay đổi nội dung của của Quả vị hay Níp bàn. Có thể người Phật tử, vì những thiện nghiệp (parami) của mình chưa chín đủ, nên không thể đi hết Đạo lộ để đạt sự chứng ngộ cuối cùng. Nhưng khi buớc vào Đạo lộ của chánh pháp, người ta luôn an tâm vì thấy rõ những giai đoạn thứ tự của hành trình tu tập, người ta cũng biết mình đang ở vào giai đoạn nào hay mức độ nào của sự tu tập. Từ mức độ nhập lưu trở đi, Đạo Phật có thể coi như khác biệt và phân biệt hoàn toàn với các tôn giáo khác trong nền văn minh Ấn Độ. Dưới mức đó (nhập lưu), Đạo Phật có thể giống như các tôn giáo khác ở điểm này hay điểm kia. Cho nên chánh pháp của Đạo Phật chỉ dễ được nhận ra ở đỉnh cao của nó.
Sau lần kiết tập thứ ba năm 244 trước công nguyên thì Đạo Phật đã không còn nguyên vẹn vì mâu thuẫn tư tưởng nội bộ. Năm 1199 , khi đoàn quân Hồi giáo Thổ nhĩ kỳ kéo đến tàn sát Nalanda và thiêu hủy toàn bộ kinh sách tại đây thì Đạo Phật đã thực sự suy vong. Tính từ thời điểm đó đến nay, chúng ta sẽ quá vô tâm, nếu không nhận ra rằng Đạo Phật đang trong hồi mạt pháp. Và nếu tin rằng Đạo Phật đang trong hồi mạt pháp thì khó có thể tin rằng cứ mỗi vài năm lại có một “pháp môn” của Phật ra đời (không kể rất nhiều những pháp môn khác đã ra đời trong quá khứ) cùng với hiện trạng vô số pháp môn là vô số chùa chiền, thiền đường to lớn nguy nga được dựng lên. Hiện nay có quá ít nguồn thông tin đề cập và thảo luận thẳng thắn tới vấn đề quan trọng này. Một phần, vì những bậc tôn túc có trách nhiệm đặt vấn đề, lại thuộc về thiểu số. Một phần rất muốn phát biểu nhưng sợ bị kết án phá hoại sự hòa hợp tăng. Một phần có lẽ vì chính Đạo Phật đang kiệt sức trong ngày tháng suy vong của mình!
Chúng ta đang ở vào một thời điểm đặc biệt của nền văn minh nhân loại. Mọi thứ đều phát triển nhanh chóng. Mọi thứ đều thay đổi, đặc biệt là về sự nhảy vọt trong nhận thức của con ngươi. Thông tin được truyền đi và trao đổi nhanh chóng. Thông tin rất dễ truy tìm và rất dễ kiểm chứng. Đối với những người còn đang phân vân trong sự lựa chọn các pháp môn, thì đây là lúc nên bỏ chút thì giờ để tìm câu trả lời thỏa đáng cho nghi vấn:
Phải chăng Đạo Phật thực sự của Đức Phật Gautama có đến tám vạn bốn ngàn pháp môn? Đây là một vấn đề bức bách của rất nhiều người khát đạo đang phân vân tìm đạo. Đây cũng là vấn đề trách nhiệm đối với thế hệ trẻ. Từ trải nghiệm đau đớn của nhiều người, bài viết này là một chia sẻ nghiêm túc và chân thành, không phải “phá hoại” hay chỉ là “hí luận nhàn đàm”!
Minh Triết

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét