Thứ Bảy, 22 tháng 12, 2012

Tổng hợp loạt bài về thời: "cởi" rồi lại... "trói"

"Tỉnh giấc" - thiếu nữ Việt Nam
Ở ta, việc nói thật, nói đúng nhiều khi còn đụng đến những húy kỵ kỳ quặc lắm. Cái này đã có từ lâu đời. Ngày xưa đi thi mà nhỡ phạm húy thì tức là phạm trường quy, thí sinh không những bị đánh trượt mà có khi còn phải vào tù. (ảnh không liên quan đến bài viết)
Nhìn thẳng vào sự thật, nói đúng sự thật sẽ có nhiều tác phẩm hay
Đại hội lần thứ VI của Đảng đề cao tinh thần phê bình, tự phê bình trong Đảng và kêu gọi nhìn thẳng vào sự thật, nói đúng sự thật. Nhà văn, theo tôi, phải quán triệt tinh thần đó trong sáng tác văn học.
Đại hội Đảng lần này vạch rõ khuyết điểm trong xây dựng kinh tế của ta thời gian qua là chủ quan, duy ý chí. Trong văn học của ta vừa qua, cũng có cái lối duy ý chí đó, vậy nên cần phải đổi mới. Đảng khuyến khích nhà văn sáng tác theo chủ nghĩa hiện thực, tức là phải phản ánh hiện thực một cách trung thực như nó đang tồn tại chứ không phải như ta mong muốn. Nói như thế không phải là không có quyền lãng mạn. Khi cần lãng mạn thì cứ lãng mạn, thậm chí còn có thể dự báo và tưởng tượng để vạch ra một thế giới viễn tưởng như Guylơ Vécnơ đã làm. Nhưng đã theo phương pháp hiện thực thì trước hết hiện thực như thế nào, nhà văn phải phản ánh đúng bản chất của nó. Vừa qua nhiều tác phẩm văn học của ta chưa làm được điều đó. Người ta đề cập cái hiện thực một chiều, chứ không phải cái hiện thực như nó đang hiện có, tôi gọi những tác phẩm đó là theo một thứ hiện thực “ảo huyền”. Tôi phải đề chữ “ảo huyền” trong hai ngoặc kép để phân biệt với cái réalisme magique (ta dịch là chủ nghĩa hiện thực huyền ảo) – một phong cách hiện thực độc đáo của tiểu thuyết Mỹ Latinh và gần đây đã phát triển trên nhiều nước. Cái hiện thực mà tôi muốn phê phán đây là một thứ hiện thực ảo, không đúng hiện thực phô (faux). Xã hội đang đấu tranh để xây dựng chủ nghĩa xã hội, đã đấu tranh thì phải có người tốt đấu tranh với người xấu mới làm bật lên cái tốt được. Vậy mà thơ văn đều nói toàn người tốt. Tôi nghĩ ngay đến năm 2000 và xa hơn nữa, vẫn còn người chưa tốt. Cáibệnh của văn thơ của ta vừa qua là chỉ mô tả những người sẽ có những việc sẽ có còn những cái đang diễn ra trước mắt thì văn thơ lại né tránh.
Đổi mới trong văn học theo tôi phải gọi sự vật đúng với cái tên của no, phải phản ánh hiện thực trong cái vẻ toàn diện, nhiều chiều, nhiều mặt của nó chứ không chỉ một chiều. Tôi phải nói ngay rằng nói đúng sự thật không phải là dễ. Vừa qua ta phản ánh vào văn học, nói về cái hay của ta thì ta cũng chưa nói được hết, còn về cái dở thì ta lại quá kiêng kỵ, nói vòng vo bên rìa cho nên văn học chưa góp phần tích cực cải tạo xã hội, cải tạo thế giới được là vì thế.
Tôi nghe nói trong Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô người ta có nói đến “quyền được sai lầm và trách nhiệm sửa chữa sai lầm” của các nhà khoa học. Trong văn học theo tôi, cũng phải cho nhà văn cái quyền được nói sự thật và chịu trách nhiệm về những điều mình phát hiện. Phải biết tin vào lương tri của nhà văn. Nhà văn phản ánh cái tiêu cực là nhằm lên án nó để hướng tới cái tích cực tốt đẹp hơn chứ không phải phê phán chỉ để phê phán, đả kích.
Ở ta, việc nói thật, nói đúng nhiều khi còn đụng đến những húy kỵ kỳ quặc lắm. Cái này đã có từ lâu đời. Ngày xưa đi thi mà nhỡ phạm húy thì tức là phạm trường quy, thí sinh không những bị đánh trượt mà có khi còn phải vào tù. Bây giờ theo tôi, cái đó cũng phải đổi mới đi. Tôi lấy ví dụ: nhân dịp Tết Trung thu vừa qua, tôi có đưa đăng báo một truyện ngắn viết cho thiếu nhi nói về sự tích trái bưởi đào, trong đó có mấy chữ Đại hội các loài chim, một cán bộ biên tập đã yêu cầu tôi bỏ mấy chữ đại hội đi vì sợ người ta liên hệ tới đại hội Đảng. Sự kiêng kỵ ấy thật kỳ quặc, và buồn cười. Tôi nghĩ nếu bài viết ấy có nội dung nhằm ám chỉ điều gì không đúng đắn thì phải bỏ cả bài đi, chứ đâu chỉ bỏ vài câu vài chữ mà một bài viết từ chỗ không trong sáng lại trở nên trong sáng được. Nhiều khi chỉ vì một vài sự húy kỵ không đâu ấy mà người biên tập làm cho nhà văn mất cả hứng thú sáng tác. Người biên tập cũng nên đổi mới lối suy nghĩ và phong cách làm việc ấy đi.
Như thế sẽ có nhiều tác phẩm hay.
Nguyễn Tuân
Một ngôi chợ ven Sài Gòn - ảnh Việt Nam xưa
Đổi mới trước hết là sự tỉnh táo…
“Đổi mới” có lẽ cũng là một cách nói. Tôi thì thích thử diễn đạt một cách khác hơn, tôi thích nói “trở lại”.
Có một lúc nào đó ta đã nhìn nhận không đúng, hành động không đúng, không đúng với hiện thực, không đúng với quy luật. Nay là trở lại chỗ đúng.
Tôi hiểu đổi mới chẳng phải là bịa ra một cái gì mới, chưa từng có, mà là trở lại nhìn nhận hiện thực sao cho tỉnh táo hơn, khách quan hơn, hiện thực hơn, hiện thực đúng như nó có, không tô vẽ, không che giấu, cũng không cắt xén. Nhìn nhận một cách tỉnh táo và dũng cảm. Và cố gắng hành động phù hợp với hiện thực đó, không định kiến, không máy móc, không giáo điều.
Tôi nghĩ rằng một trong những điều quan trọng nhất của cái ta gọi là “đổi mới” hiện nay, là sự tỉnh táo. Có lẽ tỉnh táo ngày nay cũng đang là một đặc điểm mới trong tư duy của thời đại. Tỉnh táo là dấu hiệu của trưởng thành - của từng trải, chín chắn.
Riêng trong văn học ta, tôi nghĩ những người cầm bút của chúng ta cho đến nay chắc cũng đã có sự từng trải nhất định để trở nên tỉnh táo hơn, trong nhìn nhận và phô diễn hiện thực. Cho nên tôi tin và hy vọng những tác phẩm thật sự có ích sẽ sớm ra đời.
Hiện thực - bao giờ cũng vậy, hiện nay càng như vậy - nếu ta nhìn nhận nó một cách không giản đơn và thiên kiến, một hiện thực hết sức phức tạp, đa dạng, nhiều mặt hiếu động. Có cái nổi lên trên mặt, có cái nhìn ẩn bên dưới. Có cái giả mà như thật, có cái thật mà tưởng giả. Có cái ầm ĩ, thời thượng mà lại tàn. Có cái lặng lẽ mà triển vọng, lâu bền…
Một hiện thực như vậy, muốn khai phá nó, phải tiếp cận từ nhiều phía, bằng nhiều cách. Trong nghệ thuật, rất lắm khi cách gián tiếp lại hiệu quả hơn là trực tiếp; nói xa lại hay hơn là nói gần; nói đùa lại hiệu nghiệm hơn là nói thật; nói chuyện gọi là “vụn vặt đời thường” lại có ích hơn là sự hùng hổ một mực xông vào nói chuyện quản lý, sản xuất… cho nên cần tránh cái cách “nhất bên trọng nhất bên khinh”. Cần đa dạng. Sự đa dạng trong văn học là do bởi hiện thực vốn luôn luôn phức tạp, khó hiểu, rối rắm.
Tôi cho rằng cần tin các nhà văn: họ đều muốn khám phá ra hiện thực đúng như nó có, để mà tự mình hiểu và phần nào giúp người khác cùng hiểu. Nên ủng hộ họ trên những con đường khác nhau của họ tìm đến hiện thực.
Nguyên Ngọc
"Cận cảnh" - Hot girl Nhật Bản
Văn học nghệ thuật trong đổi mới tư duy
Sự đổi mới không bao giờ tự nó đến mà phải thông qua đấu tranh. Trong những cuộc đấu tranh đó, đấu tranh đổi mới tư duy là phức tạp nhất, khó khăn nhất và lâu dài nhất, không chỉ vì quan hệ giữa nhận thức và tồn tại, mà trước tiên nó phải giải quyết một loạt quan hệ giữa người và người, nó quyết định từ mỗi con người. Con người vừa là chủ thể, vừa là đối tượng của sự đổi mới. Chính những vấn đề này là ý nghĩa của sự tồn tại của văn nghệ.
Sự đổi mới tư duy bắt đầu là một cuộc đấu tranh với chính mình và với những đồng chí của mình. Tuy vậy, cuộc đấu tranh đổi mới tư duy chủ yếu là sự vận dụng nhạy bén và chính xác phương pháp tư duy biện chứng duy vật để giải quyết các vấn đề lý luận mà thực tiễn cuộc sống đặt ra.
Để đổi mới tư duy, cần khuyến khích tranh luận, thu hút trí tuệ của các giới khoa học, của giới trí thức báo chí và văn nghệ sĩ. Ý nghĩa của văn nghệ cách mạng gắn liền với mọi sự đổi mới, và trước tiên ở đổi mới tư duy. Văn nghệ phải góp phần tích cực nhất tạo cho được một phong trào quần chúng có ý thức ủng hộ những người đi đầu trong sự đổi mới, tạo cho được một tình thế mới trong suy tư, trong tâm lý của nhân dân, một xu thế tiên phong ủng hộ cái mới chân chính. (Không phải chủ nghĩa tiên phong).
Có một số đồng chí cho rằng Đại hội lần này nói về văn học, nghệ thuật không được đậm nét bằng các đại hội trước, nhất là Đại hội IV. Tôi cho rằng Đảng ta đã nói khá nhiều và hay về văn học, nghệ thuật. Nhân dịp chào mừng Đại hội, nhà xuất bảnVăn học vừa hoàn thành hai tập sách của đồng chí Trường Chinh, kiến trúc sư chính của đường lối đó mang tên Về văn hóa và nghệ thuật. Thực tiễn mấy chục năm qua, đã chứng minh từ khi thành lập đến nay, lãnh đạo phong trào văn nghệ Việt Nam,“Đảng ta không hề mắc sai lầm về đường lối” đúng như đồng chí Trường Chinh đã khẳng định. Vấn đề hiện nay là cụ thể hóa, bổ sung và phát triển đường lối đã được đề ra từ các đại hội trước, đó là phương hướng đổi mới tư duy trong văn hóa, nghệ thuật.
Tư duy của sáng tác văn học, nghệ thuật là tư duy hình tượng, nó không giống tư duy khoa học và lý luận. Đó là tính đặc thù của tư duy theo những đặc điểm của loại hình, nhưng về cơ bản, nó cũng phải xuất phát từ tư duy biện chứng mác-xít, không thể khác được. Cái khó của văn học và nghệ thuật là thực hiện đúng chức năng của mình và sự đánh giá của người đời đối với nó. Chuẩn mực của văn nghệ vừa cụ thể vừa trừu tượng, muôn màu muôn vẻ, cuộc đời như thế nào thì văn nghệ như thế ấy, tác giả là chủ thể của tác phẩm, người đọc, người xem cũng lại là một chủ thể khác - sự nhận thức, sự cảm thụ của mỗi người trên tác phẩm. Do đó các nhà lý luận tư sản, và các nhà văn nghệ chán đời thường hay “thần bí hóa” công việc của văn nghệ, đặt cho mình một thế giới riêng. Theo tôi, để làm công việc của mình, văn nghệ sĩ cần nắm và mài sắc tư duy biện chứng cùng những phương pháp tư duy khác bổ sung cho nó, vì tư duy biện chứng và lịch sử (duy vật) là thực chất của phương pháp hiện thực xã hội chủ nghĩa.
Văn nghệ là “từ con người để đi đến con người”, con người là đối tượng, là mục tiêu. Ngày nay, yêu cầu của sáng tạo nghệ thuật là phải đi sâu vào tâm lý xã hội, và mang được chất trí tuệ sâu sắc, nó vừa hình tượng vừa chính luận, có khi chính luận lại nổi lên như là khuynh hướng chủ yếu. Vì thời đại ngày nay đã mở rộng rất nhiều cho khả năng tư duy của nghệ thuật, mở rộng rất nhiều con đường cho văn nghệ đến với quần chúng một cách không thụ động chờ đợi cái có sẵn mà tác giả đưa đến. Vì cuộc đấu tranh giai cấp gay gắt trên mọi phương diện, đặc biệt trong những chố gắng của loài người đấu tranh cho hòa bình và hiểu biết lẫn nhau. Báo cáo Chính trị nêu rõ: “Không có hình thái tư tưởng nào có thể thay thế được văn học và nghệ thuật trong việc tác động sâu sắc vào việc đổi mới nếp nghĩ, nếp sống của con người trong quá trình phát triển của cách mạng”, Đại hội đã giao cho văn nghệ tham gia vào đổi mới tư duy, đổi mới lối sống là nhiệm vụ cao quý và cấp thiết nhất trước mắt và cả thời kỳ quá độ. Để làm nhiệm vụ đó tất yếu là sự đổi mới ấy phải bắt đầu từ văn nghệ sĩ. Trách nhiệm của văn nghệ sĩ không chỉ dừng ở nhiệm vụ phản ánh trung thực những gì mình nhận thức được, hoặc ở lòng mong muốn mang lại những điều từ bài học đã có sẵn mà, cao hơn nữa, phải vươn lên trước công chúng của mình, dự đoán được những điều công chúng mong đợi. Tinh thần trách nhiệm không đủ nữa, mà còn ở hiểu biết, ở tính ngạy cảm - một đức tính chỉ có thể có được với một vốn sống dồi dào, với những kinh nghiệm phong phú trong cuộc đời. Nghệ sĩ phải trực tiếp đối thoại, tâm sự với đối tượng thưởng thức của mình, khêu gợi, thúc đẩy họ cùng suy nghĩ và hành động, đóng góp vào quá trình nhận thức và hoàn thiện xã hội cũng như bản thân. Nói như Aragon, nhà thơ cộng sản Pháp: “Sự thật có bộ mặt giai cấp của nó, ở đó cái thực không phải là mục đích, mà là một công cụ của sự biến đổi cách mạng của bản thân nó”. Không ai khác ngoài nghệ sĩ và công chúng thưởng thức tạo nên sức mạnh cải tạo của nghệ thuật. Sức mạnh ấy ở bản thân tác phẩm, ở ngay bản thân nhận thức của công chúng. Để tạo nên sức mạnh đó, trước tiên nghệ sĩ phải có sức hướng tới sự biển đổi cách mạng cho hiện thực cuộc sống và bản thân người thưởng thức. Do đó, sức chiến đấu, trách nhiệm của văn nghệ sĩ xã hội chủ nghĩa trước nhiệm vụ xây dựng con người mới không thể dừng lại ở những vấn đề thiện - ác, tốt - xấu, tích cực - tiêu cực, mà vượt lên khỏi sự thông thường đó với tinh thần phê phán và cách mạng của tư duy mác - xít. Làm văn nghệ sĩ xã hội chủ nghĩa ở giai đoạn mới này của cách mạng Việt Nam đòi hỏi phải vượt mình, kể cả sự vượt mình trong đời sống hàng ngày. Vượt mình trước hết là vật lộn với chính mình, chống cái cũ và vươn tới cái mới, tự nó không thể là “sự tự nhận thức” mà trái lại công khai bộc lộ được mình, công khai thử thách trong cuộc đấu tranh ngoài xã hội bằng tác phẩm, và trong cuộc đấu tranh đó, trong cuộc đối thoại với cuộc sống, với quần chúng mà hiểu mình, rèn luyện và bồi dưỡng mình. Văn nghệ sĩ phải là người đi đầu trong sự phát biểu công khai có ý thức, có suy ngẫm, là “người phát ngôn của thời đại”. Mấy năm qua, trong văn học và nghệ thuật đã bắt đầu có xu thế đi thẳng vào những vấn đề nóng bỏng của cuộc sống, trực tiếp đối thoại với đối tượng của mình, nhưng có lúc, có nơi đã bị những quan niệm thẩm mỹ lỗi thời, những thiên kiến quá lâu ngày cản trở. Vì vậy tôi hoàn toàn tâm đắc với chủ trương mà Báo cáo Chính trị nêu lên: “Nâng cao trình độ lãnh đạo văn hóa, văn nghệ của cán bộ quản lý các cấp cho phù hợp với đặc thù và yêu cầu phát triển của văn hóa, văn nghệ: chống lối gò ép không buông lỏng”. Tôi cho rằng cần khuyến khích thảo luận và tranh luận, thì mới có đà cho đổi mới tư duy. Từ trước tới nay tự nhiên hình thành một khuynh hướng gần như thống trị và tạo nên một thói quen là ca ngợi một chiều, “trang điểm” cho hiện thực (tôi không muốn dùng chữ “tô hồng” vì nó không chính xác), nhất là đối với nhân vật lãnh đạo. Nhân vật lãnh đạo bị phê phán trong tác phẩm trước đây thường dừng ở cán bộ lãnh đạo cơ sở, huyện, mà nói chung cũng chỉ động đến chức “phó”, tuy vậy người viết còn sợ, nên đã phê phán anh “phó” thì phải đề cao anh “chánh”. Mấy năm nay đã bắt đầu có sự phá vỡ tình trạng trên, nhưng cũng mới là bắt đầu, và chưa sâu sắc. Ấy thế mà cũng đã có sự phản ứng, có khi sự phản ứng khá quyết liệt. Do hoàn cảnh tiến hành chiến tranh cách mạng, chống một kẻ thù ác độc và mạnh hơn mình nhiều lần, nên trong xã hội ta có một nếp nghĩ, một cách thưởng thức khá bền vững là coi trọng trên hết những mẫu người trọn vẹn, những nhân vật lý tưởng, tập trung những nét cao đẹp của con người trong cuộc đấu tranh sống còn với kẻ thù xâm lược. Điều đó hoàn toàn đúng đắn trong những thử thách ác liệt, khi cả một dân tộc phải trở thành anh hùng, khi toàn bộ cuộc sống là sự mất còn của đất nước, khi ca ngợi tình yêu đôi lứa cũng bị coi như là một việc bất nhẫn. Những hình tượng ấy vẫn còn cần thiết cho ngày hôm nay và mãi mãi về sau. Nhưng nhu cầu nghệ thuật của xã hội đã khác và rất đa dạng. Tuy có sự đe dọa của chiến tranh, nhưng về cơ bản xã hội đã trở lại cuộc sống bình thường, con người trở lại trạng thái tự nhiên với những nhu cầu phát triển trọn vẹn của nó. Ngày nay, quần chúng yêu cầu hiện thực được miêu tả với các chiều, những nhân vật phải được miêu tả với chiều sâu tâm lý xã hội, chiều sâu tình cảm và trí tuệ. Quần chúng không chỉ bắt chước, học theo nhân vật, mà còn muốn tranh luận với nhân vật, với tác giả để cùng tìm chân lý. Do đó có nhân vật trở nên phức tạp, chứa đầy mâu thuẫn, kể cả nhân vật anh hùng, văn chương trở nên gồ ghề, gai góc, ngang bướng. Cuộc sống phải được thể hiện đúng như nó đang diễn ra, đồng thời văn nghệ hiện thực xã hội chủ nghĩa, bằng chức năng và ưu thế của mình, lại phải soi rọi, lý giải, chỉ rõ xu thế phát triển của nó. Tác giả phải bàn luận, đấu tranh với quần chúng thưởng thức của mình, tiếp thêm nghị lực cho họ trong cuộc sống đầy mâu thuẫn hiện nay, gợi thêm cho họ những suy nghĩ mới mẻ để tự họ hoàn thiện nhân cách và bản lĩnh. Chỉ có như vậy mới đúng với tinh thần của Đại hội: “Tính chân thực, tính tư tưởng và tính nghệ thuật bao giờ cũng là tiêu chuẩn của giá trị tác phẩm hiện thực xã hội chủ nghĩa”.
***
Đổi mới tư duy là yêu cầu cấp thiết nhưng là một quá trình vừa phê phán vừa khẳng định, vừa khẳng định vừa phê phán, mục tiêu là khẳng định. Đó là một cuộc vận động phê phán và cách mạng không ngừng mang âm hưởng chủ nghĩa anh hùng của thời đại. Như Mác nói: “Phép biện chứng (duy vật) về bản chất mang tính phê phán và cách mạng, phép biện chứng không chịu khuất phục trước một cái gì”. Những người làm công tác văn hóa, văn nghệ hơn bao giờ hết đề cao chức trách “người phát ngôn của thời đại”, bằng hoạt động, bằng tác phẩm có chất lượng, biến Nghị quyết Đại hội, thành thực tiễn đời sống theo hướng đổi mới mà Đại hội đã mở ra.
Hà Xuân Trường
"Bar" - tranh của họa sĩ Graaf
Suy nghĩ về đổi mới trong công tác văn hóa nghệ thuật
Tôi nghĩ rằng vấn đề đổi mới tư duy mà Báo cáo Chính trị và Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ VI đã nhấn mạnh nhiều lần, vấn đề ấy quán triệt mọi lĩnh vực xã hội, chứ không riêng trong lĩnh vực kinh tế.
Đối mới là đổi từ nhận thức chưa đúng đến nhận thức đúng, từ nhận thức chưa đầy đủ đến nhận thức đầy đủ hơn. Đổi mới cũng có thể từ nhận thức đúng mà thực hiện sai, đổi thành nhận thức đúng đồng thời triển khai đúng. Hoạt động đúng trong từng bộ phận mà phối hợp xộc xệch, thiếu đồng bộ, thậm chí thiếu ý thức kết hợp nhịp nhàng với các bộ phận có liên quan, cũng cần đổi mới tư duy để nhận thức đúng đắn về yêu cầu đồng bộ, nhịp nhàng, có tính kế hoạch, luôn luôn vươn lên hiệu quả cao nhất, chất lượng tốt nhất trong mọi hoạt động cách mạng xã hội chủ nghĩa. Hoạt động nghệ thuật là một mặt quan trọng của cách mạng xã hội chủ nghĩa cho nên cũng cần có những đổi mới thích đáng.
Văn nghệ sĩ nói chung nhạy bén phát hiện sớm những chuyển biến mới trong xã hội và trong thời đại. Nhưng người văn nghệ sĩ xã hội chủ nghĩa bao giờ cũng có ý thức hòa nhịp tim mình với tim của nhân dân, bao giờ cũng vươn mình lên đón ánh sáng của Đảng để nhận rõ lối đi đúng đắn nhất, chủ động đón trước, thậm chí góp phần tạo tiền đề cho con người và xã hội chuyển biến.
Lao động nghệ thuật là một hoạt động cá thể, song nội dung nghệ thuật là hiện thực của cuộc sống sinh động. Sáng tác là phản ánh hiện thực nhìn qua lăng kính của tâm hồn mình, còn biểu diễn là tái tạo lại hiện thực ấy mà cũng qua lăng kính tâm hồn nghệ sĩ biểu diễn. Đông đảo quần chúng hưởng thụ theo trình độ nhận thức của mình về hình thức tác phẩm và theo trạng thái tâm hồn của mình về nội dung nghệ thuật, qua đó mà tiếp nhận bức thông điệp chuyển tải trong tác phẩm và rung động cùng tần số với người sáng tác và người biểu diễn. Nghệ sĩ Việt Nam sáng tác cho nghệ sĩ Việt Nam biểu hiện, và nghệ sĩ Việt Nam thể hiện là cho công chúng Việt Nam thưởng thức. Sự đồng bộ giữa ba khâu sáng tạo này sẽ đảm bảo cho một sự cộng hưởng chan hòa trong hoạt động nghệ thuật. Bức thông điệp ấy nếu dễ lĩnh hội, tần số ấy nếu dễ cộng hưởng, thì nội dung tư tưởng sẽ dễ biến thành hành động cụ thể và sức mạnh vật chất, từ trong công chúng sẽ xuất hiện nhiều con người mới xã hội chủ nghĩa, trong xã hội sẽ hình thành nhanh chóng nếp sống mới xã hội chủ nghĩa. Được như vậy thì tác phẩm đáng gọi là thành công, và nghệ sĩ đáng tặng những danh hiệu vinh dự nhà nước cao quý nhất.
Trong Đại hội VI, nhiều ý nghĩ nồng nhiệt đã giao thoa với nhau, từ đáy lòng đã dâng lên nhiều ước mơ táo bạo, nhiều sáng kiến sắc sảo. Tôi tâm đắc nhất với khẩu hiệu - cũ mà vẫn mới - “lấy dân làm gốc”. Nhân dân ta vốn là một nhân dân có truyền thống văn hóa và có ý chí cách mạng. Tôi nghĩ rằng người nghệ sĩ sáng tác xã hội chủ nghĩa cần hiểu rõ hơn nữa để kế thừa tốt hơn nữa truyền thống văn hóa dân tộc, lấy đó làm xuất phát điểm cho sáng tạo mới, và đồng thời cần phát huy ý chí cách mạng truyền thống để nhận rõ phương hướng tiến lên hiện đại. Nắm vững các sắc thái truyền thống dân tộc, bám chắc vị trí dân tộc, phóng tầm mắt hướng lên chủ nghĩa xã hội, người văn nghệ sĩ dễ phân biệt hơn đâu là di sản dân tộc mà còn tác dụng với đời sống trước mắt, đâu là cái mới phát triển từ dân tộc mà ra, đâu là tinh hoa đáng học tập của nhân loại, và đâu là mớ hàng dởm mà chủ nghĩa thực dân cũ và mới đã và đang gieo rắc với những biện pháp quảng cáo lòe loẹt và ầm ĩ nhất. Có thế, mới tránh được sự nhầm lẫn giữa cái mới chân chính của dân tộc và cái mạo nhận là mới, mà không ít bạn đã vô tình tiếp tay phổ biến giúp cho kẻ địch.
Qua Đại hội VI, tôi tâm đắc hơn nữa về tính liên tục giữa hoạt động giáo dục và hoạt động văn hóa. Bác Hồ đã từng dạy rằng muốn đề cao thì phải có cái đế. Giáo dục phổ thông, là nền tảng của văn hóa dân tộc, chính ngành giáo dục có chức năng xây dựng cái nền tảng ấy để làm cơ sở cho ngành văn hóa nâng cao lên hơn nữa. Ngành giáo dục xây dựng đại trà từ bước đầu ở lớp mầm non lên cấp phổ thông. Ngành văn hóa nâng cao chất lượng văn hóa nghệ thuật chuyên nghiệp, với các thế hệ văn nghệ sĩ chuyên nghiệp, đồng thời nâng cao chất lượng văn hóa đại chúng, với các nòng cốt nghệ thuật rải rác trong nhân dân. Hai sự nâng cao ấy đều bắt đầu từ cái đế, cái nền tảng do ngành giáo dục đáng lẽ xây dựng đại trà và liên tục trong nhiều thập kỷ. Hiện nay cái đế ấy, cái nền tảng ấy chưa xây dựng đồng đều, mầm tài năng còn xuất hiện ngẫu nhiên, do phấn đấu lẻ tẻ hơn là do quy luật kết tinh lên theo hình chóp nón, do chắt chiu mọi năng khiếu xuất hiện trong tuổi trẻ.
Rất may mắn là Đại hội VI đã quan tâm đến các mặt công tác ấy, điểm thành công cũng như chưa thành công! Đại hội VI đã bế mạc thắng lợi. Nay đến phần chúng ta, những người nghiên cứu, sáng tạo, biểu diễn, đào tạo trong lĩnh vực văn hóa giáo dục, chúng ta cần đem hết nhiệt tình, chung sức chung lòng góp phần xây dựng lâu dài văn hóa nghệ thuật của tổ quốc Việt Nam hiện đại mang tính chất dân tộc đậm đà và nội dung xã hội chủ nghĩa sâu sắc…
Lưu Hữu Phước
(Nguồn: Văn nghệ, Hà Nội, số 1 (3-1-1987).Rút từ chuyên đề tư liệu “Đời sống văn nghệ thời đầu đổi mới” do 2 nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân và Nguyễn Thị Bình sưu tầm, biên soạn).
"Bóng đè" - siêu mẫu nội y châu Âu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét