Chủ Nhật, 25 tháng 8, 2013

Phật giáo và vấn đề mê tín ở Việt Nam

Phật giáo là yếu tố giới hạn mê tín, không cho nó phát triển lên đến các cung bậc, tầng nấc nguy hiểm. Phật giáo đúng với tư tưởng của đức Phật càng phát triển thì mê tín càng bị đẩy lùi.

Ở Việt Nam, một số người vẫn nghĩ mê tín thường có liên hệ với Phật giáo.
Mê tín thường đi đôi với cây nhang. Đàng sau cây nhang đó không phải chư Phật, chư Bồ tát, anh hùng dân tộc, ông bà, cha mẹ, người thân đã quá vãng, mà là con cọp, con ngựa… là mê tín dị đoan đã đành.
Nhưng nhiều khi, phía sau cây nhang là hình tượng của chư Phật, chư Bồ Tát, chuyện mê tín có thể diễn ra. Người ta xin xăm, bói quẻ, coi hướng bếp, hướng giường, lên đồng, coi ngày tháng, cầu tàn nhang, nước thải… ngay dưới hình tượng chư Phật, chư Bồ tát sau khi đốt hương khấn vái.
Một số nhà sư không dành nhiều thời gian để tu hành hoặc để hoằng pháp, mà dành nhiều thời gian hơn cho nhiệm vụ đáp ứng những nhu cầu cúng bái, ma chay, bói toán, coi tuổi, coi ngày… 
Từ đó, một số người chưa nghiên cứu giáo lý nhà Phật vẫn ngộ nhận Phật giáo là tôn giáo gần với mê tín, nhìn hiện tượng cho rằng ranh giới giữa Phật giáo về mê tín là mờ nhạt, cho rằng từ Phật giáo đi ra một chút xíu là đến mê tín.
Thậm chí, có người coi Phật giáo đã bao hàm trong nó yếu tố mê tín (một tôn giáo Tây phương chỉ cách đây vài chục năm, đã xếp hẳn đạo Phật vào loại mê tín, cấm tín đồ thờ lạy “bụt, thần, ma, quỷ”).
Mối liên hệ nhất định giữa Phật giáo và mê tín là điều không thể phủ nhận được, mặc dù đó là hiện tượng tín ngưỡng dân gian. Nhưng, Phật giáo không phải là tôn giáo duy nhất liên hệ đến mê tín. Mọi tôn giáo đều có thể bị những người chủ trương mê tín lợi dụng, kể cả những tôn giáo có tổ chức chặt chẽ hơn rất nhiều so với Phật giáo.
Không phải vì Phật giáo tổ chức lỏng lẻo hơn nên dễ bị mê tín lợi dụng hơn và lợi dụng ở mức độ sâu hơn. Trái lại, Phật giáo là tôn giáo ít bị mê tín xâm nhập nhất và tác hại của việc xâm nhập đó cũng rất hạn chế. Bài viết này sẽ chứng minh cho các luận điểm nêu trên.
Các cấp độ của mê tín: Từ mê tín đến tà đạo
Theo cách hiểu riêng của chúng tôi, mê tín là những hoạt động theo huynh hướng tâm linh, nhưng có hại, vô bổ, ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội, đến cuộc sống con người. 
Nhưng mê tín có nhiều cấp độ. Những hành động như vừa kể trên, nếu nâng cao quan điểm, có thể là mê tín ở cấp độ thấp (và dễ thấy trong mối liên hệ với đạo Phật). Mê tín như thế là mê tín tự phát, không tổ chức, tác hại của nó đối với xã hội cũng giới hạn.
Trong mối liên hệ với đạo Phật, nó lợi dụng hình tượng đức Phật, có phần xuyên tạc, đi chệch khỏi giáo lý, nhưng không gây chết người trực tiếp, không đưa đến bạo động, không có tính chất đồi trụy, kích thích mâu thuẫn trong xã hội. Thậm chí, có tính chất động viên, an ủi, vỗ về.
Nói tóm lại, tuy sai, nhưng mê tín cấp thấp còn ở mức độ ôn hòa. Cái giới hạn ôn hòa đó là do mối liên hệ nhất định của nó đối với đạo Phật.
Mê tín cấp thấp tác động tiêu cực đối với đạo Phật, nhưng đạo Phật cũng lại có tác động ngược lại đối với mê tín cấp thấp. Tác động của đạo Phật là tác động tích cực đối với mê tín. Cụ thể là Phật giáo hạn chế những tác động nguy hại, cực đoan, bạo lực, hung hãn, phá hoại của mê tín, giữ cho mê tín cấp thấp giới hạn ở mức độ ôn hòa.
Người mê tín có liên hệ với đạo Phật có thể đốt nhang khấn vái, và thậm chí ăn chay, phóng sinh để cầu… số đề. Không thể nói như thế là không tích cực đối với mê tín. Cụ thể là nó hạn chế những tác động nguy hại, cực đoan, bạo lực, hung hãn, phá hoại của mê tín. Mê tín ở đây không thể nói là không có hại, nhưng tác hại của nó rõ ràng là giới hạn.
Mê tín ở cấp độ cao là thứ mê tín gây nguy hiểm trực tiếp đối với xã hội. Nó có tổ chức, vượt khỏi giới hạn ôn hòa và tiến lên trở thành tà đạo. Về cơ bản, Phật giáo không có mối liên hệ với cấp độ mê tín tà đạo đó, mà nó liên hệ với những tôn giáo khác. Tà đạo đã manh nha phát khởi ở Việt Nam.
Thế nào là tà đạo, tức “mê tín cấp cao”
Mê tín cấp cao nói riêng, mê tín nói chung, không phải chỉ có ở những nước đang phát triển, trình độ dân trí thấp, ảnh hưởng khoa học công nghệ giới hạn (trong số đó, có một số nước theo Phật giáo), mà nó xuất hiện ở khắp mọi nơi trên thế giới, và hoạt động có phần mạnh mẽ ở một số nước phát triển, có trình độ khoa học công nghệ cao, tỷ lệ số người có học vấn, văn bằng cao chiếm đa số như Mỹ, Pháp, Nhật…
Ngay cả những quốc gia trước đây ảnh hưởng tôn giáo đã bị thu hẹp như các nước thuộc Liên bang Xô Viết cũ, Ba Lan, Rumani, Hungari…, mê tín đặc biệt là mê tín cấp cao cũng phát triển.
Phần lớn các nước này đều chịu ảnh hưởng sâu sắc của Cơ đốc giáo và ở đó mê tín cấp cao có chiều hướng liên hệ với Cơ đốc giáo (cả Thiên chúa La Mã, Tin Lành, Cải Cách và Chính thống giáo Nga).
Tháng 4-2008, ở Mỹ bùng nổ sự việc “Giáo hội chính thống Jesus Christ của các thánh ngày cuối” (FLDS), thực chất là một tà đạo đa thê. Người cầm đầu của giáo phái này, Warren Jefts “tuyên bố rằng Chúa trời đã trực tiếp nói chuyện với y và muốn y làm giáo chủ với tư cách “nhà tiên tri”.
Và thông qua nhà tiên tri này, Chúa trời cho biết tất cả các nam đạo hữu FLDS đều xứng đáng lên thiên đàng. Nữ đạo hữu chỉ được đặc ân này nếu được chồng tiến cử.
Warren Jeft là người duy nhất trong giáo hội đứng ra tác hợp chuyện hôn nhân cho các đạo hữu, nhất là nữ đạo hữu lấy ai đều do sự chỉ định của “nhà tiên tri”.
Trước đó không lâu, một số tín đồ Chính thống giáo Nga kéo nhau xuống hang đá ẩn náu vì tin rằng tận thế sắp đến. Có người được đưa khỏi hang đá rồi vẫn cố gắng tự tử để khỏi chịu cảnh tận thế.
Mê tín cấp cao như vậy phổ biến ở các nước phương Tây đến nỗi nhiều nước phải thông qua những đạo luật riêng về vấn đề này, coi đó là tội hình sự.
Thí dụ, Quốc hội Cộng hòa Pháp, tháng 6 năm 2000 đã ra một đạo luật về tà đạo, mà ở đây chúng ta gọi là mê tín cấp cao. Tà đạo được hiểu là “chữa bệnh không đúng pháp luật”, tùy tiện làm chết người”, “hành hạ và ngược đãi người khác”, “dụ dỗ người khác tự sát”, “làm cho người ta từ bỏ gia đình” (tức phá hoại gia đình, loạn luân).
Mê tín cấp cao hầu hết gắn liền với khái niệm “thượng đế”, “thiên đàng”, “cứu rỗi”, “tha tội”, “cứu thế” và hành động rất quyết liệt, cực đoan, bạo lực, kỳ quái. Cuối thế kỷ XVIII, ở Nga, chính Giáo hội Cơ đốc Chính thống Nga đã tách ra nhánh giáo phái Cơ đốc tinh thần, tên thông tục gọi là “phái thiến”.
Phái cơ đốc tinh thần mê tín cao cấp này chủ trương thoát khỏi mọi cuộc sống thế tục bằng biện pháp… thiến, cứu vãn linh hồn bằng cách thiến. Để trở thành tín đồ thì phải thiến.
Thiến thì dù sao cũng còn sống. Nhưng có nhiều người tìm đến cái chết để được lên thiên đàng. Noel năm 1995 ở vùng núi gần Grenoble, Pháp có 16 tín đồ chết một cách thần bí, trong đó cỏ trẻ sơ sinh 3 tháng, tim cắm cọc gỗ.
Ngày 17-3-2000, tổ chức “Khôi phục 10 lời răn của thượng đế” đã thực hiện một vụ tự sát tập thể để lên thiên đàng, 600 người chết trong lửa.
Nếu chỉ tự hại mình chết không thì vẫn còn một giới hạn nào đó. Đàng này, các tổ chức mê tín cao cấp lợi dụng danh nghĩa “chúa trời”, “thượng đế” tổ chức vũ trang, huấn luyện quân sự cho tín đồ, âm mưu gây bạo loạn. Một số giáo phái như vậy ở Mỹ công khai đối kháng với chính quyền đấu súng rồi tự sát bằng cách nổi lửa thiêu rụi căn cứ, làm chết 86 người, trong đó có 20 trẻ em.
Một số phim Mỹ chiếu trên đài truyền hình cáp như HBO, Cinemax… có đề cập những câu chuyện hư cấu về việc đưa cả thế giới về “thiên đàng” bằng vũ khí hóa học cực mạnh hay bom hạt nhân, bom sinh học… Xem những phim này, thấy các vũ khí như vậy mang hình thập giá, thì việc đánh nhau ở trang trại tại Texas, Mỹ vào tháng 2-1993, chỉ sử dụng có vài máy bay trực thăng, 4 xe tăng M-1A1… thì chẳng thấm vào đâu cả.
Vì sao mê tín cấp cao gắn liền với Cơ Đốc giáo?
Đạo Phật không bao giờ coi cái chết là sự giải thoát, mà chỉ là bước chuyển sang một đời sống mới trong luân hồi. Do đó, kích động cái chết là việc không thể có ở đạo Phật. Đạo Phật không bao giờ có thể trở thành nền tảng của mê tín cấp cao (mê tín dẫn đến cái chết, xúi dục người khác chết, rủ nhau chết tập thể, giết chết người khác…).
Trong khi đó, do chủ trương chết xong là có thể về thiên đàng, nên đánh vào tâm lý về thiên đàng, được cứu rỗi đó, mà những kẻ chủ trương mê tín cao cấp có thể lôi kéo một số người theo họ, bất chấp đạo lý, luật pháp….
Thiên đàng chính là mảnh đất màu mỡ để mê tín cao cấp phát sinh. Thiên đàng trong giáo lý Cơ đốc giáo đương nhiên là một niềm tin chính đáng. Nhưng tin vào thiên đàng, chỉ cần lệch lạc một chút về phương tiện, là đã trở thành mê tín cao cấp.
Người ta xác định là có thiên đàng rồi, và vấn đề là đi đến đó bằng gì. Có giáo phái ở Mỹ tự sát tập thể rồi chờ dĩa bay tới đón. Có giáo phái chuẩn bị vũ khí, bom để… đưa bạn bè, người thân cùng về thiên đàng luôn thể.
Phật giáo không có thiên đàng nên chỉ có mê tín cấp thấp với những quyền lợi nhỏ nhặt trước mắt như trúng số, trúng đề, sinh con theo ý muốn, làm ăn may mắn... Còn thiên đàng trong mê tín cấp cao là quyền lợi sinh tử, quyết định. Từ đó, tín đồ mê tín cấp cao không coi cái chết là cái gì nữa cả.
Chết là về thiên đàng, thì chết sớm trong niềm tin tuyệt đối đó càng hay. Giáo phái “Cổng thiên đường” ở Mỹ là một ví dụ.
Phật giáo không có khái niệm cứu rỗi. Phật giáo không cứu được ai nếu chỉ có cầu xin, mỗi người phải “tự thắp đuốc lên mà đi”. Do đó, mê tín ở Phật giáo cũng chỉ là mê tín kiểu “hối lộ”, “đổi chác” với Phật phần nào. Khái niệm “vãng sinh” cũng khác xa với cứu rỗi.
Trong khi đó, khái niệm cứu rỗi đã tạo điều kiện để mê tín cấp cao hình thành nên những giáo chủ. Giáo chủ không là thầy như Đức Phật, mà là người có quyền năng cứu rỗi hẳn hoi. Do đó, mê tín cao cấp nhấn mạnh đến quyền lực tuyệt đối của giáo chủ, mà họ xem là đại diện của thượng đế tối cao.
Chính từ niềm tin đại diện, quyền năng cứu rỗi này mà những người mê tín cấp cao không tiếc thân mạng, tiền của vì giáo chủ tại thế của nó.
Nhà sư nào có xa rời Phật đạo thì cũng chỉ làm chuyện bói toán, vẽ bùa, cầu thuốc, xem hướng giường, hướng bếp, coi ngày giờ từ sách chữ Nho…, chứ không có cơ sở tự nhận là giáo chủ, không “cứu rỗi” ai được, nên chỉ dừng lại ở mê tín cấp thấp và không thể vượt qua cái giới hạn đó, dù có làm cách gì đi nữa.
Chính giáo lý đạo Phật đã giới hạn việc mê tín không thể phát triển thành mê tín cấp cao. Những trường hợp tự xưng là hóa thân của Phật Di Lặc, Bồ tát Quan Âm gì đó không có mấy người tin theo, vì “Phật” đó chẳng có chức năng cứu rỗi linh hồn của ai.
Tuy nhiên, trên tất cả là nền tảng từ bi của đạo Phật. Chính giáo lý từ bi là cái khung chặn không cho mê tín phát triển lên cấp bậc nguy hiểm. Đặc trưng của mê tín cấp cao là làm nguy hiểm tính mạng của con người. Đối với Phật giáo, giết hại một con chim, con cá còn mang tội, nữa chi đến việc mua hỏa tiễn, súng chống tăng...
Cho nên, những người mê tín cực đoan không tìm thấy ở Phật giáo một sự đồng cảm nào hết, và họ không thể lợi dụng. Trong khi đó, một số tôn giáo coi những người không theo mình là “ma quỷ” và có giết những người đó cũng chỉ là giết “ma quỷ” mà thôi, chẳng có tội gì cả. Thế là mê tín tha hồ phát triển đến mức cực đoan, với vũ khí bạo lực trấn áp “ma quỷ”. (Công giáo thời Trung Cổ là một ví dụ).
Đạo Phật coi nhục dục là một tà hạnh và điều đó rất rõ ràng. Cho nên, mê tín kiểu đạo đa thê không có đất phát triển từ Phật giáo. Cộng vào đó, Phật giáo nêu cao tinh thần bình đẳng, không có chúng sinh thượng đẳng và chúng sinh hạ đẳng. Và do vậy, không thể có chuyện hôn phối giữa những người thượng đẳng với nhau. Hướng phát triển nhục dục của mê tín cũng không có đất sống ở đạo Phật.
Trong khi đó, tư tưởng thượng đẳng, kỳ thị chủng tộc khá ăn sâu ở các nước Tây phương.. Vì thế, nó là điểm hẹn của những người mê tín theo hướng tự đề cao mình, cho mình là những người hàng đầu có vé đi lên thiên đàng. Họ thỏa mãn trong thế giới mê tín của họ, tự mãn, cao ngạo, sẵn sàng làm chuyện vô luân với nhau giữa những người thượng đẳng, để duy trì dòng giống thượng đẳng.
Tư duy “phép cưới”, tức cấp phép trong hôn nhân, cũng góp phần tạo nên sự phát triển của mê tín cấp cao. Trong hoạt động mê tín cấp cao, giáo chủ là người cấp phép giao phối. Ở đạo “Giáo hội Chính thống của Jesus Christ của các thánh ngày cuối”, giáo chủ “đứng ra tác hợp chuyện hôn nhân cho các đạo hữu”. Bất kể tuổi tác, hoàn cảnh gia đình, hễ được giáo chủ “cấp phép” là cứ cưới...
Và cũng có thể kể đến yếu tố của tư duy tận thế, một khái niệm cơ bản của Cơ đốc giáo. Chính nỗi sợ tận thế đã thôi thúc nhiều người theo các giáo phái mê tín và tự tử trước để về thiên đàng sớm. Phật giáo không có khái niệm tận thế nên hướng mê tín kiểu này không phát triển được trên nền tảng Phật giáo.
Có một số ít người cố công khai thác chuyện “hội Long hoa” ở Việt Nam, nhưng kết quả chẳng được gì nếu so sánh với kết quả của việc tuyên truyền tận thế ở các giáo phái mê tín cao cấp phương Tây.
Ngay khi tận thế đã quá hạn, lời “tiên tri” mà vẫn không xảy ra, họ cứ nằng nặc không tin đòi chết cho đúng với kinh sách viết về tận thế. Trường hợp xảy ra ở Liên bang Nga là một ví dụ.
Phật giáo có liên hệ với mê tín, nhưng chỉ là mê tín cấp thấp. và chính Phật giáo lại là yếu tố giới hạn mê tín, không cho nó phát triển lên đến các cung bậc, tầng nấc nguy hiểm. Phật giáo đúng với tư tưởng của đức Phật càng phát triển thì mê tín càng bị đẩy lùi.
Minh Thạnh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét