Thứ Năm, 29 tháng 8, 2013

Mê tín dị đoan - cấm hay không?

Ngày xưa, thầy bói phải xem giấu xem giếm, thỉnh thoảng lại bị mời ra UBND phường hay xã để nhắc nhở, không ít ông bị đưa đi giáo dục cải tạo. Bây giờ, nhiều thầy bói ngang nhiên hoạt động, kéo theo vô số dịch vụ ăn theo mà chính quyền làm ngơ(?). Có thể nói, chưa bao giờ hoạt động mang tính mê tín dị đoan lại thả sức tung hoành, thậm chí được cổ suý dưới nhiều hình thức như hiện nay.
Câu hỏi trên đã có sẵn câu trả lời - đương nhiên là cấm! Tuy nhiên thực tế rất khó cấm, bởi một trong những nguyên nhân căn bản là chưa có quy định thống nhất các hành vi được xác định là mê tín dị đoan.
Khi cấm khi không
Hồi còn nhỏ, tôi rất thích theo mẹ đến lễ ở điện thờ của một gia đình ông thầy cúng, mà quê tôi gọi là ông Thống vào hai ngày trong năm là tết Đoan Ngọ (5-5 ÂL) và tết Trùng Thập (10-10 ÂL). Điện thờ có tượng Phật như một ngôi chùa nhỏ, lễ xong được phát lộc là một phẩm oản nếp, một quả chuối… Mấy năm sau, chính quyền bắt gia đình này không được thờ cúng nữa, bao nhiêu tượng Phật mang hết ra chùa. Thế là chùa có thêm những pho tượng trùng lặp. Họ giải thích rằng, cúng bái như thế là mê tín dị đoan. Dăm năm sau, gia đình ông Thống lại ra chùa rước Phật về. Điện thờ nhà ông ấy bây giờ sầm uất hơn xưa.
Trước đây, vàng mã là mặt hàng biểu hiện rõ nhất của tệ mê tín dị đoan nên cả người làm, người bán, người mua đều phải giấu giếm. Nhà anh bạn tôi ở phố Hàng Mã luôn luôn giấu hàng tận gác sâu trong nhà, khi có khách mới dẫn vào lấy hàng. Mua xong phải gói kín, trông trước trông sau mới dám ra đường… Bây giờ ngược lại, hàng mã bày bán công khai với nhiều mặt hàng phong phú hơn xưa gấp bội, từ mũ mão, voi ngựa truyền thống đến tivi, tủ lạnh, ôtô, ngoại tệ mạnh... Người ta thấy rõ nhất sự “thịnh vượng” của vàng mã ở Đền Bà Chúa Kho (Bắc Ninh). Mỗi ngày có hàng ngàn lượt người đến cúng vái ở đấy, nhóm nào cũng đội một mâm vàng mã vàng rực, với giá ít thì vài trăm, nhiều thì vài triệu đồng. Lò thiêu vàng mã rừng rực cháy, đốt ra than mỗi ngày hàng chục triệu, vào đầu năm hay cuối năm thì có lẽ đến cả trăm triệu đồng. 
Có báo còn đưa tin, có bà giám đốc đi trả lễ cuối năm đã thuê xe tải chở đủ 5 tỷ đồng tiền “polymer âm phủ” trả cả gốc lẫn lãi cho khoản vay miệng 2 tỷ. Bài báo cho biết: “Cách đây 7 năm, Bộ Văn hóa - Thông tin đưa ra con số khoảng 50.000 tấn vàng mã được sử dụng trong một năm. Riêng tại Hà Nội, 400 tỷ đồng mỗi năm được tiêu tốn cho việc đốt vàng mã. Việc đốt “tiền giống y như thật”, kỳ lạ là đã trở thành “mốt” trong thời gian gần đây, trong đó, vị trí tờ polymer vàng mã đã được ưa chuộng còn hơn là tờ USD, hay tờ euro âm phủ”.
Bói toán cũng vậy, ngày xưa thầy bói phải xem giấu, thỉnh thoảng lại bị mời ra UBND để nhắc nhở, không ít ông bị đưa đi cải tạo thì bây giờ nhiều thầy bói ngang nhiên hoạt động, kéo theo vô số dịch vụ ăn theo mà chính quyền làm ngơ (?) Có thể nói chưa bao giờ hoạt động mang tính mê tín dị đoan lại thả sức tung hoành, thậm chí được cổ suý dưới nhiều hình thức như hiện nay. 
Có cấm hay không?
Điều 8 Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo quy định về một số hành vi bị cấm gồm “không được phân biệt đối xử vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo; vi phạm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân; không được lợi dụng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo để phá hoại hoà bình, độc lập, thống nhất đất nước; kích động bạo lực hoặc tuyên truyền chiến tranh, tuyên truyền trái với pháp luật, chính sách của Nhà nước; chia rẽ nhân dân, chia rẽ các dân tộc, chia rẽ tôn giáo; gây rối trật tự công cộng, xâm hại đến tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự, tài sản của người khác, cản trở việc thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân; hoạt động mê tín dị đoan và thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật khác”. Như vậy, “hoạt động mê tín dị đoan” là hành vi bị cấm.
Nghị định số 22/2005/NĐ-CP hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh này cũng quy định tương tự, ghi rõ: “Nghiêm cấm việc ép buộc công dân theo đạo, bỏ đạo hoặc lợi dụng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo để phá hoại hòa bình, độc lập, thống nhất đất nước; kích động bạo lực hoặc tuyên truyền chiến tranh, tuyên truyền trái với pháp luật, chính sách của Nhà nước…, hoạt động mê tín dị đoan và thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật khác. Mọi hành vi vi phạm đều bị xử lý theo quy định của pháp luật”.
Như vậy, Nhà nước nghiêm cấm các hoạt động mê tín dị đoan, coi mê tín dị đoan là hành vi vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, điều đáng nói là cả hai văn bản trên đều không có quy định thế nào là hành vi mê tín dị đoan. “Hoạt động mê tín dị đoan” là một khái niệm rỗng nên quy định cấm này không đi vào cuộc sống. Chính vì vậy, có thể nói hoạt động ngăn chặn, xử lý các hành vi mê tín dị đoạn hiện nay bị bỏ lửng, hay nói cách khác là rất khó khăn, dẫn đến các hiện tượng một thời bị ngăn cấm triệt để như bói toán, đồng cốt, vàng mã, gọi hồn, chữa bệnh bằng “tàn hương nước cúng”… nảy nở như nấm sau mưa. Đã không ít nạn nhân của tệ mê tín dị đoan bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản, bị xâm hại thậm chí thiệt mạng, gây bức xúc trong dư luận.
Vấn đề đặt ra là phải có quy định rõ ràng, cụ thể về những hành vi mê tín dị đoan để làm căn cứ ngăn ngừa, xử lý. Sau đó, cần có quy định ngăn chặn mê tín dị đoan đối với các cơ quan, công sở và đội ngũ cán bộ công chức để làm gương cho người dân.
Thái Bảo

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét