Thứ Ba, 8 tháng 10, 2013

Sự nhất quán của giáo lý nhà Phật

Thế nào là học Phật? Nói một cách dễ hiểu thì học Phật là học cách để trở thành như Phật. Phật là người đã liễu thoát sanh tử, tự tại trong tam giới, đầy đủ tam minh, lục thông, tứ trí, có vô lượng công đức, vô biên trí tuệ. Nói một cách ngắn gọn, Phật là người đã viên mãn Phật trí và Phật lực. Học Phật là học cách phát huy đầy đủ Phật lực và Phật trí nơi chính mình.
I. PHẬT HỌC, SỰ NHẤT QUÁN CỦA PHẬT GIÁO TRÊN MẶT TU CHỨNG
Với hơn năm ngàn bộ kinh, mười ngàn bộ luận, cộng với vô số các ngữ lục đã nói lên một điều : Trong thế giới chúng ta, không một tôn giáo nào mà phần giáo lý phong phú đa dạng và phức tạp như Phật giáo. Chính từ điều này, một số người cho rằng có nhiều dị biệt, thậm chí là mâu thuẫn chống trái nhau trong bản thân Phật giáo. Đây là một sự ngộ nhận. Với sự hiểu biết dúng đắn và tương đối đầy đủ, ta sẽ nhận ra sự nhất quán của Phật giáo.
Hầu hết kinh luận của Phật giáo đều qui về Tam thừa. Tam thừa là Tiểu, Trung và Đại thừa. Thật ra, kinh luận dạy đủ ngũ thừa và cả Phật thừa. Ngũ thừa là Nhân, Thiên và Tam thừa. Do kinh luận chủ yếu nói về Tam thừa, Nhân thừa Thiên thừa chỉ được đề cập lướt qua, còn Phật thừa lại được trình bày một cách ẩn mật khó thấy, nên nói hầu hết qui về Tam thừa. Trên quan điểm tiệm ngộ mà nói, Tam thừa là ba đoạn của cùng một con đường dẫn đến Phật thừa. Trên quan điểm đốn ngộ, Tam thừa mỗi mỗi là Phật thừa.
Nói cách khác, trên mặt tiệm ngộ, chỗ nhất quán của Tam thừa là cả ba cùng hướng về Phật thừa. Trên mặt đốn ngộ, chỗ nh ất quán của Tam thừa là cả ba cùng một cứu cánh là thành Phật.
Tóm lại, tất cả các Phật tử, dù đang theo học ở thừa nào, đều có cùng một điểm chung: Là những người học Phật.
Thế nào là học Phật? Nói một cách dễ hiểu thì học Phật là học cách để trở thành như Phật. Phật là người đã liễu thoát sanh tử, tự tại trong tam giới, đầy đủ tam minh, lục thông, tứ trí, có vô lượng công đức, vô biên trí tuệ. Nói một cách ngắn gọn, Phật là người đã viên mãn Phật trí và Phật lực. Học Phật là học cách phát huy đầy đủ Phật lực và Phật trí nơi chính mình.
CĂN BẢN CỦA VIỆC HỌC PHẬT
Phật trí và Phật lực được hiển bày từ TRI KIẾN PHẬT. Vì thế, TRI KIẾN PHẬT là căn bản của việc học Phật. Người học Phật phải nhắm đến việc ngộ nhập tri kiến Phật. Đây cũng chính là hoài bảo của chư Phật. Nên kinh Pháp Hoa nói “Vì một đại sư nhân duyên mà chư Phật ra đời. Đó là khai, thị, ngộ, nhập tri kiến Phật”. Tất cả kinh luận của Tam thừa, dù nói ra hay không, đều nhằm tạo điều kiện khai thị, để chúng ta, mỗi người tự ngộ nhập tri kiến Phật của chính mình.
1. Vì sao tri kiến Phật là căn bản của việc học Phật?
Trong cửa phương tiện, nương nơi ngôn từ, có thể tạm diễn giải như sau :
- Tri là biết. Kiến là thấy. Tri kiến Phật là thấy biết Phật, là thấy biết như thật. Pháp (muôn vật, muôn sự) như thế nào, thấy biết y như thế ấy. Y nơi cái thấy biết đó mà hiểu thì gọi là thật trí hay Phật trí. Với thật trí, hành giả biết cách sống trong mọi lúc mọi nơi cho phù hợp với thật lý, nhờ đó Phật lực hiển bày.
- Phật là giác. Tri kiến Phật là cái thấy biết giác ngộ, là thấy biết không mê lầm. Không mê lầm mới thấy biết như thật.
- Phật là Phật tánh. Tri kiến Phật, là thấy biết lưu xuất từ tánh. Phật tánh là thật tánh của tâm. Vì tâm pháp đồng nguồn, vạn pháp đồng nhất thể, nên thật tánh của tâm cũng là thật tánh của tất cả pháp. Với tri kiến Phật, Pháp tướng là sự thị hiện của pháp tánh, tánh tướng nhất như. Thấy biết như thế là thấy biết như thật.
Lại nữa, tánh là lý tánh đại đồng. Tri kiến Phật là thấy tánh, là thấy được tổng tướng của tất cả pháp, nên gọi là Nhất thiết trí. Từ tánh chiếu soi tất cả pháp, thấy được các pháp trong từng chủng loại sai biệt nhưng luôn tương thích với lý tánh đại đồng, nên gọi là Nhất thiết chủng chủng trí. Nhất thiết trí và Nhất thiết chủng chủng trí chính là Phật trí.
2. Khai thị tri kiến Phật
Sau khi thành Đạo, đức Phật đã nói “Lạ thay! Tất cả chúng sinh đều có trí tuệ đức tướng Như Lai, chỉ vì vọng tưởng chấp trước mà không tự giải thoát được”. Đây là lời khai thị tri kiến Phật.
Trí tuệ đức tướng Như Lai là tên khác của Phật trí. Tất cả chúng sinh đều có Phật trí. Do nắm giữ (chấp) và dính mắc (trước) tướng hư vọng của tâm (vọng tương), bị các tướng cột trói trong phiền trược nên Phật trí không thể hiển được.
Do đâu mà có chấp trước? Do vô minh.
Tri kiến phát ra từ tâm, vốn là tri kiến Phật. Do vô minh mà tri kiến Phật ẩn, tri kiến chúng sinh hiện. Tri kiến chúng sinh là cái thấy biết hiện có nơi mỗi chúng ta. Tri kiến Phật đi kèm với trí tuệ Phật. Tri kiến chúng sinh đi kèm với tình thức. Vì tri kiến Phật là cái sẵn có nơi mỗi chúng sinh, nên tất cả chúng sinh đều có tri tuệ Phật.
Tác dộng của vô minh là tạo ra sự mê mờ (hoặc) trên tâm. Do mê mà thấy có tướng hiện, lại lầm tưởng tướng ấy là thực tướng của pháp, rồi sanh tâm chấp trước. Đây là nguồn gốc của sự chấp pháp. Một khi đã lầm tướng bị biết là thực tướng của pháp, thì cũng lầm cho rằng chủ thể hay biết là có thực. Đây là cội gốc của sự chấp ngã. Từ sự chấp pháp và chấp ngã mà phát sinh hai chướng phiền não và sở tri. Tri kiến Phật vốn sẵn đủ nơi tâm chúng sinh, bị hai chướng che đậy mà không hiển bày được.
Tóm lại, tâm chúng sinh vốn là tâm Phật. Do mê mà có lầm. Do lầm mà sinh chấp trước. Do chấp trước mà bị trói buộc. Do bị trói buộc mà tri kiến vốn là tri kiến Phật biến thành tri kiến chúng sinh. Trí tuệ biến thành thức tình. Từ bi biến thành ái dục. Tu hành (học Phật) là ly lìa mọi chấp trước, thoát khỏi tác động của vô minh, chuyển tri kiến chúng sinh thành tri kiến Phật. Chuyển thức thành trí. Chuyển ái thành bi. Dụng được cái dụng vi diệu của bản tánh.
Tất cả chúng sinh dù đang sống với tri kiến của chúng sinh, nhưng tri kiến Phật chưa bao giờ thiếu vắng. Vấn đề là mê hay ngộ. Một niệm nếu mê, tri kiến chúng sinh hiện. Một niệm nếu giác, tri kiến Phật hiện.
Trên phương diện tu hành, kinh luận Tam thừa luôn nhấn mạnh đến hai chữ tỉnh giác. Một niệm tỉnh giác là một niệm không mê. Không mê thì không tri kiến chúng sinh. Tri kiến không tri kiến chúng sinh là tri kiến Phật. Nếu ngay đây hành giả tức thời tỏ ngộ tri kiến Phật (đốn ngộ), mới thấy Tam thừa vốn mật truyền Phật tâm, nên nói Tam thừa mỗi mỗi là Phật thừa.
Mặt khác do vô minh đã đi cùng với chúng sinh từ vô thủy, tạo ra nhiều lớp mê lầm trên tâm. Các mê lầm này có cạn, sâu, thô, tế. Các mê lầm cạn và thô thì dễ nhận ra và dễ tiêu trừ hơn các mê lầm sâu và tế. Kinh luận của Tam thừa nhằm chỉ cho chúng sinh nhận ra các mê lầm cùng với phương cách vượt qua các mê lầm. Do tiệm tu, trừ dần các mê lầm để Phật tri kiến dần được hiển bày, nên nói tiệm ngộ.
Kinh luận được lập ra dựa trên các cấp độ mê lầm của chúng sanh mà phân thành giai cấp. Do đây mà có Tam thừa. Vượt qua một mê lầm là đạt được một sự giải thoát giác ngộ. Vượt qua một cấp độ mê lầm là tiến lên một cấp độ giải thoát giác ngộ. Đạt đến chỗ viên mãn giải thoát giác ngộ chính là thành Phật. Điểm chung của Tam thừa là cả ba đều nhằm mục đích giải thoát giác ngộ. Trên mặt tiệm tu tiệm ngộ mà nói thì cấp độ giải thoát của Tam thừa là khác nhau, nhưng lại nhất quán ở chỗ là cùng đưa chúng sinh tiến dần về chỗ giải thoát giác ngộ rốt ráo. Vì thế mà nói, Tam thừa đồng hướng đến Phật thừa.
Đến đây, chúng ta đã thấy rõ sự nhất quán của giáo lý nhà Phật trên mặt tu chứng. Câu hỏi còn lại là : Trên mặt ngôn từ nghĩa lý, giáo lý nhà Phật có sự nhất quán hay không? Câu trả là có. 
II. SỰ NHẤT QUÁN CỦA GIÁO LÝ NHÀ PHẬT TRÊN MẶT NGÔN TỪ, NGHĨA, LÝ.
Về lý, lý Duyên Khởi là cơ sở để lập ra kinh luận Tam thừa. Từ sự hình thành các danh từ, khái niệm, sự tương quan giữa các khái niệm, sự kết nối giữa các mệnh đề (phần luận lý học) đến việc lập tông - là phần nói lên chủ trương, quan điểm nòng cốt của bài kinh – mỗi mỗi đều được xây dựng dựa trên các nguyên tắc rút ra từ lý Duyên khởi. Lý duyên khởi là sợi dây xâu suốt giáo lý Tam thừa.
Về nghĩa, giáo lý Tam thừa nhằm hiển bày nghĩa không của các pháp. Với Nhị thừa, đo là sự thuyết minh về ngã không. Với Đại thừa, đó là ngã không và pháp không.
Tóm lại, trên mặt tu chứng hay trên mặt ngữ - nghĩa - lý, giáo lý nhà Phật luôn nhất quán. Sự nhất quán này dễ được nhận ra khi xem Tam thừa là sự khai triển của Phật thừa nhằm thích ứng với căn cơ của tất cả chúng sinh. Việc lập ra nhiều kinh, nhiều tông là nhằm tương ưng với nhiều loại căn cơ sai biệt của chúng sinh. Vì nhằm thích ứng với căn cơ mà thấy có sai biệt, nhưng kinh luận vẫn đồng ở diệu lý duyên khởi, vẫn đồng ở chỗ tiêu trừ nghiệp tập, ly lìa sự chấp tướng, thân chứng tâm vô tướng, và cứu cánh thành Phật.
NÓI THÊM VỀ ĐỐN TIỆM
Vì sao lại có đốn, tiệm?
Sở dĩ có đốn ngộ là do Phật tri kiến luôn sẵn đủ trên tâm chúng sinh. Có tâm là có Phật. Tâm không lìa Phật, Phật không lìa tâm. Một niệm tỉnh giác, tức tâm là Phật. Mặc dù vậy, với nhiều chúng sinh, việc đốn ngộ không phải dễ dàng. Do có sự chấp thủ từ nhiều đời, nên tâm thức chúng sinh trở nên thô thiển. Nhận thức của chúng ta là kết quả của sự chồng chất của nhiều niệm. Xét trên từng niệm, mỗi niệm chỉ có một lớp mê chứ không có nhiều lớp mê. Sự chồng chất nhiều niệm mới tạo thành nhiều lớp mê. Một niệm tỉnh giác tri kiến Phật liền hiện, nhưng bị ngay cái mê của các niệm sau che lấp nên hành giả không thể nhận ra. Vì lý do này mà phải tiệm tu để trừ dần các lớp mê, khiến tâm bớt chấp trước, trở nên linh diệu, do đó dễ dàng đốn ngộ. Bên cạnh đó, việc tiệm tu cũng làm cho các niệm mê khó sinh khởi, tri kiến Phật xuất hiện lâu hơn.
Người học Phật nên nhắm đến chỗ đốn ngộ. Nếu chưa đốn ngộ thì cứ tiệm tu. Cần hiểu rằng, việc tiệm tu là nhằm tạo điều kiện cho sự đốn ngộ.
Mọi sự chấp trước đều do nghiệp tập tạo thành. Muốn xa lìa chấp trước, phải tiêu trừ các nghiệp tập tạo ra sự chấp trước, nên tu hành cũng có nghĩa là tiêu trừ nghiệp tập. 
HT Thanh Từ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét