Thứ Hai, 13 tháng 5, 2013

Bò ra khỏi giếng thôi!


Chu Mộng Long: Bài viết đáng đọc của một giảng viên dạy chủ nghĩa Marx. Bảo vệ chủ nghĩa Marx không đồng nghĩa với giáo điều chủ nghĩa Marx. Việc nhiều giảng viên chổng khu đọc cho sinh viên chép giáo trình để rồi khi chấm bài chổng khu thưởng thức lại nguyên xi sản phẩm của mình là cách tự hủy chủ nghĩa Marx nhanh nhất.
Ít nhất, Marx đã bị xuyên tạc đến 3 lần làm cho Marx không còn là Marx nữa. Lần thứ nhất do chính những tín đồ trung thành một cách giáo điều rao giảng một cách lú lẫn cái Marx chưa hoàn tất. Lần thứ hai do những kẻ láu cá biên tập lại Marx theo động cơ quyền lực của kẻ láu cá. Và kết quả là, lần thứ ba do những kẻ thù địch chủ nghĩa Marx lợi dụng sự giáo điều hoặc láu cá ấy để chống Marx. 
Marx đang trở thành một bức tranh hí họa của thời đại nhiễu loạn thông tin. 
Tôi biết, đại đa số người ta không hề đọc Marx bởi đọc không nổi hoặc ghét lây Marx, hoặc đọc Marx một cách lười biếng để đi theo Marx hoặc chống Marx một cách ngu xuẩn hoặc láu cá! 
Cuồng tín hay thù địch đều tai hại như nhau, bởi vì cả hai đều không có tính xây dựng. Chỉ khác là một bên thành kính tự nguyện chui vào mồ, còn bên kia thì ngạo mạn vác cuốc đào mồ cũ lên để xây cho mình một nấm mồ mới. 
Khi tiếp xúc với ông, tác giả bài viết này, ông nói với tôi: Cứ làm đúng theo Marx đi, tình hình sẽ khác hẳn. Tôi gật:Nhưng phải học Marx một cách chân thực đã. Tức là phải đọc nguyên bản của Marx, chứ không phải qua một cái đầu lú lẫn hay láu cá nào đó. Thừa nhận hay phê phán Marx đều đòi hỏi phải chân thực!
Vậy là phải tự vấn mà bò ra khỏi giếng thôi! 
—————————————- 
BÒ RA KHỎI GIẾNG THÔI 
Quả thực Hegel có nói: “Tất cả những gì hiện thực đều là hợp lý, tất cả những gì hợp lý đều là hiện thực” nhưng là với khuynh hướng nhằm bênh vực tất cả những cái hiện tồn, chẳng hạn, “chế độ chuyên chế, nhà nước cảnh sát, tòa án nhà vua và chế độ kiểm duyệt” của Vương quốc Phổ. Nó là một “hiện thực”. 
F. Engels thầm nghĩ: tai hại chết người là ở chỗ này! Nhưng thật vô lý, một bác học như Hegel không lẽ lại ngờ ngệch quá đáng đến vậy… Và ông khẳng định: nếu nhà nước Vương quốc Phổ của Fridric Wilhem III; “và [của] bọn bày tôi của nhà vua” vẫn cứ sững sững ra như thế ấy, thì điều đó, quyết không có nghĩa là nó là hiện thực; “Tuyệt nhiên không phải tất cả những gì hiện đang tồn tại cũng đều là hiện thực”. Tính hiện thực của nhà nước Phổ chẳng qua chỉ là sự biện minh cho “tính chất xấu xa tương ứng của thần dân của chính phủ”. Sự hèn kém của tầng lớp tư sản quý tộc Đức, mà công chúng bấy giờ chắc là ưa lắm: thay vì tầng lớp này đưa tay ra, nó thò ra cái đuôi philixtanh. “Người Phổ thời bấy giờ đã có một chính phủ mà họ đáng có”(!). 
Công chúng thì muốn gì ở họ mà chả được. Nhà thì không có vườn, nay trái cây từ các tỉnh biên giới tràn về, không chỉ rẻ mà lại còn “bắt mắt” nữa… Ôi dào! Đói mới làm cho con người ta chết. Chưa ai chết vì đồ ăn bẩn bao giờ! 
Và, ông F. Engels quả quyết: Với Hegel, “tính hiện thực chỉ thuộc về những gì cũng đồng thời là tất yếu”. 
Nghe nói Đức vua Fridric Wilhem IV “cú” về chuyện này lắm. Ông này làu bàu: Tiên sư nhà cái anh Engels, anh chỉ được cái… vạch đường cho hươu chạy! “Tha cho thì cũng may đời / Làm ra…”. Anh thì anh cứ liệu cái thần hồn đấy, ta chưa “rờ” đến đâu đấy! 
Thật sự, cái mệnh đề triết học nổi tiếng của Hegel nói ở trên kia, làm cho bất kỳ một chính phủ thiển cận nào cũng biết ơn, nhưng nó lại cũng làm cho chính những cái chính phủ ấy rơi vào “chưng hửng”. Ông Engels lý giải rằng, cái gì trước đây là hiện thực thì trong quá trình biến đổi tất nhiên của nó sẽ trở nên không hiện thực, nghĩa là mất tính tất yếu, mất quyền tồn tại. Nó nhất định phải bị thay thế. Tỏ ra biết điều mà chết đi, không phản kháng lại thì sự thay thế ấy là “thay thế một cách hòa bình”, còn không thì “bạo lực là bà đỡ cho mọi xã hội cũ đang thai nghén một xã hội mới trong lòng” (K.Marx). 
Phép biện chứng chẳng là gì, ngoài cái là: hình thái cuối cùng coi những hình thái đã qua là những giai đoạn để nó đi đến chính bản thân nó. Cho nên, lâu dần thì rồi cái gì cũng trở thành bất hợp lý là do tính quy định của nó; “và tất cả những gì là hợp lý ở trong đầu óc con người thì được quy định là trở thành hiện thực, dù có mâu thuẫn đến đâu chăng nữa với cái hiện thực bề ngoài hiện đang tồn tại”. Ông Engels còn tiếp tục nói là, ý nghĩa thực sự cách mạng của mệnh đề triết học trên kia là ở chỗ nó “giáng đòn chí tử vào tính tối hậu của những sản phẩm tư tưởng và của hành động của con người”. Nó tuyên bố, chân lý mà triết học có nhiệm vụ phải nhận thức, không còn là một tập họp những nguyên lý có sẵn chỉ việc học thuộc; không bao giờ do chỗ tìm ra được cái gọi là chân lý tuyệt đối mà không còn gì phải làm ngoài việc khoanh tay và đứng ngắm. 
Bây giờ mới là lúc cần phải “trách” Marx, Engels: sao các ông thông thái vậy mà không làm luôn ra Internet và “tàu cao tốc”, những cái mà bây giờ mới thật sự đang cần vì nó đang gây ra không ít những điều phiền toái! 
Học thuyết khoa học nào thì rồi bao giờ cũng được bắt đầu chỉ với những đề xuất, những nhận định thể hiện dưới hình thức là những dự kiến, những ý tưởng, những phác thảo đầu tiên về một hiện thực nó xứng đáng phải có. Việc giải phẫu con khỉ là để y học đi tới nhận biết được về cấu tạo cơ thể con người, và khi y học quyết định can thiệp vào con người là để cứu con người chứ không phải là để cứu lấy những con khỉ. Nghiên cứu xã hội nguyên thủy với cái “mô hình con khỉ” dựa trên những tài liệu khoa học của Moorgan, chủ nghĩa Marx mạnh dạn đề xuất một kiểu tổ chức xã hội mới về lao động trong đó tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do cho tất cả mọi người, và ngược lại. 
Marx thấy cần phải giải phóng bản thân mình khỏi những ảnh hưởng giáo điều của những triết học chỉ bàn việc trên trời và đã vào hùa với Prometheus chống lại Zeus cùng với bức “tường lửa” Hephaestus với tinh thần của thời đại Kant, tinh thần phê phán. 
Phê phán triết học nhà nước của Vương quốc Phổ, Marx sớm nhận ra “tính cá thể đặc thù là tính cá thể của con người, và những chức năng, lĩnh vực hoạt động của nhà nước là những chức năng của con người”. Những chức năng của nhà nước “không phải là cái gì khác mà là những phương thức tồn tại và hành động của những phẩm chất xã hội của con người”, cho nên “những cá nhân là những người mang những chức năng và quyền lực nhà nước thì những cá nhân đó phải được xem xét căn cứ theo phẩm chất xã hội của nó”. Nếu triết học nhà nước Phổ coi cơ sở của xã hội là nhà nước thì Marx lại chủ trương phẩm chất xã hội của con người mới là cái thẩm thấu vào trong tất cả các lĩnh vực sinh hoạt xã hội. Cho nên hễ “Chính phủ mà làm hại dân thì dân [phải được] có quyền đuổi chính phủ” (Hồ Chí Minh). 
Tư tưởng cơ bản của chủ nghĩa Marx về cách mạng xã hội “đuổi chính phủ làm hại dân” được hình thành từ hiện thực trật tự xã hội Đức, một trật tự “thế giới làm mất tính người” do nguyên tắc duy nhất của chủ nghĩa chuyên chế là khinh miệt con người, làm mất nhân tính người ở con người. 
Tinh thần của việc giải phóng con người khỏi trạng thái xã hội đang làm mất nhân tính của nó, trước hết là tinh thần nhân văn, chưa phải là chính trị, hay đúng ra là chính trị chưa vay mượn được nó. Ông này quả quyết về một sự cần thiết “phải chặn ngang cái yết hầu của thế giới súc vật thụ động, hưởng lạc một cách vô nghĩa của bọn philixtanh”. Việc này, Darwin dùng chữ chọn lọc tự nhiên cho thế giới của ông. Còn Marx thì “chúng ta không bảo thế giới rằng: “đừng đấu tranh nữa” mà “chỉ giới thiệu cho thế giới thấy rõ là nó đấu tranh cho cái gì”. Cách mạng chính trị không phải là “phương thức giải phóng con người đến cùng”, “việc thủ tiêu chế độ tư hữu về mặt chính trị không những không xóa bỏ chế độ tư hữu mà thậm chí còn giả định chế độ tư hữu nữa”. Theo như ông này, “giải phóng chính trị là một tiến bộ lớn”, “nhưng thực ra nó không phải là hình thức cuối cùng của việc giải phóng con người”. Tuy hướng đến một cuộc cách mạng xã hội, cách mạng “cộng sản”, nhưng cách mạng cộng sản không phải chỉ có nội dung chính trị mà cơ bản là nội dung xã hội toàn diện với mục đích cao nhất và cuối cùng là giải phóng con người. Xét về mục đích, cách mạng xã hội bao giờ cũng chỉ là để giải phóng người lao động bị áp bức khỏi những trật tự hiện có, khỏi tình trạng thân phận nó là “một sinh vật bị làm nhục, bị nô dịch và bị khinh rẻ”. Nếu nhiệm vụ của cách mạng là xóa bỏ trật tự đã lỗi thời thì lực lượng và động cơ của cách mạng không thể là thứ gì khác hơn là quần chúng mà trong tiến trình sinh tồn của họ, họ đã đi đến được với những nhận thức về quyền lợi chính đáng của một con người. Cho nên “súng đẻ ra chính quyền” thì dễ, giữ chính quyền mới là cái khó (chữ của Trường Chinh). Khó giữ không có nghĩa là giữ được thì giữ, không giữ được thì cho nó mất. 
Giữ chính quyền không có nghĩa là giữ lấy bộ máy bạo lực, mặc dầu khi giành nó là giành một bộ máy bạo lực. Ở đây, giữ chính quyền là đừng để cho dân chúng “nổi cáu” lên mà đuổi chính quyền ra ngõ. Như thế, nghĩa là giữ chính quyền là tăng cường tính chất nhân dân, tức là dân chủ. 
Trong các định nghĩa về chuyên chính vô sản, thì định nghĩa chuyên chính vô sản là “chế độ dân chủ của nhân dân” được coi là chuẩn nhất. Vì thế mà Lenine lấy đó làm đá thử vàng: “chỉ người nào thừa nhận chuyên chính vô sản” mới là “người macxit chân chính” còn thì chỉ là giả danh cộng sản. Cho nên, “Nếu nước được độc lập mà dân không được hưởng tự do hạnh phúc thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”, có hàm nghĩa sâu xa là tự do hạnh phúc của nhân dân còn cao hơn cả chủ quyền đất nước nữa kìa. 
Còn tự do hạnh phúc của nhân dân có phải là quyền con người hay không, chủ quyền quốc gia có phải là vấn đề chính trị hay không? Để trả lời cho nó chỉ có thể phải bò ra khỏi giếng! 
Nguyễn Thanh Hải

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét