"Cái chết của Socrates" - tranh của họa sĩ Jacques-Louis David |
Đó là tên bức hoạ do danh hoạ Pháp thuộc trường phái Tân Cổ điển (Neoclassicism) Jacques -Louis David vẽ năm 1787, tức 2 năm trước khi nổ ra Cách mạng Pháp 1789.
Bức tranh mô tả những phút cuối cùng của triết gia vĩ đại Cổ Hy Lạp Socrates (469-399 tr. CN) - một trong những người đặt nền móng cho toàn bộ triết học phương Tây. Socrates bị buộc tội reo rắc nghi ngờ các thần linh mà chính thể Athens thời đó tôn thờ, kêu gọi nhân dân tôn thờ các thần linh ngoại lai, và làm hư hỏng thanh thiếu niên. Ông bị tòa án Athens kết án tử hình bằng tự uống thuộc độc chết.
Trong bức tranh Socrates vừa nói vừa giơ tay trái chỉ lên trời như khẳng định sự trung thành với các lý tưởng của mình, trong khi đưa tay phải với lấy chén thuốc độc như dửng dưng trước cái chết. Đám môn đệ và nô lệ vây quanh ông đều than khóc thương tiếc, chỉ trừ có hai môn đệ là Plato - mặc áo choàng trắng ngồi cúi đầu ở cuối giường, và Cristo – mặc áo choàng nâu, đặt tay lên đùi trái của Socrates, là còn tự chủ. Bằng tương phản giữa ánh sáng và bóng tối, giữa cử chỉ mạnh mẽ của Socrates và sự mềm yếu tinh thần của đám người vây quanh, David đã nâng tác phẩm từ nội dung tử vì đạo lên thành sự ca tụng phẩm chất cao thượng và sự bình tĩnh khi giáp mặt cái chết.
Trong bối cảnh ý đồ cải cách thuế của các Bộ trưởng Tài chính không được Hội đồng Nhân sĩ ủng hộ, và sau đó Hội đồng Nhân sĩ bị vua Louis XIV giải thể, David đã đưa một thông điệp khá rõ trong bức tranh như muốn khiển trách đa số nhu nhược. Trong đêm trước cuộc cách mạng Pháp, bức hoạ của David còn có tác dụng đánh thức tinh thần trách nhiệm, bổn phận với quốc gia, chống lại một chính thể bất công.
Thomas Jefferson - tác giả của Tuyên ngôn độc lập (1776) và tổng thống thứ 3 của Hoa Kỳ (1801-1809) - đã có mặt tại buổi ra mắt bức tranh này tại Salon và đã hêt sức ngưỡng mộ bức hoạ. Còn danh hoạ Anh Sir Joshua Reynolds đã so sánh bức họa này với bức bích hoạ khổng lồ Sistine của Michelangelo và Stanze của Raphael. Reynolds đã nhiều lần tới Salon để ngắm đi ngắm lại, và sau khi ngắm tới lần thứ 10 ông tuyên bố đây là bức hoạ “hoàn hảo trên mọi phương diện”.
"Vườn xuân" - Hot girl Midu |
Tại tòa án Athens năm 399 tr.CN, thay vì chọn luật sư bào chữa, Socrates đã tự biện hộ. Lời tự biện (Apology) của Socrates đã được các môn đệ của ông là Plato và Xenophon ghi lại. Bản của Plato được coi là chi tiết và đầy đủ nhất. Dưới đây là bản tôi tự dịch vài đoạn hay nhất từ lời tự biện của Socrates theo Plato.
1) Socrates giải thích các hoạt động của mình.
Một người bạn của Socrates tên là Chaerephon đã hỏi bà đồng tại Delphi rằng liệu có ai thông tuệ hơn Socrates. Bà đồng phán rằng không có ai cả. Bởi bà đồng được coi là trung gian giữa người và thần linh, nên lời bà đồng nói là ý của Thượng Đế.
Nghe được câu trả lời, tôi tự nhủ, thần định nói gì đây? Phải giải mã câu đố của ngài thế nào đây? Bởi vì tôi biết tôi chẳng có tí thông tuệ nào cả. Vậy thần ám chỉ cái gì khi ngài nói tôi là người thông tuệ nhất? Ngài là thần nên ngài không thể nói dối, bởi nói dối sẽ mâu thuẫn với bản chất của ngài. Sau khi trăn trở suy nghĩ rất lâu, tôi nghĩ ra một phương pháp kiểm tra câu hỏi này. Tôi tư duy rằng nếu bây giờ tôi chỉ cần tìm được một người thông tuệ hơn tôi, là tôi có thể tới gặp thần để phản bác. Khi đó tôi sẽ nói với thần: “Đây là người thông tuệ hơn tôi, vậy mà ngài lại phán rằng tôi là người thông tuệ nhất.” Thế là tôi tới gặp một người được tiếng là thông tuệ, và quan sát ông ta – tôi không cần nêu tên ông ta; ông ta là một chính trị gia mà tôi đã chọn cho cuộc sát hạch này, và kết quả như sau: Khi tôi bắt đầu nói chuyện với ông ta, tôi không thể không nghĩ rằng ông ta thực ra không thông tuệ, mặc dù được nhiều người coi là thông tuệ, và tự cho là mình còn thông tuệ hơn nhiều người tưởng. Vì thế tôi đã cố giảng giải cho ông ta hiểu rằng ông ta nghĩ ông ta là thông tuệ, nhưng trên thực tế ông ta chẳng thông tuệ gì cả; hậu quả là ông ta thù tôi; và những người có mặt hôm đó nghe thấy tôi nói cũng thù ghét tôi. Tôi từ giã ông ta, bụng bảo dạ: Hê hê, dù giữa tôi và ông ta không ai thực sự biết gì về thiện và mỹ, tôi vẫn còn hơn ông ta bởi ông ta chẳng biết gì mà lại cứ cho rằng mình biết, còn tôi thì vừa không biết lại vừa không cho là mình biết. Đặc biệt về cái điểm thứ hai này thì tôi thấy tôi có hơn ông ta tí ti. Thế rồi tôi tới gặp một người khác còn kỳ vọng cao hơn về sự thông tuệ của mình, nhưng kết luận của tôi vẫn y hệt. Đồng thời tôi lại trở thành một kẻ thù của ông này và của nhiều người ngoài ông ta.Socrates nói:
Tôi đi gặp hết người này tới người khác, không phải tôi không biết là mình đã gây thù chuốc oán như thế nào, tôi than vãn và lo ngại điều này, nhưng tôi cần phải làm điều đó vì lời của Thượng Đế phải được ưu tiên số một. Tôi tự nhủ mình phải tới gặp tất cả những ai có vẻ hiểu biết để tìm ra ý nghĩa lời nói của bà đồng. Tôi thề với dân Athens, có Cẩu thần Ai Cập chứng giám, bởi tôi phải nói sự thật, rằng kết quả sứ mệnh của tôi chỉ có thế này: Tôi thấy những người tăm tiếng nhất lại là những kẻ ngu độn nhất; còn những người được kính trọng ít hơn thì té ra lại thông tuệ hơn và lương thiện hơn nhiều. Tôi sẽ kể lan man cho các vị nghe câu chuyện các cuộc đi lang thang gặp gỡ và công việc nặng nhọc mà tôi đã phải làm cuối cùng chỉ để thấy rằng lời của bà đồng là không thể phản bác được.
Sau khi gặp các chính trị gia, tôi đến gặp các thi sĩ, làm thơ bi tráng, thơ ca tụng, đủ loại. Và tại đây, tôi tự nhủ, mi sẽ lộ diện ngay lập tức: bây giờ mi sẽ thấy mi là kẻ kém hiểu biết hơn họ. Thế là tôi đem ra vài đoạn công phu nhất trong các tác phẩm của chính họ, và hỏi ý nghĩa của chúng, với hy vọng họ sẽ dạy dỗ tôi một điều gì đó. Các vị có tin được không? Tôi thấy thật xấu hổ khi phải thú nhận sự thật, nhưng tôi phải nói rằng trong tất cả những người có mặt tại đó hầu như không có người nào lại không thể bình các bài thơ này hay hơn chính tác giả của chúng. Thế là tôi hiểu rằngkhông phải dựa vào sự thông tuệ của mình mà các thi sĩ làm thơ, mà là nhờ có một thứ thiên tài và cảm hứng. Họ giống như các nhà tiên tri hay thày bói nói nhiều điều hay ho nhưng không hiểu nghĩa của chúng. Các thi sĩ hoá ra cũng không phải ngoại lệ; và tôi còn thấy càng giỏi thơ thì họ lại càng tin rằng họ những người thông tuệ nhất trong cả những thứ mà họ không biết gì cả. Và tôi bỏ đi, hiểu rằng tôi hơn họ cũng như tôi hơn các chính trị gia.
Cuối cùng tôi tới gặp các nghệ nhân. Như tôi có thể nói, tôi tự ý thức rằng tôi không biết gì hết, và tôi chắc chắn rằng họ biết nhiều thứ tinh tế; tôi đã không nhầm, bởi họ đúng là biết nhiều thứ mà tôi mù tịt, và về mặt này họ chắc chắn là thông tuệ hơn tôi. Nhưng tôi thấy kể cả nghệ nhân giỏi cũng mắc cùng một lỗi như các thi sĩ; – vì họ là các thợ giỏi nên họ cho rằng họ cũng biết tất cả các vấn đề cao siêu, và nhược điểm này đã che lấp sự thông tuệ của họ; và tôi thay mặt bà đồng tự hỏi chính mình liệu tôi có muốn là mình, không có cả kiến thức lẫn sự ngu tối của họ, hay là có cả hai như họ; và tôi tự trả lời mình và bà đồng rằng tôi thà cứ như tôi thế này còn hơn.
Cuộc tra vấn này đã gây cho tôi nhiều kẻ thù thuộc hạng tồi tệ nhất và nguy hiểm nhất và còn tạo cơ hội nảy sinh nhiều lời vu khống. Và tôi được gọi là thông tuệ, bởi những thính giả của tôi luôn tưởng tượng rằng tôi có một sự thông tuệ mà tôi thấy những người khác không có: Nhưng, hỡi những người Athens, sự thực chỉ có Thượng Đế là thông tuệ mà thôi, và bằng câu phán của mình, ngài đã muốn cho ta thấy rằng sự thông tuệ của con người có rất ít giá trị hoặc thậm chí hoàn toàn vô giá trị; và chẳng riêng gì Socrates đâu, ngài chỉ mượn tên tôi để làm ví dụ minh họa mà thôi, như để nói rằng, hỡi những con người, kẻ thông tuệ nhất là kẻ, cũng giống như Socrates, hiểu được rằng sự thông tuệ của mình thực ra không có giá trị gì hết. Và thế là, vâng lời thần linh, tôi đi khắp nơi để tìm truy tìm sự thông tuệ của bất cứ người nào có vẻ thông tuệ, cho dù đó là công dân Athens hay người ngoại quốc, và nếu người đó không thông tuệ, thì để chứng minh lời bà đồng, tôi chỉ cho người đó thấy là y không thông tuệ. Việc đó đã cuốn hút tôi khiến tôi không còn thời gian để tâm tới các vấn đề chung cũng như đời tư của tôi, nhưng tôi nghèo kiết xác vì cống hiến hết mình cho thượng đế.
Đi tìm đồng đội...??? |
2) Sau khi bị toà tuyên án tử hình, Socrates nói:
Chúng ta hãy tư duy theo một cách khác để thấy thật có lý hy vọng rằng chết là tốt, bởi một trong hai lý do sau đây – hoặc chết là trạng thái của hư vô và hoàn toàn mất hết ý thức, hoặc, như người ta thường nói, chết là sự thay đổi và di trú của linh hồn từ thế giới này tới một thế giới khác. Bây giờ nếu các vị cho rằng đó là mất hết ý thức, nhưng nếu chỉ là một giấc ngủ không bị đến cả các giấc mơ quấy nhiễu, thì chết sẽ là một cái lợi không thể tả được. Bởi nếu một người phải chọn ra cái đêm mà giấc ngủ của mình không bị đến cả mộng mị quấy nhiễu và đem nó so sánh với những ngày và đêm khác trong cuộc đời mình, và sau đó phải nói cho chúng ta biết có bao nhiêu ngày và đêm trong đời của anh ta tốt hơn cái đêm không mộng mị đó, thì tôi cho rằng, bất kỳ người nào, ngay cả bậc đế vương vĩ đại cũng không tìm ra nhiều ngày và đêm như vậy, chứ chưa nói một người bình thường. Nếu bản chất của chết là như thế, thì tôi cho rằng chết là được lợi bởi sự vĩnh hằng chỉ còn là một đêm duy nhất. Nhưng nếu chết là cuộc du hành tới một nơi khác, nơi cư ngụ của tất cả những người đã chết, như người ta vẫn nói, thì thưa các thân hữu và quý toà, hỏi còn cái tốt nào hơn thế? Nếu thực sự khi người du hành tới thế giới bên kia, anh ta được giải thoát khỏi các vị giáo sư luật của thế giới này, và tìm được các thẩm phán đích thực được cho là đang phán xét tại thế giới bên kia, như Minos và Rhadamanthus, Aeacus và Triptolemus, và các người con khác của Thượng Đế, những người từng rất công minh lúc sinh thời, thì cuộc du hành đó thật đáng làm. Có gì mà người ta không cho, khi có thể nói chuyện với Orpheus, Musaeus, Hesiod và Homer? Ha, nếu đúng như thế, thì hãy cho tôi chết rồi lại chết nữa. Tôi cũng sẽ được lợi và hứng thú cực kỳ nếu ở đó được gặp và nói chuyện với Palamedes, và Ajax con trai của Telamon, cùng bất kỳ người anh hùng nào của thời cổ đại phải chịu chết vì bị phán xử bất công; và tôi cho rằng sẽ rất sướng khi được so sánh những nỗi đau khổ của mình với những nối đau của họ. Nhưng trên hết, tôi sẽ có thể tiếp tục của truy tìm các hiểu biết đúng và sai; cũng như trong cuộc đời này, ở cả thế giới bên kia cũng vậy, tôi sẽ tìm ra ai thông tuệ, ai không thông tuệ nhưng lại tỏ vẻ thông tuệ. Thưa quý tòa, có gì mà người ta không cho, để có thể sát hạch thủ lĩnh cuộc chinh chiến Trojan, hoặc Odysseus hoặc Sisyphus hoặc vô số các nam nữ khác! Thật là một niềm sung sướng vô hạn khi được thảo luận với họ và đặt nhiều câu hỏi cho họ! Ở thế giới bên kia người ta không bắt một người phải chết chỉ vì nêu các câu hỏi, chắc chắn là không. Bởi lẽ, ngoài được hạnh phúc hơn chúng ta, họ là bất tử, nếu những gì người ta nói là đúng.
Vậy nên, hỡi quý toà, hãy vui về cái chết, và hãy hiểu cho rõ rằng,không có gì xấu có thể xảy ra với một người lương thiện, kể cả trong cuộc sống cũng như sau khi chết. Thượng Đế không bỏ qua người đó và sự nghiệp của y, cũng như cái kết thúc đang cận kề của tôi không phải vô cớ mà đã xảy ra. Nhưng tôi thấy rõ đã tới lúc tôi nên chết và thoát khỏi phiền toái thì hơn; vậy nên bà đồng đã không phản ứng gì. Vì thế tôi cũng không oán giận những người đã kết án tôi, những người đã buộc tội tôi; họ chẳng làm gì hại tôi cả mặc dù họ chẳng hề có ý làm điều tốt cho tôi; và vì thế tôi có thể nhẹ nhàng khiển trách họ.
3) Trong đoạn cuối cùng Socrates nói về các con của ông như sau:
Hỡi các thân hữu của tôi, khi các con tôi trưởng thành, tôi muốn yêu cầu các bạn trừng phạt chúng và sách nhiễu chúng, như tôi đã từng sách nhiễu các bạn, nếu như chúng tỏ ra chăm lo tới giàu sang hay bất cứ thứ gì hơn là chăm lo đức hạnh; hoặc nêu chúng tỏ vẻ là cái gì đó trong khi chúng thực sự không ra gì cả, thì hãy quở trách chúng như tôi đã từng quở trách các bạn vì đã không chăm lo tới điều đáng ra mình phải chăm lo, và cho rằng mình là một cái gì đó trong khi mình thực sự chẳng là cái gì cả. Nếu các bạn làm như vậy thì cả tôi và các con tôi sẽ nhận được công lý từ tay các bạn.
Đã tới giờ lên đường, và chúng ta đường ai người đó đi - tôi chết, còn quý vị sống. Đường nào tốt hơn thì chỉ có Thượng Đế mới biết.
Nguyễn Đình Đăng
(Một số ảnh không liên quan đến nội dung bài viết)
"Hững hờ" - siêu mẫu nội y châu Âu |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét