Thứ Ba, 17 tháng 9, 2013

Mê tín dị đoan trói buộc con người

Cho dù đã bước qua thế kỷ 21, cuộc sống mỗi ngày của con người cũng vẫn bị chi phối bởi nhiều điều mê tín dị đoan, khiến cho bao người lo sợ một cách thật vô cớ.

Một ví dụ điển hình, như nếu hôm nào là thứ sáu mà trúng nhằm vào ngày 13, thì có phải rất nhiều người trong chúng ta có một cảm giác lo âu sợ hãi làm sao ấy, có phải không quý vị?
Theo như thống kê của cơ quan Stress Management and Phobia Institute, thuộc tiểu bang California, Hoa Kỳ, là cơ quan chuyên nghiên cứu về những căng thẳng và lo sợ, cho biết rằng ngày thứ sáu 13 ám ảnh ít nhất là từ 17 cho đến 27 triệu người dân Mỹ. Nhiều người sợ gặp xui vào ngày thứ sáu 13, cho nên trong ngày này, họ thường nghỉ những công việc thường nhật, không quyết định những công chuyện quan trọng và cũng không đi đâu xa. Có nhiều người lo sợ quá đến nỗi không dám bước ra khỏi giường, sợ cái xui đang núp sẵn, chực chờ họ ở đâu đó. Người ta ước tính các dịch vụ tại Hoa Kỳ bị thất thoát khoảng từ 800 cho đến 900 triệu đô-la mỗi khi thứ sáu đến có mang theo trên mình con số 13.
Con số 13 là con số “cấm kỵ” ở rất nhiều nơi. Không ai xây nhà cao ốc có 13 tầng cả! Rất nhiều khách sạn, không hề có tầng lầu số 13, không có phòng số 13 và cũng không có bàn số 13. Trên một số con đường tại các nước Tây phương, người ta đánh số nhà đến số 12, rồi sang 12 bis, rồi qua số 14, cứ làm như trên đời này không có số 13 tồn tại vậy! Một số hãng phi-cơ, như Continental, Air France hay Lufthansa, không có hàng ghế số 13, bởi vì hành khách ai cũng lắc đầu từ chối khi bị sắp phải ngồi hàng ghế có đánh số 13.
Con số 13 ám ảnh nhiều người như vậy, nhưng vẫn chưa phải là điều mê tín dị đoan đứng đầu đâu. Có tới 14% dân Tây phương sợ mèo đen đi ngang qua đường và có tới 12% không dám đi ngang bên dưới một cái thang đang dựng vào tường. Người ta sợ xui xẻo trong đủ thứ chuyện vặt vãnh trong đời sống, nào là chú rễ không được thấy cô dâu trong trang phục cưới trước ngày cưới, nào là “đen bạc thì đỏ tình”, làm vỡ gương xui bảy năm, mở dù trong nhà không tốt, cú kêu ba lần, gà gáy nửa đêm, xuống giường bằng chân trái đem lại điều chẳng lành và còn vô số những điều vô lý tương tự như vậy.
Nếu người Tây Phương mê tín dị đoan đến mức như vậy đã thấy phiền toái lắm rồi, nhưng chẳng thấm gì với tình trạng mê tín dị đoan của người Đông Phương, trong đó có người Việt chúng ta. Nào là đầu năm không được quét nhà sợ sẽ “quét” đi tiền của, ra đường gặp gái thì xui, ba người không được chụp chung một hình, nào là “Mùng năm, mười bốn, hăm ba. Đi chơi cũng thiệt, huống là đi buôn”. Lịch tử vi treo tường, hướng dẫn tường tận mỗi ngày, nên làm gì, cử điều gì, xuất hành hướng nào, giờ nào cho tốt. Chuyện hôn nhân cũng thật nhiêu khê, vì trai gái yêu nhau cũng chưa đủ, nhưng còn phải hợp tuổi, hợp tác, tránh “tứ hành xung”, đã làm đứt đoạn biết bao nhiêu mối tình thắm thiết. Ngày hôn lễ quan trọng lại phải vấn kế thầy bói, chọn cho ngày lành tháng tốt, đôi khi lại trúng vào ngày thứ hai, thứ ba, cũng gây nhiều bất tiện, trắc trở cho gia đình hai họ.
Chỉ mới đây thôi, một người quen có về Việt Nam ăn tết và sau khi trở qua, có hứa với lòng rằng, sẽ không bao giờ về ăn tết ở quê nhà nữa. Lý do là người mình ngày càng mê tín dị đoan, kiêng cử đủ điều, khiến ngày tết trở nên nặng nề và mất vui. Người quen này khi về quê ăn tết, ra vườn thấy mít ngon, mở miệng xin hái mít ăn, thì bị “mắng” ngay lập tức là vì trong ba ngày tết, không được nhắc đến trái mít, vì sợ trong năm sẽ làm “mích lòng” người khác. Người quen này cũng xin ăn chuối, thì cũng bị “chỉnh” ngay lập tức vì sợ trong nhà, có ai đi thi sẽ bị “trượt vỏ chuối” năm nay!
Chuyện mê tín dị đoan của dân Tây, của dân ta, có kể đến hết thiên niên kỷ tới cũng chưa hết chuyện. Vấn đề đặt ra ở đây là, tại sao con người lâm vào tình trạng mê tín dị đoan, tự trói buộc mình vào nhiều nỗi sợ hãi vô cớ như vậy?
Có một số người cho rằng mê tín dị đoan xuất phát từ những ngày xa xưa, khi khoa học kỹ thuật chưa tiến bộ, khi sự hiểu biết của con người về các hiện tượng trong thiên nhiên và trong đời sống còn rất hạn chế. Câu trả lời này cũng thỏa đáng một phần nào, thí dụ như ngày xưa, con người chưa hiểu biết về hiện tượng nhật thực hay nguyệt thực. Do vậy, mỗi khi nhật thực xảy ra, mặt trời bị mặt trăng che lại, trời giữa ban ngày bỗng trở nên tối lại, người ta khua chiêng gõ trống ầm ĩ, để đánh đuổi “con gấu” hay “con rồng” đang nuốt mặt trời.
Thế nhưng vào năm 1954, tạp chí khoa học Scientific Monthly làm một cuộc thăm dò trong giới sinh viên, về niềm tin “đa thần”, tức là xem có bao nhiêu sinh viên tin rằng có thần sông, thần núi, thần cây, thần biển, thần mây, thần gió, thần sấm, thần sét, thần bếp vv. và kết quả thăm dò cho thấy có khoảng 50% sinh viên tin là các vật vô tri vô giác kia có “thần”.
Vào năm 1989, tức là sau hơn ba thập niên, giáo sư Bruce Stewart, thắc mắc là tình trạng “mê tín dị đoan” trong giới sinh viên có giảm thiểu không, nên cũng thực hiện một cuộc thăm dò tương tự. Kết quả thật là đáng kinh ngạc, vì sau 35 năm, số sinh viên tin vào rằng các vật vô tri vô giác này có thần, chẳng những không giảm thiểu, mà lại tăng tới 75%. Kết quả thăm dò này được tuyên bố trên một tạp chí khoa học đã khiến nhiều người thật bối rối và vô cùng khó hiểu. Tại sao sau 35 năm, khoa học kỹ thuật đã tiến bộ nhảy vọt, kỹ thuật điện toán, kỹ thuật truyền thông cực thịnh, thuyết tiến hóa vô thần quảng bá thật rộng rãi, nhưng con người lại càng ngày càng mê tín dị đoan hơn?
Nguyên do đầu tiên dẫn đến mê tín dị đoan, là con người có khuynh hướng “phong thần”, tự gán cho những vật vô tri vô giác, thậm chí những loài vật và một số nhân vật những quyền năng siêu hình. Do vậy mới có thần mặt trời, thần mặt trăng, sao chiếu mệnh, thiên lôi, rồi thần hổ, thần mãng xà, thần sông, thần núi, thần biển, thần mưa, thần gió vv. Cây đa đầu làng cũng đặt miếu thờ. Gốc đá cũng đặt miếu thờ. Các nhân vật tưởng tượng cũng được tôn thành thánh để thờ như ông Táo, bà Táo.
Khuynh hướng thờ lạy đa thần là nền tảng của rất nhiều tôn giáo, khi người ta không công nhận có một Đấng Tạo Hóa duy nhất tạo dựng và cai quản muôn loài. Thay vì tôn vinh Đấng Tạo Hóa, người ta lại tôn cao và sợ hãi các vật thọ tạo. Thay vì chiêm ngưỡng Đấng Tạo Hóa, người ta dùng gỗ, dùng đá, dùng vàng bạc để tạc hình nặn tượng theo trí tưởng tượng của mình và thờ lạy những hình tượng không nghe, không biết, không nói.
Cách đây hàng ngàn năm, Thiên Chúa đã sai nhà lãnh đạo Môi-se cảnh cáo về tập tục mê tín dị đoan này như sau: “Vậy phải thận trọng, vì hôm ấy trên núi Hô-rếp, khi Chúa nói với đồng bào từ trong đám lửa, đồng bào không thấy hình dáng của Ngài; nên đừng hành động một cách hư đốn mà làm tượng thờ theo bất kỳ hình dáng nào, dù là đàn ông, đàn bà, thú vật, chim chóc, cá hay côn trùng bò trên đất. Cũng phải coi chừng, đừng thờ mặt trời, mặt trăng hay các ngôi sao trên trời, vì đó chỉ là những vật Thượng Đế Hằng Hữu phân phối khắp trời để soi sáng cho mọi người.” (Phục Truyền 4:15-19)
Thiên Chúa biết rất rõ rằng, khi con người không nhận biết ra Ngài là Đấng Tạo Hóa, thì con người sẽ tin tất cả những điều khác, sợ hãi tất cả, dù là những điều phi lý nhất và đó là nền tảng của mọi tình trạng mê tín dị đoan từ trước đến nay. Do vậy, mạng lịnh đầu tiên Thiên Chúa gởi đến cho loài người như sau:
"Ngoài Ta, các ngươi không được thờ thần nào khác. Không được làm tượng thần để thờ, cũng không được làm tượng theo hình dáng chim trời, thú vật trên đất, hay cá dưới nước. Không được quì lạy và phụng thờ hình tượng, vì Ta, Chúa Hằng Hữu, là Thượng Đế kỵ tà” (Phục Truyền 5:7-9)
Kể từ những mạng lịnh đầu tiên đó cho đến hàng ngàn năm về sau, mặc dù con người càng hiểu biết hơn, càng văn minh hơn, nhưng tình trạng thờ thần lạy tượng, đắm chìm trong mê tín dị đoan chỉ càng tệ hại hơn, như sứ đồ Phao-lô có đưa ra nhận xét khoảng 2000 năm trước như vầy: “Dù biết Thượng Đế nhưng họ chẳng tôn vinh hay tri ân Ngài. Họ suy tư trong vòng lẩn quẩn, tâm hồn bị sa lầy trong bóng tối. Họ tự nhận là khôn ngoan nhưng hóa ra mê muội. Thay vì thờ phượng Thượng Đế vinh quang hằng sống, họ tôn thờ thần tượng con người phù du, đến cả hình tượng chim, thú hay loài bò sát” (Rô-ma 1:21-23).
Khi viếng thăm thủ đô Athens, sứ đồ Phao-lô thấy thành phố sầm uất này đầy dẫy những tượng hình tôn giáo, thậm chí thờ thần mà họ không biết, nên ông đã trình bày như sau: “Thưa quý vị là người A-then, tôi nhận thấy bất luận việc gì quý vị cũng rất sùng kính. Khi đi qua quan sát các nơi thờ tự của quý vị, tôi có thấy một bàn thờ khắc chữ ‘Thờ Thần Không Biết’. Thần quý vị thờ mà không biết đó chính là thần tôi đang truyền cho quý vị. Đức Chúa Trời đã sáng tạo vũ trụ và vạn vật, là Chúa tể của trời và đất”. (Công Vụ 17:22-24)
Khác với nhiều người lầm tưởng, đã gán ghép Kinh Thánh đi đôi với mê tín dị đoan, nhưng Thiên Chúa bày tỏ thật tận tường trong Kinh Thánh rằng, Ngài là Đấng Thánh Khiết kỵ tà. Đấng Tạo Hóa ghê tởm và cấm đoán mọi sự mê tín dị đoan, kể cả việc thờ thần, lạy tượng, đốt hương, đốt vàng mã, lên đồng, lên bóng, gọi hồn, bùa chú, cầu cơ, coi bói, xem tử vi, xem chỉ tay, xem sao, xem tướng, xin xăm, xin quẻ và những chuyện gớm ghiếc tương tự như vậy.
Trong những năm tháng gần đây, khi lời Kinh Thánh đi vào các bản làng miền cao, trên các vùng xa xôi trên đất nước Việt Nam, lời đầy năng quyền của Thiên Chúa đã đẩy lùi các tập tục mê tín lâu đời, giải thoát các dân tộc thiểu số khỏi những trói buộc mê muội lâu đời và đem đến cho họ một đời sống hoàn toàn tự do.
Và đây cũng chẳng phải là điều mới xảy ra, vì trải qua bao thế kỷ nay, lời Kinh Thánh đã biến nhiều quốc gia trở nên văn minh và đại cường như Anh, Pháp, Mỹ, Đức, Canada, Úc Đại Lợi vv. Trong khi đó, nhiều quốc gia hay những dân tộc chưa biết đến Kinh Thánh thì còn chìm đắm trong các tôn giáo đa thần, tràn ngập mê tín dị đoan cùng với lạc hậu, nghèo đói và bệnh tật.
Khi một người muốn đạt một việc gì thì thường cầu bùa chú hay cúng kiến và khấn nguyện sẽ hiến điều này, sẽ dâng điều kia, nhưng Kinh Thánh cho biết chúng ta chẳng làm gì được để mua chuộc hay lung lạc Đấng Tạo Hóa vùa theo tham vọng của mình, như sứ đồ Phao-lô có nói: “Ngài không ngự trong các đền miếu do tay người làm ra, cũng không cần tay người phục dịch như thể Ngài cần điều gì; Ngài ban sự sống, hơi thở và mọi vật cho mọi người” (Công vụ 17:24,25)
Trong khi mê tín dị đoan tin vào sự tình cờ, may rủi, tin bất cứ điều gì, dầu thật vô lý, thì Kinh Thánh cho biết Đấng Tạo Hóa đã sáng tạo nên vũ trụ và muôn loài với một những quy luật diệu kỳ và trật tự chặt chẽ, không ai có thể phủ nhận được, như thi sĩ Đa-vít có viết:
“Trời xanh tường thuật vinh quang Thiên Chúa, không trung loan báo việc tay Người làm. Ngày qua mách bảo cho ngày tới, đêm này kể lại với đêm kia. Chẳng một lời một lẽ, chẳng nghe thấy âm thanh, mà tiếng vang đã dội khắp hoàn cầu và thông điệp loan đi tới chân trời góc biển” (Thi Thiên 19:1-4)
Chính vì sự bày tỏ này của Kinh Thánh đã xuất phát ra khoa học, vì khoa học tin rằng có Thiên Chúa, thì tất nhiên có những trật tự và quy luật trong thiên nhiên và ngành khoa học là để khám phá ra những quy luật tất nhiên này. Do vậy, những nhà khoa học tiền phong đều tin vào Kinh Thánh, như John Dalton, Andre Ampere, Georg Ohm, Michael Faraday, Louis Pasteur, Isaac Newton vv.
Tiếc thay, ngày nay người ta chen vào những giả thuyết nghe như khoa học, như giả thuyết tiến hóa phủ nhận sự hiện hữu của Thượng Đế, cho rằng sự sống là kết quả của ngẫu nhiên và tình cờ mà thôi. Dù không có bằng chứng, nhưng giả thuyết tiến hóa đang được thổi phồng, được xem là “chân lý khoa học” của thời đại ngày nay, khiến nhiều người lầm lẫn cho rằng khoa học và Kinh Thánh trái ngược nhau, rằng tin có Đấng Tạo Hóa là mê tín dị đoan.
Như các cuộc thăm dò cho thấy, cho dầu đang trong thế kỷ 21, khoa học kỹ thuật thật tiến bộ, nhưng con người ngày càng mê tín dị đoan hơn, ngày càng sợ số 13 hơn, ngày càng sợ đủ thứ thật phi lý trên đời.
Lý do là với sự bành trướng của giả thuyết tiến hóa, con người càng ngày càng vô tín, càng không tin rằng có một Đấng Tạo Hóa đã sáng tạo ra vũ trụ và muôn loài với một trật tự tuyệt hảo, đang phô bày thật hiển nhiên khắp nơi.
Lý do tiếp theo là đời sống đời sống ngày càng căng thẳng và con người ngày càng thiếu bình an.
Khi con người không tin rằng có Đấng Tạo Hóa, thì người ta sẽ tin tất cả mọi sự khác trên đời.
Khi con người không tin rằng có Đấng Tạo Hóa và cuộc sống đầy bất an, thì người ta sẽ tin vào bất kỳ điều mê tín dị đoan nào, sợ hãi bất cứ điều gì trên đời.
Trong khi mê tín dị đoan trói buộc con người trong sợ hãi, thì Kinh Thánh khẳng định: “Thượng Đế chính là Tình yêu” (1 Giăng 4:18) .
Trong khi mê tín dị đoan chỉ gây thêm phiền muộn, bối rối, thì chính Thiên Chúa có hứa: “Vì Ta là CHÚA, Đức Chúa Trời ngươi, Đấng nắm tay phải ngươi, Và phán cùng ngươi: Đừng sợ, Chính Ta sẽ giúp đỡ ngươi” (Ê-sai 41:3)
Thiên Chúa không chỉ bày tỏ Ngài qua công trình thiên nhiên tuyệt đẹp, không chỉ qua lời Kinh Thánh, nhưng chính Thiên Chúa Ngôi Hai, cách đây hơn 2000 năm, đã tự nguyện giáng trần, sanh ra thành một con người mang tên Giê-xu, để rồi sau đó, chịu chết đau đớn trên cây thập tự, lãnh nợ tội thế cho loài người, trong đó có quý vị và tôi.
Trong khi chúng ta thờ thần lạy tượng, chìm ngập trong bao mê tín dị đoan, thì Con Trời đã âm thầm giáng trần, hy sinh để cứu chuộc quý vị và tôi ra khỏi sự sợ hãi và mê muội, ra khỏi sự đoán phạt đời đời, như chính Chúa Cứu Thế Giê-xu có tuyên bố: “Vì Đức Chúa Trời yêu thương nhân loại, đến nỗi đã ban Con Một của Ngài, để ai tin nhận Đấng ấy sẽ không bị hư mất nhưng được sự sống vĩnh phúc” (Giăng 3:16).
Đứng trước quy luật hiển nhiên và rõ ràng, lời hứa thành tín và tình yêu thương vô điều kiện của Thượng Đế, ước mong quý vị lựa chọn từ bỏ được những điều mê tín dị đoan đầy phi lý, đang trói buộc cuộc đời chúng ta trong phiền toái và sợ hãi vô cớ, để được thực sự được tự do và bình an tuyệt hảo dưới sự che chở trọn vẹn của Đấng Tối Cao.
Tùng Tri

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét