Thứ Sáu, 30 tháng 8, 2013

Dù chưa chết, sự hiểu biết về thân trung ấm có giá trị như thế nào?

Những người chuyên tu thiền định, hoặc niệm Phật đến trình độ nhất tâm, thần thức có thể xuất ly tam giới hay sinh về cõi Trời, hễ những vị đó chết là thần thức lập tức siêu sinh.
A. Thuyết minh về thân trung ấm:
Nếu đã chết, trạng thái tâm đi vào thân trung ấm, dù có nói năng thế nào đi chăng nữa, nhĩ căn cũng không nghe được, vì không đồng cảnh giới; thế nên phải nói lúc còn thân sinh hữu (chưa chết) để những sinh hữu khác cùng nghe, có sự hiểu biết để hành xử cho đúng về lý lẫn sự để khi bỏ thân sinh hữu nầy, trung ấm thân tái sinh vào các cảnh giới thù thắng hơn mà thân sinh hữu ước nguyện như sinh về cõi Cực Lạc của Đức Phật A Di Đà.
B. Lược đồ ba thân:
Tiền ấm khi thân tứ đại còn sinh hoạt. Thí dụ: Khởi điểm ở A. Từ A à B là một đời sống. Trung ấm khi thân nầy lâm vào trạng thái chết.
Thí dụ:
Khởi điểm ở B à C
Hậu ấm trạng thái tâm thức chưa nhập vào thai đời sau.
C. Trạng thái khi bốn đại phân ly:
1) Trạng thái địa đại lấn áp thủy đại:
Toàn thân người đều cảm giác nặng nề, mỏi mệt lấn áp vào toàn tạng phủ cho đến các lóng đốt lẫn đến từng tế bào, nỗi đau đớn áp bức gây chướng ngại không sao tả được, thể hiện qua chân tay co rút, gân mạch run rẩy, đó là trạng thái địa đại lấn áp thủy đại.
2) Trạng thái thủy đại lấn áp hỏa đại:
Hơi lạnh truyền khắp trong thân thể rồi thấm vào cốt tủy, nội tạng rung động, gan ruột đều giá lạnh, dù cho lửa lò cũng không trừ được. Dù nằm trên băng tuyết nỗi lạnh không bằng một phần trong muôn phần của trạng thái thủy đại lấn áp hỏa đại, bệnh nhân nhan sắc nhợt nhạt, hơi thở khò khè, thân mình run rẩy.
3) Trạng thái hỏa đại lấn áp phong đại:
Lúc đó sinh cơ lui mất hơn phân nửa, sức chống chọi giảm rất nhanh, khổ lại tăng lên càng nhiều, trong ngũ tạng ngoài tứ chi, khác nào nung nướng từng lóng đốt như bị cắt chặt đau đớn quá nên cứng đơ như thẻ gỗ.
Khi đó nét mặt ửng đỏ, tinh thần tối tăm, hơi thở ra thì nhiều, hít vào thì ít. Đó là trạng thái hỏa đại lấn áp phong đại.
4) Trạng thái phong đại phân ly:
Lúc đó thân thể người bệnh bỗng nhiên cảm thọ một thứ gió mãnh liệt thổi bạt thân thể tan nát như vi trần, hết sức đau đớn rã rời. Khi ấy bốn đại phân ly, sáu căn bại hoại, chỉ còn nghiệp thức tùy theo nghiệp lực đã tạo tác lúc còn sống mà thọ sanh.
Nếu được sanh vào cõi Tịnh Độ ở Phương Tây, thì nhờ oai thần của Phật A Di Đà và Thánh Chúng đến tiếp dẫn. Điều cần tránh là gia nhân và quyến thuộc phải dè dặt chớ khóc lóc rộn ràng, như thế làm cho thần thức người chết bị tình thương lôi cuốn, tham đắm vào cảnh thế gian chướng ngại cho sự vãng sanh. Vì thế nên để yên thi thể sau khi tắt thở tối thiểu là tám tiếng đồng hồ rồi sẽ làm những việc cần thiết như chùi rửa, thay đổi áo quần hoặc làm các thủ tục nhập liệm. Nếu động than thể người mất quá sớm, thức chưa ra khỏi thân, bị xúc động phải cảm thọ sự đau đớn mà sinh ra sân hận phải đọa vào ác đạo.
Mặt khác, nên xét kỹ lúc sinh thời (hữu) của người chết, tuy tin Phật, nhưng giải đãi trong việc tu tập, tín nguyện chưa thâm thiết, nghiệp chướng nặng nề, khi lâm chung bị mê mờ, tức là hiểu được người đó chưa được vãng sanh. Nên mời các vị thiện tri thức tu Tịnh Độ Tôn đối trước thi thể của người chết vì vong linh mà khai thị:
"Nguyện ... nếu đạo hữu đến trên mặt nước hay trước bức gương mà soi thì sẽ không thấy được diện tượng của đạo hữu hiện vào nữa, vì thân trung ấm đã rời sắc thân tứ đại do huyết nhục tạo nên trong nhân gian. Đạo hữu nên biết, khi đã vào giai đoạn Trung Ấm Thân, chỉ có một điều cần thiết là: "Không nên nhớ nghĩ việc gì nữa chỉ nên chuyên tâm niệm Phật A Di Đà và Bồ Tát Quán Thế Âm đến cứu độ. Khi đó Đức Phật và Bồ Tát sẽ cảm ứng mà đến. Mong đạo hữu phải khéo tự phát ý niệm Phật.’’
Thân Trung Ấm sẽ cảm thọ các hào quang như sau:
Ánh sáng của đạo Trời thì hơi Trắng
Ánh sáng của đạo Người thì hơi Vàng
Ánh sáng của đạo A Tu La thì hơi Lục
Ánh sáng của đạo Ngạ Quỷ thì hơi Đỏ
Ánh sáng của đạo Súc Sanh thì hơi Xanh
Ánh sáng của đạo Địa Ngục thì như khói Đen
Ánh sáng của lục đạo dịu dàng dễ chịu, nhưng không nên tham đắm, cần phải tránh xa. Nên chăm lòng thành kính niệm Phật A Di Đà và Bồ Tát Quán Thế Âm. Phải bỏ cái dễ đi đến cái khó, không nên khiếp nhược, phải đi đến chỗ hào quang mãnh liệt của chư Phật, hào quang (ân huệ, giải thoát, vượt phàm thành thánh), nếu đem toàn thân vào trong đó, tức bước lên cõi Phật thường an vui, xa lìa nỗi khổ não đắm chìm trong lục đạo.
1. Những người chuyên tu thiền định, hoặc niệm Phật đến trình độ nhất tâm, thần thức có thể xuất ly tam giới hay sinh về cõi Trời, hễ những vị đó chết là thần thức lập tức siêu sinh.
2. Những người tu mười thiện nghiệp giữ năm giới, trung hiếu nhân nghĩa, cứu người giúp đời, thì khi chết trực tiếp sanh về cõi trời cõi người ngay, mà không ở trong trạng thái chần chờ.
3. Những người rất gian ác nham hiểm vừa tắt hơi thở là liền bị sanh vào ba đường ác là địa ngục, ngạ quỷ và súc sanh tức thì.
4. Ngoài ba hạng người vừa kể còn tất cả đều trải qua trạng thái chần chờ do dự, giai đoạn chần chờ thần thức rời khỏi thân cũ đến khi thọ thân mới khoảng thời gian nầy gọi là Thân Trung Ấm.
5. Thân Trung Ấm cảm thọ các cảnh giới sau:
• Cảm thấy một cái hồ có nhiều loại chim say đắm an vui mà xao lãng chỗ tấn tu, không nên thọ sanh vào. Đó là: Đông thắng thần châu
• Cảm thấy hiện ra cung điện huy hoàng, nên sanh về châu nầy vì có Phật pháp lưu hành. Đó là: Nam thiện bội châu
• Cảm thấy một cái hồ, hai bên bờ hồ có trâu gặm cỏ, vì sự giàu có ở châu nầy làm tăng trưởng tham tâm, không nên thọ sanh vào. Đó là: Tây ngưu hóa châu
• Cảm thấy một cái hồ trên bờ hồ có súc vật và cây cối, không nên thọ sanh vào, vì không có Phật pháp lưu hành. Đó là: Bắc cu lô châu
Nếu hành giả tu nhân giải thoát tức vô lậu thiện nghiệp, sau khi chết thần thức sẽ sinh về các cõi Tịnh Độ, không còn sự chi phối ràng buộc của tam giới. Cận tử nghiệp có tính cách quyết định ưu tiên cho việc thọ báo, đây là một điều tối ư quan trọng, chúng ta không nên xem thường điều cứu độ Thân Trung Ấm.
D. Hành giả muốn siêu tiến lúc lâm chung, chủ yếu lúc còn sống việc tu niệm cần đạt được nhất tâm:
Nhờ vào công phu tu tập của mình khi còn sống để cầu giải thoát thì dễ, ngược lại dựa vào sự siêu tiến cầu nguyện của thân thuộc sau khi chết để mong siêu phàm nhập thánh thời khó. Công phu tu niệm của đương sự thuộc đẳng lưu nhân quả, việc cầu nguyện của thân nhân chỉ là tăng thượng nhân quả mà thôi.
Phần đông thần thức của Thân Sinh Ấm, rời trải qua Trung Ấm Thân để chờ việc thọ sanh, nhanh hay chậm là tùy theo nghiệp lực và nghiệp thức mỗi Thân Trung Ấm không đồng nhau.
Tóm lại, nếu mọi người đều hiểu biết rõ ràng các trạng thái cảm thọ của Thân Trung Ấm thời lợi lạc không thể lường, vì hành xử đúng cách Trung Ấm Thân không gây sân hận, nên không bị đọa lạc, mà còn được sự hộ niệm trợ duyên cho Trung Ấm thân được tăng thượng duyên trong việc thọ sanh vào cõi Tịnh Độ thì quý hóa vô lường.
Đại Đức Thích Phước Nhân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét