Thứ Ba, 25 tháng 12, 2012

Thử bàn việc học qua truyện cười dân gian "Không cần học nữa"

"Ham học" - Hot girl Nana
Chúng ta luôn chủ trương học nữa, học mãi, nhưng không hiểu sao có người lại bảo rằng không cần học nữa, thế mới lạ! Có một sự hiểu lầm chăng? 
Nếu nói rằng không cần học thì ta có thể hiểu là không cần học gì hết mà vẫn có thể sống được, làm việc được, nhưng ở đây là không cần học nữa, như vậy có thể hiểu là học đủ lắm rồi. Nói vậy không biết có đúng không? Thôi, chúng ta cứ đọc thẳng truyện cười dân gian “Không cần học nữa” sau đây ắt sẽ rõ vấn đề.
Một lão nhà giàu đã dốt lại hà tiện. Con đã lớn mà không cho đi học, sợ tốn tiền. Một ông khách thấy vậy, hỏi:
- Sao không cho thằng nhỏ đi học trường?
- Cho cháu đến trường, sợ học trò lớn bắt nạt.
- Thì rước thầy về nhà cho cháu học vậy!
- Nó chưa có trí, biết nó có học được hay không?
- Có khó gì, thầy sẽ tuỳ theo sức nó mà dạy. Nay dạy chữ nhất là một, một vạch, qua ngày mai, dạy nó chữ nhị là hai, hai vạch, qua bữa mốt, dạy nó chữ tam là ba, ba vạch, lần lần như vậy thì cháu phải biết chữ.
Khách ra về, thằng con mới bảo cha:
- Thôi, cha đừng rước thầy về tốn kém. Mấy chữ ấy con không học cũng biết rồi… Con nghe qua là đã thuộc!
Người cha bảo nó viết chữ nhất, chữ nhị, chữ tam, nó viết được cả, ông ta khen con sáng dạ, không mời thầy về nữa. Một hôm, người cha bảo nó viết chữ vạn. Nó bảo cha cứ đi sang hàng sóm mà chơi, lúc về nó viết cho xem. Đến chưa ông ta về thấy nó viết chưa xong, liền mắng:
- Viết gì mà lâu thế?
Nó thưa:
- Chữ vạn dài lắm bố ạ! Con vạch hơn nửa ngày mà mới được có năm trăm vạch thôi!
Đọc xong truyện cười trên đây, chắc chúng ta đã thốt lên rằng: “Đủ đâu mà đủ!”. Thật vậy, chuyện học biết thế nào là đủ. Người ta sinh ra là phải học, học ngay từ nhỏ, học suốt cả đời, vì đâu chỉ học một thứ mà phải học nhiều thứ, chỉ e học suốt đời mà vẫn chưa hết. Tục ngữ Trung Quốc có câu “Sống đến già, học đến già, học không hết”. Đời người có hạn nhưng tri thức thì không, nên phải lấy học tập làm sự nghiệp của cả đời người mới mong sống tốt, sống có ích cho xã hội.
Ngày xuân - ảnh Việt Nam xưa
Nhưng có phải đứa nhỏ đó không muốn học? Có lẽ không phải vậy mà có lẽ do nó nghĩ rằng học chữ cũng đơn giản như ăn, như uống, như nói, như cười, như chạy, như nhảy, vì “không học cũng biết rồi”, mới “nghe qua là đã thuộc”, nên lấy cớ rước thầy về nhà thì tốn kém để khỏi phải học: “Cha đừng rước thầy về tốn kém”. Và như ta biết, ngoài học chữ còn có học tính, học làm, học giao tiếp, v.v. Vậy việc học có thực sự đơn giản đến mức không học cũng biết? Việc này ta sẽ bàn sau, còn bây giờ xin bàn qua một chút về chuyện học với ai.
Thiết tưởng học với ai cũng được nhưng tục ngữ ta có câu “Không thầy đố mày làm nên”. Dẫu biết rằng bên cạnh câu ấy còn có câu “Học thầy không tày học bạn”, nghĩa là học với thầy không bằng học với bạn. Xét về một phương diện nào đó thì câu nói này đúng: học với bạn vui hơn, thuận lợi hơn, dễ trao đổi, dễ tiếp thu, nhưng đừng quên rằng học với bạn chẳng qua là để bổ sung việc học với thầy. Tốt hơn hết là học với thầy.
Mà việc học đâu đơn giản đến mức không học cũng biết. Khổng Tử xưa kia còn phải học. Học đâu chỉ đơn giản là tiếp nhận kiến thức mà còn phải biến kiến thức tiếp nhận được thành nhận thức của mình. Và vì có nhiều môn học rất cần đến kỹ năng nên cũng cần luyện tập kỹ năng, rồi còn phải thực hành ứng dụng nữa. Mặt khác, ông bà ta cũng thường khuyên con cháu học ăn học nói, học gói học mở. Vì ngoài mục đích để thành thạo công việc, trăm hay không bằng tay quen, thì học còn để biết đối nhân xử thế. Như vậy, học không chỉ để làm việc tốt mà còn để hoà nhập tốt với xã hội.
Rồi còn phải ghi nhớ. Đứa nhỏ kia nói: “Con nghe qua là đã thuộc!” Tốt thôi, học thì phải thuộc, phải nhớ, học mà không thuộc, không nhớ thì khó có thể gọi là học, vì chính sự nhớ mới chứng thực việc học, càng nhớ bao nhiêu càng chứng tỏ ta đã học được nhiều bấy nhiêu. Nhưng việc nhớ không đơn giản chút nào, vì có lúc phải nhớ chính xác đến từng chi tiết cụ thể, ví dụ một bài thơ hay một công thức toán học, cũng có lúc phải nhớ một cách tóm tắt, nhớ một truyện dài chẳng hạn. Nếu phải phê phán cái sự nhớ trong học tập thì có lẽ người ta cũng chỉ có thể phê phán cái nhớ máy móc, chứ không thể phê phán cái nhớ tích cực, có động não, như nhớ bằng cách tóm tắt hay đúc kết. Tóm tắt hay đúc kết, nếu tự bản thân làm lấy, là cả một quá trình làm việc công phu, khoa học, bởi không thể tóm tắt hay đúc kết thế nào cũng được mà phải có phương pháp hẳn hoi.
"Lửa hạ" - siêu mẫu đồ lót châu Âu
Nhưng phải chăng học là thu nhận kiến thức theo kiểu góp nhặt từng chút: hôm nay một chữ nhất, ngày mai một chữ nhị, ngày mốt một chữ tam? Cứ cho là như thế nhưng không thể tuỳ hứng như đi mua vé số, mua của người bán này một hai tờ, mua của người bán kia năm sáu tờ, mà phải có mục đích rõ ràng: học cái gì và để làm gì. Chính nhờ có mục đích mà người học mới biết chọn cho mình ngành học, chương trình học, môn học, phương pháp học, v.v. Học mà không mục đích thì chẳng có ích gì.
Và học đâu chỉ là góp nhặt hay làm phép cộng đơn thuần mà phải có phương pháp hẳn hoi. Nhà toán học người Đức Carl Friedrich Gauss hồi học tiểu học nhờ đã vận dụng phương pháp tư duy tổng hợp mới có thể giải nhanh một đề toán khó do thầy giáo ra. Một hôm thầy giáo bắt cả lớp của Gauss tính: 1+ 2 + 3 + 4 + … + 97 + 98 + 99 + 100 = ? Thầy giáo tưởng chắc phải khá lâu các trò trong lớp mới tìm ra đáp số, vì nếu không cẩn thận thì sẽ làm sai, mà quá cẩn thận thì sẽ mất không ít thời gian. Nhưng thật không ngờ khi thầy vừa nói xong đầu đề thì trò Gauss liền giơ tay lên cho biết là đã tìm ra đáp số, đó là: 5050. Nghe Gauss nói vậy, ai nấy đều ngạc nhiên và nghi ngờ, duy chỉ có thầy giáo mới biết đáp số đó là đúng. Thầy giáo hỏi, Gauss giải thích: em nhận thấy hễ cộng số đầu dãy và số cuối dãy lại thì sẽ có được kết quả trung gian giống nhau: 1 + 100 = 101, 2 + 99 = 101, 3 + 98 = 101, và dãy số này vừa đủ 50 cặp, như vậy kết quả tổng cộng phải là 101 x 50 = 5050. Trong quá trình giải bài toán này, Gauss đã vận dụng phương pháp tổng hợp trên cơ sở phân tích. Và chỉ có vận dụng phương pháp tư duy khoa học mới có được tư duy nhạy bén, ít tốn sức mà hiệu quả cao. Còn tốn sức gạch một vạn lần như đứa nhỏ kia làm để có chữ vạn thì đó là một phương pháp tồi, không đáng bắt chước.
Học đòi hỏi phải có tích lũy và tiến triển nhưng không thể cứ tiến triển đều đều theo kiểu gạch một gạch thì được chữ nhất, gạch hai gạch thì được chữ nhị, gạch ba gạch thì được chữ tam, rồi cứ thế mà tiếp tục, mà phải có đột biến, học một biết mười. Và học không chỉ để tăng số luợng kiến thức mà còn để tăng chất lượng kiến thức, phải biến số lượng thành chất lượng. Để viết chữ thập, người ta đâu cần tăng số lượng gạch lên mười lần mà chỉ cần hai gạch chéo, gồm một ngang và một dọc. Thế nên để viết chữ vạn người ta cũng đâu cần gạch một vạn lần làm chi cho tốn sức.
Việc học đòi hỏi phải có tích lũy kiến thức, tích lũy thường xuyên, nên cũng cần có thời gian để tích lũy, thời gian của từng giai đoạn học tập cũng như của cả một đời người.
Cuối cùng cái hay trong truyện cười “Không cần học nữa” là người cha bảo đứa con viết lại thử xem. Đó là kiểm tra. Học mà không kiểm tra thì sẽ không biết kiến thức thu nhận được tới đâu, như thế nào, đúng hay sai, cần chỉnh sửa chỗ nào, thêm bớt ra sao.v.v. Trong quá trình học cũng như cuối quá trình học đều cần có kiểm tra. Nói tóm lại, kiểm tra là cần thiết.
Với phần trình bày trên đây, chúng tôi muốn nhấn mạnh việc học không đơn giản chút nào, song nó rất có ích, nên ai nấy đều ra sức học tập, không chỉ trong sách vở hay ở nhà trường, mà cả trong cuộc sống, và học lẫn nhau.
Đọc truyện cười dân gian không chỉ để cười hay để giải trí mà còn để tư duy và khám phá… Thật quý biết bao!

Quách Duy Bình
(Một số ảnh không liên quan đến nội dung bài viết)
Tranh siêu thực của họa sĩ Leonor Fini (1908-1996).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét