"Chăm học" - Hot girl Tuyết Mai |
Mùa mua sắm cuối năm chính thức khai mạc sau Lễ Tạ Ơn và trẻ em lại cắp sách đến trường sau dịp nghỉ học. Hầu hết học sinh đều biết về sử tích Lễ Tạ Ơn, nhưng ý nghĩa thật đã bị lãng quên trong xã hội ngày nay. Chiêm nghiệm sâu hơn về lịch sử thì ta sẽ thấy những bài học đáng giá sau đây do các tiền nhân có công lập quốc đã để lại cho đời sau. (ảnh không liên quan đến bài viết)
Xã hội chủ nghĩa thất bại
Tháng Tám, 1620 chiếc thuyền Mayflower chở 102 thuyền nhân vượt Đại Tây Dương đến Tân Thế Giới (Châu Mỹ) để sinh sống. Sau chuyến đi gian nan các thuyền nhân bệnh hoạn, yếu đuối cuối cùng đã đặt chân lên đất liền. Đến vùng đất hoang vu lạnh lẽo, không nơi cu trú, sức khỏe yếu đuối, thiếu thuốc men và thực phẩm nên gần nửa số thuyền nhân đã chết vào mùa đông đầu tiên. Nhờ sự xuất hiện huyền diệu của một thổ dân da đỏ biết nói tiếng Anh chỉ dẫn cách trồng bắp, câu cá, và lột da thú để làm áo ấm nên họ được cứu khốn. Nhờ vậy cuộc sống đỡ túng thiếu nhưng không hề phát đạt chỉ vì một chính sách sai lầm. Sử sách ít nhắc đến nhưng nguyên nhân có thể tìm thấy trong hồi ký của Willian Bradford, thống đốc đầu tiên của thuộc địa Plymouth. Trong chuyến đi hai tháng trên tàu, ông Bradford cùng các vị niên trưởng đã soạn thảo một hiến chương gọi là The Mayflower Compact. Đó là một văn bản xác định hình thức cai trị cho thuộc địa Plymouth và được tất cả đàn ông trên tàu ký tên vào. Hiến chương Mayflower Compact khác thường ở chỗ đã thiết lập các luật lệ chính đáng và công bằng đối với tất cả mọi người trong cộng đồng, một khái niệm cấp tiến cho thời đại đó.
Nguyên nhân chủ yếu khiến đám người tha hương thất bại trong những năm đầu là do đã thực hiện thể chế xã hội chủ nghĩa. Theo quy định hiến chương, tất cả những gì sản xuất phải được bổ sung vào một cửa hàng công cộng và thuộc về cộng đồng. Mỗi người trong cộng đồng đều sở hữu một cổ phần. Tất cả vùng đất khai phá và canh tác cùng nhà cửa xây dựng đều thuộc cộng đồng và là của chung, một hình thức hợp tác xã sản xuất. Sau mùa đông đầu tiên, Thống Đốc Bradford nhận thức được tai hại của chính sách tập thể này vì những người làm việc cần cù nhất không có động lực lao động siêng năng hơn vì làm nhiều hay ít họ cũng chỉ được một cổ phần hoặc khẩu phần mà thôi. Trong hồi ký ông đã viết, “Do những thử nghiệm vài năm qua theo chiều hướng tập thể... đã nhận xét việc chiếm giữ tài sản hầu mang lại sự phồn thịnh chung cho cộng đồng chỉ tạo sự phẫn nộ và giảm thành tích lao động. Bởi vì các thanh niên trai tráng có khả năng lao động tích cực nhất cảm thấy bất mãn khi phải cong lưng ra sức để nuôi vợ con người khác mà không được đền bù thỏa đáng, họ cho đó là sự bất công”. Đây là bằng chứng thất bại về xã hội chủ nghĩa. Từ thời xưa người ta đã không muốn làm việc khi không có động cơ thúc đẩy và khi không được thọ lợi. Thấy vậy cho nên TĐ Bradford phải thi hành chính sách mới; ông phân phát cho mỗi gia đình một mẫu đất để tự canh tác và quản lý. Ông viết về kết quả như sau, “Kế hoạch mới đã thành công mỹ mãn, vì mọi người hăng say làm việc và trồng nhiều vụ bắp hơn trước.” Việc này bắt nguồn cho ý thức tự do kinh doanh với kết quả là dân định cư đã có mùa thu hoạch dư dả và nhờ vậy họ lập các cửa tiệm buôn bán với thổ dân da đỏ. Thu hoạch vụ mùa tốt và kinh doanh thuận lợi giúp họ nhanh chóng trả các khoản nợ đã vay cho chuyến đi mấy năm trước. Sự thành công của dân Pilgrims truyền đạt về Âu Châu và khởi sự cho “Cuộc Di Cư Vĩ Đại” (The Great Puritan Migration) lần lượt tiếp diễn đến Châu Mỹ.
“Hestia” - tranh của họa sĩ Lord Leighton |
Xã hội bao cấp, ăn không ngồi rồi
Khu định cư đầu tiên ở Mỹ, Jamestown, được thành lập ở thuộc địa Virginia vào năm 1607. Nếu không nhờ sự lãnh đạo sáng suốt của Đại úy trẻ John Smith thì dân chúng không thể vượt qua những trở ngại ban đầu điển hình là phân nửa đã tử vong trong 1-2 năm đầu và khu định cư xém bị hủy diệt. Đa số thực dân đến Châu Mỹ vì những hứa hẹn sẽ kiếm rừng vàng biển bạc, nên không chuẩn bị tâm lý cho một cuộc sống gian nan, và không có bản lĩnh lao động để sinh tồn. Trong một cuộc thám hiểm vào mùa hè, Đại úy John Smith phát hiện một bộ tộc da đỏ, làm quen với Pocahontas con gái của tộc trưởng và xin tiếp tế lương thực. Sau khi trở về anh vừa khuyên vừa năn nỉ thực dân nên canh tác trồng trọt để tự lực cánh sinh mà không phải lệ thuộc vào trợ cấp của người da đỏ, vốn có được nhờ tình cảm của Pocahontas dành cho John Smith nhưng họ không nghe lời. Chán nản nên mùa hè 1608 Smith lại bỏ đi thám hiểm nữa và trong chuyến đi đã kết bạn với một số bộ tộc da đỏ khác, lót đường cho mối quan hệ tốt giữa những thực dân định cư sau này. Tháng chín quay trở lại Jamestown thì thấy đám thực dân đã ăn không ngồi rồi và hao tổn lương thực. Người dân niềm nở đón John Smith trở về và bầu anh làm chủ tịch hội đồng lãnh đạo. Anh lập tức thi hành chính sách lao động mới với lời tuyên bố: “Ai không làm việc thì sẽ không được ăn.” Tất cả đàn ông và thanh niên khỏe mạnh bắt buộc phải làm việc 6 tiếng một ngày. Nhờ thế nên khu định cư bắt đầu có dấu hiệu tổ chức của một cộng đồng, nhà ở, cổng thành doanh trại định cư được xây cất. Lần lượt những chuyến tàu sau mang thêm thực dân đến vùng đất mới nhưng lương thực chở trên tàu bị chuột ăn gần hết. Ít người trong số dân mới đến, biết canh tác và lao động, nên mùa đông năm 1608-1609 họ vẫn phải sống nhờ trợ cấp của người da đỏ. Đại úy Smith bực mình vì đám thực dân vô dụng mà anh gọi là “ký sinh trùng” chỉ biết ăn bám và một lần nữa ra lệnh ai không làm việc sẽ bị đuổi khỏi doanh trại. Lệnh ra đúng lúc vì Powhatan, trưởng tộc da đỏ đã lo ngại khi thấy dân số thực dân càng ngày càng đông và quyết định ngưng viện trợ lương thực với hy vọng họ sẽ bị đói và bỏ về Châu Âu. Một số thực dân thấy trợ cấp bị cắt và ở doanh trại Jamestown thì phải làm việc nên chạy đến xin sống chung với người da đỏ, ai ngờ ở đó cũng áp dụng quy luật “không làm thì không được ăn”; cho nên sau một thời gian đói khát họ quay trở về Jamestown.
Những trải nghiệm thực tế của John Smith tại Jamestown đã được viết lại và in thành sách. Anh viết thẳng thắn về những mối nguy và cơ hội thành đạt tại vùng thuộc địa mới. Cơ hội làm giàu là nhờ sức lao động chăm chỉ, vì thế Smith nêu ra một số ngành nghề có thể gặt hái lợi nhuận khá cho thực dân nếu chịu khó làm như đánh cá, canh tác, đóng tàu thuyền, săn da thú. Tuy nhiên Smith không quên nhấn mạnh và tuyên bố “chỉ có những người siêng năng mới có thể sống và thành công ở Mỹ”.
Từ thời lập quốc đến nay, cả thế giới đều xem Mỹ như một thiên đường đầy hứa hẹn và cơ hội làm giàu cho nên mọi người đều đổ xô vào Mỹ. Tiếc rằng phương châm căn bản và những bài học giá trị của tiền nhân đã bị sao lãng. Ngày nay có thành phần lớn ở Mỹ không màng đến nguyên tắc làm việc chăm chỉ để thành công mà chỉ muốn lãnh trợ cấp xã hội, không chịu đi làm và đóng thuế. Kinh nghiệm hiến chương Mayflower Compact cho thấy không phải khái niệm và ý tưởng cấp tiến nào cũng thành công, phần nhiều chỉ là lý thuyết viễn vông bất khả thi. Còn có nhiều người ngây thơ dệt mộng muốn đưa nước Mỹ vào con đường xã hội chủ nghĩa, một trải nghiệm có bằng chứng thất bại hơn 400 năm trước đây và khắp nơi trên thế giới. Khi dân chúng và xã hội quên đi những bài học ý nghĩa thì lịch sử chắc chắn sẽ tái diễn.
Diễm Quyên
“Mùa chín” - Hot girl Midu |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét